Tin Việt Nam – 8/1/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 8/1/2015

Một đại biểu Quốc hội CSVN bị bắt về cáo buộc lừa đảo – Phản ứng sau vụ bắt đại biểu Quốc hội CSVN

Một đại biểu Quốc hội CSVN đã bị bắt hồi tối thứ Tư về cáo buộc lừa đảo liên quan tới địa ốc. Thông tín viên Marianne Brown gửi về bài tường trình sau đây từ Hà Nội.

Công an đã lục soát tư gia của Châu Thị Thu Nga, 49 tuổi, trong nhiều tiếng đồng hồ hôm thứ Tư 7/1, và tịch thu một số giấy tờ, tài liệu.

Thu Nga bị bắt về cáo buộc lừa đảo có liên quan tới một dự án bất động sản do công ty thuộc quyền sở hữu của bà điều hành. Công ty này bị tố cáo là đã nhận tiền đặt cọc của 80 thân chủ dự tính mua nhà trong hai năm 2009 và 2010, tổng trị giá lên tới 14 triệu đôla, nhưng họ không được hoàn trả số tiền này khi dự án địa ốc không được thực hiện, theo một bản tin của Báo Thanh Niên. Theo kế hoạch dự trù, lẽ ra dự án này phải hoàn tất trước cuối năm 2015.

Nguyễn Minh Thuyết, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam, nói rằng một số thông tin tiêu cực về Nga đã bắt đầu lan truyền từ lúc khởi đầu tiến trình bầu cử quốc hội năm 2011. Thuyết nói:

“Bà Thu Nga bị tạm đình chỉ công tác trong vai trò là một thành viên của Ủy ban Tài Chính và Ngân sách của quốc hội.”

Các nhà lập pháp tại Việt Nam được miễn tố ở một mức độ nào đó, như phát biểu của Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội giải thích trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài VTV.

Thảo cho biết theo hiến pháp, không ai được phép bắt giữ hoặc truy tố một đại biểu quốc hội mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.

Trong trường hợp Nga, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã cho phép các cơ quan điều tra tiến hành cuộc điều tra.

Chính phủ CSVN đã phát động một chiến dịch bài trừ tham nhũng trong mấy năm gần đây, trong bối cảnh có nhiều vấn đề kinh tế và nhiều vụ xét xử các nhân vật được nhiều người biết tiếng. Trong một số vụ án, bản án tử hình đã được tuyên cho các bị cáo.

Giới quan sát thường liên kết các vụ bắt giữ những doanh nhân nổi tiếng với những vụ đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói ông tin rằng trường hợp Nga không nằm trong số những vụ bắt giữ đó.

CSVN bị Tổ chức Minh Bạch Quốc tế (Transparency International) xếp hạng thứ 119 trong tất cả 175 quốc gia về chỉ số nhận thức tham nhũng trong năm 2014, đứng trước Campuchia và Myanmar, nhưng được xếp sau Thái Lan, Indonesia và Trung Cộng.

Khách hàng công ty của Nga hoan nghênh quyết định bắt giữ bà này để điều tra cáo buộc lừa đảo, trong lúc đồng nghiệp của bà gọi đây là “trường hợp đáng tiếc”.

Tập đoàn Housing Group do Nga làm chủ tịch hội đồng quản trị bị tố bán những ‘căn nhà ảo’ và trốn chạy khách hàng.

Theo đơn tố cáo BBC nhận được đầu năm 2014, tập đoàn này đã nhận hàng trăm tỷ đồng của khách hàng từ vài năm nay với lời hứa sẽ giao cho họ những căn hộ tại công trình mang tên B5 Cầu Diễn vào năm 2015.

Tuy nhiên dự án đến nay vẫn chỉ là một bãi đất trống. Một số khách hàng cũng tố cáo chủ dự án bán cả những căn nhà ở tầng 20 hoặc cao hơn trong khi B5 Cầu Diễn chỉ có giấy phép xây cao tới 13 tầng.

Hôm 7/1, báo Thanh Niên dẫn lời Trưởng ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cho biết Nga chỉ mới bị đình chỉ nhiệm vụ để phục vụ công tác điều tra.

“Khi Quốc hội họp chính thức ở kỳ họp tới, biểu quyết bãi nhiệm thì Đại biểu Nga mới mất tư cách đại biểu Quốc hội,” bà Nguyễn Thị Nương được dẫn lời nói.

Tại đối tác liên doanh của Nga, Công ty MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuẫn đã bị bắt tạm giam và khởi tố vào cuối năm 2013.

Tuẫn bị buộc tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi thu hàng trăm tỷ đồng từ khách hàng và sử dụng không đúng mục đích.

Sinh năm 1965, Châu Thị Thu Nga là một doanh nhân nổi tiếng, đã giữ các chức vụ như Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội, Phó trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch BĐS miền Bắc – Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản – Bộ Xây dựng.

‘Tin vào đại biểu Quốc hội’

Trả lời BBC ngày 8/1, ông Nguyễn Hồng Chương, một trong những người đã chồng tiền để mua căn hộ thuộc dự án B5 Cầu Diễn, nói quyết định bắt giữ Nga để phục vụ công tác điều tra là điều “mong mỏi của rất nhiều khách hàng”.

“Chúng tôi đã mất quá nhiều thời gian để có được kết quả của ngày hôm nay,” ông nói.

“Lẽ ra quyết định này cần được đưa ra sớm hơn”.

Ông Chương thừa nhận đã “sai lầm” khi tin vào tư cách đại biểu Quốc hội của bà Nga.

“Thực ra khi người ta nghe các danh từ đó thì cảm thấy tin tưởng là dự án sẽ thành công”, ông nói.

“Chúng tôi đã rất sai lầm khi đặt bút ký tên vào hợp đồng.”

Ông cũng cho biết đã nghĩ đến khả năng sẽ không nhận được tiền bồi thường.

“Chúng tôi biết khả năng được bù tiền có thể sẽ không có, nhưng người lừa tiền mình không thể tiếp tục nhởn nhơ”, ông nói.

“Được tiền hay không cũng không còn quan trọng, phải làm cho người có tội bị đặt đúng chỗ”.

“Chúng tôi thấy thỏa lòng khi cái ác bị đưa ra ánh sáng”.

‘Điều đáng tiếc’

Trong khi đó, ý kiến từ một đại biểu Quốc hội khác cho rằng việc Nga bị điều tra lừa đảo là “điều đáng tiếc”.

“Cần phải nói rõ vụ này đã kéo dài từ trước khi bà Nga vào Quốc hội”, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nói với BBC qua điện thoại.

“Thực ra chuyện này xảy ra là điều đáng tiếc, không ai muốn”, bà nói.

“Tất nhiên là vườn rau nào cũng có sâu. Nhưng cần có quá trình loại sâu ngay từ đầu.”

“Để tránh chuyện lẫn lộn giữa việc công và tư trong tương lai thì vừa qua Quốc hội chúng tôi đã bàn và thông qua luật gọi là Luật bầu cử Quốc hội”.

“Luật này quy định rõ ràng tiêu chuẩn, thủ tục để lựa chọn những người đại diện cho dân.”

“Quốc hội Việt Nam đã thảo luận và thông qua như vậy trong kỳ họp vừa rồi và sắp tới sẽ làm rất chặt chẽ”.

“Đối với những trường hợp vi phạm, cần xử lý đúng quy trình”.

“Trong quá trình điều tra nếu phát hiện có liên quan đến ở đâu khác nữa thì sẽ liên hệ với cơ quan quản lý của người đó”. – Theo VOA, BBC

Từ cái chết của Phạm Quý Ngọ đến cái (sắp) chết của Nguyễn Bá Thanh 

CTV Danlambao – Vào ngày 28 tháng 12 năm 2012 với Quyết định số 158-QĐ/TW, Nguyễn Phú Trọng tái lập Ban Nội chính Trung ương ĐCSVN để đối đầu với cơ quan Thanh Tra Chính Phủ của Nguyễn Tấn Dũng trong trận chiến diệt chuột trừ sâu… phe địch trong đảng. Nguyễn Bá Thanh được cử về Hà Nội giữ chức Trưởng ban Nội chính trung ương. Con cá Bí thư thành ủy Bá Thanh đang vẫy vùng một cõi trong dòng nước sông Đà lao đầu xuống dòng sông Hồng đỏ máu. Chưa đầy 2 năm sau, Nguyễn Bá Thanh từ phong độ hốt liền, hốt hết chuyển sang tình trạng nằm chờ ngày xum họp với bác Minh. Nghi vấn đặt ra là Bá Thanh bị nhiễm độc sông Hồng hay là sông… Dương Tử?
Đi ngược thời gian…
Vào ngày 14.12. 2013 Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Nguyễn Bá Thanh làm xôn xao dư luận khi ông ta đích thân xuất hiện tại phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng.
Trước đó, vào đầu tháng 8, 2013, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã thành lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát về các vụ án tham nhũng lớn, trong đó có vụ ở Vinalines, mở màn cho cuộc sát phạt lớn lẫn nhau giữa phe Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng mà kẻ cầm cờ chạy đầu là Nguyễn Bá Thanh.
Hai ngày sau khi Nguyễn Bá Thanh xuất hiện tại phiên tòa xử, vào ngày 16.12.2013, TAND tuyên án tử hình Dương Chí Dũng.
Cũng trong cùng một ngày Dương Chí Dũng nhận án tử, tại Bắc Kinh, Nguyễn Bá Thanh hội kiến với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Mạnh Kiến Trụ. Cuộc họp này chỉ được truyền thông lề đảng đưa tin ngắn gọn sau khi đã xảy ra, hoàn toàn không có một thông tin nào về chuyến đi trước đó.
Câu hỏi được đặt ra: tại sao Nguyễn Bá Thanh gấp rút không kèn không trống sang Bắc Kinh chỉ để học cách chống tham nhũng?
Nghi vấn đặt ra rằng liệu vào ngày 16.12.2013 bên cạnh bản án tử hình dành cho Dương Chí Dũng còn có một bản án tử hình kiểu khác dành cho Nguyễn Bá Thanh ở Bắc Kinh mà Bá Thanh không biết?
Để có thể chiếu phần nào ánh sáng vào bức tranh âm u có nhiều tử khí này, chúng ta thử nhìn lại những gì đã xảy ra sau chuyến đi Bắc Kinh đột ngột của Nguyễn Bá Thanh vào 16.12.2013?
Tại phiên tòa ngày 7.1.2014, Dương Chí Dũng đã khai người báo tin cho mình đi trốn là thượng tướng Phạm Quý Ngọ và đã hối lộ ông Ngọ hơn 500 ngàn USD.
Hơn một tháng sau đó, khi cuộc điều tra đối với những nhân sự liên quan đang tiến hành thì Phạm Quý Ngọ đột tử vì “ung thư” vào ngày 18.2.2014. Nhiều đầu mối lãnh đạo đảng liên quan khác, trong đó nhân vật chính là bộ trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang, đã theo ông Ngọ chôn sâu vào lòng đất với quyết định đình chỉ vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” vì Quý Ngọ đã không còn.
Phạm Quý Ngọ chết 2 tháng sau khi Nguyễn Bá Thanh có mặt ở Bắc Kinh.
3 tháng sau khi Ngọ chết vì “ung thư gan”, vào tháng 5 năm 2014 Nguyễn Bá Thanh đối diện với tử thần với cái gọi là bệnh rối loạn sinh tủy theo lời của Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Trung ương là Nguyễn Quốc Triệu.
Cũng vào tháng 5, 2014 này, vào ngày 7.5.2014 tòa phúc thẩm y án tử hình Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, điều lạ là đối diện với bản án này người ta chỉ thấy Dương Chí Dũng cười rất tươi và dặn dò người thân rằng: “Cứ bình tĩnh, yên tâm. Giữ gìn sức khỏe!”. Và đúng như thế, cho đến nay Dương Chí Dũng vẫn bình tĩnh, yên tâm sống khoẻ và ngày nào dựa cột hoặc dựa cột hay không thì chỉ có trời mới biết.
Dương Chí Dũng, kẻ đầu mối của vụ án Vinalines chết mà không chết. Trong khi Phạm Quý Ngọ không thể sống vì liên quan đến Bộ trưởng công an Trần Đại Quang. Và Nguyễn Bá Thanh, người xuất hiện tại phiên tòa xử, người đứng đầu 7 đoàn kiểm tra, giám sát về các vụ án tham nhũng lớn không có án tử của tòa nhưng lại nghe tiếng gỏ cửa của tử thần.
Tình trạng của Nguyễn Bá Thanh không khác gì lắm so với Phạm Quý Ngọ trước khi chết.
Cho đến ngày tin Phạm Quý Ngọ chết được thông báo, hầu như không có một tin tức nào từ báo lề đảng, từ Bộ Công an đề cập đến tình trạng ung thư gan của một Thứ trưởng công an đã trở thành tâm điểm của cơn bão án Dương Chí Dũng. Sau khi Phạm Quý Ngọ chết người ta mới biết là ông ta được đưa vào Bệnh viện Quân đội 108 để điều trị.
Tương tự như vậy, Nguyễn Bá Thanh cũng được điều trị tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Sau đó sang Singapore điều trị vào tháng 6 và tháng 7, cuối cùng là sang Hoa Kỳ vào trung tuần tháng 8/2014. Những tin tức về tình trạng sức khỏe của Bá Thanh đều bị dấu nhẹm hay được xào nấu, giàn dựng và chỉ thông báo nửa vời sau khi đã tràn ngập những thông tin không chính thức trên mạng xã hội.
Điểm cần ghi nhận là kể từ sau chuyến đi Bắc Kinh, Nguyễn Bá Thanh đã không còn hung hăng với thái độ hốt liền hốt hết và những sinh hoạt của ông ta cũng khá… xa rời với phạm vi hoạt động của 7 đoàn kiểm tra, giám sát về các vụ án tham nhũng lớn, trong đó Nguyễn Bá Thanh làm trưởng đoàn công tác số 3:
– Phản ứng về nghi án hối lộ 80 triệu yen bởi giao thông vận tải Nhật Bản (JTC) hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam, ông Thanh rất “lành” khi tuyên bố với phóng viên vào ngày 24.3 rằng, ông cũng chỉ mới có thông tin này qua báo chí và đang theo dõi sát vụ việc.
– 2.4.2014 làm việc với Đảng đoàn, Ban thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
– 28.4. 2014 chủ trì đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) để trả lời cử tri về việc chuyện… phong hàm cấp tướng, cấp tá!
– 21.5.2014 kín đáo đến dự tòa xử bầu Kiên và đồng phạm rồi… thôi.
– 2-6.6.2014 thăm, làm việc với một số tổ chức của Thụy Điển, Phần Lan để tìm hiểu về mô hình, tổ chức, hoạt động về công tác phòng chống tham nhũng.
– 3.7.2014 tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) để khẳng định chúng ta không sợ chiến tranh nhưng cần phải bình tĩnh tìm giải pháp tốt nhất.
– 21.7.2014 dự Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2014 với Ban nội chính 15 Tỉnh, Thành ủy trực thuộc T.Ư.
– 1.8.2014, 2 tuần trước khi sang Hoa Kỳ chữa bệnh, Nguyễn Bá Thanh thành công trong việc sắp xếp tương lai của con trai là Nguyễn Bá Cảnh, 31 tuổi, được vào Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Trong khi Nguyễn Bá Thanh bắt đầu nhũn và phát hiện bị nhiễm độc hay rối loạn sinh tủy vào tháng 5 thì chúng ta cần ghi nhận thêm:
– 26 tháng 8 Nguyễn Phú Trọng cử Lê Hồng Anh là đặc phái viên sang chầu Tập Cận Bình.
– 6 tháng 10 Nguyễn Phú Trọng ra thông điệp chính trị “đánh chuột nhưng đừng để vỡ bình”. Thông điệp này xem như chấm dứt chủ trương “hốt liền, hốt hết” và gián tiếp loại bỏ vai trò của Nguyễn Bá Thanh ra khỏi Trưởng ban Nội chính trung ương.
– 16 tháng 10 Phùng Quang Thanh sang triều kiến Bắc Kinh nhận giặc làm bạn.
– 26 tháng 10 Trần Đại Quang, người bị Dương Chí Dũng tố cáo, khăn gói sang Tàu.
Tất cả đều quy về Bắc Kinh sau cái chết của Phạm Quý Ngọ và cái (sắp) chết của Nguyễn Bá Thanh.
Nhìn lại những dữ kiện, chúng ta có thể thấy rằng sự nghiệp lẫn cuộc đời của Nguyễn Bá Thanh có nhiều “thay đổi âm thầm” sau chuyến đi Bắc Kinh vào cuối năm 2013 và cái (sắp) chết của ông so với cái chết của Phạm Quý Ngọ xem ra không khác nhau lắm.
Tất cả “hình như” nằm trong cuốn phim diệt chuột giữ bình mà trong đó những “siêu sao” coi bộ dễ mắc bệnh ung thư vào giai đoạn cuối. Theo Danlambao