Tin Việt Nam – Thứ Sáu 24/1/2014
1. Việt Nam có thêm thứ trưởng Thông tin mới
2. “Côn đồ” phá rối đám tang luật gia Lê Hiếu Đằng ở Saigon
3. Kéo đổ tượng Lenin không thành ở Hà Nội
4. Fitch cải thiện điểm tín nhiệm của Việt Nam
5. Việt Nam và Trung Quốc cam kết duy trì hoà bình và ổn định trên Biển Đông
1. Việt Nam có thêm thứ trưởng Thông tin mới
Trương Minh Tuấn, cựu phó ban Tuyên giáo Trung ương, vừa được bổ nhiệm chức thứ trưởng Thông tin-Truyền thông ngày 22/1. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định bổ nhiệm ông vào vị trí này, hiệu lực từ ngày ký.
Tuấn trở nên thứ trưởng thứ 5 của Bộ Thông tin-Truyền thông, và là quan chức cao cấp thứ hai của bộ xuất thân từ ngành tuyên giáo. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn trước đây cũng từng là phó ban Tuyên giáo Trung ương.
Việc bổ nhiệm Trương Minh Tuấn được cho là nỗ lực tiếp tục khẳng định sự quản lý của Đảng CSVN về mặt tư tưởng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Tuấn được nói sẽ thay Đỗ Quý Doãn, người nghỉ hưu tháng 10/2013. Doãn từng chịu trách nhiệm trực tiếp về báo chí.
Bộ Thông tin-Truyền thông còn có bốn thứ trưởng khác là Lê Nam Thắng, Trần Đức Lai, Nguyễn Minh Hồng và Nguyễn Thành Hưng.
Trương Minh Tuấn, sinh năm 1960, là cán bộ tuyên giáo kỳ cựu. Ông từng giữ các chức vụ: Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại thành phố Đà Nẵng; Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo trước khi trở thành phó ban Tuyên giáo.
Một cựu phó ban Tuyên giáo khác, Nguyễn Văn Nên, hồi tháng 11/2013 đã được Quốc hội phê chuẩn vào chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. – BBC
2. “Côn đồ” phá rối đám tang luật gia Lê Hiếu Đằng ở Saigon
Hôm nay 24/01/2014, một số côn đồ không rõ từ đâu đã thô bạo phá rối đám tang của luật gia nổi tiếng Lê Hiếu Đằng tại chùa Xá Lợi ở quận 3 thành phố Saigon, gây phẫn nộ cho những người mến mộ đến viếng vị luật gia đã từng bền bỉ đấu tranh vì dân chủ.
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, người đầu tiên công khai đề nghị thành lập một đảng Dân chủ Xã hội để làm đối trọng với đảng Cộng sản, cũng như gây xôn xao với quyết định từ bỏ đảng, đã từ trần ngày 22/01/2014, thọ 70 tuổi.
Đông đảo người thuộc nhiều thành phần đã đến viếng linh cữu ông tại chùa Xá Lợi, và tại Hà Nội, các nhân sĩ trí thức đã tổ chức lễ tưởng niệm ông. Lễ động quan sẽ diễn ra ngày Chủ nhật 26/01.
Nhưng một số băng-rôn trên vòng hoa viếng luật gia Lê Hiếu Đằng đã bị những bàn tay bí mật gỡ mất hôm qua, và khi ban tổ chức đặt những băng-rôn khác thay thế thì đã bị cướp giật thô bạo ngay tại chỗ, khiến người ta phải liên tưởng đến đám tang Trần Độ trước đây.
Nhà báo Phạm Chí Dũng có mặt tại chỗ đã lên tiếng phản đối.
Được biết không chỉ Lê Thanh Hải mà cả cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, và phu nhân đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đến viếng luật gia Lê Hiếu Đằng với tư cách cá nhân. Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng đang có mặt, cho biết hết sức bất ngờ trước việc đám tang bị phá rối.
Còn ông Nguyễn Quốc Thái, thành viên ban tổ chức lễ tang cũng cho biết không thể nào hiểu được vì sao những dòng chữ rất bình thường là “Ủy ban Công lý và Hòa bình, Hội đồng Giám mục Việt Nam kính viếng”, “Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình kính viếng cũng bị những người lạ mặt giựt mất. – RFI
3. Kéo đổ tượng Lenin không thành ở Hà Nội
Một nhóm người tự nhận là học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam cho hay đã tìm cách kéo đổ tượng Lenin ở vườn hoa mang tên ông trên đường Điện Biên Phủ, Hà Nội, nhưng không thành.
Ngày 24/1/2014, ông Nguyễn Doãn Kiên, một người tự nhận là đã trực tiếp tham gia vào vụ việc này nói với BBC rằng sự việc diễn ra lúc 3h30 sáng 23/1 và nhóm ông gồm có 4 người. “Khi chúng tôi trèo lên tận nơi để thực hiện thao tác quàng dây cáp qua cổ bức tượng thì phát hiện ra là nó được lắp ốc vít bên dưới,” ông nói.
“Dây cáp của bọn tôi không đủ lực để kéo đổ bức tượng nên trong lúc kéo thì xảy ra sự cố khiến dây bị đứt nên bức tượng vẫn chưa đổ.”
Khi được hỏi về động cơ khiến nhóm của ông quyết định đi đến hành động nói trên, ông Kiên nói: “Thực ra việc kéo đổ tượng Lenin đã được thực hiện khắp nơi trên thế giới rồi.” “Cộng sản Việt Nam chỉ là một cái vòi bạch tuộc của Cộng sản Trung Quốc, mà Trung Cộng đã bức hại Pháp Luân Công bao năm nay rồi.” “Bản chất cộng sản không thể cải biến được, mà chỉ có thể đào thải thôi.”
Pháp Luân Công chưa được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và nhiều buổi tụ tập của các học viên Pháp Luân Công tại đây những năm qua đều bị giải tán. Hồi tháng 9 năm ngoái, sáu học viên Pháp Luân Công từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng bị câu lưu nhiều ngày trước khi được trả về nước.
Sau sự việc hôm 23/1, ông Kiên đã đăng tải danh tính của cả bốn người trong nhóm của mình lên mạng và công khai thừa nhận rằng chính nhóm của ông đứng đằng sau vụ việc.
Giải thích với BBC, ông Kiên nói “Công khai danh tính và nói rõ ý tưởng của mình là một việc đúng đắn nên chúng tôi không có gì phải lo lắng.” “Việc vạch trần bản chất của cộng sản thì thế giới họ đã làm từ lâu rồi, nhưng ở Việt Nam không ai dám nói ra.” “Phải đứng ra mà nói, dùng tên thật mà nói, mới có hiệu quả. Chứ người ta chỉ chửi đổng trên mạng như thế, không nói danh tính ra thì cũng không đáng tin lắm.”
Một người lấy tên là Nguyễn Doãn Kiên hôm 22/01/2014 đưa một video clip lên youtube về ý định giật đổ tượng Lenin, tức là trước hôm được mô tả là thực hiện hành động này một ngày.
Trên facebook của BBC có một số ý kiến về việc này. Một người nhận xét “Đây thực sự là một nhóm tà ngộ dùng Pháp Luân Công để phục vụ cho mưu toan chính trị. Cộng đồng học viên Pháp Luân Công Việt Nam không bao giờ ủng hộ hành vi này. Những người này mượn danh Pháp Luân Công để làm cái gọi là chính trị.”
Một người khác viết “Cái gì lỗi thời thì nên kéo đổ, Lê Nin cùng với chủ nghĩa Mác Lê suy cùng là cội nguồn biết bao bi thương cho dân tộc Việt Nam”.
Hồi 8/12/2013, những người biểu tình đã kéo đổ tượng Lenin ở trung tâm thủ đô Kiev, Ukraine, để phản đối ảnh hưởng của Nga tại nước này.
Cuối năm 2012, Mông Cổ cũng cho dỡ bỏ bức tượng Lenin cuối cùng khỏi thủ đô Ulan-Bator.
Tại Việt Nam, một loạt báo trong nước đã phải gỡ bài tường thuật về việc tượng Lenin bị đập vỡ trong cuộc biểu tình ở Ukraine. – BBC
4. Fitch cải thiện điểm tín nhiệm của Việt Nam
Ngày 23/1 cơ quan thẩm định tài chính Fitch nâng triển vọng tài chính của Việt Nam từ mức “ổn định” lên “tích cực”. Cụ thể hơn, điểm tín nhiệm về khả năng huy động vốn nước ngoài dài hạn và nội tệ của Việt Nam được duy trì ở mức B+. Trong lúc khả năng huy động vốn ngắn hạn của Việt Nam thì được xác định ở mức điểm B.
Để giải thích cho việc nâng triển vọng tài chính của Việt Nam, Fitch nêu ra những yếu tố như sau: tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá là ổn định. Tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2013 đạt 5.4 %, khả quan hơn so với tài khóa 2012, chủ yếu nhờ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu được vững chắc. Cơ quan thẩm định tài chính Mỹ dự phóng tăng trưởng của Việt Nam trong hai năm 2014 và 2015, theo thứ tự, sẽ đạt 5.7 % và 5.9 %.
Một dấu hiệu tích cực khác của Việt Nam được Fitch ghi nhận đó là chính quyền Hà Nội đã đẩy lui lạm phát đang từ 18.7% năm 2011 xuông còn chưa đầy 7% vào năm 2013.
Nhưng bên cạnh một vài điểm son nói trên, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng vẫn còn là một ẩn số và gây lo ngại; bội chi ngân sách của nhà nước và nợ công liên tục gia tăng. Tổng nợ công của Việt Nam tương đương với 42,6% GDP trong năm 2013, tăng 2.6 điểm so với tài khóa 2012.
Trong thông cáo vừa công bố hôm nay, cơ quan thẩm định tài chính Mỹ kết luận: Fitch đánh giá “tích cực” tình hình kinh tế Việt Nam và chờ đợi tình hình chính trị Việt Nam tiếp tục ổn định trong trung hạn; chính phủ vẫn hỗ trợ kinh tế để bảo đảm một mức độ tăng trưởng ổn định, giữ tỷ lệ lạm phát ở mức thấp và tiếp tục nỗ lực cải tổ ngành tài chính ngân hàng của Việt Nam. – RFI
5. Việt Nam và Trung Quốc cam kết duy trì hoà bình và ổn định trên Biển Đông
Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, không lâu sau khi các qui định mới của Bắc Kinh về nghề cá ở vùng biển có tranh chấp gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nước, từ Việt Nam, Philippines cho tới Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Theo tin của Tân Hoa Xã, cam kết này được đưa ra trong cuộc điện đàm hôm thứ tư 22/1 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Bản tin nói thêm rằng đôi bên đồng ý giải quyết tranh chấp thông qua thương thuyết song phương và thảo luận hữu nghị để duy trì ổn định ở Biển Đông.
Trong khi đó, tin của chính phủ Việt Nam nói rằng đôi bên kiên trì phối hợp duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông theo đúng các nhận thức và thỏa thuận chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Tin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Việt-Trung được loan tải không lâu sau khi Trung Quốc công bố các qui định mới, bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay, để đòi tàu thuyền nước ngoài xin phép chính quyền Trung Quốc trước khi đến đánh cá hoặc thăm dò trong vùng biển của đường 9 đoạn đứt khúc, thường được gọi là “đường lưỡi bò”.
Để đáp lại hành động được cho là “ngang ngược” của Bắc Kinh, chính phủ ở Hà Nội đã tái khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và nói rằng tất cả những hành động của bất kỳ nước nào trong vùng này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp và không có hiệu lực.
Hoa Kỳ cũng chính thức lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc mà họ cho là “khiêu khích và gây nguy hiểm.”
Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản, là nước đang có một vụ tranh chấp gay gắt với Trung Quốc về chủ quyền của một nhóm đảo ở Biển Hoa Đông, cũng nói rằng qui định mới của Trung Quốc là một mưu toan nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực và vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. – VOA