‘Tôi bất ngờ vì được Đại hội tín nhiệm’

Cac Bai Khac

No sub-categories

‘Tôi bất ngờ vì được Đại hội tín nhiệm’
Theo BBC – 28 tháng 1 2016
Dàn lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra mắt trong lễ bế mạc Đại hội XII.
Hôm thứ Tư 27/1, Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi, đã tái đắc cử nhằm mục đích bảo đảm “kế thừa và đoàn kết” trong nội bộ Đảng CSVN.
Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, báo cáo kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, nói: “Ban Chấp hành Trung ương thống nhất rất cao bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tái cử Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII”.
Trọng có cuộc họp báo đầu tiên cho nhiệm kỳ hai của mình. Trước đó, các nhà báo được khuyến cáo “cân nhắc khi đặt câu hỏi”.

‘Bất ngờ’

Tại cuộc họp báo diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, trả lời câu hỏi của Truyền hình Việt Nam về cảm nghĩ của mình khi được bầu làm Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng nói: “Hơi bất ngờ với tôi, khó trả lời. Tôi cũng không ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối”.
“Bất ngờ vì tuổi cao, sức khoẻ có hạn, trình độ có hạn, tôi đã xin nghỉ rồi. Trách nhiệm Đảng giao thì tôi với tư cách đảng viên thì phải chấp hành.”
Trọng cũng ngỏ lời “chân thành cảm ơn đồng bào đã có những nhắn gửi, giao trách nhiệm cho chúng tôi” và nói “lo lắng vì trách nhiệm sắp tới còn nặng nề lắm”.
Tổng bí thư Trọng khẳng định “kết quả bầu cử vừa rồi bảo đảm 100% là hoàn toàn đúng với công tác nhân sự”.
Quá trình bầu chọn nhân sự, theo Trọng là rất đúng đắn và dân chủ.
Trọng phát biểu với báo chí: “Dân chủ đến thế là cùng – nhiều đại biểu tâm sự như thế. Đại hội lần này là đại hội biểu hiện dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ.”

‘Tre già măng mọc’

Phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC Tiếng Việt đặt câu hỏi cho Nguyễn Phú Trọng:
“Ở phần đầu cuộc họp báo, Tổng Bí thư có nói rằng tuổi của ông đã khá cao so với những người khác trong Bộ Chính trị và Tổng Bí thư có nói về thế hệ trẻ, gương mặt mới trong Bộ Chính trị. Vậy trong nhiệm kỳ này, Tổng Bí thư có kế hoạch, lộ trình nào đó để tìm kiếm một người có tài, có đức, và trẻ để gánh vác, kế nhiệm Tổng Bí thư? Và nếu như có kế hoạch hay lộ trình đó thì thời gian diễn ra mất khoảng bao lâu?”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời: “Vấn đề bạn nêu lên cũng là một vấn đề đáng lo, làm sao đào tạo, bồi dưỡng được các anh em trẻ, lớp cán bộ “tre già măng mọc”. Ngay cơ cấu và đội ngũ bây giờ cũng phải liên tục kế thừa ba độ tuổi để phát triển, không để hẫng hụt. Già quá không được, trẻ quá không được.
“Giống như búi tre cần có ba lớp, có măng mọc, rồi có lớp bánh tẻ, rồi lớp già thì nó mới ấm cái gốc. Lo trách nhiệm để đào tạo cán bộ trẻ là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài và phải làm có kế hoạch.
“Vừa qua, chúng ta đã làm được một bước nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm tiếp, tỷ lệ trẻ bây giờ trong lớp lãnh đạo cũng còn ít, phải hết sức đòi hỏi không những kế hoạch, suy nghĩ đào tạo, mà chính là phải có cái tâm, quan tâm chăm lo đến các anh chị em trẻ.
“Bây giờ tài năng trẻ nhiều lắm. Trong Ban Chấp hành Trung ương, tỷ lệ tốt nghiệp đại học, trên đại học rất nhiều, gần 100%. Nhân tài không thiếu, lớp trẻ bây giờ được tiếp xúc với nhiều phương tiện thông tin hiện đại, có nhiều kiến thức hơn lớp chúng tôi ngày xưa.
“Thế còn bạn hỏi kế hoạch bao giờ xong thì hôm nay hỏi thì cũng khó trả lời, phải có kế hoạch, phải chuẩn bị, phải làm bài bản. Từng bước đi một. Bây giờ bảo hứa 5 năm, 2-3 năm thì tôi sợ như thế không khả thi và có cái gì đó nó ảo tưởng”.

Bộ Chính trị

AFP
Liệu đây có phải “tứ trụ” mới?
Ban Chấp hành Trung ương khóa XII hôm 27/1 cũng bỏ phiếu bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bộ Chính trị mới có 19 ủy viên, tăng ba người so với trước.
Bên cạnh Nguyễn Phú Trọng có các ông bà (xếp theo thứ tự alphabet):
  1. Trương Hòa Bình: Chánh án tòa án Nhân dân Tối cao, nguyên trung tướng công an
  2. Nguyễn Văn Bình: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
  3. Phạm Minh Chính: Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên trung tướng công an
  4. Hoàng Trung Hải: Phó Thủ tướng
  5. Vương Đình Huệ: Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Tài chính
  6. Đinh Thế Huynh: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
  7. Tô Lâm: Thượng tướng, Thứ trưởng Công an
  8. Ngô Xuân Lịch: Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
  9. Trương Thị Mai: Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
  10. Phạm Bình Minh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao
  11. Nguyễn Thị Kim Ngân: Phó Chủ tịch Quốc hội
  12. Nguyễn Thiện Nhân: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng
  13. Tòng Thị Phóng: Phó Chủ tịch Quốc hội
  14. Nguyễn Xuân Phúc: Phó Thủ tướng
  15. Trần Đại Quang: Đại tướng, Bộ trưởng Công an
  16. Đinh La Thăng: Bộ trưởng Giao thông Vận tải
  17. Võ Văn Thưởng: Phó bí thư thường trực TP HCM
  18. Trần Quốc Vượng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao
Ban Bí thư ngoài một số ủy viên Bộ Chính trị sẽ có thêm các ông: Lương Cường (Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Nguyễn Văn Nên (Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) và Nguyễn Hòa Bình (Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao).
Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 vị cũng đã được bầu.

Lãnh đạo các ngành

Reuters
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới lễ bế mạc 28/1
Lãnh đạo Đảng đã có đề xuất một số nhân sự chủ chốt, cụ thể là Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ và Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội.
Bốn ủy viên Bộ Chính trị mới xuất thân công an, hai người thuộc quân đội.
Nếu như Trần Đại Quang lên làm Chủ tịch nước thì Tô Lâm sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Công an. Bộ trưởng Quốc phòng sẽ là Đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Võ Văn Thưởng nhiều khả năng sẽ trở thành Bí thư Thành ủy HCM thay Lê Thanh Hải.
Một điều mà nhiều nhà quan sát cho là bất ngờ, là việc Đinh La Thăng lọt vào Bộ Chính trị.
Việc Phạm Bình Minh trở thành ủy viên Bộ Chính trị cũng là một diễn biến được quan tâm, được cho là sẽ nâng cao vị thế của ngành ngoại giao Việt Nam.
Phạm Bình Minh là con trai của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người chủ trương chống ảnh hưởng của TC và do vậy không được ủng hộ của Bắc Kinh.
Một câu hỏi mà các nhà bình luận đang tìm cách giải đáp là ai trong các ủy viên trên sẽ thay thế Nguyễn Phú Trọng khi ông rút lui vào giữa nhiệm kỳ trong vài năm tới.