Tổng thống Pháp hội đàm với Tổng thống Mỹ sau vụ khủng bố ở Paris
Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 24/11/2015. Theo VOA
24.11.2015
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Tòa Bạch Ốc ngày hôm nay (24/11), chưa đầy hai tuần sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris. Theo các nhà phân tích, ông Hollande sẽ hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ huy động nhiều nguồn lực hơn để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo, trong lúc ông ra sức tranh thủ sự ủng hộ của các nước khác cho một cuộc phản công có phối hợp nhắm vào tổ chức khủng bố này.
Tổng thống Hollande sẽ đến Tòa Bạch Ốc ngày hôm nay, một ngày sau khi hội kiến Thủ tướng Anh David Cameron, là người đã cam kết những sự trợ giúp mới cho Pháp trong chiến dịch không kích nhắm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Ông Cameron hôm thứ Hai cho biết ông sẽ yêu cầu quốc hội Anh cho phép tham gia cuộc chiến đấu chống lại các phần tử thánh chiến, đồng thời đề nghị để cho các chiến đấu cơ Pháp được sử dụng một căn cứ không quân của Anh ở Chypre để thực hiện những vụ oanh kích nhắm vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Theo dự liệu, tại cuộc hội đàm ở Tòa Bạch Ốc hôm nay, ông Hollande sẽ thúc giục Tổng thống Obama huy động thêm các nguồn lực để chống Nhà nước Hồi giáo, trong lúc ông tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho một cuộc phản công có phối hợp nhắm vào nhóm khủng bố này.
Khi được hỏi về những kết quả có thể có từ cuộc hội đàm, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ Hai cho biết ông không muốn hạ giảm tầm quan trọng của việc bày tỏ hậu thuẫn và đoàn kết.
Ông nói: “Đây là lúc người dân nước Pháp đang đau buồn. Và khi họ biết là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới sẵn sàng che chở cho họ trong lúc họ xác định những gì cần làm để tăng cường an ninh của nước họ và đưa cuộc chiến đấu tới sào huyệt của nhóm Nhà nước Hồi giáo, tôi nghĩ rằng đó sẽ là một nguồn an ủi khá lớn cho người dân nước Pháp”.
Chống Nhà nước Hồi giáo
Pháp đang gia tăng cường độ của cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo ở Syria sau vụ khủng bố ở Paris giết chết 130 người và gây thương tích cho hơn 300 người.
Paris đã điều hàng không mẫu hạm duy nhất của họ là chiếc Charles de Gaulle đến Địa Trung Hải để tham gia chiến dịch không kích ở Syria.
Chiến đấu cơ Rafale của quân đội Pháp cất cánh từ hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle ở Địa Trung Hải.
Ông Josh Earnest tỏ ý hoan nghênh những vụ không kích của Pháp và đề cập tới điều ông gọi là “sự đóng góp đáng kể” của Mỹ cho nỗ lực của Pháp.
Ông nói: “Những vụ không kích mà họ thực hiện ngày hôm nay là dựa vào những mục tiêu do Hoa Kỳ xác định, dựa trên những thông tin tình báo mà Hoa Kỳ thu thập. Họ được hỗ trợ cho việc tiếp tế nhiên liệu trên không do Hoa Kỳ thực hiện và họ được yểm trợ bởi các hoạt động đề phòng bất trắc, chẳng hạn như những hoạt động tìm kiếm, cứu hộ”.
Khi được hỏi về những sự đóng góp mà Hoa Kỳ sẽ dành thêm cho chiến dịch của liên minh 65 nước chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo, ông Earnest cho biết Hoa Kỳ sẽ làm hết sức mình.
Ông Bruce Jones, một nhà phân tích của Viện Brookings ở Washington, cho rằng cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc giữa Tổng thống Obama với Tổng thống Hollande nêu bật vị trí quan trọng của các nước phương Tây và sự cần thiết của việc tăng cường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong bối cảnh của những vụ khủng hoảng hồi gần đây, như vụ khủng bố ở Paris hay làn sóng người Syria tị nạn tràn vào Âu châu.
Ông nói: “Điều trước tiên mà Tổng thống Obama nên làm với Tổng thống Hollande là nhớ kỹ khái niệm Tây phương và chứng tỏ một sự sẵn sàng để sử dụng các khí cụ tình báo, quân sự và kinh tế để bảo vệ các giá trị Tây phương. Tôi nghĩ rằng điều đó có nghĩa là một sự gia tăng đáng kể về cường độ và tốc độ của cuộc chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo”.
Yếu tố Nga
Sau cuộc họp tại Washington, Tổng thống Hollande sẽ đến Moscow trong tuần này để họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga đã thực hiện chiến dịch oanh kích ở Syria gần hai tháng nay, nhưng chiến dịch này bị các chính phủ Tây phương chỉ trích là chỉ nhắm vào các nhóm nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad, chứ không nhắm vào Nhà nước Hồi giáo.
Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai lặp lại lời chỉ trích này. Phát ngôn viên Josh Earnest cho rằng qua việc “chống lưng” cho chế độ Assad, Nga tiếp tục gây phương hại cho những nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một giải pháp chính trị ở Syria.
Ông nói: “Nếu Nga sẵn sàng thay đổi chiến lược và sẵn sàng tập trung các nỗ lực của họ vào nhóm Nhà nước Hồi giáo và làm việc với cộng đồng quốc tế để làm điều đó, chúng tôi sẽ hoan nghênh họ gia nhập liên minh chúng tôi. Và những nỗ lực và những nguồn lực mà họ sẽ đóng góp chắc chắn là sẽ quan trọng. Nhưng cho đến nay họ vẫn chưa làm điều đó”.
Tổng thống Obama đã thảo luận về vấn đề này với Tổng thống Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước. Chủ nhật vừa qua, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết việc một chiếc máy bay chở khách của Nga bị đánh bom và bị rơi ở bán đảo Sinai của Ai Cập hồi tháng trước đã làm cho ông Putin hiểu rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo là mối đe dọa lớn nhất của Nga ở Trung Đông.