Tin Việt Nam – 8/5/2015
Trung Quốc tuyên bố có quyền lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông — Cam Bốt: ASEAN nên đứng ngoài tranh chấp tại Biển Đông
Trung Quốc khẳng định có quyền lập Vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở Biển Đông, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực đang bất hòa vì các tranh chấp chủ quyền.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, ngày 8/5 tuyên bố ‘Trung Quốc có quyền lập ADIZ. Quyết định về việc này tùy thuộc vào hiện trạng an toàn hàng không có bị đe dọa hay không và bị đe dọa tới mức nào.’
Truyền thông Philippines loan tin 7 máy bay tuần tra của nước này bay ngang qua quần đảo Trường Sa đã bị Bắc Kinh cảnh cáo bằng tín hiệu vô tuyến yêu cầu tránh xa khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gazmin, tại một buổi họp báo hôm 8/5 tuyên bố hành động này của Trung Quốc làm như thể có một vùng ADIZ tại khu vực thật sự gây quan ngại.
Một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, ông Ian Storey, nhận định Trung Quốc lập vùng ADIZ ở Biển Đông sẽ khơi ra các nghi ngại về ý đồ và cam kết của Bắc Kinh đối với các tiêu chuẩn và luật lệ quốc tế và các nước trong vùng sẽ xem đây là một sự vi phạm quyền tự do hàng hải nghiêm trọng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/5 bác bỏ tin cho rằng Bắc Kinh dự định lập vùng ADIZ ở Biển Đông dù khẳng định Bắc Kinh có quyền làm như vậy nếu cần vì nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.
Phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh cũng tố cáo rằng tin này rõ ràng ẩn chứa một động cơ phía sau.
Bà Hoa nhấn mạnh tình hình hiện tại ở Biển Đông ổn định và Bắc Kinh cùng các nước Đông Nam Á đang hướng tới việc cải thiện hợp tác và bảo vệ hòa bình Biển Đông.
Năm 2013, Bắc Kinh đã thiết lập vùng ADIZ bao trùm các quần đảo có tranh chấp ở Biển Hoa Đông, khiến Nhật Bản và đồng minh Hoa Kỳ phản đối.
Cảnh cáo mới của Trung Quốc có phần chắc làm leo thang những xích mích ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang nỗ lực dành chủ quyền gần như toàn bộ khu vực.
Việt Nam chưa lên tiếng bình luận về việc này.
Trong một tuyên bố có lợi cho TQ của Cam Bốt, phát biểu trong cuộc họp kín ngày 07/05/2015 tại Phnom Penh, Quốc vụ khanh bộ Ngoại giao Cam Bốt Soeung Rathchavy tuyên bố: Các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cần được giải quyết giữa các bên liên quan, ASEAN không can thiệp.
Bản tin của Reuters trích lời Quốc vụ khanh bộ Ngoại giao Cam Bốt, theo đó, “ASEAN không thể giải quyết các tranh chấp. Chúng ta không không phải là một cơ quan pháp lý. Chỉ có tòa án mới có thể giải quyết ai đúng, ai sai”. Trước mặt đại diện ngoại giao của 28 quốc gia, bà Soeung Rathchavy nhấn mạnh: “Quan điểm của Cam Bốt về Biển Đông rất rõ ràng: những đòi hỏi về lãnh thổ phải được giải quyết giữa các bên liên quan”.
Reuters nhắc lại Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền đối với gần 90% diện tích Biển Đông. Nhiều thành viên trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á như Việt Nam Philippines, Brunei, Malaysia có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Bắc Kinh luôn chủ trương giải quyết tranh chấp bằng đối thoại song phương.
Bản tin của Reuters lưu ý, phát biểu của Quốc vụ khanh bộ Ngoại Cam Bốt nói trên, là động thái đáng chú ý nhất của Xứ chùa Tháp trên vấn đề Biển Đông kể từ sau thất bại của thượng đỉnh ASEAN 2012 tổ chức tại Phnom Penh. Lần đó, chính quyền của thủ tướng Hun Sen vì tránh làm phật lòng Bắc Kinh đã không đưa vấn đề Biển Đông vào thông cáo chung kết thúc hội nghị.
Trung Quốc là một điểm tựa kinh tế và quân sự quan trọng của Cam Bốt. Trong mắt các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh thì Phnom Penh là một đồng minh tốt trong khu vực Đông Nam Á. Thậm chí một số nhà bình luận còn cho rằng Cam Bốt là cánh tay nối dài của Trung Quốc trong khối ASEAN. Dù vậy Quốc vụ khanh bộ Ngoại giao Cam Bốt vẫn khẳng định là Phnom Penh chưa từng chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, Cam Bốt luôn giữ thái độ “trung lập. Trung Quốc không chỉ là một nước bạn của Cam Bốt mà còn là bạn của nhiều quốc gia khác, những quốc gia không ồn ào”. – VOA, RFI
Biển Đông: Việt Nam gởi công hàm đến LHQ phản đối Trung Quốc bồi đắp đảo — Ảnh vệ tinh cho thấy VN cũng bồi đắp đảo [LMN: nhận tiền của cả 2 nước TQ và VN, viện CSIS thiếu sự vô tư cần thiết của một viện nghiên cứu độc lập]
Trong cuộc họp báo ngày 08/05/2015, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam đã gởi công hàm đến phái đoàn thường trực các nước tại Liên Hiệp Quốc để phản đối việc Trung Quốc bồi đắp đảo ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình trước hết nêu lập trường của Việt Nam, theo đó những hoạt động bồi đắp, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành “đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN ”. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này.
Gần đây, Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã có công hàm gửi Phái đoàn thường trực các nước tại Liên Hiệp Quốc, khẳng định các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo và bãi ở Biển Đông là “hợp pháp, chính đáng và đúng đắn”.
Đáp lại công hàm mà Hà Nội cho là có những quan điểm “sai trái” của phía Trung Quốc, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết là ngày 30/04/2015, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã có công hàm gửi phái đoàn thường trực tất cả các nước tại Liên Hiệp Quốc bác bỏ những quan điểm đó của phía Trung Quốc.
Trong một tin liên quan, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam cũng đã bồi đắp các đảo tranh chấp trên Biển Đông. Quy mô và nhịp độ của các công trình này không thể so sánh với các công trình của Trung Quốc. Đó là thông tin được viện nghiên cứu CSIS của Mỹ loan báo ngày 07/05/2015.
Các hình ảnh vệ tinh mà hãng tin Reuters nhận được từ Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), cho thấy Việt Nam đã bồi đắp hai đảo mà nước này đang kiểm soát, đó là đảo Sơn Ca (Sand Cay) và đảo Đá Tây (West London Reef), thuộc quần đảo Trường Sa. Trên hai đảo này cũng có các tòa nhà được xây thêm. Các hình ảnh vệ tinh nói trên được chụp trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến ngày 30/04/2015.
Theo lời bà Mira Rapp-Hooper, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, Việt Nam đã bồi đắp thêm 65 ngàn mét vuông cho đảo Đá Tây và 21 ngàn mét vuông cho đảo Sơn Ca. Diện tích bồi đắp này thật ra chẳng thấm vào đâu so với 900 ngàn mét vuông mà Trung Quốc bồi đắp chỉ riêng cho Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef). Cũng theo lời bà Rapp-Hooper, công trình bồi đắp đảo của Việt Nam bao gồm cả các cơ sở quân sự và đã được khởi công xây dựng trước khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành ồ ạt các công trình cải tạo, bồi đắp đảo vào năm 2014.
Bà Rapp-Hooper cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy là vào khoảng tháng 03/2014, Bắc Kinh đã tiến hành cải tạo, bồi đắp ở 7 đảo, xây một phi đạo quân sự trên một đảo nhân tạo và có thể đang xây một phi đạo thứ hai. Theo lờ bà Rapp-Hooper, Việt Nam cũng đã xây một phi đạo trên quần đảo Trường Sa.
Tốc độ bồi đắp đảo của Trung Quốc đã gây lo ngại cho các nước láng giềng châu Á và Hoa Kỳ. Washington xem hành động này của Trung Quốc là một mối đe dọa đến nguyên trạng của Biển Đông, tuyến giao thương hàng hải rất quan trọng đối với Mỹ.
Vào cuối tháng 4/2015, sau nhiều tuần bị chỉ trích nặng nề, Trung Quốc đã phản bác, bằng cách tố cáo Việt Nam và Philippines cũng đã tiến hành xây dựng “trái phép” trên các đảo “của Trung Quốc” ở Biển Đông. – RFI