Tin Việt Nam 16/9/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam 16/9/2014

Việt Nam: Hai dân oan Dương Nội bị bất ngờ xử 6 tháng tù
Thụy My

media
Dân Dương Nội biểu tình phản đối phiên tòa xử hai dân oan sáng 15/09/2014.DR

Tòa án Hà Đông sáng nay 15/09/2014 bất ngờ đưa hai dân oan Dương Nội là Nguyễn Thị Ngân và Nguyễn Thị Toàn ra xét xử trước thời hạn. Cả hai bị cáo bị xử vì tội « chống người thi hành công vụ » trong vụ cưỡng chế đất hồi tháng Tư. Khoảng một trăm bà con Dương Nội nghe tin đã kéo đến biểu tình trước tòa án. Hai dân oan trên đã bị lãnh sáu tháng tù giam.

Anh Trịnh Bá Phương, con của hai dân oan Trịnh Bá Khiêm và Cấn Thị Thêu sắp bị đem ra xử ngày 19/9 cho biết :

15/09/2014 Écouter

Việt Nam: HRW tố cáo nạn bạo hành trong tù

Tổ chức Human Rights Watch (HRW) tố cáo tình trạng bạo hành của công an Việt Nam đối với những người bị câu lưu, giam giữ, thậm chí gây tử vong, đang xảy ra khắp các vùng của Việt Nam. Trong bản báo cáo được công bố tại Bangkok, hôm nay, 16/09/2014, Human Rights Watch nêu lên một số vụ điển hình về nạn bạo hành của công an Việt Nam khiến những người bị giam giữ tử vong hoặc chấn thương nặng, tính từ tháng 08/2010 đến tháng 07/2014.

Theo ghi nhận của tổ chức HRW, nạn bạo hành trong tù xảy ra tại 44 trên tổng số 58 tỉnh của Việt Nam, trải khắp các vùng ở Việt Nam và ở cả năm thành phố lớn.

Báo cáo của HRW nhận định, nguyên nhân do phía công an đưa ra để giải thích những cái chết của những người bị giam thường khiến người ta nghi ngờ và có cảm tưởng về sự bao che có hệ thống. Chính công an cho biết là hàng chục người, trước đó khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần, đã tự tử bằng cách treo cổ hoặc bằng những cách khác.

HRW cũng cho biết, “con số những người được cho là chết vì bệnh tật trong khi giam giữ lớn đến mức đáng ngạc nhiên, dù nhiều người trong số họ đang trẻ khỏe, trong độ tuổi 20 và 30. Tình trạng bị chấn thương trong thời gian bị công an giam giữ cũng thường xuyên được ghi nhận ở khắp các địa phương trong cả nước.”

Báo cáo của tổ chức HRW cũng ghi nhận là báo chí trong nước đưa tin về những sự vụ này “một cách không đồng đều, gây ra những mối quan ngại nghiêm trọng về tác động tiêu cực của tình trạng báo chí bị chính quyền kiểm soát.”

Cho nên, ông Phil Roberson, phó giám đốc đặc trách châu Á của HRW, đề nghị Việt Nam “nên để cho báo chí làm công việc điều tra và đưa tin về những vụ lạm quyền của chính quyền”. Ông Robertson cho rằng: “Báo chí độc lập có thể giúp đưa ra ánh sáng những vụ việc dễ bị ỉm đi.”

Tổ chức HRW cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức đưa ra chính sách không dung thứ đối với hành vi bạo hành của công an, huấn luyện tốt hơn cho công an ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp xã, và lắp đặt hệ thống máy ghi hình ở những nơi thẩm vấn và tạm giam.

Theo HRW, chính quyền Việt Nam cũng cần tạo điều kiện tăng cường vai trò của trợ giúp pháp lý đối với những nghi can và người bị tạm giữ, đồng thời bảo đảm tự do ngôn luận của nhà báo và trên mạng internet.

HRW cũng đề nghị chính quyền Việt Nam thành lập một ủy ban độc lập để xem xét và điều tra tất cả các khiếu tố về bạo hành của công an một cách nhanh chóng, vô tư. – RFI

Mỹ-Việt khởi động lại chương trình con nuôi

Hãng tin AFP hôm nay 16/9/2014 dẫn thông báo của cơ quan chức năng Việt Nam cho biết chương trình cho và nhận con nuôi Mỹ-Việt được mở lại sau sáu năm bị ngừng vì những nghi vấn liên quan đến việc giả mạo hồ sơ và buôn bán trẻ em. Tuy nhiên việc cho nhận con nuôi với các công dân Mỹ giờ đây cũng được có thêm những quy định chặt chẽ hơn.

Để tái khởi động chương trình con nuôi Mỹ-Việt, hôm nay 16/09/2014, Bộ Tư pháp Việt Nam đã chính thức trao giấy phép cho đại diện của hai tổ chức của Hoa Kỳ là Dillon International và Holt International Children’s Services để hoạt động trong lĩnh vực cho nhận con nuôi nước ngoài tại Việt Nam. Đối tượng con nuôi cho phép giới hạn ở các trẻ em từ 5 tuổi trở lên và nhóm trẻ em là anh chị em ruột.

Hiệp định hợp tác về Con nuôi Mỹ Việt Nam được ký từ đầu những năm 2000 ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, sau đó đã nhiều lần hiệp định bị đình hoãn rồi tái thực hiện. Lần gần đây nhất là tháng 9 năm 2008, do Washington chủ động ngừng sau khi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phát hiện chính quyền Việt Nam thiếu trách nhiệm tạo nhiều kẽ hở trong dịch vụ cho và nhận con nuôi dẫn đến tình trạng giả mạo hồ sơ cũng như nạn buôn bán trẻ em phát triển.

Theo báo chí tại Việt Nam, báo cáo của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã từng nhận định, các trại mồ côi Việt Nam đã móc ngoặc với bệnh viện và các cơ sở làm dịch vụ nuôi con nuôi, buôn bán trẻ em trên nỗi đau của hàng ngàn bà mẹ. Tại Việt Nam, số trẻ bị bỏ rơi đột ngột tăng hàng chục lần.

Hà Nội vẫn bác bỏ cáo giác của phía Mỹ, tuy nhiên trên thực tế vào thời điểm đó, báo chí Việt Nam cũng đã tiết lộ nhiều vụ công an khám phá các đường dây làm giả hồ sơ trẻ sơ sinh để cho người nước ngoài làm con nuôi ở các Trung tâm Bảo trợ xã hội địa phương, tức các trại mồ côi.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong một thông cáo đã nhận định trong thời gian qua Việt Nam đã có nhiều cố gắng hoàn thiện chương trình cho nhận con nuôi quốc tế vì lợi ích của trẻ được nhận con nuôi.

Theo AFP, hiện nay có tất cả 36 tổ chức dịch vụ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực con nuôi. Chủ yếu là các tổ chức của các nước như Pháp, Ý và Thụy Điển.

Nhu cầu nhận con nuôi Việt Nam của các gia đình Mỹ được thêm phần hấp dẫn một phần là từ sau khi cặp vợ chồng siêu sao điện ảnh Angelina Jolie và Brad Pitt nhận một bé trai gốc Việt Nam làm con nuôi.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng Việt Nam, hiện số trẻ em trong các trại mồ côi ở Việt Nam dao động trong khoảng từ 140.000 đến hơn một triệu. – RFI