Tokyo dự trù mời Chủ tịch CSVN thăm Nhật – Dự thảo quân đội Nhật giúp đỡ đồng minh bị tấn công
Theo hãng tin Kyodo ngày 3/2, chính quyền Tokyo có kế hoạch mời Chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang thăm chính thức vào giữa tháng Ba/2014.
Nhân dịp này, hai nước sẽ khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển. Tokoyo và Hà Nội đều bị Bắc Kinh đe dọa trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Trích dẫn một số nguồn tin từ chính phủ cũng như liên minh đang cầm quyền tại Nhật, hãng Kyodo cho biết là Chủ tịch Sang sẽ được đón tiếp một cách rất trọng thể: Ngoài các cuộc thảo luận với Thủ tướng Shinzo Abe, ông Sang sẽ được Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tiếp kiến, đồng thời sẽ được mời đọc diễn văn trước Hạ viện Nhật vào ngày 17 hoặc 18.
Theo ghi nhận của Kyodo, mục tiêu của chính quyền Tokyo là nhằm chứng minh các mối quan hệ thân thiện với Việt Nam, một nước cũng như Nhật Bản đang bị cuốn hút vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Nhân chuyến công du chính thức Nhật Bản đầu tiên của ông Sang từ ngày nhậm chức Chủ tịch nước năm 2011, phía Nhật Bản sẽ cùng với đối tác Việt Nam xác nhận các nguyên tắc cần phải theo để bảo đảm an ninh trên biển, trong đó có việc tôn trọng luật lệ quốc tế và quyền tự do lưu thông.
Ngoài hồ sơ kể trên, theo hãng Kyodo, nhân chuyến công du của ông Trương Tấn Sang, vấn đề trợ giúp của Nhật Bản cho Việt Nam để xây dựng nhà máy điện hạt nhân rất có thể cũng sẽ được mang ra bàn thảo.
Có một sự kiện đáng chú ý là: một ủy ban của chính phủ Nhật dự kiến kêu gọi Nhật cho phép quân đội giúp đỡ các đồng minh bị tấn công.
Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là thay đổi lớn về chính sách quốc phòng của Nhật Bản.
Hãng tin AP nói ủy ban 14 người, do một cựu đại sứ tại Mỹ đứng đầu, cho rằng có thể thay đổi chính sách nếu chính phủ hiểu khác về hiến pháp hòa bình hiện nay.
Thủ tướng Shinzo Abe muốn Nhật có vai trò lớn hơn trong gìn giữ hòa bình quốc tế và tỏ ra cứng rắn hơn trước cái mà ông xem là đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Hàn.
Hiến pháp của Nhật nói “dân tộc Nhật Bản phản đối chiến tranh cũng như sự đe doạ hay áp dụng sức mạnh để giải quyết những tranh chấp quốc tế vì chiến tranh không phải là quyền tối thượng của quốc gia”.
“Nhật Bản không thành lập các lực lượng lục quân, hải quân, không quân hay các tiềm năng quân sự khác,” theo hiến pháp.
Chính phủ Nhật lâu nay hiểu rằng Hiến pháp cấm Nhật sở hữu vũ khí tấn công.
Nhưng ông Abe và những người ủng hộ thay đổi lại cho rằng cần xóa bỏ các hạn chế này.
Những người muốn thay đổi nói có những trường hợp quân Nhật cần chiến đấu vì đồng minh trong sứ mạng gìn giữ hòa bình, ngay cả khi Nhật không bị tấn công trực tiếp.
Theo AP, dự thảo báo cáo của ủy ban cũng sẽ kêu gọi Nhật nới lỏng hạn chế về xuất khẩu vũ khí, tham gia tích cực hơn hoạt động an ninh của LHQ.
Báo cáo cũng muốn chuẩn bị nền tảng pháp lý để quân đội chống các vụ xâm nhập lên các đảo của Nhật. Dường như điều này ám chỉ đến tranh chấp ở Biển Hoa Đông với Trung Quốc.
Phúc trình chính thức của ủy ban này dự kiến sẽ đưa ra vào tháng Tư. – RFI, BBC