Tin Việt Nam – 5/9/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 5/9/2015

TS Lê Đăng Doanh: Tác động tỷ giá đã lộ diện

Ngày 1/9/2015 Ủy ban Gíam sát Tài chính Quốc gia ra khuyến nghị nói rằng Việt Nam chưa nên điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế-xã hội sau việc Trung Quốc ba lần liên tiếp phá giá nhân dân tệ và Ngân hàng Nhà nước cũng nhanh chóng điều chỉnh tỷ giá. Nam Nguyên phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập về vấn đề liên quan, cuộc phỏng vấn qua điện thoại đã diễn ra trong lúc ông đang có mặt ở Cần Thơ để tham dự một cuộc hội thảo.

Chưa thể hiện một cách toàn diện

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, đã ba tuần sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ và Việt Nam cũng có hành động tương tự. Thưa cho đến nay có thể đánh giá sơ bộ mức độ ảnh hưởng đối với Việt Nam hay chưa?

TS Lê Đăng Doanh: Cho đến nay thì các tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đối với Việt Nam nó mới bắt đầu lộ ra, chứ nó chưa thể hiện một cách toàn diện. Ví dụ như hôm nay thì mới biết là bên Than Khoáng sản do điều chỉnh tỷ giá họ lỗ 1.200 tỷ, rồi thì ngành điện cũng lỗ… họ dự kiến sẽ tính vào giá điện và như vậy sẽ tăng giá lên.

Một loạt các doanh nghiệp khác chắc cũng sẽ gặp khó, vì vậy cho nên tôi nghĩ rằng, cho đến nay tác động của việc điều chỉnh tỷ giá ở Việt Nam nó mới dần dần lộ ra. Còn một tác động nữa không thể xem thường, là có sự buôn lậu và biên mậu rất lớn từ Trung Quốc. Chúng ta đều biết chênh lệch nhập khẩu từ Trung Quốc do Tổng cục Thống kê của Việt Nam công bố thì thấp hơn con số của cơ quan thống kê của Trung Quốc khoảng 20 tỷ đô la. Với 20 tỷ đô la đó nhân lên với tỷ giá 21.000 đồng/USD thì chúng ta có thể thấy rằng lượng hàng hoá của Trung Quốc tràn vào Việt nam lớn như thế nào. Thế bây giờ hàng hóa đó lại còn rẻ hơn nữa thì chuyện này chưa đánh giá được hết là tác động của biên mậu và việc buôn lậu nó sẽ như thế nào.

Nam Nguyên: Thưa về việc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nói là chưa cần điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế-xã hội thì có là thụ động hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Việc đánh giá như vậy là đánh giá dựa trên các biểu hiện cho đến bây giờ và cho đến bây giờ thì nó mới bộc lộ ra dần dần. Tôi nghĩ rằng, hiện nay chưa có một tính toán trên cơ sở mô hình hay định lượng nào về tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ và điều chỉnh tỷ giá của đồng Việt Nam đối với các doanh nghiệp Việt Nam và đối với kinh tế Việt Nam. Tôi nghĩ việc đó là cần phải làm trong thời gian tới đây.

Nam Nguyên: Thưa, trong các khuyến nghị của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, thì cũng có nói là tâm lý thị trường đóng vai trò vô cùng quan trọng, nếu phần lớn các nhà kinh doanh, nhà đầu tư có cùng cảm nhận và phản ứng thì sẽ tạo một lực cung cầu rất lớn vượt tầm kiểm soát của các chính phủ. Thưa mức độ liên thông của Việt Nam với thế giới hiện nay như thế nào, nếu như có một kịch bản như thế xảy ra thì Việt Nam sẽ ra sao?

TS Lê Đăng Doanh: Tình hình kinh doanh của Việt Nam từ nay đến cuối năm và đầu năm 2016 sẽ còn diễn biến và tôi nghĩ đấy là một ý kiến đánh giá của Ủy ban thôi. Còn các anh em chuyên gia kinh tế của chúng tôi thấy là cần phải tiếp tục theo dõi và tiếp tục xem xét diễn biến như thế nào, chứ chúng tôi chưa dám có kết luận cuối cùng.

Nam Nguyên: Ủy ban cũng khuyến nghị là phải sẵn sàng với kịch bản xấu nhất, giả dụ như thế thì theo Tiến sĩ Việt Nam sẽ phải co cụm phải đối phó bằng những biện pháp gì?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ cách tốt nhất là đẩy mạnh cải cách, kể cả cải cách thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh và các doanh nghiệp cũng phải có sự điều chỉnh. Hiện nay tôi đang ở Cần Thơ và tôi vừa dự cuộc Hội thảo về kết nối các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ. Tôi thấy là tinh thần các doanh nghiệp ở đây là rất cố gắng, họ muốn nắm bắt tình hình và sẽ có sự điều chỉnh để có thể cạnh tranh tốt hơn trong thời gian tới. Tôi thấy đó là tín hiệu rất đáng mừng của 500 doanh nghiệp có mặt hôm nay (4/9/2015) ở Cần Thơ.

Nam Nguyên: Thưa, Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa chốt lại đề xuất tăng lương tối thiểu 2016 là 12,4% thôi, nó rất khác biệt với mức 16,8% mà Tổng Liên đoàn Lao động đưa ra và Phòng Thương mại Công nghiệp thì nói chỉ nên tăng lương 10% thôi. TS nhận định gì về việc này?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ đấy là sự thỏa hiệp có lẽ là các bên có thể chấp nhận được. Còn đối với doanh nghiệp thì nguyên tắc là chỉ có thể tăng lương trên cơ sở tăng năng suất lao động; mà nếu chưa tăng năng suất lao động mà đã tăng lương thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn rất lớn.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã trả lời Đài RFA. – RFA

Đài RFA ‘hủy hợp đồng’ với ông Lê Diễn Đức

Đài Á châu Tự do (RFA) vừa ‘hủy hợp đồng’ với một nhà báo, blogger người Việt ở hải ngoại, sau một số bình luận của ông về điều được cho là ‘thất bại’ của Việt Nam Cộng hòa và Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam, theo nhà báo, blogger này.

Trả lời BBC ngày 5/9, ông Lê Diễn Đức nói đài RFA đã có quyết định trên do “bị áp lực dư luận rất nặng nề”.

“Họ thông báo ngưng hợp đồng với tôi hôm nay và gỡ mục báo xuống”, ông nói thêm.

“Tôi vẫn bình tâm và tiếc là RFA đã làm như thế”.

Hôm 30/8, ông Đức đã có bình luận trên Facebook với nội dung chỉ trích thất bại của quân đội Việt Nam Cộng hòa trong Chiến tranh Việt Nam và của Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam – do Phó đề đốc Chuẩn tướng Hải quân Việt Nam Cộng hòa Hoàng Cơ Minh lãnh đạo vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam được ông Hoàng Cơ Minh thành lập vào ngày 30/4 năm 1980 tại Nam California, Hoa Kỳ, đúng 5 năm sau khi ông di tản khỏi Việt Nam ngày Sài Gòn sụp đổ.

Đến năm 1981, tổ chức này đóng căn cứ gần biên giới Thái Lan – Lào, nơi ông Minh tổ chức đại hội lập ra Việt Nam Canh tân Cách mạng đảng (Việt Tân) một năm sau đó.

Lực lượng của Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam được nói là vào khoảng 200 người, trong đó bao gồm một số sỹ quan của quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Trong giai đoạn từ 1982-1987, tổ chức của ông nhiều lần tiến hành các đợt hành quân nhằm xâm nhập vào Việt Nam để xây dựng căn cứ nhưng đều thất bại trước sự chống trả của quân đội Việt Nam, Lào, Campuchia.

Các đợt tiến quân bất thành cũng khiến lực lượng của tổ chức này bị tổn thất nặng nề, với nhiều thành viên bị chết trận hoặc bắt sống.

Trong cuộc hành quân cuối cùng vào tháng Tám năm 1987, ông Hoàng Cơ Minh bị thương và sau đó tự sát.

Bình luận gây tranh cãi

Bình luận trên trang Facebook cá nhân ngày 30/8 của nhà báo Lê Diễn Đức viết:

“Cả hàng trăm ngàn quân lính trong tay, vũ khí xềnh xàng mà còn bị bộ đội Bắc Việt đánh cho tan tành, chạy chít chết, cuối cùng phải đầu hàng, thì vài chục người đi qua rừng núi Thái Lan dựng “chiến khu” với mục đích Đông Tiến, phục quốc chỉ là trò cười, ảo tưởng, chứ anh hùng cái nỗi gì.”

“Đây đích thực là một cuộc làm chiến khu giả lừa gạt bà con hải ngoại nhẹ dạ để kiếm tiền, không hơn không kém!”

“Niềm tin vào những anh hùng vị quốc vong thân ấy là niềm tin ngô nghê, mù quáng.”

Bình luận này sau đó đã bắt gặp sự phản đối từ một số nhà báo, blogger nổi tiếng trong và ngoài nước.

“Khi Lê Lợi mới khởi nghĩa đánh quân Minh, nếu lúc đó có anh Lê Diễn Đức, anh sẽ nói, quân Hồ Quý Ly có hàng vạn người trang bị chính quy mà còn bị chúng nó (quân Minh) đánh cho tan tác, thì một dúm nông dân thiếu đói của các ông làm nên trò trống gì?”, blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết từ trong nước.

Một ý kiến khác của luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada thì cho rằng “lịch sử rồi sẽ soi rọi và làm sáng tỏ những khúc quanh này nhưng bây giờ tôi chỉ mong các bạn nên có cái nhìn bao quát và đa chiều, nên tôn trọng những người đã nằm xuống và nên xem họ như nếu không thành công cũng thành danh”.

Phản hồi lại các ý kiến này, ông Lê Diễn Đức viết trong các bình luận ngày 31/8 trên trang Facebook cá nhân của ông:

“Một status đưa ra nhận định về một sự thật, nhưng cái viên thuốc đắng ấy không thể chữa hết bệnh cho những người thiếu can đảm và cực đoan.”

“Tôi không hề có ý khinh rẻ Việt Nam Cộng hòa, mà chỉ sử dụng một số từ mang tính hài hước, giễu cợt như “vũ khí xềnh xàng”, “chạy chí chết” (mà thực tế là như thế), nhằm so sánh cái “chiến khu” vớ vẩn của Mặt trận Hoàng Cơ Minh. Một số bạn đã không hiểu hết ý của tôi,” trang FB cá nhân của ông Đức viết.

BBC chưa có điều kiện liên lạc với cơ quan truyền thông mà ông Lê Diễn Đức đề cập ở trên để kiểm chứng thêm về các chi tiết. – BBC