Tin Viêt Nam – ngày 13/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Viêt Nam – ngày 13/02/2017
quyền hình ảnhGETTY IMAGES

 Mang ngoại tệ trên đường có thể bị tạm thu?

Một công dân bình thường khi mang trong mình một số lượng ngoại tệ lớn đi từ địa điểm này sang địa điểm khác trong phạm vi Việt Nam không có nghĩa vụ phải chứng minh nguồn gốc số tiền họ có, các luật sư nói với BBC Tiếng Việt.

Mới đây, một người đàn ông đang đi trên đường thì bị Công an Hậu Giang và Đội Quản lý Thị trường số 1 của địa phương chặn, kiểm tra, phát hiện trong người có lượng ngoại tệ tương đương gần nửa triệu đô la tiền mặt.

Truyền thông trong nước cho biết giới chức ‘phát hiện thấy ông vận chuyển nhiều ngoại tệ’, gồm đô la Mỹ và đô la Úc với tổng trị giá tương đương 9,5 tỷ đồng, nhưng ông ‘không trình bày được rõ nguồn gốc số tiền’.

Số ngoại tệ trên sau đó đã bị lập hồ sơ tạm giữ, ‘chờ truy xuất nguồn gốc ngoại tệ để xử lý theo pháp luật’.

Có tin nói ông Trương Văn Thạch là chủ một tiệm vàng ở Hậu Giang.

‘Công dân không cần chứng minh nguồn gốc tài sản’

Theo luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn quốc, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì ông chủ tiệm vàng cũng như mọi công dân khác, “không có nghĩa vụ phải trình bày, chứng minh tài sản của mình từ đâu mà có” nếu như “không thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, không liên quan đến tham nhũng hối lộ, không liên quan đến nghi án hình sự cụ thể nào”.

“Công dân có quyền sở hữu tài sản riêng, và điều này phải được hiểu theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho người có tài sản. Việc thấy ai có tiền, có tài sản là đến tịch thu là điều vô lý,” luật sư Tám bình luận.

Đồng ý với nhận định của luật sư Tám về quyền sở hữu tài sản của công dân, luật sư Hà Hải từ Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Nếu đó là một công dân bình thường, thì luật pháp không đòi hỏi phải khai báo.”

“Một cá nhân có thể nắm giữ số ngoại tệ lớn nếu họ tích cóp qua một thời gian dài, hoặc được người thân cho tặng, và họ không cần phải khai báo. Không có chế tài nào đối với hành vi lưu giữ, tàng trữ ngoại tệ.”

Tuy nhiên, điều này không áp dụng với các đối tượng là quan chức nhà nước, cán bộ đảng viên, là những đối tượng bị quy định là phải kê khai tài sản, luật sư Tám giải thích thêm.

Khi công dân là chủ tiệm vàng

Theo luật sư Tám, việc là chủ tiệm vàng không làm thay đổi bản chất vấn đề về quyền sở hữu của công dân đối với tài sản, trong trường hợp này là số lượng ngoại tệ họ mang theo mình.

“Việc coi người này có thể có hoạt động kinh doanh ngoại tệ trái phép hay không phụ thuộc vào các yếu tố khác.”

“Chẳng hạn như người đó nếu bị bắt quả tang là đang kinh doanh ngoại tệ trái phép tại cửa hàng thì đó là hành vi vi phạm. Nhưng nếu người đó đang trên đường, thì cho dù họ là người kinh doanh vàng bạc, cơ sở của họ có quyền kinh doanh ngoại tệ hay không, họ vẫn có quyền có tài sản riêng, và họ không có nghĩa vụ phải giải trình.”

Tuy nhiên, theo luật sư Hải thì việc một người chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, tức một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mang theo mình một số lượng ngoại tệ lớn thì “cơ quan chức năng có quyền đặt nghi vấn”.

Từ luật pháp đến tập quán xã hội

Lý do, theo luật sư Hải, là bởi có khoảng cách giữa luật pháp và tập quán kinh doanh tại Việt Nam trong lĩnh vực ngoại hối.

“Theo quy định pháp luật hiện hành, luật không cấm người dân tàng trữ tiền ngoại tệ, nhưng cần phải chứng minh được nguồn gốc.”

“Luật cũng quy định rõ về hoạt động kinh doanh thu mua ngoại tệ, theo đó chỉ có Ngân hàng Nhà nước và một số tổ chức tín dụng, tài chính được thực hiện.”

Cũng bởi đây là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, đòi hỏi phải được cấp phép cho nên một người hoạt động trong lĩnh vực đó cần phải ý thức rõ về các quy định hiện hành, luật sư Hải nói.

“Người chủ tiệm vàng này khi mang theo mình số lượng ngoại tệ lớn thì phải ý thức được quy định pháp luật về việc nguồn tiền ở đâu, mua bán kinh doanh thế nào… và phải có bộ chứng từ đi theo.”

“Nếu cơ sở kinh doanh vàng bạc của ông không có chức năng kinh doanh ngoại tệ mà vẫn làm, là ông ấy đã vi phạm pháp luật. Cho nên cơ quan pháp quyền có thể tạm giữ và đặt nghi vấn số tiền đó là do từ hoạt động thực hiện hành vi kinh doanh trái phép.”

Tuy nhiên, những quy định pháp luật không phải luôn luôn song hành với thực tế những gì diễn ra trong đời sống xã hội, luật sư Hải đánh giá.

“Chúng ta đều hiểu sự tồn tại của văn hóa ghim ngoại tệ trong xã hội. Các tiệm vàng thường thực hiện thêm một chức năng không đúng trong quy định, đó là thu đổi ngoại tệ.”

“Đó là văn hóa kinh doanh đã tồn tại hàng chục năm nay rồi, nhà nước khó có thể một sớm một chiều thay đổi được quan niệm, cách làm đó. Do văn hóa kinh doanh nên các chủ tiệm vàng dù bị cấm vẫn lén lút tiến hành.”

Về hậu quả tiếp theo, luật sư Tám cho rằng “trong trường hợp này chưa có căn cứ để nói là họ vi phạm. Cũng không có căn cứ để giữ số tiền này.”

Tuy nhiên, đánh giá từ phía luật sư Hải là “người chủ tiệm vàng nếu chứng minh được số tiền họ có hoàn toàn hợp pháp thì sẽ được hoàn trả. Nếu không, số tiền đó sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật, có thể là xử phạt, hoặc tịch thu”. – BBC

Liệu có việc ‘khách Trung Quốc bị biên phòng Móng Cái đánh’? 

Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam vừa yêu cầu chính quyền trong nước điều tra vụ việc mà họ nói là công dân Trung Quốc “bị biên phòng Việt Nam đánh trọng thương”.

Trong khi đó, đại diện TP Móng Cái bác bỏ cáo buộc này.

Trước đó truyền thông Trung Quốc đưa tin, một công dân Trung Quốc bị các nhân viên biên phòng ở cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đánh đập khi người này xuất cảnh hôm 7/2 sau chuyến sang Việt Nam chụp ảnh cưới.

Người này hiện nay bị chấn thương phần mềm, gãy bốn xương sườn và đang được điều trị tại bệnh viện, tờ Beijing Times viết.

Xie Feng (không phải tên thật), 28 tuổi, cùng mẹ là bà Chen và vợ chưa cưới là cô Ren Lili (không phải tên thật) vào Việt Nam hôm 25/1. Cô Ren nói với tờ Beijing Times họ đã đưa khoản tiền là 330 Nhân dân tệ (khoảng 48 USD) cho nhân viên cửa khẩu.

Đến lúc về, khi được yêu cầu trả tiền, Xie đã rời cơ quan hải quan Móng Cái và chuẩn bị gọi điện cho người bạn để hỏi xem có đúng họ cần trả tiền lần nữa không.

Khách du lịch TQ tăng: mừng hay lo?

Phạt hãng lữ hành vì khách Trung Quốc đốt tiền Việt

“Người phụ nữ yêu cầu chúng tôi trả tiền bắt đầu hô to điều gì đó bằng tiếng Việt, và bảy tám cán bộ biên phòng xúm vào đánh anh ấy”, Cô Ren nói tiếp trên truyền thông Trung Quốc.

Anh Xie bị còng tay và dẫn trở lại nơi làm thủ tục hải quan. Các cán bộ biên phòng buộc chân và đưa Xie lên một phòng ở tầng hai nơi họ tiếp tục đánh anh, cô Ren cho biết.

Sau khi được cho phép qua cửa khẩu vào Trung Quốc trước, cô Ren nhờ các cán bộ biên phòng Trung Quốc trợ giúp. Anh Xie và mẹ sau đó được qua cửa khẩu và anh Xie được đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã yêu cầu chính phủ Việt Nam điều tra về vụ việc này, trừng phạt các nhân viên nào vi phạm luật pháp và yêu cầu họ xin lỗi và bồi thường cho nạn nhân, tờ Beijing Youth Daily cho hay.

Chuyện đánh đập “chắc chắn là không có”

Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Móng Cái khẳng định chuyện công dân Trung Quốc bị đánh đập “chắc chắn là không có”.

Ông Dũng cho biết người đàn ông này khi vào Việt Nam đã không mua vé dịch vụ cửa khẩu. Khi được nhắc nhở tại cửa khẩu, người này đã lấy điện thoại gọi điện cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc và chạy ra ngoài.

Anh ta đã có “hoạt động không hợp tác” và phải mất khá nhiều thời gian cán bộ biên phòng mới đưa được anh ta vào một phòng làm việc ở tầng hai của tòa nhà Ban Quản Lý cửa khẩu Móng Cái, theo ông Nguyễn Tiến Dũng.

Trên đường đi từ tầng một đến tầng hai, hai bên đã có sự giằng co và khi cán bộ biên phòng khống chế thanh niên này, xảy ra xây xát là “chuyện không tránh khỏi”. Trong suốt thời gian này, anh ta luôn có mẹ đi cùng.

Hiện chính quyền Móng Cái và chính quyền thành phố Đông Hưng, Trung Quốc đang cùng làm việc để có câu trả lời chính thức cho “sự việc mà cả hai bên cùng không mong muốn” này.

Móng Cái là một trong các cửa khẩu chính trên biên giới Việt-Trung. Năm 2013, ước tính có hơn 4,4 triệu người Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu này.- BBC

Chính sách Biển Đông của tân chính quyền Mỹ đang ở bước đầu

Từ ngày 8/11/2016 tức là lúc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, những ai quan tâm đến Biển Đông đều chú ý đến nhất cử nhất động của tân chủ nhân Nhà Trắng và những nhân vật trọng yếu trong ê kíp sắp cầm quyền tại Washington để xem chính sách Biển Đông của chính quyền mới tại Hoa Kỳ sẽ ra sao.

Ba tháng đã trôi qua, nhưng thực tế cho thấy là nếu « chính sách Trung Quốc » đã tương đối có da có thịt, thì đối sách Biển Đông của chính quyền Trump vẫn chưa định hình rõ nét, về căn bản vẫn tạm đi theo hướng mà cựu tổng thống Obama đã vạch ra. Đây cũng là ý kiến của giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) khi trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI.

Ghi nhận đầu tiên là cho đến lúc này, bản thân tổng thống Donald Trump có dấu hiệu chưa quan tâm lắm đến vấn đề Biển Đông. Dĩ nhiên, dư luận đã từng chú ý đến lời chỉ trích nặng nề của ông đối với các hành vi của Trung Quốc « xây pháo đài » giữa Biển Đông, nhưng nhìn chung, đây không phải là điều mà tân lãnh đạo Mỹ quan tâm. Trong buổi họp báo chung với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 10/02/2017 tại Washington chẳng hạn, khi được một nhà báo Nhật Bản của tờ Sankei Shinbum hỏi thẳng về phản ứng của ông đối với « lập trường cứng rắn của Trung Quốc » tại Biển Đông sẽ như thế nào, ông Trump đã trả lời vòng vo mà quên hẳn câu hỏi. Trong cả cuộc họp báo, chỉ có thủ tướng Abe là nói đến Biển Đông mà thôi.

Tổng thống Trump không quan tâm, còn hai nhân vật trụ cột là tân ngoại trưởng Rex Tillerson và tân bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis thì sao ? Cả hai đều đã có những tuyên bố khá khúc triết về Biển Đông, ông Tillerson nhân buổi điều trần tại Thượng Viện Mỹ ngày 11/01 và ông James Mattis trong buổi họp báo chung với đồng nhiệm Nhật Bản tại Tokyo ngày 04/02 vừa qua.

Vấn đề là nội dung hai phát biểu lại có vẻ mâu thuẫn với nhau trong cách đối phó với các hành vi quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, ông Tillerson thì cứng, trong lúc ông Mattis lại rất mềm mỏng.

Nội dung tuyên bố của ông Tillerson có thể tóm tắt như sau : Không thể để Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, vì làm như vậy, toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ bị tác hại. Do vậy, Mỹ cần phải, một là buộc Trung Quốc dừng quân sự hóa Biển Đông, dừng các hoạt động xây dựng trên đảo nhân tạo; hai là chặn đường không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo.

Thế nhưng, gần một tháng sau, trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Nhật Bản Tomomi Inada, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ lại khẳng định tình hình chưa đến nỗi buộc Mỹ phải « tiến hành các hoạt động quân sự lớn », mà chỉ cần có những nỗ lực ngoại giao, đối thoại để giải quyết vấn đề.

Nội dung tuyên bố trên đây đã khiến một số quan sát viên cho rằng giữa hai bộ của Mỹ đang xẩy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược về chính sách Biển Đông.

Tuy nhiên trong một bài phân tích ngày 06/02, nhà báo Ankit Panda của tờ The Diplomat đã cho rằng phát biểu của ông Mattis về nhu cầu thúc đẩy ngoại giao chỉ nhằm giải tỏa một số hiểu lầm đến từ lời lẽ quá đanh thép của ông Tillerson, chứ chính sách Biển Đông của Mỹ về căn bản vẫn cứng rắn đối với các hành vi chiếm hữu phi pháp và bức hiếp các láng giềng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

The Diplomat đã nêu bật một số tuyên bố của ông Mattis tại Tokyo, chẳng hạn như khi ông cho rằng « Trung Quốc đã phá nát lòng tin của các quốc gia trong khu vực, và dường như đang tìm cách áp đặt quyền phủ quyết (của Trung Quốc) trên các vấn đề về ngoại giao, an ninh và kinh tế của các nước láng giềng. »

Đối với tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, các nước không có quyền giải quyết tranh chấp bằng cách sử dụng « phương tiện quân sự và chiếm đóng các khu vực là đang là đối tượng tranh chấp ».

Dựa trên các tuyên bố của ông James Mattis, được cho là « một sự trình bày mạch lạc chính thức cấp cao đầu tiên » của những ưu tiên về Biển Đông mà tân chính quyền Hoa Kỳ theo đuổi, The Diplomat đã xem đấy là « một tin tốt đẹp cho các quốc gia trong khu vực – và không mấy tốt cho Trung Quốc ». Tốt đẹp là vì chính sách của Hoa Kỳ đối với Biển Đông trước mắt dường như không thay đổi so với thời Obama.

Tuy nhiên, The Diplomat cũng rất thận trọng, cho rằng những gì tướng Mattis nêu lên chỉ là những ý kiến đưa ra trong một cuộc họp báo. Ngoài ra, chính sách ngoại giao của nước Mỹ cũng không phải là do bộ Quốc Phòng ấn định.

Để hiểu rõ thêm về chính sách châu Á của tân chính quyền Mỹ, đặc biệt là về Biển Đông và Việt Nam, RFI đã phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ). Đối với giáo sư Long, chính sách riêng của chính quyền Donald Trump thực ra chưa định hình, trước mắt chỉ mới có vế Trung Quốc là tương đối có phối hợp. Trả lời câu hỏi của RFI về khác biệt trong tuyên bố hòa dịu gần đây của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ so với phát biểu cứng rắn trước đó của đồng nhiệm ở bộ Ngoại Giao, giáo sư Long cho rằng đó chỉ nhằm mục đích trấn an các đồng minh của Mỹ tại châu Á.

Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ trong chuyến đi Nhật và Hàn Quốc vừa qua bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis có sứ mạng là trấn an các đồng minh của Mỹ trong khu vực bằng cách công bố rằng Mỹ muốn tận dụng ngoại giao để giải quyết các vấn đề nổi cộm trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Nhưng ông ta cũng tuyên bố tiếp rằng các hoạt động quân sự là để tiếp sức cho các nhà ngoại giao; và trong hiện tại ông chưa thấy cần thiết có những “động thái quân sự ấn tượng nào cả” (any need for dramatic military moves at all.)

Còn ông Rex Tillerson, khi điều trần trước Quốc Hội Mỹ nói cứng là Mỹ nên bủa vây các đảo mà Trung Quốc đã xây đắp để Trung Quốc khỏi đưa quân lính và vũ khí lên đó, một phần là vì ông ấy muốn được Quốc Hội thông qua việc ông ấy được đề cử làm ngoại trưởng. Nay, được chính thức làm ngoại trưởng rồi thì ông ấy có vẻ cũng mềm dẻo hơn.

Theo các báo lớn của Mỹ, như tờ Washington Post và tờ New York Times, thì ngoại trưởng Tillerson có đóng góp quan trọng trong lá thư của tổng thống Trump cho Tập Cận Bình mà ngày 08/02, chính Cố Vấn An Ninh Michael Flynn đã tận tay đưa cho đại sứ Trung Quốc ở Hoa Thịnh Đốn. Thư đó có nói rằng Trump muốn làm việc cùng với Tập Cận Bình để “phát triển một quan hệ xây dựng cho lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc.”

Sau đó, chiều ngày 09/02 (giờ Hoa Thịnh Đốn), Trump và Tập có cuộc trao đổi bằng điện thoại mà Nhà Trắng tuyên bố là vừa rất lâu và vừa “cực kỳ thân mật” (extremely cordial). Một số nội dung cuộc nói chuyện điện thoại này đã được các báo chí tường thuật với nhiều chi tiết cho nên tôi không lập lại ở đây làm gì.

Tôi chỉ muốn lưu ý ở đây là sau một thời gian lập cập thì hiện nay chính sách Mỹ đối với Trung Quốc đang có vẻ được phối hợp giữa bộ trưởng Quốc Phòng, bộ trưởng Ngoại Giao, và một số nhân vật trong Nhà Trắng.

RFI :Dựa theo những gì ta được biết về các nhân vật trong chính quyền Trump, có thể thấy là chính sách Biển Đông của Washington sẽ như thế nào ?

Ngô Vĩnh Long : Mặc dầu hiện nay đang có cố gắng phối hợp chính sách đối với Trung Quốc, nói riêng, và đối với Á châu, nói chung, tôi nghĩ thật ra chưa có đồng thuận. Ngay trong Nhà Trắng còn có tranh giành ảnh hưởng của các cố vấn đối với Trump và còn có những khác biệt quan trọng giữa những nhân vật chủ chốt như là Michael Flynn, Stephen K. Bannon và Jared Kushner, con rể của Trump và được Trump nghe lời nhất.

Chính sách Biển Đông chỉ là một khía cạnh của chính sách lớn của Mỹ đối với Á châu cho nên khi nào thấy có một sự đồng thuận giữa các cố vấn của Trump với ít ra hai bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng thì người ta mới rõ chính sách Biển Đông của Mỹ như thế nào.

Trong khi đó thì có một số tin tức cho rằng người đứng đầu chính sách về Trung Quốc của Trump là Kushner, con rể của ông. Do đó, tôi nghĩ sẽ có sự hợp tác chặt chẽ giữa bộ Quốc Phòng và bộ Ngoại Giao, để cộng tác với Kushner hay là để đối phó khi cần.

RFI : Trung Quốc sẽ lợi dụng thời cơ hiện nay như thế nào ?

Ngô Vĩnh Long : Trung Quốc đang dùng những đòn bẩy kinh tế, trong đó có các quan hệ làm ăn với chính con gái của Trump và gia đình con rể của Trump. Đây là cách các nhà làm chính sách Trung Quốc đã “nhảy cóc” qua rất nhiều rào cản để đến tận tai của Trump.

Trump là một “tay buôn” nên có thể hiểu những vấn đề lợi ích kinh tế rõ hơn là những vấn đề an ninh tầm cỡ quốc tế mà ông ta rất mơ hồ. Những cuộc gặp gỡ của Trump với các tỷ phú đô la Trung Quốc và những phát biểu về “an ninh” của Trump gần đây đã một phần nào cho thấy nhận định trên có thể là đúng.

RFI :Và quan hệ đối với Việt Nam có thể ra sao ? Sẽ khác với thời Obama như thế nào ?

Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ quan hệ đối với Việt Nam sẽ không khác thời tổng thống Obama là mấy. Mỹ đã bỏ ra mấy thập kỷ để xây dựng quan hệ với Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó có lý do an ninh cho khu vực. Mỹ sẽ tiếp tục cộng tác với Việt Nam trên vấn đề an ninh, và lẽ dĩ nhiên là trong đó Biển Đông là vấn đề mấu chốt.

Có khác chăng thì nỗ lực của thời Obama để củng cố và xây dựng các hệ thống an ninh đa phương đã bị Trump làm suy yếu, trong đó có việc Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

RFI : Đâu là những điểm Việt Nam cần chú ý để có thể vận động Chính quyền Mỹ ?

Ngô Vĩnh Long : Hiện tại thì Việt Nam không cần có chú ý đặc biệt để vận động chính quyền Mỹ. Việt Nam nên cố gắng vận động các nước trong khu vực qua việc thúc đẩy các quan hệ song phương và đa phương như ASEAN. Cần thiết nhất là vận động sự ủng hộ của dân chúng trong nước.- RFI

 

Người dân phát hiện một công ty Trung Quốc đổ thải ra sông

Truyền thông Việt Nam hôm nay loan tin người dân địa phương tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương tố cáo nhà máy Công ty dệt Trung Quốc đầu tư tại địa phương lâu nay lén lút xả nước thải độc hại ra môi trường.

Tin cho biết từ tháng 12 năm ngoái, dân chúng sống gần Khu Công Nghiệp Lai Vu phải hứng chịu mùi hắc, hôi thối. Họ tự tìm hiểu và sau một tháng phát hiện nguồn nước thải có màu đen và hôi thối từ đường ống của công ty Pacific Crystal trong khu công nghiệp Lai Vu thải ra và báo với cơ quan chức năng.

Kết quả cho thấy chất thải của nhà máy dệt này thải ra môi trường có 5 thông số vượt qui chuẩn kỹ thuật.

Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Lai Vu cho báo giới biết trong khu vực từng xảy ra tình trạng cá chết nhưng không thể tiến hành kiểm tra được vì cấp xã không có thẩm quyền; trong khi công ty xả thải lại là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.

Thông tin cho biết thêm, chất thải nhà máy công ty Pacific Crystal đổ ra  Sông Rạng, đây là nơi cung cấp nước cho nhà máy nước phục vụ hằng ngàn hộ dân tại 3 xã Cộng Hòa, Lai Vu, Ái Quốc thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương – RFA

Dầu vón cục dạt vào bờ biển Quảng Nam

 Bảy kilomet bờ biển tỉnh Quảng Nam bị ô nhiễm bởi dầu vón cục và chai lọ có chữ Trung Quốc.Truyền thông trong nước trích dẫn báo cáo của Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Quảng Nam thuộc trung trung bộ Việt Nam cho biết từ ngày 6 tháng 2 vừa qua, cơ quan này nhận được thông báo dầu hắc ín dạt vào đầy bãi tắm từ xã Tam Quang đến xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành thuộc tỉnh này.Dân chúng địa phương thì nói tình trạng này xảy ra từ trước tết âm lịch tức trong tháng giêng.Cơ quan này đã đến tìm hiểu và nhận thấy dầu vón cục có màu đen với kích cỡ từ 0,5 đến 1 centimet xuất hiện dọc đoạn chiều dài bờ biển chừng 7 cây số. Số dầu vón cục như thế còn bám trên rác gồm bao ny long, chai lọ, hộp đồ uống… với chữ cho thấy xuất xứ từ Hong Kong, Trung Quốc.

Hôm nay chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Núi Thành, ông Nguyễn Văn Mau cho biết Phòng Tài nguyên- Môi trường của huyện đang phối hợp cùng Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Quảng Nam khảo sát khu vực bờ biển có dầu vón cục và rác thải tấp vào để đưa ra biện pháp thu gom. – RFA

Giáo dân Song Ngọc tiếp tục kiện Formosa

Nạn nhân thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh gây nên và cũng là giáo dân xứ Song Ngọc, thuộc địa bàn 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào ngày mai sẽ tiếp tục đến cơ quan chức năng nộp đơn kiện thủ phạm xả hóa chất độc hại làm ô nhiễm biển khiến nguồn sống của ngư dân và nhiều thành phần khác bị tác động nghiêm trọng.

Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc cho biết như vừa nêu. Ông còn nói thêm bản thân ông sẽ đồng hành cùng hơn 600 hộ dân thuộc giáo xứ mà ông đang phụ trách đi nộp đơn kiện.

Vào tháng 10 năm ngoái, giáo dân xứ Song Ngọc đã có đơn gửi đến chính phủ, quốc hội, ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu về việc bồi thường thiệt hại cho những đối tượng chịu tác động; thế nhưng cho đến nay các cấp từ trung ương đến địa phương đều chưa phản hồi đơn mà giáo dân kiện hồi tháng 10 năm ngoái.

Nhà máy thép của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại Vũng Áng thừa nhận xả hóa chất ra biển khiến cá, hải sản chết hằng loạt kể từ đầu tháng tư năm ngoái. Công ty này bồi thường 500 triệu đô la và giao cho nhà cầm quyền Việt Nam để chi trả cho nạn nhân và khắc phục môi trường.

Tuy nhiên theo quyết định của nhà cầm quyền Việt Nam thì chỉ có 7 đối tượng tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế được bồi thường; tuy nhiên nhiều người ở Nghệ An giáp với Hà Tĩnh cho biết họ chịu tác động nặng nề và mất kế mưu sinh nên yêu cầu phải được bồi thường. – RFA

Người lên tiếng vụ Formosa bị hành hung

Một người tham gia lên tiếng về thảm họa môi trường do Formosa gây nên tại khu vực miền trung Việt Nam lại bị hành hung.

Tối hôm qua 12/02, chị Nguyễn Thị Thái Lai bị 4 người đàn ông lao vào hành hung đến ngất đi khi chị đang đi ăn cùng một người bạn tại khu vực phường Vạn Thạnh (Nha Trang – Khánh Hòa). Vào chiều hôm nay 13 tháng 2 chị cho Đài Á Châu Tự Do biết:

Chị bây giờ vẫn còn đau, bị nó đá nó đấm từ trên mặt nó đá xuống người, cho nên bây giờ vẫn con đau và ê ẩm. Đây không phải là lần đầu tiên, năm ngoái chị cũng bị tụi nó đạp xe rồi. Bị triệu tập ra đồn chỉ có vấn đề là vì chị phản đối Trung Quốc và phản đối Formosa, chị xuống đường và viết bài. Bất kỳ ai ở xa tới mà chị đi gặp thì người ta sẽ đi theo và gây khó dễ. Bây giờ mình chỉ có tố cáo cái tội ác của họ cho công chúng thôi, còn họ bao che cho nhau, chị gọi điện trực tiếp cho công an tỉnh thì họ nó họ không biết và không làm việc này. 

Sau khi sự việc xảy ra, chị có đến trụ sở công an phường Vạn Thạnh để trình báo thì nhìn thấy những người đánh đập chị đang đi lại trong ở và nói chuyện trao đổi gì đó với những người mặc trang phục công an. Chị Thái Lai cũng cho đài RFA biết đây là lần thứ 4 chị bị côn đồ hành hung.

Chị Nguyễn Thị Thái Lai là một trong những người tại Nha Trang đã cùng blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lên tiếng phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc và yêu cầu đóng cửa Formosa, nhà máy xả hóa chất độc hại xuống biển khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh Bắc Trung bộ, làm người dân địa phương mất sinh kế. – RFA

Đoàn Huy Chương hiện đang ở đâu?

Đến hết ngày 13/2, ngày đáng lẽ Đoàn Huy Chương mãn án tù, cả gia đình và bạn bè đều không biết ông đang ở đâu.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh, bà Đỗ Thị Minh Hạnh, người cùng bị xét xử chung với ông Đoàn Huy Chương nhưng đã ra tù sớm, cho VOA biết rằng khi bà cùng gia đình ông Chương gồm vợ và hai người con đến trại giam Z30 A Xuân Lộc, Đồng Nai vào sáng sớm ngày 13/2 để đón ông thì phía trại giam bảo rằng cha của ông là Đoàn Văn Viên đã đón ông từ rất sớm rồi.

“Khi đến trại giam, họ nói rằng ba của anh Chương đã đón anh đi từ rất sớm rồi. Tuy nhiên, chúng tôi không thể liên lạc với ông Đoàn Văn Viên. Anh trai của Đoàn Huy Chương cũng không biết tin tức gì về em mình.”

Bà Đỗ Thị Minh Hạnh nói rằng bà rất trông mong ngày ông Chương mãn án, một người cộng sự của bà trong công cuộc đấu tranh cho quyền lợi công nhân:

“Hôm nay Minh Hạnh rất hồi hộp và hạnh phúc khi đón được một người cộng sự, người anh em của mình. Anh là một người rất kiên định, luôn luôn dành tâm huyết của mình trong việc tranh đấu để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Anh cũng rất tâm huyết giúp đỡ dân oan đấu tranh dành đất đai.”

Bà Hạnh nhớ lại:

“Vào cuối năm 2009, đầu 2010, anh Chương có theo dõi sự vi phạm của công ty giày da Mỹ Phong đối với công nhân. Khi anh phát hiện ra công nhận bị xúc phạm nhân phẩm, không trả tiền lương cho ngày Tết thì ba anh gồm có Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã giúp công nhân đòi lại quyền lợi với cuộc đình công nổ ra kéo dài trên 10 ngày, làm tờ rơi trong đó yêu cầu 7 điều, trong đó có điều số 7 là thành lập công đoàn độc lập. Nhưng điều số 7 này không được áp ứng.”

Bà Minh Hạnh cho biết ngay sau cuộc đình công kéo dài hơn 10 ngày này thì cả 3 người đều bị bắt với tội danh ‘chống lại chính quyền nhân dân’ theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Vào tháng 10, năm 2010, ông Chương, bà Hạnh và ông Hùng bị xét xử. Ông Chương và bà Hạnh cùng bị tuyên án 7 năm tù giam, nhưng bà Hạnh được trả tự do vào tháng 4/2014. Hiện nay ông Hùng vẫn đang chịu án 9 năm tù.

Bà Minh Hạnh nói rằng đây là một bản án oan, lẽ ra chính quyền Việt Nam nên khuyến khích các nghiệp đoàn đấu tranh, bảo vệ người lao động:

“Đây là một bản án hết sức oan ức. Tòa án LHQ ra phán quyết nói rằng ba anh em vô tội và yêu cầu chính quyền Việt Nam trao trả tự do vô điều kiện. Bản án hết sức vô lý vì chúng tôi chỉ đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, và giúp công nhân đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ theo đúng luật pháp Việt Nam.”

Trước đó, ông Chương bị kết tội là thành lập “Hiệp hội Đoàn kết Công Nông Việt Nam” năm 2006, và rồi bị bắt tháng 11, 2006 và bị xử 18 tháng tù giam. Ông Chương được thả vào năm 2008.- VOA

 

Chức sắc Hội đồng Liên tôn bị đánh ở Vĩnh Long

Bốn chức sắc của Hội đồng Liên tôn bị câu lưu hơn 3 giờ và 3 chức sắc khác bị công an đánh khi họ đi đến tỉnh Vĩnh Long ngày 13/2, một thành viên của Hội đồng Liên tôn cho biết.

Trên đường từ Vĩnh Long về thành phố Hồ Chí Minh, Linh mục Lê Ngọc Thanh của Dòng Chúa Cứu thế Sài Gòn, một người vừa bị chính quyền địa phương ở tỉnh Vĩnh Long câu lưu, cho VOA Việt ngữ biết rằng 4 chức sắc của Hội đồng Liên tôn đang cùng các thành viên khác dùng cơm trưa trong một buổi họp mặt đầu năm ở tư gia của ông Lê Văn Sóc thì bị chính quyền ập đến.

Đây là buổi gặp mặt đầu năm thường lệ của các thành viên Hội đồng Liên tôn. Khi họ đến thăm, chúc tết các chức sắc Đạo Cao Đài và Giáo hội Phật giáo Hòa hỏa Thuần túy ở tỉnh Vĩnh Long thì xảy ra sự việc này, Linh mục Lê Ngọc Thanh nói:

“Khi chúng tôi đang ngồi ăn uống thì công an kéo đến rất đông: công an khu phố, công an giao thông, công an mật vụ, công an xã, trên 30 vị. Họ đòi kiểm tra hành chánh, kiểm tra chứng minh dân nhân tất cả những người không thuộc địa phương này. Nói qua nói lại một lúc thì chúng tôi cũng đồng ý cho kiểm. Khi kiểm được mấy người thì một anh công an bảo rằng có lệnh của lãnh đạo yêu cầu 4 vị chức sắc là Hòa thượng Thích Không Tánh, Chánh Trị sự Hứa Phi, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, và tôi là Linh mục Lê Ngọc Thanh, phải lên làm việc với vị công an đó.”

Theo Linh mục Lê Ngọc Thanh thì chính quyền tỉnh Vĩnh Long “muốn thị uy, trầm trọng hóa sự có mặt của các chức sắc tôn giáo:”

“Chúng tôi bị đưa đi từ lúc 12 giờ 45, và ở đó cho đến 15 giờ. Tại trụ sở công an xã, họ tách mỗi người ra một phòng riêng, và thẩm vấn riêng. Một ông tự nhận mình là Dũng, không mặc sắc phục hay đeo bảng tên. Tất cả các nhân viên gọi ổng là lãnh đạo. Còn ông thì tự nhận mình là cán bộ an ninh phản gián của tỉnh Vĩnh Long. Nói với từng người, ông lên lớp dạy dỗ, nào là không chịu lo tu hành, nào là tôn giáo này đi với tôn giáo kia, nào là lập Hội đồng Liên tôn là bất hợp pháp. Chúng tôi mỗi người có một thái độ khác nhau… Chánh trị sự Hứa Phi thì bị đánh ngay tại đồn công an, bị đe dọa trong khi ông bị hạ đường trong máu nên ông đã xỉu.”

Cũng theo Linh mục Lê Ngọc Thanh, trước khi đoàn đến nhà ông Sóc thì chiếc xe của họ đã bị cảnh sát giao thông chặn với lý do “xe lấn tuyến,” và buộc mọi người phải về ủy ban xã, nhưng họ không đồng ý và các thành viên trong đoàn quyết định đi bộ khoảng 3 kilomet để đến nhà ông Sóc.

Linh mục Lê Ngọc Thanh nói rằng trong lúc một số thành viên đang đi bộ thì chính quyền địa phương đã chặn và đưa hai chức sắc tôn giáo là Thông sự Cao Đài Châu Văn Gòn, Chánh trị sự Cao Đài giáo Nguyễn Văn Tangiang về trụ sở UBND xã Đông Thành, với lý do “nghi rằng hai người này phạm tội”. Linh mục Lê Ngọc Thanh cho biết thêm:

“Khi chúng tôi đi bộ khoảng 3 kilomet thì có 2 vị bị bắt và bị đưa vào UBND xã. Hai vị này không đồng ý, nên đi ra, thì anh Kiểm, công an mới đe rằng: ‘Ở đây thì chúng tôi bảo vệ an toàn, ra ngoài thì có thể bị đánh và mất tài sản. Thì đúng vậy, hai vị đó, tức là Thông sự Cao Đài giáo Châu Văn Gòn và ông Chánh trị sự Nguyễn Văn Tangiang đã bị đánh, một ông thì gãy răng, một ông thì bị tét da tay, và bị trấn lột điện thoại, tiền bạc, và giấy tờ hoàn toàn.”

Theo các thành viên Hội đồng Liên tôn việc “dựng chuyện xe lấn tuyến là không thể chấp nhận được.”

Báo Tin mừng cho Người nghèo cho biết việc chính quyền hành hung ông Giang như sau: “sau khi bị câu lưu ít phút và ra khỏi đồn công an, ông Giang bị nhóm côn đồ hành hung, cướp điện thoại và giấy tờ tùy thân.

Ông Giang được báo trích lời nói rằng “Khi chúng tôi đi ra đến đường lớn, nhóm côn đồ đã xông ra đánh, giựt cướp tài sản của chúng tôi.”

Ông Lê Văn Sóc, Phó Hội trưởng Phật Giáo Hòa Hảo tỉnh Vĩnh Long, được cho là đã chứng kiến toàn bộ sự việc, xác nhận với tờ báo mạng Tin mừng như sau:

“Giới chức cầm quyền huy động công an, CSGT và an ninh chặn đường xe của các vị chức sắc trong HĐLT khi đi từ Sài Gòn xuống tỉnh Vĩnh Long. Tại Vĩnh Long, cách đạo trà của tôi khoảng 3 cây số, nhà cầm quyền huy động công an, CSGT, an ninh đến ngăn chặn các vị chức sắc không cho vào nhà tôi. Họ phải bỏ xe ở đó và đi bộ vào nhà tôi.”

Một nguồn tin cho biết ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng PGHH Thuần túy, cũng bị chặn ngay từ sáng sớm tại tư gia nên ông không thể đến nhà ông Sóc tham dự chúc Tết của Hội đồng Liên tôn.

Hôm 14/1, ông Lê Văn Sóc và Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng được biết là đã bị chính quyền địa phương ngăn chặn không cho gặp gỡ với Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ David Saperstein tại chùa Giác Hoa, ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo hội Phật giáo Hòa Hào Thuần Túy cũng như Hội Đồng Liên tôn từng cực lực lên án công an Vĩnh Long đã vi phạm nghiêm trọng quyền đi lại của công dân, chà đạp thô bạo nhân quyền, và quyền tự do tôn giáo. – VOA

Bà Minh Hằng công bố ‘thư cám ơn’ ‘bị chặn’

Ngày 13/2/2017, Bà Bùi Thị Minh Hằng đưa bức thư viết tay dài 4 trang, viết ngày 5/4/2016, gửi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, lên mạng internet. Bức thư có nội dung “cám ơn Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính quyền Mỹ” đề nghị bà sang Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, bức thư chưa bao giờ đến tay Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam vì bị quản giáo trại giam giữ lại.

Thư có đoạn: “Kết quả của toàn thể của sự quan tâm này được thể hiện qua cuộc tiếp xúc trao đổi giữa vị đại diện lãnh sự Hoa Kỳ với tôi tại nơi tôi đang bị cầm tù, trước sự chứng kiến của nhà cầm quyền Việt Nam và trại giam vào ngày 27/1/2016.”

Bức thư viết tiếp: “Tôi thấy mình vô cùng may mắn, hạnh phúc hơn rất nhiều người, cho dù tôi không thể đón nhận tình cảm to lớn và sự quan tâm, lo lắng của toàn thể quý vị dành cho tôi vào lúc này…. Tôi xin lựa chọn được ở lại Tổ quốc Việt Nam, nơi sinh ra và đã nuôi dưỡng lý tưởng cho mình.”

Ngay khi mãn hạn tù ngày 11/2/2017, bà Bùi Thị Minh Hằng khẳng định ‘tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi cho dân oan.’

Từ Sài Gòn, bà Hằng nói với VOA Việt Ngữ rằng khi quyền lợi người dân chưa được đáp ứng thì bà sẵn sàng tranh đấu:

“Kể cả lúc trong trại cũng như lúc ra ngoài, tôi vẫn nói anh chị em là mục đích là đi đòi quyền lợi. Trong khi bây giờ quyền lợi chưa hề đòi được mà bị vào tù rồi. Mất cái này chưa đòi được thì mất cái khác. Quyền lợi của chúng tôi chưa được đáp ứng thì chúng tôi tiếp tục đi đòi.”

Thông qua VOA, bà Hằng mong muốn gửi lời tri ân đến các cơ quan quốc tế và bạn bè đã lên tiếng ủng hộ bà:

“Khi bước ra khỏi nhà tù với bản án oan khuất, cho tôi gửi lời cảm ơn đến những tổ chức, cá nhân, các cơ quan quốc tế đã không ngừng đấu tranh đòi tự do cũng như ủng hội tôi không cuộc đấu tranh này, và nhất là bản án oan khuất mà tôi phải chịu trong 3 năm qua.”

Khi hỏi về việc Bộ Công An khuyên bà đi Mỹ, bà Hằng nói rằng:

“Khi sức khỏe ổn định, tôi sẽ post toàn bộ lá thư cảm ơn Bộ Ngoại giao Mỹ và chính quyền Mỹ. Lá thư mà trại đã giữ lại. Họ đã không cho chuyển. Phía trại đã ngăn chặn tự do ngôn luận, họ đã vi phạm chính sách tự do thư tín. Đến ngày hôm qua, khi ra trại thì tôi có mang bức thư đó ra.”

Trong cuộc phỏng vấn với VOA, bà Hằng cho biết sức khỏe của bà không được ổn định, một phần do điều kiện trại giam, một phần do bà đã tuyệt thực để phản đối bản án “bất công” mà bà phải “chịu oan”:

“Về đến đây thì hiện tại sức khỏe cũng mệt. Sau một thời gian tuyệt thực nhiều, sức khỏe không ổn định. Tình trạng đối xử với tù nhân trong trại giam thì có nhiều vấn đề lắm.”

Kết thúc cuộc phỏng vấn với VOA, Bà khẳng định lần nữa, sẽ tiếp tục con đường đấu tranh đòi quyền lợi cho dân oan.

Bà Hằng cho biết trước hết bà sẽ lên tiếng kêu cứu cho người bạn tù của bà là bà Nguyễn Thị Trí, ngụ ở tỉnh Bình Dương, người đang chịu án tù 3 năm tại trại giam Gia Trung, theo điều 88 của Bộ Luật Hình sự “Truyên truyền chống nhà nước”:

“Kêu cứu cho tù nhân, dân oan Nguyễn Thị Trí, người đang bị khủng bố về tinh thần trong trại giam do cài cắm của cơ quan an ninh, gây chia rẻ, cô lập đến mức mà dân oan Nguyễn Thị Trí đòi tự tử. Điều này tôi và chị Cấn Thị Thêu đều chứng kiến.”

Bà Bùi Thị Minh Hằng bị tuyên án 3 năm tù vì “gây gối trật tự công cộng” theo điều 245 của Bộ Luật Hình sự. Bà bị bắt vào ngày 11/2/2014 khi trên đường tới thăm nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Có hai người khác cùng bị xét xử trong vụ án này.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, từng vinh danh và kêu gọi phóng thích bà Bùi Thị Minh Hằng trong số 20 nữ tù nhân chính trị năm 2016.- VOA

 

TT Trump ‘xuống thang’ trước Trung Quốc, báo Việt viết gì?

Truyền thông nhà nước Việt Nam nhận xét rằng phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” đã giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “dẫn điểm trong nước cờ đầu tiên”.

Trong cuộc điện đàm kéo dài với ông Tập hôm 9/2, ông Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”. Thông cáo của Nhà Trắng sau đó có đoạn: “Tổng thống Trump đã đồng ý, theo yêu cầu của Chủ tịch Tập, tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”.

Trong bài viết có tựa đề “Ông Tập dẫn trước ông Trump trong nước cờ ‘cân não’ đầu tiên?”, báo Thanh Niên viết: “Sự thay đổi của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về mối quan hệ với Trung Quốc gây bất ngờ cho không ít người. Chỉ mới 2 tháng trước, ông tạo ra cú sốc đầu tiên cho Trung Quốc khi có cuộc điện đàm lịch sử với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn”.

Tờ báo thuộc Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam dẫn lời giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại đại học Nhân dân (Bắc Kinh) và là cố vấn cho Quốc vụ viện Trung Quốc đánh giá rằng “ông Trump sẽ bị coi là “hổ giấy”, và việc ông ta thừa nhận chính sách “một Trung Quốc” sẽ được hiểu là chiến thắng to lớn nhờ công lao của ông Tập”.

Trong khi đó, Tuổi Trẻ, một trong các tờ báo có lượng phát hành lớn ở Việt Nam, viết rằng việc ông Trump “bất ngờ đổi giọng” cho thấy “vẫn còn tranh cãi trong chính quyền mới của Mỹ về cách xử lý quan hệ với Trung Quốc”.

Tờ báo viết tiếp: “Tuy nhiên, dù ông Trump đã mở lời tôn trọng Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn khó cảm thấy nhẹ nhõm. Chính quyền Mỹ vẫn còn những cách khác để tăng cường quan hệ với Đài Loan, chẳng hạn nâng cao hợp tác quốc phòng hay bán vũ khí”.

Trong bài viết có tựa “Trump ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”, biến mình thành “con hổ giấy”, trang Infonet còn cho rằng đây là “một động thái được cho là có lợi rất lớn đối với Bắc Kinh”.

Trang tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông viết thêm: “Trung Quốc và Mỹ cũng ngầm gửi thông điệp rằng với việc vấn đề “Một Trung Quốc” được giải quyết, mối quan hệ giữa hai nước đã bình thường trở lại”.

Cùng với việc chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa biển Đông trên Twitter, theo giới quan sát trong nước, việc ông Trump trước đây tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh, trong đó có cuộc điện đàm với bà Thái, đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người Việt, vốn hy vọng rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc Hoa Kỳ sẽ “khống chế” Trung Quốc.

Theo nhận định của các nhà quan sát trong nước, Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi mọi động thái của ông Trump cũng như tân chính quyền Mỹ xem chính sách của Washington đối với châu Á nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ ra sao. – VOA