Tin Thế Giới – 3/7/2015
Châu Âu trải thảm đó đón Thủ tướng TC
Thủ tướng TC Lý Khắc Cường sắp kết thúc một chuyến thăm châu Âu, nơi ông đã ký một loạt các hiệp định kinh tế và thỏa thuận thương mại.
Nhiều nước Âu châu đã đăng ký gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở mới của TC – được một số người coi là đối thủ của Ngân hàng Thế giới.
Trong tuần vừa qua, thảm đỏ đã được trải ra khắp các thành phố Âu châu để tiếp đón Thủ tướng Lý Khắc Cường của TC. Biến đổi khí hậu là đề tài được đặt cao trong nghị trình – nhưng kinh tế và thương mại là đề tài bao trùm.
Phát biểu tại một cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels, Lý nói TC và châu Âu phải mở rộng đầu tư chung và thậm chí thực hiện những vụ đầu tư hỗn hợp.
TC đã thiết lập một công cụ để đầu tư hỗn hợp – đó là Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á châu tức AIIB, với 50 thành viên sáng lập, trong đó có Anh Quốc, Pháp và Đức. Washington đã kêu gọi các đồng minh Âu châu chớ đăng ký gia nhập.
Ngân hàng này có số vốn ban đầu là 100 tỷ đôla – và châu Âu nóng lòng muốn gia nhập, theo ông Raffaelllo Pantuccci, thuộc Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia.
Ông nói: “Có rất nhiều cơ sở hạ tầng cần phát triển ở châu Á ở một nơi trên thế giới thực sự cần đến điều đó. Do đó tham gia từ giai đoạn sớm sủa giúp định hình phương hướng của ngân hàng, theo tôi là điều thực sự chủ chốt.”
Chống thế giới đơn cực
TC coi AIIB là một cách để chống lại điều mà Bắc Kinh nhận thấy là một thế giới đơn cực nằm dưới sự thống trị của Hoa Kỳ, theo bà Olivia Gippner của trường Kinh tế London, trong cuộc phỏng vấn qua Skype.
Bà nói: “Hoa Kỳ với quyền phủ quyết trong IMF, Hoa Kỳ với quyền phủ quyết trong Ngân hàng Thế giới. Các cải cách của IMF được đồng ý vào năm 2010, nơi các nước đang phát triển thực sự lẽ ra phải có quyền bỏ phiếu ở mức cao đang bị Hoa Kỳ ngăn chặn.”
Washington đã bày tỏ sự quan ngại rằng AIIB có thể được sử dụng để tài trợ các mục đích sách lược nhiều hơn là kinh tế. Tiêu chuẩn tài trợ có phần chắc sẽ khác với Ngân hàng Thế giới, hay IMF, theo ông Pantucci.
Ông nói: “Ở một số nước ở nhiều nơi tại Trung Á hay Nam Á có khó khăn trong việc đối phó với một số tiêu chuẩn do các ngân hàng quốc tế đề ra. AIIB có thể góp phần giúp đỡ ở đó hơn.”
TC đã ký một loạt các thỏa thuận thương mại – kể cả việc mua 45 chiếc máy bay Airbus do châu Âu chế tạo trị giá 11 tỷ đôla, và mở cửa một phân xưởng Airbus ở TC.
Trong khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ký thành luật một dự luật cho phép ông thương thuyết nhanh về các thỏa thuận thương mại. Hoa Kỳ đang dẫn đầu Đối tác Xuyên Thái Bình Dương bao gồm 40 phần trăm thương mại thế giới. TC không dự phần vào thỏa thuận này. – Theo VOA
Thái Lan ‘mua ba tàu ngầm TC’ – Chính sách ngoại giao “đu dây” của Cam Bốt
Hải quân Thái Lan chuẩn thuận kế hoạch mua ba tàu ngầm của TC vì ‘giá rẻ, chất lượng cao’, theo báo Thái.
Quyết định này của hội đồng 17 người thuộc Hải quân Hoàng gia Thái Lan cuối tháng 6/2015 vẫn tiếp tục gây tranh luận.
Tuy thế, theo BBC Tiếng Thái, cần phải mất 3-5 năm để Thái Lan có thể nhận tàu ngầm về và trong thời gian đó, Hải quân Hoàng gia Thái Lan cần xây dựng cơ sở cho tàu ngầm.
Được biết đây là tàu ngầm lớp Nguyên (Yuan class), thuộc thế hệ 2.
Một số bình luận cho rằng Thái Lan từng có “ước mơ không thành” để trang bị đội tàu ngầm từ 1951.
Lý do là nước này chưa có cảng để tàu ngầm cập bến, bảo trì và bất ổn chính trị cũng khiến các nỗ lực mua tàu ngầm không thành.
Được biết Thái Lan từng xem xét tàu ngầm của Đức và Hàn Quốc, theo trang The Diplomat.
Những người nghi ngờ khả năng mua và sử dụng tàu ngầm của Thái Lan cũng chỉ ra con số 355 triệu USD một chiếc để cho rằng chi phí này quá tốn kém, trong khi biển của Thái Lan không đủ sâu để tàu ngầm vận hành hiệu quả.
Hiện kế hoạch mua tàu ngầm TC còn cần để nội các của chính phủ Thái Lan thông qua.
Nhưng quan chức Thái Lan tin rằng mua tàu ngầm từ TC sẽ cho phép Thái Lan nhận trợ giúp công nghệ quân sự và huấn luỵên từ Bắc Kinh, theo trang Bangkok Post.
Còn trang The Diplomat thì đánh giá rằng các chuyến thăm cao cấp giữa Thái Lan và TC gần đây là chỉ dấu quan hệ quân sự hai bên gần lại với nhau hơn.
Hai nước Thái-Trung cũng cam kết tăng cường tập trận chung, huấn luyện chung.
Trên một năm trước, quân đội Thái Lan làm đảo chính, lên nắm quyền, và từ đó liên tiếp đưa ra các kế hoạch họ cho là để ‘phục hồi dân chủ’.
Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế cho rằng chính quyền quân nhân tìm cách trì hoãn quá trình phục hồi dân chủ. – Theo BBC
Trang mạng Diễn đàn Đông Á ( East Asia Forum ) của Úc hôm nay, 03/07/2015, có đăng bài của tác giả Leng Thearith, đang làm luận án tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định về chính sách ngoại giao của Cam Bốt, nay vẫn cố giữ sự cân bằng trong quan hệ, một bên là với TC và bên kia là với ASEAN, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Vào lúc Cam Bốt nắm chức Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội ASEAN, lần đầu tiên trong lịch sử của hiệp hội này, vào năm 2012, hội nghị Ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á đã không ra được bản thông cáo chung, do bất đồng nội bộ. Cụ thể là Cam Bốt, dưới tác động của TC, đã không chấp nhận yêu cầu của Manila đưa vào bản thông cáo chung sự cố tàu của TC và Philippines đối mặt với nhau trong nhiều tuần ở bãi đá Scarborough.
Kể từ lúc đó, Phnom Penh càng bị xem là đàn em của Bắc Kinh. Nhưng theo tác giả Leng Thearith, thực tế không hoàn toàn đúng như vậy, mà Cam Bốt đang thi hành một chính sách ngoại giao “đu dây”, giữa một bên là TC và bên kia là ASEAN, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ở cấp độ khu vực, chính quyền Phnom Penh đã cố làm hòa với Hà Nội, vốn vẫn rất bực tức về việc Cam Bốt không chịu lên án những hành động của TC nhằm xác quyết chủ quyền ở Biển Đông. Cụ thể là khi viếng thăm Việt Nam vào năm 2013, Thủ tướng Hun Sen đã không quên nhắc lại công lao của Việt Nam giải phóng Cam Bốt khỏi chế độ diệt chủng Khơme Đỏ.
Điều đáng nói là ông Hun Sen nói những điều đó bằng tiếng Việt, cho thấy là ông muốn chứng tỏ Phnom Penh là một người bạn rất thân thiết với Hà Nội, cho dù nói tiếng Việt như vậy có thể khiến dư luận Cam Bốt càng xem ông là nhân vật phục tùng Việt Nam, và điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng Nhân dân Cam Bốt của Hun Sen. Nhiều người dân Cam Bốt vẫn còn giữ tâm lý thù hằn Việt Nam và vẫn sợ là Việt Nam sẽ tiếp tục xâm lấn lãnh thổ nước họ.
Một bằng chứng khác cho thấy Phnom Penh cố giữ quan hệ tốt với Hà Nội: Khi một nhà ngoại giao Việt Nam vào năm 2014 tuyên bố vùng đất mà người Cam Bốt gọi là Kampuchea Krom từ lâu đã thuộc về Việt Nam, nhiều cuộc biểu tình chống Việt Nam đã nổ ra tại Phnom Penh. Nhưng chính quyền Cam Bốt lúc đó không hề có hành động ngoại giao nào để đòi Hà Nội nói rõ lập trường về vấn đề này, mà trái lại đã bắt giữ 11 người biểu tình chống Việt Nam.
Theo tác giả Leng Therarith, Hun Sen cũng đã tìm cách thắt chặt quan hệ với hai đối thủ của Trung Quốc khu vực, đó là Nhật Bản và Hoa Kỳ. Sau khi đã nâng quan hệ Cam Bốt-TC lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 12/2010, Phnom Penh cũng đã nâng cấp quan hệ với Tokyo thành “đối tác chiến lược” vào tháng 12/2013. Một cách biểu tượng hơn, Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh in một giấy bạc có hình cây cầu Tsubasa, được xây với viện trợ của Nhật và được đặt tên Nhật.
Trong quan hệ với Hoa Kỳ, Cam Bốt hiện cũng là một trong những nước Đông Nam Á yểm trợ mạnh mẽ nhất cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS. Thủ tướng Hun Sen cũng đã tỏ ý muốn thắt chặt quan hệ với Washington, qua việc gia nhập khối tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, do Hoa Kỳ chủ xuống nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng của TC ở Châu Á.
Theo tác giả Leng Thearith, chính sách ngoại giao “đu dây” có lợi ở chỗ là khi cần, thì Cam Bốt có thể dựa hẳn vào TC, nhất là khi bị hai láng giềng lớn hơn là Thái Lan và Việt Nam đe doạ. Nhưng nếu ASEAN, Hoa Kỳ và Nhật Bản không ngăn chận được ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của TC tại Cam Bốt hoặc nếu Hun Sen không cưỡng lại được áp lực của Mỹ về nhân quyền và dân chủ, thì chính sách ngoại giao “đu dây” đó có thể bị phá hỏng. – Theo RFI
Tin Hoa Kỳ
Cựu nghị sĩ Jim Webb ra tranh cử Tổng Thống
Cựu Thượng nghị sĩ Jim Webb cho hay ông sẽ ra dự tranh để giành chiếc ghế Tổng Thống Hoa Kỳ vào năm 2016, và như thế trở thành nhân vật thứ 4 của Đảng Dân Chủ có ý định thách thức bà Hillary Clinton, ứng viên có triển vọng nhất sẽ được Đảng Dân Chủ đề cử làm ứng cử viên Tổng Thống của Đảng này.
Ông Webb, Thượng nghị sĩ đại diện cho bang Virginia từ năm 2007 tới năm 2013, đã thành lập một uỷ ban thăm dò tranh cử hồi tháng 11 năm ngoái. Ông kêu gọi Hoa Kỳ phải có khả năng lãnh đạo tích cực và có viễn kiến hơn.
Ông Webb loan báo ý định ra dự tranh trên trang web của ông, nói rằng ông đã quyết định ra dự tranh ‘sau nhiều tháng suy nghĩ, cân nhắc và thảo luận.’
Trong thời gian phục vụ tại quốc hội, ông Webb đã đi thăm Miến Điện, giờ được biết đến là Myanmar, và can thiệp để phóng thích một công dân Mỹ thâm nhập Miến Điện, ông John Yettaw, và cho ông này đáp cùng chuyến bay tới nơi an toàn, là thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Ông Webb là một anh hùng chiến tranh đã đoạt được nhiều huân chương nhờ thời gian phục vụ trong chiến tranh Việt Nam. Ông được biết là người hay phê bình chính sách đối ngoại và chiến lược quân sự của Hoa Kỳ, và là người hậu thuẫn các binh sĩ Mỹ phục vụ ở nước ngoài.
Ông đã từng tuyên bố rằng vấn đề bảo vệ quốc gia, cải cách hệ thống hình sự, và các vấn đề kinh tế mang lại quyền lợi cho giới trung lưu sẽ là những vấn đề chủ yếu trong chiến dịch vận động tranh chức Tổng Thống của ông.
Các ứng cử viên khác cũng đang vận động để được Đảng Dân Chủ đề cử, tranh với bà Clinton gồm có Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đại diện cho bang Vermont, Thống đốc Rhode Island Lincoln Chafee, và cựu Thống đốc bang Maryland, ông Martin O’Malley. – VOA