Tình Hình Thế Giới Trong Năm 2018
Trật tự toàn cầu đang ở tình trạng tan rã, và xu hướng dân chủ cấp tiến bị đe dọa trầm trọng. Chúng ta hãy xét xem tình hình thế giới năm 2018 sẽ có những rủi ro như thế nào.
Trung lúc chúng ta chào đón năm mới 2018, Thị trường chứng khoán tăng lên rất mạnh, nhưng thế giới đang có những mầm mống chia rẽ sâu xa trong khối các nước tân tiến, cũng nhưng các nước đang phát triển. Sự chính danh của thể chế dân chủ theo xu hướng cấp tiến đang bị mất uy tín, và trật tự thê giới đang bị lay chuyển mạnh. Hậu quả là năm nay tình hình thế giới đã chín mùi để có thể xảy ra những cuộc khủng hoảng bất ngờ: Tình hình thế giới bây giờ giống như hồi năm 2008, là năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh. Rủi ro sẽ xảy ra lần này là sự suy thoái về địa dư chính trị: Hoa Kỳ từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới, không nước nào tự nguyện đứng ra đảm nhiệm vai trò này để đặt ra những chuẩn mực mới. Do đó, tình hình thế giới sẽ có 10 rủi ro sau đây:
- TRUNG CỘNG TRÊN ĐÀ VƯƠN MÌNH TRỔI DẬY
Trong lúc Hoa Thịnh Đốn lúng túng phối hợp các chính sách mới thì Bắc Kinh hoàn thiện chính sách của Trung Cộng đối với thế giới bên ngoài. Họ đưa ra một chiến lược mậu dịch và đầu tư toàn cầu rất hiệu nghiệm. Họ dùng những công ty kỹ thuật cao cấp để đem lợi thế thêm cho Trung cộng. Mậu dịch toàn cầu rồi đây sẽ phải tuân thủ qui luật mới do Trung cộng đề ra liên quan đến việc thực hành, áp dụng chuẩn mực theo kiểu của Trung Cộng. Rồi đây, có lẽ sẽ xẩy ra xung đột, hay chiến tranh mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung cộng.
- NHỮNG TAI NẠN CÓ THỂ XẢY RA
Không thể chối cãi được rằng kể từ sau biến cố 9/11, không hề có một cuộc khủng hoảng đáng kể nào về địa dư chính trị. Tuy nhiên, có những địa điểm chỉ cần một quyết định sai lầm, hay một sự thẩm định tình hình thiếu thận trọng là có thể đưa đến chiến tranh, kể cả tấn công trên mạng. Tình hình ở Bắc Hàn, chiến trường ở Syria, tình hình ở Nga, và ở Âu châu khi các tay súng của tổ chức ISIS bị tan rã, phải bỏ chạy từ Syria và Iraq đi khắp nơi.
- CUỘC CHIẾN TRANH LẠNH TRÊN MẠNG
Những trung tâm quyền lực kinh tế mạnh nhất thế giới đang tìm cách phát minh ra kỹ thuật mới về tin học để dành ưu thế. Hoa Kỳ và Trung Cộng tranh đua xem ai phát minh ra loại máy vi tính cực kỳ tinh vi, và giành ảnh hưởng trên thị trường. Ở những nơi khác, chính phủ phải quyết định xem họ có thể tin được ở ai, và phải đặt ra những tiêu chẩn như thế nào. Kỹ thuật cao cấp thường không nhất trí với nhau về nhiều vấn đề, trong lúc đó, rủi ro về an ninh cho thị trường lúc nào cũng có thể xảy ra.
- VAI TRÒ MỚI CỦA MEXICO
Năm nay sẽ quyết định rõ ràng xem Mexico, một thành viên trong Hiệp Định NAFTA, sẽ còn ở trong hiệp định này hay không, và cử tri Mexico sẽ bầu cử Tổng thống mới. Tình hình bất ổn về thương thuyết liên quan đến mậu dịch sẽ ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế Mexico, khiến cho nước này sẽ phải lệ thuộc nhiều hơn vào mậu dịch với Hoa Kỳ. Dư luận dân chúng ngày càng oán hận chính phủ nhiều hơn vì tình trạng tham nhũng, băng đảng buôn lậu ma túy, và phát triển kinh tế chậm chạp. Dân chúng đòi phải thay đổi, nên sẽ đem lại thuận lợi cho ứng cử viên phe tả, ông Andres Manuel Lopez Obrador. Ông này chủ trương từ bỏ những chính sách ưu đãi nhà đầu tư.
- QUAN HỆ GIỮA HOA KỲ VÀ IRAN
Ông Donald Trump đã bày tỏ thái độ không thiện cảm với với Iran. Nếu chính quyền của ông đòi áp dụng những biện pháp trừng phạt Iran vì nước này thử hỏa tiển nguyên tử, yểm trợ quân khủng bố, và vi phạm nhân quyền, những thỏa ước về giải trừ vũ khi nguyên tử có nguy cơ bị tan vỡ. Nếu chuyện này xảy ra, Iran sẽ lập tức tái lập chương trình vũ trang võ khí nguyên tử, và nước này sẽ trở thành một điểm nóng mới trên thế giới.
- SỰ SUY THOÁI CỦA NHỮNG ĐỊNH CHẾ CHÍNH TRỊ, TƯ PHÁP
Định chế chính phủ, đảng phái chính trị, pháp đình, truyền thông, và tài chánh đang tiếp tục bị mất uy tín đối với công chúng. Lòng tin của người dân rất quan trọng để duy trì sự chính đáng của những định chế này. Phong trào dân túy hiện nay được biểu lộ rõ trong việc người dân Anh bỏ phiếu rút chân ra khỏi Liên Hiệp Âu châu, hay Brexit, và dân Mỹ bầu ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Rồi đây, tinh thần bài xích những định chế cũ, có sẵn từ bấy lâu nay, sẽ lan sang các nước đang phát triển, và sẽ là nọc độc gây ra nhiều khủng hoảng, xáo trộn về chính trị.
- CHỦ NGHĨA BẢO VỆ MẬU DỊCH 2.0
Phong trào chống lại những định chế cũ lên cao trong các thị trường phát triển khiến cho những nhà hoạch định chính sách phải thay đổi chính sách đưa đến tình trạng không còn tự do cạnh tranh về kinh tế trên toàn cầu. Những bức tường biên giới được thi nhau dựng lên. Hàng rào ngăn cản tự do mậu dịch ngày nay mang nhiều hình thức khác nhau, không thể nhận ra được. Thay vì áp dụng thuế biểu nhập cảng, ngày nay người ta dùng những biện pháp khác chẳng hạn như nhờ chính phủ tài trợ nợ nần, chính phủ trợ cấp để xí nghiệp tiếp tục hoạt động dù thua lỗ, hay những khẩu hiệu khuyên mọi người “hãy mua hàng địa phương.”.
- NHỮNG ẤU ĐÁ XẢY RA Ở NƯỚC ANH:
Nước Anh phải đối phó cùng một lúc với hai vấn đề nhức óc: Vừa phải tiếp tục thương thuyết sau vụ rút chân ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, hay Brexit, vừa phải đối phó với những xáo trộn chính trị. Về vấn đề Brexit, còn nhiều tranh cãi cay đắng liên quan đến chi tiết của những cuộc thương lượng. Thu xếp cho ổn thỏa vụ Brexit có thể làm cho bà Thủ tướng Theresa May mất chức. Nếu xảy ra, đảng của bà sẽ bị thay thế bằng một nhân vật cứng rắn hơn. Do đó, sẽ làm cho những cuộc thương thuyết thêm phần phức tạp, và căng thẳng.
- CÁC NƯỚC VÙNG NAM Á ĐI TÌM BẢN THỂ CHÍNH TRỊ CHO MÌNH
Chủ nghĩa Hồi Giáo lan tràn sang vùng Đông Nam Á , khiến cho một số nước như Nam Dương và Mã Lai bị rúng động vì chủ nghĩa dân túy. Vụ ngược đãi sắc dân thiểu số Rohingya ở Miến Điện làm phát sinh ra cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ở Ấn độ, Thủ tướng Narenda Modi có thể phải dùng đến chủ nghĩa quốc gia để củng cố sự ủng hộ dành cho ông trong kỳ tuyển cử xảy ra vào năm 2019.
- TÌNH HÌNH AN NINH Ở CHÂU PHI
Ảnh hưởng xấu của những bất ổn xảy ra ở Mali, South Soudan, và Somalia lan sang những nước lân cận, như Ivory Coast, Nigeria, Keynia, và Ethopia. Những quốc gia này phải tốn kém chi phí để bảo vệ an ninh trong nước. Trong lúc đó, chính phủ cần phải giảm chi tiêu, để tăng kinh phí quân sự. Những quấy rối do bọn khủng bố gây ra có thể khiến đầu tư ngoại quốc bị giảm bớt.
Bài phân tích của Ian Bremmer trên báo TIME đề ngày 15/1/2018
Nguyễn Minh Tâm dịch