TPP, công cụ của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương

Cac Bai Khac

No sub-categories

TPP, công cụ của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương
12 nước tham gia TPP.Nguồn : Freemalaysiatoday.com

Hoa Kỳ nhượng bộ trên hai hồ sơ lớn : dược phẩm và công nghệ xe hơi để đạt được Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với 11 đối tác trong vùng. Washington đặc biệt quan tâm đến quyền lợi và điều kiện lao động của công nhân viên, vai trò của giới công đoàn độc lập hay quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ. Doanh nhân Mỹ hài lòng vì TPP nhưng thủ tục phê chuẩn sẽ kéo dài.

Ngày 05/10/2015 tại Atlanta, Hoa Kỳ và 11 quốc gia đối tác chính thức hoàn tất đàm phán để thành lập một khu vực tự do mậu dịch lịch sử. Sau 7 năm và hơn 20 vòng đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, Hoa Kỳ, Canada, Chilê, Mêhicô, Pêru, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Singapore và Việt Nam đạt đồng thuận về « khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới ».

Văn kiện các bên vừa ký kết tại Atlanta còn phải được chính phủ và Quốc hội các nước liên quan phê chuẩn. Khó khăn lớn nhất có lẽ lại xuất phát từ Hoa Kỳ : Quốc hội Mỹ có thời hạn 90 ngày để xem xét trước khi biểu quyết thông qua hoặc bác bỏ trọn gói hiệp định TPP. Sớm nhất TPP chỉ được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào tháng 1/2016.

TPP liên kết 12 nền kinh tế chiếm đến 40 % GDP toàn cầu, với mục đích xóa bỏ các rào cản cho giao thương và nhất là làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Washington chờ đợi với Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương, tổng trao đổi mậu dịch của Mỹ với 11 đối tác trong vùng lên tới 400 tỷ đô la một năm, 50 % trong số đó là giao thương với Nhật Bản.

Dù đã được khởi động từ cuối năm 2008 đầu 2009, quá trình đàm phán TPP đã đầy rẫy những trở ngại. Một trong những thách thức bất ngờ là Nhà Trắng đã gặp phải sự chống đối ngay từ bên trong, không chỉ trong hàng ngũ của đảng Cộng Hòa đối lập mà còn cả từ chính đảng Dân Chủ của bản thân Tổng thống Barack Obama. Nhưng rồi cuối cùng Hành pháp Hoa Kỳ đã được Quốc hội lưỡng viện bật đèn xanh để tiến hành đàm phán.

Là một người theo dõi sát hồ sơ TPP chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trở lại với những nhượng bộ và đòi hỏi của phía Mỹ. Theo ông TPP với Hiệp định tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương, Mỹ dùng sức mạnh kinh tế để củng cố ảnh hưởng chính trị đối với các quốc gia trong vùng Châu Á –Thái Bình Dương, là một « hàng không mẫu hạm đối trọng với Trung Quốc ».

Bộ trưởng Thương mại 12 nước tham gia TPP kết thúc đàm phán tại Atlanta. Ảnh ngày 05/10/2015.Erik S. Lesser / European Pressphoto Agency)

RFI : Hoa Kỳ đã nhượng bộ những gì và áp đặt quan điểm trên hồ sơ nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nội dung chi tiết của các cam kết về hơn 70 hồ sơ trình bày trong 30 chương khá dài sẽ chỉ được công bố trong nhiều ngày tới vì còn phải qua các phần chuyên môn như trình bày, rà soát lại nhiều khái niệm luật pháp, chuyển ngữ rồi kiểm chứng lại văn bản v.v… Tuy nhiên, qua mộ số tiết lộ đây đó về phiên họp kéo dài tới bất ngờ tại Atlanta, người ta có thể suy đoán được một số điểm rất gay go trước khi Hoa Kỳ và 11 quốc gia đối tác đạt được một thỏa thuận mà các Bộ trưởng và giới chức hữu trách đánh giá là có ý nghĩa lịch sử. Riêng về Hoa Kỳ, phía Mỹ đã tranh đấu mạnh mà nhượng bộ cũng nhiều.

Một hồ sơ đáng chú ý là loại dược phẩm gốc sinh lý hay phôi bào, gọi tắt là biologic. Trong danh mục gần năm ngàn loại thuốc được TPP bàn cãi, khoảng ba ngàn bốn trăm loại là thuốc do doanh nghiệp Hoa Kỳ mất công nghiên cứu, chế biến và phân phối. Một đạo luật được cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa thông qua quy định rằng doanh nghiệp Mỹ cần thời hạn khai thác là 12 năm trước khi loại thuốc đó trở thành thuốc “đồng căn” –là dược phẩm gốc được mọi doanh nghiệp khác chế biến căn cứ trên thành phần gốc do doanh nghiệp Mỹ tìm ra.

Các nước khác thì nêu yêu cầu về đạo đức là phải sớm có thuốc rẻ cho dân nghèo mà thật sự là để kỹ nghệ dược phẩm của mình sớm sản xuất được loại thuốc “đồng căn” với sinh dược của Mỹ. Vì vậy, ngoài Nhật, hầu hết các nước đều yêu cầu Mỹ thu ngắn thời gian khai thác từ 12 năm xuống năm bảy năm. Dẫn đầu là Canada nơi mà các doanh nghiệp dược phẩm được bảo vệ tác quyền trong tám năm, hay Úc là đối tác có năm năm bảo vệ công nghệ dược phẩm của mình.

Kết quả thì Hoa Kỳ nhượng bộ bằng một quy định nhập nhằng giữa hai kỳ hạn năm năm và tám năm. Các doanh nghiệp sinh dược Hoa Kỳ thì vẫn giữ được tác quyền sáng chế nhưng đang chờ đợi chi tiết về quy định khá mập mờ nói trên. Cũng vì sự nhượng bộ ấy, Hiệp ước TPP bị giới dân cử của các tiểu bang có doanh nghiệp sinh dược đả kích hoặc nghi ngờ.

Hồ sơ thứ hai là Hoa Kỳ cũng đồng ý cho Nhật Bản bán xe vào Mỹ với phụ tùng chế tạo tại Á Châu là nơi người ta tin rằng lương rẻ sẽ khiến Nhật dễ cạnh tranh hơn. Chi tiết về thời hạn cam kết này vẫn chưa được rõ, nhưng gây quan ngại cho các doanh nghiệp chế biến phụ tùng xe hơi tại Michigan. Phía Hoa Kỳ còn nêu vấn đề về tình trạng lũng đoạn hối đoái của nhiều nước để bán xe vào Mỹ cho rẻ. Chẳng hạn, hãng Ford của Mỹ kịch liệt theo dõi chuyện ấy, với hàm ý là nhắm vào Nhật Bản khi Tokyo ào ạt bơm tiền làm đồng yen sụt giá và xe Nhật hóa ra rẻ hơn.

Thật ra, với các nước, đây là đòi hỏi lố bịch của Quốc hội Mỹ vì chính Hoa Kỳ đã ào ạt bơm tiền từ cuối năm 2008 khiến có lúc Mỹ kim sụt giá nặng. Phía Hoa Kỳ nhượng bộ là không nêu vấn đề này trong các cam kết của TPP, và bị doanh nghiệp trong nước phản đối, nhưng sẽ dùng đòn phép nghị trường rất nhiêu khê rắc rối của Quốc hội Mỹ để Thượng viện sẽ ra một đạo luật riêng, rồi kèm vào Hiệp ước TPP trước khi được phê chuẩn.

Đấy là về những nhượng bộ đáng chú ý nhất của Mỹ. Ngược lại, Hoa Kỳ mạnh mẽ đòi hỏi một số điều kiện được ghi vào văn kiện sẽ được Quốc hội từng nước phê chuẩn. Một vài thí dụ sau đây là đáng chú ý hơn cả : Thứ nhất là tôn trọng quyền lợi và điều kiện lao động của công nhân viên qua công đoàn độc lập và triệt để giải trừ nạn buôn người. Hai điều khoản này trực tiếp nhắm vào Việt Nam và Malaysia.

Thứ hai là tránh nạn cạnh tranh bất công nhờ sự ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp tư nhân có sân chơi bình đẳng- lại cũng là một điều khoản nhắm vào Việt Nam. Thứ ba là phải bảo vệ môi sinh, khái niệm mơ hồ mà thỏa mãn được cánh tả thích ôm cây xanh và cứu thú hiếm. Then chốt nhất, Hoa Kỳ đòi các nước phải nâng tiêu chuẩn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Và dù dịch vụ không bị rào cản quan thuế, Hoa Kỳ vẫn chiếm thế mạnh trong các ngành dịch vụ cao cấp, kể cả tư vấn kỹ thuật, nghệ thuật phim ảnh, âm nhạc, giải trí hay công nghệ tin học, v.v… chính là nhờ quyền sở hữu trí tuệ này.

RFI : Doanh nhân Hoa Kỳ có hài lòng không ? Hoặc có những lo ngại gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thói thường, khi được lợi thì các doanh nghiệp giữ im lặng, có khi sau khi đã kín đáo vận động. Hiệp ước TPP sẽ giảm trừ khoảng 18 ngàn thuế quan khác nhau nên giúp doanh nghiệp Hoa Kỳ bung vào 11 thị trường kia và có thể nâng mức xuất cảng của Mỹ, tạo thêm việc làm cho công nhân Hoa Kỳ. Nông sản là trường hợp đáng kể với các nông trại Mỹ vẫn được bảo vệ dù dân số không cao.

Nhưng các doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm về thị trường quốc tế thì hài lòng nhất. Ngược lại, giới tiểu thương thì vất vả hơn vì phải cạnh tranh với hàng ngoại sẽ đổ vào Mỹ với giá rẻ. Còn lại, các thành phần xưa nay được ưu đãi và bảo vệ, kể cả loại nghiệp đoàn quý tộc đang mất đoàn viên thì lo sợ và vận động chính trường để phản đối.

Như mọi khi và ở mọi nơi, các ngành chế biến không thể cải tiến để cạnh tranh thì phản đối. Trong khi doanh nghiệp cao cấp thì đã lên một trình độ khác, thiên về dịch vụ và trí tuệ, nên lặng lẽ cải tiến và khai thác cơ hội mới của TPP.

RFI : TPP đem lại những lợi ích gì cho Hoa Kỳ, về cả kinh tế lẫn chiến lược ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói chung, Hoa Kỳ có lợi lớn nhờ TPP. Theo dự phóng từ chính quyền thì mươi năm nữa, mỗi năm xuất cảng thêm được 123 tỷ đô la. Nhưng thật ra mối lợi ấy không lớn bằng các nước đang phát triển trong khu vực TPP. Từ nay, kinh tế của các quốc gia này thêm gắn bó với Hoa Kỳ và chính trị cũng vậy. Mối lợi chiến lược là Hoa Kỳ dùng sức mạnh và sức mua kinh tế để trở thành một trụ cột về chính trị của các nước Á Châu và của cả vành cung Thái Bình Dương.

Với triển vọng thành công trong hai năm tới, TPP có thể kết nạp thêm Hàn Quốc và cả Đài Loan. Khi ấy, như lời phát biểu vào Tháng sáu của một nhà vật lý học và chuyên gia lịch sử nay đang là Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ, TPP là một « hàng không mẫu hạm đối trọng với Trung Quốc ».

RFI : Cuối cùng, anh đánh giá thế nào về thỏa ước này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ có nền kinh tế số một toàn cầu với sức sáng tạo và khả năng cạnh tranh ít ai bì, nhưng lại có hệ thống chính trị suy đồi của một nền dân chủ mị dân với các chính khách chỉ muốn tái đắc cử.
Sáng kiến TPP là của bốn nước nguyên thủy từ 10 năm trước. Đến năm 2008, chính quyền Hoa Kỳ thời George W. Bush thấy hay nên nhập cuộc và nắm đầu máy để đẩy tới chỗ cao xa hơn với sự tham gia của nhiều nước khác. Qua năm 2009 thì lãnh đạo mới là chính quyền Mỹ, Barack Obama lại do dự đắn đo và học bài mất một năm mới hiểu ra mối lợi nên từ năm 2010 mới thật sự tiến vào đàm phán qua hơn 20 kỳ họp, với tiêu chí quá lạc quan.

Vì khi ấy, chính trường lại mở ra nhiều đợt du kích nghị trường bằng thủ thuật luật lệ đầy lắt léo tại cả hai viện để đảng Dân Chủ của Tổng thống Obama tấn công ngay công trình mà ông cho là hệ trọng cho nước Mỹ về cả an ninh lẫn kinh tế. Cho nên, sau kết quả đàm phán ở Atlanta vừa qua, các thành phần chống đối đang dàn trận để qua năm tới Quốc hội mới cứu xét Hiệp ước.

Năm 2016, nước Mỹ có tổng tuyển cử tức là bầu lại cả Tổng thống với Quốc hội, cho nên nội dung TPP bị xoi kính hiển vi và Hiệp ước sẽ còn bị phục kích liên hồi. Có khi Hoa Kỳ chỉ phê chuẩn Hiệp ước vào đầu năm 2017 với một số điều chỉnh sẽ làm các đối tác điên đầu. Kết luận thì kinh tế Hoa Kỳ có thể lãnh đạo thế giới, nhưng chính trị thì không. Đây là một cám dỗ cho các chế độ tại Matxcơva và Bắc Kinh.