Tin Việt Nam – 31/08/2019
Đổ chất thải từ nhà máy bauxite Alumin Nhân Cơ
ra đường chỉ bị phạt 1,5 triệu đồng
Tin Vietnam.- Báo Người Lao Động ngày 31 tháng 8 năm 2019 loan tin, hành vi đổ 2,200 m3 chất thải công nghiệp từ nhà máy Alumin Nhân Cơ ra ven đường của công ty cổ phần thương mại Đức Thành đã bị Uỷ ban xã Đắk Nia, thị xã Gia Lai, tỉnh Đăk Nông phạt số tiền chỉ là 1,5 triệu đồng (60 USD)!
Phía Uỷ ban xã cho rằng, việc xử phạt mức tiền cho có lệ trên là do xã căn cứ vào quy định luật pháp của nhà cầm quyền, Uỷ ban xã không thể làm khác được. Và ngoài việc phạt tiền, thì Uỷ ban xã đã yêu cầu công ty Đức Thành thu hồi toàn bộ chất thải mang đi nơi khác.
Uỷ ban tỉnh Đắk Nông cũng đã chỉ đạo sở Tài Nguyên và Môi trường cùng các cơ quan khác lấy mẫu từ bãi chất thải trên để mang đi phân tích, kiểm định, đánh giá tác động của chất thải.
Trước đó, công ty Đức Thành đã dùng 25 chiếc xe tải để chở chất thải từ nhà máy Alumin Nhân Cơ để đổ ra môi trường. Sau khi bị phát hiện, công ty này chuyển sang làm lén, và đổ hàng trăm tấn tro bay dọc quốc lộ 28. Và hành động trên được thực hiện nhiều lần sau đó, mặc cho nhà chức trách yêu cầu chấm dứt hành vi đổ chất thải ra môi trường.
Theo báo Môi Trường Và Đô Thị, chất thải công nghiệp từ nhà máy Alumin Nhân Cơ rất nguy hiểm vì chứa nhiều kim loại nặng. Nếu xỉ than, tro bay ra môi trường thì chắc chắn có gây hại. Và nếu nó ngấm vào đất, thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước, đây là điều rất nguy hiểm.
An Nhiên
20 người xét nghiệm vụ cháy công ty Rạng Đông
đều có thuỷ ngân trong máu
Tin Hà Nội, Vietnam.- Tạp chí Saostar ngày 31 tháng 8 năm 2019 loan tin, sau khi có mặt ở nhà kho của công ty Rạng Đông, đã có 8 phóng viên, 10 lính cứu hoả, và 2 người dân đến Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của bệnh viện cho thấy, cả 20 người này đều có thuỷ ngân trong máu.
Phía bệnh viện cho rằng, chất thuỷ ngân xâm nhập vào máu của 20 người này đều ở mức giới hạn cho phép. Hiện tại, cả 20 người này đều đang được làm thêm xét nghiệm nước tiểu 24h.
Trước đó, vào khoảng 6 giờ ngày 28 tháng 8, nhà kho của công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã bị cháy. Đến khoảng 11 giờ 30 tối cùng ngày đám cháy mới được dập tắt. Thống kê thiệt hại ban đầu của công ty ước tính là 150 tỷ đồng.
Sau khi đám cháy xảy ra, một số người dân có biểu hiện khó thở, tức ngực vì đám cháy đã phát ra kim loại nặng thuỷ ngân, chất huỳnh quang và nhiều chất khác. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết nên nhiều người dân vẫn sinh hoạt bình thường. Thậm chí, nhiều người còn thản nhiên đứng xem hiện trường vụ cháy mà không hề đeo khẩu trang.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/20-nguoi-xet-nghiem-vu-chay-cong-ty-rang-dong-deu-co-thuy-ngan-trong-mau/
Nhà báo Phạm Đoan Trang:
Việt Nam hiện giờ thiếu vắng công lý!
Nhà báo độc lập/nhà hoạt động Phạm Đoan Trang vừa được Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF đề cử nhận giải về tự do báo chí năm 2019, ở hạng mục Impact (Ảnh hưởng). Đây là giải thưởng dành cho dành cho người có những tác phẩm gây ảnh hưởng đến nhận thức của xã hội về tự do báo chí.
Ngay sau khi nhận đề cử, Cô đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn đặc biệt về hiện tình đất nước nhân sự kiện này.
RFA: Chào nhà báo Đoan Trang, trước tiên cho RFA xin chúc mừng Cô vừa nhận được đề cử Giải Tự do Báo chí 2019 của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF. Câu hỏi đầu tiên xin gởi đến Cô là việc đề cử như thế sẽ có tác dụng đến công tác hoạt động của bản thân cô và những người khác cùng tham gia công cuộc cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam ra sao?
Nhà báo Phạm Đoan Trang: Trước tiên tôi xin cảm ơn RFA đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này. Giải thưởng của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF là giải Impact tức giải tác động, ảnh hưởng, nó dành cho người có những tác phẩm có ảnh hưởng, tác động đến nhận thức của xã hội về tự do báo chí.
Tôi nghĩ mọi giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực như nhân quyền, hay tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do học thuật… thì nó đều có tác dụng giúp cho người được giải, cũng như đồng đội của người đó, cảm thấy được sự hỗ trợ, ủng hộ, khuyến khích… Nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam, những người cầm bút, những người viết bị đàn áp rất là nhiều, thì những giải thưởng quốc tế đều giúp họ cảm thấy những hành động của họ mặc dù bị đàn áp dữ dội trong nước, nhưng đâu đó trên thế giới người ta biết đến và ủng hộ, tức là họ không cô đơn. Điều này Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới cũng đã nói rõ trong thông cáo báo chí của họ, giải thưởng nhằm vinh danh, giúp những người trong nước không cô đơn.
RFA: Trước đây, một số nhà báo và các nhà tranh đấu cũng nhận được những đề cử tương tự, sau đó gặp khó khăn với chính quyền? Cô có lo ngại gì về việc này?
Nhà báo Phạm Đoan Trang: Dạ không ạ… Thật ra tôi không quan tâm lắm đến việc chính quyền nghĩ gì, vì lâu nay những gì tôi làm như viết sách, phổ biến sách, hay tổ chức các lớp học về nhân quyền, chính trị… tức là tất cả những hoạt động tôi làm thì đều bị chính quyền ghét cả. Cho nên có thêm một hoạt động tôi làm, hay người khác làm cho tôi như trao giải, thì tôi nghĩ cũng không làm chính quyền ghét thêm, vì họ đã ghét sẵn rồi.
RFA: Có câu ‘Tái ông thất mã’, cô có cho rằng những thách thức, đàn áp từ phía chính phủ, cơ quan chức năng có bị phản tác dụng?
Nhà báo Phạm Đoan Trang: Với số đông người Việt thì tôi nghĩ rằng sự đàn áp của nhà nước có tác dụng chứ không phản tác dụng. Vì nếu phản tác dụng, họ sẽ không đàn áp nữa, nhưng họ vẫn đàn áp ngày càng khốc liệt hơn. Chứng tỏ họ thấy đàn áp có kết quả, gây được nỗi sợ hãi trên diện rộng, nó làm cho người ta chùn bước trước sự đấu tranh hay đơn giản là sự lên tiếng để đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Tất nhiên đối với một số nhà hoạt động, họ sẽ không chùn bước và họ sẽ tiếp tục công cuộc của họ. Cũng như sẽ có một bộ phận dân chúng sau khi họ thấy được những gì họ làm, luôn bị đàn áp, cho dù là để đòi những quyền lợi căn bản nhất, dân sự nhất, ít liên quan chính trị, tức ít tính tranh giành quyền lực của đảng cộng sản nhất, như đấu tranh chống thu phí BOT bẩn, hay đòi hỏi minh bạch các kết quả điều tra về ô nhiễm môi trường như vụ Formosa, hay mới nhất là điều tra về môi trường sau vụ cháy công ty Rạng Đông hôm 28/8… Những đòi hỏi đó rất chính đáng, nhưng những người đòi hỏi có nguy cơ rất cao và thực tế có người bị đàn áp rồi, thậm chí có người đi tù chỉ vì đưa tin về bệnh dịch tả lợn Châu Phi…
Cho nên tôi nghĩ rằng, với một bộ phận dân chúng, sự đàn áp khiến họ thức tỉnh hơn, họ thấy rõ cho dù họ có dân sự đến mấy, chính trị đến mấy, nhưng cứ họ lên tiếng phàn nàn là nhà cầm quyền đàn áp, thì có thể họ sẽ phẫn nộ hơn. Nhưng nếu phản tác dụng trên diện rộng thì tôi không nghĩ vậy, tôi nghĩ nó có tác dụng, nên chính quyền mới gia tăng đàn áp.
RFA: Cô nhận định thế nào về công cuộc lên tiếng cho dân quyền, nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam hiện nay?
Nhà báo Phạm Đoan Trang: Trong những năm qua, có thể là từ khi Đại hội đảng hồi tháng 1 năm 2016, khi mà ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục một nhiệm kỳ nữa, tăng hẳn quyền lực lên, còn ông Nguyễn Tấn Dũng thì nghỉ hưu, thì sự đàn áp tăng lên rất nhiều, rất nhiều người bị bắt trên khắp các địa phương.
Trong khi theo tôi nhớ, trước đây thường là công an Bộ hay Trung ương bắt, chứ địa phương ít khi bắt các vụ án liên quan đến chính trị, trong khi những năm qua thì các vụ án chính nở rộ, địa phương nào cũng bắt người liên quan các vụ án chính trị, địa phương nào cũng có tù nhân lương tâm, số lượng tù nhân lương tâm tăng vọt trong những năm qua.
Đặc biệt là mức án rất khốc liệt, lúc trước nghe mức án 4 hay 5 năm đã là nhiều, nhưng bây giờ hơn 10 năm là bình thường. Đàn áp cũng dữ dội hơn, không chỉ dữ dội về cường độ, mà còn về diện đàn áp, có những thức không đáng đàn áp, cũng bị đàn áp, Ví dụ như người dân ra chỉ ra trạm BOT đếm xe cũng bị bắt, bị đánh. Cho nên tôi nghĩ, tình hình đấu tranh, hoạt động nhân quyền có phần nào chững lại, co nhỏ lại trong khoảng thời gian từ 2016 đến nay.
Ngoài ra cũng có một nguyên nhân nữa, là cách đấu tranh cũ, cách đấu tranh truyền thống của chúng ta, đã hết tác động của nó. Ví dụ trước các nhà hoạt động di chuyển khá nhiều, nhưng bây giờ hoạt động mạnh mạnh một chút là bị đàn áp thẳng tay, đàn áp khốc liệt không thương tiếc, bắt là bỏ tù không thương tiếc. Cho nên tôi nghĩ hoạt động đấu tranh có phần giảm sút từ năm 2016 đến nay.
RFA: Đối với những người dân trong nước mà cô tiếp xúc được, những quan tâm lớn hiện nay là gì? Và những người tham gia cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền giúp họ được gì?
Nhà báo Phạm Đoan Trang: Theo tôi người dân Việt Nam quan tâm nhất là vấn đề dân sinh, cụ thể là thực phẩm sạch, giá xăng vừa phải, môi trường trong lành, giáo dục tốt, không phải lo lắng cho sự an toàn, bệnh tật giảm xuống, khả năng chữa bệnh thành công hơn… Tôi nghĩ ngoài những điều cụ thể và quyền lợi thiết thân như vậy, thì có một điều khá vô hình thực ra người dân Việt Nam rất khao khát nhưng họ không nhìn ra, đó chính là công lý. Tôi cho rằng người dân Việt Nam hiện giờ rất đói công lý, tức công lý ở Việt Nam hiện giờ rất thiếu vắng. Chúng ta có thể thấy điều đó qua số lượng vụ án oan sai nhiều khủng khiếp, gần như cứ có ai có chuyện dính đến cửa quan là bị thiệt thòi, ít nhất là mất tiền, kế đến là những người có thân đi tù thì có thể phá sản, sạt nghiệp, vì tốn tiền chạy án, tiền nuôi tù… ngoài ra còn bị hành hạ về mặt tâm lý, tinh thần. Có những án tử hình oan sai rất khủng khiếp, họ cứ treo đấy không xử, rồi mỗi cuối năm xử vài người cho gọn nhà tù…
Tôi nghĩ rằng tình trạng thiếu vắng công lý là một tình trạng nghiêm trọng tại Việt Nam hiện nay. Vì thế ai đem được công lý đến cho người dân, thì sẽ được nhân dân ủng hộ.
RFA: Tình hình đất nước đối với cô hiện đang phải đối diện với những thách thức lớn nào? Và là một công dân có trách nhiệm cô có những đề xuất gì?
Nhà báo Phạm Đoan Trang: Đất nước Việt Nam hiện đang đối mặt nhiều vấn đề, từ vấn đề thiết thực, dân sinh như ô nhiễm môi trường, rồi thực phẩm bẩn, thực phẩm độc, giáo dục thì dở hơi, không thiết thực, học nhiều nhưng trình độ tư duy lại kém đi, y tế thì đắt đỏ và không đáng tin cậy, tỷ lệ chữa
thành công không cao, rồi nạn công an bạo hành, oan sai, thiếu vắng công lý… Và trên biển Đông thì mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc vốn đã căng thẳng thì năm 2019 này có vẻ căng thẳng nhiều hơn.
Cho nên Việt Nam đang đối mặt nhiều vấn đề, mà vấn đề lớn nhất là không có tự do, mà không có tự do thì con người không thể giải phóng được nguồn lực tốt đẹp nhất, để phát triển. Tôi nghĩ đó là vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay, không có tự do thì không thể phát triển được.
RFA: Xin cám ơn Nhà báo Phạm Đoan Trang đã trả lời cuộc phỏng vấn của RFA ngày hôm nay.
Cô Phạm Đoan Trang là một tác giả, blogger, nhà báo, và nhà hoạt động dân chủ người Việt Nam.
Phạm Đoan Trang xuất thân là một nhà báo của tờ VnExpress, năm 2007 cô cho xuất bản sách Chính trị Bình dân ở Việt Nam và thường xuyên là mục tiêu bị sách nhiễu của chính quyền.
Một số sách được cô xuất bản ở Việt Nam không qua kiểm duyệt của nhà nước như: Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực…
Cô đã nhận được giải thưởng Homo Homini 2017 từ tổ chức People In Need, và gọi cô là “một trong những nhân vật hàng đầu của bất đồng chính kiến Việt Nam đương đại”.
Hà Nội với tiếng thở dài, Ngã Tư Tự Do và cà phê chim
Nguyễn Hà HùngCây bút về Hà Nội
Bị kẹp giữa bốn, năm cái xe khách, xe tải, xe rác, luồn lách trong tiếng động cơ, tiếng còi, những đường lượn, khói, ổ gà, những cú đạp phanh, thường xuyên như thế khiến tôi luyện được khả năng tập trung cao độ.
Chểnh mảng dù chỉ một giây có khi là một đời lầm lỡ.
Ấn tượng về loại còi “một lần bấm, mười lần kêu” thật đáng nể. Vừa nhàn, vừa ép – phê, đồng loạt ngân nga suốt phố. Ai chưa từng trải nghiệm không thể hình dung được không khí khẩn trương đến thế. Tới ngã tư, hãy quan sát kỹ đèn ô tô nhấp nháy bốn phía. Họ không rẽ đâu, đấy là tín hiệu đi thẳng.
Ngược đời thật đấy, nhưng chẳng hề hấn gì. Ở đây mọi người hiểu kiểu đi của nhau mới quan trọng.
Cốt yếu là Hà Nội không vội được, lái xe hơi tốc độ trung bình chỉ nhỉnh hơn hai chục cây một giờ.
Tác giả ”Em Ơi! Hà Nội Phố” qua đời
‘Sài Gòn của tôi không còn nữa’
Việt Nam: Thượng Đế nơi đây rất dễ tính?
Chạy chậm, phố xá bừng lên ánh đỏ. Khăn quàng, khẩu hiệu và cờ. Trước cửa, mỗi nhà một lá. Gia đình tự treo cũng được, không treo cũng chẳng sao, tất cả đã có đảng và nhà nước lo. Trước những dịp lễ, tổ dân phố đi treo không sót nhà nào. Lợi ích của màu đỏ là làm tăng huyết áp.
Búa liềm và hình ảnh về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội khắp nơi. Hưng phấn như thế nên các xe đạp mang hoa khắp phố phường không làm cho nhà chức trách thỏa mãn.
Họ cần nhiều hơn. Xung quanh Hồ Gươm, chen lẫn hoa thật là hoa giả, tất cả đồng thanh tỏa sáng. Có thể vì vẻ đẹp ấy, người Hà Nội đang có sáng kiến đề xuất trồng hoa trên đường tàu dang dở chín năm chưa khởi hành.
Bài học cho những người mới đến là “tập trung chuyên môn”khi lái xe. Đừng giận dỗi nếu chói mắt vì xe ngược chiều kiên quyết giương pha. Thành phố vì hòa bình, nhưng con người nơi đây trưởng thành trong chiến tranh.
Nếu quá bức xúc, hãy dừng xe, trước khi mở cửa hãy chắc rằng không có xe máy đằng sau.
Đừng quên, khi bước ra chớ có hít sâu. Hà Nội ô nhiễm nặng nề. Bù lại nó có nhiều thức ăn.
Không còn phố vắng và thơ
Hà Nội ngày này không phố vắng, thơ cũng ít liêu xiêu. Công an vẫn đuổi, nhưng quán không nhẩy cóc như xưa nữa. Thực khách ngồi tràn hết lối của người đi bộ. Đèn đuốc sáng loáng giúp trông rõ giấy ăn, xương xẩu và đồ thừa la liệt.
Nhớ thở đều và đừng cố tránh, lỡ chân mất thăng bằng ngã vào đống bát đĩa chưa rửa vẫn còn lõng bõng nước dùng.
Làm quen và bình thản với cảm giác nhai nuốt đồ ăn cùng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, chất kích thích sinh trưởng, bảo quản thực phẩm, dầu máy… đáng lẽ phải là một quá trình tu tập nhiều năm khắc kỷ, có lẽ còn khó hơn thiền.
Không may, tất cả đều đắc đạo, ăn uống nhiệt tình. Bí quyết là, con người nơi đây có những quan tâm khác. Muốn hiểu, chỉ cần giống họ, đều đặn cà phê từ sáng đến trưa.
Không thể biết chính xác thành phố này có bao nhiêu hàng cà phê. Từ thời kinh tế mở cửa, hàng ngàn quán tư nhân mọc lên khắp nơi, không còn bóng dáng “quầy điểm tâm giải khát” quốc doanh thời bao cấp. Cũng như thế giới, ở đây có nhiều quán theo chủ đề.
Chủ quán thích chứng tỏ cửa hàng mình khác biệt, dù nhiều khi chỉ có trên quảng cáo. Khác với nhiều nơi, “cà phê chim” không chỉ để uống.
Hồ Thiền Quang nằm cách Hồ Gươm chừng một cây số về phía Nam, nơi có “cà phê chim” rất hút khách chơi. Họ đến đây, đắm chìm từng cơn, ngắm nhìn, lắng nghe và bình luận về những bộ lông, tiếng hót. Lúc cao hứng họ sẵn sàng giải thích mỗi khi chim truyện.
Ai đó cho rằng Hà Nội không có chim quả là quá đỗi vội vàng. Chỉ là chúng sống trong lồng, tận hưởng niềm vui tự do trong khuôn khổ.
Không gian phóng khoáng nhất của thủ đô nằm trong lòng phố cổ, cách Hồ Hoàn Kiếm năm phút đi bộ, điểm giao cắt giữa phố Lương Ngọc Quyến và Tạ Hiện. “Ngã Tư Tự Do”, cái tên khiêu khích này ra đời không có giấy khai sinh gần ba chục năm nay.
Ở đây “Tây” rất đông, từ khi văn hóa tư bản theo chân kinh tế thị trường gõ cửa. Được tiếng tự do vì ban đầu chỗ này là nơi hiếm hoi dân có thể chơi khuya.
Ngã Tư Tự Do rất hẹp, công an đều đặn đi tuần. Đến muộn sau tám giờ tối rất khó chen chân. Những người trẻ và đôi lúc cả những đám trung niên kéo đến đây, lẫn vào đám đông nhiều màu da.
Cảm giác chạm vào phương Tây khó định nghĩa nhưng hiện hữu. Nó làm cho giấc mơ có vẻ gần hơn, chỉ cần gọi đồ uống rồi kéo ghế ngồi. Không chuyện trò cũng được, đã có internet không dây miễn phí 24/7.
Hà Nội giờ này được lắm, quán nước chè cũng có wifi, mạng xã hội đã trở nên không thể thiếu. Từ khi có công cụ nói tiếng nói của mình, nhiều người lên tiếng về các vấn đề giáo dục, y tế, xã hội, quốc phòng, họ lên án quan chức tham nhũng, đứng về phía dân oan.
Thế là có thêm nghề “tác chiến không gian mạng”. Người nghèo, ít học, chập chững lên mạng khó phân biệt được.
Tất nhiên, thành phố này cũng có hố ngăn cách số.
Người nghèo phải đứng bên lề trên Internet và mạng xã hội. Những người không có điện thoại thông minh, máy tính, không có internet, không được học, không có kỹ năng sử dụng các ứng dụng thông tin, không có kỹ năng tham gia mạng xã hội là mất khả năng tiếp cận thông tin mạng, mất đi một kênh gần như duy nhất nói lên tiếng nói của mình.
Hà Nội từ khi tôi sinh không thiếu người áo rách
Hà Nội có gì rất đau
Người ta yêu dấu, đi không trở lại.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả từ Hà Nội, người phụ trách trang Hà Nội Phố cho đến 03/2019.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49525669
Bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông:
Việt Nam không bỏ qua lựa chọn pháp lý
Việt Nam cần cân nhắc thận trọng các khía cạnh để đưa ra quyết định có sử dụng biện pháp pháp lý giải quyết vấn đề Biển Đông hay không.
Chưa đầy một tuần sau khi rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày 13/8/2019 tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
“Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này. Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có các hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 22/8 nêu rõ.
Tiếng nói bảo vệ chính nghĩa ở Biển Đông
Cũng trong ngày 22/8 (theo giờ Mỹ), trong một tuyên bố gửi đến báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc đã đặt câu hỏi nghiêm túc về những cam kết của Bắc Kinh, bao gồm Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông và đối với việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên biển.
Bản tuyên bố nêu rõ: “Việc Trung Quốc tái triển khai tàu khảo sát thuộc sở hữu của chính phủ cùng các tàu hộ tống có vũ trang tại vùng biển Việt Nam ngày 13/8 vừa qua là hành động leo thang của Bắc Kinh trong các nỗ lực nhằm đe dọa các nước khác có tuyên bố chủ quyền trong việc khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông”.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Các hành động của Trung Quốc cản trở hòa bình và an ninh khu vực, gây tổn thất kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn quyền của các nước này tiếp cận các nguồn tài nguyên hydrocarbon ước tính trị giá 2.500 tỷ USD chưa được khai thác. Các hành động này cũng cho thấy Trung Quốc phớt lờ quyền của các quốc gia trong việc thực hiện các hoạt động kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế của mình được quy định tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc phê chuẩn năm 1996”.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26/8 cũng đã ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí của Việt Nam đi ngược cam kết của Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Trung Quốc gần đây nối lại sự can thiệp cưỡng chế đối với hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông. Hành động của Bắc Kinh đi ngược lại cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trong bài phát biểu ở Đối thoại Shangri-La ở Singapore đầu năm nay rằng Trung Quốc gắn liền với con đường phát triển hòa bình”, thông cáo nêu rõ.
Thông cáo cũng nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ không giành được lòng tin của các nước láng giềng và sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng việc duy trì các chiến thuật bắt nạt. Các hành động của Trung Quốc nhằm ép buộc các nước ASEAN, xây dựng hệ thống quân sự tấn công và thực thi yêu sách hàng hải bất hợp pháp làm tăng nghi ngờ nghiêm trọng về uy tín của nước này”.
Bình luận về các tuyên bố của Mỹ, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Tổng Thư ký Hội Luật Quốc tế Việt Nam cho rằng, từ góc độ chính trị quốc tế, việc các quốc gia tuyên bố thể hiện quan ngại trước hành động vi phạm luật quốc tế của một quốc gia đối với quốc gia khác, cũng như yêu cầu ngừng hành động vi phạm là hoạt động thường xảy ra trong quan hệ quốc tế.
“Lập trường của Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông xuất phát từ việc Mỹ không có yêu sách trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy nhiên, khi những tranh chấp không liên quan đến chủ quyền lãnh thổ có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Mỹ ở Biển Đông thì Mỹ vẫn luôn nêu rõ lập trường, quan điểm và có các hành động bảo vệ lợi ích của mình, cụ thể là việc tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP)”, Tiến sĩ Lan Dung nói.
Bà Lan Dung nói thêm: “Hoạt động của tàu Hải Dương 8 là hành vi vi phạm vùng biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không phải khu vực tranh chấp, vì thế Mỹ cũng như các nước có cơ sở để lên tiếng ủng hộ chính nghĩa”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lan Dung cũng lưu ý rằng, cho đến nay Mỹ chưa có thay đổi gì về các nguyên tắc và ưu tiên đối với việc can dự vào các tình huống ở Biển Đông, việc can dự của Mỹ cần dựa trên cơ sở các hiệp ước về an ninh và tương trợ quốc phòng như Hiệp định giữa Mỹ và các đồng minh Nhật Bản và Philippines.
Cân nhắc sử dụng các biện pháp pháp lý
Trong cuộc họp báo ngày 22/8, khi được hỏi về thông tin cho rằng Việt Nam đang cân nhắc để kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của Việt Nam bằng các biện pháp hòa bình theo đúng các qui định của luật pháp quốc tế”.
Theo Tiến sĩ Lan Dung, các biện pháp pháp lý, cụ thể là việc giải quyết tranh chấp ở các tòa án, tòa trọng tài quốc tế là một trong các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế được quy định tại Điều 33 Hiến chương Liên Hợp Quốc, tại Mục 2 phần XV UNCLOS 1982. Hòa bình giải quyết tranh chấp là một trong các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế và là nghĩa vụ mà các quốc gia phải tuân thủ.
Việc tiếp cận theo tinh thần thượng tôn pháp luật, sử dụng các biện pháp pháp lý đem đến những lợi ích to lớn cho tất cả các quốc gia trong tranh chấp, cho dù phán quyết có nghiêng về bên nào. Tuy nhiên, cũng có những thách thức nhất định đối với việc sử dụng các biện pháp pháp lý.
Bất cứ quốc gia nào, đều cần cân nhắc thận trọng các khía cạnh có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia một cách tổng thể để đưa ra quyết định có sử dụng biện pháp pháp lý hay không và cần có quyết tâm cao của nhà nước cũng như xã hội. Điều này cũng đòi hỏi sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, sự tham gia của đội ngũ chuyên gia pháp lý chuyên môn cao cũng như cần sự chuẩn bị để xử lý các vấn đề có thể phát sinh.
Vụ kiện của Philippines chính là một ví dụ cụ thể. Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông và yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh. Trung Quốc khi đó từ chối tham gia vụ kiện và cho đến nay vẫn tuyên bố không chấp nhận và không tuân thủ phán quyết.
Tiến sĩ Phạm Lan Dung.
“Việc một quốc gia là một bên của tranh chấp tuyên bố không tuân thủ phán quyết không làm phán quyết mất đi tính chung thẩm và tính ràng buộc pháp lý. Phán quyết trong một vụ việc quan trọng như vụ Philippines kiện Trung Quốc giành được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, dù tuyên bố không tuân thủ nhưng Trung Quốc ý thức được việc không tuân thủ trên thực tế sẽ tạo ra hệ quả tiêu cực như thế nào đến vị thế và uy tín của quốc gia, sẽ thách thức những nguyên tắc nền tảng của hệ thống quan hệ quốc tế, và thách thức chính sự ổn định cần thiết cho việc duy trì vị thế của Trung Quốc. Khi vẫn còn là quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không quốc gia nào muốn trở thành ví dụ điển hình cho việc không tuân thủ Công ước”, Tiến sĩ Lan Dung nhận định.
Câu hỏi đặt ra ở đây là có thể làm gì để tăng tính ràng buộc của phán quyết nếu có vụ kiện tương tự? Theo bà Lan Dung, về mặt nguyên tắc, tính ràng buộc của phán quyết là như nhau. Khác nhau là khả năng và mức độ tuân thủ và thực thi phán quyết của quốc gia thua kiện. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách tiếp cận của từng quốc gia.
“Theo quy định của luật quốc tế, nguyên tắc đảm bảo thi hành luật là pacta sunt servanda – tận tâm thiện chí thi hành luật pháp quốc tế. Vì vậy, biện pháp khả thi nhất là tác động để quốc gia thua kiện trong vụ việc tự ý thức được ý nghĩa của việc tự nguyện tuân thủ phán quyết. Cách thức và mức độ tác động có thể khác nhau, từ mềm mỏng đến quyết liệt, bao gồm dư luận và sức ép của cộng đồng quốc tế, tuyên bố, phát biểu của từng quốc gia, của các tổ chức quốc tế và khu vực. Vị thế, vai trò và mối quan hệ của quốc gia trên trường quốc tế trong trường hợp này có ý nghĩa quan trọng”, Tiến sĩ Lan Dung cho biết
VN Đến Lúc Phải Đi Với Mỹ
Vi Anh
Sự kiện và thời sự. Tin VOA ngày 28/08/2019 “Việt Nam vận động hành lang để ông Trọng thăm Mỹ tháng 10”. Chuyên gia chính trị Việt Nam Carl Thayer cho VOA biết chính phủ Việt Nam đã vận động hành lang ở Hoa Kỳ để Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có được lời mời thăm Tòa Bạch Ốc và nhiều khả tín chuyến đi Mỹ của nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.
Hai Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, và Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương thăm Việt Nam trong hai ngày 18 và 19-08. Hai vị có các cuộc gặp gỡ với các quan chức cao cấp của chế độ CS Việt Nam, và có thời gian làm việc nhiều với Trung tướng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân. Đại tướng. Goldfein nói “Tôi muốn nhấn mạnh đến thông điệp mà Ngoại trưởng và Tổng thống của chúng tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đó là “Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh. Tôi đến đây để thăm một nước đối tác rất quan trọng và nước đối tác có nhiều lợi ích và mối quan tâm của chúng tôi.”
Sự hiện diện của hai Đại tướng Không quân Mỹ thể hiện sự tăng gia cam kết của Mỹ với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.
Còn chánh quyền Mỹ ở Washington hôm 20/08/2019 tố cáo Bắc Kinh vận dụng «chiến thuật hăm dọa» trên Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên hầu hết diện tích. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố: «Các nỗ lực cao độ mới đây của Trung Quốc để hăm dọa các quốc gia khác trong việc khai thác tài nguyên của họ, là rất đáng ngại. Hoa Kỳ kiên quyết ủng hộ những ai đang đương đầu với các hành vi cưỡng bức, và chiến thuật đe dọa» gây nguy hại cho hòa bình và an ninh khu vực.
Tình hình Biển Đông những năm gần đây trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi Trung Quốc liên tục đơn phương và bạo ngược tuyên bố chủ quyền và quân sự hóa khu vực này. Hành động tuần tra trên biển của Hoa Kỳ là lời cảnh cáo đối với Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì coi Hoa Kỳ “quốc gia ngoài vùng” và yêu cầu không can thiệp vào các vấn đề khu vực.
Nhớ nhơn lúc TT Trump đắc cử lên làm tổng thống Mỹ, Thủ Tướng VNCS Nguyễn xuân Phúc công du Mỹ, TT Trump tiếp rước đàng hoàng, và hứa sẽ phát triển hợp tác toàn diện như thời TT Obama. Trên đường về, Ô. Phúc ghé Nhựt đồng minh thân thiết của Mỹ, là đầu tàu kéo liên minh Á châu chống TC. Nhựt ký một gói hợp đồng đầu tư khá lớn 22 tỷ với VN, và viện trợ không hoàn lại tức cho không mấy chiếc tàu tuần cận duyên tân trang.
Trong khi đó TC hăm doạ VNCS. TC lên tiếng trên báo điện tử Trung Quốc Binh Khí Đại Toàn, kêu gọi TQ đánh tái chiếm lại toàn bộ Nam sa là tên của TQ chỉ quần đảo Trường sa của VN, để tế cờ cho cuộc đại chiến đánh Việt Nam CS, với những câu đầy máu lửa. Như “Chúng ta có đầy đủ lý do để tấn công Việt Nam, Việt Nam cũng có đầy đủ điều kiện để trở thành vật tế của trận chiến thu hồi Nam Sa”.
VN cấp phép cho một chi nhánh của công ty Tây Ban Nha Repsol hoạt động thăm dò dầu khí tại lô 136/3. Thì TC đe dọa, áp lực Việt Nam phải ra lịnh cho công ty Repsol ngưng, rời khỏi khu vực này.
Lấy tàu mà chở cũng không hết những lời nói và hành động TC khinh miệt đất nước VN, bắn giết ngư dân VN, coi chế độ CSVN như chư hầu, gia nô của TC. Nhiều năm rồi, chớ không phải mới đây. Tiền cừu hậu hận đối với quân Tàu Cộng động trời cao, thấu đất dày quê cha đất tổ VN.
Sự đời cũng như việc nước chuyện dân. Con giun xéo mãi cũng quằn. 44 năm cả nước VN bị nằm trong gọng kềm CS Hà nội chưa đủ hay sao mà bây giờ VN sắp phải bị Bắc thuộc lần thứ tư nữa với sự lấn đất, giành biển, xâm thực lần hồi theo đà bánh trướng của quân Tàu trong đầu thế kỷ 21.
Có lẽ cái kết cuộc có hậu (happy ending) của những nhà tư tưởng Đông Phương thường nói đã đến. Ánh sáng đang le lói ở cuối đường hầm VN. Đó là con đường đang mở rộng để người dân Việt Nam trong ngoài nước cùng góp một bàn tay cứu nguy quốc gia dân tộc của mình, bằng nội lực dân tộc là tổng lực đấu tranh nếu cần thì chiến đấu nhờ sức mạnh của tự do, dân chủ và nhờ thời cơ Mỹ trở lại Đông Nam Á.
Một, đó là bắt tay đi với Mỹ. Con đường đó là con đường của người dân Việt ở Bắc ở Trung, ở Nam và ở hải ngoại mong muốn. Muốn đi thẳng với Mỹ, không vòng vo qua ngõ Paris, Bắc kinh hay Mạc tư khoa gì nữa. Để tự vệ chánh đáng, để cứu đất nước khỏi bị quân Tàu xâm thực, VN khỏi bị Bắc thuộc lần thứ tư.
Con đường đó thuận hợp với xu thế thời đại dân chủ hoá toàn cầu và nguyện vọng của người Việt muốn bảo vệ giang sơn gấm vóc. Còn bắt tay thế nào để không bị lệ thuộc, không bị những chánh khách Mỹ thực dụng đến trơ trẽn bán đứng, phản bội. Thiết nghĩ người Việt hải ngoại có nhiều kinh nghiệm và nhứt là ba triệu người Mỹ gốc Việt công dân Mỹ bây giờ khác với thời VNCH chưa có, chắc biết sử dụng thế đứng như người Mỹ gốc Do thái đối với chánh quyền dân cử Mỹ.
Không còn nghi ngờ gì nữa Mỹ đã mạnh dạn trở lại Đông Nam Á, chánh yếu là Việt Nam. Biển Đông của VN đang bị TC giành giựt là một điểm nóng sát với con đường hàng hải của 50% hàng hoá thế giới chở bằng tàu, 90% nhiên liệu của các nước Bắc Thái bình Dương, 5 000 tỷ Mỹ kim hàng hoá của Mỹ và đồng minh Nhựt và Nam Hàn là hai nước Mỹ còn gần 100.000 quân trú đóng.
Đi với Mỹ, cái gì chưa chắc, chớ cái chắc là cái lợi trước mắt và đoản kỳ cho VN là TC không dám tấn công VN bất thần trên biển cũng như trên bộ. VN có thời gian hoà bình võ trang (paix armée) để hiện đại hoá, tăng cường quân lực, ‘rèn cán chỉnh quân’ ngăn chận đà xâm thực của quân Tàu.
Hai, Dân, Quân VN đều muốn đi với Mỹ. Tình hình cho thấy không có lúc nào VNCS đi với Mỹ là hợp thời cơ, thuận nhơn hoà hơn lúc này. Dân và quân VN đều muốn đi với Mỹ để thoát Trung. Thế nước, lòng dân, ý quân VN theo hướng ấy đã thấy rõ sau chuyến công du VN của TT Obama năm 2016 và sau tân TT Trump mời Chủ Tịch Nước và Thủ Tướng CSVN công du Mỹ. TT Trump còn hứa sẽ thăm VN khi dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng và Ông cũng mời Chủ Tịch Nước Nguyễn phú Trọng thăm Hoa Kỳ. Thêm vào đó có Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Phạm bình Minh coi việc đi vớí Mỹ là đền ơn nước, trả thù nhà. Chính TC đã áp lực Bộ Chánh trị CSVN phải nặc lịnh từ
dịch thân phụ Ông vì Ông Nguyễn cơ Thạch chống đối không chịu VN trở thành chư hầu cho TC ở Hội nghị Thành Đô./.(VA)
https://vietbao.com/p123a298261/vn-den-luc-phai-di-voi-my
Cái Đầu Ông Trọng Có Vấn Đề
Phạm Trần
Lần đầu tiên, kể từ sau ngày bị “đột qụy nhẹ” (minor stroke) trong chuyến thăm Kiên Giang 13-14/04 (2019),Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có buổi nói chuyện “trung bình dài” với 392 đảng viên trẻ, nhưng không hề đề cập đến cuộc xung đột chủ quyền với Trung Quốc đang diễn ra ở bãi Tư Chính, Trường Sa.
Trong phát biểu ngày 27/08 (2019), ông Trọng cũng trốn nhắc lớp đảng viên, tiêu biểu toàn quốc về đợt sinh hoạt kỷ niệm 50 năm học và làm theo Di chúc Hồ Chí Minh (1969-2019) , phải quan tâm đến nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ngược lại, ông chỉ chú tâm đến tuyên truyền:”Muốn nhớ lời Bác dặn, theo chân Bác, không chỉ nhớ và học thuộc lòng mà phải ngấm vào máu, vào tim vào óc của mình, trở thành những điều mình trăn trở, suy nghĩ, day dứt để học và làm theo Bác, sống, chiến đấu, học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Ông nói:“Tinh thần đó không chỉ cần truyền đạt tới tất cả đoàn viên, thanh niên, đảng viên trẻ, mà toàn Đảng, toàn dân ta cũng cần ghi nhớ và thực hiện những điều này.” (theo báo Tuổi Trẻ, ngày 27/08/2019)
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước 75 tuổi thì:” Đã là đoàn viên, thanh niên cần xung kích, đi đầu, phát huy tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Đảng viên trẻ càng cần gương mẫu, tiên phong hơn nữa, đúng với vai trò, vị trí của đảng viên trẻ Việt Nam, xứng đáng trở thành lực lượng dự bị tin cậy, hùng hậu để bổ sung vào nguồn lãnh đạo của Đảng bộ các cấp.”
Nhưng ông Trọng cũng cảnh giác:” Không phải vào trung ương để cho oai, hay là vào trung ương để kiếm chác cái gì, mà vào trung ương để hi sinh, phấn đấu, để cống hiến, trưởng thành hơn nữa, làm cho Đảng ta mạnh lên, mỗi đồng chí là một hạt nhân ở trong trung ương.”
Nghe ông Nguyễn Phú Trọng nói thao thao bất tuyệt như thế thì tưởng rằng đất nước không cò chuyện gì phải trăn trở hay lo âu. Nhưng thật ra là ông đã cố tình đánh lừa nhân dân và lòe bịp Thanh niên.
Trong nội bộ, tình trạng Tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” do cán bộ, đảng viên gây ra và nuôi dưỡng tiếp tục hành dân khốn khổ. Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, quyết liệt từ Khóa đảng XI, vẫn ngổn ngang và còn biến dạng chống phá nhau gay gắt hơn giữa các cấp từ Trung ương xuống đến cơ sở.
Nạn chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu để lọt vào Trung ương khóa đảng XIII, sẽ diễn ra tháng 01/2021, đã và đang rộn ràng trong đảng khiến ôngTrọng phải liên tục cảnh giác :”Dè chừng dần tiêu cực chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu. Phải cảnh báo vấn đề này. “Chạy” là không dùng” (VOV (Voice of Vietnam), ngày 21/03/2019)
Nạn cường hào, quan liêu, bóc lột dân bằng mọi hình thức và ăn đủ mọi thứ không phải của mình vẫn tồn tại nghiêm trọng.
Chán đảng khô đoàn
Riêng với Thanh niên, ông Nguyễn Phú Trọng từng cảnh giác nhiều lần từ năm 2017 về tình trạng ông gọi là “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”.
Ông nói tại Đại hội Đoàn toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lần thứ 11 nhiệm kỳ 2017-2022 tại Hà Nội ngày 11/12/2017 :”Hiện vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng.”
Ông bảo :”Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ qua vẫn còn hạn chế. Một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thậm chí, một số ít thanh niên bị lôi kéo, có những việc làm đi ngược lại truyền thống của Đoàn, trái với mục tiêu của Đảng, của dân tộc.” (theo VietnamExpress)
Ông Trọng còn nói thêm:”Tình trạng tội phạm và tệ nạn trong thanh thiếu niên diễn biến phức tạp, trong khi đó Đoàn còn chậm và lúng túng trong nghiên cứu đề xuất giải pháp, chưa kịp thời có ý kiến và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, mặt trái tác động đến thanh thiếu nhi. Công tác giáo dục của Đoàn rộng nhưng chưa sâu….Bên cạnh đó, một số hoạt động của Đoàn còn nặng về bề nổi, dàn trải và hình thức. Một số phong trào chỉ thu hút được thanh niên tiên tiến tham gia, kết quả thiếu tính bền vững… “Ông cũng kêu gọi phải tránh “tình trạng ‘nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”
Ông Trọng nói:”Đoàn cần định hướng giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác thông tin sai trái, tăng cường sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội, “tránh tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”.
Vậy tình trạng “nhạt Đảng, khô đoàn, xa rời chính trị” có khá hơn trong năm 2019 ?
PGS.TS Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nói với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice Of Viiệt Nam): “Có điều kiện đi một số địa phương trong cả nước, tôi thấy kết nạp đảng viên mới hiện nay là vấn đề khó khăn ở một số nơi, kể cả những địa phương là cái nôi của cách mạng Việt Nam, kể cả thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Có mấy nguyên nhân quan trọng sau đây: Tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở nhận thức về vấn đề bồi dưỡng quần chúng để kết nạp vào Đảng cũng còn chưa thực sự chú trọng. Nhiều tổ chức, cơ sở Đảng, nhiều chi bộ không quan tâm đến việc kết nạp đảng viên, nên có những chi bộ mấy năm không kết nạp được đảng viên mới nào.
Thực tế những năm qua, sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhất là tổ chức đảng cơ sở có những biểu hiện chưa tốt nên việc bồi dưỡng quần chúng kết nạp Đảng cũng chưa tốt.
Về đảng viên, bên cạnh đại bộ phận đảng viên tốt, còn một bộ phận không nhỏ đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, đặc biệt là đảng viên cấp cao không có sự nêu gương, nhiều đồng chí bị xử lý kỷ luật, xóa tên ra khỏi Đảng, thậm chí có đồng chí bị truy tố hình sự, vào tù.
Nhiều thanh niên nhìn vào đó mà không phấn đấu vào Đảng. Họ băn khoăn vào Đảng mà như những đồng chí ấy thì vào Đảng làm gì….”
Ông Trọng nín thinh
Trong khi đó thì Trung Quốc, nước láng giềng đàn anh mà Cộng sản Việt Nam thường ca tụng “vừa là đồng chí, vừa là anh em” đã bất chấp Công pháp quốc tế và Luật biển Liên Hiệp Quốc 1982, công khai cho tầu khảo sát dầu khí Hải Dương 8 (HD-8) xâm nhập thềm lục địa, và bên trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính, Trường Sa, cách Vũng Tầu 370 cây số về phía Đông nam, từ ngày 03/07/2019.
Sau đó HD-8 rời Tư Chính ngày 07/08 (2019) về đảo Chữ Thập mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ 1988 để lấy tiếp liệu rồi quay lại Tư Chính ngày 13/08 (2019). Nhưng ít ngày sau, HD-8 lại ngang nhiên di chuyển đến khảo sát ở vị trí cách đảo Phú Quý 102 cây số về phía đông nam và chỉ cách bờ biển Phan Thiết 185 cây số.
Hành động ngang ngược của Bắc Kinh lần này đã bị Việt Nam chỉ trích đích danh, gửi Công hàm phản đối và yêu cầu rút HD-8 và các tầu hộ tống có võ trang, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục điều nghiên.
Đây là lần thứ hai, Bắc Kinh đã không coi Việt Nam ra gì. Lần thứ nhất xẩy ra vào tháng 5 năm 2014. Khi ấy, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã ngang nhiên vào tìm dầu phía nam đảo Hoàng Sa, cách đảo Tri Tôn (Trung Quốc gọi là đảo Trung Kiến, thuộc quần đảo Hoàng Sa) 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía nam, và cách đảo Lý Sơn(tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông.
Lực lượng cảnh sát biển có võ trang Việt-Trung đã nghênh chiến nhưng không nổ súng cho đền ngày 16/07/2014 thì Hải Dương 981 rút lui.
Nếu so sánh thì vụ HD-8 ngoan cố và tiềm ẩn nhiều âm mưu của Trung Quốc hơn vụ HD-981, nhưng ngược lại phía CSVN lại có những hành xử khó hiểu hơn vụ HD-981.
Điểm nổi bật nhất là ông Nguyễn Phú Trọng, trong cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã không nói lời nào từ khi xây ra vụ HD-8.
Cả Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất nước và Ban Chấp hành Trung ương đảng (Khóa XII) cũng không có bất cứ động thái nào.
Ngay đến số 484 Đại biểu Quốc hội còn tại chức cũng không ái dám hé răng.
Phản ứng vụ HD-981
Ngược lại, khi xẩy ra vụ HD-981, theo Bách khoa toàn thư mở, đã có những việt đã xẩy ra:
– Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14 tháng 5 (2014) ra thông báo Hội nghị Trung ương 9 trong đó có đoạn: Ban Chấp hành Trung ương theo dõi sát tình hình, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta và khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Trung Quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước…
-Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, cho đến ngày 20 tháng 5 năm 2014, Việt Nam và Trung Quốc đã có 20 cuộc điện đàm về Vụ giàn khoan Hải Dương 981 trong đó Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vị trí tranh chấp.
-Quốc hội Việt Nam ngày 21 tháng 5 ra thông cáo “nhất trí cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước”.
-Ngày 15 tháng 5 người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc và ngày 20 tháng 5 phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève đã gửi thông cáo đến Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Genève, về sự kiện “Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông”.
-Bộ Chính trị chỉ đạo phải tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, đúng theo luật pháp quốc tế. Riêng về giải pháp đấu tranh pháp lý, thời điểm nào hợp lý thì Bộ Chính trị sẽ quyết định, theo thông tin từ phiên họp Chính phủ cuối tháng 5.
-Ngày 31/5/2014, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối việc Bắc Kinh không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong công hàm này, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực.
Cũng khác giữa vụ HD-981 năm 2014 và HD-8 năm 2019 trong phản ứng của người dân. Nếu HD-981 đã gây phẫn nộ cho người dân Việt Nam từ trong nước ra nước ngoài qua các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và chống tính ươn hèn và nhu nhược của lãnh đạo Việt Nam đã để cho Trung Quốc bắt nạt thì năm 2019 đã không có phản ứng dữ dội như thế.
Năm 2014 đã có hàng ngàn người xuống đường biểu tình chống phá Trung Quốc ở Việt Nam thì năm 2019 chỉ có chừng vài chục người lẻ tẻ. Người Việt Nam ở nước ngoài cũng không tích cực và hăng hái như năm 2014.
Sự khác biệt rất dễ hiểu vì nhà nước CSVN đã tỏ ra nhu nhược trước áp lực trắng trợn của Bắc Kinh, nhưng lại hung hăng ngăn chặn và đàn áp dân khi họ chống Trung Quốc.
Do đó, lần này, tuy HD-8 đã vào gần Phan Thiết, người dân cũng mặc thây, cứ bình chân như vại “để cho nhà nước lo”, theo ý muốn của Bộ Chính trị do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
Như vậy, liệu có ai hiểu được tại sao ông Trọng đã khuyên Thanh niên chuẩn bị làm con thiêu thân cho đảng, thay vì kêu gọi họ đoàn kết đứng lên bảo vệ Tổ quốc ?
Hay cái đầu của ông có vấn đề thật, sau cơn “đột qụy” ở Kiên Giang ? -/-
Phạm Trần
(08/019)