Toàn cầu hóa và kinh tế đối ngoại của tổng thống Trump – Nguyễn Bá Lộc
Chánh sách kinh tế đối ngoại của Hoa kỳ không thay đổi nhiều trong vòng 50 năm qua. Hoa kỳ là nước khởi xướng và yểm trợ Tòan cầu hóa (TCH). Toàn cầu hóa đã đem lại nhiều kết quả tốt cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Hoa kỳ. Nhưng TCH cũng đưa tới một số tiêu cực , một số khó khăn cho một số thành phần nào đó trong một số quốc gia.
Chủ trương và tiến trình TCH hay Hội nhập kinh tế toàn cầu là một vấn đề phức tạp. Nó không chỉ đơn thuần đầu tư và mậu dịch, nhứt là từ khi Sô viết và Đông âu sụp đổ và từ khi có xuất dạng của loại CS như Trung quốc. Trên thế giới có một mô hình kinh tế pha trộn giữa Tư bản chủ nghĩa và “Cộng sản biến dạng”, cọng thêm Dân tộc chủ nghĩa. Do đó trận chiến kinh tế càng phức tạp hơn . Một số nhà nghiên cứu cho rằng đã đến lúc cần có sự thay đổi nữa cho TCH.
Phản ứng mạnh mẽ và gần đây nhứt là từ tân TT Trump . Tân TT Hoa kỳ chủ trương xét lại chánh sách kinh tế đối ngoại, vì cho rằng sự hợp tác và mở rộng thế giới đã có bất công và bất hợp lý đã gây ra nhiều cái hại cho Hoa kỳ, nay cần cải sửa.
Chúng ta đều biết chánh sách kinh tế đối ngoại của Hoa kỳ có tầm mức quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu, và cho các đồng minh về cả hai mặt kinh tế và chánh trị.
Trong bài nầy chúng tôi tóm lược diễn tiến của TCH và chánh sách mới về kinh tế đối ngoại của TT Trump.
I.Tóm lược Toàn cầu hóa (Globalisation)
Toàn cầu hóa (TCH) là một vấn đề lớn và quan trọng của thế giới. Phong trào TCH đem lại nhiều thành quả tốt hữu ích giúp cho sự tiến bộ nhiều mặt cho hầu hết các quốc gia trên thế giới trong hơn nửa thế kỹ qua. Tuy nhiên, nó cũng có một số bất lợi và gây nhiều tranh cải nhứt là trong những năm gần đây.
1. Diễn tiến Toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa (TCH) là ý niệm của sự mở rộng và hợp tác nhiều quốc gia trên nhiều lảnh vực kinh tế. Trong quá trình khá lâu dài phong trào có một số biến cải cho thích nghi. Ý niệm nầy khởi đầu từ giửa thế kỹ 19 do Anh quốc khởi xướng. Phong trào được phát triển mạnh hơn sau đệ nhị thế chiến. Và rồi mở rộng nhiều hơn nữa trong khoảng 30 năm nay khi Liên sô sụp đỗ và khi nền kinh tế của các nước CS còn lại bị bế tắc. Nói chung TCH là chủ thuyết và chủ trương của nền kinh tế tự do, mở cửa và hợp tác giữa các chánh quyền và giữa các nhà tư bản bung ra khỏi biên cương của mình.
Các quốc gia có liên quan đến phong trào Hội nhập toàn cầu đều cảm thấy có lợi ít hay nhiều tùy điều kiện của mỗi nước và tùy khả năng vận dụng phong trào. Tuy nhiên bên cạnh cũng có một số bất lợi hay khó khăn.
TCH qua một khúc quanh đặc biệt khi Trung quốc chuyển hướng kinh tế sang mô hình kinh tế thị trường trong chế độ độc tài CS, trong đó có VN, và chủ trương Hội nhập kinh tế bằng mọi giá. Hơn 20 năm qua Trung quốc đạt mức phát triển cao bằng sự gian manh cố hữu.
TCH đã đưa tới sự việc nhiều công ty Mỹ ào ạt bỏ xứ đến đầu tư ở TQ , ở Ấn độ, ở Mexico…làm thất nghiệp ở Hoa kỳ gia tăng. Mặt khác hàng hóa tại các nước đó có giá rất rẽ đã tràn vào Mỹ. Nhập siêu của Mỹ đối TQ càng ngày cang lớn. Hoa kỳ với TT Trump thấy cần phải có sự thay đổi mạnh nếu không trận chiến càng kéo dài Hoa kỳ càng yếu thế. Kinh tế đi xuống thì chánh trị quốc tế đi xuống theo. Khi đó thế giới càng hổn loạn hơn nữa.
Trên bình diện quốc tế nhờ TCH kinh tế và lợi đầu người gia tăng. Ngoài đầu tư và mậu dịch còn nhiều hoạt động dịch vụ tài chánh, ngân hàng, bảo hiểm, chuyển vận , luật pháp gia tăng theo.
Trong hơn 50 năm qua TCH tiến tới và mở rộng thêm trong mô hình hợp tác đa phương hay song phương. Phong trào TCH được đẩy mạnh nhứt là trong thời kỳ TT Reagan của Hoa kỳ và Thủ tướng Thatcher của Anh quốc.
Chánh sách kinh tế đối ngoại của Hoa kỳ đi song song với sự bành trướng của “phong trào toàn cầu hóa” vào thập niên 1970. Những sáng kiến và thúc đẩy đầu tiên cho TCH là những Tổng thống và nói chung của đảng Cộng hòa. Từ TT Eisenhower của ý niệm và thúc đẩy đầu tiên , TT Regan đẩy sư hình thành WTO, và TT Bush ý kiến khởi đầu cho Hiệp định TPP và sau đó TT Obama xúc tiến.
Lảnh đạo Trung quốc bế tắc với nền kinh tế CS và đã “đổi mới”. Nhưng một mặt vẫn giử chế độ độc tài trong nước, một mặt dùng “chiêu” của Tư bản để đánh tư bản và chiêu dụ các nước nghèo và tham nhũng nhiều. TQ đã lợi dụng và lạm dụng tối đa phong trào TCH. TQ mở rộng đầu tư ngoại quốc, và xuất cảng thật nhiều hàng với giá thật rẽ.
2.Tóm tắt thành quả của Toàn cầu hóa
Sự thành công của TCH đã xác nhận chủ thuyết kinh tế tự do hay kinh tế thị trường đã thắng lợi và chủ thuyết kinh tế CS đã sụp đỗ. Nhưng khi “đổi mới” nền kinh tế CS của các nước còn lại, đặc biệt là Trung quốc, có tác động và ảnh hưởng nhiều về TCH.
Môt số thành quả TCH có thể tóm tắt sau đây:
*Về Chủ trương chung: Xóa bỏ biên cương kinh tế và giao dịch. Các nước tiến lại gần nhau. Mở rộng cửa. Bỏ hẳn hay bỏ phần lớn chủ trương “Cô lập- Isolationism”, bỏ chủ trương “Bảo hộ mậu dịch- Protectionism”
*Về Tổ chức quốc tế Để thực hiện chủ trương TCH nhiều quốc gia kết hợp thực hiện nhiều tổ chức kinh tế hay mậu dịch song phưng và đa phương. Như Tổ chức Mậu dịch quốc tế ( từ Tổ chức Quan thuế biểu quốc tế GATT), APEC (Mậu dịch tự do Á châu Thái bình dương), NAFTA (Canada, Hoa kỳ và Mixico), Tổ chức hợp tác kinh tế ASEAN, Tổ chức kinh tế tài chánh của Cộng đồng Âu châu, Hiệp định TPP (Trans Pacific Partnership) . Và có nhiều Hiệp ước song phương như Hoa kỳ với Nhật, với Nam hàn, với Colombia, với Peru, Vietnam; Việt Nam với Trung quốc, với Singapore, với Nhựt . Ngoài ra có những định chế quốc tế có hoạt động tích cực yểm trợ cho phong trào TCH như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Nhân quyền và rất nhiều cơ quan về nghiên cứu, tư vấn, về thông tin, luật pháp.
*Về mặt Đầu tư ngoại quốc (FDI-Foreign Direct Investment). Sự chuyển dịch tư bản to lớn trong vòng 30 năm qua từ những nhà đầu tư của nhiều nước với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận nhiều hơn, nhờ công nhân rẽ, nguyên liệu dễ, và gần thị trường quốc tế lớn. Ngược lại các nước còn nghèo mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi để đón nhận FDI từ khắp nơi.
Doanh nhân trong và ngoài nước có cơ hội trao đổi kinh nghiệm về quản lý, về kỹ thuật và về thị trương. Điều nầy tiết kiệm được nhiều công và của.
*Về mậu dịch tự do (Free Trade). Đây là mô hình và chủ trương của TCH . Hiệp định nào cũng qui định bỏ hạn ngạch và bỏ hay giảm quan thuế tối đa có thể là o% hay dưới 5% ( nếu không có hiệp ước thì thuế nhập cũng từ 10% đến 30-50% tùy loại hàng). Giá hàng rẽ thì tiêu thụ tăng và sản xuất tăng. Nước nghèo tăng xuất cảng thì có thêm tiền mua nhiều hơn hàng từ nước có kỹ nghệ cao hay kỹ thuật cao.
Trong 50 năm kể từ 1955, khối lượng hàng hóa giao lưu trên thế giới tăng hơn 100 lần ( từ $90 triệu lên $12,000 triệu mỹ kim, theo báo Finacial Times )
Từ sau thế chiến II, Hoa kỳ luôn là cường quốc số một về kinh tế. Hoa kỳ chiếm 11% khối lượng hàng giao dịch và 24% GDP thế giới. (Fiancial Times). Hoa kỳ là nước có tỷ phần lớn nhứt về đầu tư ngoại quốc trên thế giới.
*Về mức sống người dân khá hơn và xã hội được tốt hơn hầu hết trên thế giới. Nhờ phát triển kinh tế lợi tức người dân cao hơn. Nhờ những qui định quốc tế của Hiệp định mậu dịch các nước độc tài cơ cơ hội cải tiến phần nào Nhân quyền và Dân quyền.
* Về cải tiến giáo dục và khoa học kỹ thuật. Nhờ TCH nền giáo dục nhiều nước có cải tiến nhiều hơn và cùng chiều hướng vì tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật, y học sinh học, luật pháp, quản trị, có những nguyên tắc và mẫu mực chung của thế giới .
3. Bất lợi và Trở ngại của TCH
Nói cách tổng quát có nhiều nhà kinh tế hay chiến lược gia cho rằng Mậu dịch tự do và Hiệp tác quốc tế về đầu tư ngoại quốc có lợi cho mọi nước. Tuy nhiên cũng có một số nhà nghiên cứu gần đây cho rằng cái lợi của TCH không đến đồng đều, có một số bất công.
TCH có vấn đề vì sự trổi dậy và sự cạnh tranh bá đạo của TQ . Nếu Hoa kỳ và các nước tư bản khác không cảnh giác hay chỉ vì cái lợi trước mắt rồi sẽ bị TQ tấn tới mạnh hơn để giành vị thế số một.
Cũng như do sự tiến bộ về khoa học và kỹ thuật, sẽ có hàng loạt loại người máy thay thế công nhân. Hoặc có những loại kỹ nghệ mới cần công nhân có chuyên môn mới.
Việc “chiêu hồi”các công ty Mỹ đã chuyển đầu tư ra ngoại quốc cũng không dễ dàng, vì cơ sở vốn liếng đã cấy lâu rồi các nước đó. Các nhà đầu tư bao giờ cũng nghĩ đến cái lợi trước hết.
Ngay tại một số nước nhận FDI cũng có khó khăn như thành phần nông dân.
TCH có làm cho kinh tế các nước gia tăng, nhưng phần lớn lợi vào túi các nhà tư bản lớn, người nghèo vẫn không khá hơn bao nhiêu. Càng phát triển thì sự cách biệt giàu nghèo càng cao.
Đầu tư trong nước đã kỹ nghệ hóa như Hoa kỳ bị mất việc làm trầm trọng, vì giá công nhân ở nước nghèo rất thấp.
Nhiều nước có chế độ chánh trị xấu, nhứt tại nước CS, đã lạm dụng viện trợ, lạm dụng thị trường mỡ rộng và không thuế quan đã tuồn hàng vào, trong đó có hàng giả hàng độc hại, gây sự bất công và xáo trộn thị trường.
Chánh quyền các nước độc tài có cơ hội tham nhũng nhiều hơn.
II.Chánh sách kinh tế đối ngoại của TT Trump
1.Các nét chánh của TT Trump về kinh tế đối ngoại và Hội nhập toàn cầu
*Chủ trương Mậu dịch vừa tự do (Free trade) vừa có công bằng (Free trade) . Không thể để cho Hoa kỳ bị thiệt mà nước khác có quá nhiều lợi. Từ đó đưa đến chế độ “Bảo hộ mậu dịch- Protectionism”nhưng ở mức độ nào đó thôi. Biện pháp thông thường là tăng thuế quan hàng nhập nhứt là từ TQ để giảm nhập siêu. TT Trump dọa sẽ tăng thuế quan cho hàng TQ từ khoảng 10% hiện nay lên 45%. Hàng từ Mexico tăng thuế tứ 5-10% lên 25%.
*Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tại Mỹ để giảm giảm bớt công ty Mỹ kéo ra nước ngoài. Tư bản Mỹ càng ra nước ngoài thì sức mạnh kinh tế Hoa kỳ càng yếu và càng làm lợi cho kẽ thù như TQ.
*Hoa kỳ phải đem về việc làm đã chạy ra nước ngoài (nhiều nhứt là TQ, Mexico)
* Chống cạnh tranh bất chánh do lủng đoạn hối suất, nhứt là từ TQ (đồng Yuan của TQ phải tăng giá) . Có thể bị Hoa kỳ dùng biện pháp tiền tệ, tài chánh qua cơ quan quốc tế và qua việc đánh thuế phá giá.
*Hoa kỳ sẽ ấn định hạn ngạch cho hàng nhập .
Trong nước thì Hoa kỳ khuyến khích dùng hàng hóa Mỹ, kiểm soát hàng nhập kỹ hơn.
*Hoa kỳ sẽ xem xét lại các Hiệp ước kinh tế, mậu dịch có từ trước như Napta với Canada va Mexico, với Âu châu , với Trung Mỹ, với Nam hàn, với khu vực Thái bình dương (TPP đã bị TT Trump rút ra). TT Trump thích loại Hiệp định song phương hơn đa phương, vì song phương dễ thương thảo riêng biệt cho từng quốc gia.
*Đặc biệt đối vớ TQ phải điều chỉnh mạnh mẽ về nhập siêu, về Hối xuất , về đầu tư kể cả việc rửa tiền.
2. Những phản ứng về chánh sách kinh tế đối ngoại của TT Trump
Cho tới nay, hảy còn quá sớm (chỉ mới hơn một tháng), sách lược của kinh tế đối ngoại của TT Trump chưa rõ nét và chưa đầy đủ. Sự thực hiện chủ trương mới là quan trọng. Cần sự nghiên cứu kỹ lưởng vì đây là vấn đề rất lớn. Một sự thay đổi mạnh mẽ nào cũng có hai mặt.
Nhiều nhà kinh tế và chiến lược gia cho rằng Hoa kỳ không trở lại chế độ Bảo hộ mậu dịch. TCH có lợi hơn chỉ nên điều chỉnh sao cho những thiệt hại cho Hoa kỳ không còn hay ít đi. Nhứt là phả có kế hoạch cứng rắn và vững vàng hơn trong đoản kỳ và trong trường kỳ.
Hồi tháng 7 năm 2016, thông cáo chung của cuộc họp các Bộ trưởng tài chánh của G20 có ghi “chúng ta đang làm việc chung nhau để tăng cường sự đóng góp mậu dịch cho các nền kinh tế của chúng ta. Năm nay trong buổi họp các Bộ trưởng G20 vào tuần rồi tại Paris thì nổi lên sự lo âu về Hoa kỳ nếu chủ trương “Protectionism”. Nhưng các cố vấn của TT Trump thì cho rằng không có chủ trương Bảo hộ mậu dịch mà chỉ tìm một hướng đi mới cho công bằng cho Hoa kỳ.
So với những thành quả mà Hoa kỳ có được từ hàng chục năm trước với vai trò cường quốc số một lảnh đạo thế giới thì chủ trương của TT Trump có hại nhiều hơn lợi. Toàn cầu hóa, hợp tác hóa đem lại lợi về kinh tế mà còn về an ninh, giá trị Hệ thống chánh trị và văn hóa Hoa kỳ: Tự do, Dân chủ, Nhân quyền cho mọi quốc gia.
3.Hậu quả của chánh sách của TT Trump trong tương lai
Như chúng ta biết chỉ trong thời gian ngắn sau khi nhận chức, TT Trump đã đưa ra một số quyết định khá quan trọng ảnh hương cho tương lai của Hoa kỳ. Và cho cả thế giới nữa vì bất cứ biến đổi nào của Hoa kỳ đều có tác động đến thế giới.
Về TCH có nhiều cái lợi nhưng cũng có một số bất lợi cho Hoa kỳ và một số quốc gia. Yếu tố Trung quốc là một điều cần suy nghĩ nhiều nhứt và cần phải có giải pháp thích nghi nếu không sẽ muộn. Vấn nạn nầy đã có từ vài chục năm trước rồi. Nhưng vì nhiều lý do nó vẫn kéo dài và càng ngày càng khó giải quyết.
Ở vị trí của bất cứ TT Hoa kỳ nào chớ không phải riêng TT Trump là phải giải quyết vấn đề TCH để có thể có mô hình mới ít thiệt hại cho Hoa kỳ và một số quốc gia đồng minh và nhứt là ngăn chận hữu hiệu hơn sự bành trướng nhanh nhưng không trật tự không lương thiện của Trung quốc cùng với sự xáo trộn mạnh ở Bắc Hàn và Trung đông.
Một số nguyên tắc căn bản và hợp tình hợp lý còn giá trị cho tương lai là:
Nên vẫn theo TCH trong đường hướng Kinh tế tư bản với một số cải sửa thích nghi.
Hoa kỳ không thể và không nên theo chủ nghĩa “Bảo hộ mậu dịch” vì Hoa kỳ là cường quốc sô một thế giới, chủ nghĩa nầy đã lỗi thời và phản tác dụng. Thực sự TT Trump chưa có chủ trương chặc chẻ như vậy.
Hoa kỳ cần có đồng minh, về kinh tế và chánh tri an ninh quốc tế. Hoa kỳ cần giữ vai trò lảnh đạo thế giới. Mà đối thủ là TQ hiện không có đủ điều kiện ( Kinh tế mạnh nhứt, Hệ thống chánh trị tốt, có Tự do Dân chủ và Nhân quyền, và có nền Văn hóa mà nhiều nước chấp nhận được)
Hoa kỳ cần có chiến lược chiến thuật ngay với các quốc gia đang lo âu vế chánh sách Hoa kỳ hay đang lợi dụng thời cơ để tấn công hay làm suy yếu Hoa kỳ. Về phương diện TCH Hiệp ước song phương có lẽ dễ thực hiện , dễ giải quyết khó khăn và dễ có sự khác biệt về mô thức.
Các quốc gia cần trấn an, đối diện hay đối đầu là:
Âu châu vân mãi là đồng minh lâu dài cho kinh tế lẫn an ninh.
Trung quốc vẫn mãi là kẻ thù đáng ngại nhứt không phải chỉ là Mỹ mà cả nhiều nước nhứ là vùng Đông Á.
Các nước Đòng minh hay thân thiện ở Á châu : Nhựt, Nam Hàn, Singapore, Malaysia , Indonesia, Ấn độ và cả Úc , Tân Tây Lan . Đây là những đồng minh tương đối tốt về kinh tế lẫn an ninh.
.Việt nam . Đây không phải đồng minh của Hoa kỳ, hiện không phải là kẻ thù, và một nước nhỏ yếu kém. Dưới mắt chánh quyền Hoa kỳ chánh quyền CS VN quá tệ hại, dối trá bất lương , và đang đu giây giữa TQ và Hoa kỳ để tìm những món lợi lộc và duy trì chế độ. Nhưng VN có vị trí và truyền thống lịch sử văn hóa tốt cho mọi hợp tác quốc tế cho an ninh và phát triển vùng Biển đông trong hiện tại cũng như tương lai.
Chúng tôi vừa tóm lược hai phần của bài khảo luận trên là : Vấn đề Toàn cầu hóa và Sách lược của Hoa kỳ vế kinh tế đối ngoại hiện nay. Một vấn đề rất phức tạp, còn phải tìm hiểu thêm nhiều trong tương lai.
Nguyễn Bá Lộc Cali ngày 22 tháng 3 năm 2017