Đảng CSVN thăm dò về nhân sự cấp cao với hội nghị TƯ 10
Hội nghị toàn thể lần thứ 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa khai mạc sáng nay ngày 5/1 tại Hà Nội với nhiều nghị trình quan trọng chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 12.
Tại hội nghị lần này, diễn ra trễ hơn so với dự kiến, các ủy viên trung ương Đảng dự kiến sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các lãnh đạo chủ chốt trong Đảng do họ bầu ra.
Một nhà quan sát từ trong nước nói với BBC rằng ông ‘không hy vọng nhiều lắm’ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng vốn chưa từng có tiền lệ trước đây.
Văn kiện và nhân sự
Hội nghị Trung ương 10 diễn ra trong lúc chỉ còn một năm nữa là đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào đầu năm 2016.
Thông tấn xã Việt Nam dẫn phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị 10 sẽ bàn về công tác nhân sự cho khóa tới.
Theo đó, hội nghị sẽ ‘cho ý kiến về việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược’ và ‘giới thiệu nguồn bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư’.
Từ bây giờ cho đến ngày Đại hội sẽ có hàng loạt đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành, các cơ quan, ban, ngành và hậu trường Đảng cũng nóng lên với việc chuẩn bị nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa tới.
Theo nghị trình được trang mạng VOV tường thuật thì Hội nghị 10 sẽ tập trung ‘thảo luận và thông qua các dự thảo văn kiện trình Đại hội 12’, trong đó quan trọng nhất là Báo cáo chính trị và Báo cáo Kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, hội nghị này ‘cũng quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác’, VOV cho biết nhưng không nói rõ là vấn đề gì.
Kết quả sẽ có ảnh hưởng?
Trao đổi với BBC, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, người từng là phó chủ tịch Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Nhi đồng của Quốc hội, dự đoán kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng ‘sẽ có ảnh hưởng nhất định’ tới chức vụ các vị trong Bộ Chính trị lưu nhiệm trong khóa tới.
“Những ai phiếu thấp quá chắc chắn có ảnh hưởng,” ông giải thích, “Những ai phiếu rất cao thì đó là sự hỗ trợ rất tốt cho họ để tiếp tục ứng cử vào khóa tới.”
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài diễn văn khai mạc được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời nói việc lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ giúp Bộ Chính trị ‘có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ’.
Các cán bộ được đưa ra đánh giá tín nhiệm mà ông Trọng nói tới là các ủy viên Bộ Chính trị và các thành viên Ban bí thư. Một số vị trong Bộ Chính trị còn đủ tuổi sẽ tiếp tục ở trong Bộ Chính trị và lên nắm các vị trí chủ chốt của đất nước.
Về kỳ vọng ở đợt lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng lần này, ông Thuyết nói rằng ‘sẽ như ở Quốc hội thôi’.
“Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là một sự thể hiện nhất định sự tín nhiệm của các ủy viên trung ương đối với một số chức danh,” ông Thuyết nói.
“Rút kinh nghiệm ở Quốc hội tôi thấy là có lẽ những kết quả ấy không thể hiện được rõ lắm sự đánh giá của những người bỏ phiếu cũng như đánh giá của người dân,” ông nói thêm và cho biết Đảng ‘cũng có rút những kinh nghiệm nhất định’ từ việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội.
Về tính công bằng khách quan của việc lấy phiếu, ông Thuyết tỏ vẻ nghi ngờ và nói ông ‘không tin kết quả sẽ làm cho người dân hài lòng’.
“Qua những gì đã diễn ra mấy năm nay tôi nghĩ lá phiếu cũng không hoàn toàn chính xác đâu. Việc lấy phiếu dễ có yếu tố cảm tính xen vào,” ông nói.
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 12 đã có những ‘thăm dò’ về các vị trí lãnh đạo cao cấp chiến lược trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, theo một nhà quan sát từ Hà Nội.
Bình luận với BBC hôm 05/01/2015 về Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 vừa nhóm họp hôm thứ Hai, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nói:
“Theo thông tin mà tôi có được, đã có những cuộc thăm dò ý kiến ở trong Ban chấp hành Trung ương và cũng đã có sự thăm dò với các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng về những vị trí chủ chốt.
“Thí dụ như là vị trí Tổng Bí thư, ví dụ các vị trí như Chủ tịch Nước, như Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các vị trí khác.
“Dựa trên kết quả tham khảo đó, cũng như dựa trên kết quả của bỏ phiếu tín nhiệm, chắc kỳ này Trung ương sẽ lại có một ý kiến một lần nữa về các tiêu chí, tức là độ tuổi, rồi các tiêu chí cần thiết để bầu vào các chức danh đó.
“Và có thể cũng có một số những vị trí thì có những dự kiến có tính chất tham khảo, chứ chưa phải là dự kiến ông A, ông B nào đấy có tính chất quyết định, nhưng có tính chất để tham khảo.”
‘Hạn chế ứng cử, đề cử?’
Theo nhà quan sát, sẽ có một văn kiện quan trọng mang tính định hướng về nguyên tắc xem xét và lựa chọn các vị trí, chức danh lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước được đưa ra bàn thảo trong hội nghị này.
Tiến sỹ Doanh cho biết thêm: “Điều thứ hai cũng rất quan trọng mà chắc sẽ trình ra Trung ương và Trung ương sẽ cho ý kiến, tức là quy chế bầu cử – Chỉ thị 244 đã được ban hành.
“Trong đó có những quy định xác định những ứng cử viên phải được Cấp ủy đương nhiệm đề cử ra, thì lúc bấy giờ mới được chấp nhận. Thí dụ như là trong Bộ Chính trị hiện nay, nếu ai muốn được ứng cử, thì phải được Bộ Chính trị đề cử ra, thì người ấy mới được ứng cử.
“Nếu không có, sẽ không có quyền tự ứng cử, nếu như Bộ Chính trị không đề ra. Và quy định này sẽ hạn chế rất nhiều hoạt động của bản thân Đại hội.
“Trong những kỳ họp trước, Trung ương dự kiến một danh sách để bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, nhưng cũng có người tự ứng cử.
“Và trong số những người tự ứng cử và những người đề cử đó, cũng có những người đã trúng cử và cũng hoạt động có kết quả, chứ không phải là không có kết quả.”
Theo Tiến sỹ Doanh, nếu được chấp nhận, Chỉ thị 244 có thể gây hạn chế cho dân chủ, đổi mới trong Đảng ở Đại hội tới đây.
Ông nói: “Nếu với công thức và theo Chỉ thị 244 này mà được Trung ương chấp nhận, thì quyền hạn tự ứng cử và quyền hạn đề cử của Đại hội sẽ bị hạn chế đi rất nhiều. Và tôi nghĩ điều này không thể hiện một tinh thần mở rộng dân chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Trong cuộc trao đổi hôm thứ Hai, nhà phân tích chính trị-xã hội Việt Nam cũng phân tích về bốn nội dung mà ông cho là có tính quan trọng đối với kỳ Hội nghị mang tính chất chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 12 dự kiến nhóm vào đầu năm 2016. – BBC