‘Tôi hụt hẫng khi mất đi đứa con tinh thần’
BBC
Tác giả của các tác phẩm tiểu thuyết ‘Tuyết Hoang’ và ‘Bóng Làng’, nhà văn Trần Quốc Quân giải thích vì sao việc trang Faebook cá nhân của ông bị khóa gần đây là một ‘cơn sốc lớn’ đối với ông.
“Việc Facebook của tôi bỗng dưng bị khóa làm cho tôi rất sốc, bởi vì có Facebook thì mới có bộ hồi ký ‘Em ơi Ba Lan’, có bộ hồi ký này thì mới có những tác phẩm như là ‘Tuyết Hoang’, ‘Bóng Làng’.
“Facebook là một phương tiện, cầu nối giữa tôi và bạn đọc, giữa tôi và giới hâm mộ các tác phẩm của tôi. Thế mà nay tôi không còn cầu nối ấy nữa,” nhà văn chia sẻ với BBC Tiếng Việt.
CEO Bill Ottman nói gì về Minds.com?
‘Tôi không nhập hàng Trung Quốc vào Ba Lan’
Tôi từng ghét ‘bọn phản động Ba Lan’
Ba Lan: Nhiều người Việt đến làm giấy tờ EU
Ba Lan và bài học cải tổ chính trị hậu cộng sản
Người đồng thời cũng là một doanh nhân và một nhà báo với 30 năm sinh sống và làm việc ở Ba Lan nói thêm với BBC về điều mà ông gọi là một ‘tổn thương tinh thần’:
“Việc Facebook bị đóng là cái khiến tôi bị tổn thương tinh thần rất lớn.
“Tôi cũng không biết lý do vì sao Facebook của tôi bị đóng, bởi các nội dung trong Facebook của tôi không vi phạm gì so với quy định của Facebook về hình ảnh, về lời văn, cũng như là các vùng cấm khác của Facebook.
“Tôi muốn Facebook trả lời cho tôi lý do vì sao Facebook của tôi bị đóng và tôi mong rằng trong thời gian ngắn tôi sẽ lấy lại được tài sản vô hình này của tôi.”
Khởi đầu cầm bút viết văn
Nhà văn Trần Quốc Quân nhân dịp này chia sẻ với BBC về tác phẩm ‘Tuyết Hoang’ mà ông sáng tác, bắt đầu từ cội nguồn của tên tác phẩm.
Bàn tròn: Chuyện cộng đồng và VN – cái nhìn từ Ba Lan
Ba Lan kiểm tra chợ châu Á có đông người Việt
Ba Lan bắt ‘nhóm quấy phá’ từ Liên bang Nga
Vì sao Tổng thống Ba Lan thăm VN?
“Tôi viết tiểu thuyết này trong bối cảnh lịch sử của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan từ những năm 1988, là năm tôi đặt chân đến cho đến năm 1998, tức là mười năm, vừa là trước và sau Ba Lan chuyển đổi thể chế.
“Vào thời điểm ấy Ba Lan, không những xã hội nước này, mà cả cộng đồng người Việt Nam chưa có những bộ luật chặt chẽ khi chuyển sang thể chế mới, cho nên nó mang tính hoang dã.
“Cái từ ‘hoang’ ở đây chính là ‘hoang dã’, ‘hoang dại’, chưa có luật định gì cả mà sống theo bản năng, còn ‘tuyết’ thì nó mang một hình ảnh đặc trưng về vùng Đông Âu, Liên Xô và Ba Lan nói riêng. Tuyết Hoang có nghĩa là sự hoang dại trong một vùng tuyết. Đấy chính là tên mà tôi đặt cho cuốn tiểu thuyết của tôi.”
Chia sẻ về khởi đầu của việc đến với viết văn, nhà văn, nhà báo, doanh nhân Trần Quốc Quân, người hiện là Phó Chủ tịch Tập đoàn AACC Đầu tư Trung tâm Thương mại ở Thủ đô Warsaw, nói:
“Đầu tiên là chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc tôi viết văn, khởi sự là tôi cùng với nhà báo Lê Xuân Lâm và một số người khác lập ra tờ báo ‘Quê Việt’, tiếng nói của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan từ những năm 1999. Tức là cũng gần 20 năm rồi.
“Trong thời gian tôi làm báo, viết báo, tôi viết một bộ hồi ký ‘Em ơi Ba Lan’ gồm 14 phần, chủ yếu để mua vui cho anh em trên Facebook thôi, thế nhưng có một số nhà xuất bản tiếp cận và đề nghị xuất bản.
“Có một số người, trong đó có nhà báo Nguyễn Giang của BBC, anh khuyên là đừng xuất bản dưới dạng Hồi ký, đó là một tư liệu rất quý, nếu xuất bản dưới dạng thô như thế này thì không khác gì là khai thác quặng lên mà chưa tinh chế đã xuất khẩu.
“Cho nên bây giờ thổi hồn nó, nâng giá trị nó lên bằng văn học, thì tôi nghe anh Nguyễn Giang và một số bạn bè báo chí nữa, là tôi chưa đồng ý xuất bản hồi ký ‘Em ơi Ba Lan’, mà tôi chuyển thể thành ‘Tuyết Hoang’ với 24 tháng cặm cụi viết, gần như là đều đặn các ngày, mỗi ngày năm tiếng. Tôi toàn viết vào ban đêm, ban ngày tôi vẫn phải duy trì doanh nghiệp của mình.”
‘Không bỏ một đồng xuất bản’
Là một doanh nhân có tác phẩm, nhưng tác giả Trần Quốc Quân cho hay ông không bỏ ra một đồng nào để tự xuất bản tiểu thuyết của mình.
Vì sao người Việt Nam vẫn sang Ba Lan?
Ba Lan bắt người làm 17 hộ chiếu Việt Nam giả
Xe tăng và quân Mỹ bắt đầu tới Ba Lan
“Nhiều người cứ nghĩ rằng tôi là doanh nhân là bỏ tiền ra để mua danh, bỏ tiền ra để xuất bản sách, nhưng thực sự ra không phải. Cho đến tận bây giờ tôi chưa bao giờ phải bỏ tiền ra để xuất bản sách cả.
“Mà tôi viết xong thì có Nhà Xuất bản Trẻ đọc và đề nghị ký hợp đồng ngay, tôi chưa bằng lòng và tôi sửa lại trong vòng một năm trời sau đấy, bản thảo được Nhà Xuất bản Trẻ ký hợp đồng, trả tiền bản quyền cho tôi theo giá bán trên bìa.
“Hợp đồng ấy được nhà xuất bản phát hành ở Việt Nam và trong những tháng đầu tiên sau khi phát hành, nó là một trong những cuốn sách bán chạy nhất Việt Nam. Tháng 7/2014, tức là sau khi cuốn sách này được Nhà Xuất bản Trẻ phát hành tại Việt Nam thì VTV đã chọn “Tuyết Hoang” là sự kiện văn học của tháng đó.”
Vừa làm ăn kinh doanh, vừa viết lách văn chương, về hai hoạt động và hai loại hình tư duy song hành này khi sáng tác, nhà văn Trần Quốc Quân nói:
“Phải nói là rất hiếm việc trong một con người vừa có chất doanh nghiệp mà lại có chất nhà văn, ít người có thể dung hòa hai cái đó, nhưng phải nói tôi đã làm được điều ấy, mà tôi lại không nghĩ rằng mình từng làm và đang làm được điều ấy.
“Thực ra về mặt bản chất, tư duy một doanh nhân rất khác tư duy của một nhà văn, thế nhưng tôi gần như hòa đồng được điều ấy trong một con người của tôi, nên nhiều người ngạc nhiên. Rất nhiều người ngạc nhiên là làm doanh nghiệp thì không thể là nhà văn và làm nhà văn thì không thể là doanh nhân.
“Tất nhiên là ở trong cuộc sống là có, nhưng mà hiếm, thực ra việc tôi viết được văn khi mà đang làm doanh nghiệp, thì khi doanh nghiệp đã ổn định rồi, chứ còn nếu tôi còn đang bươn chải, hàng ngày vật lộn với đồng tiền, thì nói thật chẳng có tâm lý đâu để mà viết cả.”
‘Càng lao vào càng đắm say’
Cho rằng mình may mắn khi không phải viết văn để kiếm sống, nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân nói tiếp:
Loại pho mai tuyệt vời của Ba Lan
Ba Lan biểu tình phản đối cải cách tư pháp
Trận Ba Lan thắng Hồng quân năm 1920
“Doanh nghiệp của tôi ổn định 15 năm nay rồi, nên buổi tối thường tôi không phải suy nghĩ gì về chuyện cơm áo gạo tiền nữa. Cuộc đời tôi, tôi công nhận là có nhiều may mắn, từ lúc sinh ra t lúc bây giờ, tôi tương đối mãn nguyện với sự thành công của mình, chỉ có một chút những cuộc thăng trầm mà trong doanh nghiệp hầu như ai cũng phải trải qua, thì tôi cũng phải trải qua, nhưng rất là nhanh thôi.
“Cuộc sống mưu sinh của tôi sớm ổn định và tôi không phải lo gì về cơm áo gạo tiền nữa, thì tâm trí mới có thể dồn để viết văn. Viết văn tôi không bao giờ coi như là một nghề kiếm sống cả, mà cái nghiệp thì cũng không phải, đầu tiên là thú vui, là ‘hobby’, sau đó càng lao vào nó thì càng đắm say với nó và đến bây giờ không dứt ra được.
“Sau cuốn ‘Tuyết Hoang’ này, tôi có một cuốn gọi là tiểu thuyết nữa cũng được, nhưng mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi là ‘Liên hoàn truyện’, vì nó là chín chương mà lại có liên hệ với nhau, nhưng mỗi chương như là một câu chuyện, nhưng được liên kết với nhau bằng những nhân vật, sự kiện ở trong ấy.
“Thì đấy là cuốn tiểu thuyết thứ hai, cuốn “Bóng Làng”, cũng do Nhà Xuất bản Trẻ xuất bản tại Việt Nam.
Về trao đổi giữa tác giả và nhà xuất bản trong quá trình biên tập cuốn sách trước khi cho tác phẩm ra mắt bạn đọc, về khía cạnh được cho là có sự ‘kiểm duyệt’ hay ‘tự kiểm duyệt’ nào đó hay không nếu có, ông Trần Quốc Quân nói:
“Đấy là suy nghĩ của tôi khi quyết định đưa cuốn tiểu thuyết “Tuyết Hoang” này cho Nhà Xuất bản Trẻ và đến tận bây giờ tôi vẫn không biết cơ chế về kiểm duyệt ở Việt Nam như thế nào, do Cục Xuất bản Bộ Văn hóa kiểm duyệt, rồi cho phép in hay là tự Ban Biên tập của Nhà Xuất bản Trẻ phải chịu trách nhiệm về các vấn đề nhạy cảm về quan điểm, tư tưởng, cái đấy thực sự đến bây giờ tôi không biết.
“Nhưng mà trong quá trình biên tập giữa tác giả và Nhà Xuất bản thì có những chỗ cần điều chỉnh lại cho phù hợp, thực ra mà nói cũng không nhiều, thực ra tôi viết cũng rất nhẹ nhàng mặc dù tôi là một nhân chứng sống về giai đoạn thay đổi lịch sử ở Ba Lan và Đông Âu cũng như là Liên Xô, nhưng tôi chuyển tải những vấn đề tư tưởng trong cuốn “Tuyết Hoang” rất nhẹ nhàng. Cho nên không có một sự căng thẳng nào giữa tác giả và biên tập của Nhà Xuất bản Trẻ.”
‘Đứa con tinh thần’
Trở lại với câu chuyện trang Facebook cá nhân bị khóa mà không được báo trước trong dịp hè này, nhà văn Trần Quốc Quân chia sẻ thêm:
“Tôi thực sự choáng, rất ngạc nhiên là không hiểu sao Facebook của mình lại bị khóa, chứ không phải là bị cướp tài khoản, mà đây là [đóng] bởi Facebook. Khi mà tôi mở ra thì có dòng chữ là ‘Tài khoản Facebook của bạn đã bị vô hiệu hóa,” đúng từng ấy chữ, không có một giải thích nào thêm.
“Và trong hộp thư điện tử gmail của tôi được đăng ký với Facebook cũng không có một thư nào nói lý do tại sao lại đóng Facebook của tôi, thực ra Facebook của tôi đã lập cách đây 9 năm, mà nhờ nó thì mới có các tác phẩm văn học về sau này.
“Bởi vì khi tôi đã tham gia cộng đồng mạng, thì theo động viên của rất nhiều anh chị em bạn bè là ‘anh có khả năng viết và anh có trải nghiệm rất nhiều, vốn sống rất nhiều, tại sao anh lại không viết một biên niên sử gì đó về cộng đồng’, thì chính từ lời khuyên ấy mà tôi đã viết 14 chương Hồi ký ‘Em ơi Ba Lan’.
“Tôi chỉ mua vui cho anh em bạn bè trên Facebook thôi, sau đó như đã nói được sự động viên của bạn bè mới chuyển thành tiểu thuyết, cho nên Facebook là một tài sản vô hình mà mang giá trị vô giá đối với tôi.
“Cho nên việc mà tôi bị khóa Facebook không biết lý do, không biết tương lai của nó thế nào, phải nói là tôi cảm thấy trống rỗng, hoang mang và buồn bã kinh khủng.
“Nó là đứa con tinh thần của tôi và nó là cầu nối của tôi với bạn bè, với độc giả và với những người yêu mến các tiểu thuyết của mình, thế và bỗng dưng tôi bị hụt hẫng, tôi bị mất mối liên kết ấy,” nhà văn nói với BBC Tiếng Việt từ trụ sở Tập đoàn Đầu tư Trung tâm Thương mại AACC nơi ông làm việc hàng ngày.
Nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân chia sẻ với BBC câu chuyện mà ông trải nghiệm này vào trung tuần tháng 7/2018, ông cho hay đã sử dụng một tài khoản thay thế, nhưng có lúc tài khoản này cũng bị ảnh hưởng mà không rõ lý do, vẫn theo ông.
Nhà văn cũng cho biết ông là một trong ba vị Chủ tịch đầu tiên của một Câu lạc bộ những người bạn Việt Nam yêu thích Facebook tại thủ đô Warsaw của Ba Lan được thành lập từ nhiều năm trước