Tin Việt Nam – 31/10/2016
Nếu Đảng tự nhốt quyền lực trong “lồng pháp luật”
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển kinh tế và sự tồn vong của chế độ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri Hà Nội hôm 7/10/2016 là cần có cơ chế kiểm soát quyền lực và phải nhốt quyền lực trong “lồng luật pháp”.
Cần chống tham nhũng từ gốc
Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên thực hiện qua điện thoại vào tối 28/10/2016, TS Nguyễn Thanh Giang một nhà hoạt động ở Hà Nội mô tả điều ông gọi là “hai buồng trứng cơ bản” đẻ ra tham nhũng, thứ nhất đất đai là tài sản toàn dân, thứ hai kinh tế quốc doanh làm chủ đạo… Vẫn theo TS Nguyễn Thanh Giang, ở Việt Nam tài nguyên, đất đai về hình thức là của toàn dân, nhưng các thế lực, những người có quyền có chức đã lạm dụng quyền sử dụng… tình trạng này sản sinh ra lợi ích nhóm và chiếm đoạt đất đai của nhân dân để làm giàu. Hiện nay giai cấp tư bản Đỏ kếch xù hơn tư bản ngày xưa đã từng bị Đảng Cộng sản Việt Nam tiêu diệt. TS Nguyễn Thanh Giang nhấn mạnh:
Tôi cho là chống tham nhũng bằng cách chống những người tham nhũng thì không đời nào chống được, mà phải chống cái nguyên nhân sản sinh ra những người tham nhũng.
-TS Nguyễn Thanh Giang
“Tôi cho là chống tham nhũng bằng cách chống những người tham nhũng thì không đời nào chống được, mà phải chống cái nguyên nhân sản sinh ra những người tham nhũng.”
Ở các nước dân chủ áp dụng chế độ tam quyền phân lập, Hành pháp – Lập pháp – Tư pháp có vị thế độc lập và giám sát lẫn nhau cho nên quyền lực được giám sát có hiệu quả. Trong khi đó ở Việt Nam, trước trào lưu mong muốn cải cách chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay từ năm 2012 đã tái khẳng định Việt Nam không theo thể chế tam quyền phân lập.
Điều 4 Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tuy rằng, có thêm một ít dòng được cho là mới mẻ, đó là “Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.” Ông Nguyễn Phú Trọng cũng như các giới chức cao cấp của Đảng và Nhà nước luôn có chung một cách lập luận, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Nhốt quyền lực sẽ trói tay Đảng
Được biết, ngày 7/10 khi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói phải có cơ chế kiểm soát quyền lực và nhốt quyền lực vào lồng pháp luật. TS Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội nhận định:
“ Mãi cho tới gần đây ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới nói được một câu tương đối hay như vậy. Nhưng nếu nhốt quyền lực vào cái lồng luật pháp thì Đảng bị trói tay, không còn Đảng. Ông ấy nói điều ấy phi thực tế, ở Việt Nam chính ông Nguyễn Phú Trọng luôn kêu gọi tất cả mọi thứ đều phải dồn cho Đảng, quân đội, công an tất cả phục vụ Đảng và chính ông ấy nói Hiến pháp chỉ là thể chế hóa Cương lĩnh Đảng, tức là ông ấy đặt Đảng trên cả dân tộc, trên cả pháp luật thì đời nào mà ông ấy chống được tham nhũng.”
Trong cùng một ý nghĩa về việc tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 20 năm đề ra rất nhiều Nghị quyết để phòng chống tham nhũng, mà không đạt hiệu quả. Ông Nguyễn Trung Dân, cựu Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Du Lịch, người từng bị cách chức năm 2009 sau khi duyệt đăng bài viết “Tản mạn đảo xa”, đề cao tinh thần yêu nước trước mối đe dọa từ phương Bắc, từ Saigon nhận định:
“Bao giờ mà pháp luật không được thượng tôn, luật pháp làm ra không bình đẳng vẫn có sự phân biệt giữa người này người khác, phân biệt nhân thân giữa người này người kia… tóm lại một câu, khi nào Đảng vẫn đứng trên pháp luật, Đảng chỉ huy pháp luật thì chắc chắn không thể có được sự gọi là minh bạch và rõ ràng để mà xử lý tham nhũng hết.”
Trên một phương diện khác, chế độ độc đảng ở Việt Nam được cho là một chính quyền mạnh và ổn định. Đây là những điều kiện tối cần thiết để giúp một quốc gia thành đạt về mặt kinh tế. Nhiều nhà nghiên cứu chính trị đã ghi nhận sự kiện Đài Loan, Nam Hàn từng có nhiều thập niên gần như độc đảng, chế độ chính trị khắc nghiệt nhưng các nước đó đã phát triển kinh tế vững mạnh và bước tiếp theo mới thực hiện cải cách chính trị dân chủ.
Nếu nhốt quyền lực vào cái lồng luật pháp thì Đảng bị trói tay, không còn Đảng.
-TS Nguyễn Thanh Giang
TS Nguyễn Thanh Giang nhận định về việc tại sao Việt Nam tiếng gọi là chính quyền mạnh và ổn định, nhưng lại ách tắc kinh tế tụt hậu so với láng giềng trong khu vực. Ông nói:
“ Sự ổn định ở Việt Nam là một thứ ổn định khiên cưỡng, ổn định áp chế bằng độc quyền, độc tài, độc đoán, áp chế bằng súng đạn và nhà tù, áp chế bằng sự đàn áp dã man dưới mọi hình thức của công an và chính quyền. Sự ổn định đó giống như nồi áp suất đang bị bít rất chặt bởi luật pháp chỉ phục vụ Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên sự ổn định đến một lúc nào đó sẽ nổ bung ra. Thực tế đó được nhìn thấy như ở các nước xã hội chủ nghĩa, kể cả bậc thầy xã hội chủ nghĩa của Cộng sản Việt Nam là Cộng sản Liên Xô trước đây.”
Cuộc chiến đấu phòng chống tham nhũng không ngừng nghỉ ở Việt Nam được xem như thất bại. Lên tiếng trong Hội nghị lấy ý kiến đánh giá 10 năm chống tham nhũng ở Việt Nam tổ chức hôm 27/10 ở Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhìn nhận tình trạng tham nhũng trên cả nước là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước và trên hết là đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Theo TS Nguyễn Thanh Giang tham nhũng quyền lực là tình trạng phổ biến ở Việt Nam. Tham nhũng quyền lực lại có vai trò nguy hiểm nhất từ đó biến hóa muôn hình vạn trạng các loại tham nhũng khác. Nếu lời hứa hẹn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “nhốt quyền lực trong lồng pháp luật” không phải là một lời nói suông, hay theo cách mô tả của TS Nguyễn Thanh Giang là nói cho sướng miệng, thì đây có thể là một sự may mắn cho tiến trình cải cách ở Việt Nam.
Thâm thủng mậu dịch
giữa Việt Nam với các nước ASEAN gia tăng
Thâm thủng mậu dịch giữa Việt Nam với các quốc gia trong Hiệp hội Đông Nam Á-ASEAN gia tăng trong những năm gần đây, từ 3,2 tỉ đô la Mỹ năm 2013 lên 4 tỉ trong năm 2014 và 5,5 tỉ vào năm ngoái.
Số liệu vừa nêu do Tổng Cục Hải Quan Việt Nam đưa ra và cho biết thêm mức thâm hụt thương mại trong 9 tháng đầu năm 2016 là 4,5 tỉ Mỹ kim.
Các nhà phân tích nêu lên nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng tăng là do Việt Nam ký kết Hiệp định Tự do Thương mại trong khối ASEAN. Theo đó, Việt Nam trở thành thị trường nhập khẩu lớn với các mức thuế nhập khẩu ưu đãi, trong khi các doanh nghiệp trong nước vẫn loay hoay tìm các xuất khẩu một cách hiệu quả vào thị trường của các quốc gia trong khối ASEAN.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng chỉ ra các nguyên nhân khác khiến cho thâm hụt thương mại của Việt Nam gia tăng, là do sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam yếu kém và sự gia tăng của các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là từ các công ty Trung Quốc.
Campuchia bất lực
nhìn Việt Nam xây dựng trạm biên phòng tại biên giới
Campuchia bất lực trong việc ngăn chận Việt Nam xây dựng một trạm biên phòng tại khu vực biên giới thuộc quận O’yadaw tỉnh Ratanakkiri.
Nhật báo Camdodia hôm nay trích dẫn phát biểu của bộ trưởng cao cấp phụ trách vấn đề biên giới của Campuchia, Var Kimhong, hôm qua nói rằng mặc dù Phnom Penh đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam ngưng lại việc xây dựng như vừa nêu nhưng Hà Nội cứ tiếp tục.
Theo ông Var Kimhong thì chính phủ Campuchia hồi tháng 8 năm nay đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Việt Nam xây dựng trạm biên phòng trong khu vực gọi là “vùng trắng” đối với cả hai phía.
Ông Var Kimhong nêu câu hỏi nếu Việt Nam không chịu dừng lại thì Campuchia có thể làm gì và đặt vấn đề “hay là Campuchia phải tiến hành chiến tranh để chận đứng việc xây dựng đó?”
Một điều phối viên của tổ chức Adhoc tại Campuchia cho biết thêm hiện tại việc xây dựng đã hoàn thành 80 phần trăm.
Campuchia bất lực trong việc ngăn chận Việt Nam xây dựng một trạm biên phòng tại khu vực biên giới thuộc quận O’yadaw tỉnh Ratanakkiri.
Nhật báo Camdodia hôm nay trích dẫn phát biểu của bộ trưởng cao cấp phụ trách vấn đề biên giới của Campuchia, Var Kimhong, hôm qua nói rằng mặc dù Phnom Penh đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam ngưng lại việc xây dựng như vừa nêu nhưng Hà Nội cứ tiếp tục.
Theo ông Var Kimhong thì chính phủ Campuchia hồi tháng 8 năm nay đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Việt Nam xây dựng trạm biên phòng trong khu vực gọi là “vùng trắng” đối với cả hai phía.
Ông Var Kimhong nêu câu hỏi nếu Việt Nam không chịu dừng lại thì Campuchia có thể làm gì và đặt vấn đề “hay là Campuchia phải tiến hành chiến tranh để chận đứng việc xây dựng đó?”
Một điều phối viên của tổ chức Adhoc tại Campuchia cho biết thêm hiện tại việc xây dựng đã hoàn thành 80 phần trăm.
Nước lũ lại lên cao ở Miền Trung
Một số địa phương tại khu vực miền Trung Việt Nam hôm nay lại bị lũ và cảnh báo trong những ngày tới nguy cơ ngập lụt sẽ trở lại ở những nơi khác.
Vào sáng nay, ngày 31 tháng 10, các xã thấp trũng ở Quảng Bình; bao gồm Ba Đồn, Tuyên Hóa và Quảng Trạch bị ngập nặng. Tại xã Tân Hóa, nơi được coi là rốn lũ, nước lũ tràn lên mặt đường và tràn vào nhà dân hồi trưa cùng ngày. Chủ tịch xã Tân Hóa, ông Ngô Thanh Đá cho biết địa phương đứng trước nguy cơ bị ngập sâu và cô lập, nếu có mưa lớn.
Chiều nay chủ tịch xã Quảng Trường, thuộc huyện Quảng Trạch cho biết do nước lũ lên cao và chảy xiết khiến cầu phao Thuận Hòa bị đứt dây trôi đi khiến hơn 1 ngàn người bị cô lập.
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh và Quảng Bình đang lên; dự báo các sông từ Nghệ An đến Ninh Thuận sẽ xuất hiện lũ từ ngày 31 tháng 10 đến ngày mùng 5 tháng 11. Nguy cơ xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở các tỉnh trong khu vực này là rất cao.
Văn phòng thường trực Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai-Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn hôm nay ra Công văn số 33, yêu cầu các cơ quan địa phương bên cạnh công tác khắc phục hậu quả của đợt lũ lịch sử vừa xảy ra, cũng cần theo dõi tình hình mưa lũ để chủ động có biện pháp phòng tránh.
Bộ trưởng công an trình Quốc hội dự thảo Luật cảnh vệ
Dự thảo Luật cảnh vệ do bộ trưởng công an Tô Lâm trình bày trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa 14 hôm nay nêu rõ những người bảo vệ giới chức cao cấp của Đảng-Nhà nước và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được phép nổ súng để tiêu diệt những ai có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng được bảo vệ.
Theo ông bộ trưởng công an thì biện pháp nổ súng được thực hiện sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại hoặc bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả.
Tất cả các trường hợp nổ súng phải tuân thủ những nguyên tắc được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Quốc phòng An ninh thì Dự thảo Luật cảnh vệ còn chưa phù hợp với một số nguyên tắc quy định trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Bộ Thông tin – Truyền thông
giải thích việc đình bản một số tờ báo
“Một số cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, một bộ phận người làm báo thoái hóa về đạo đức và có khuynh hướng ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’, vô tình hoặc hữu ý tiếp tay cho các thế lực thù địch chống chế độ và một số biểu hiện vi phạm pháp luật.”
Đó là phát biểu của bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam, ông Trương Minh Tuấn được thông tấn xã Việt Nam loan đi hôm nay. Ông bộ trưởng Thông tin – Truyền thông có kết luận như vừa nêu nhằm giải thích biện pháp mà cơ quan ông áp dụng đối với một số báo và phóng viên trong thời gian gần đây.
Đó là biện pháp cho đình bản, tạm đình chỉ chức vụ hay thu hồi thẻ nhà báo với lý do sai phạm.
Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn còn đưa ra những mức độ xử phạt khác nhau khi có những vi phạm khác nhau mà theo lời ông này như cấu kết ăn tiền để thông tin sai sự thật, hay cẩu thả thiếu trách nhiệm.
Tuần qua Bộ Thông tin – Truyền thông đình bản ba tháng báo mạng Tầm Nhìn do đưa tin nước nắm nhiễm arsen; hay trước đó đình bản báo Petrotimes vì đăng phỏng vấn về người đang bị truy nã là ông Trịnh Xuân Thanh…
Bộ trưởng Tuấn:
báo chán do nhà báo kém tài, không phải do kiểm duyệt
Trong một cuộc phỏng vấn được nhiều báo Việt Nam đăng hôm 31/10, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, nói chính quyền “không ngăn cản tự do ngôn luận”, và các tác phẩm báo chí không thu hút bạn đọc là “do trình độ và tài nghệ của người làm báo”. Nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo không đồng tình với phát biểu này của bộ trưởng.
Hồi cuối tháng 6, báo điện tử Infonet trực thuộc bộ của ông Tuấn đã đăng một bài viết về khó khăn trong nghề báo ở Việt Nam.
Bài viết trích ý kiến của Tổng Biên tập Infonet, ông Võ Đăng Thiên, cho rằng: “Một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay đối với người làm báo … là làm sao vừa thực hiện đúng chỉ đạo, pháp luật, định hướng của cơ quan chỉ đạo, … lại vừa thu hút được bạn đọc, hấp dẫn được bạn đọc. Vì nếu làm sai chỉ đạo sẽ bị xử lý, nhưng nếu không thuyết phục được bạn đọc thì không có nguồn thu. Đây thường xuyên là thách thức hàng ngày đối với chúng tôi”.
Đáp lại nhận xét kể trên của ông Thiên, trong bài phỏng vấn đăng hôm 31/10, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói “đó là sự ngụy biện”. Ông Trương Minh Tuấn khẳng định rằng: “Không thuyết phục được bạn đọc là do trình độ và tài nghệ của người làm báo. Tài nghệ kém cỏi, làm ra những tác phẩm báo chí kém cỏi, không thu hút được người đọc rồi quay ra đổ lỗi cho định hướng của Đảng, thậm chí còn đổ lỗi cho việc tuân theo pháp luật. … đổ lỗi cho pháp luật quả là chuyện nực cười. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí không hề ngăn cản tự do ngôn luận, không hề ngăn cản thông tin đa chiều, càng không hề làm mất cá tính, phong cách và tài năng của những người làm báo”.
Trước đó, hôm 19/10, ông Võ Đăng Thiên và một phó tổng biên tập của Infonet bị đình chỉ chức vụ 15 ngày do dẫn lời Chủ tịch Quốc hội để rút tít một bài viết là “Tôi thất vọng khi đọc dự thảo luật Chính phủ trình”. Bộ trưởng Tuấn cho rằng “Tiêu đề này nói không đúng bản chất nội dung phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, khiến cho dư luận hiểu sai về mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ”.
Cuộc phỏng vấn ông Tuấn diễn ra trong bối cảnh gần đây nhà chức trách Việt Nam đã “kỷ luật” một loạt lãnh đạo báo chí và cơ quan báo chí. Gần đây nhất là vụ đình bản báo Tầm Nhìn trong 3 tháng.Từ Nha Trang, nhà báo có hàng chục năm kinh nghiệm Võ Văn Tạo phân tích với VOA về những điểm ông không đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ông Tạo nói:
“Ở Việt Nam có những đề tài rất quan trọng, người dân rất quan tâm thì báo chí lại không được đụng tới. Cái đó là hàng tuần đều có sự giao ban báo chí hết. Do Ban Tuyên giáo Trung ương người ta giao ban. Họ sẽ nói nội dung cụ thể trong tuần tới, trong thời gian tới phải tập trung đưa về cái gì. Tức là tiết chế hoạt động báo chí một cách rất là khắt khe. Báo chí không có tự do. Có những đề tài công chúng rất thích lại bị cấm đoán thì làm sao mà hay. Báo chí không như văn chương. Cái hay của báo chí là vấn đề thời sự, phản ánh tính thời sự, cái nóng bỏng, cái kịp thời mà phần lớn xã hội, công chúng người ta quan tâm. Đấy mới là cái hay của báo chí. Thế thì ở Việt Nam bị dẹp cái đó. Thế thì khó lòng có được cái hay”.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết thêm trong vài năm gần đây, nhà chức trách đã thay đổi “chiến thuật” chỉ đạo báo chí nhằm tránh “để lại dấu vết” về kiểm duyệt báo chí. Hai cơ quan quản lý báo chí hàng đầu của Việt Nam là Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản và Bộ Thông tin và Truyền thông của chính phủ. Ông Tạo nói:
“Bộ Thông tin Truyền thông và Tuyên giáo là họ hay làm thế này: giao ban nói mồm, không kịp giao ban thì họ nhắn tin, họ gọi điện thoại. Hãn hữu lắm họ mới gửi văn bản. Họ sợ rằng trong đội ngũ báo chí vẫn có người có lương tâm, những người tử tế, họ sẽ truyền cái đó ra ngoài để đưa lên truyền thông lề dân. Nó lộ tẩy cái bộ mặt xấu xa của việc thò tay can thiệp vào báo chí một cách thô bạo”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nói trong cuộc phỏng vấn mới đây rằng tuy có một số quan chức ở các cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí đưa ra “những lời khuyên nên thông tin điều này, không nên thông tin điều kia”, song “đó chỉ là sự khuyến nghị, nhắc nhở”. Bộ trưởng Tuấn nói nếu báo chí “thấy sự khuyến nghị, nhắc nhở đó là cứng nhắc, không phù hợp với thực tế cuộc sống” thì lãnh đạo cơ quan báo chí “hoàn toàn có thể phản hồi, tranh biện để đi đến chân lý”.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội và Facebook cá nhân, nhiều nhà báo cho rằng phản hồi, tranh biện với nhà chức trách chỉ mang lại thêm rắc rối cho họ.
Người dân Hà Tĩnh bắt đầu nhận đền bù từ vụ Formosa
Báo chí Việt Nam đưa tin nhà chức trách tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 30/10 đã chi trả 1,5 tỷ đồng (hơn 67.000 đôla) tiền tạm cấp bồi thường cho 15 chủ tàu thuyền và 15 lao động tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà.
Đây là một phần trong công tác đền bù cho thiệt hại sau vụ ô nhiễm biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra. Tin cho hay các nơi khác sẽ nhận tiền đền bù trong những ngày tới.
Báo chí cho biết huyện Lộc Hà có 5.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp và 744 lao động bị ảnh hưởng gián tiếp bởi vụ ô nhiễm hồi tháng 4.
Được phân bổ hơn 207 tỷ đồng (gần 9,3 triệu đôla), có tin Hội đồng bồi thường huyện Lộc Hà trước mắt sẽ chi trả hơn 20 tỷ đồng cho xã Thịnh Lộc và Thạch Mỹ.
Ở huyện Kỳ Anh cùng tỉnh, hai ngư dân tên là Điểu và Trần Dụng cho VOA biết việc lên danh sách nhận đền bù cũng đã được tiến hành song việc trả tiền chưa diễn ra. Họ nói cuộc sống vẫn chưa trở lại bình thường vì đánh bắt cá gần bờ về không có ai mua. Họ cho rằng mức đền bù theo một quyết định của Thủ tướng Việt Nam vẫn chưa hợp lý.
Cũng từ Kỳ Anh, Linh mục Trần Đình Lai ở giáo xứ Đông Yên, người dẫn đầu cuộc biểu tình phản đối Formosa hồi đầu tháng này, cho VOA biết thêm về việc người dân địa phương sẽ đón nhận vấn đề bồi thường như thế nào:
“Chưa thể gọi là hợp lý được bởi vì nó mới là mức đền bù cho 6 tháng, rất là tối thiểu. Sau một số tham vấn cho họ, họ cũng kê khai để nhận đền bù. Nhưng họ cũng tuyên bố đây là một phần thiệt hại thôi, chúng tôi sẽ tiếp tục đòi những phần nào mà để trả cho các thứ. Mình sẽ căn cứ vào luật, khởi tố và kiện ra tòa”.
Linh mục cũng xác nhận lời của các ngư dân là cuộc sống chưa trở lại bình thường. Ông lo ngại rằng những chất độc lắng xuống lớp bùn dưới đáy có thể tồn tại hàng chục năm. Ông cho biết nhiều ngư dân hiện phải đi làm ăn xa:
“Đa số những người ở tuổi trung niên, thanh niên còn trẻ thì người ta đi đánh bắt ở những vùng xa, đi làm thuê cho những người ở Phan Thiết, ở Vũng Tàu… để lấy lương nuôi gia đình. Còn những người lớn tuổi không đi được thì họ ở nhà trông chờ vào những người đi làm, trông chờ vào nguồn cứu trợ của các tổ chức cứu trợ trong và ngoài nước”.
Hà Tĩnh là tỉnh thứ hai sau Thừa Thiên-Huế trả tiền đền bù cho dân sau gần 2 tháng kể từ khi chính phủ Việt Nam nhận tiền bồi thường từ Formosa Hà Tĩnh.
Ngoài 2 tỉnh kể trên, Quảng Bình và Quảng Trị cũng chịu nạn cá chết hàng loạt vì thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh thừa nhận đã trực tiếp gây ra thảm họa, đồng thời cam kết bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam.
http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-ha-tinh-bat-dau-nhan-den-bu-tu-vu-formosa/3572920.html
‘Nhân vật thân tín’ của ông Kim Jong Un gặp TBT Trọng
Quan chức hàng đầu phụ trách về đối ngoại của Bắc Hàn, ông Ri Su Yong, mới gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và tuyên bố sẽ “đập tan các thế lực thù địch”.
Phó chủ tịch của Đảng Công nhân Triều Tiên và cũng là thành viên Bộ Chính trị Bắc Hàn hiện có mặt ở Hà Nội để tham dự cuộc gặp mặt của đại diện Đảng Cộng sản các nước trên thế giới.
Theo KCNA hôm 31/10, trong cuộc gặp với ông Trọng cũng như các lãnh đạo của một số nước, ông Ri nói rằng “nhân dân Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ tối cao Kim Jong Un đang nỗ lực hết sức để thực thi quyết định của Đại hội đảng lần thứ bảy của Đảng Công nhân Triều Tiên, trong khi đập tan các động thái xâm lược, cấm vận của các thế lực thù địch nhằm kiềm tỏa cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên”.
Hãng tin nhà nước của Bắc Hàn còn dẫn lời ông Trọng bày tỏ “quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là ủng hộ hòa bình, an ninh và sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, và tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai đảng, và hai nhà nước”.
Theo Yonhap, ông Ri đặt chân tới Việt Nam giữa tuần trước trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang chịu áp lực về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Hãng tin của nhà nước Hàn Quốc nhận định rằng chuyến đi của quan chức Bắc Hàn tới Việt Nam là nhằm “nỗ lực hàn gắn mối quan hệ song phương giữa lúc bị quốc tế gò ép”.
Chưa rõ là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam và ông Ri có bàn về chương trình hạt nhân cũng như các cuộc thử nghiệm bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc của Bình Nhưỡng mới đây hay không.
Trước khi tới Việt Nam, theo Kyodo, quan chức hàng đầu của Bắc Hàn đặt chân tới Bắc Kinh hôm 24/10 trên đường tới Hà Nội và sau đó là Indonesia.
Trung Quốc là đồng minh chính của Bắc Hàn, nhưng thời gian qua phật lòng vì các cuộc thử nghiệm tên lửa hạt nhân và đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Báo chí Việt Nam không thấy đưa tin về cuộc gặp riêng giữa ông Ri và Tổng bí thư Trọng.
Nhưng trong một bức ảnh chụp các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản các nước, được báo Nhân Dân đăng tải, quan chức cấp cao của Bắc Hàn đứng ở hàng đầu với ông Trọng.
http://www.voatiengviet.com/a/nhan-vat-than-tin-cua-kim-jong-un-gap-tbt-trong/3572822.html