Tin Việt Nam 18/8/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam 18/8/2014

Đàm phán TPP tiếp tục tại Hà Nội đầu tháng Chín

Các nước tham gia vào khối tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương sẽ tiếp tục đàm phán tại Hà Nội vào đầu tháng Chín tới đây.
Theo hãng tin Nhật Kyodo, cuộc họp cấp chuyên gia sẽ kéo dài 10 ngày kể từ 01/09/2014, đại diện 12 quốc gia tham gia TPP sẽ tìm cách san bằng các bất đồng trong một số lãnh vực, như quyền sở hữu trí tuệ, công việc cải tổ doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra còn việc chuẩn bị cho cuộc họp cấp bộ trưởng.
Cuộc họp làm việc tại thủ đô Việt Nam nối tiếp cuộc họp các viên chức diễn ra tại Ottawa, Canada hồi tháng 7. Tại Hà Nội, các nhà đàm phán sẽ đi vào thương lượng song phương trên một hồ sơ khó khăn khác là vấn đề thuế quan.
Các thành viên đàm phán TPP thoạt đầu dự tính đúc kết được một thỏa thuận vào cuối năm ngoái, nhưng vẫn chưa tìm được một cơ sở chung trên những vấn đề gây tranh chấp.
Tổng thống Mỹ Barack Obama mong muốn 12 nước sẽ hoàn tất được đàm phán và đúc kết được một văn kiện vào đúng chuyến đi Châu Á vào tháng 11 tới đây của ông. Ông Obama cũng muốn gấp rút bảo đảm một kết quả trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tổng thống tại Mỹ, cũng diễn ra vào tháng 11.
Những nước thành viên đàm phán TPP gồm có Mỹ, Canada, Chile, Mexico, Peru, Úc, New Zealand, Brunei, Malaysia, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam. – RFI

Làm kinh tế, đừng nhìn đại hội Đảng’

Giới quan sát cho rằng giới lãnh đạo thường không đưa ra quyết định táo bạo về cải cách kinh tế truớc đại hội Đảng
Một chuyên gia cảnh báo giới lãnh đạo Việt Nam phải lấy ngày hôm nay để khắc phục khó khăn kinh tế chứ đừng chờ tới Đại hội 12.
Trả lời BBC qua điện thoại, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành ở Hà Nội nói “đợi tới đại hội đảng mới làm chính sách là vấn đề của Việt Nam”.
“Chính sách kinh tế là ngày hôm nay, chứ sao lại nhìn vào Đại hội.
“Làm sao để mà doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển, làm sao để doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Làm sao để doanh nghiệp trả lại được nợ xấu.
“Chuyện kinh tế là chuyện kinh tế còn các ông làm chính trị thì lại là chuyện khác. Ai mà suy nghĩ giải quyết kinh tế phụ thuộc vào chính sách của Đại hội thì có lẽ nên nghĩ lại,” ông Thành nói thêm.
Một số nhà quan sát nói rằng trong quá khứ thường Việt Nam không đưa ra các chính sách cải cách mạnh từ khoảng 1-2 năm trước Đại hội Đảng.
Truyền thông trong nước cho đầu tuần này cho hay phần lớn các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm theo đó nhìn chung, nợ xấu đồng loạt tăng.
“Chuyện kinh tế là chuyện kinh tế còn các ông làm chính trị thì lại là chuyện khác.”
Bùi Kiến Thành
“Tình hình chung, nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tính đến 30/6/2014 đều tăng, có những bước tăng mạnh và có những thành viên đã vượt 5%, thậm chí từ 7-8%… Theo đó, mức bình quân hệ thống đến tháng 6/2014 (hiện chưa công bố) có thể cũng đã tăng mạnh sau khi giảm dưới 4% cuối 2013.
“Ngay cả những thành viên có tỷ lệ nợ xấu rất thấp những năm gần đây như Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng không tránh khỏi xu hướng chung,” Bấm Vneconomy đưa tin.
‘Toàn số ảo’
Trước câu hỏi của BBC về việc có tổ chức tín nhiệm quốc tế lại có đánh giá tích cực cho Việt Nam trong thời gian gần đây, ông Bùi Kiến Thành nói ông không hiểu họ đưa ra mức đánh giá đó dựa trên cơ sở nào.
“Các thông tư đưa ra không được áp dụng. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý thì lại thông cảm với các ngân hàng thì làm gì chúng ta có con số thật. Con số nào đưa ra cũng là con số ảo cả.”
“Hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam không khai báo nợ xấu với con số thực và bức tranh thực tế không những không được cải thiện mà còn tồi đi.
“Đó là vì ngân hàng cho doanh nghiệp vay, mà doanh nghiệp thi chết hàng loạt. Vừa rồi báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Viện thống kê cho thấy doanh nghiệp bị phá sản năm nay còn nhiều hơn năm ngoái.
“Vậy nếu doanh nghiệp mà như thế thì làm sao mà ngân hàng lại sáng sủa hơn được,” ông Thành nói.
Hồi tháng Hai năm nay, hãng đánh giá tín dụng Moody’s, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam ước tính ở mức thấp nhất là 15% tổng tài sản. Con số này cao hơn gấp ba lần số liệu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) công bố vào cuối năm ngoái là 4.7%.
Một nhân viên ngân hàng muốn ẩn danh nói với BBC vấn đề về nợ xấu của ngân hàng đang là ẩn số vì “định nghĩa nợ xấu rất khác nhau”. Người này cũng nói thêm rằng nợ xấu trên thực tế gấp nhiều lần so với những gì công bố và rằng nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã “vượt qua cả vốn đăng ký”.

Kiếp Sau Xin Chớ Làm Bệnh Nhân Việt Nam
Bởi: Bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên – Nguyên Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Chợ Rẫy

Ảnh minh họa: Quá tải bệnh viện.
Theo dõi trên báo chí gần 10 năm nay, hầu như tuần nào cũng có những câu chuyện đau lòng về ngành y mà người chịu thiệt chính là bệnh nhân. Khi đọc qua các tin tức đó lúc nào tôi cũng nghĩ trong các câu chuyện này chắc có tình tiết nào đó báo chí không rõ chứ không lẽ các đồng nghiệp của mình lại làm nhiều sai sót đến như vậy ư?
Nhưng câu chuyện sau đây, một câu chuyện có thật, đã xảy ra cho một bác sĩ (BS) trong lớp Y ĐK 77 của tôi làm cho tôi thật sự bàng hoàng. Chị bạn tôi, bác sĩ nay đã về hưu, bỗng nhiên phát hiện mình bị K vú. Chị vội vào Bệnh viện (BV) Ung bướu để điều trị. Bạn chị, một BS làm tại BV Ung bướu có ghi giấy giới thiệu cho chị nhưng chẳng may BS đó vào ngày chị đi làm thủ tục lại đi công tác nên chị trở thành một bệnh nhân bình thường như bao nhiêu bệnh nhân khác. Chị xếp hàng làm thủ tục, phải qua nhiều khâu, mỗi khâu chị toàn bắt phải số từ 200 trở lên nên mãi đến trưa chị mới xong. Tưởng là đã yên tâm nhập viện nhưng BS lại chuyển chị sang BV Nhân dân Gia Định (NDGĐ) để làm siêu âm tim, qua bên BV NDGĐ, chị lại phải xếp hàng tiếp tục. Mang kết quả siêu âm về chị cũng mừng vì kết quả trong giới hạn bình thường (chị cũng là BS nội khoa và đã từng đọc siêu âm tim nhiều lần). Nhưng khi đưa kết quả cho BS, không biết BS có xem không hay là không biết đọc kết quả, BS lại bắt chị quay trở lại BV NDGĐ để khám nội khoa. BS khám tim bên BV NDGĐ xác nhận là tim bình thường.
Sáng hôm sau khi nhập viện chị được một BS trẻ khám và một lần nữa chị lại hết hồn vì thấy BS đó đánh dấu vào bệnh án Vú bên phải trong khi chị bị K vú (T). Chị sợ quá, có nói với BS và BS đó xóa dấu vú (P) rồi đánh lại vú (T) và quay sang nói với chị: “Thỉnh thoảng con cũng lộn hoài cô ơi!”Nghe xong chị sợ quá, chỉ mong gặp được BS phẫu thuật cho mình để làm rõ chuyện này. Trong khi chờ phẫu thuật có một BS lớn tuổi ra giường bệnh giảng dạy cho các BS trẻ và có dặn các BS là khi mổ K vú nên rạch theo đường tròn chứ đừng rạch đường dài vì hậu phẫu vết mổ sẽ đẹp hơn. Sau khi chị tỉnh dậy sau phẫu thuật chị vội vàng xem vết mổ của mình có đúng vú (T) hay không và vết mổ ra sao thì… hỡi ôi, trên ngực (T) có một vết mổ dài,tâm trạng chị xuống dốc trầm trọng.
Từ đó đến khi ra viện chị không hề biết mặt hay biết tên BS đã phẫu thuật cho chị, chị chỉ muốn gặp để hỏi thăm về bệnh tình của chị (vì chỉ BS phẫu thuật mới biết rõ K vú đã lan rộng không, hạch ra sao) nhưng nguyện vọng bình thường đó cũng không được đáp ứng. Chị tâm sự với chúng tôi là chị cảm thấy sao tình đồng nghiệp bạc bẽo quá, ngay cả chị là BS mà còn bị đối xử như vậy, không biết các bệnh nhân bình thường khác thì sao? Nhưng may thay, trong khung cảnh lạnh lùng và vô cảm của khoa điều trị vú BV Ung bướu vẫn còn một hình ảnh đẹp làm chị còn chút tin tưởng vào mặt tốt của con người. Một buổi trưa chị thấy các em điều dưỡng trong khoa làm việc tất bật đến tận hai giờ chiều cũng chưa được ăn cơm, chị mới gửi 200.000 đồng cho một em điều dưỡng để các em bồi dưỡng thêm nhưng em đó đã gửi lại và nói: “Con cám ơn cô nhưng con không dám nhận. Con làm việc cực thiệt nhưng con còn khỏe mạnh còn các cô bác ai vào đây cũng toàn là bệnh nặng cả, ai cũng lo buồn vì bệnh tình của mình mà tụi con cũng chỉ ráng làm hết sức giúp được cô bao nhiêu thì đỡ cho cô bấy nhiêu“. Nghe xong chị cảm thấy thật ấm áp, vì em điều dưỡng này tuy còn trẻ nhưng có cái tâm rất tốt, chứ không vô cảm vô tâm như các BS kia.
Đi thăm chị, nghe chị tâm sự mà tôi buồn quá: bệnh nhân đi mổ mà không biết BS phẫu thuật cho mình là ai chứng tỏ sau khi mổ BS phẫu thuật không hề ghé lại thăm bệnh nhân của mình xem tình hình hậu phẫu ra sao và nhất là tinh thần BN sau đoạn nhũ thì tâm lý ra sao (đối với phụ nữ việc này thật sự là một tổn thương tinh thần rất lớn). Sao BS bây giờ vô cảm đến thế! BS đó có biết rằng, chỉ cần trước khi phẫu thuật BS gặp chị bạn để giải thích về bệnh, về phương pháp mổ cho chị yên tâm, sau khi mổ đến thăm lại chị là tạo niềm tin cho chị biết bao! Mỗi lần thăm chỉ mất khoảng 5-10 phút mà vừa được tăng uy tín vừa được bệnh nhân kính trọng. Sao BS đó không làm nhỉ?
Lúc còn làm Trưởng khoa tại BV Chợ Rẫy tôi luôn căn dặn các nhân viên mỗi khi có đồng nghiệp hay người nhà đồng nghiệp nhập khoa là phải báo cho tôi ngay để tôi đến thăm, và tạo mọi ưu tiên cho đồng nghiệp vì nghề y là rất cực nhọc, mỗi khi bị bệnh thì chúng ta nên tạo điều kiện cho đồng nghiệp như một chút động viên tinh thần.
Tôi nhớ có lần sang Úc, tôi có dịp thăm một bệnh viện và chứng kiến một sự kiện làm tôi nhớ hoài: Sáng hôm đó tôi dự giao ban của khoa thận thì một BS nội trú báo với BS trưởng khoa là trong đêm có một trường hợp một sản phụ có bệnh thận nặng nhưng may là cũng sanh mẹ tròn con vuông. Sau giao ban BS trưởng khoa đi thăm sản phụ để xem tình hình bệnh nhưng khi vào thì gặp sản phụ đang được đẩy ra khỏi phòng để lên Khoa Dưỡng nhi thăm em bé, BS trưởng khoa có trình bày với bệnh nhân là cô nên ở lại khoa để BS khám lại vì nghe bệnh thận của cô ấy hơi nặng nhưng bệnh nhân vùng vằng không chịu, đòi đi thăm con ngay. Sau khi mẹ bệnh nhân thuyết phục, cô bệnh nhân mới đồng ý ở lại nhưng bắt là phải báo lên Khoa Dưỡng nhi biết là 15 phút nữa cố ấy mới lên thăm con được. Thế là BS trưởng khoa phải cho gọi điện thoại lên Khoa Dưỡng nhi báo xin hoãn lại đừng đưa em bé ra vội để ông khám xong cho mẹ bé đã.
Chứng kiến tình cảnh này tôi thật bị “choáng“ khi so sánh tình cảnh bệnh nhân ở Việt nam, sao mà khác nhau một trời một vực vậy? Khi bị bệnh mà được làm người Úc thì sướng thiệt, không có cảnh nằm 2-3 người trên một giường, không phải nằm ngoài hành lang dù đang bị bệnh nặng, được BS tôn trọng… Chúng tôi không dám so sánh phương tiện điều trị giữa hai bệnh viên Việt Nam và nước ngoài mà chỉ so sánh cách thức BS đối xử với bệnh nhân thôi. Bệnh nhân người Úc kia không phải là người giàu có gì và bên Úc tất cả các bệnh nhân đều được miễn phí hoàn toàn khi đi khám bệnh nên chắc chắn không có vấn đề gì liên quan đến tiền bạc mà bệnh nhân trên được ưu đãi hơn.
Tại sao các BS Việt Nam không nhớ rằng: “Trong suốt cuộc đời, một ngày nào đó mình cũng sẽ là bệnh nhân”, và BS đó có muốn được đối xử tôn trọng không? Vậy “hãy đối xử với bệnh nhân của mình y như cách mình muốn được đối xử với tư cách là bệnh nhân”. Tôi thật sự có tâm nguyện: “Kiếp sau chớ làm bệnh nhân ở Việt nam!”