Tin Việt Nam 25/9/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam 25/9/2014

FDI mới vào Việt Nam giảm mạnh

Tổng vốn FDI mới vào Việt Nam trong chín tháng đầu năm giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng vốn thực giải ngân tăng 3,2%.

Số liệu do Bộ Kế hoạch – Đầu tư công bố trên trang mạng cho thấy trong chín tháng qua, tổng vốn đầu tư trực tiếp vào trong nước đạt 11,18 tỷ đôla Mỹ, giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên vốn thực giải ngân đạt 8,9 tỷ đôla, có tăng hơn cùng kỳ năm ngoái chút ít.
Trong số các lĩnh vực có đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư công nghiệp chế biến và chế tạo là lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất với 7,7 tỷ đôla.

Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với 1,2 tỷ đôla.
Trong các tỉnh thành trên toàn quốc, Bắc Ninh thu hút được nhiều vốn FDI nhất với 1,36 tỷ đôla, sau đó là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội và Hải Phòng.

Hàn Quốc đứng số 1

Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nước dẫn đầu về vốn đầu tư vào Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư từ Nam Hàn trong chín tháng đầu năm là 3,55 tỷ đôla. Nhật Bản tụt xuống thứ ba, sau Hong Kong.

Các nhà quan sát cho rằng Hàn Quốc sẽ duy trì vị trí nhà đầu tư số 1, ít nhất là cho tới hết năm.

Trong hai năm trước, nước này đứng ở vị trí thứ ba, sau Singapore và Nhật Bản.

Cho tới cuối tháng Tám, các doanh nghiệp Nam Hàn đã đầu tư vào gần 4.000 dự án ở Việt Nam. Riêng tập đoàn Samsung đã đầu tư gần tám tỷ đôla vào Việt Nam.

Tập đoàn bán lẻ Lotte Mart cũng đang phát triển mạnh mạng lưới ở Việt Nam, với số điểm kinh doanh dự tín sẽ tăng từ con số 60 hiện nay lên gấp đôi vào năm 2020.

Đại sứ Hàn Quốc ở Việt Nam, ông Jun Dae Joo, được báo Công thương dẫn lời nói Việt Nam được cho như địa chỉ đầu tư hấp dẫn vì dân số lớn, lực lượng lao động dồi dào và mức tăng trưởng tốt.

Ngày 1/10-4/10, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc.

Một năm trước, Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye cũng đã tới thăm Việt Nam. – BBC

Ngoại Trưởng CSVN: ‘Trung Quốc không nên lo’

Ngoại trưởng Việt Nam cho rằng việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận mà nước này áp đặt lên Việt Nam trong nhiều năm qua là ‘điều bình thường’ khi mà hai nước đã bình thường hóa quan hệ gần 20 năm.

Trong khi đó, một nhà quan sát nhận định rằng khả năng Mỹ sớm nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam ‘nằm trong tổng thể mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn giữa Washington và Hà Nội’.

‘Bắc Kinh không nên lo’

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã đưa ra lời bình luận này tại một phiên chất vấn tại Hội châu Á ở New York, nơi ông Minh đang có mặt để tham dự phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, hôm thứ Tư ngày 24/9.

“Gần 20 năm trước, chúng tôi đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ và hồi năm 2013 chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ,” ông Minh được hãng tin Anh Reuters dẫn lời nói.

“Do đó mối quan hệ giữa hai nước là bình thường và lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là không bình thường,” ông nói thêm.

Ngoại trưởng Việt Nam cũng gửi lời nhắn đến Bắc Kinh là ‘không nên lo lắng’ về việc Việt Nam mua vũ khí của Hoa Kỳ.

“Nếu chúng tôi không mua vũ khí của Mỹ thì chúng tôi cũng mua của nước khác,” ông được dẫn lời nói, “Vậy tại sao Trung Quốc phải lo chứ?”

Theo hãng tin Mỹ AP thì ông Phạm Bình Minh cũng đề cập đến ‘nguy cơ xung đột quân sự chưa từng thấy ở các vùng biển châu Á’ nhưng ông tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc.

Lâu nay Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho chính phủ cộng sản ở Hà Nội mà họ vẫn chỉ trích về nhân quyền do lo ngại Hà Nội sẽ dùng vũ khí này để cho việc đàn áp người dân.

Cho đến giờ Washington vẫn chưa loan báo sẽ dỡ bỏ hay nới lỏng lệnh cấm này nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy hai nước đang xích lại gần nhau hơn.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ như Thượng nghị sỹ John McCain hay Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey đều lên tiếng ở Việt Nam về việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm này.

Tướng Dempsey nói rằng việc nới lỏng lệnh cấm sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực hải quân của mình.

‘Vận hội lớn’

Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan và hiện đang nghiên cứu những chuyển động trong khu vực, nhận định rằng khả năng Mỹ có thể nới lỏng việc xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam ‘nằm trong tổng thể diễn tiến quan hệ Việt-Mỹ đang có chuyển biến nhanh hơn dự kiến’.

Ông Thắng dẫn chứng là trong vòng hai tháng đã có ‘biết bao nhiêu đoàn kể cả dân sự, quân sự, kinh tế thương mại giữa hai nước thăm viếng nhau’.

Ông cũng cho rằng ‘có sự liên đới nhất định giữa việc cải thiện kinh tế thương mại và an ninh chính trị trong quan hệ Việt-Mỹ’ trong bối cảnh hai nước ‘đang cố gắng vượt qua nút thắt TPP’.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý Mỹ cũng đang rất thận trọng chỉ muốn ‘dỡ bỏ một phần’ lệnh cấm này đối với Việt Nam.

“Hoa Kỳ phải tiến hành động thái ngoại giao này sao cho phù hợp với xu thế tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương,” ông phân tích.

“Việc nới lỏng lệnh cấm này phải nhịp nhàng với các chuyển động khác trong quan hệ Việt-Mỹ với nhân quyền và xã hội dân sự là các tham số mà Mỹ không thể bỏ qua,” ông nói thêm và dự đoán Mỹ sẽ chính thức dỡ bỏ một phần lệnh cấm này ‘vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau’.

Khi được hỏi liệu Việt Nam đã trao đổi những gì để nhận được hành động này từ phía Mỹ, ông Thắng nói rằng nếu những vấn đề dân chủ nhân quyền được đặt lên bàn đàm phán thì ‘Việt Nam cũng sẽ có quan ngại rằng chúng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề nội bộ của Việt Nam’.

Tuy nhiên ông cho rằng việc trao đổi của Hà Nội với Mỹ ‘có mục đích lâu dài’ với ‘biện pháp tổng thể’ chứ ‘không chỉ phụ thuộc vào một hai việc cụ thể là thả người này hay bắt người kia’.

“Cả Việt Nam và Mỹ phải nhìn từ lợi ích chung thì tất cả những vấn đề chi tiết khác hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung, sẽ vượt qua những trở ngại trong đó có vấn đề dân chủ và nhân quyền.”

Về triển vọng quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian tới, ông Thắng cho rằng hai nước đang đứng trước vận hội lớn vào thời điểm kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ trong bối cảnh Việt Nam đang mong muốn có quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ.

Ông dự đoán ‘trong vài năm tới’ Việt Nam sẽ xây dựng được khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ.

Khi được hỏi liệu quan hệ Việt-Mỹ sẽ phát triển đến mức thành một liên minh quân sự để đối phó với tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông hay không, ông Thắng nhắc lại việc ở New York ông Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh chính sách ‘ba không’ của Việt Nam.

Tuy nhiên, vị cựu đại sứ này cho rằng khi trong khu vực đang tồn tại những cấu trúc an ninh của các cường quốc lớn như Mỹ, Nhật, Ấn và Úc và những cấu trúc này bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực thì ‘chắc chắn sớm hay muộn Việt Nam sẽ có những hưởng ứng ở mức độ này hay mức độ khác’.

Trong bàì phát biểu ở New York, ông Phạm Bình Minh đã nêu một số điểm đáng chú ý.

Về những thách thức quốc tế lớn, Ông Phạm Bình Minh có nói đến những rủi ro trên Biển Đông, nhũng rủi ro về thay đổi khí hậu, và sự cần thiết của pháp luật quốc tế và ‘đa phương chủ nghĩa’ (multilateralism). Đáng ghi nhận là bình luận của ông nói (trong một thời điểm mà thế giới có nhiều điểm nóng) Mỹ phải tiếp túc đóng một vai trò chủ chốt và nên không bỏ qua ‘trách nghiệm của mình” ở Đông Á. Đới với khư vực Đông Nam Á ông bảo là Việt Nam sẵn sàng đóng một vai trò chủ động cùng với những nước khác trong việc xây xựng kiến trúc an ninh mới trong khu vực. Ông Phạm Bình nói cũng phải chống những động thái hung hăng đơn phương (‘unchecked unilaterialism’)

Ở cuối bài phát biểu, ông nêu ba mục tiêu chiến lược lớn của Việt Nam là (1) tiếp tục cải cách kinh tế; (2) giữ hòa bình qua việc phát triển những mối quan hệ ngoại giao đa dạng, đa phương trên nguyên tắc giữ độc lập; và (3) thúc đẩy cái gọi là một “ASEAN-led regional order” tạm dịch là một trật tự khu vực do ASEAN chủ động.

Sang phần hỏi đáp ông PBM đã nhắc lại rằng Trung quốc vẫn là đôi tác thương mại lớn nhất, và giá trị của thương mại Việt Nam đối với Trung quốc là bằng 1/5 so với tổng giá trị ngoại thương của Việt Nam. Ông cũng đã nhắc lại hai quốc gia là “hai nước xã hội chủ nghĩa”. Đối với TQ ông PBM đã phát biểu một cách lịch sự, ngoại giao.

Khi được hỏi về việc bỏ cấm vũ khí của Mỹ, Ông trả lời một cách rất ngấn gọn: “Quan hệ Mỹ Việt đã được bình thường hóa gần 20 năm rồi. Và gần đây hơn hai nước đã đồng ý phát triển quan hệ toàn diện. Trong một quan hệ bình thường việc không bán vũ khí là yếu tố mất bình thường duy nhất.”… “Dù ra sao, Việt Nam vẫn sẽ mua vũ khí ở đầu đó.”

Cuối cùng, ông được hỏi làm sao tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi có xu hướng xuống (trong khi Trung Quốc lại tăng), ông trả lời: “Trước hết, phải nói tôi không phải là nhà kinh tế học và vì thế chỉ sẽ trả lời một cách ngoại giao.” Song ông bảo là Việt Nam phải (1) hoàn thiện cơ chế thị trường; (2) Phát triển và năng cao nguồn nhân lực, và (3) Đầu tư vào hạ tầng cơ sở.” Đúng ông không phải là nhà kinh tế học và là một nhà ngoài giao bỏi vì cả 3 điểm này đều không đạt được mấy nếu không có những cải cách thể chế thực sự sâu rộng. 20 phút trước ông đòi “pháp trị” trong phạm vi quốc tế nhưng đối với nội bộ đất nước không thấy hay không nói ra rằng sự thành công của những cải cách ở Việt Nam cũng phải có yếu tố pháp trị mới có thể thành công được.

Có hai người đề cập về vấn đề nhân quyền trong phần hỏi đáp.

Một là của một vị tên là John McAuliff, giám đốc quỹ Hòa giải và phát triển có hỏi VN làm thế nào để tôn trọng nguyên tắc ‘tôn trọng lẫn nhau’ với Mỹ (trong bối cảnh khi mà quan điểm báo chí hiện nay ở Việt Nam có mong muốn kêu gọi Mỹ quan tâm tới ổn định của Biển Đông). Nguyên tắc này đòi hỏi VN làm thế nào để thích nghi với những giá trị của Mỹ, trong đó có nhân quyền.

Người thứ 2 là bà Jayne Werner, một nhà nghiên cứu về Đông Á. Bà đặt câu hỏi về tiến trình TPP trong đó có 2 điều kiện về công đoàn độc lập và nhân quyền: VN nhìn nhận các vấn đề đó ra sao? Đã thúc đẩy nó đi tới đâu? và sẽ kết lại những vấn đề đó ra sao?

Ông Phạm Bình Minh đã rất ‘ngoại giao’ đối với các câu hỏi này.

Với người thứ nhất thì ông nói có lẽ hiện nay quan điểm cũng như cách tiếp cận về nhân quyền của Việt Nam khác với Hoa Kỳ nhưng luôn có những đối thoại để đi tới những hiểu biết thống nhất hơn.

Với người thứ 2 thì ông chỉ nói tới công đoàn độc lập – cho rằng đó không là vấn đề quá lớn ở Việt Nam, và cũng không là vấn đề riêng của Việt Nam.

Nhưng cũng rất choáng khi phó thủ tướng có nói “công đoàn lao động độc lập không có vấn đề gì.” (“The issue of independent labor unions is not a problem”). – BBC, jonathanlondon