Tin Việt Nam: Cứu Agribank để tránh sụp đổ đây chuyền

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam: Cứu Agribank để tránh sụp đổ đây chuyền

Tổng nợ xấu của Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Agribank khoảng 40.000 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 1/4 tổng nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng ở Việt Nam. Kiểm toán Nhà nước vừa chính thức báo động tình trạng nguy ngập của Agribank. Những giải pháp nào có khả năng được nhà nước thực hiện để cứu ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất Việt Nam khỏi bị sụp đổ và gây ảnh hưởng dây chuyền.

Cần bao nhiêu bài học Vinashin, Vinalines nữa

Nếu để cho Agribank phá sản thì chính phủ phải đợi một thời gian nữa. Phải tới ngày 1/1/2015 Luật Phá sản sửa đổi bổ sung mới có hiệu lực thi hành. Luật mới có nội dung qui định vấn đề phá sản của các tổ chức tín dụng.

Tuy vậy vấn đề không đơn giản, Agribank là Ngân hàng thương mại quốc doanh gần như lớn nhất trong hệ thống với tổng tài sản lên tới 500.000 tỷ. Agribank đã có lịch sử 26 năm, qui chế của nó có nhiều lần điều chỉnh nhưng luôn luôn là quốc doanh. Kể từ 2011 Agribank được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuyển đổi hoạt động sang mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ. Tổng vốn điều lệ của Agribank là 29.605 tỷ đồng và trên thực tế số vốn này đã bị mất hết, không những thế tổng nợ xấu và nợ khó đòi còn vượt vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ. Điều đáng lưu ý, những khoản cho vay có vấn đề của Agribank không phải là tín dụng phát triển nông nghiệp mà ở các lĩnh vực bất động sản hoặc đầu tư ngoài ngành.

Theo Phó Giáo sư Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nếu Agribank sụp đổ nó sẽ gây hiệu ứng Domino cho toàn hệ thống, do vậy Nhà nuớc sẽ phải tìm cách cứu vãn. Ông nói:

“Không phải chỉ một cái Ngân hàng Nông nghiệp này mà bài học Vinashin, Vinalines một số đơn vị kinh tế nhà nước đã làm thất thoát thâm thủng rất nhiều. Nhưng vì cái mục tiêu Hiến pháp đã qui định kinh tế Nhà nước là chủ đạo, phải cải tổ cải cách lại làm sao thực sự có hiệu quả. Nếu không cải cách lại thì đây là một vấn nạn, một gánh nặng cho nền kinh tế đặc biệt là người phải chịu ảnh hưởng lớn nhất là người dân, tiền thuế của dân đóng vào, sử dụng tiền ấy vào những việc làm ăn không có hiệu quả. Hiện nay thực chất ngân sách Việt Nam không lành mạnh, lạm phát, bội chi luôn tăng cao từ 4,8 tới 5,3%. Trong bối cảnh như vậy ngân sách khó khăn mà lại phải đi xử lý những hiện tượng này thì hoàn toàn là một gánh nặng. Một điều mà Nhà nước phải trả giá rất là lớn cho nên đòi hỏi phải cải tổ cải cách đặc biệt về kinh tế quốc doanh làm sao thực sự có hiệu quả để tránh lập lại vết xe đổ.”

Yếu kém trong việc quản trị ngân hàng

Trong câu chuyện với chúng tôi, TS kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập hiện sống và làm việc ở Saigon đã nối kết sự kiện Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Phá sản 2014 sửa đổi bổ sung, dành hẳn một chương dài để tuyên bố đánh giá các tổ chức tín dụng có thể lâm vào vòng phá sản và có thể cho phá sản và động thái ít lâu sau của Ngân hàng Nhà nước. Đó là việc lần đầu tiên đưa ra tuyên bố về khả năng giảm một nửa trong tổng số hơn 30 tổ chức tín dụng ngân hàng của Việt Nam. Mô tả sự kiện vừa nêu bằng một nhóm từ dân gian “họ muốn buông” các tổ chức ngân hàng yếu kém. TS Phạm Chí Dũng tiếp lời:

“Hiện nay không chỉ có 9 ngân hàng rơi vào tình trạng yếu kém như Ngân hàng Nhà nước công bố. Thực ra có đến 2/3 số ngân hàng là không bảo đảm khả năng hoạt động, không bảo đảm khả năng thanh toán và cũng khó mà trụ nổi một khi mối quan hệ sở hữu chéo, chồng chéo với nhau dẫn tới hệ lụy nợ xấu liên quan tới nhau. Khi một ngân hàng đổ bể thì sẽ dẫn tới hàng loạt ngân hàng khác. Tóm lại chỉ có khoảng 1/3 số ngân hàng có thể trụ lại nhưng không phải là hoàn toàn bền vững. Thậm chí người ta đặt vấn đề rằng ngay cả ngân hàng nằm trong tốp 5 như BIDV, Agribank, Vietinbank hay Vietcombank đều có khả năng đội nón ra đi nếu không được quản trị cẩn thận.

Vấn đề quản trị ngân hàng là một trong những yếu kém nhất của Việt Nam. Chúng ta vừa thấy bằng chứng đó là Agribank và nếu như vấn đề Agribank không được giải quyết rốt ráo ngay lập tức, như là lời của một kiểm toán viên cơ quan kiểm toán Nhà nước, thì chắc chắn Agribank phải đối diện với rất nhiều thách thức và lúc đó có khả năng, tôi muốn nói là rất nhiều khả năng Agribank sẽ trở thành trường hợp ngân hàng Lehman Brothers của Hoa Kỳ.”

Xin nhắc lại vụ phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers tháng 9/2008 được cho là lớn nhất trong lịch sử với khoản nợ khổng lồ 613 tỷ USD. Nó là một trong các nhân tố của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành ở Hà Nội, không thể cho phá sản hay giải thể Agribank vì nó là một dạng ngân hàng chính sách của Chính phủ, nó rất cần thiết cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ông Thành cho là trong quá khứ Việt Nam lập ra những ngân hàng để lo riêng từng lãnh vực như nông nghiệp, công thương, ngoại thương. Nhưng về sau tất cả các ngân hàng này mở rộng hoạt động trong mọi lãnh vực tương tự như nhau. Vị chuyên gia đặt câu hỏi tại sao không sáp nhập những ngân hàng này lại một cách sớm sủa và có biện pháp quản lý chặt chẽ. Chuyên gia Bùi Kiến Thành đề nghị truy trách nhiệm cao nhất trong vụ việc Agribank, mặc dù nhiều giới chức lãnh đạo của Agribank ở trung ương và địa phương đã lần lượt bị bắt và khởi tố.

“Nhà nước đẻ nó ra thì nhà nước phải quản lý nó cho tốt. Nó làm thất thoát như thế thì ngân sách phải gánh chịu. Như vậy phải xem ai phải chịu trách nhiệm về hoạt động của những ngân hàng chính sách ấy, đó là chính phủ hay là Ngân hàng Trung ương hay là ai. Ai trách nhiệm trực tiếp về vấn đề hoạt động sai qui định gây ra những thất thoát lớn như thế đối với Ngân hàng Nông nghiệp thì phải làm rõ ràng việc đó ra.”

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang đứng trước một nan đề, nếu tăng vốn cho Agribank bằng tiền ngân sách thì càng gây khó khăn hơn và có thể làm nền kinh tế sa lầy thêm. Giải pháp thứ nhì là tái cơ cấu bằng hình thức sáp nhập, nhưng điều này cũng khó vì Agribank quá lớn và ngập trong nợ. Giải pháp thứ ba được đề cập tới là cổ phần hóa Agribank và xem xét tỷ lệ cổ phần mà nhà nước muốn nắm giữ.

Theo các chuyên gia tất cả ba giải pháp đều không trọn vẹn và nói cách khác Agribank chính là con tàu đắm Vinashin của ngành ngân hàng. Cứ trông vào Vinashin và những giải pháp chắp vá để nhìn về tương lai Agribank. – RFA