Tổng Luận: Nhìn lại quá khứ định hình tương lai
I.Thời phong kiến, thực dân:
Triều đình nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng khởi đầu từ năm 1802 khi vua Gia Long thống nhất sơn hà. Đặng Trần Thường (1759-1816) sau khi phò tá vua Gia Long giành đưọc toàn bộ quyền lực, ông đã đưa người bạn thuở hàn vi là Ngô Thời Nhậm (1746-1803) vốn là bầy tôi của hoàng đế Quang Trung ra trưóc Văn Miếu Hà Nội để hành tội. Tội gì? Có phải tội của một nho sinh lỗi đạo với Thánh hiền, đứng ra hợp tác ngụy Tây Sơn? Cả hai cùng sinh quán Hà Đông, đều là kẻ sĩ phu đất Bắc, song vì hoàn cảnh đất nước nhiễu nhương trong thời Nam Bắc phân tranh, nên chí hướng khác nhau.
Để hạ nhục người bạn năm xưa, Đặng Trần Thường đưa ra câu đối buộc đối thủ, nay đã sa cơ phải đối đáp lại: “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai”. Ông nghĩ rằng câu đối hóc hiễm, chỉ vỏn vẹn 13 chữ song có đến năm chữ ai, thì đối thủ, dù là sĩ phu nổi tiếng, học rộng hiểu nhiều lại lớn hơn mình 13 tuổi, thì làm sao có thể đối lại nổi! Đó là thái độ kiêu ngạo của một kẻ hãnh tiến gặp thời để hạ nhục người bạn cũ.
Nhưng họ Đặng đã lầm, Ngô Thời Nhâm ung dung đáp lại: “Thế chiến quốc thế xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế”. Kẻ tôi thần của Nguyễn Huệ -người đã giương ngọn cờ chính nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” để khôi phục cơ nghiệp nhà Lê và sau đó làm nên chiến sử oai hùng: Đại phá quân xâm lược Mãn Thanh. Danh sĩ họ Ngô đã lấy lịch sử chiến tranh để biện minh cách hành sử của kẻ sĩ. Thử hỏi Thế Tổ nhà Nguyễn có thành tích gì? nếu không muốn nói đã dựa vào Pháp để tạo sự nghiệp.
Hai câu đối trên đã đi vào lịch sử. ngoài giá trị văn học, đối nhau thật chỉnh cả ý lẫn lời. Nó còn thâm thúy về cách xử thế của người làm chính trị, về nhân cách kẻ sĩ để hậu thế học hỏi. Xưa nay thời thế, nhất là thời loạn, thắng bại là lẽ thường tình. Nhưng có mấy ai biết hành sử thích nghi với tình thế, hầu mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc. Ai hơn ai là ở điểm này. Thắng mà mang họa cho đất nưóc thì không có gì để tự hào.
Sau ngày 30/4/1975, những người CS ngạo nghễ lập đi lập lại câu nói của Lenin: “Ai thắng Ai?” Bên thắng cuộc hỏi: “Ai quốc gia, ai cộng sản, ai đã thắng ai? Bên bại cuộc trả lời: “Thế Trung Quốc, thế Hoa Kỳ, thế thời phải thế”. Đối với đất nước của Lenin, “Ai thắng Ai” đã thể hiện vào cuối năm 1991. Thế trận do Hoa Kỳ dàn dựng khiến Liên Xô sụp đổ là lẽ đương nhiên: “thế thời phải thế”. Liên bang Xô Viết và Liên bang Nam Tư chia năm, xẻ bảy. có phải đó là tình trạng của thời Xuân Thu, Chiến Quốc?
Lịch sử tiếp diễn không ngừng, ngày nay tham vọng của Tập Cận Bình muốn Trung Quốc vượt Hoa Kỳ, trở thành siêu cường số một, thống trị thế giới. “Ai thắng Ai” chưa có giải đáp, nhưng e rằng tình trạng thời Xuân Thu, Chiến Quốc sẽ tái diễn? *
Ngay bước đầu đất nước thống nhất vào năm 1802, bạn bè đã đối xử cạn tàu ráo máng, bất kể nhân tình. Còn trên bình diện lớn, vua Gia Long ra lịnh giết sạch dòng họ vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn, đào mả vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) và vua Quang Trung (Nguyễn Huệ), nghiền xương cốt đổ xuống biển. Còn sọ thì xiềng nơi ngục thất trong hoàng cung để làm lọ đi tiểu.
Mang tiếng trả thù đối phương một cách tàn bạo, vua Gia Long còn bị người đời chê trách sát hại khai quốc công thần là Tiền quân Nguyễn Văn Thành, Tổng trấn Bắc Thành. Ông phò tá Nguyễn Phúc Ánh từ khi khởi nghiệp đầy khó khăn đến ngày chiến thắng sau cùng, nhưng vì bài thơ của con (Nguyễn Văn Thuyên) bị cho là có ý phản loạn. Gia Long hạ lệnh bắt Thuyên đem chém, còn Nguyễn Văn Thành buộc phải chết bằng thuốc độc.
Đến thời vua Minh Mạng nối nghiệp Gia Long, ông cũng hành xử bất nhân đối với một khai quốc công thần đã quá cố là Tả quân Lê Văn Duyệt, hai lần giữ chức Tổng trấn Gia Định Thành. Vua Minh Mạng vốn thù ghét Tả quân vì đã phản đối việc lập ông làm thái tử nối ngôi vua. Để trả thù, khi Lê Văn Duyệt vừa qua đời (1832) Minh Mạng liền bãi bỏ chức vụ tổng trấn Gia Định thành và ra mật lệnh truy xét công tội của vị cựu tổng trấn. Lê Văn Duyệt bị kết tội lạm quyền và dung túng thuộc cấp, bị xử 7 tội phải chém và 2 tội phải thắt cổ. Nhưng vì tội nhân đã chết nên Minh Mạng ra lịnh cuốc phá nấm mộ, đặt lên tấm bia và còn xiềng xích ghi mấy chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ”.
Các vua đầu triều Nguyễn chủ trương “bế quan tỏa cảng” lại cấm đạo Thiên Chúa, giam cầm, sát hại nhiều giáo sĩ, giáo dân. Viện cớ này Pháp liên minh với Tây Ban Nha xâm chiếm chiếm VN. Năm 1858 chúng tấn công Đà Nẵng, nhưng nơi đây gần kinh thành Huế, thấy bất lợi, chúng chuyển quân vào Nam, đánh chiếm thành Gia Định vào 17/2/1859. Từ đó Pháp lần lượt chíếm ba tỉnh miền Đông: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (1862) và ba tỉnh miền Tây Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (1867). Toàn bộ lãnh thổ trực thuộc Gia Định Thành do Tổng trấn Lê Văn Duyệt xây dựng đã lọt vào tay thực dân Pháp. Hai mươi năm sau, Bắc Thành mà Tổng trấn Nguyễn Văn Thành từng cai quản cũng trở thành đất bảo hộ của thực dân Pháp.
Chế độ thực dân Pháp kéo dài đến đầu năm 1945 thì bị Nhật lật đổ. Như vậy Pháp chưa trả được món nợ đối với VN, do đó thiên cơ huyền biến: Nhật bại trận, đại chiến thế giới lần thứ hai chấm dứt, Pháp trở lại Đông Dương trao trả độc lập cho VN (Hiệp ước Élysée 8/3/1949). Năm năm sau đó, Pháp bắt đầu trả lại món nợ đã vay của VN. Trong thời thực dân, chúng đã vơ vét tài nguyên ở thuộc địa làm giàu cho nước Pháp. Nay Pháp trao trả độc lập cho VN và phải bảo vệ đất nước này khỏi bị lọt vào tay Việt Minh Cộng Sản được Trung Cộng tận tình yểm trợ.
Từ 1949 đến 1954, số thương vong và mất tích của quân Viễn chinh Pháp đã lên đến 120 ngàn. Ngoài xương máu binh sĩ, chi phí của Pháp vào cuộc chiến bảo vệ độc lập cho VN lên đến 3000 tỉ franc, gấp nhiều lần số tiền mà Pháp nhận của Mỹ qua kế hoạch Marshall để kiến tạo nước Pháp thời hậu chiến. Pháp đã trả xong món nợ VN trước khi rút khỏi Đông Dương hồi năm 1955.
Đối với triều đình nhà Nguyễn, vị vua cuối cùng là Bảo Đại đã thoái vị hồi tháng 8/1945. Như vậy, nhà Nguyễn chưa trả được món nợ để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp hồi giữa thế kỷ trước. Cũng do thiên cơ sắp bài, Bảo Đại trở lại lãnh đạo đất nước để thảo luận với tổng thống Pháp Vincent Auriol về việc độc lập và thống nhất VN. Hai bên đã ký Hiệp ước Élysée 8/3/1949, nhưng VN vẫn còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp để khối này bảo vệ VN chống lại mưu đồ nhuộm đỏ Đông Dương của khối CS.
Đầu năm 1954 chiến tranh ĐD lần thứ nhất đã được các cường quốc dàn xếp để chấm thúc trong một hội nghị quốc tế. Do đó Quốc trưởng Bảo Đại cử Hoàng thân Bửu Lộc làm thủ tướng cùng thủ tướng Pháp Joseph Laniel ký Hiệp ước Độc lập (Traité d’Independence) ngày 4/6/1954. Nước Pháp công nhân Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn độc lập có đầy đủ chủ quyền và thẩm quyền được quốc tế công pháp công nhận. Sau khi hoàn thành sứ mạng do hoàng tộc giao phó, Hoàng thân Bửu Lộc xin từ chức. Quốc trưởng Bảo Đại chỉ định cựu thượng thư Ngô Đình Diệm làm thủ tướng với toàn quyền dân sự và quân sự. Cựu hoàng nhà Nguyễn đã thực sự thoái vị sau khi đã trả xong cái quả do tiên vương Tự Đức tạo ra.
Từ năm 1862, đồng hành với chế độ phong kiến nhà Nguyễn, chế độ thực dân Pháp từng bước phát triển. Sau khi chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, Pháp đặt ách bảo hộ lên hai lãnh thổ còn lại là Bắc và Trung Kỳ. Trong Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945, ông Hồ Chí Minh mở đầu:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Sau đó ông Hồ vạch trần những tội ác của thực dân Pháp như: “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta có một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bốc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.
Điều đau đớn của ông Hồ là CSVN đã làm ngược lại tất cả những gì ông long trọng công bố với quốc dân và quốc tế. Từ khi Đảng CSVN ra đời đến nay, người dân chưa bao giờ được hưởng quyền các tự do và bình đẳng về quyền lợi. Trái lại, những gì mà thực dân Pháp đã làm, CSVN tiếp tục thực hiện. Chế độ thực dân Pháp kéo dài từ 1862 đến 1954 là 92 năm, tương đương với thời CS thống trị VN đến nay là 90 năm (1930-2020). Như trình bày trên, mấy năm cuối của chế độ thực dân, chúng đã trả xong cái quả đối với dân tộc VN. Cũng như triều Nguyễn, Bảo Đại là vua thứ 13 đã trả xong cái quả: những lãnh thổ vua trước đã để mất thì vua cuối cùng thu hồi trọn vẹn. Đảng CSVN vừa kết thúc Đại hội XIII, không hiểu vị Tổng Bí thư Đảng thứ 13 có chịu suy nghĩ đến qui luật nhân quả của lịch sử hay không? Thế gian còn có câu “Thuận thiên dã tồn, Nghịch thiên dã vong”.
II. Cuộc đời đắng cay của Hồ Chi Minh:
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã rời Đảng Xã hội Pháp thuộc Quốc tế II để gia nhập Đảng CS Pháp thuộc Quốc tế III vì tin tưởng tổ chức QTCS này ủng hộ các dân tộc thuộc địa chống chế độ thực dân. Từ năm 1922 với tư cách đại biểu các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đến Mạc tư Khoa được QT III bồi dưỡng nghiệp vụ. Năm 1924 ông được QT III gởi đi Quảng Châu, thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc, làm thư ký và thông dịch cho Borodin là trưởng phái bộ Liên Xô. Nơi đây qui tụ khá đông những thanh niên VN tân học giàu lòng nhiệt huyết đang theo học tại Học Viện Quân Chính Hoàng Phố. Họ, thuộc các gia đình khoa bảng, quan lại hoặc địa chủ đã hưởng ứng phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu.
Năm 1925 cụ Phan bị thực dân Pháp bắt, đưa về VN an trí ở Huế. Lợi dụng thời cơ này, Nguyễn Ái Quốc thành lập tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội” tập họp số thanh niên yêu nước kể trên. Ông viết quyển “Đường Kách mạng” là sách tập trung những bài thuyết giảng tại các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng.
Từ khởi điểm này Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh gặp rất nhiều đắng cay suốt cuộc đời. Vì tổ chức chính trị đầu tiên kể trên, trong giai đoạn đầu của Đảng CS Đông Dương (1931-1935) ông bị Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập phê phán là cải lương “Liên minh với tư sản và địa chủ vừa và nhỏ” không đi đúng đường lối đấu tranh giai cấp của Đệ Tam Quốc tế. Ba nhân vật trên cùng quê hương Nghệ Tĩnh, họ cũng như ông đều theo học Đại học Phương Đông của QTCS, cả ba là tổng bí thư đầu tiên của Đảng.
Tháng 3/1935 họ đã gởi thư đến QTCS phê phán nặng nề tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc trong phong trào cách mạng ở Đông Dương. Họ cho đó là “tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa duy tâm của đảng của các đồng chí hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc”.
Bức thư nhấn mạnh: “Những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản. Cuộc đấu tranh không nhân nhượng chống những học thuyết cơ hội này của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và của Đảng Thanh niên là rất cần thiết. Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin viết một cuốn sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua”. (Tham khảo: Hồ Chí Minh, Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia – Tiếng Việt). Có lẽ vì sự tấn công này, mà ông Hồ im hơi lặng tiếng gần suốt thập niên 1930?
Năm 1945, ông Hồ lại bị Trần Văn Giàu Bí thư xứ ủy CS Nam Kỳ công kích vì thành lập Mặt trận Việt Minh hồi tháng 5/1941, đề ra chủ trương “Liên hiệp các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, trai gái, già trẻ, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị”. Theo Giàu, chủ trương này trái với đường lối đấu tranh giai cấp của Đảng. Luận cương Chính trị năm 1930 của Đảng và chủ trương của Hội nghị Trung ương 6 Khóa I chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền, nhưng ông Hồ lại thành lập Mặt trận Việt Minh. Trần Văn Giàu cũng được huấn luyện ở Đại học Phương Đông của QTCS nhưng sau ông Hồ 8 năm.
Chủ trương “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị, các đoàn thể dân chúng yêu nước” đã giúp ông Hồ thành công trong việc chiêu dụ nhiều trí thức, tư sản, đảng phái quốc gia tham gia trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nhưng có điều bất hạnh cho dân tộc là “Những người được đào tạo theo chủ trương của Stalin “giai cấp đối đầu giai cấp” thì việc tiếp thu quan điểm đoàn kết dân tộc như Việt Minh của Nguyễn Ái Quốc không phải là điều dễ dàng”. Đó là lời của Trần Văn Giàu để biện minh cho những hành động giết hại những phần tử không đi theo đảng CS. Đó là cái nghiệp của những người CS. Nhưng toàn dân phải gánh chịu nhân quả do cái nghiệp của người lãnh đạo tạo ra.
Đã mang tiếng dụ những phần tử đối lập ra mặt hợp tác để các đệ tử ra tay sát hại, ông Hồ còn chịu lắm nổi cay đắng vì sự phản bội của các đồng chí quốc tế. Giữa năm 1946 ông đến Paris thảo luận với Pháp về tương lai Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Pháp đã thừa nhận. Lúc bấy giờ Đảng CS Pháp có 168 đại biểu chiếm đa số trong Quốc hội, Chính phủ do Mặt trận Bình Dân lãnh đạo có 4 đảng viên CS tham chính, họ giữ ghế phó thủ tướng và bộ trưởng Quốc phòng.
Ông Hồ tin tưởng thời cơ giành thắng lợi đã đến, nên tạm ngưng việc thương thảo với Pháp, ông trở về nước, phát động toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Ông đặt trọn niềm tin vào các đảng cánh tả sẽ áp lực chính giới Paris thừa nhận VN độc lập và thống nhất. Nhưng những người bạn của ông trong Đảng Xã hội Pháp như thủ tướng Leon Blum, thủ tướng Paul Ramadier, Cao ủy Pháp ở Đông Dương Emile Bollaert, Paul Mus…không những làm ngơ trước yêu cầu của ông mà còn ủng hộ giải pháp Bảo Đại. Kết quả là Quốc gia VN ra đời, song hành với VNDCCH.
Cuối năm 1949, Mao Trạch Đông chiến thắng ở Hoa Lục, ông Hồ tin tưởng ở nghĩa vụ quốc tế của những lãnh tụ CS quốc tế nên đến Bắc Kinh và Mạc tư Khoa vận động Mao và Stalin ủng hộ Việt Minh chiến đấu chống Pháp. Với những tổn thất nặng nề, cuộc kháng chiến chống Pháp đã đạt thắng lợi: Pháp đầu hàng ở Điện biên Phủ và sau đó rút khỏi VN. Nhưng tại hội nghị Genève 1954, Liên Xô và Trung Cộng lại thỏa thuận với Anh, Pháp chia đôi VN.
Sau hiệp định Genève 1954, hai cường lực CS đều chuyển hướng, hòa hoãn với Mỹ. Lãnh tụ Xô Viết Khrushchev chủ trương “chung sống hòa bình”, Bắc Kinh thì khuyến cáo Hà Nội phải duy trì tình trạng chia cắt VN. Mao nói: “Nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm. Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có. Phải giữ vĩ tuyến 17. Thời gian có lẽ dài đấy”.
Trong bối cảnh này, năm 1957 ông Hồ ba lần gởi điện vào Nam yêu cầu Lê Duẩn ra miền Bắc. Tại đây, Duẩn hợp tác với thành phần chủ chiến như Lê Đức Thọ Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh Chủ nhiệm Tổng cục Chính tri Quân đội Nhân dân, phát động chiến tranh giải phóng miền Nam. Bắc Kinh liền ủng hộ CSVN đánh Mỹ, Mao lợi dụng cơ hội này để mặc cả Mỹ nhằm thực hiện mưu đồ “tam phân thiên hạ” (chia ba thế giới).
Việc Bắc Kinh ủng hộ CSVN khiến xung đột giữa hai phe thân Liên Xô và thân Trung Cộng bùng nổ lớn, mở màng chiến dịch chống “Chủ nghĩa xét lại” từ đầu năm 1963. Lê Duẩn gây áp lực với Hồ Chí Minh yêu cầu ông đi cùng Bộ Chính trị hoặc là bước ra khỏi chỗ đó. Để hạ uy tín ông, họ cho rằng HCM đã phạm hai sai lầm lớn: năm 1945 thỏa hiệp đón Pháp ra miền Bắc và năm 1954 chấp nhận HĐ Genève chia đôi đất nước.
Sự nghiệp Hồ Chí Minh bắt đầu đi xuống từ cuối tháng 11/1963 khi Đảng Lao động VN triệu tập Hội nghị Trung ương 9. Theo lời kể của Bùi Công Trừng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước, tham dự hội nghị này thì Lê Đức Thọ tỏ ra hống hách và coi Hồ Chí Minh không ra gì cả.
Tháng 2/1967 do dàn xếp của thủ tướng LX Kosygin, Chủ tịnh Hồ Chí Minh và TT Johnson thỏa thuận đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Cuộc thương thảo kéo dài 5 tháng thì tạm ngưng, CSVN chuẩn bị kế hoạch Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa (Tết Mậu Thân 1968).
Sau hơn nửa thế kỷ, vào ngày 28/8/2019, lần đầu tiên VN trưng bày bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi TT Richard Nixon đề ngày 25/8/1969, chỉ vài ngày trước khi ông qua đời. Ông Hồ viết: “Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình. Giải pháp toàn bộ 10 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là cơ sở hợp tình hợp lý để giải quyết vấn đề Việt Nam. Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài”.
Trước đó TT Richard Nixon đã gởi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh lá thư đề ngày 15/7/1969. Nixon viết: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cuộc chiến Việt Nam đã kéo dài quá lâu và sự trì hoãn kết thúc cuộc chiến sẽ chẳng mang lại lợi ích cho bên nào, ít nhất là đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Giờ là lúc cần tiến tới bàn đàm phán để thảo luận về một giải pháp sớm cho cuộc chiến tàn khốc này. Các Ngài sẽ thấy chúng tôi rất thẳng thắn và cởi mở vì mục đích chung là đem lại hòa binh như mong muốn của những người Việt Nam can trường. Hãy để lịch sử ghi lại thời khắc quan trọng này khi hai bên cùng nhìn về hòa bình thay vì xung đột và chiến tranh”.
Truyền thông VN cho biết bức thư ông Hồ gửi cho ông Nixon là một trong số hơn 100 tư liệu quý của Việt Nam và Mỹ, Nga, Pháp đưọc trưng bày tại triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp” từ tài liện VN và quốc tế, do Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của ông Hồ Chí Minh.
Những đòi hỏi của ông Hồ Chí Minh đã được TT Nixon đáp ứng trọn vẹn 4 năm sau đó khi HĐ Paris 1973 ra đời. Đây là điểm nổi bật trong sự nghiệp chính trị của ông, nhưng có điều đau đớn là ông không còn tại thế, được chứng kiến thành quả của mình. Càng cay đắng hơn là chính giới Mỹ tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam VN và của dân tộc VN, trong khi những đệ tử kế nghiệp ông không tôn trọng quyền tự quyết thiêng liêng của dân tộc.
III. Nghĩa vụ quốc tế của Tổng Bí thư Lê Duẩn:
Suốt cuộc đời, Chủ tịch HCM đã thấm thía nghĩa vụ quốc tế của hai đàn anh CS, song người nối nghiệp ông lại tiếp tục làm nghĩa vụ này với lời tuyên bố: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em”. Nhờ đánh Mỹ mới có HĐ Paris 1973. Dựa vào tinh thần hiệp định này với những nội dung như tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản của người dân, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, hợp tác giữa các quốc gia. Ngày 1/8/1975 HK cùng LX và 33 nước Âu Châu ký bản Định ước cuối cùng Helsinki ở thủ đô Phần Lan.
Với thỏa hiệp này, Brezhnev tin tưởng hai nước Đức cùng tồn tại hòa bình sẽ góp phần củng cố thế lực của LX ở Đông Âu. Nào ngờ Ba Lan dựa vào Định ước Helsinki, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, xây dựng một nước Ba Lan độc lập, tự chủ. Sau Ba Lan, các nước CS Đông Âu lần lượt thoát khỏi ảnh hưởng của LX. Không những chỉ có Đông Âu, các nước Cộng hòa trong Liên bang Xô Viết cũng muốn trở thành những nước Cộng hòa độc lập.
CSVN trung thành với LX đến phút cuối cùng. Trước sự tan rã của khối CS Đông Âu gần kề, lãnh tụ LX Gorbachev khuyến cáo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh quay về với Trung Cộng để Mạc tư Khoa có thể tạo dựng lại mối thân hữu với Bắc Kinh. Nhờ chiến tranh chống Mỹ của Tổng Bí thư Lê Duẩn mà thế đứng quốc tế của TC ngày càng lớn mạnh. Trong văn kiện ngoại giao của Cộng hòa XHCN Việt Nam công bố ngày 4/10/1979, Hà Nội lên án Trung
Cộng trong 30 năm qua, từ 1949 khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời đến năm 1979, đã ba lần hợp tác với Mỹ phản bội Cách mạng VN.
Hiến pháp VN năm 1980 đã ghi bọn bành trướng Bắc Kinh là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc…Nhưng trong hội nghị Thành Đô đầu tháng 9/1990, TBT Nguyễn Văn Linh vẫn tôn Bắc Kinh làm lãnh tụ các nước XHCN, ông biện minh “Dù Trung Quốc là bành trướng, nhưng họ là xã hội chủ nghĩa”. Qua hội nghị này, mối quan hệ Việt Trung đã được tái lập. Chiến lược của Bắc Kinh là tranh thủ Mỹ để được gia nhập WTO, còn Hà Nội thì chủ trương chống đế quốc Mỹ. Hai chí hướng khác nhau hoàn toàn, họ không còn là đồng chí nữa.
Mối quan hệ Việt-Trung từ sau hội nghị Thành Đô năm 1990 với “Phương châm 16 chữ: láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng về tương lai” chỉ thể hiện chủ trương “năm nguyên tắc hòa bình” của TQ đối với các nước Á Phi trung lập mà Chu Ân Lai đã đề ra từ khi họ Chu tham dự hội nghị Genève 1954.
Như vậy, từ thập niên 1990 mối quan hệ giữa CSVN với TC không còn là đồng chí nữa. Điều này chỉ có hồi đầu thập niên 1950 khi Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh nhờ Trung Cộng viện trợ giúp Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Còn Mao Trạch Đông giúp CSVN đánh bại ở Pháp để thu hồi lại lãnh thổ An Nam mà Mao cho là thuộc quốc của Trung Quốc đã bị thực dân Pháp cưỡng đoạt hồi thế kỷ trước. Nay là thời cơ giúp TQ thu hồi lãnh thổ đã mất và dùng VN làm bàn đạp để thôn tính các nước Đông Nam Á. Nhưng mưu đồ này đã bị Mỹ chận đứng, khiến Bắc Kinh chuyển hướng chiến lưọc.
Năm 1991 chiến tranh lạnh kết thúc, sự xung đột ý thức hệ giữa dân chủ tự do và cộng sản độc tài đã trở thành dĩ vãng. Từ nay mỗi nước sẽ theo con đường độc lập tự chủ để phát triển đất nước. Nhưng các lãnh tụ CSVN dựa vào mấy chữ Tàu văn vẽ: “Sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mạng tương quan” để hợp tác toàn diện với kẻ thù truyền kiếp nhằm bảo đảm sự ổn định lâu dài của Đảng. Thử hỏi xưa nay có thể chế nào tồn tại muôn đời? Vì niềm tin mù quáng này, “Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu”. Đó là nhận xét của ông Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao và Phó thủ tướng từ 1980 đến 1991.
Chế độ CS ở VN kéo dài suốt thời chiến tranh lạnh. Nó là sản phẩm và cũng là con cờ trong cuộc chiến này và kẻ chiến thắng là Hoa Kỳ. Chế độ CS ở LX kéo dài 74 năm còn chế độ CS ở VN còn kéo dài đến nay là nhờ hợp tác toàn diện, dài với TC, và hậu quả là sự toàn vẹn của đất nước luôn bị đe dọa. Nay thế trận Mỹ Trung đã xoay chiều từ bạn thành thù. VN cần rút kinh nghiệm quá khứ, tránh can dự vào sự xung đột của các cường lực. Phải đứng ngoài cuộc, theo con đường trung lập đã được Hoa Kỳ và Trung Cộng thỏa thuận từ nửa thế kỷ trước để chấm dứt chiến tranh VN. Đó là phương cách “thoát Trung” êm đẹp.
Trước 1975 chúng tôi có cơ duyên được thượng cấp bố trí làm công tác khai thác và nghiên cứu tài liệu về chiến tranh VN. Chúng tôi cũng sống trong cảnh tù đày cải tạo cùng các chiến hữu, gần 8 năm phần lớn ở miền Bắc.Vì cái nghiệp, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu “Thử xem con tạo xoay vần đến đâu” với niềm tin “con tạo” không phải xoay vần vô nguyên tắc mà theo qui luật nhân quả “gieo nhân gì tất phải gặt quả nấy”. Tìm cái nhân để thấy được cái quả không phải là việc dễ dàng như cụ sử gia Trần Trọng Kim đã viết trong hồi ký Một Cơn Gió Bụi. Mới ngày nào đi truy tìm cái nhân, mái tóc còn đen, nay đầu đã bạc trắng vì thời gian dài 45 năm.
Ngoài ra còn một động cơ nữa giúp chúng tôi giữ vững niềm tin. Đó là lời của Thượng tọa Thích Thanh Long nguyên Giám đốc Nha Tuyên úy Phật Gíáo nói với người bạn tù, nhà văn Phan Lạc Phúc lúc rời trại ở Thanh Phong, Thanh Hóa năm 1982: “Nhớ nhau xin nhớ tình dân tộc. Lẳng lặng mà xem đá nở hoa”. Các chế độ chỉ là nhất thời, rồi sẽ qua đi, chỉ có dân tộc là trường tồn. Còn “đá nở hoa” là việc kỳ lạ! Vì cái nghiệp nghiên cứu sử liệu, chúng tôi mới khám phá ra: Đá chính là Hoa Kỳ.
– Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu bọn Mỹ Diệm cứ ỳ ra thì thế nào? Câu trả lời là: bản chất của hòn đá là cứ ì ra không nhút nhích. Nhưng khi nhiều người đồng tâm hợp lực mà xô đẩy thì dù đá to mấy cũng phải lăn” (Hồ Chí Minh, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1970, tr. 172-173)
– Lời của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: “Rõ ràng Mỹ- Diệm là ”tảng đá” chẳng những nó “ì ra” mà còn muốn bằng sức mạnh khủng khiếp của nó đè bẹp tất cả”. (Nguyễn Hữu Tho, Chung Một Bóng Cờ (Về Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam) Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, Tr.19)
Đá nở hoa, khiến chúng tôi nhớ đến lá thư của TT Reagan gởi Chủ tịch Brezhnev năm 1981: “Khi Thế chiến II kết thúc, nước Mỹ có nền công nghiệp không bị tổ hại duy nhất trên thế giới. Sức mạnh quân sự đạt tới đỉnh cao và riêng mình chúng tôi có thứ vũ khí mạnh nhất, bom nguyên tử, cùng khả năng không cần phải bàn cãi là có thể đưa nó tới bất kỳ nước nào trên thế giới. Nếu chúng tôi muốn làm bá chủ thế giới, ai có thể chống lại chúng tôi? Nhưng nước Mỹ đã đi theo một con đường khác –con đường độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại. Chúng tôi sử dụng sức mạnh và sự phồn vinh của mình để xây dựng lại những nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, bao gồm cả những nước đã từng là kẻ thù của chúng tôi”.
Trong chiến tranh VN với HĐ Paris 1973, Hoa Kỳ không đòi hỏi gì cả. Họ cùng các nước khác tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân VN: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân VN; theo chính sách truyền thống, HK sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng VN sau chiến tranh.
Nửa thế ký trước, CSVN hợp lực đẩy “tảng đá” vì nghĩa vụ quốc tế, gây biết bao thảm họa cho dân tộc. Nhờ đó, Mỹ đã có dịp thể hiện hết thiện chí của mình trong chiến tranh VN. Henry Kissinger đã cay đắng nhận định: “Đất nước Việt Nam là một dải màu xanh hiền hòa, màu xanh của rừng núi, của ruộng đồng hòa cùng màu xanh của biển. Hàng nghìn năm đã như một thứ nam châm thu hút anh hùng tứ xứ đến đó để tìm vinh quang nhưng chỉ gặp niềm thất vọng. Họ nghĩ có thể áp đặt những nguyên tắc trật tự của họ lên những cánh rừng, những ruộng đồng… nhưng nếu không nằm vĩnh viễn ở đó thì cũng ra đi với niềm thất vọng cay đắng mà thôi….” (Trần Viết Ngạc, Góp Nhặt, “Giương cao ngọn cờ Trưng Nữ”, Nxb Hội Nhà Văn, tháng 6/2020)
Trạng huống đó khiến nước Mỹ ngày nay chai lì như một tảng đá bất động. Vì quyền lợi tối thượng của đất nước, hãy hợp lực thúc đẩy Mỹ. Muốn Mỹ chuyển động, phải thực hiện mục tiêu của họ trong cuộc chiến VN: nhân dân VN quyết định vận mệnh đất nước VN qua các cuộc bầu cử dân chủ tự do. Và HK sẽ đáp ứng, giúp VN bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ mà hai bên đã ký kết trong HĐ Paris 1973.
Tháng 7/2015 trong tiệc khoản đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó TT Joe Biden kết thúc bài phát biểu bằng hai câu thơ trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du: “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” để bày tỏ niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng của mối quan hệ song phương Việt Mỹ sau một giai đoạn lịch sử khó khăn.
Nay cơ trời xui khiến Joe Biden đã 78 tuổi trở thành tổng thống Mỹ để có dịp gặp lại cố nhân Nguyễn Phú Trọng dù đã 77 tuổi vẫn được bầu làm Tổng Bí thư lần thứ ba, để đọc tiếp hai câu trong Truyên Kiều: “Hoa tàn mà lại thêm tươi. Trăng tà mà lại hơn mười rầm xưa”. để mở đầu một giai đoạn lịch sử vàng son của hai dân tộc Việt Mỹ.
Cuối cùng, chúng tôi xin mượn ý của cụ Trần Trọng Kim để thưa với quý độc giả. Phần trình bày của chúng tôi chắc chắn có phần chủ quan, thì đó là tấm lòng thành vì quốc gia dân tộc, xin đừng chấp trách. Chúng tôi tin ở cái tâm công minh của quý độc giả
Lê Quế Lâm