Tin Việt Nam – Chủ Nhật 12/1/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – Chủ Nhật 12/1/2014

1. Trang web Chính phủ bảo vệ Tướng Quang
2. Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng chuẩn bị đi thăm Cam Bốt
3. Các nhóm nhân quyền ở Việt Nam vận động sứ quán phương Tây

1. Trang web Chính phủ bảo vệ Tướng Quang

Bộ Công an, nhất là Đại tướng Bộ trưởng Trần Đại Quang, đã quyết liệt truy bắt Dương Chí Dũng và có công lớn trong việc đấu tranh chống tham nhũng và giữ gìn trật tự an ninh xã hội, trang chủ của Chính phủ Việt Nam nhận định.

Lời nhận xét này của cổng thông tin điện tử Chính phủ, cơ quan ngôn luận chính thức của Chính phủ CSVN, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Vinalines đã bị tuyên án tử hình, đưa ra lời khai chấn động rằng chính Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ là người đã mật báo tin cho ông ta bỏ trốn.

Bài báo có tiêu đề ‘Đại án Vinalines và quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước’ cũng có lời lẽ lên án Dương Chí Dũng nặng nề với hàm ý rằng lời khai của ông này trước Tòa là ‘gian dối’. Đáng chú ý là quan điểm này được đưa ra vào lúc vụ án ‘Làm lộ bí mật nhà nước’ vừa mới được khởi tố và lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ là đúng hay sai.

Thế nhưng, bài báo ký tên Liêm Thanh, Ban Kinh tế Trung ương, lại nói rất rõ rằng Dũng có ý đồ trả thù cá nhân và cố tình làm cho vụ án của ông ta thêm phức tạp.

“Đến phiên tòa xét xử em trai là Dương Tự Trọng là cơ hội để cho Dương Chí Dũng tận dụng triệt để để tung hỏa mù, khai theo kiểu ‘trâu lấm vẩy bùn’ cho người khác, bắn các viên đạn hiểm ác đến những người mà Dương Chí Dũng cho là kẻ thù và kéo Cơ quan điều tra xuống bùn nhằm kéo dài thời gian vụ án và che giấu tội lỗi,” bài báo viết nhưng không hề đưa ra bất cứ bằng chứng nào để chứng minh.

Trước đó, một nhà báo công an khác là Đại tá Nguyễn Như Phong cũng có cùng nhận định trên trang mạng PetroTimes rằng Dũng ‘trâu lấm vẩy bùn’ và rằng Tướng ‘Phạm Quý Ngọ không ăn hối lộ của Dương Chí Dũng’. Bài báo của tác giả Liêm Thanh không nêu rõ danh tính những người bị Dương Chí Dũng khai trước Tòa mà chỉ ghi là ‘một số cán bộ’.

Trong lời khai trong phiên tòa xét xử em trai là Dương Tự Trọng hôm mùng 7/1/2014, Dương Chí Dũng có thuật lại lời của một người có tên là Tiệp, người đã đưa 1 triệu đô la Mỹ của bà Trương Mỹ Lan của Công ty Vạn Thịnh Phát cho Dũng để nhờ chuyển đến tay Ngọ. Người tên Tiệp nay có nhắc đến tên Trần Đại Quang. “Anh Tiệp có nói là: ‘Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang… để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ… để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa,” Dũng nói trước Tòa.

Tuy nhiên, bài báo trên trang mạng Chính phủ khẳng định rằng Bộ trưởng Trần Đại Quang đã ‘quyết liệt chống tham nhũng’ trong vụ án của Dương Chí Dũng. Tác giả bài báo dẫn chứng là Bộ Công an dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Quang đã có công truy bắt Dương Chí Dũng khi ông này đang lẩn trốn ở Campuchia để đưa về Việt Nam xử lý.

Ngoài ra bài báo này cũng dẫn ý kiến của nhiều vị khác nhau, từ đại biểu Quốc hội, tướng lĩnh quân đội, nhà văn, nhà báo, doanh nhân cho đến người nước ngoài ở Việt Nam đều khen ngợi Bộ trưởng Trần Đại Quang.

Theo đó, các Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Hà Nội và Luật sư Trần Viết Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật Trường Sa, đều cho rằng ‘lãnh đạo Bộ Công an đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều tra phá các vụ án, đặc biệt là tham nhũng’.

Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, được dẫn lời nói: “Tôi rất tin lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là Đại tướng Trần Đại Quang, rất vô tư, khách quan và chỉ đạo nghiêm túc vụ án tham nhũng tại Vinalines.”

Còn Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Quốc phòng, được dẫn lời khen ngợi Bộ trưởng Quang là ‘đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều tra phá các vụ án, đặc biệt là các vụ án tham nhũng’.

Thậm chí, Tướng Quang còn được cho là đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ‘khen ngợi’ khi ông đến thăm Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái, bài báo dẫn lời Tô Hoài Dân, tổng giám đốc Công ty Công Lý, người được cho rằng ‘đã gặp trực tiếp’ ông Kerry, nói. Theo lời ông Dân thì ‘Ngoại trưởng John Kerry có ấn tượng, đánh giá rất tốt về Công an Việt Nam’. Bài bào còn dẫn một lá thư được cho là của một nhà đầu tư nước ngoài có tên là Chen Hung Chi, giám đốc Công ty Young Fast Optoelectronices, gửi đến lãnh đạo Bộ Công an để cám ơn. Bức thư ca ngợi rằng công an Việt Nam ‘rất giỏi, hoàn thành được những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp nước ngoài’.

Tuy nhiên, trên trang Facebook của BBC Việt ngữ, bình luận về bài báo này, một số độc giả đã nhận định rằng đây là dấu hiệu cho thấy vụ việc điều tra về Phạm Quý Ngọ ‘sẽ sớm chìm xuồng’ và bày tỏ nghi ngờ về quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền. Một người có tên Van Thanh bình luận: “Một thông điệp rất rõ là cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang rêu rao chi là cắt lá tỉa cành mà thôi.” – BBC

2. Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng chuẩn bị đi thăm Cam Bốt

Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng chuẩn bị thực hiện chuyến viếng thăm Campuchia trong 3 ngày, giữa lúc vương quốc láng giềng này gặp phải nhiều vụ rối ren chính trị. Theo lịch trình ông Dũng sẽ đến Campuchia vào Chủ nhật này và sẽ hội kiến Quốc vương Norodom Sihamoni, Chủ tịch Thượng viện Chea Sim và Thủ tướng Hun Sen.

Trong thời gian lưu lại Campuchia, Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự một hội nghị về đầu tư song phương, lễ khánh thành một bệnh viện, và lễ khởi công một cây cầu nối liền tỉnh An Giang của Việt Nam với tỉnh Kandal của Campuchia. Chuyến đi này diễn ra vài tuần sau khi Thủ tướng Hun Sen đến thăm Hà Nội và bày tỏ sự cảm kích đối với việc Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia chống lại vụ diệt chủng của Khmer Đỏ.

Tờ Phnom Penh Post trích lời ông Yim Sovan, phát ngôn viên Đảng Cứu Quốc Campuchia thuộc phe đối lập, nói rằng ông hoan nghênh chuyến viếng thăm của Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng ông cũng hối thúc nhà lãnh đạo Việt Nam lưu tâm tới các quyền lợi chung trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Campuchia. Ông Sovan nói rằng nếu không được như vậy thì dân chúng nước ông có thể nghĩ rằng đảng Nhân dân Campuchia đương quyền vẫn tiếp tục là tay chân của Việt Nam cả về kinh tế lẫn chính trị.

Vào lúc này thành phố Phnom Penh đang yên tĩnh. Nhưng phe đối lập đang tập hợp lại ở các tỉnh và cho biết họ đang lập kế hoạch để thực hiện lại những cuộc biểu tình ở thủ đô. – VOA

3. Các nhóm nhân quyền ở Việt Nam vận động sứ quán phương Tây

Hôm 10/1/2014, đại diện một số nhóm hoạt động nhân quyền ở Việt Nam đã tiếp xúc với đại diện các đại sứ quán Đức, Thụy Điển, Úc, Hà Lan, Na Uy, Bỉ và Liên hiệp châu Âu ở Hà Nội để thảo luận về báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ Quát (UPR) của Việt Nam vào ngày 5/2 tới tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Theo tin từ Mạng lưới blogger Việt Nam, đại diện cho Mạng lưới blogger Việt Nam, đội bóng No-U Sài Gòn, No-U Hà Nội, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống và Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam gồm Võ Văn Bảo, Lý Văn Dũng, Vũ Sỹ Hoàng (Hành Nhân), Đào Trang Loan (Hư Vô), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Nguyễn Thị Yến Trang (Mí Rưỡi), Huỳnh Anh Trí, và Nguyễn Chí Tuyến (Anh Chí) đã tham dự cuộc tiếp xúc với sứ quán phương Tây.

Đại diện các nhóm nói trên đã cung cấp cho các đại diện sứ quán phương Tây những thông tin về tình hình nhân quyền Việt Nam, đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình và đề xuất chính phủ các quốc gia nêu trên sử dụng thông tin và khuyến nghị này trong phiên điều trần về báo cáo UPR của Việt Nam.

Các nhóm này cũng đồng thời thảo luận với các đại sứ quán về tình trạng gia tăng đàn áp đối với những nhà hoạt động trong thời gian gần đây ở Việt Nam. – RFI