Tin Việt Nam ngày – 02/06/2018
Nghị sĩ Janet Nguyễn,
người của ‘những điều đầu tiên’
Thượng nghị sĩ tiểu bang California, Janet Nguyễn, được mệnh danh là người của những cái “đầu tiên”: Người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Thượng viện tiểu bang, nữ Giám sát viên đầu tiên đại diện cho Địa hạt 1, người gốc Á đầu tiên và người gốc Việt đầu tiên được bầu vào Hội đồng Giám sát quận Cam, California.
Trong nhiệm kỳ 4 năm kể từ khi đắc cử năm 2014, ngoài những vấn đề được quan tâm chung như ngân sách, giáo dục, thuế, môi trường… Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn còn được biết đến với nhiều hoạt động ủng hộ quân nhân và những vấn đề rất “phụ nữ” như tổ chức tháng dành cho con cái của quân nhân hàng năm, giới thiệu đạo luật đòi minh bạch thông tin về quấy rối tình dục để người dân, nếu cần thiết, có thể tìm thấy thông tin liên quan đến những người mà họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ làm người đại diện.
Xuất thân từ một gia đình tị nạn Cộng sản, Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn cho biết “Những trải nghiệm gia đình thực sự đã hình thành quan điểm của tôi”, bà nói trong một video giới thiệu về bản thân.
Rời Việt Nam đến Mỹ năm 1981, như bao thuyền nhân khác, gia đình bà Janet Nguyễn trải qua nhiều sóng gió: đối diện với cái chết trên biển, nỗi khổ trong trại tị nạn, cuộc sống nghèo khó khi mới đặt chân lên đất Mỹ, sống nhờ vào những tấm phiếu thực phẩm và trợ cấp an sinh xã hội, bản thân thỉnh thoảng “mặc quần áo con trai” đến trường vì không tìm được quần áo con gái trong mớ đồ cũ được cho…, Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn kể lại trong video tự thuật.
Cũng bởi nỗi đau chiến tranh và thủa thiếu thời nghèo khó, các thành viên trong gia đình bà quyết tâm làm việc cật lực để đạt được “giấc mơ Mỹ”. Bà và các anh chị em được đặt trước 3 lựa chọn: trở thành bác sĩ, luật sư hay kỹ sư.
Trong cương vị thượng nghị sĩ, bà Janet Nguyễn tiếp tục ủng hộ cho vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và di sản của người Việt tị nạn tại Mỹ.
“Chính trị, chính phủ không gây hứng thú gì với tôi cho tới khi tôi lấy một lớp do Giám sát viên Quận Cam, ông Bill Steiner, dạy. Tôi nhận ra rằng những điều luật do các nhà lập pháp đưa ra có thể sẽ rất tai hại hoặc rất hữu ích cho người dân”, Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn nhớ lại.
Chính lớp học này tạo ra ngã rẽ cuộc đời bà Janet Nguyễn. Bà giấu gia đình, chuyển ngành học sang Khoa học Chính trị và xin làm trong văn phòng Giám sát viên Steiner, đặt nền tảng đầu tiên cho sự nghiệp chính trị của mình.
Tháng Hai, 2007, bà Janet Nguyễn được bầu làm nữ Giám sát viên đầu tiên và trẻ tuổi nhất đại diện cho Địa hạt 1 và vào Hội đồng giám sát Quận Cam, California.
Tại cuộc đua vào Thượng viện tiểu bang California năm 2014, bà Janet Nguyễn thắng cử với 63% phiếu ủng hộ, trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên có chức vụ cao nhất trong chính trường tiểu bang California, nơi có cộng đồng gốc Việt đông nhất Hoa Kỳ.
Trong cương vị thượng nghị sĩ, bà Janet Nguyễn tiếp tục ủng hộ cho vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và di sản của người Việt tị nạn tại Mỹ.
Một trong những sự kiện gây chú ý nhất trong năm ngoái là bà đã bị buộc phải rời khỏi cuộc họp ở Thượng viện California hôm 30 tháng Hai vì lên tiếng chỉ trích cố nghị sĩ Tom Hayden “đứng về phía chính quyền Cộng sản Bắc Việt”. Bà đã bị áp giải khỏi phòng họp sau khi được yêu cầu dừng lại nhiều lần và bị tắt mic. Một số nhà lập pháp lên tiếng chỉ trích bà về hành vi “không phù hợp”, nhưng cũng rất nhiều người ủng hộ và xem bà như một anh thư khảng khái.
Gần đây nhất, hôm 30 tháng Năm, Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn thông báo về Dự luật SB 895 liên quan đến người tị nạn Việt Nam vừa được Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện California thông qua và sẽ được đem ra biểu quyết vào tuần tới. Dự luật này đề nghị thiết lập chương trình giảng dạy đầu tiên tại California về chiến tranh Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa và hành trình tị nạn Cộng sản của người Việt cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của tiểu bang.
Tại cuộc đua tái tranh cử cho chức vụ hiện tại, Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn giành được khá nhiều ủng hộ từ các chính khách và các tổ chức của tiểu bang, trong đó có Dân biểu liên bang Ed Royce, Thượng nghị sĩ Bob Huff, Thượng nghị sĩ Mimi Walters, cựu Thượng nghị sĩ Mairan Bergeson, Thị trưởng Don Wagner, Hội người đóng thuế quận Cam (OCTax), Hội Doanh nghiệp quận Cam (OCBC), Hội Lãnh đạo Phụ nữ California (CWLA)…
Hiện có 3 đối thủ của đảng Dân chủ là Akash Hawkins, Jestin Samson, và Tom Umberg ra tranh cử chức thượng nghị sĩ mà bà Janet đang nắm giữ ở Địa hạt 34.
https://www.voatiengviet.com/a/janet-nguyen-bau-cu-giua-nhiem-ky/4419955.html
Cuộc sống của Vũ Đình Duy sau khi rời VN
Rời khỏi Việt Nam vào 10/2016, ông Vũ Đình Duy tới sống tại thủ đô của Ba Lan, và chủ yếu dành thời gian đi đi lại lại giữa Warsaw và Berlin.
Đó là nội dung lời khai của ông tại một phiên xử của Tòa Thượng thẩm Berlin trong vụ án mà phía Đức gọi là “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.
Trong vụ án này, ông Duy xuất hiện với tư cách nhân chứng lần đầu tiên vào chiều ngày 7/05/2018.
Công an VN khởi tố thêm tội với Vũ Đình Duy
Vũ Đình Duy biết gì về vụ Trịnh Xuân Thanh?
Việt Nam ‘sẽ truy nã quốc tế’ cựu lãnh đạo PVTEX
Ông Trịnh Xuân Thanh ‘chưa từng đến Slovakia’
Tại tòa, Vũ Đình Duy khai rằng ông quyết định rời khỏi Việt Nam vì “có những điều tôi không đồng ý với lãnh đạo, và thấy chính sách [điều hành doanh nghiệp] không phù hợp”.
“Ví dụ như quyết định của tôi khác, nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội trình bày,” ông nói.
Ông cho tòa biết ông “có thời gian làm lãnh đạo cơ quan thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”, và “có thời điểm làm lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Công thương”.
Tại Việt Nam, truyền thông nói ông Duy đã vắng mặt bất thường tại cơ quan từ tháng 10/2016.
Đến tháng Mười Hai cùng năm, ông bị kỷ luật buộc thôi việc. Giới chức khi đó nói “không biết ông Duy đang ở đâu”.
Ngày 26/6/2017, Bộ Công an ra quyết định truy nã đặc biệt đối với ông Duy, đồng thời với việc khởi tố ông với tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thời điểm ông bị truy nã chỉ cách ngày 23/7/2017, tức là ngày mà giới chức Đức nói ông Trịnh Xuân Thanh ‘bị bắt cóc’, chưa đầy một tháng.
Một số nguồn tin từ Ba Lan nói trước đó, vào tháng 5/2017, ông Duy đã được giới chức Ba Lan cấp giấy cư trú dài hạn theo dạng di dân lao động.
Giấy cư trú này có thời hạn ba năm, và do một công ty thuộc chủ là người Trung Quốc, làm môi giới đăng ký cho ông.
‘Đi lại bằng hộ chiếu ngoại giao’
Rời Việt Nam, ông Duy nói ông tới sống tại thủ đô Warsaw của Ba Lan.
Ông dành nhiều thời gian hàng tuần tới Berlin, thủ đô của Đức, nơi ông Trịnh Xuân Thanh, một người họ hàng thân thiết của ông, tới sống từ 7/2016, và là người mà ông Duy nói là “mối quan hệ duy nhất ở Berlin” của mình.
Tại Berlin, “tôi sống trong căn hộ của anh Trịnh [Xuân Thanh]”, Vũ Đình Duy nói. Tuy nhiên, ông Thanh và gia đình không sống tại căn hộ này.
Ngoài ra, ông Duy còn thỉnh thoảng qua lại thủ đô Prague của Cộng hòa Czech để thăm “một người bạn thân”.
Một trong những chuyến đi này diễn ra vào khoảng 13-17/7/2017, là thời điểm ông đã bị phát lệnh truy nã.
Tuy nhiên, việc đi lại của ông kể từ sau khi rời Việt Nam dường như diễn ra rất thuận lợi, bởi “chúng tôi [ông Duy và ông Trịnh Xuân Thanh] đều có hộ chiếu ngoại giao, không cần visa, cứ đặt vé là đi”, ông Duy khai.
Không rõ trong chuyến lần này, ông Duy vẫn sử dụng hộ chiếu ngoại giao Việt Nam hay dùng thẻ cư trú dài hạn mới được Ba Lan cấp để đi lại.
Cuộc sống ở Berlin
Ông Duy khai rằng sau khi rời Việt Nam, ông chủ yếu sống ở Warsaw và đi sang Berlin để “chơi với ông Trịnh Xuân Thanh”.
Ông thường ở Berlin “trong những ngày cuối tuần, có tuần ở tới thứ Hai hoặc thứ Ba”.
“Thường chúng tôi đi đánh golf hoặc đi uống bia, thế thôi,” ông nói.
Xem thêm:
Vũ Đình Duy đã gặp những ai trước vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?
Vũ Đình Duy và mối quan hệ với nghi phạm Đào Q. Oai trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Họ chơi golf tại một câu lạc bộ mà họ đã mua thẻ thành viên thay vì trả tiền cho từng lượt chơi.
Vũ Đình Duy cho biết ông thường đặt chỗ chơi golf dưới tên ba người, gồm Trịnh Xuân Thanh, vợ ông Thanh là bà Trần Dương Nga, và tên mình.
Lý do, ông nói, là bởi đặt cho ba người thì sẽ được chơi độc lập, không phải ghép với các nhóm khách khác, sẽ đảm bảo quyền riêng tư. “Có những lần chỉ có tôi hoặc tôi và anh Trịnh chơi, nhưng tôi vẫn đặt ba chỗ.”
Công tố viên nói trước tòa rằng “hồ sơ điều tra cho thấy ông [Duy] thường chơi golf ba đến bốn ngày mỗi tuần, có lúc chơi bốn ngày liên tiếp”.
Hồ sơ điều tra cho thấy ông [Duy] thường chơi golf ba đến bốn ngày mỗi tuần, có lúc chơi bốn ngày liên tiếpĐại diện cơ quan công tố Đức tại phiên xử ở Tòa Thượng thẩm Berlin
Ông Duy cũng có lần “đến Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, nhưng không nhớ gặp ai ở đó”.
Gia đình ông Duy vẫn đang ở Việt Nam, tuy nhiên bạn gái ông thường được nhắc đến trong lời khai của ông trước tòa.
Ông nói trong chuyến đi của ông tới Prague hồi 7/2017, bạn gái ông có đi cùng, và người này cũng xuất hiện trong nhiều cuộc gặp gỡ của ông với những người khác tại Đức và Cộng hòa Czech.
Một trong những cuộc gặp gỡ đó được vợ ông Trịnh Xuân Thanh, một nhân chứng khác, khai trước tòa ở Berlin.
“Sau khi anh Thanh bị bắt cóc, Vũ [Đình Duy] mới kể cho tôi là ngày 19/7/2017, cô Đỗ [Thị M. P, người tình của ông Trịnh Xuân Thanh] đã bay sang Berlin,” bà Trần Dương Nga khai tại tòa. “Họ đã cùng nhau đi ăn tối ở một nhà hàng Tàu.”
Chi tiết này cũng được ông Duy xác nhận, và đó là lần cuối cùng ông Duy gặp ông Trịnh Xuân Thanh.
“Ngay tối đầu tiên cô Đỗ tới Berlin, tôi, bạn gái tôi, ông Trịnh [Xuân Thanh] và cô Đỗ đi ăn tối với nhau. Trong bữa ăn, chúng tôi nói các chuyện, trong đó có cả nói đùa về kế hoạch để cô Đỗ sang hẳn bên này [Đức].”
“Ăn xong, chúng tôi đi dạo quanh khu quán ăn và có hẹn ngày hôm sau hai người đến nhà tôi ăn cơm.”
“Tiếc là điều đó không xảy ra. Sau đó tôi không gặp lại cô Đỗ và cả ông Trịnh nữa.”
Ông Vũ Đình Duy nói ông đã biết cô Đỗ Thị M. P. từ khi còn ở Việt Nam, bởi họ “cùng làm việc ở Bộ Công thương”, nhưng không biết người này và ông Trịnh Xuân Thanh có quan hệ tình cảm với nhau từ khi nào.
“Khi tôi sang Đức mới được ông Trịnh cho biết về mối quan hệ đó,” ông giải thích thêm.
Hôm 31/5/2018, Bộ Công an Việt Nam khởi tố bổ sung tội ‘Nhận hối lộ’ đối với ông Vũ Đình Duy và phát thêm lệnh truy nã.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44334666
Người Việt và những vụ án kinh tế lớn tại Ba Lan
Mạc Việt HồngNhà báo tự do tại Warsaw
Từ đầu năm tới nay, cơ quan điều tra Ba lan đã bắt ít nhất ba vụ án kinh tế lớn liên quan tới người Việt hay do người Việt chủ mưu.
Dường như sự bắt bớ đã không làm chùn tay các nhóm tội phạm người Việt, hay không khiến họ dừng lại, dù chỉ là tạm thời.
Gần đây nhất và cũng là vụ án lớn nhất, gây ầm ĩ trên các cơ quan truyền thông là vụ một người phụ nữ Việt Nam được cho là đã nhẩy khỏi cửa sổ lúc đang bị cơ quan điều tra khám xét nhà hôm 23/5/2018.
Người phụ nữ tên Hương (49 tuổi) chết trên đường tới bệnh viện, gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng người Việt, kể cả các những nghi vấn nhắm vào cơ quan điều tra. Đây là trường hợp hết sức hy hữu, mới chỉ có một tiền lệ được ghi nhận trong mấy chục năm qua, khiến công tố tối cao cùng những chuyên gia khám nghiệm tử thi giỏi phải vào cuộc và ủy ban Helsinki về quyền con người cũng lên tiếng yêu cầu một cuộc điều tra nghiêm túc.
Ba Lan: ‘Một phụ nữ VN tử vong khi bị bắt’
Ba Lan: Nhiều người Việt đến làm giấy tờ EU
Ba Lan bắt người làm 17 hộ chiếu Việt Nam giả
Những sai sót dẫn tới chết người của các nhân viên thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia (ABW) sẽ được xử lý theo một cam kết mới đây của cơ quan này. Nhưng sai sót này không làm lu mờ đi vụ án đang được cả xã hội quan tâm.
Những con số khủng
Sau hơn một tuần im lặng bởi sự cố đáng tiếc của vụ phá án, hôm 1/6/2018 những chi tiết liên quan tới vụ việc đã được chính thức công bố.
Cơ quan điều tra cho rằng, người phụ nữ bị chết – không còn nghi ngờ gì – giữ vai trò đồng phạm trong vụ án, với tư cách là người tình của trùm băng đảng và cùng tham gia trực tiếp vào hoạt động tội phạm.
Người phụ nữ này đã cảm thấy ‘khó ở’ khi những nhân viên công vụ bất ngờ tìm thấy một két sắt được ngụy trang kín ở trong nhà. Trong két sắt đó có 2,1 triệu zł, tương đương khoảng 650.000 đô la Mỹ.
Những nhân viên công vụ đã đưa nước cho người phụ nữ uống, để cảm thấy dễ thở hơn, nhưng sau đó, bà này hét lên và bất ngờ nhẩy khỏi cửa sổ từ tầng 3 – theo những thông tin ban đầu được cơ quan điều tra đưa ra và trang Rzeczpospolita công bố.
Nhưng 2,1 triệu zł vừa được tìm thấy chỉ là số tiền lẻ.
Những con số tiếp theo khiến các nhà điều tra phải hoa mắt chóng mặt. Họ không thể ngờ được lại có những băng đảng hoạt động ngang nhiên như chốn không người như vậy.
Vì sao người Việt Nam vẫn sang Ba Lan?
Tỷ phú đô la và các doanh nhân từng du học Liên Xô
Bị gọi lên đồn công an chỉ vì là cộng sản?
Ngay sau đó, từ các két sắt trong nhà bank, tiền sót lại từ tài khoản, chính quyền Ba Lan thu thêm được: 885.000 đô la Mỹ và 180.000 euro nữa.
Ngoài ra họ cũng thu được ba xe hạng sang, trong đó riêng chiếc BMW i8 có giá trị khoảng 100 ngàn euro. Bên cạnh đó là những đồ vật hết sức đắt tiền, những chiếc đồng hồ giá chừng 50 ngàn đô la và nhiều giấy tờ, sổ sách.
Đây là vụ án gian lận tài chính mà phòng công tố Warsaw cho rằng ‘lớn chưa từng có’.
Những người Việt Nam này đã lập ra rất nhiều các công ty khác nhau, buôn bán khống (trên giấy tờ) với doanh số khoảng 5 tỉ zł (tương đương 1,5 tỉ đô la).
Họ đã chuyển ra nước ngoài – theo những con số tạm thời được công bố – là 854 triệu đô la và 322 triệu euro. Có thể nói gọn là trên 1 tỉ đô la.
Hoạt động từ năm 2015, băng nhóm này đã chuyển tiền đi 60 địa điểm khác nhau trên thế giới trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Mỹ.v.v và cả Vương quốc Ả rập Xê út.
Họ đã lập ra nhiều các công ty ‘xuất nhập khẩu’, rồi đem những bao tải tiền mặt nộp vào các tài khoản công ty trong nhà bank, rồi cứ như vậy, chuyển ra nước ngoài.
Ngân sách nhà nước Ba Lan thất thoát nặng nề, một con số được đánh giá là cao chưa từng có trong một vụ án.
Thời ‘hoàng kim’ của giới ‘họa sĩ’
Trong vụ việc kể trên một nhóm nhỏ đã lập ra hàng chục công ty với những chức năng hầm hố, buôn to bán lớn nhưng thực chất chẳng buôn bán gì, hoặc gần như không buôn bán gì.
Những công ty này xuất hóa đơn cho nhau lòng vòng, ký những hợp đồng xuất nhập khẩu với các công ty nước ngoài, phần lớn cũng là các hợp đồng ma, các công ty ma, rồi căn cứ vào đó chuyển tiền ra khỏi Ba Lan. Các hóa đơn ‘xuất khẩu’ cũng giúp họ đòi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của nhà nước Ba Lan.
Nếu so với các vụ người Việt bị bắt từ trước tới nay, thì vụ này là tổng hợp của tất cả các loại tội phạm kinh tế, từ trốn thuế, rửa tiền, đục khoét ngân sách nhà nước…
Sơ hở của luật đầu tư, luật doanh nghiệp đã khiến cho các công ty nước ngoài mọc ra như nấm sau cơn mưa. Riêng trong khu thương mại Wólka Kosowska đã hoạt động chừng 3000 công ty. Điều đáng nói, trong đó trà trộn nhiều công ty của giới ‘họa sĩ’.
Đây là một từ lóng của cộng đồng chỉ những kẻ chuyên ‘vẽ’ ra tiền. Họ kiếm tiền chỉ bằng mỗi chiếc máy in và những tập giấy A-4. Quy mô có thể khác nhau, nhưng phương pháp hoạt động thì hầu như giống nhau.
Đó là lập ra các công ty, rồi ‘bán VAT’. Tức xuất/ in hóa đơn cho bất kỳ thứ gì, cho bất kỳ công ty nào muốn ‘mua hàng’. Việc mua bán hóa đơn này cũng khiến nhiều công ty người Việt bị chịu hậu quả khi phòng thuế xác định họ sử dụng những hóa đơn giả. Theo một thống kê không chính thức, có thể tới 80% các công ty trong khu trung tâm thương mại Wólka dính phải những hóa đơn từ giới ‘họa sĩ’.
Sở dĩ có con số khủng như vậy, vì ‘họa sĩ’ cung cấp các hóa đơn ‘đầu vào’ với giá rẻ cho các công ty. Thay vì phải trả mức VAT theo quy định nhà nước để có được những hóa đơn thật, từ các nguồn cung cấp hàng thật, thì các công ty tại đây mua hóa đơn với giá rất rẻ từ những chiếc máy in A-4 lưu động trong các khu buôn bán.
Những công ty của các ‘họa sĩ’ thường được lập ra vài ba năm, bán chừng vài ba chục triệu ‘tiền hàng’ rồi lại xóa đi và lập ra các công ty khác.
Lợi dụng việc lập công ty quá dễ dàng, chỉ mất chừng 1 giờ đồng hồ qua phòng công chứng, giới ‘họa sĩ’ mỗi người nằm trong tay cả mớ công ty. Đây là một ma trận mà cơ quan điều tra Ba Lan, nếu có tóm được cũng khó lòng tìm ra được thủ phạm chính.
Bởi đa số các công ty của các ‘họa sĩ’ đều do những ‘người rơm’ đứng tên. Giới ‘họa sĩ’ đã dùng nhiều quyển hộ chiếu trắng (chủ nhân không có visa, không có quyền cư trú tại Ba Lan hay bất kỳ nước nào trong EU), thậm chí hộ chiếu của người đã về VN, đã chết, đã đi các quốc gia khác để lập ra các công ty trách nhiệm hữu hạn.
Ở đây, không loại trừ có sự thông đồng hoặc yếu kém nghiệp vụ của các phòng công chứng Ba Lan. Việc lập các công ty ma kiểu này chỉ giảm bớt trong hai năm trở lại đây, khi luật đòi hỏi phải có số đăng ký công dân (Pesel) mới lập được công ty.
Chuyện không lạ ở trong cộng đồng, khi có bà bàn xôi dạo cũng làm (hoặc bị làm) giám đốc công ty với vòng quay tiền triệu; hay trong vụ án kể trên, một cô làm nail, không có giấy tờ gì, nhưng đứng tên giám đốc một công ty với doanh số 30-40 triệu đô la / năm.
Gần đây, có dư luận cho rằng, tham gia làm ‘họa sĩ’ có thể còn có các văn phòng kế toán. Các văn phòng kế toán của người Việt nắm trong tay hàng trăm công ty và có nhiều khả năng một số đã lợi dụng sự tin tưởng của các chủ công ty để buôn bán hóa đơn lòng vòng giữa các công ty.
Chừng hai tuần trước, cơ quan thuế vụ Ba Lan đã ụp một văn phòng kế toán lớn, nơi quản lý hồ sơ của khoảng 400 công ty Việt Nam. Hiện toàn bộ hồ sơ, sổ sách, giấy tờ, máy tính từ công ty kế toán này đã bị niêm phong để phục vụ cho công tác điều tra.
Việc các văn phòng kế toán của người Việt bị sờ gáy không phải là chuyện quá mới mẻ, nó đã từng xảy ra lác đác trong dăm bẩy năm trở lại đây. Nhưng với trình độ kiểm tra ngày càng ‘lên tay’ cộng với chính sách chặt chẽ về thuế khóa của chính quyền hiện tại, nhiều vụ án kinh tế lớn có thể sẽ lộ diện trong tương lai không xa.
Ba Lan trong năm qua đã đưa vào hệ thống báo cáo tài chính online, thông qua một tập tin điện tử thống nhất hàng tháng, nhằm dễ bề phát hiện và đi tới chấm dứt hoạt động của giới ‘họa sĩ’ và đưa khu vực kinh tế xám đi vào quỹ đạo.
Nói cho công bằng, mafia Việt Nam hay giới ‘họa sĩ’ chỉ là ‘học trò’ trong lĩnh vực ăn cắp VAT.
Nhiều vụ việc lớn trước đó do người Ba Lan hay các tập đoàn mafia quốc tế đã được cơ quan điều tra phanh phui. Nhưng họ – người Việt Nam – là những học trò xuất sắc nhất mà không một sắc nhập cư nào có thể sánh kịp. Ít nhất, cho tới nay chưa có một người Trung Quốc hay Ukraine nào bị ‘xướng tên’ trong những vụ án tương tự.
Thất thoát thuế của nhà nước Ba Lan qua những cách kể trên, có thể tới chục tỉ đô la mỗi năm qua một thống kê được công bố gần đây.
Làm lợi hay phá hoại?
Đã đến lúc những người hoạt động cộng đồng hay những người quan tâm tới cộng đồng cần nhìn thẳng vào sự thật, thay vì hát mãi những điệp khúc mang tính ‘ru ngủ’.
Người ta thường nghe kể hoài chuyện trẻ con Việt Nam học giỏi hay người Việt đóng góp về văn hóa, nhưng những tìm kiếm trên mạng lại cho kết quả hoàn toàn trái ngược. Nơi đó, tràn ngập các tin tức về lừa đảo, ăn cắp, chiếm đoạt tiền thuế, trồng cần sa, vượt biên trái phép hay những chuyện tương tự.
Có thể những tin xấu luôn có sức nóng của nó, hơn là những việc tốt. Nhưng sự thật khó chối cãi là những gì tốt đẹp đang chìm nghỉm đi qua những vụ án như trên.
Một điệp khúc cũ mòn khác là người Việt đóng thuế cho xã hội Ba Lan. Đúng là có đóng thuế thật. Nhưng các vị có trình độ toán tiểu học ơi, các vị hãy làm phép so sánh đi!
Tháng 1/2018, khi thuế vụ kiểm tra gắt gao, bao vây mọi ngả ra vào của khu trung tâm thương mại Wolka, ép các công ty tại đây phải đi vào quy củ, họ thu được 8 triệu zł tiền thuế. Đó là một con số kỉ lục, khiến phòng thuế mừng húm.
Tháng sau, mức độ kiểm tra giảm xuống, còn số đóng góp thuế của Wolka chỉ còn một nửa, chưa đầy 4 triệu.
Vậy một năm có nộp ‘kịch kim’ cũng không nổi 100 triệu tiền thuế. Nhưng, thất thoát của nhà nước Ba Lan, chỉ trong 1 vụ án kể trên đã là 164 triệu – theo tính toán của cơ quan điều tra. Và đó chỉ là một trong ba vụ án kinh tế lớn mang ‘yếu tố Việt Nam’ bị phá kể từ đầu năm 2018.
Tiền nào cũng thơm?
Những đồng tiền kiếm được từ hoạt động mafia nằm lại Ba Lan thì ít mà chảy về Việt Nam thì nhiều. Việt kiều Ba Lan không có những tên tuổi đình đám cỡ tỉ phú đô la nhưng những đầu tư lớn rải rác từ Bắc tới Nam là không kể xiết.
Đương nhiên, phần lớn đó là tiền mồ hôi nước mắt trong mấy chục năm làm ăn của bà con, nhưng không loại trừ một dòng tiền ‘bẩn’ lớn đã chảy vào Việt Nam qua những hoạt động mafia từ nước ngoài. Lượng tiền chảy từ Ba Lan hay khu vực Đông Âu nói chung được cho là rất lớn và nó có thể nằm ngoài những thống kê kiều hối của nhà nước Việt Nam bởi cách chuyển tiền khác biệt đặc thù của khu vực này.
Nhưng đối với nhà nước Việt Nam, những người đem nhiều tiền về đều được ưu ái như những Việt kiều yêu nước, những doanh nhân thành đạt, được tạo cơ hội để đầu tư.
Trong vụ án vừa phá, cơ quan điều tra tìm được rất nhiều sổ đỏ, loại giấy tờ sở hữu nhà đất ở Việt Nam, được để trong két sắt. Câu hỏi được đặt ra là phía Ba Lan làm gì với những sổ đỏ này. Liệu Việt Nam có hợp tác để điều tra hay không và Ba Lan có hy vọng gì trong việc thu hồi tài sản thất thoát bên ngoài lãnh thổ của mình.
Nhưng có một chuyện khác thời sự hơn và xem ra khả thi hơn. Đó là Ba Lan đang phát lệnh truy nã với một người tên là Duong, một con cá lớn được cho là đã vọt mất trong vụ án kể trên. Đương sự đang du ngoạn tại Đức vào thời điểm xảy ra vụ khám xét tại Ba Lan và đã kịp bay thẳng về Việt Nam, trước khi các cửa khẩu của EU nhận được lệnh chặn xuất cảnh.
Ba Lan đang nắm giữ con bài Vũ Đình Duy vì đã cấp thẻ cư trú ba năm cho nhân vật này vào tháng 5/2017. Theo luật, Duy phải sinh sống và làm việc tại Ba Lan và nước này có quyền truy nã, bắt giữ hay trục xuất người mà họ đang quản lý.
Nên chăng, làm một cuộc hoán đổi mà cả hai quốc gia đều có lợi.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Mạc Việt Hồng hiện sống và làm việc tại Warsaw, Ba Lan.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44339580
Thêm một ‘đại gia ngân hàng’ bị mức án nặng
Một cựu quan chức ngân hàng bị án tù 30 năm và phải bồi thường 700 triệu đô la (hơn 16 nghìn tỷ đồng), theo phán quyết tuyên hôm 31/5/2018.
Trong phiên tòa xét xử các tội danh “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vừa kết thúc, bà Hứa Thị Phấn, 71 tuổi, là cựu cố vấn cao cấp của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank, sau đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng), bị kết tội làm thất thoát 700 triệu đô la của ngân hàng.
Đây được coi là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam, vốn đã khiến hàng chục quan chức ngân hàng, doanh nhân, và các quan chức cao cấp trong chính phủ bị trừng phạt hoặc nêu danh.
Thêm lãnh đạo ngân hàng bị khởi tố
Vụ VietinBank: Nạn nhân ‘không hy vọng nhận bồi thường’
Mở lại phiên xử ‘đại án’ Hà Văn Thắm
Chính phủ nói cương quyết loại bỏ những thành phần tham nhũng nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân, trong lúc các nhà chỉ trích thì cho rằng giới lãnh đạo theo đường lối bảo thủ trong Đảng Cộng sản đang tìm cách tấn công các đối thủ chính trị.
Phiên tòa kết thúc vào thời điểm các hãng xếp hạng toàn cầu nói các định chế ngân hàng của Việt Nam tụt hậu rất nhiều so với các tiêu chuẩn quốc tế.
Việc tuyên án diễn ra chỉ một hôm sau phiên tòa phúc thẩm ra phán quyết vụ ‘siêu lừa’ ở Viettin Bank với bị cáo chính là bà Huỳnh Thị Huyền Như.
Với lý do sức khỏe kém, bà Phấn không có mặt tại tòa, nhưng được các luật sư đại diện.
Bà bị cho là đã bỏ túi 278 triệu đô la từ việc bán bất động sản cho ngân hàng với giá khống.
Bà bị tuyên án 30 năm tù trong phiên xử này.
Trong một phiên tòa trước đó, với phán quyết ra ngày 4/5/2018, bà đã bị mức án 17 năm về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Tổng hợp hai bản án, bà phải chịu mức 30 năm tù giam, là mức tù giam tối đa theo luật Việt nam
Có 27 người khác bị coi là đồng phạm, và đã bị các mức án từ nặng nhất là 28 năm tù cho tới nhẹ nhất là hai năm án treo, trong phiên xử kéo dài gần một tháng vừa kết thúc vào cuối ngày hôm thứ Năm.
Đây được coi là một trong những phiên xử đại án ngân hàng nghiêm trọng nhất Việt Nam trong những năm gần đây.
Hồi năm ngoái, cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình do tội biển thủ và sai phạm trong quản lý kinh tế.
Một người được coi là đồng phạm trong vụ này, ông Hà Văn Thắm, bị án tù chung thân, và nhiều người khác bị án tù trong vụ án liên quan tới các hoạt động cho vay và đầu tư làm nhà nước thất thoát hàng triệu đô la.
Vụ việc được cho là liên quan tới việc hạ bệ một số quan chức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Reuters bình luận, trong đó có cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, người hiện đang bị hai án tù giam.
Ông Đinh La Thăng là quan chức cao cấp nhất bị tù trong nhiều thập niên qua. Hồi tháng trước, ông đã bị khai trừ Đảng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44336751
Uỷ ban kiểm tra trung ương kết luận vi phạm
của ông Trần Bắc Hà ở BIDV là rất nghiêm trọng
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hôm 30/5 kết luận những vi phạm của ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là rất nghiêm trọng.
Theo kết luận của uỷ ban kiểm tra trung ương, ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm về những vi phạm và khuyết điểm của Ban thường vụ đảng uỷ nhiệm kỳ 2010 – 2015 khi ôn gnafy là Bí thư đảng uỷ. Ông Trần Bắc Hà cũng bị kết luận đã có những vi phạm trong việc chỉ đạo điều hành tại BIDV, vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, bao gồm việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Ngoài ông Trần Bắc Hà, còn có hai lãnh đạo khác của BIDV bị kết luận có vi phạm là hai Phó Tổng giám đốc Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang. Uỷ ban kết luận vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng và vi phạm của hai Phó Tổng giám đốc là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, kỷ luật.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tran-bac-ha-disciplined-06022018091706.html
Quan chức liên quan vụ MobiFone mua AVG
sẽ bị kỷ luật đảng
Uỷ ban Kiểm tra trung ương (UBKTTU) vừa kết luận những vi phạm của một loạt các quan chức trong Bộ Thông tin Truyền thông bao gồm cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và đương kim Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trong vụ MobiFone mua AVG là nghiêm trọng. Kết luận này được UBKTTU đưa ra sau kỳ họp 26 từ ngày 28 đến 30/5 vừa qua.
Uỷ ban đưa ra kết luận sau quá trình kiểm tra các vi phạm trong vụ mua bán và kết luận của thanh tra chính phủ đưa ra hôm 14/3 năm nay.
Theo kết luận, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, nguyên uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư ban cán sự đảng của Bộ, phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của ban cán sự đảng của Bộ nhiệm kỳ 2011 – 2016. Kết luận cũng xác định ông Nguyễn Bắc Son đã trực tiếp chỉ đạo và quyết nhiều nội dung liên quan đến dự án không đúng quy định.
Uỷ ban kết luận ban cán sự đảng của Bộ TTTT thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, để Bộ TTTT và Tổng công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong việc thẩm định và phê duyệt dự án mua AVG, gây thất thoát tài sản lớn của nhà nước.
Đương kim Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, uỷ viên trung ương đảng, bí thư ban cán sự đảng được xác định đồng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2011 -2016 và chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của ban cán sự đảng giai đoạn 2016 – 2021.
Ngoài hai vị bộ trưởng, còn có một loạt các quan chức liên quan khác thuộc Bộ TTTT bị kết luận có vi phạm bao gồm ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng, Phạm Đình Trong, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp của Bộ, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobìfone, ông Cao Duy Hải – Tổng giám đốc Mobifone.
Kết luận nêu rõ những vi phạm của các quan chức này là nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động cổ phần hoá của Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và của bộ, gây bức xúc trong xã hội, đến mức xem xé, xử lý kỷ luật.
Vụ Mobifone mua công ty truyền hình An Viên (AVG) được bắt đầu từ khoảng thời gian năm 2014 khi ông Nguyễn Bắc Son là Bộ trưởng TTTT và ông Trương Minh Tuấn làm Thứ trưởng. Dư luận thắc mắc Mobifone bỏ ra gần 9,000 tỷ đồng để mua AVG trong khi công ty này liên tục thua lỗ. Vào tháng 7/2016, Văn phòng trung ương đảng truyền đạt chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc tiến hành thanh tra toàn diện nội dung Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Ban Bí thư trung ương đảng hôm 8/3 vừa qua xác định đây là vụ án rất nghiêm trọng, phức tạp và nhạy cảm.
Kết luận của thanh tra chính phủ hôm 14/3 vừa qua xác định vụ mua bán giữa Mobifone và AVG là rất nghiêm trọng và đề nghị Thủ tướng chính phủ giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ vụ án.
Trước khi có kết luận của thanh tra chính phủ, AVG và Mobifone đã nhóm họp hôm 12/3/2018 để thống nhất chấm dứt hợp đồng mua bán và AVG sẽ hoàn trả lại đầy đủ số tiền Mobifone đã thanh toán. Theo truyền thông trong nước đến ngày 2/5, phía AVG đã hoàn tất việc trả lại số tiền Mobifone bỏ ra mua 95% cổ phần của AVG
Nguyên trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng
lãnh án tử hình
Ông Thi Danh, nguyên Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Tân Phú TP.HCM bị tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản và buộc bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt trong phiên sơ thẩm chiều 1/6/2018.
Ngoài ra, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh còn tuyên ông Nguyễn Duy Linh, nguyên Kế toán trưởng 15 năm tù; 4 bị cáo còn lại lãnh mức án từ 2- 5 năm tù.
Theo cáo trạng, ông Thi Danh và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 54 tỉ đồng từ tháng 11/2003 đến tháng 1/2016, khi Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú được giao thực hiện nhiều dự án trên địa bàn.
Với dự án Cải tạo Kênh và đường dọc Kênh Tân Hóa – Lò Gốm, ông Danh và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 23 tỉ đồng.
Tại dự án Bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tài sản và các vật kiến trúc khác đối với Công ty cổ phần nước ngầm 2, ông Danh và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 1,9 tỉ đồng.
Tại dự án Đầu tư, xây dựng Khu liên hợp Văn hoá thể thao và dân cư Tân Thắng tại phường Sơn Kỳ, Danh chiếm đoạt 20 tỉ đồng.
Tại dự án Bồi thường giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng 2 đoạn tuyến giao thông kết nối Khu liên hợp Văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng, ông Danh và đồng phạm chiếm đoạt 7,78 tỉ đồng.
Ngoài ra còn nhiều dự án nhỏ khác với nhiều sai phạm.
2 du khách Việt Nam bị đâm chết ở Las Vegas
Một cặp du khách từ Việt Nam đến thăm Las Vegas bị đâm chết tại khách sạn sòng bài Circus Circus hôm Thứ Sáu 1 tháng 6.
Theo ABC News, người đàn ông và người phụ nữ ở trong một nhóm du khách Việt Nam đi từ Los Angeles đến Las Vegas. Cảnh sát cho biết, hai người lẽ ra cùng nhóm của họ đi tiếp tới Grand Canyon nhưng không góp mặt với nhóm. Nhóm du khách thông báo cho khách sạn, và nhân viên an ninh khách sạn vào phòng kiểm tra thì thấy cặp du khách đã chết trong đó với nhiều vết dao đâm.
Tại một cuộc họp báo của Sở Cảnh Sát Thành Thị Las Vegas, Trung úy Ray Spencer cho biết các nhà điều tra đang nghiêng về giả thiết đây là một vụ giết người rồi tự tử, nhưng chưa chắc chắn cho tới khi có kết luận của chuyên gia pháp y. Ông Spencer cho biết, một người ở phòng bên cạnh đã nghe thấy tiếng cãi vã lúc khoảng 2 giờ sáng. Tuy nhiên, không ai tại khách sạn hoặc cảnh sát được thông báo về vụ ồn ào này. Ông Spencer cho biết, không có ai ra hoặc vào phòng kể từ lúc cặp du khách vào phòng đêm Thứ Năm, cho tới lúc nhân viên an ninh khám xét phòng vào lúc 3 giờ chiều Thứ Sáu.
Công ty MGM Resorts, chủ của khách sạn Circus Circus, nói với đài truyền hình địa phương KTNV rằng, họ đang hợp tác hoàn toàn với Sở Cảnh Sát Thành Thị Las Vegas, và cảnh sát cho biết không có bất cứ mối đe dọa tiếp diễn nào đối với khách.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/2-du-khach-viet-nam-bi-dam-chet-o-las-vegas/
Bộ trưởng Mattis thúc giục
Mỹ, Việt tăng cường hợp tác QP
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 1/6 nói nước ông đang cân nhắc việc bàn giao máy bay huấn luyện và các thiết bị khác cho Việt Nam để tăng cường quan hệ giữa quân đội hai nước.
Gặp gỡ bên lề diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore, ông Mattis nói với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch rằng Mỹ muốn ký các văn bản để đặt nền tảng cho những hợp tác hơn nữa.
Theo mạng tin San Diego Union Tribune, Bộ trưởng Mattis nói rằng Mỹ “hoàn toàn nhất trí” với Hà Nội về các mục tiêu chiến lược quan trọng.
Tờ báo này cho biết cả hai quốc gia cũng đang tiến tới kế hoạch để Hoa Kỳ đưa máy bay huấn luyện và máy bay không người lái đến Việt Nam, nơi đang đóng vai trò ngày càng lớn trong các vấn đề an ninh quốc tế.
Bộ trưởng Lịch hoan nghênh việc Mỹ phối hợp liên tục để sớm khởi động dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa cũng như trợ giúp Việt Nam triển khai một bệnh viện dã chiến và một đơn vị công binh thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Quan hệ quốc phòng giữa hai đối thủ cũ, Việt Nam và Hoa Kỳ, đã phát triển đáng kể trong những năm gần đây, khi hai nước để lại sau lưng cuộc chiến Việt Nam đầy đau thương mất mát.
Lần đầu tiên, Mỹ đã mời Việt Nam tham gia cuộc diễn tập hải quân vành đai Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC), một trong những cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới được tổ chức hai năm một lần.
Sự kiện quốc tế này dự kiến diễn ra từ ngày 27/6 đến ngày 2/8.
Hồi tháng 3 năm nay, tàu USS Carl Vinson đã thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Đà Nẵng, là lần đầu tiên một tàu sân bay của Mỹ đến một cảng của Việt Nam kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc cách đây 43 năm.
Trước cuộc gặp với Bộ trưởng Lịch, hôm 25/5, vài ngày trước khi lên đường đi Singapore, Bộ trưởng Mattis đã gặp Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh và thảo luận các cách thức để tăng cường hợp tác song phương về an ninh hàng hải trong bối cảnh vẫn có nhiều căng thẳng ở Biển Đông.
(San Diego Union Tribune, Quân Đội Nhân Dân, TTXVN)
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-mattis-thuc-giuc-my-viet-tang-cuong-hop-tac-qp/4420677.html