Tin Việt Nam – 7/3/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 7/3/2015

Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản – Nhật Bản nghênh tiếp lãnh đạo 5 nước vùng Mêkông

Nhật Bản trải thảm đỏ đón chào lãnh đạo Việt Nam và bốn nước khác vùng Mekong trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng với TC trong vùng.

Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng hôm 3/7 đã có mặt ở Tokyo dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7.

Cũng dự hội nghị có lãnh đạo của Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar.

Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ gặp thủ tướng các nước tại hội nghị.

Hội nghị sẽ bàn về “quan hệ đối tác phát triển hạ tầng chất lượng cao” và thực thi “chiến lược mới cho sự hợp tác Nhật Bản-Mekong”, theo lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga.

Yoshinobu Yamamoto, giáo sư thuộc Đại học Niigata, nhận định với báo Bangkok Post: “Hội nghị là một phần nỗ lực của Nhật duy trì quan hệ quan trọng vào lúc TC mở rộng ảnh hưởng trong vùng.”

Mới nhất, việc 57 nước tham gia ký kết thỏa thuận thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do TC khởi xướng cho thấy sự cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được Nhật hỗ trợ.

Hồi tháng Năm, Thủ tướng Nhật loan báo kế hoạch đầu tư 110 tỉ đôla tại châu Á, trong đó có năm nước vùng Mekong.

Hôm thứ Sáu tại Tokyo, Nhật hoàng Akihito đã có buổi tiếp lãnh đạo năm nước, trong đó có Việt Nam, tại hoàng cung.

Chiều 3/7, cũng diễn ra Diễn đàn kinh tế 5 nước tiểu vùng Mekong với sự tham dự của lãnh đạo các nước Mekong và đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản. – Theo BBC

Lãnh đạo năm nước vùng Mêkông đã tề tựu về Tokyo, chuẩn bị tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-Mêkông lần thứ bảy mở ra vào ngày mai, 04/07/2015. Hãng tin Pháp AFP đã lồng hội nghị này vào trong bối cảnh Tokyo đang ra sức tăng cường sự hiện diện của mình trong một khu vực ngày càng chịu ảnh hưởng của TC.

Như thông lệ, bên cạnh hội nghị toàn thể của lãnh đạo 6 nước Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan và Miến Điện, sẽ có một loạt những cuộc họp song phương. Nước chủ nhà đã không che giấu ý định thúc đẩy việc phát triển các quan hệ đối tác với các quốc gia Mêkông trong lãnh vực xây dựng “hạ tầng cơ sở chất lượng cao”, như lời công nhận của ông Yoshihide Suga, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản.

Nói cách khác, Nhật Bản muốn gia tăng khối lượng đường cao tốc, hệ thống xe lửa và nhà máy điện bán qua các nước vùng Mêkông. Từ ngữ “chất lượng cao” được cho là nhằm đối lập với các sản phẩm TC đang tràn ngập vùng Mêkông, thường bị coi là rẻ nhưng chất lượng kém. Quan hệ chặt chẽ giữa Nhật Bản với các nước khu vực sông Mêkông không phải là điều mới lạ. Theo ông Yoshinobu Yamamoto, giáo sư tại Đại học Tỉnh Niigata, “Tokyo vẫn có truyền thống duy trì quan hệ hữu hảo với các nước Mêkông, nơi vẫn là điểm đến quan trọng cho đầu tư Nhật Bản”.

Tuy nhiên, Tokyo đang lo ngại bị mất ảnh hưởng về tay TC trong một khu vực mà Bắc Kinh ngày càng tăng cường sức mạnh tài chánh, cũng như ngoại giao để đánh bật Nhật Bản. Trong tình hình đó, theo giáo sư Yamamoto: “Hội nghị thượng đỉnh lần này nằm trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm duy trì các mối quan hệ quan trọng vào lúc Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực”.

Việc đẩy mạnh hợp tác với vùng Mêkông cũng nằm trong chính sách Đông Nam Á mới của Nhật Bản, theo đó Tokyo rất muốn được xem là một người khổng lồ hiền từ trong khu vực, và đang cố gắng xây dựng uy tín của một quốc gia đủ mạnh dạn để kháng lại TC trong các tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền. Chính trong chủ trương đó mà Tokyo ngày càng lên tiếng mạnh mẽ hơn trong việc bênh vực các nước Đông Nam Á bị Bắc Kinh lấn lướt tại Biển Đông. Trong số năm quốc gia Đông Nam Á là thành viên cơ chế Thượng đỉnh Nhật Bản-Mêkông, Việt Nam là nước có tranh chấp với TC tại Biển Đông. – Theo RFI

TBT CSVN ‘muốn nói chuyện thẳng thắn với Mỹ’ — Nguyễn Phú Trọng: Mỹ là một đối tác quan trọng nhất của Việt Nam

Nguyễn Phú Trọng nói muốn có “thảo luận cởi mở, thẳng thắn” khi gặp Tổng thống Obama tại Nhà Trắng.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có phần trả lời bằng văn bản với một số cơ quan truyền thông Mỹ hôm thứ Sáu.

Trả lời Bloomberg qua văn bản, Trọng nói: “Tôi hy vọng đây là cơ hội để hai phía thảo luận cởi mở và thẳng thắn về những vấn đề còn khác biệt.”

“Điều này sẽ tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt và dần dần xây dựng niềm tin giữa chúng ta để tăng thêm thực chất và hiệu quả cho quan hệ lâu dài giữa hai nước.”

Còn khi trả lời báo Wall Street Journal bằng văn bản, Trọng mô tả Hoa Kỳ là lực đẩy giúp ổn định trong vùng.

Trọng cũng hoan nghênh các động thái của Mỹ nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình.

Bình luận với Wall Street Journal, tiến sĩ Jonathan London, từ Đại học Thành thị Hong Kong, nói: “Việc ông Trọng, người nắm giữ ý thức hệ của đảng, đi Mỹ cho thấy Việt Nam đang có sự tái cân bằng chiến lược.”

Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt.

Trọng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng.

Trong phần trả lời được Bloomberg trích dẫn, Trọng nói: “Đây là cơ hội tốt để nhìn lại quá khứ, trao đổi quan điểm về tương lai và cùng nỗ lực vì tình bạn và sự hợp tác lâu dài dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng chính thể của nhau.”

Trọng cũng nói trong chuyến thăm Mỹ, sẽ thảo luận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), hợp tác an ninh và thay đổi khí hậu.

Ban Đối ngoại TƯ Đảng Cộng sản nói Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ từ 6 đến 10/7.

Tháp tùng Tổng Bí thư là đoàn gồm 2 ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng và Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải; Chánh văn phòng TƯ Đảng Trần Quốc Vượng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Đối ngoại TƯ Hoàng Bình Quân; các Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh, Công thương Vũ Huy Hoàng; Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình; Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Thứ trưởng Công an Tô Lâm; trợ lý Tổng bí thư Hồ Mẫu Ngoạt, Đại sứ tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh. – Theo BBC

***
Trước ngày lên đường công du Hoa Kỳ, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ Bloomberg hôm nay, 03/07/2015. Một trong những nhận xét nổi bật là việc Trọng khẳng định Việt Nam sẽ dành ưu tiên cho quan hệ với Mỹ.

Trả lời bài phỏng vấn bằng văn bản, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhận xét rằng Hoa Kỳ “là một trong những đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của chúng tôi”. Theo hãng Bloomberg, các quan hệ về kinh tế và an ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển trong thời gian qua, cho dù Mỹ vẫn tiếp tục gây sức ép trên Việt Nam trong địa hạt nhân quyền.

Trên vấn đề này, Nguyễn Phú Trọng hy vọng rằng chuyến công du Hoa Kỳ của ông sẽ là “cơ hội để hai bên thảo luận một cách cởi mở và thẳng thắn về những vấn đề bất đồng giữa hai bên”. Đối với Trọng, đối thoại sẽ cho phép tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp sự khác biệt và dần dần xây dựng lòng tin giữa hai bên, góp phần thúc đẩy thêm quan hệ lâu dài giữa hai nước. Nguyễn Phú Trọng cũng xác nhận ba chủ đề chính sẽ được ông đề cập đến trong chuyến công du, cụ thể là Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, hợp tác an ninh và biến đổi khí hậu.

Về Biển Đông, điều được giới quan sát chờ đợi, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết Việt Nam “đánh giá cao” việc Mỹ hỗ trợ một phương pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia tranh chấp yêu sách Biển Đông. Trọng cho rằng cả Mỹ lẫn Việt Nam đều nhận thức rõ vị trí chiến lược của Biển Đông, và ông hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có tiếng nói và hành động thích hợp để góp phần giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế. – Theo RFI

Biển Đông và chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng

Chuyên mục Câu chuyện trong tuần với chủ đề tuần này: Biển Đông và chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng. Xin trân trọng giới thiệu GS Nguyễn Mạnh Hùng, từng giảng dạy bộ môn Quan hệ quốc tế của đại học George Mason là khách mời của chương trình hôm nay. Câu hỏi đầu tiên được Mặc Lâm đặt ra cho GS:

Mặc Lâm: Trung Quốc tỏ ra không ngán ngại việc Mỹ mạnh mẽ lên tiếng trước chuyện họ bồi đắp các đảo một cách bất hợp pháp và mới đây lại mang giàn khoan HD 981 trở lại biển Đông. Theo ông thì những động thái này nói lên điều gì?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Nó nói lên chính sách lấn biển uyển chuyển, thiên hình vạn trạng của TQ. Năm ngoái vụ dàn khoan HD 981 tạo phản ứng rất mạnh từ nhiều nước, nhất là từ Việt Nam và Mỹ. Một phần vì thế, TQ rút dàn khoan đi. Chỉ sau đó vài tháng họ bắt đầu đào cát đắp đảo, biến các đá ngầm thành đảo nổi, lúc đầu chậm, rồi tăng rất nhanh. Khi người ta phát hiện ra các đảo nhân tạo và phản ứng mạnh thì nó đã thành “sự đã rồi,” không đảo ngược được. Động thái này gây ra phản ứng rất mạnh của Mỹ. Do đó, ngày 16/6. TQ tuyên bố đã làm xong việc và sẽ chấm dứt việc xây cất trong vài ngày tới, để xoa dịu dư luận. Mỗi lần như thế TQ lại tiến thêm một bước nhỏ nhưng vững chắc cho đến khi họ kiểm soát trên thực tế (de facto) được toàn thể vùng biển trong khu vực đường lưỡi bò mà họ vạch ra.

Mặc Lâm: Trong tuần lễ vừa qua Hoa Kỳ không có phản ứng gì chính thức trước các tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị cũng như giàn khoan HD 981. Phải chăng đã có một biến chuyển nào đó khiến tình hình trở nên im ắng một cách bất thường?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Có 2 lý do: thứ nhất Mỹ chú trọng nhất đên việc TQ lấy cát xây đảo vì nó vừa tạo ra “sự đã rồi,” vừa làm thay đổi thế cân bằng chiên lược có lợi cho TQ ở Biển Đông. Sau khi gặp sự phản đối của Mỹ và trước cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-TQ, ngày 16 tháng 6, TQ tuyên bố gần hoàn tất việc xây cất và sẽ chấm dứt việc xây cất trong vài ngày tới.

Thứ hai Lần trước giàn khoan HD 981 được đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và gần bờ biển VN. Lần này, nó cũng được đặt trong vùng chồng lấn giữa khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam và khu vực đặc quyền kinh tế của TQ, nhưng nó chỉ cách đảo Hải Nam của TQ 75 dặm trong khi cách bờ biển Việt Nam 104 dặm, nghĩa là gần TQ hơn.

Mặc Lâm: Thưa GS việc TBT Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ vào đầu tháng 7 này được xem là một diễn tiến có tính lịch sử, tuy nhiên đối với nước Mỹ, giới quan sát chính trị không đánh giá cao việc này. Giáo sư có nghĩ rằng ông Trọng sẽ mở đầu một tư thế mới cho Việt Nam trước vấn đề Biển Đông đối với Mỹ hay không?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Lúc đầu người ta nghi ngờ sự thành công của chuyến đi và sự khó khăn trong việc sắp xếp thủ tục tiếp đón một nhà lãnh đạo đảng chứ không phải một nhà lãnh đạo nước.

Bây giờ hai bên đã thương lượng kỹ trước, và đã đạt được những thỏa thuận căn bản về kết quả của chuyến thăm Mỹ của TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, giúp tăng cường rõ rệt quan hệ quốc phòng giữa hai nước, cho nên mơi trù liệu có cuộc gặp gỡ “lịch sử” giữa TT Obama và TBT Trọng tại Nhà Trắng và ra “Tuyên bố chung về Tầm nhìn của quan hệ Đối tác toàn diện và sâu rộng giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” cùng với “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ về quan hệ quốc phòng, định hướng hợp tác quốc phòng thời gian tới.”

Nếu hai bên đồng ý thêm về việc gia tăng các chuyến thăm viếng Việt Nam của hải quân Mỹ, nhất là cảng Cam Ranh, thì cuộc công du của ông Trọng sẽ đánh dấu một thỏa thuận quan trọng về phương diện chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Quan trọng hơn vì người ta thường cho rằng Đảng CSVN mà ông Trọng là người lãnh đạo tối cao có khuynh hương thân TQ, chống đi với Mỹ. Nếu ông Trọng làm được việc này, nó là chỉ dấu cho thấy có sự đồng thuận quan trọng trong nội bộ Việt Nam giữa Đảng và Nhà nước về chính sách đối với Mỹ trong thế cân bằng quyền lực với TQ. Sự đồng thuận này sẽ làm căn bản cho chính sách của các nhà lãnh đạo VN tương lai, sau Đại Hội Đảng năm 2016.

Mặc Lâm: Một lần nữa xin cám ơn GS Nguyễn Mạnh Hùng. – RFA