Tòa án Campuchia bác đơn xin tại ngoại của 21 người biểu tình

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tòa án Campuchia bác đơn xin tại ngoại của 21 người biểu tình
Người biểu tình tụ tập bên ngoài Tòa án tại Phnom Penh, ngày 11 tháng 2, 2014. (Ảnh: Robert Carmichael / VOA).
Robert Carmichael, 11.02.2014
PHNOM PENH — Tòa Thượng thẩm Campuchia hôm nay bác đơn xin tại ngoại của 21 người bị câu lưu hơn một tháng. Những người này bị bắt sau cuộc biểu tình của công nhân dệt may hồi tháng trước, trong đó các lực lượng an ninh đã nổ súng bắn chết 4 người và làm bị thương mấy mươi người khác. Từ Phnom Penh, thông tín viên Robert Carmichael của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
21 bị cáo này đã bị bắt hồi đầu tháng giêng sau khi những cuộc biểu tình của công nhân dệt may đòi tăng mức lương tối thiểu kết thúc trong bạo động. Họ bị truy tố về tội cố ý gây bạo động và phá hoại tài sản.
Việc bắt giữ và truy tố những người này đã làm bùng ra những cuộc biểu tình phản kháng bên ngoài sứ quán Campuchia tại một số quốc gia. Các tổ chức nhân quyền và công đoàn quốc tế cũng bày tỏ hậu thuẫn cho những người bị bắt.
Không ai trong số 21 người này được đưa ra trước phiên tòa xét đơn xin tại ngoại, và các vị thẩm phán đã cấm không cho giới truyền thông và các nhà quan sát vào bên trong pháp đình.
Khi bác đơn xin tại ngoại, Tòa Thượng thẩm nói với các luật sư bên bị là thân chủ của họ sẽ không được thả vì những người này bị xét thấy là có thể bỏ trốn hoặc có thể gây phương hại cho trật tự công cộng.
Khi phát biểu bên ngoài tòa án sau phán quyết vừa kể, luật sư bên bị Sam Sokung lên án quyết định mà ông cho là không những vi phạm luật lệ của Campuchia mà còn vi phạm Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị.
“Trong tư cách luật sư, chúng tôi cảm thấy rất buồn khi nghe vị thẩm phán phán quyết như vậy, bởi vì điều này bất công đối với các thân chủ của chúng tôi. Phán quyết này không đúng vì nó vi phạm Điều 203 và 205 của luật Campuchia và cũng đi ngược với Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị.”
Trong vài tháng qua, thành tích nhân quyền Campuchia đã xấu đi rất nhiều tiếp theo sau cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 7, là cuộc bầu cử mà đảng cầm quyền cai trị một cách độc tài đã thắng với một tỉ lệ chênh lệch khít khao một cách bất ngờ. Giới hữu trách tiếp tục áp dụng lệnh cấm tụ tập đông người nơi công cộng.
Tại cuộc họp của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc ở Geneve hồi tháng trước, một giới chức Campuchia đã đáp nhiều lời chỉ trích về tình hình nhân quyền bằng cách nói rằng các biện pháp mà chính phủ áp dụng là cần thiết để duy trì ổn định và ngăn chận những hành vi phá hoại tài sản.
Những cuộc phản kháng của công nhân dệt may đã mang màu sắc chính trị rõ rệt: nhiều công nhân ủng hộ cho Đảng Cứu Quốc Campuchia, là đảng đã hứa hẹn trong cuộc vận động bầu cử hồi năm ngoái là sẽ tăng mức lương tối thiểu lên tới 150 đô la. Đảng đối lập này mạnh mẽ ủng hộ cho những đòi hỏi của các công nhân.
Ngày hôm nay, các tổ chức nhân quyền đã lên án phán quyết của Tòa Thượng thẩm Phnom Penh là một trò hề.
Ông Ou Virak, Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Campuchia, nói rằng tòa án đưa ra phán quyết như vậy mà không lý gì tới những mối quan tâm sâu sắc về tình trạng sức khỏe của một số người trong số 21 bị cáo.
Ông Ou Virak cho rằng quyết định này cho thấy toàn bộ sự việc là một mưu toan của chính phủ nhằm thông qua guồng máy tư pháp ngoan ngoãn để bịt miệng những người chỉ trích. Ông nói rằng phán quyết này là một vụ tấn công nhắm vào quyền tự do tụ họp và tự do bày tỏ ý kiến.
May mặc là công nghiệp chính mang lại ngoại tệ cho Campuchia, với số công nhân lên tới 400.000 người. Hàng may mặc xuất khẩu trong năm 2013 vượt mức 5 tỉ đô la, phần lớn là bán sang Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu.
Tuy nhiên, tiền lương không theo kịp đà leo thang của vật giá, và vì thế, nhiều vụ đình công đã xảy ra, khiến cho công nghiệp này mất đi khoảng 1 triệu ngày công trong năm vừa qua.
Hồi tháng 12, chính phủ ra lệnh tăng lương tối thiểu lên mức 95 đô la một tháng, trong lúc nhiều thợ may trông đợi tăng tới 160 đô la.
Một đơn vị quân cảnh đã bắn chết ít nhất 4 người và gây thương tích cho khoảng 40 người tại một cuộc biểu tình của công nhân đình công hồi tháng giêng.
Chính quyền không chịu điều tra xem các lực lượng an ninh đã hành động hợp pháp hay không trong vụ đụng độ có dính líu tới cảnh sát tệ hại nhất trong vòng nhiều năm. Thay vào đó, họ đã ra tay truy bức những người biểu tình và những nhà tranh đấu cho nhân quyền và quyền của người lao động.
Sau khi phán quyết của tòa án được loan báo ngày hôm nay, 8 công đoàn công nhân may mặc cho biết ngày mai họ sẽ quyết định về cách ứng phó. Cuối tuần trước, các công đoàn này đe dọa thực hiện một cuộc đình công trên toàn quốc nếu tất cả các bị cáo không được thả.