Tổng thống Obama: Mỹ không dính líu vào cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
Những người ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫy quốc kỳ và cầm một bức chân dung của giáo sĩ Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo tại Mỹ, với hàng chữ Thổ Nhĩ Kỳ “kẻ đảo chính phản bội quốc gia, Feto” (Feto là biệt danh của giáo sĩ Fethullah Gulen).
23.07.2016
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng Mỹ không hề biết và cũng không nhúng tay vào cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen có cơ sở ở Mỹ hoặc là thuộc hạ của ông đứng sau âm mưu lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bất thành hôm 15 tháng 7.
Tổng thống Obama hôm thứ sáu nói rằng bất cứ tin tức nào nói rằng Hoa Kỳ nhúng tay vào kế hoạch đảo chính là “sai hoàn toàn.” Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đã nói điều đó với Tổng thống Erdogan trong cuộc điện thoại hồi trước đây trong tuần.
Ông Obama cũng nói rằng chính phủ Hoa Kỳ hy vọng khi sự việc rõ ràng hơn, “sẽ không còn hành động quá tay mà trong một cách thức nào đó dẫn đến việc tước đoạt quyền tự do dân sự” hoặc đàn áp phe chính trị đối lập hay các ký giả bày tỏ những lo ngại về chính phủ.
Tổng thống Obama cũng nói rằng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đòi dẫn độ giáo sĩ Gullen từ nơi ông sống lưu vong ở bang Pennsylvania của Mỹ phải làm theo đúng quy định pháp lý của Mỹ, và lệnh dẫn độ chỉ được đưa ra một khi Ankara chứng minh là ông Gullen đứng sau cuộc đảo chính đó.
Tinh thần bài Mỹ đang dâng cao ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính trong bối cảnh ngày càng có nhiều gợi ý cho rằng Mỹ nhúng tay vào cuộc đảo chính.
Tại cuộc họp báo ở Washington hôm thứ sáu, Ðặc sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Mỹ, ông Serdar Kilic nói rằng giới hữu trách nước ông đang làm việc với Bộ Tư pháp Mỹ về yêu cầu dẫn độ ông Gullen “trong cách thức tương xứng với mối quan hệ liên minh giữa hai nước.”
Ông Kilic nói rằng phần lớn tài liệu Ankara cung cấp lấy từ hàng chục ngàn trang hồ sơ là bằng chứng từ một cuộc điều tra của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2013.
Ông cũng nói rằng các điện thư ngoại giao của Mỹ bị lộ trên WikiLeaks cho thấy các giới chức Mỹ phải biết rõ mức độ mà những người theo ông Gulen xâm nhập vào chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng cho đến nay nhà chức trách câu lưu 10.400 người có liên quan đến cuộc đảo chính và 4.060 người đã bị bắt.
Họ cho biết một số người bị bắt nói rằng âm mưu được ông Gulen chỉ đạo.
Ông Kilic cũng cho biết có thể sẽ có nhiều người nữa bị bắt trong cuộc thanh lọc hiện nay.