Tin Việt Nam – 3/2/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 3/2/2015

Bệnh tình ông Bá Thanh ‘nặng nhưng khá hơn’ [LMN: Chuẩn bị dư luận trước khi chính thức khai tử ông Thanh]

Bệnh tình của Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh đang ở trong “giai đoạn nặng”, dù thể trạng có khá hơn so với thời gian điều trị tại Hoa Kỳ.

Thông tin trên được Giáo sư Phạm Gia Khải, thành viên Ban Chăm sóc Sức khỏe Trung ương, nói với BBC trong cuộc phỏng vấn hôm 3/2.

“Ông Thanh đầu tiên được chẩn đoán là bị rối loạn sinh tủy. Biểu hiện ban đầu là giảm hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu”.

“Sau một thời gian thì chuyển sang giai đoạn tăng bạch cầu, tức là bệnh đã chuyển thành ung thư máu”.

“Đây là giai đoạn bệnh đã trở nên nặng”.

Giáo sư Khải cho biết các chuyên gia Việt Nam đang kết hợp các biện pháp đông tây để điều trị cho ông Thanh.

“Chúng tôi đang tiếp tục giảm bạch cầu như bên Singapore và bên Mỹ. Tại Việt Nam chúng tôi vẫn truyền máu, truyền tiểu cầu, hồng cầu và giảm bạch cầu xuống”, ông nói.

“Từ khi về nước, ông có dùng thêm thuốc kháng sinh dân tộc, dùng thảo dược nhiều hơn”.

“Lượng bạch cầu hiện đã giảm xuống khoảng 5-6% so với tổng số bạch cầu, dù vẫn cao nhưng có giảm so với trước đây.”

“Thứ hai là ông ấy đã điều trị về hóa chất khá mạnh tại Hoa Kỳ. Trung tâm ông ấy điều trị ở Seattle đã làm tương đối tốt.”

Mắc nhiều bệnh khác

Tuy nhiên, bệnh tình của ông Thanh cũng bị làm cho phức tạp bởi các bệnh khác, ông Khải nói thêm.

“Do dùng nhiều hóa chất nên tế bào gan bắt đầu bị tổn thương. Men gan đã tăng rất nhiều”, ông cho biết.

“Chúng tôi nhận thấy đây là viêm gan do hóa chất, không phải do vi trùng.”

“Trước đây ông từng bị viêm gan B. Đây là bệnh khó tránh khỏi khi dùng hóa chất.”

“Thời gian vừa qua chúng tôi cũng cho thuốc để thải chất độc trong gan ra.”

“Ông còn có bệnh áp xe hậu môn. Bệnh này thì mắc từ lâu rồi, nhưng khi bị rối loạn sinh tủy thì lại nặng lên. Chúng tôi còn phải chữa cái đó nữa.”

“Trước mắt phải tẩy trùng chỗ bị tổn thương và thông chỗ bị rò ở hậu môn.”

Giáo sư Khải cho biết tình trạng của ông Thanh vẫn “chưa nguy kịch”, và “có khá hơn” so với lúc mới về nước, dù thừa nhận “vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mắt”.

“Ông đã giữ được lâu hơn, đó là sự cố gắng chung của anh em tổ điều trị. Đó cũng là sự cố gắng của gia đình và cá nhân ông Thanh”, ông nói.

‘Không nên lạc quan’

Trước thông tin một số báo trong nước đưa về việc ông Thanh đã “đi lại, nói chuyện được”, giáo sư Khải cho rằng “không nên lạc quan đến mức đó”.

“Thì cũng có lúc đứng lên được. Nhưng không nên lạc quan đến mức đó đâu. Có khá hơn nhưng tất nhiên là không thể ở mức chúng tôi mong muốn được”.

“Ông ấy ăn uống khá hơn, chỉ số sinh hoạt tương đối khá hơn”, ông nói.

Tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh trở thành chủ đề được dư luận quan tâm một thời gian nay.

Hôm 7/1, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ đã có cuộc “tiếp xúc” với truyền thông trong nước và khẳng định: “Trên mạng có nhiều thông tin xấu độc, chia rẽ nội bộ, tung tin. Phải sàng lọc thông tin, không thể nghe bất kỳ thông tin nào trên mạng. Hoàn toàn không có chuyện đó.”

“Báo chí không được biến đây thành thông tin bất thường, giật gân câu khách. Mạng xã hội đưa thông tin xấu là ông Thanh bị đầu đọc bằng phóng xạ, đấu đá tranh giành quyền lực… phải phản bác để định hướng dư luận.

Ông Nguyễn Bá Thanh bị bệnh từ tháng 5/2014, được đưa vào bệnh viện 108 để điều trị rối loạn sinh tủy. Sau đó, ông được đưa sang Singapore điều trị và giữa tháng Tám được đưa sang Hoa Kỳ. – BBC

Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn ‘Phải ngăn chặn thông tin xấu, độc hại’ [LMN: blog Chân Dung Quyền Lực từ từ lu mờ, xong vai trò]

Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam nói nhà chức trách sẽ có ‘biện pháp toàn diện để ngăn chặn thông tin xấu, độc hại’ trên mạng xã hội.

Ông Trương Minh Tuấn đã đề cập tới các trang mạng mà ông mô tả là: “trên mạng xã hội, có những trang blog chống đối quyết liệt Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, nói xấu nhiều lãnh đạo cao cấp, như trang quanlambao, danlambao… cùng hàng loạt blog khác nữa.”

Báo VnExpress dẫn lời ông thứ trưởng nói các thông tin này “nếu không kịp thời ngăn chặn, giải quyết sẽ gây tác động rất lớn đến tâm tư nguyện vọng, tình cảm của người dân, gây ra sự hoài nghi trong xã hội”.

“Chúng tôi đã khuyến cáo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin chính thống trên phương tiện thông tin đại chúng để chống lại các trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài đưa thông tin phản động.”

Ông Trương Minh Tuấn cảnh báo: “Tới đây, cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp toàn diện hơn để ngăn chặn thông tin xấu độc hại trên mạng”.

Tuy nhiên ông không nói rõ các “biện pháp toàn diện” là gì và có phải chính quyền sẽ tăng cường kiểm soát mạng xã hội hay không.

Cũng chính ông thứ trưởng, trong chương trình truyền hình “Đối thoại và Chính sách” của kênh VTV1 tối thứ Tư 14/, đã cảnh báo “các thế lực thù địch cũng như kẻ xấu đã lợi dụng” internet và các mạng xã hội “để tấn công vào nước ta bằng nhiều chiêu bài khác nhau”.

“Có thể gọi chung đây là tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật Việt Nam. Loại tội phạm này có thể bị xếp vào những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước”.

Ông Tuấn kêu gọi người dân “cảnh giác, tẩy chay thông tin độc hại, không tiếp tay cho tội phạm thông tin ảo lan truyền thông tin”.

Không thể ngăn mạng xã hội

Thế nhưng vị quan chức cao cấp phụ trách thông tin và truyền thông nói thêm rằng Việt Nam “không có chủ trương ngăn chặn mạng xã hội”.

Dường như ông nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nói tại Hội nghị tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của Văn phòng Chính phủ hôm 15/1, rằng “mạng xã hội đã trở thành nhu cầu thiết yếu và không thể ngăn cấm”.

Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ có phát biểu công nhận vai trò của các mạng xã hội, mà những năm gần đây đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.

Ông Dũng thừa nhận: “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn, chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí.”

“Phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng.”

Các nguồn tin từ trong nước nói một số mạng xã hội như Facebook đôi khi không truy cập được.

Các trang blog đăng nhiều thông tin “nhạy cảm” như Quan làm báo, Dân làm báo, hay gần đây là Chân dung Quyền lực, đều bị chặn dữ dội. – BBC

TBT Nguyễn Phú Trọng: ‘160 nghìn Đảng viên hy sinh’, không nói gì về Chiến tranh Biên giới 1979 với TQ cùng cuộc chiến Campuchia.

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng nói “Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có gần 160.000 đảng viên hy sinh…”

Trong bài diễn văn kỷ niệm 85 năm thành lập đảng hiện đang cầm quyền tại Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng không nêu có bao nhiêu người dân và quân nhân, cán bộ không phải đảng viên bị thiệt mạng trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, và không nói gì về Chiến tranh Biên giới 1979 với Trung Quốc cùng cuộc chiến Campuchia.

Theo bài đăng trên trang của Đài Tiếng nói Việt Nam ( VOV), ông nhấn mạnh đến hai cuộc chiến ‘chống thực dân, đế quốc’:

“Chỉ riêng cuộc ‘khủng bố trắng’ của thực dân Pháp trong những năm 1931-1932, đã có hàng vạn cán bộ, đảng viên và những người yêu nước bị giam cầm, tù đày, giết hại…”

“Trong các nhà tù khét tiếng của địch như Côn Đảo, Sơn La, Hoả Lò, Lao Bảo, Phú Quốc… giam cầm, tra tấn hết sức dã man những người cộng sản; riêng ở nhà tù Côn Đảo có 793 đồng chí hy sinh; ở Kon Tum có 339 đồng chí bị thủ tiêu.”

“Trong những năm 1954-1959, ở miền Nam có 466.000 đảng viên và những người yêu nước bị bắt giam, 400.000 người bị đưa đi đày và 68.000 người bị giết.”

“Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có gần 160.000 đảng viên hy sinh…”, Trọng cho biết.

Cuộc chiến Mỹ-Việt

Theo thống kê quốc tế, vào năm 1961, cả hai miền Nam Bắc Việt Nam có 31 triệu người, trong đó miền Bắc là 17 triệu, miền Nam 14 triệu người.

Năm 1975 cả nước có 47,6 triệu người, trong đó miền Nam khoảng 20-21 triệu.

Trang Bách khoa Toàn thư Anh Quốc Britannica viết rằng trong cuộc chiến Mỹ-Việt, “có 2 triệu thường dân và chừng 1,1 triệu quân nhân Bắc Việt và lực lượng cộng sản miền Nam bị chết”.

Trang này cho hay họ lấy lại số liệu từ chính phủ CSVN mà phải đến năm 1995 mới công bố ra về số thường dân và quân nhân của họ bị thiệt mạng.

Các sử liệu quốc tế cho rằng các trận giao tranh và những đợt bom đạn khủng khiếp nhất chủ yếu diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, Lào và Campuchia.

Miền Bắc Việt Nam bị Hoa Kỳ oanh kích nhiều lần, gồm cả trận ném bom bằng B-52 vào Giáng Sinh năm 1972.

Trong một đợt ném bom này, có hơn 1000 thường dân miền Bắc bị thiệt mạng, theo Rebecca Kesby trong một bài trên trang BBC World Service.

Còn về thương vong của phía miền Nam và các nước khác, Britannica viết:

“Nguồn của Mỹ ước tính VNCH bị giết chừng 200 nghìn đến 250 nghìn quân, và quân Mỹ là 57 nghìn 939 người.”

“Trong số các nước tham chiến giúp Nam Việt Nam, Đại Hàn có hơn 4000 quân chết, Thái Lan 350, Úc hơn 500 và New Zealand chừng hơn ba chục quân.” – Theo BBC