Tổng Bí thư Trọng được gì khi thăm Mỹ?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về mặt chính danh không phải là nguyên thủ quốc gia và không giữ vai trò gì trong chính phủ
Nhìn vào ý nghĩa chuyến đi, trong nước thì cho rằng lần này ông Trọng sẽ ‘ký kết’ một số hiệp ước thuần túy về kinh tế văn hóa hay quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Nhưng ở ngoài nước thì thắc mắc rằng, ông Nguyễn Phú Trọng Trọng viếng thăm Mỹ với tư cách gì và Hoa Kỳ sẽ tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng với tư thế gì?
Câu hỏi thủ tục
Thông thường lãnh đạo của một quốc gia đến thăm viếng Hoa Kỳ sẽ được tiếp đón với nghi thức cấp nguyên thủ quốc gia, và nghi thức này dành cho các tổng thống, chủ tịch nước hay thủ tướng điều hành chính phủ. Nghi lễ tiếp đón bao gồm trải thảm, bắn súng đón chào, duyệt binh, dự quốc yến, đôi khi còn được mời nói chuyện trước Quốc hội, hay rung chuông trên thị trường chứng khoán New York.
Nhưng ông Trọng lại không phải nguyên thủ quốc gia. Nhìn từ bên ngoài rõ ràng ông không giữ một vai trò gì trong chính phủ thì làm sao tiếp đón, dù rằng với cơ chế của Việt Nam, ông có thể là người có quyền lực cao nhất. Nếu tiếp đón một cách bình thường không có nghi lễ nói trên, thì phía Việt Nam sẽ bị “mất mặt” vì trên thực tế ông Nguyễn Phú Trọng có quyền lực trong cơ chế “đảng quản lý đất nước” hiện nay của Việt Nam. Thêm vào đó truyền thông tại Việt Nam loan tin rằng chính Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry mời ông Nguyễn Phú Trọng đến nước Mỹ, vậy rõ ràng ông John Kerry đã “làm khó” Ban Lễ tân Bộ Ngoại giao Hoa kỳ, vì chính họ cũng chưa biết sẽ đón ông bằng nghi lễ gì cho “đẹp mặt” cả hai phía.
Cơ hội bang giao và nguy cơ bị ‘nước lạ’ cản trở
Trong khi ông Trọng chính thức viếng thăm Hoa Kỳ, trong buổi hội kiến, Tổng thống Obama sẽ đặt vấn đề nhân quyền với ông Trọng khi ông Trọng yêu cầu thúc đẩy TPP hay muốn Hoa Kỳ gia tăng hỗ trợ, đầu tư về kinh tế. Có vẻ Việt Nam đang “hồ hởi” trước chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng, thậm chí còn phái cả Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đi “tiền trạm”, nhưng kết quả sẽ không nhiều so với sự hy vọng của phía Việt Nam.
Thứ nhất, dù đôi bên có thống nhất ở một số điểm nào đó trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thì sự công bố cũng sẽ bị giới hạn vì cả hai phía đều quan ngại động thái của Trung Quốc. Thứ hai, có thể sẽ có những bất ngờ từ phía “nước lạ” khiến cho chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bị giới hạn vì Hoa Kỳ vẫn xem trọng thị trường 1,3 tỷ dân hơn quốc gia có 90 triệu dân. Thứ ba, hy vọng vượt qua chướng ngại để VN có thể đạt đến thỏa thuận TPP sẽ không có các đột phá gì trong chuyến đi này của ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vì còn quá nhiều cản trở, gồm hồ sơ nhân quyền, hồ sơ môi sinh. Ngoài ra là khung luật pháp, tức nền tư pháp độc lập, chuyện bản quyền phát minh hay xóa bỏ các rào cản bảo hộ, tức các công ty quốc doanh. Cuối cùng, chuyến đi này có vẻ là cách Hoa Kỳ vẫn tiếp tục sử dụng con mồi TPP để buộc Việt Nam từng bước thay đổi cơ chế, phía Việt Nam thì dùng con mồi cảng Cam Ranh để làm thế đổi chác với Hoa Kỳ. Người dân Việt Nam cũng được chiếc ‘bánh vẽ’ tươi đẹp với cảm giác là chính phủ Việt Nam càng lúc càng thân thiện với Hoa Kỳ hơn.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả