Tin Việt Nam 21/9/2014
Báo Diplomat: ‘Mỹ cần sớm bỏ lệnh cấm bán vũ khí’
“Washington cần một có một đối tác mạnh tại Việt Nam nhằm đối trọng với sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông,” đó là nhận định của tác giả Paul J. Leaf trong bài viết mới đăng trên trang thediplomat. com.
Theo tác giả, việc Hoa Kỳ cắt bớt ngân sách quân sự và phải đối diện với những cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng trên toàn thế giới khiến cho nước này cần có những đối tác mạnh mẽ, đặc biệt là ở vùng châu Á, nơi mà Trung Quốc đang ngày càng đe dọa làm thay đổi tình trạng hiện thời.
Với mối quan hệ hai bên đang trở nên nồng ấm hơn, chủ đề cấm bán vũ khí cho Việt Nam đã được bàn tới nhiều kể từ đầu mùa hè tới nay, với việc một số quan chức chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi xem xét lại lệnh cấm.
Trong số những người ủng hộ có Thượng nghị sỹ John McCain, và tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius.
Hồi trung tuần tháng Tám, trong chuyến thăm bốn ngày tới Việt Nam, Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã tỏ ý Washington có thể dỡ bỏ lệnh cấm này.
“Đã có những thảo luận ngày càng tăng về vấn đề này, và tôi thấy rằng ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ [việc dỡ bỏ lệnh cấm],” Tướng Dempsey được trang mạng www.wsws. org dẫn lời.
Trước đó một tuần, hôm 8/8, Thượng nghị sỹ McCain nói với các phóng viên tại Hà Nội rằng ông tin tưởng vào sự ủng hộ từ Lưỡng viện Hoa Kỳ.
Đại sứ tân cử Ted Osius trước khi chính thức được bổ nhiệm hồi tháng Sáu cũng nói rằng đã tới lúc Washington cần xem lại với điều kiện tình hình nhân quyền phải được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, chính quyền ông Obama cho tới nay vẫn chưa chính thức có tuyên bố gì.
Lệnh cấm và nhân quyền
Hồi 1984, Hoa Kỳ áp dụng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vì đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam là yếu kém.
Tới 2007, chính quyền ông Bush nới lỏng lệnh cấm với việc cho phép xuất khẩu sang Việt Nam các thiết bị không gây sát thương.
Việc mở ra một cách rất giới hạn như vậy là do Washington đánh giá Hà Nội chưa mấy cải thiện được vấn đề nhân quyền, nhất là trong các lĩnh vực hạn chế tự do báo chí, tự do biểu đạt, tự do tôn giáo, hạn chế quyền của các sắc tộc thiểu số và của người lao động, và thiếu trình tự tố tụng và hệ thống tư pháp độc lập, chuyên gia Leaf điểm lại tình hình.
Tuy nhiên, tác giả Leaf thúc giục rằng sự thay đổi trong môi trường an ninh khiến Hoa Kỳ nay cần tái cân nhắc tới việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, nhất là trước việc Trung Quốc đang ngày càng trở nên một mối đe dọa lớn ở khu vực biển Đông.
Vùng biển này là nơi có tuyến hải hành quan trọng cho hơn một nửa thương mại thế giới, có nguồn cá dồi dào và có trữ lượng dầu, khí lớn.
“Hà Nội có thể sẽ là một đối trọng mạnh trước Bắc Kinh,” nhà nghiên cứu chuyên về quốc phòng đồng thời là luật sư của một hãng luật quốc tế nhận định.
Điều này không chỉ do Việt Nam có dân số lớn, có lực lượng binh lính quân đội thường trực chiếm vào hàng thứ 11 trên thế giới hay việc mạnh tay chi cho ngân sách quốc phòng ở mức cao thứ hai tại khối Đông Nam Á nếu tính theo tỷ lệ so với tổng GDP và một số những lý do khác, mà còn bởi Việt Nam có thái độ rất cứng rắn trước đội tàu đông gấp nhiều lần, hiện đại gấp nhiều lần của Trung Quốc trong cuộc đương đầu 75 ngày trong mùa hè vừa rồi quanh vụ Giàn khoan Hải Dương 981, theo ông Leaf.
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xấu đi nhiều kể từ cuối tháng Mười năm ngoái, khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tới thăm Hà Nội và ký nhiều thỏa thuận thương mại và một thỏa thuận khai thác chung về các nguồn tài nguyên thiên nhiên chung như dầu, khí và nguồn cá tại Vịnh Bắc bộ, một trong những khu vực hai bên đang tranh chấp.
Việt Nam coi việc Trung Quốc đơn phương đặt Giàn khoan 981 hồi tháng Năm là vi phạm các hiểu biết chung, nhưng Bắc Kinh nói họ chỉ thực hiện trong phạm vi quyền của mình bởi giàn khoan đó được đặt gần với Quần đảo Hoàng Sa nơi Trung Quốc đang kiểm soát.
Việt Nam có sẵn sàng chọn đồng minh thay cho “đồng chí”?
Mặt khác, tác giả bài viết cũng thừa nhận tất cả những điều trên chưa đủ đảm bảo để Washington và Hà Nội chính thức trở thành đồng minh chống Trung Quốc.
Lý do đầu tiên, theo ông Leaf, là tại Việt Nam có một phe ủng hộ Trung Quốc rất mạnh. Thậm chí tác giả còn dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói cuộc đối đầu về Giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là sự bất đồng nhỏ giữa “những người anh em”.
Lý do thứ hai, là Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, dư sức tạo đòn bẩy kinh tế đối với Việt Nam.
Và lý do thứ ba, theo tác giả, Việt Nam chưa có hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ và đã chứng kiến những phản ứng của Washington trước những cuộc hung hăng trên thế giới, trong đó có cả việc Bắc Kinh chiếm đảo của Philippines, một đồng minh của Hoa Kỳ. Do đó, Hà Nội sẽ nghi ngờ về mức độ ủng hộ của Washington trong việc chống lại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, nhìn lại những lý do của mỗi bên cũng như phân tích tình hình thực tế, chuyên gia quân sự nói việc chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ là cách hiệu quả để Hoa Kỳ kiềm chế thái độ của Trung Quốc và đưa Việt Nam xích lại gần hơn với Washington và các đồng minh.
Trước khả năng phe phản đối sẽ lập luận việc cần tiếp tục duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương nhằm tạo áp lực để Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền, tác giả nói Hoa Kỳ không cần phải lựa chọn giữa các giá trị và các lợi ích của mình.
Washington, theo tác giả, có thể cơ cấu sao cho các giao dịch vũ khí với Hà Nội sẽ giảm thiểu các vụ vi phạm nhân quyền và khuyến khích Hà Nội đối xử tử tế hơn đối với các công dân Việt Nam.
Đây cũng là điều mà Thượng nghị sỹ John McCain từng đề cập.
“Việc đó phải được giới hạn đầu tiên là trong khả năng quốc phòng, chẳng hạn như cho các hệ thống tuần duyên, hàng hải, thuần túy phục vụ cho đối phó an ninh với bên ngoài,” hãng tin AP dẫn lời ông nói trong cuộc họp báo tại Hà Nội. – BBC