Tòa Hiến pháp Thái Lan loại bà Yingluck ra khỏi chức Thủ tướng
Tòa án Hiến pháp cho rằng bà Yingluck Shinawatra và các thành viên nội các của bà đã lạm dụng quyền hành khi họ thuyên chuyển một giới chức của hội đồng an ninh quốc gia để dọn đường cho một người bà con của bà nắm giữ chức vụ tổng giám đốc cảnh sát quốc gia.
Chánh án Charoon Intachan tuyên đọc phần cuối của phán quyết khá dài để loại bà Yingluck ra khỏi chức thủ tướng.
Ông Charoon nói rằng theo hiến pháp chức vụ Thủ tướng hiện giờ được tuyên bố bỏ trống. Ông nói thêm rằng tất cả 9 thành viên trong nội các tại chức khi diễn ra vụ thuyên chuyển trái phép năm 2011 cũng phải rời khỏi chức vụ.
Những thành viên còn lại trong nội các đã nhanh chóng chọn Bộ trưởng Thương mại lâm thời, ông Niwatthamrong Boonsongphaisan, làm tân Thủ tướng tạm quyền.
Không lâu sau khi loan báo đó được đưa ra, bà Yingluck đã đọc diễn văn trên truyền hình để cảm ơn sự tin tưởng và ủng hộ của dân chúng trong giai đoạn khó khăn.
Bà Yingluck nói bà không làm điều gì trái với pháp luật, bất chấp phán quyết của tòa hiến pháp.
Đảng Pheu Thai của bà nói rằng phán quyết của Tòa Hiến pháp là một âm mưu nhằm tiêu diệt dân chủ.
Một cựu ngoại trưởng ủng hộ chính phủ hiện nay, ông Nappadon Pattama, nói rằng quyết định của tòa hiến pháp là vi hiến, nhưng có phần chắc sẽ được chấp nhận.
“Thủ tướng đã không làm điều gì sai. Nhưng tòa án ra phán quyết chống lại thủ tướng. Điều làm tôi ngạc nhiên là tòa án không loại bỏ toàn thể nội các. Đây là một việc tốt.”
Ông Thitinan Pongsudhirak, giáo sư chính trị học của Đại học Chulalongkorn, đồng ý với ông Nappadon và nói rằng việc để lại 25 thành viên nội các giúp cho Thái Lan có được sự ổn định trong ngắn hạn.
“Tôi lạc quan một cách dè dặt mặc dù lâu nay tôi rất bi quan. Lần này Tòa án Hiến pháp đã không đi tới cùng. Họ đi gần tới mức cuối. Họ loại bỏ bà Yingluck, loại bỏ nội các của 3 năm trước, nhưng họ để lại một số thành viên nội các để kế nhiệm bà Yingluck và điều hành một chính phủ tạm quyền. Điều này có nghĩa là chúng tôi có một cơ hội để có một ngày bầu cử.”
Đây là lần thứ ba các tòa án ở Thái Lan loại bỏ một vị Thủ tướng kể từ năm 2006. Tất cả 3 Thủ tướng bị loại đều thuộc những đảng phái có sự ủng hộ ông Thaksin Shinawatra, anh của bà Yingluck, và là người tiếp tục là một người ủng hộ chính của đảng Pheu Thai.
Ủy ban bầu cử Thái Lan đã quyết định tổ chức một cuộc bầu cử mới vào ngày 20 tháng 7. Chính phủ đã bác bỏ một đề nghị của một lãnh tụ đối lập là hoãn cuộc bầu cử thêm 6 tháng để tiến hành các biện pháp cải cách chính trị và bầu cử. Việc này làm người ta không rõ cuộc bầu cử có diễn ra vào ngày 20 tháng 7 hay không.
Trong nhiều tháng nay, người cầm đầu những người biểu tình đã chiếm cứ nhiều khu vực ở Bangkok nói rằng nên để cho một hội đồng nhân dân không do dân bầu ra điều hành việc nước trong một khoảng thời gian không có giới hạn để tiến hành những cải cách nhằm ngăn chận nạn gian lận bầu cử.
Những người ủng hộ chính phủ nói rằng lý do chính khiến Đảng Dân chủ và các nhóm liên minh với họ phản đối việc tổ chức bầu cử vì họ biết đa số cử tri sẽ không bỏ phiếu cho họ.
Việc cơ quan tư pháp loại bỏ thủ tướng gây phẫn nộ cho những người ủng hộ gia tộc Shinawatra. Hàng vạn người thuộc phe Áo Đỏ, đa số là những người ở vùng quê phía bắc, dự kiến sẽ bắt đầu tiến về thủ đô để tham gia một cuộc mít tinh lớn vào ngày thứ bảy.
Điều đó có thể dẫn tới những vụ đụng độ trên đường phố giữa phe Áo Vàng và những thanh phần chống chính phủ khác.
Cựu ngoại trưởng Nappadon hy vọng là phe Áo Đỏ không khích động bạo lực.
“Chúng tôi phải ngăn ngừa những vụ đụng độ có thể xảy ra với đối thủ của chúng tôi. Nếu không thì những vụ đụng độ hay bạo động sẽ được nêu ra để làm cái cớ cho việc thực hiện một cuộc đảo chánh quân sự hoặc một sự can thiệp không cần thiết của quân đội.”
Từ cuộc cách mạng năm 1932 tới nay, 9 vị thủ tướng của Thái Lan đã bị lật đổ bởi các cuộc đảo chánh quân sự. Kể cả bà Yingluck, 3 vị Thủ tướng đã bị buộc phải rời khỏi chức vụ vì phán quyết của tòa án.