Putin thúc giục đàm phán
Theo BBC – 05:27 GMT – Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014
Tổng thống Putin kêu gọi đàm phán để bàn về “thành lập cơ chế nhà nước” cho miền Đông Ukraine, theo truyền thông Nga đưa tin.
Ông nói vấn đề này cần được thảo luận nhằm đảm bảo lợi ích của người dân địa phương “chắc chắn được tôn trọng”.
Bình luận của tổng thống được đưa ra sau khi châu Âu cho Nga thời hạn một tuần nhằm thay đổi hành động ở Ukraine, nếu không sẽ phải đối mặt với cấm vận mới. Nga phủ nhận cáo buộc của phương Tây rằng lực lượng quân sự của nước này đã trái phép vượt qua miền Đông Ukraine nhằm hỗ trợ phe ly khai. Ông Putin nói kết cục của cuộc khủng hoảng không thể nào đoán trước. “Điều này phụ thuộc phần lớn vào ý đồ chính trị của các nhà cầm quyền Ukraine hiện nay,” hãng thông tấn Nga Itar Tass dẫn lời tổng thống. Ông cũng bác bỏ đe dọa trừng phạt của châu Âu, cáo buộc châu Âu “hỗ trợ cuộc đảo chính” ở Ukraine. Phe nổi dậy thân Nga đang giành thắng lợi trước quân đội Ukraine trong những ngày gần đây ở vùng Donetsk và Luhansk. Khoảng 2.600 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Khủng hoảng miền Đông Ukraine nổ ra từ tháng 04/2014 sau khi Nga sáp nhập phía Nam bán đảo Crimea trước đó một tháng.
Lính Nga ở Ukraine
Cũng hôm Chủ nhật 31/08, Truyền thông Nga đưa tin 10 lính dù Nga đã trở về nhà trong cuộc trao đổi với 63 quân nhân Ukraine bị Nga bắt giữ. Bài viết trên Bấm The Independent hôm Chủ nhật miêu tả: “Những người đàn ông này trông có vẻ mệt mỏi, bại trận và mất tinh thần. Mặc áo lính vằn vện màu xanh lá, họ nhìn trân trân vào máy quay và cố gắng giải thích vì sao lính nhảy dù của Nga lại có mặt ở miền Tây Ukraine.” “…Cách đó hàng trăm dặm, bên ngoài một doanh trại quân đội cấp tỉnh ở Kostroma, cách Moscow khoảng 200 dặm về phía Đông Bắc, một nhóm phụ nữ tụ tập trên vỉa hè, có người còn mang theo xe đẩy. “Gia đình của nhóm 10 người thuộc Trung đoàn Lính dù 331 yêu cầu được biết điều gì đã xảy ra đối với con trai họ, mà theo lực lượng an ninh Ukraine, bị bắt ở gần làng Dzerkalne ở vùng Donetsk, trong lúc chiến đấu sát cánh với những người nổi dậy thân Nga ở các tỉnh miền Đông Ukraine.” Báo Washington Post dẫn lời một người mẹ, bà Tatiana Arkhipova, 42 tuổi, con trai là Sergei, 22 tuổi – thuộc số bị bắt. Bà nhớ lại bà lái xe đi từ sáng sớm tới Kostroma, ở đó các quan chức xác nhận con bà đã bị bắt, và từ chối trả lời mọi câu hỏi khác. “Nếu có kế hoạch điều chúng sang Ukraine thì chắc là phải có ai đó thông báo cho chúng rồi, và nếu thế thì có lẽ nó đã không đi,” bà nói với Washington Post.
Bình luận trên báo Anh, tờ Sunday Times 31/8, cây bút Dominic Lawson viết rằng ông Putin đã được người Nga ủng hộ cao sau khi “giải phóng Crimea mà không mất một người lính Nga”. Nhưng nay uy tín ông Putin sẽ “xuống dốc cùng con số thanh niên Nga tử trận” ở Ukraine, trong cuộc chiến chỉ có 10% người Nga ủng hộ việc đưa quân sang nước láng giềng, theo ông Lawson. Liên minh châu Âu đã ra thời hạn một tuần cho Nga để thay đổi hành động của họ ở Ukraine nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói châu Âu đang làm việc khẩn cấp để bàn về các biện pháp trừng phạt tiếp theo. Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói nước ông ‘đang đến gần đến điểm không thể quay lại: một cuộc chiến tranh toàn diện với nước Nga’. Hôm 26/08 Moscow phủ nhận việc gửi quân đội sang chiến đấu ở Ukraine, và nói lính của họ đã “sơ suất” vượt qua biên giới. Mỹ và châu Âu đã ban hành lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với nhiều quan chức cấp cao của Nga cũng như các lãnh đạo phiến quân ở miền đông Ukraine. Phương Tây cũng đã hạn chế các khoản cho vay đối với các ngân hàng nhà nước của Nga, cấm xuất khẩu các công nghệ có liên quan đến quốc phòng đến Nga.