Tòa án Khmer Đỏ xét xử các vụ cưỡng bức kết hôn tập thể

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tòa án Khmer Đỏ xét xử các vụ cưỡng bức kết hôn tập thể
Cựu lãnh đạo Khmer Đỏ Nuon Chea trong một phiên tòa tại Phnom Penh, Cam Bốt, năm 2013.
REUTERS
RFI
Đăng ngày 23-08-2016 
Tòa án Liên Hiệp Quốc xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Cam Bốt hôm nay 23/08/2016 xem xét đến các vụ cưỡng bức kết hôn tập thể, thường đi kèm theo hãm hiếp – một đề tài vẫn bị coi là cấm kỵ, gần bốn mươi năm sau.
Hàng mấy chục ngàn người cả nam lẫn nữ đã bị buộc phải kết đôi theo chỉ định, trong các đám cưới tập thể, trong khuôn khổ kế hoạch kích thích sinh sản của Khmer Đỏ.

Một phụ nữ Cam Bốt, mà danh tính không được tiết lộ, hôm nay là người đầu tiên trong số các nhân chứng khai báo trước tòa về chủ đề này, đã kể lại việc bị cưỡng bức kết hôn vào đầu năm 1978 với một dân quân Khmer Đỏ lớn hơn 20 tuổi. Trước tòa bà cho biết đã phải tuân theo vì những ai từ chối đều bị mất tích sau đó, như trường hợp người chị họ.

Nạn nhân này kể lại, ngay sau khi được duyệt « người chồng mới đã muốn cưỡng hiếp tôi nhưng tôi chống lại. Anh ta bèn phản ánh với thủ trưởng tên Phann, và ông ta triệu tập tôi lên. Với sự đe dọa của họng súng, hắn hãm hiếp tôi rồi gởi trả cho người chồng ». Đến cuối năm 1978, bà sinh con gái.

Bà nói: « Tôi chưa bao giờ kể lại chuyện này cho ai cả, nhưng đã đến lúc phải nói ra ». Sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, bà vẫn tiếp tục sống với người chồng đã bị ép lấy.

Sau đó đến lượt Sou Sotheavy, một người chuyển giới 75 tuổi cho biết đã bị buộc phải lấy một người cùng lao động chung trong trại cải tạo.

Ông nói : « Vào khoảng sáu, bảy giờ tối, họ bắt chúng tôi xếp hàng. Họ nói rằng dân số Cam Bốt quá ít, và chúng tôi phải lấy nhau để cho đất nước đông dân hơn. Chúng tôi đành phải giao hợp để có thể sống sót ». Các quản giáo theo dõi những « cặp vợ chồng » mới để chắc chắn họ có quan hệ tình dục với nhau thực sự.

Đối với Youk Chhang ở trung tâm tư liệu Cam Bốt (DC-Cam, nơi chuyên về các tài liệu lưu trữ thời kỳ Pon Pot), những vụ cưỡng bức kết hôn nằm trong ý đồ của Khmer Đỏ để « phi nhân hóa » xã hội. Ông cho biết : « Các cuộc hôn nhân cưỡng ép đều đi kèm với hãm hiếp », nhưng vấn đề này vẫn là cấm kỵ.

Nuon Chea và Khieu Samphan, hai lãnh tụ hiếm hoi của chế độ Pon Pot hiện còn sống, sẽ phải ra tòa về trách nhiệm của họ trong các hành động tàn ác từ năm 1975 đến 1979, nhân danh chủ nghĩa mác-xít không tưởng, thiết lập một xã hội không cần đến tiền bạc và tín ngưỡng bị cấm đoán. Hai triệu người, tức một phần tư dân số Cam Bốt đã bị chết vì đói, bị kiệt lực, tra tấn hay bị hành quyết.

Hai bị can Nuon Chea và Khieu Samphan đã bị lãnh án chung thân trong phiên tòa đầu tiên. Phiên tòa thứ hai khởi động vào năm 2014, sẽ phải kết thúc trong năm 2016, và bản án sẽ được tuyên vào năm 2017.