Tổng thống Nga lạc quan về kinh tế, giới chuyên gia hoài nghi
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chương trình gọi điện thoại đặt câu hỏi hàng năm có tên ‘Trò chuyện với Vladimir Putin’ trên truyền hình Nga ở Moscow, 16/4/2015
Theo VOA – 17.04.2015
Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Năm vẽ ra một bức tranh lạc quan về nền kinh tế Nga, nhưng các chuyên gia nói rằng tình hình kinh tế của Nga vẫn bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu thế giới thấp và tác động của những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow vì sự can thiệp của nước này trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong một chương trình thính giả gọi điện thoại đặt câu hỏi kéo dài bốn giờ, ông Putin cho biết nền kinh tế Nga, theo dự đoán của ngân hàng trung ương sẽ thu hẹp 4 phần trăm trong năm nay, có thể tăng trưởng trở lại trong vòng chưa đầy hai năm. Sự tăng trưởng này nhanh hơn so với dự đoán của ông khi Mỹ và các quốc gia châu Âu lần đầu loan báo những biện pháp trừng phạt vào năm ngoái.
“Đồng rúp đã ổn định và đã mạnh lên,” ông Putin nói. “Các chuyên gia tin rằng chúng ta đã vượt qua đỉnh điểm của những vấn đề. Không có suy sụp và tất cả mọi thứ đều ổn thỏa.”
Ông hạ giảm tầm quan trọng của tình trạng thoái vốn khỏi Nga – ước tính hơn 100 tỉ đôla vào năm ngoái – cũng như lạm phát và thất nghiệp tăng cao, nói rằng những vấn đề này đã không có ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo suy thoái ở Nga trong năm nay. Giá dầu thô sụt giảm trên thị trường toàn cầu là một nhân tố quan trọng cho nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Moscow.
Tại Washington, khi được hỏi về đánh giá lạc quan của ông Putin cho nền kinh tế Nga, bà Christine Lagarde, giám đốc điều hành IMF, không thay đổi dự báo của tổ chức này. Nhưng bà cũng nói rằng, “Tôi mong là chúng tôi sai khi đưa ra dự đoán tăng trưởng âm ở bất cứ quốc gia nào.”
Ông Roman Sheremeta, giáo sư kinh tế tại Đại học Case Western ở thành phố Cleveland, Ohio, nói với VOA rằng đánh giá của ông Putin cho là nền kinh tế đang cải thiện mâu thuẫn với tỉ lệ lạm phát 17 phần trăm ở Nga vào năm ngoái và tác động ngày càng lớn của các biện pháp trừng phạt.
“Tôi thấy có sự khác biệt lớn giữa thực tế và những gì ông ta tuyên bố,” ông nói. “Tôi thực sự không thể chỉ ra ai sẽ tin được thông điệp kiểu này.”
Ông nói thông điệp kinh tế lạc quan của ông Putin là hướng đến đối tượng là người dân Nga, dù các nhà phân tích bên ngoài bác bỏ thông điệp này.
“Tôi không thấy bất kỳ triển vọng nào để nền kinh tế cải thiện vì những biện pháp trừng phạt thậm chí sẽ tác động mạnh hơn vào năm sau,” ông Sheremeta nói.
Ông Mark Schrad, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Villanova ở Philadelphia, bang Pennsylvania, nói với VOA rằng nền kinh tế Nga đang đối mặt với những khó khăn vượt ra ngoài việc giá dầu xuống thấp và những biện pháp trừng phạt.
“Điều tôi lo lắng hơn là triển vọng dài hạn không tích cực,” ông Schrad nói. “Không có có nhiều đầu tư vào những thứ mà có thể làm nền kinh tế mạnh lên khi nói đến việc chống tham nhũng, củng cố cơ sở hạ tầng. Có vẻ như điều ngược lại đã xảy ra trong những năm gần đây dưới quyền của ông Putin. “
Ông Putin nói rằng Nga phải tranh thủ khoảng thời gian nước này chịu những biện pháp trừng phạt của phương Tây để thúc đẩy nền kinh tế của mình theo những cách chưa từng làm trong quá khứ.
“Chúng ta phải tận dụng tình hình hiện tại, vì những chế tài, để đạt được những mức phát triển mới,” nhà lãnh đạo Nga nói. “Chúng ta có thể không làm được điều đó, nhưng ví dụ, sự nhập khẩu thay thế này, chúng ta bị ép phải làm vậy. Và tôi hy vọng là nó khuyến khích chúng ta phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao với tỷ lệ tăng trưởng nhanh hơn trước.”