Tin Việt Nam – Thứ Ba 26/8
10.000 lao động TQ sẽ vào Vũng Áng?
Tin cho hay có thể có 10.000 lao động Trung Quốc sắp vào làm việc cho tập đoàn Formosa ở khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Báo VietnamNet đưa tin trong hai tháng Sáu và Bảy năm nay, có hơn 30 nhà thầu đang thi công các gói thầu dự án của Formosa xin phép được tuyển dụng số lượng gần 11.000 lao động nước ngoài để phục vụ dự án.
Báo này dẫn nguồn giấu tên nói “trên 90% trong tổng số gần 11.000 lao động tuyển dụng mới mang quốc tịch Trung Quốc”.
BBC đã liên lạc với các lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh để xác nhận thông tin trên nhưng bị từ chối trả lời.
Một trong các lý do sử dụng nhiều lao động Trung Quốc là vì đại đa số các nhà thầu là công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà thầu là công ty Việt Nam cũng đặt vấn đề xin tuyển lao động nước ngoài.
Một lý do khác khiến các nhà thầu xin tuyển dụng lao động số lượng lớn được giải thích là vì các gói thầu đang trong giai đoạn gấp rút thi công, lại thiếu lao động sau đợt biểu tình chống Trung Quốc hồi trung tuần tháng Năm.
Làn sóng biểu tình dẫn tới bạo động ở khu công nghiệp Vũng Áng đã khiến hàng nghìn công nhân Trung Quốc rút về nước.
Theo VietnamNet, “trong số hơn một vạn lao động nước ngoài sắp tới, có khoảng 6.000-7.000 sẽ ở trong Dự án Formosa, số còn lại sẽ ở tại các điểm tập trung bên ngoài dự án”.
Lao động Trung Quốc là ai?
Cũng báo này cho hay con số gần 11.000 lao động sắp đến làm việc tại Formosa chủ yếu là chuyên gia, cán bộ quản lý, giám sát, lao động kỹ thuật… họ sẽ làm việc trong thời hạn cụ thể theo gói thầu.
Tuy nhiên dư luận cũng đặt ra câu hỏi liệu có phải thực sự nhà thầu không thể tuyển lao động Việt Nam thay thế?
Một số nhà thầu cho hay họ cần sử dụng “các chuyên gia có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có kinh nghiệm, thành thạo công việc và ngoại ngữ”, do vậy tuy đã thông báo rộng rãi nhiều tháng vẫn không tuyển được người Việt Nam.
Giới chức tỉnh Hà Tĩnh cũng bày tỏ cam kết sẽ cải thiện công việc quản lý lao động nước ngoài, nhất là lao động Trung Quốc, để không xảy ra các sự cố như hồi tháng Năm.
Phía Việt Nam vừa chính thức “lấy làm tiếc về vụ việc xảy ra đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc trong tháng Năm vừa qua, đồng thời lấy làm buồn về việc một số công nhân Trung Quốc bị thiệt mạng, bị thương trong vụ việc này”.
Việt Nam hứa sẽ có hình thức hỗ trợ nhân đạo đối với công nhân Trung Quốc bị nạn và cử đoàn sang Trung Quốc thăm hỏi một số gia đình đại diện cho những người bị nạn.
Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay: “Việt Nam đã và đang tiếp tục điều tra vụ việc một cách nghiêm túc và xử lý nghiêm những người gây rối vi phạm pháp luật; đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn cho công nhân, doanh nghiệp Trung Quốc và các nước tại Việt Nam”.
Hiện Đặc phái viên của Tổng Bí thư Đảng CSVN, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đang ở Trung Quốc trong hai ngày để “trao đổi với Lãnh đạo Trung Quốc về các biện pháp làm dịu tình hình, không để tái diễn các vụ việc căng thẳng như vừa qua”.
Cải thiện quan hệ
Ông Lê Hồng Anh sẽ ở Bắc Kinh trong hai ngày 26-27/8.
Nói về chuyến đi đặc biệt theo lời mời của Trung ương Đảng CS Trung Quốc, Tiến sỹ Jonathan London, một nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Hong Kong, nhận định: “Chuyến đi cho Hà Nội một cơ hội quan trọng để giảm căng thẳng và hàn gắn quan hệ đã bị sứt mẻ đôi chút giữa hai bên”.
“Mong muốn giữ quan hệ tốt với Bắc Kinh của Hà Nội đã thể hiện rõ ràng qua một số đề nghị tiếp xúc [mà Việt Nam đưa ra] từ tháng Năm tới nay.”
Theo ông London, lời mời của Trung Quốc tới lãnh đạo Việt Nam nhằm thảo luận việc bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể bị xem như cú giáng cho những người Việt Nam nào còn giận dữ trước cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nhưng Việt Nam đặc biệt có lợi từ quan hệ tốt với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế vì Trung Quốc là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Tiến sỹ Jonathan London cho rằng cần theo dõi để xem chuyến đi của ông Lê Hồng Anh sẽ ảnh hưởng thế nào tới chiến lược tương lai của Việt Nam, cũng như các toan tính và quyết định của giới lãnh đạo Việt Nam trong đối xử với Trung Quốc trước mắt và về trung hạn. – BBC
CSVN ‘muốn khôi phục’ quan hệ với TQ
Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố Việt Nam muốn “khôi phục và thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh”.
Ông Lê Hồng Anh đã gặp ông Vương Gia Thụy, Phó chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc trong ngày đầu tiên tại Bắc Kinh.
Ông Lê Hồng Anh là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông thăm Trung Quốc từ ngày 26 đến 27/8 trong tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đài Tiếng Nói Việt Nam dẫn lời ông Lê Hồng Anh nói khi gặp phía Trung Quốc rằng mục đích chuyến đi của ông là nhằm “trao đổi về các biện pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài”.
Ông Anh nói thêm “việc hai Đảng, hai nước tăng cường hợp tác, duy trì quan hệ phát triển lành mạnh, ổn định là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay và tình hình Biển Đông có những diễn biến căng thẳng, phức tạp”.
Được biết chuyến thăm lần này được thực hiện theo lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Xử lý ảnh hưởng
Trong một thông cáo giải thích về chuyến đi của Đặc phái viên của Tổng Bí thư, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Phía Việt Nam lấy làm tiếc về vụ việc xảy ra đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc trong tháng Năm vừa qua, đồng thời lấy làm buồn về việc một số công nhân Trung Quốc bị thiệt mạng, bị thương trong vụ việc này”.
Việt Nam cũng gọi các vụ biểu tình hồi tháng Năm là “gây rối, mất trật tự tại một số địa phương”.
Bộ Ngoại giao hứa rằng Việt Nam “sẽ có hình thức hỗ trợ nhân đạo đối với công nhân Trung Quốc bị nạn”.
“Hội hữu nghị Việt–Trung sẽ cử đoàn sang Trung Quốc thăm hỏi một số gia đình đại diện cho những người bị nạn.”
Thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay phía Việt Nam “đã và sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ mà Chính phủ đã công bố đối với các doanh nghiệp để doanh nghiệp khắc phục khó khăn, giảm bớt thiệt hại và triển khai hoạt động bình thường”.
“Việt Nam đã và đang tiếp tục điều tra vụ việc một cách nghiêm túc và xử lý nghiêm những người gây rối vi phạm pháp luật; đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn cho công nhân, doanh nghiệp Trung Quốc và các nước tại Việt Nam.”
Văn bản nói trên gây ra suy đoán là thời gian gần đây đã có áp lực nào đó lên phía Việt Nam đòi “xử lý bất đồng”, vì các vụ biểu tình căng thẳng nói trên xảy ra cách đây đã hơn ba tháng.
Giới quan sát nói gì?
Trong làn sóng biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng Năm, sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan 981 vào vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam, hàng chục cơ sở của các công ty Trung Quốc tại miền Trung và miền Nam đã bị tấn công. Ít nhất bốn người bị cho là thiệt mạng và hàng nghìn người Trung Quốc đã được rút đi khỏi Việt Nam.
Bắc Kinh đã rút giàn khoan 981 giữa tháng Bảy, trước kế hoạch một tháng.
Sau khi có thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm thứ Hai 25/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhanh chóng ra thông cáo hoan nghênh quyết định bồi thường cho công nhân Trung Quốc của phía Việt Nam.
Người phát ngôn Hồng Lỗi cho hay Việt Nam lấy làm tiếc về những gì đã xảy ra và hứa hỗ trợ nhân đạo cho người bị ảnh hưởng.
Ông Hồng nói: “Trung Quốc ghi nhận công tác và thái độ của phía Việt Nam, hy vọng rằng phía Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phù hợp”.
Một số nhà phân tích thì cho rằng chuyến đi của Đặc phái viên Lê Hồng Anh có thể là quyết định của một bộ phận ban lãnh đạo Việt Nam, những người vẫn tin rằng cần giữ hòa hiếu với Trung Quốc cho dù nước này ngày càng có nhiều hoạt động độc đoán trên Biển Đông.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người từng làm đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, được hãng AP dẫn lời nói ông cho rằng chuyến thăm sẽ không mang lại kết quả gì.
”Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ. Họ chỉ tạm thời rút giàn khoan đi mà thôi. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông.”
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát khác, thì được dẫn lời nói ông hoan nghênh chuyến đi nhưng lo rằng Bắc Kinh sẽ thuyết phục Hà Nội từ bỏ kế hoạch xem xét kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế như từng đe dọa. – BBC
Kết quả phiên xử nhà hoạt động Bùi thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn thị Thúy Quỳnh
Nhà hoạt động Bùi thị Minh Hằng cùng hai người khác là Nguyễn Văn Minh và Nguyễn thị Thúy Quỳnh hôm nay bị đưa ra tòa ở Đồng Tháp để xét xử về tội danh ‘gây rối trật tự công cộng khiến ách tắc giao thông nghiêm trọng’ theo điều 245 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Bản án không thuyết phục
Phiên xử kết thúc lúc gần 7 giờ tối ngày 26 tháng 8 với bản án đối với nhà hoạt động Bùi thị Minh Hằng là 3 năm tù giam, anh Nguyễn Văn Minh 2 năm rưỡi và blogger Nguyễn thị Thúy Quỳnh 2 năm tù giam.
Một trong bốn luật sư tham gia bào chữa tại tòa là luật sư Hà Huy Sơn cho biết về bàn án và một số diễn tiến của phiên xử hôm nay như sau:
Cả chị Bùi Thị Minh Hằng, anh Nguyễn Văn Minh và chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh đều bị kết án vào điểm C, khoản 2, điều 245 tức là “gây rối trật tự công cộng.” Các bị cáo đều khẳng định trước tòa là họ vô tội, kết án cho họ là oan, là không đúng. Không khí phiên tòa rất là căng thẳng, ngột ngạt. Máy dò thiết bị không cho các luật sư mang máy tính và Ipad vào để thực hiện nhiệm vụ nên khá khó khăn. Người tham dự trong phòng của phiên tòa thì chủ yếu là lực lượng công an, lực lượng của cơ quan chức năng thôi.
Ngăn chặn người thân và nhân chứng
Thông tin cho hay vợ anh Nguyễn Văn Minh được cho vào dự phiên tòa, trong khi đó con gái của bà Bùi thị Minh Hằng, cô Đặng Quỳnh Anh, không được cho vào dự tòa với lý do không có giấy triệu tập. Vào lúc 9:30 phút sáng cô này cho biết về trường hợp của cô như sau:
Hiện giờ vợ chồng, con cái tôi cùng với 4 người nữa, có vợ luật sư Miếng, cô Tân vợ chú Điếu Cày, hai anh chị Tú là nhân chứng của vụ án. Anh Thịnh lúc trước ngồi cùng với chúng tôi nhưng giờ đã bị công an phường mời về để giải quyết chuyện gì đó và họ hứa sẽ giải quyết chuyện anh Thịnh.
Chúng tôi thì hoàn toàn không được vào vì họ từ chối nói không có giấy triệu tập thì không cho vào. Tôi có nói với họ tôi là con gái ruột của bị cáo. Họ khẳng định họ biết nhưng không có giấy triệu tập nên không cho vào. Họ chặn từ đầu đường vào tòa, như vậy hiện tôi đang ngồi ở đây cách phiên tòa chừng 700 mét.
Mẹ của anh Nguyễn Văn Minh, một trong ba người bị đưa ra xét xử hôm nay khi không được cho vào tòa đã ngất xỉu; tuy nhiên những người đi cùng muốn giúp đỡ bà này cũng bị ngăn cản. Cô Nguyễn Ngọc Lụa, con gái tù nhân Nguyễn Văn Lía, Phật giáo Hòa Hảo không theo phái Nhà Nước cho biết về điều này:
Khi ba mẹ anh Minh vào, thì bà mẹ ngất xỉu lúc công an không cho vào dự. Bà ngất xỉu và ngồi gần tòa án, tôi lại đi mua nước thì họ không cho đi. Đây là hành động vô nhân tính của công an, vô cùng bỉ ổi, người ta bệnh rồi, bị hạ canxi, tôi chỉ đi mua một ly trà nóng cho bà uống thôi, mà họ vẫn không cho tôi đi.
Một số người được tòa gửi giấy triệu tập đến làm chứng trước tòa, nhưng gặp trở ngại như trình bày của một trong những người đó là ông Võ Văn Bửu, cựu tù nhân lương tâm như sau:
Một nhóm mặc sắc phục và thường phục đến nói chúng tôi phải trở lại phiên tòa, tôi hỏi các anh là ai? Họ nói là cảnh sát, công an, tôi nói tại sao lúc nãy mấy anh đuổi tôi ra. Họ nói tòa án đuổi, tôi nói tòa án đuổi thì lại đây bảo chúng tôi lại, giải thích lý do vì sao đuổi chúng tôi. Họ nói hết giờ.
Chúng tôi từ quán ra Phà Cao Lãnh chừng 2-3 kilomet gì đó, một nhóm xe mô tô của cảnh sát giao thông chạy theo ép chúng tôi vào lề yêu cầu chúng tôi vào công an phường 6; chúng tôi nói không có tội nên chúng tôi không vào. Họ yêu cầu chúng tôi lại dự phiên tòa, chúng tôi nói không dự vì sáng nay các anh đuổi tôi, giờ các anh muốn làm gì thì làm hay sao!
Bắt bớ thân hữu đến dự tòa
Phiên tòa xử nhà hoạt động Bùi thị Minh Hằng và hai người khác tại Đồng Tháp thu hút sự chú ý của nhiều người cả trong và ngoài nước; đặc biệt là những người cùng tham gia với bà Bùi thị Minh Hằng trong những hoạt động như chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, đấu tranh chống bất công xã hội, ủng hộ dân oan, phân phát tài liệu về nhân quyền… Số này đến Đồng Tháp để bày tỏ tinh thần đoàn kết với bà Bùi thị Minh Hằng. Tuy nhiên lực lượng chức năng đã ngăn chặn, bắt bớ, sách nhiễu, đánh đập nhiều người trong số họ ngay trước ngày diễn ra phiên xử và trong ngay xử án.
Anh Bùi Tuấn Lâm, vào lúc 9 giờ sáng ngày 26 tháng 8 cho biết như sau:
Đến bây giờ thực sự tôi cũng chưa tổng kết được bao nhiêu người bị bắt nhưng con số hiện tại rất nhiều độ khoảng 30-40 người kể cả nhóm Phật giáo Hòa Hảo gần 20 người. Mới nghe tin bác Nguyễn Tường Thụy vừa mới bị bắt. Trước đó có anh Hoàng Dũng, Trương Dũng, bé Miu Mạnh Mẽ, chị Thảo Teresa… Nếu đọc hết tên những người bị bắt thì hiện tại tôi không thể đọc được, nhưng con số khoảng chừng gần 40 người.
Cô Nguyễn Ngọc Lụa cũng cho biết tình hình của nhóm từ Đà Nẵng vào như sau:
Hôm qua gồm 4 người: em và 3 người từ Đà Nẵng vào, khi đến khách sạn bị công an vây nhưng họ chỉ ở dưới sảnh thôi. Đến khuya 11 giờ họ kiểm tra phòng, nhưng không có gì nên họ canh dưới sảnh thôi. Sáng nay đi thì công an đi theo và đến gần tòa án thì họ chặn không cho vào. Khi anh Khúc Thừa Sơn, người Đà Nẵng, gặp một số dân oan thì có phỏng vấn họ và anh đã bị bắt. Bắt 2 người dân oan phụ nữ lớn tuổi Tiền Giang. Một số người biểu tình ở ngoài chợ Cao Lãnh, đường Trương Định cũng bị bắt.
Hiện giờ gần tòa án còn em và 5 anh chị từ Hà Nội vào đứng ở đây.
Còn một người từ Hà Nội vào Đồng Tháp để dự phiên xử, anh Nguyễn Lân Thắng cho biết:
Hiện một số người đến được sát cạnh tòa thì họ rất hạn chế có thể liên lạc được ra bên ngoài vì họ đứng với một lực lượng đông gấp 4-5 lần toàn côn đồ. Mỗi lần một điện thoại đưa lên để nghe gọi hay chụp ảnh là họ xông vào chụp luôn. Tình trạng rất nguy hiểm.
Thế còn bên ngoài còn mấy chục người nhưng còn tản mát chưa tập trung được.
Blogger Nguyễn Tường Thụy, vào lúc 11:30 khi đang ở tại trụ sở Công an phường Mỹ Phú nói về lập luận đối với công an khi bị bắt:
Họ bảo mời chúng tôi về phường, chúng tôi phản đối nhưng họ mang rất nhiều quân đến. Tôi nói với họ rằng mời thì chúng tôi có quyền từ chối, chúng tôi không có nhu cầu gặp lãnh đạo của các anh, nếu chúng tôi không đáp ứng yêu cầu của các anh mà các anh mang xe đến bắt chúng tôi về phường là các anh vi phạm pháp luật.
Tổng số những người bị đưa về giữ tại các đồn công an thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp trong ngày 26 tháng 8 lên đến gần cả trăm người.
Trước khi phiên tòa xử nhà hoạt động Bùi thị Minh Hằng, anh Nguyễn Văn Minh và cô Nguyễn thị Thúy Quỳnh diễn ra, các tổ chức như Hội Anh em Dân chủ, nhóm 21 tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch-Hoa Kỳ, Đài quan sát Bảo vệ Nhân quyền, Tổ chức Liên đới với Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn, Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam tại Châu Âu đã ra thông cáo báo chí kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội phải trả tự do ngay cho nhà hoạt động Bùi thị Minh Hằng và hai người bạn của bà tại phiên xử ở tỉnh Đồng Tháp vào ngày 26 tháng 8. – RFA