Tôi lái xe nhà binh

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tôi lái xe nhà binh

Năm 1957 trên toàn cõi miền Nam từ sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, đất nước thanh bình trở lại, sung túc, rộn rã. Ruộng đồng miền quê Nam Bộ phì nhiêu, thóc lúa đầy vựa, các thị trấn phố xá hàng quán trên bến dưới thuyền, tấp nập, sầm uất. Các hãng hàng không nhộn nhịp chào đón khách, tàu hỏa chạy suốt Quảng Trị – Sài Gòn, và lên Đà Lạt. Trên các tuyến đường xe cộ lớn nhỏ vận chuyển hành khách chen chúc, hàng hóa chồng chất.

Quân xa, xe 6 bánh – Dodge 6×6

I) Bệnh Xá Bệnh Viện Huế.
Cuối hè 1957 tôi ra trường, được trưng tập Y sĩ trung úy đổi ra Huế làm việc tại Bệnh xá bệnh viện (BXBV) Huế tọa lạc tại khu Mang Cá trong thành nội ở góc Đông Bắc.
Ở BXBV Huế đang có Bs Nguyễn Tường Vân là người miền Nam, theo đạo Cao Đài, ăn chay trường trai, học trên tôi một lớp song cũng là bạn cựu sinh viên nội trú. 
Gặp tôi ông mừng lắm, bảo rằng nay ông có thể xin thuyên chuyển về Nam. Và quả nhiên chừng hơn 1 tháng sau ông có giấy đổi về Sài Gòn thật.
Tuy nói là bệnh xá bệnh viện Huế song cơ ngơi rất lớn, là những dãy nhà gạch lợp ngói, đẹp, cao thoáng, kiên cố Tây xây từ hồi Pháp thuộc để điều trị cho quân nhân Pháp chứ không như các bệnh viện dã chiến mà Bs Phùng Hữu Chí mô tả trong đặc san Y khoa Huế Hải ngoại 2007: “Vào cuối năm 1962, tôi đang làm Y-sĩ Trung úy tại Bệnh-viện 2 Dã chiến (nói là bệnh-viện chớ thực ra chỉ là vài căn nhà lá trên một bãi đất trống) ở trong một khu rừng ở ngoại ô Kontum…”
Thực ra vào năm 1962 thì ở miền Nam chưa có đánh chác gì, bệnh viện chưa có thương binh.
Năm 1957, nói chung các năm từ 1956 đến 1960, trên đất nước miền Nam không nghe tiếng súng, xem như thanh bình tuyệt đối, an lạc. Trong bối cảnh và niềm tin tưởng đó, Đại học Huế được thành lập năm 1957 và trường ĐH YK Huế năm 1959 với các giáo sư, bác sĩ thuộc Đại học Freiburg Tây Đức qua giảng dạy, sống và làm việc tại Huế, nhiều vị mang theo gia đình.
Tại BXBV Mang Cá công việc nhàn nhã, binh lính tuổi trẻ khỏe mạnh, chỉ ốm đau lặt vặt, nặng lắm là đau bao tử, kiết lỵ, sốt rét. Tôi có vài lần mổ viêm ruột dư, sỏi bàng quang, túi mật.
Trong 2 năm tôi làm việc ở đó trước khi giải ngũ, chỉ có 1 ca bệnh tử vong do sài uốn ván. 
Trong BXBV thì tháng ngày chỉ lo công việc chẳng bận rộn đón tiếp ai hoặc học tập, hội họp gì.
Buổi sáng đến bệnh viện, trước khi đi thăm các trại bệnh tôi vào văn phòng xem qua các công văn, giấy tờ do thượng sĩ Du hành chánh đưa trình rồi giao cho ông giải quyết. Trung sĩ Thế coi về quân nhu, huấn luyện quân sự, Trung sĩ Đàng coi về phòng mổ hồi sức, Hạ sĩ N. phụ trách phòng xét nghiệm, Hạ sĩ T. phòng X- Quang chụp rửa phim v.v… 
Tháng 7 năm 1958 tôi có văn thư chỉ định chủ tọa hội đồng giám định y khoa cho các quân nhân trong địa bàn Thừa Thiên-Huế xin giải ngũ. Hội đồng họp tại BXBV Huế.
Nói là hội đồng nhưng chỉ gồm 3 thành viên mà tôi là chủ tịch, thượng sĩ Du là thư ký ghi biên bản và một y tá hạ sĩ ở trại bệnh. Hội đồng họp trong một căn phòng không trang trí gì.
Hôm đó có mười mấy quân nhân được giám định. Tôi quyết định có chiều rộng rãi, cho trả về đời sống dân sự các người kém sức khỏe, được hưởng tỷ lệ phụ cấp về bệnh tật nhiều ít căn cứ vào tập tài liệu hướng dẫn của Nha Quân Y. Một ông thiếu úy người miền Nam cũng được tôi giải quyết cho xuất ngũ. Những phán xử của hội đồng là chung quyết. 
Tháng 3 năm 1959 tôi lái xe ra Trạm xá Quảng Trị chủ tọa hội đồng giám định Y khoa ngoài đó. Hai trung sĩ của trạm xá phụ tá tôi xét hồ sơ của 10 quân nhân trong tỉnh xin giải ngũ. Phòng ốc bệnh xá Quảng Trị khá đơn sơ song các nhân viên làm việc rất giỏi. Công việc hoàn tất trong buổi sáng. Tôi lái xe thăm chợ, phố xá xinh xắn, ăn trưa rồi đặc biệt vào thăm thành cổ Quảng Trị, cổ kính và còn nguyên vẹn, có nhỏ hơn thành cổ Đồng Hới nơi quê tôi và thành cổ Vinh rộng lớn hơn khá nhiều mà tôi biết rõ lúc tôi là học sinh trường Quốc học Vinh và ở nhà dì dượng tôi sát cửa hữu thành cổ. 
Các thành cổ này ở tỉnh được xây cất giống Thành nội Huế chỉ khác quy mô nhỏ hơn.
BXBV Mang Cá ngoài các trại bệnh lại gồm kho thuốc đầy ắp, kho vũ khí chứa súng trường, súng lục, lựu đạn, phòng ăn, nhà bếp, kho xăng, nhà xác và gara quân xa chứa 1 xe jeep, 1 xe Dodge 4×4, 1 xe Dodge 6×6 sáu bánh, 1 xe GMC 10 bánh, 1 xe cứu thương bộ nhíp nhún rất mềm mại. 
Tiêu chuẩn xăng nhớt được Tiểu khu Thừa Thiên- Huế cung cấp đầy đủ dưới hình thức các thùng phuy 200 lít, các can 20 lít chứa xăng nhuộm màu xanh nhạt, gọi là xăng quân đội.
Khoảng một năm sau từ ngày tôi ra Huế, BXBV Huế lần lượt có thêm bác sĩ, dược sĩ, sĩ quan hành chánh, tiếp liệu… và sau đó được nâng cấp thành quân y viện.
II) Tôi Tự Học Lái Xe Quân Đội.
Công việc chu toàn, xe cộ nhiều, xăng nhớt thỏa thuê, ý nghĩ tập lái xe hơi đến với tôi một cách tự nhiên. Trước đó là sinh viên tôi đã lái qua các xe gắn máy có sang số: Goebel, Puch và xe Vespa Ý.
Nay có xe Jeep (hình bên) mà tập lái thì rất thuận lợi. Xe đơn giản, gọn, nhỏ, không có cửa bên khiến tầm nhìn rất rộng. Bãi cỏ trong Mang Cá để tập cũng vậy, dài rộng, có 1 con đường đất mé ngoài bìa bắt đầu từ cổng cửa Trài. Tôi tự học lái chẳng ai chỉ dẫn.

Xế trưa hôm đó tài xế binh nhì chở tôi xuống bãi cỏ, dừng lại, tắt máy, xuống xe ngồi lui lại ghế sau. Tôi bảo lên ngồi trước cạnh tôi. Binh nhì tên Luận, hiền lành, ít nói, chỉ biết vâng lời. 
Tôi ngồi vào vị trí lái, khởi động xe, vào số 1, lên số 2, về số 0… thực hiện các thao tác ngừng, chạy, nhanh chậm, quẹo phải, trái trong chừng 1 tiếng đồng hồ. 
Qua ngày thứ nhì tôi tập lên xuống giữa số 2 và 3 cao nhất, cũng như số R lui xe.
Ngày thứ ba tôi lái xe ra cổng Mang Cá và chạy xe loanh quanh các đường vắng trong Thành nội.
Ngày thứ tư tôi chạy xe ra ngoài Thành nội ở cửa ngăn, lên cầu Bạch Hổ rồi quay lui chạy xuống phố, vào đường Hàng Bè, vào cửa Chính Đông, trở về Mang Cá.
Ngày thứ năm tôi lái xe qua cầu Tràng Tiền, lên dốc Nam Giao, xuống dốc Bến Ngự, xuống An Cựu rồi quay về cầu Tràng Tiền, vào cửa Thượng Tứ, trở về Mang Cá.
Kể từ đó tôi lái xe Jeep hàng ngày cho đến khi tôi sắm xe hơi riêng đầu năm 1959. 
Lái xe jeep được nửa tháng tôi lái các xe Dodge 4×4 và xe Cứu thương chạy thẳng ra phố xá an toàn và dễ dàng như lúc lái xe Jeep. Tôi nghiệm thấy lái xe lớn rất thích thú, hơn xe nhỏ nhiều.
Cuối cùng tôi lái 2 xe còn lại là Dodge 6 bánh và GMC 10 bánh nhưng chỉ vài lần quanh quẩn trong Mang Cá, không đi ra ngoài vì sĩ quan mà lái các loại xe đó trông bất tiện.
Lái xe đã thành thạo, tôi nhờ Thượng sĩ Du qua Tiểu khu đăng ký tôi thi bằng lái quân xa. Thượng sĩ Du vâng lời, lấy xe Dodge cùng tài xế ra đi, hơn giờ sau trở về trao cho tôi bằng lái xe:
-Thưa bác sĩ, bên phòng Tư nói họ biết bác sĩ lái xe giỏi nên cấp bằng ngay, bác sĩ không cần phải thi và biếu các tem phiếu xăng (tích kê 20 lít) để bác sĩ dùng, dặn nếu thiếu thì họ cấp thêm. (1).
Tôi ngạc nhiên vì phòng Tư có quá nhiều xăng và cho rằng ông thiếu tá và các ông sĩ quan bên ấy muốn lấy lòng bên bệnh viện, song mãi về sau tôi cũng chẳng thấy ai hỏi xin nhờ vả gì.
Lái xe quân sự cũng có cái thú. Tôi 2 lần có dịp lái xe Jeep qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng. Xe lên đèo rất mạnh, chạy băng băng vượt xa các xe dân sự lắm khi lên đèo ì ạch khiến máy nóng bốc hơi.
Xe nhà binh rất uống xăng. Dù vậy tôi thấy ở BXBV Mang Cá xăng nhớt luôn thừa thãi.
Lái các xe to ngồi quen trên cao bệ vệ rất thích. 
III) Các Bạn Tôi Lái Xe Quân Đội.
DS Lê Bá Nhàn, BS Hồ Văn Châm và tôi cùng ở tại Học Xá Trung Việt các năm 1954-56.
+ GS Lê Bá Nhàn năm 1957 là dược sĩ trung úy trưng tập tại Đại đội Quân Y 1 (nằm kề BXBV Huế) của Sư đoàn 1 Bộ binh. Ông thấy tôi có lắm xe nên qua nhờ tôi giúp học lái. Ông tập lái nhanh duy thao tác có vẻ khác thường. Lúc chúng tôi lái xe Jeep qua cầu Tràng Tiền, tôi ngồi cạnh quan sát để nhắc nhở thì thấy ông như có vẻ căng thẳng, 2 cánh tay khuỳnh ngang thật rộng như diều hâu xòe cánh nắm chặt tay lái. Đó cũng là tư thế của ông khi đi xe gắn máy. Tôi nhắc ông buông xuôi cánh tay tuy nhiên ông giữ tư thế. Về sau ông cũng chỉ đi xe gắn máy, không hề mua sắm xe hơi. 
GS LBNhàn (ĐHYK Huế) là thân phụ của Lê Bá Khánh Trình là học sinh Việt Nam đầu tiên đạt huy chương vàng thi toán quốc tế IMO lần 21 tại London, Anh quốc năm 1979, rất nổi tiếng.
Hồi ấy có đôi lần Khánh Trình được GS Nhàn dắt đến nhờ tôi khám mắt, thử lại kính tại Bệnh viện Trung ương Huế.
+ BSTS Hồ Văn Châm (1932-2013) học học lái xe quân sự lúc ông đang còn là sinh viên Quân Y mà mỗi dịp hè hàng năm đều có chương trình huấn luyện quân sự 5 tuần lễ tại trường võ bị Đà Lạt. Riêng hè năm đó, 1955, Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi sĩ quan tại trường có nhã ý linh động dàn xếp với phòng học vụ để cho các sinh viên Quân y khóa cũ được học lớp lái quân xa hạng nhẹ (xe Jeep), theo một chương trình đặc biệt cấp tốc. BS Châm thuật lại câu chuyện hào hứng ông tập lái xe jeep cứng cát với những tai nạn ngộ nghĩnh:
“Mỗi tuần học 5 ngày, mỗi ngày một tiếng đồng hồ, từ 5 giờ đến 6 giờ chiều, nghĩa là toàn bộ thời gian khóa học chỉ vẻn vẹn có 20 tiếng… Khóa học gồm chừng 20 học viên, nhà trường có độc một xe jeep cho việc tập lái. Chúng tôi được chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm 5 người. Trong giờ học, cả nhóm 5 người cùng leo lên xe, một người cầm lái, huấn luyện viên ngồi kế bên chỉ dẫn. Học viên tập lái cho xe chạy theo con đường vòng đai chạy bao quanh doanh trại trường Võ bị, được chừng mười phút thì được lệnh ngừng lại để đổi người lái khác. Cũng có một hai trường hợp xe leo lề đường húc vào gốc cây hoặc rơi xuống đường hào tháo nước nhưng rất may mắn không gây nên tổn thương trầm trọng nào. Cứ như thế, chúng tôi học hành gấp rút “chụp dựt” nhưng vô cùng hào hứng. Suốt ngày cứ ngong ngóng, náo nức chờ đến giờ đi tập lái xe. Rồi cũng tới ngày khảo hạch. Không có hỏi han căn vặn gì về luật lệ đi đường. Mỗi học viên dự thi chỉ phải lái xe đủ một vòng quanh doanh trại, nếu suôn sẻ, không để xẩy ra trục trặc gì thì là trúng cách. Toàn nhóm chúng tôi đều thi đỗ, ngoại trừ hai anh Nguyễn Quang Đình và Phạm Viết Tú lóng ngóng thế nào mà cho xe lao xuống rảnh thoát nước bên vệ đường nên bị đánh hỏng. Chúng tôi được cấp ngay bằng lái xe quân sự hạng nhẹ do Trung tá Nguyễn Văn Thiệu ký. Về lại Sài Gòn, chúng tôi ra sở Trường Tiền trình bằng lái xe quân sự này để được cấp bằng lái xe dân sự mà không cần phải thi cử gì cả.” (Minh Vũ Hồ văn Châm “Đà Lạt trong ký ức tôi”, 10/2011). (2).
BS Lê Đình Thương (MD, USA), chủ tịch Hội Y Khoa Huế Hải ngoại, cựu y sĩ trung úy trưng tập thì thổ lộ vốn mê xe nên khi vào lính là kiếm dịp lái đủ tất cả các xe nhà binh, kể cả xe tăng.
Tôi ở trong quân đội 2 năm tại Huế rồi giải ngũ. Tôi chưa hề được huấn luyện quân sự và lúc còn tại ngũ một đôi lần tôi cũng cho phép binh sĩ từng đợt đi tập bắn ở trường bia An Cựu. 
Là sĩ quan thời bình, đó là những trải nghiệm đẹp đẽ thân thương đời quân ngũ vào những năm tháng quý báu toàn đất nước quân dân được sống trong cảnh thanh bình hồ hởi. 
Huế năm 1957 và từ trước là thành phố lớn nhất ở miền Trung. Đà Nẵng còn nhỏ chỉ bằng đường Trần Hưng Đạo Huế cọng thêm Gia Hội và An Cựu.
Chỉ sáu bảy năm sau cục diện nhanh chóng thay đổi. Và các bác sĩ quân y sau này đều học các khóa quân sự để đối đầu với các nguy hiểm nơi chiến trường như họ đã ghi lại trong các hồi ký.
*

Xe Dodge 4×4 – Xe GMC 10 bánh Xe cứu thương, Dodge 4x4

(Bệnh xá bệnh viện Mang Cá, Huế có tổng cọng 5 quân xa: 1 xe jeep, 1 xe Dodge 4×4, 1 xe Dodge 6×6 sáu bánh, 1 xe GMC 10 bánh, và 1 xe cứu thương Dodge 4×4 bít bùng đúng như trong các hình. 
Xe Jeep và xe cứu thương đều mang dấu chữ thâp đỏ ‘+’). 
Chú Thích:
(1) Bộ tham mưu có các phòng: – Phòng 1 (Nhân sự) – Phòng 2 (Tình báo) – Phòng 3 (Tác chiến) – Phòng 4 (Tiếp vận) – Phòng 5 (Tâm lý chiến) – Phòng 6 (Phản gián) – Phòng 7 (Trinh sát Kỹ thuật).
(2) Sở Trường Tiền là sở Công chánh ở Sài Gòn. Ở Huế có Khu Công Chánh Miền Bắc Trung – Nguyên Trung – Phần; tôi đem bằng quân sự đến xin đổi bằng lái xe dân sự thì Kỹ sư Trần Nguyên Đằng ghi thêm cho tôi được phép lái xe máy dầu và xe máy dầu có gắn xe biên (Sidecar Motorcycle). 

Xe máy dầu có gắn xe biên (Sidecar Motorcycle)

Lê Bá Vận

danlambaovn.blogspot.com