Tin Việt Nam – Thứ Tư 22/1/2014
1. HRW: ‘Nhân quyền VN xấu đi nghiêm trọng’
2. Luật gia Lê Hiếu Đằng từ trần
3. 6 người bị bắt giữ khi thăm Anh Phạm Văn Trội
4. Lập đền thờ Lê Duẩn ở Hà Tĩnh
1. HRW: ‘Nhân quyền VN xấu đi nghiêm trọng’
Việt Nam đã vượt Miến Điện về con số tù nhân chính trị và có thể đã đứng đầu khu vực Đông Nam Á về phương diện này, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Thế giới (HRW) cho biết trong một cuộc họp báo.
Cuộc họp báo diễn ra ở Bangkok hôm 21/1 là để công bố phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2013. Phúc trình cho biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã ‘xấu đi nghiêm trọng’ trong năm 2013.
Việt Nam hiện đang có khoảng từ 150 đến 200 tù nhân chính trị, theo ước lượng của HRW. Trong số này có 63 người bị kết án trong các phiên tòa có động cơ chính trị, tăng hơn so với 40 người trong năm 2012.
Như thế, với việc Miến Điện đã thả gần hết những tù nhân chính trị của họ trong năm 2013, Việt Nam có thể đã vươn lên giữ vị trí đầu bảng ở Đông Nam Á ở phương diện này, ông Robertson nói trước báo giới quốc tế.
Phúc trình của HRW lên án việc các tòa án ở Việt Nam ‘không có sự độc lập và không có sự vô tư theo yêu cầu của luật pháp quốc tế’. “Khi mà Đảng Cộng sản và chính quyền có lợi ích trong phiên tòa thì chính họ chứ không phải sự thật và luật pháp mới là nhân tố quyết định bản án,” phúc trình viết, “Các phiên xử thường đầy những vi phạm về tố tụng để đưa ra những phán quyết mang tính chính trị đã được quyết định từ trước”.
Phúc trình dẫn những điều luật trong Bộ Luật hình sự của Việt Nam như điều 79, 87, 88, 89, 91 và 258 và thậm chí cả luật thuế đã được sử dụng để bỏ tù những người cổ súy thay đổi chính trị. Trường hợp Luật sư Lê Quốc Quân bị chính quyền kết án 30 tháng tù giam về tội ‘trốn thuế’ được HRW đưa ra làm ví dụ.
Về tự do ngôn luận, báo cáo viện dẫn Nghị định 72 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành cấm các trang cá nhân tổng hợp thông tin trên mạng và việc khởi tố các blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào dựa trên điều luật 258 để làm bằng chứng cho việc chính quyền tăng cường tấn công vào những cây bút độc lập trên mạng.
Về quyền tự do hội họp, HRW lên án việc chính quyền Việt Nam không cho phép tổ chức các cuộc tuần hành, tập hợp hay biểu tình mà họ cho là mang tính chính trị và trừng trị những ai dám chống lại. Ví dụ mà HRW đưa ra là việc chính quyền can thiệp và quấy rối các buổi dã ngoại nhân quyền hồi tháng Năm ở ba thành phố lớn trong khi những người tham dự chỉ thảo luận Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền và ngăn không cho các nhân vật đối kháng như các ông Huỳnh Ngọc Chênh và Nguyễn Hoàng Đức ra nước ngoài.
Chính phủ cũng tăng cường kiểm soát tôn giáo, phúc trình cho biết, bằng cách dùng bạo lực trấn áp các nhóm tôn giáo nằm ngoài khuôn khổ các giáo hội của Nhà nước như các nhóm Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành và Công giáo ở Tây Nguyên, Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ngoài ra, HRW cũng lên án việc bỏ tù 14 thanh niên mà đa phần là Công giáo và Tin Lành ở Nghệ An hồi đầu năm 2013 mặc dù những thanh niên này chỉ ‘thực hiện những quyền tự do căn bản’.
Bản Hiến pháp mới mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua hôm 28/11/2013 được HRW nhận xét là ‘dù có những cam kết về nhân quyền nhưng lại có nhiều kẽ hở nghiêm trọng’ và ‘không bảo đảm việc bảo vệ và phát huy các quyền tự do căn bản’.
Không những thế, chính quyền Việt Nam còn bị lên án về tình trạng bạo lực trong giam giữ khi mà có những tin tức từ truyền thông chính thức và các nguồn khác về việc công an ‘bạo hành, tra tấn hoặc thậm chí làm chết người bị giam giữ’.
Phúc trình cũng nêu lên tình trạng những người nghiện ma túy, kể cả trẻ em, bị giam giữ ở những trung tâm cai nghiện và bị bắt ‘lao động cải tạo’. “Việc giam giữ này không có cơ quan pháp luật nào giám sát cả. Ai vi phạm kỷ luật sẽ bị đánh đập và nhốt trong phòng cách ly nơi họ không có đồ ăn thức uống,” báo cáo viết.
“Việt Nam tiếp tục ngày càng đi xuống về nhân quyền,” ông Phil Robertson kết luận.
Những cáo buộc của HRW thường bị Việt Nam bác bỏ, xem đó là “bịa đặt” hay “vu cáo”. Báo Nhân Dân hôm 13/1/2014 trích lời Đại sứ Việt Nam tại LHQ, ông Lê Hoài Trung nói với báo chí: “Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của cộng đồng quốc tế được các quốc gia thành viên LHQ cùng nhất trí trong Tuyên bố của Hội nghị thế giới về quyền con người tổ chức ở Vienna, Áo năm 1993 rằng, quyền con người là giá trị phổ quát, đồng thời cũng cần tính đến những đặc thù của mỗi dân tộc, mỗi khu vực và những hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, tôn giáo khác nhau.”
Ông Lê Hoài Trung cũng được trích lời nói rằng “điều đáng tiếc là có một số tổ chức/cá nhân muốn áp đặt cách nhìn của mình, hoặc vì những ý đồ xấu nên đã đưa thông tin sai lệch, kể cả vu cáo về tình hình quyền con người ở Việt Nam.” – BBC
2. Luật gia Lê Hiếu Đằng từ trần
Luật gia Lê Hiếu Đằng, cựu lãnh tụ sinh viên từng bị kết án tử hình thời VNCH trước đây, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN và là khuôn mặt đấu tranh hàng đầu cho dân chủ và nhân quyền, chống bành trướng Trung Quốc ở Biển Đông, vừa qua đời vào khoảng 19 giờ hôm nay 22/1 tại Saigon ở tuổi 70.
Lê Hiếu Đằng quê ở Quảng Nam, học trung học ở Đà Nẵng và theo học trường đại học Luật khoa và Văn khoa ở Saigon, thành viên ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Saigon. Ông là một trong những khuôn mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975, và từng bị chính quyền VNCH kết án tử hình.
Là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nguyên là Phó chủ tịch của Ủy ban này tại Thành phố Hồ Chí Minh, luật gia Lê Hiếu Đằng trong những năm gần đây được xem như ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi các quyền công dân và đặc biệt là trong phong trào biểu tình chống các hành động xâm lược của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Luật gia Lê Hiếu Đằng là một trong những người đầu tiên ký vào Kiến nghị 72 ngày 19/01/2013 của nhóm 72 nhân sĩ trí thức góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, gồm bảy đề nghị cụ thể nhằm phát huy dân chủ và hòa hợp dân tộc.
Ông cũng là một trong những người đi đầu trong phong trào biểu tình tại Việt Nam, khi những hành động gây hấn trắng trợn của Trung Quốc tại Biển Đông làm sôi sục lòng dân. Luật gia thẳng thắn phê phán việc trấn áp những cuộc biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh là vi phạm nhân quyền.
Đặc biệt luật gia Lê Hiếu Đằng đã gây chấn động với bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” đề ngày 12/08/2013. Trong đó ông nhận định “chủ nghĩa Mác-Lê đã lạc điệu, bị sụp đổ tan tành ngay trên quê hương Xô Viết”, “đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành kiêu binh”. Luật gia mạnh dạn đề nghị thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân chủ Xã hội tại Việt Nam, “vì không có một văn bản luật pháp nào cấm đoán điều này”. Ông cho rằng “một khi xã hội dân sự mạnh lên sẽ kìm hãm được khuynh hướng độc tài của một Nhà nước toàn trị”.
Cách đây một tháng, vào ngày 04/12/2013 Lê Hiếu Đằng một lần nữa lại gây rúng động dư luận khi ra tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Người đảng viên 45 tuổi đảng, từng là giảng viên Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ (1975-1983) nhận định, đảng Cộng sản “đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển của đất nước, dân tộc”.
Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh cho biết một ngày trước khi bệnh trở nặng khiến ông hôn mê hôm 14/12/2013, Lê Hiếu Đằng đã cố gắng viết một lá thư dài ba trang gởi cho các bạn thanh niên, sinh viên học sinh. Đây có thể là bản di chúc của ông gởi lại cho các thế hệ đi sau. Ông cũng biết các tin tức về các hoạt động kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa vừa qua.
Các bạn bè thân hữu của ông hầu hết là những khuôn mặt trong phong trào sinh viên trước đây như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu…đều có mặt tại bệnh viện 115 hôm 14/12, lúc biết tin bệnh tình ông trở nặng, và tất cả đều bị theo dõi chặt chẽ, có lẽ do trùng hợp với dịp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Saigon. Hôm nay các bằng hữu cũng đang đổ về bệnh viện để bàn bạc hậu sự cho ông.
Theo ước nguyện của người quá cố, ông sẽ được hỏa táng. Linh cữu của luật gia Lê Hiếu Đằng dự kiến được quàn tại chùa Xá Lợi ở quận 3 Sài Gòn, hoặc tại Dòng Chúa Cứu Thế. – RFI
Tin Việt Nam
3. 6 người bị bắt giữ khi thăm Anh Phạm Văn Trội
Có 6 người thuộc Tổ chức Diễn đàn Xã hội Dân sự và Hội Bầu Bí Tương Thân bị bắt giữ hôm thứ Hai 20/1, trong chuyến thăm hỏi các gia đình tù nhân lương tâm ở Hà Nội.
6 người trong phái đoàn đại diện của 2 tổ chức này bị bắt giữ gồm các ông Nguyễn Quang A, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hùng, Nguyễn Kim Môn và cô Mai Phương Thảo tại nhà của cựu tù nhân Phạm Văn Trội, ở xã Chương Dương, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội, sau khi đến thăm và tặng quà tết cho 2 gia đình của LS Lê Thị Công Nhân và TS Luật Cù Huy Hà Vũ.
Theo LS Lê Thị Công Nhân vào khoảng 9:30 tối cho biết: “Hiện giờ mình biết chính xác có 6 người, ngoài ra có ai nữa thì mình không biết, xuống thăm anh Phạm Văn Trội thì bị bắt vào trụ sở Công an xã cùng chung trụ sở Ủy ban xã. Tình hình rất căng thẳng. Cách đây khoảng 15 phút thì mọi người bị ép vào trong 1 văn phòng rồi. Công an rất là đông và tìm cách chia mọi người ra các phòng nhưng mọi người bám chặt vào nhau và nhất quyết không rời xa nhau. Hôm nay đặc biệt là ở ngoài đường trước trụ sở Công an có khoảng 80 người dân tụ tập và đang rất tò mò tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra, khác với tình huống của mình trước đây hôm 31/12/13 khi mình và các bạn bị bắt thì người dân không biết gì cả.
Chị Mai Phương Thảo, con anh Mai Phương Dũng, sinh năm 1977, còn bị 1 công an dọa là ‘tao sẽ ném mày xuống ao’. Có lẽ do bị đe dọa bạo lực rất ghê gớm nên không ai dám nghe điện thoại hết. Chỉ thỉnh thoảng mới gửi ra một vài tin nhắn như thế. Chính xác qua tin nhắn chỉ nói bị đe dọa đánh đập, chưa nói ai bị đánh đập. Và họ luôn tìm cách chia mọi người ra từng phòng để nhốt. Theo mình từng trải qua bị khủng bố ở đó, đi cùng chú Huỳnh Ngọc Tuấn bị đánh đập hôm 31/12 thì mục đích chia nhỏ ra là để đánh đập, chứ còn làm việc hành chính bình thường thì không ai chia nhỏ người dân ra như thế để làm gì cả. Một mục đích rất mờ ám”. – RFA
4. Lập đền thờ Lê Duẩn ở Hà Tĩnh
Báo trong nước cho hay đền thờ cố Tổng bí thư Đảng CSVN Lê Duẩn vừa được khánh thành tại Hà Tĩnh với tổng chi phí 5 tỷ đồng.
Ngày 18/1/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cắt băng khánh thành công trình ở khu vực đảo “Cụ Duẩn” trong lòng hồ Kẻ Gỗ thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Công trình này được nói có nguồn vốn đầu tư tương đương 250,000 đôla Mỹ, “từ nguồn xã hội hóa và gia đình”.
Như vậy hiện tại tỉnh Hà Tĩnh có khu di tích tưởng niệm ba cố tổng bí thư là Trần Phú, Hà Huy Tập và Lê Duẩn.
Lê Duẩn sinh năm 1907 tại Quảng Trị, nhưng quê gốc được nói là ở làng Phương Cai, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).
Báo điện tử Chính phủ Việt Nam nói Duẩn “đã dành cho Ðảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nói chung, quê hương Cẩm Xuyên nói riêng những tình cảm đặc biệt”.
Đền thờ Duẩn “được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống”, gồm ba ban thờ, kè đá bao quanh đảo, khuôn viên cây xanh và một tượng đồng nặng trên một tấn. Công trình này mất ba năm để xây dựng, “trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh” của tỉnh.
Lê Duẩn làm Tổng Bí thư Đảng CSVN từ 1976 đến 1986. Trước đó, ở vị trí tương đương là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian từ 1960 đến 1976.
Duẩn được cho là tổng Bí thư tại vị lâu nhất (gần 26 năm) và là nhân vật thuộc loại quyền lực nhất Việt Nam khi còn làm lãnh đạo Đảng. Một đảng viên kỳ cựu, Hoàng Tùng, trong bài viết năm 2002 trên Tạp chí Cộng sản, nói Lê Duẩn là người “hoạt động cách mạng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam lâu dài nhất, thời gian ở tù lâu nhất” và có “quan hệ rộng với các đồng chí thuộc cả hai thế hệ trong những năm hoạt động bí mật”.
Nhà nghiên cứu Stein Tonnesson, trong lời giới thiệu cho tư liệu “Lê Duẩn and the Break with China” (2001), nhận xét Lê Duẩn “là lãnh đạo có quyền lực lớn thứ hai ở Việt Nam trong thế kỷ 20”, sau ông Hồ Chí Minh. Lê Duẩn mất năm 1986. – BBC