Tổng thống Duterte toan tính về đâu?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tổng thống Duterte toan tính về đâu?

Vũ Cao Phan

Gửi cho BBC từ Đại học Bình Dương
10 tháng 11 2016

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gặp cộng đồng Philippines ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 9/11
Image copyrightAP
Image captionTổng thống Philippines Rodrigo Duterte gặp cộng đồng Philippines ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 9/11
Ít có vị nguyên thủ quốc gia nào lại dành cho 100 ngày thử thách đầu tiên của mình một chương trình thăm viếng nước ngoài bận rộn như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Lúc này thì các chuyến thăm làm việc ấy đã tạm dừng và gần như cũng tạm dừng những tuyên bố đôi khi văng mạng, trái ngược nhau với vẻ bất cần, gây sốc của ông.

Tranh cãi

Nhưng câu chuyện vẫn nóng và người ta vẫn chờ đợi để có được sự đánh giá xác đáng về “nhân vật” này. Tạm gom thành hai luồng ý kiến:
Quyết liệt đánh ma túy nhưng quá đà ở cấp quốc gia do thiếu kinh nghiệm. Một phong cách khác thường.
Về đối ngoại: xoay trục qua Trung Quốc, chống Mỹ.
Ở luồng ý kiến sau, kết nối với chuyến đi Bắc Kinh mua tàu chiến cùng những lời nói có cánh về quan hệ Malaysia – Trung Quốc của Thủ tướng Najib Razak ngay sau đó, cũng như chuyến thăm nước này đang diễn ra của Tổng thống Duterte đã khiến dư luận thế giới và khu vực phải dỏng tai?
Xin đặt sang một bên ” vấn đề Malaysia” mà có lẽ ông Thủ tướng nước này chỉ “ăn theo cho kịp” nhằm phá vỡ thế kẹt của chính ông ở trong nước mà thôi.
Còn Tổng thống Philippines, tôi không thấy có chuyện chuyển trục. Càng không có chuyện Philippines cắt đứt quan hệ với Mỹ (ông Duterte đã khẳng định điều này).
Đúng là ông Tổng thống chống Mỹ, hay một cách nhẹ nhàng hơn, không thân thiện với Mỹ. Trước hết là về mặt tư tưởng, tuy không nặng nề. Duterte không ít lần khẳng định mình khuynh tả, có thiên hướng xã hội chủ nghĩa trong những chính sách thời ông làm Thị trưởng ở Mindanao. Ông cũng chủ trương đàm phán không điều kiện với Quân đội Nhân dân Mới, một tổ chức vũ trang của Đảng Cộng sản Philippines, dai dẳng hoạt động từ sau Đại chiến Thế giới lần thứ II.
Sau nữa có lẽ ông có lý, Phillippines không được hưởng lợi bao nhiêu về kinh tế trong quan hệ đồng minh với Mỹ. Đất nước từng đứng hàng đầu châu Á về thu nhập tính theo đầu người những năm 50 của thế kỷ trước cứ tụt dần, tụt dần, sau cả Thái Lan và Indonesia trong khu vực Đông Nam Á, có lẽ cũng một phần vì lý do đó. Mới chỉ khởi sắc trở lại vài năm gần đây. Ở tầm nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Duterte càng nhận rõ điều này.

Người tự tin

Ông cũng là người tự tin vì làm được việc và được dân chúng tín nhiệm cao trong suốt những năm là Thị trưởng của một thành phố lớn, Davao và do đó có điểm xuất phát đi lên giống các Tổng thống Modi (Ấn Độ) và Widodo (Indonesia). Phải nói thêm, Davao là thủ phủ của Mindanao, nơi có nhiều lực lượng vũ trang đối lập chống chính phủ hoạt động: Quân đội Nhân dân Mới (NPA), Mặt trận Hồi giáo Moro (MNLF) và Abu Sayaf… Chính phủ gần như bất lực đối phó với họ.
Nhưng Davao lại là ốc đảo yên bình. Tôi từng đến đây vào năm 2010. Đúng hôm có mặt, 12/8, một vụ đánh bom rung chuyển thành phố Cotabato bên cạnh, gây thương vong hơn năm chục người nhưng Davao vẫn nhộn nhịp người xe. Bên hông những chiếc Jeepneys sặc sỡ (một loại xe nhỏ chở khách, nửa taxi, nửa bus) chạy ngang dọc trong thành phố là ảnh của những nhân vật được yêu thích: Che Guevara, Michael Jackson và… Rodrigo Duterte.
Liệu ông Duterte có phải là một người thiếu chín chắn trong phát ngôn, chỉ vì cứ mỗi lần sau khi ông “lên giọng” thì cấp dưới lại phải “khốn khổ” giải thích, điều chỉnh? Chưa chắc. “Kẻ đấm, người xoa”, biết đâu đấy chính là mưu chước kiểu Á Đông được lên kịch bản toan tính kỹ?

Khôn ngoan

Tôi cho rằng Duterte là một người khôn ngoan. Đã có thể nhìn thấy Tổng thống có một chiến lược rõ ràng trong chính sách đối ngoại. Chiến lược đó là cân bằng giữa các nước lớn vì lợi ích quốc gia của mình.
Còn cần thời gian nhưng đã rõ đường nét. Và ít nhất cho đến nay, ông là kẻ được: vài chục tỉ đôla hứa hẹn đầu tư và ngư dân Philippines đang trở lại ngư trường truyền thống của mình. Tuy nhiên, xin đừng quên: Scarborough không chỉ là bãi cạn mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Một khi được bồi đắp, cùng với Hoàng Sa, Trường Sa, nó sẽ hình thành tam giác chiến lược khống chế toàn bộ vùng biển, vùng trời của Biển Đông như tham vọng của một nước lớn.
Tôi đánh giá cao việc đích thân ông Tổng thống Duterte chủ trì buổi lễ tiễn các ngư dân Việt Nam dạt vào đảo quốc này tránh bão, trở về nước.
Cùng với việc chọn Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đến thăm, ông đã bày tỏ tình đoàn kết hữu nghị với đất nước này.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, Tiến sỹ Vũ Cao Phan từ Đại học Bình Dương.