TPP đang chết hay chỉ trong tình trạng hôn mê?
Asia Sentinel
Tác giả: David Brown
Dịch giả: Trần Văn Minh
12-12-2016
Người dân Mỹ biểu tình phản đối TPP. Nguồn: internet
Trump có thể sửa đổi TPP lại thành Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương của Trump
Hai tuần sau khi thắng cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đưa một đoạn phim lên YouTube, trong đó tuyên bố vào ngày đầu tiên nhậm chức, “Tôi sẽ đưa ra thông báo về ý định sẽ rút khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thảm họa tiềm tàng cho đất nước của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta sẽ đàm phán những thỏa thuận thương mại song phương công bằng để mang việc làm và công nghiệp trở lại đất Mỹ“.
Tuy nhiên, nếu không phải là ngày đầu tiên sau khi nhậm chức thì sẽ rất sớm, chính quyền của ông Trump sẽ phải đối phó với thực tế các mối quan hệ kinh tế và chiến lược thế giới. Ông đã từng lấy lại một phần các tuyên bố trong vận động tranh cử và có thể cũng sẽ phải suy nghĩ lại lập trường của mình về TPP.
Các giám đốc điều hành công ty Mỹ đang xếp hàng để thuyết phục chính quyền và Quốc hội mới về các cơ hội mà hiệp ước này đưa đến việc gia tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, những sản phẩm thể hiện công nghệ cạnh tranh nhất. Họ cũng sẽ cảnh báo rằng việc hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng công nghệ thấp sẽ đẩy cao chi phí sinh hoạt, đặc biệt cho người nghèo ở Mỹ hơn.
Chắc chắn, NAFTA và các hiệp ước thương mại khác đã thay đổi môi trường kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, sự khó khăn của hàng triệu người bị mất việc làm hãng xưởng và rớt khỏi tầng lớp trung lưu Mỹ không thể đổ lỗi cho sự thiếu vắng những cơ hội làm việc khác. “Nền kinh tế mới” cũng đòi hỏi nhiều công nhân, miễn là họ có trình độ công nghệ cao.
Ví dụ, trong cùng thời gian ở Mỹ, việc làm trong kỹ nghệ khai thác than đá sụt giảm, ngành công nghiệp khí đốt bùng nổ, nhờ vào kỹ thuật khai thác dầu khí đá phiến. Vấn đề nằm ở chỗ không đủ cách đào tạo lại các công nhân cũ về các kỹ năng mới. Washington và các nhà kinh tế thị trường tự do, mà Washington dựa vào, đã không tính toán đến những hậu quả chính trị của sự thay đổi cấu trúc sâu rộng về nền kinh tế của Mỹ. Cả Reagan, hay Clinton, hai [cha con] Bush lẫn Obama cũng không chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc tái huấn luyện công nhân lao động thặng dư do những hiệp ước như NAFTA. Một chính quyền Trump thông minh có thể bước tới với sự thử thách đó.
Hơn nữa, Tổng thống Trump sẽ nói gì với các đối tác tiềm năng của chúng ta trong TPP? Nhật Bản, mới tuần rồi, đã phê chuẩn hiệp ước. Một số nước Châu Á khác đang cân nhắc làm điều giống như vậy. Ngoảnh mặt với Việt Nam hay Brunei là một chuyện, lờ đi Nhật Bản hay Úc, Singapore hay Hàn Quốc là một chuyện khác. Ông Trump nói rằng ông muốn các đồng minh của Mỹ chi tiêu nhiều hơn cho sự phòng thủ của chính họ. Có thể họ sẽ không làm gì để theo ý Trump nếu ông, trong khi đó, lấy TPP khỏi bàn hội nghị.
Trump chắc chắn có thể tìm ra cách để hoàn thành một cuộc tái đàm phán TPP mang tính trình diễn. Vào cuối ngày, sau một vài điều chỉnh với sự đồng thuận, ông có thể tuyên bố chiến thắng. Ông có thể nói rằng các nhà đàm phán của ông đã loại bỏ những điều khoản chỉ làm lợi cho các công ty đa quốc gia trong sự thiệt thòi cho tầng lớp công nhân Mỹ. Và sau đó, nếu ông có suy nghĩ sâu, ông sẽ thúc đẩy các chương trình đào tạo nhằm giải quyết khoảng cách ngày càng mở rộng giữa người giàu và người nghèo ở trong nước.
Ngay trước công du TT Obama vào tháng Năm, trong một bài viết cho trang Ba Sàm, tôi có nói rằng “Đất nước tôi cố gắng sống đúng theo những giá trị quốc gia đầy khát vọng và được nhiều người ngưỡng mộ. Trong lịch sử, Hoa Kỳ luôn là một quốc gia ‘đầy tham vọng’… Tuy nhiên, trong năm bầu cử nay, đặc biệt chúng tôi bị làm rối trí bởi các tranh luận nội bộ. Những người biết suy nghĩ lo rằng, chính trị Mỹ đã bị hỏng một cách vô vọng, rằng trung tâm chính trị đã rỗng đi và việc thỏa hiệp mang tính xây dựng đã trở thành chuyện gần như không thể có.
“Trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay, ứng cử viên Dân chủ trung dung Hillary Clinton vẫn có khả năng chiến thắng… Mỹ sẽ tồn tại. Chúng tôi đã qua được nhiều biến động chính trị-xã hội trước đây, và cuối cùng các tổ chức nhà nước của chúng tôi đã thích nghi với thực tế mới… Điều khác biệt bây giờ là có quá nhiều công dân đủ loại chưa được trang bị đủ để có thể vươn lên mạnh mẽ trong nền kinh tế thế kỷ 21 của chúng ta. Họ phải đánh vật để tránh rơi khỏi tầng lớp trung lưu. Giải quyết nhu cầu của họ cũng phải nằm trên cao trong chương trình làm việc của tổng thống kế tiếp“.
Khi ngày bầu cử đến gần, tôi đã lo lắng bởi sự chối bỏ bất cẩn của bà Clinton về những người ủng hộ ông Trump là “một bầy những kẻ tồi tệ.” Tôi than thở về sự kém khả năng của bà trong việc đối đầu với sự giận dữ mà đối thủ của bà đang thổi lên. Hành động và lời nói của bà đã không gây ảnh hưởng tốt tại nơi tôi ở, phần “đỏ” (bảo thủ) nhất của tiểu bang rất “xanh” (tiến bộ). Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng một Donald Trump lỗ mãng, tự mãn và dốt nát không thể được bầu vào chức vụ cao nhất của quốc gia.
Vào tháng Năm, khi bạn bè Việt Nam ghi lại bầu không khí phấn khởi của chuyến công du được thực hiện xuất sắc của Obama đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tôi cảnh báo rằng TPP không được ưa chuộng nhiều ở Mỹ. Hơn nữa, Mỹ vẫn còn bị sa lầy ở Trung Đông, bất kể sự quan trọng thế nào trong việc tái triển khai sức mạnh hải quân để bảo đảm mối quan hệ ổn định và cùng tăng trưởng trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương đối với sự an ninh và cuộc sống của chính chúng tôi. Tôi đã nói thêm rằng nhận thức về Việt Nam như là một nhà nước độc tài toàn trị cứng nhắc sẽ đặt ra những giới hạn rất thực về sự sẵn lòng của công chúng Mỹ khi nghĩ tới sự can thiệp thiên về phía Hà Nội trong một cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trong buổi bình minh u ám của ngày 9 tháng 11, suy tưởng về chính quyền Trump tương lai, tôi tự hỏi phải, chăng tôi hoặc bất kỳ người Mỹ nào vẫn còn có thể đứng ra để dạy đời các nước khác, về phước lành của dân chủ.
Vài hôm sau, tin nhắn đến từ các bạn bè Việt Nam. Cuộc bầu cử của Trump sẽ tác động thế nào đến thế đối tác đã trưởng thành của nước họ với Hoa Kỳ? Phải chăng Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giờ này đã chết?
Từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, ông Lê Hồng Hiệp đã gửi cho tôi một đường dẫn tới một đoạn phim về sự đề cập đến Việt Nam của Trump trong vận động tranh cử. Trong đó, tổng thống đắc cử kể ra một danh sách các nước đã “lấy mất việc làm, sự giàu có của chúng ta,” kết thúc với một câu hoài nghi: “ngay cả Việt Nam!” TPP là “mối nguy hiểm lớn nhất,” Trump khẳng định. Nó “sẽ buộc công nhân Mỹ phải cạnh tranh trực tiếp với công nhân Việt Nam, một trong những nước có mức lương thấp nhất thế giới”.
Đúng vậy, chỉ trích TPP là điều phổ biến. Những người ủng hộ ông Bernie Sanders (tranh với Hillary Clinton được bổ nhiệm ứng cử viên Đảng Dân chủ) cũng ghét TPP. Hillary Clinton, có lẽ đánh giá TPP quá khó không thể giải thích, đã từ bỏ nó sau sự hỗ trợ ban đầu. Bị lạc trong dòng thác lũ của những đoạn âm thanh là niềm hy vọng về cuộc thảo luận hợp lý về nỗ lực quan trọng, cho dù không hoàn hảo, trong việc điều lệ hóa các quy tắc của thế kỷ 21 để quản lý thương mại giữa các quốc gia.
Giờ đây, với cuộc bầu cử đã được quyết định, cuộc thảo luận đó phải xảy ra. Sự chấp thuận của Thống đốc Tiểu bang Iowa, ông Terry Branstad để phục vụ trong chức vụ Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc có thể là một dấu hiệu cho thấy tổng thống mới sẵn sàng giảm bớt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong 4 nhiệm kỳ làm giám đốc điều hành của tiểu bang Iowa, Branstad đã đầu tư rất nhiều sức lực trong việc tạo nên thị trường tốt cho nông phẩm của Iowa – và quả thật, sự quen biết với Chủ tịch Đảng Cộng sản Tập Cận Bình kể từ năm 1985, khi ông Tập chỉ là một quan chức ít được biết của tỉnh Hồ Bắc.
Phép thử thực sự về sự cam kết của Trump đối với thương mại – cho dù đả phá hay xây dựng – sẽ là sự lựa chọn đại diện thương mại Hoa Kỳ của ông, có nghĩa là, trưởng đoàn đàm phán. Các blogger ở Washington cho biết ông Trump đang xem xét cả hai nhà tự do thương mại Charles Boustany, một dân biểu Cộng hòa từ Louisiana, đồng sáng lập ủy ban “bạn của TPP,” và nhà điều hành cứng như đinh, Dan DiMicco, kẻ “hoài nghi thương mại sâu rộng”, người từ năm 2000 tới 2012 đã dẫn dắt Nucor, công ty thép lớn nhất và cạnh tranh nhất của nước Mỹ.
Theo Ba Sàm
David Brown là nhà ngoại giao Mỹ nghỉ hưu và chuyên gia về Việt Nam, là người thường xuyên viết cho Asia Sentinel.