Tp. HCM đứng 6/10 ‘đô thị nguy hiểm nhất thế giới’
VOA
16/10/2017
Tp. HCM bị The Economist xếp hạng 56 trên 60 đại đô thị trên thế giới về an toàn
Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, xếp thứ 6 trong số 10 đô thị nguy hiểm nhất thế giới, theo một báo cáo của tạp chí The Economist công bố hồi cuối tuần qua.
Báo cáo do bộ phận nghiên cứu và phân tích mang tên Đơn vị Tình báo (Intelligence Unit) của The Economist lập.
Với tên chính thức “Chỉ số các thành phố an toàn 2017”, báo cáo đánh giá 49 tiêu chí khác nhau về an ninh trong các lĩnh vực kỹ thuật số, sức khỏe, hạ tầng và cá nhân để xếp hạng 60 đại đô thị. Hà Nội, thủ đô Việt Nam, không nằm trong bảng đánh giá.
Trong 10 thành phố nguy hiểm nhất thế giới, châu Á và Trung Đông có tới 7 cái tên. Tp. HCM đứng thấp hơn Tehran của Iran và Manila ở Philippines, trên 4 thành phố đội sổ là Jakarta (Indonesia), Dhaka (Bangladesh), Yangon (Myanmar) và Karachi (Pakistan).
So với bảng xếp hạng đầu tiên được công bố cách đây 2 năm, Tp. HCM năm nay bị tụt hạng 10 bậc, Jakarta tụt 13 bậc.
Ngược lại, trong 10 thành phố an toàn nhất thế giới, có 6 cái tên của châu Á-Thái Bình Dương, đứng đầu là Tokyo, Singapore và Osaka.
Các thành phố thuộc nhóm an toàn nhất là nơi có chăm sóc sức khỏe tốt nhất, hạ tầng vận tải công cộng thuận tiện và giá bất động sản cực kỳ cao. Đối lập lại, những đô thị chót bảng, trong đó có Tp. HCM, hầu hết nằm ở các nước đang phát triển và quá tải về dân số.
Những người lập báo cáo đã nghiên cứu rộng khắp và phỏng vấn sâu nhiều chuyên gia. Bản báo cáo có đoạn viết rằng kết quả của cuộc nghiên cứu “một lần nữa cho thấy hố sâu ngăn cách về đẳng cấp an toàn giữa thế giới đang phát triển có mức đô thị hóa nhanh chóng và thế giới đã phát triển giờ đây đang trì trệ”.
Tôi cảm thấy đây là một thành phố đúng là nguy hiểm. Thứ nhất là về tỉ lệ tai nạn giao thông. Gần như ngày nào tôi cũng nhìn thấy tai nạn giao thông. An ninh về mặt con người hay về mặt tài sản cũng không được đảm bảo bởi vì thường xuyên xảy ra cướp trên đường hay trộm trong nhà.
Anh Hoàng Dũng, cư dân Tp. HCM
Không bị xếp vào 10 nước tồi tệ nhất về an ninh sức khỏe lẫn an ninh hạ tầng, nhưng Tp. HCM bị xếp hạng gần đội sổ về tiêu chí an ninh kỹ thuật số và an ninh cá nhân. Ở cả hai mặt này, đầu tàu kinh tế của Việt Nam đều đứng lần lượt ở vị trí thứ 6 và thứ 8 trong nhóm 10 tồi nhất.
An ninh kỹ thuật số liên quan đến các công nghệ “thành phố thông minh” và việc bảo vệ các công nghệ đó.
Theo báo cáo, 4 trong 5 thành phố trong nhóm kém nhất, kể cả Tp. HCM, là những nơi có thu nhập thấp. Các thành phố này thường còn yếu kém về công nghệ. Bên cạnh đó, do còn phải đối phó với các thách thức khác như bệnh truyền nhiễm và nghèo đói, các thành phố này càng coi an ninh kỹ thuật số là hạng mục ít ưu tiên.
Về tiêu chí an ninh cá nhân xét đến tội phạm đô thị, án mạng và tấn công khủng bố, Tp. HCM đứng thấp hơn Moscow và Yangon, chỉ trên Caracas của Venezuela và Karachi của Pakistan.
Anh Hoàng Dũng, một cư dân Tp. HCM lâu nay tích cực vận động cho tiến bộ xã hội, nói với VOA:
“Tôi cảm thấy đây là một thành phố đúng là nguy hiểm. Thứ nhất là về tỉ lệ tai nạn giao thông. Gần như ngày nào tôi cũng nhìn thấy tai nạn giao thông. An ninh về mặt con người hay về mặt tài sản cũng không được đảm bảo bởi vì thường xuyên xảy ra cướp trên đường hay trộm trong nhà, mà thường xuyên là tôi chứng kiến thấy”.
Trang web của thành phố lớn nhất Việt Nam cho hay trong năm 2016 gần 4.000 vụ tai nạn giao thông đã làm chết 805 người, bị thương hơn 3.200 người. Tp. HCM tính đến năm ngoái có hơn 8,1 triêu người, theo con số chính thức.
Trong cùng năm, công an thành phố nói đã xảy ra hơn 5.200 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có gần 900 vụ cướp giật và 93 vụ giết người. Theo công an, số các vụ đã giảm hơn 14% so với năm trước. Đây là con số được ghi nhận qua các vụ được trình báo, nhiều người cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Chưa có con số của năm 2017, nhưng ở thành phố này chỉ trong hơn 1 tháng trở lại đây đã xảy ra 2 vụ gây chú ý ở mức độ quốc tế. Đó là đạo diễn người Mỹ Jordan Vogt, đại sứ du lịch của Việt Nam, bị đánh chảy máu đầu tại một quán bar hồi đầu tháng 9, và một nhà ngoại giao thuộc lãnh sự quán Mỹ bị cướp đồ trên taxi hồi cuối tháng 9.
Giao thông quá tải, ô nhiễm không khí làm Tp. HCM kém an toàn
Ngoài an toàn thân thể và tài sản, những người sinh sống ở Tp. HCM còn lo lắng về các mối nguy do hạ tầng thiếu thốn hoặc xuống cấp. Anh Hoàng Dũng, 38 tuổi, cho biết:
“Những công trình xây dựng không được đảm bảo thỉnh thoảng lại có sắt rơi xuống đường. Hay các hố ga, thỉnh thoảng lại có bé bị chui vào trong hố ga khi trời mưa đến ngập. Đặc biệt là việc ngập nước ở đường phố cùng là một nguồn nguy hiểm. Và một cái nữa cần kể đến là ô nhiễm không khí. Tôi ở đây hơn 10 năm rồi và tôi thấy cái độ đục của bầu trời càng ngày càng trở nên nặng nề”.
Những chính sách ông Nguyễn Thiện Nhân đề ra tôi nghĩ sẽ không có hiệu quả. Trước khi ông trở thành bí thư của Tp. HCM ông đã kinh qua nhiều chức vụ nhưng không để lại dấu ấn gì. Ông Nguyễn Thiện Nhân tôi không đánh giá cao.
Anh Hoàng Dũng, cư dân Tp. HCM
Nam cư dân của Tp. HCM này đưa ra nhận định là nếu tạo ra mức sống tốt và công ăn việc làm ở các tỉnh, người dân sẽ không đổ dồn về trung tâm kinh tế số 1 của Việt Nam, tránh cho thành phố ngày càng chật chội, ngột ngạt, kém an toàn.
Trùng với ngày The Economist công bố báo cáo nêu tên Tp. HCM trong nhóm những đô thị nguy hiểm nhất thế giới, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy, đã tiếp xúc cử tri và tuyên bố trong quý 4 năm nay, bộ máy dưới sự chỉ đạo của ông sẽ lập các đoàn đi tới các quận, huyện để ghi nhận ý kiến hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền các cấp.
Liệu động thái này sẽ giúp cải thiện thành phố đến mức nào, nam cư dân Hoàng Dũng đưa ra ý kiến:
“Những chính sách ông Nguyễn Thiện Nhân đề ra tôi nghĩ sẽ không có hiệu quả. Trước khi ông trở thành bí thư của Tp. HCM ông đã kinh qua nhiều chức vụ nhưng không để lại dấu ấn gì. Ông Nguyễn Thiện Nhân tôi không đánh giá cao. Do vậy, tôi cho rằng chính sách này của ông ấy cũng sẽ chẳng đi đến đâu”.
Xếp hạng về an toàn của The Economist được đưa ra gần 10 tháng sau một báo cáo khác tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tháng 1 năm nay, theo đó Tp. HCM đứng thứ 2 trong số 10 thành phố năng động nhất thế giới.