Tin Việt Nam – 31/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 31/08/2018

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa bị đánh

sau phiên tòa xử ông Lê Đình Lượng

Tù nhân lương tâm, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hóa, đã bị đánh ngay sau phiên tòa xử nhà hoạt động vì môi trường Lê Đình Lượng ở Nghệ An hôm 16/8 vừa qua. Một người thân của Hóa cho Đài Á Châu Tự Do biết tin này hôm 30/8. Vì lý do an toàn, người này không muốn nêu tên.

Sau phiên tòa xử ông Lượng ở Nghệ An xong thì thấy sức khỏe của em không được như những lần vào thăm trước. Em ốm và gầy hơn. Hóa cũng nói là sau lời khai của ông Lượng ở Nghệ An thì có một người đánh vào đầu em”.

Người thân của Hóa cho biết gia đình Hóa đã vào thăm anh tại trại giam An Điềm ở Quảng Nam vào ngày 28/8 vừa qua và được Hóa cho biết như vậy.

Tại phiên tòa xét xử ông Lê Đình Lượng, hai tù nhân lương tâm là Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng đã được đưa ra tòa làm chứng để chống lại ông Lượng. Theo luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Lê Đình Lượng, tại phiên tòa, cả Hóa và Dũng đều đã rút lại lời khai của mình trước đó và nói rằng họ đã bị nhục hình để có lời khai chống lại ông Lượng.

Ngay sau phiên tòa, tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng bị đưa về trại giam và không được gặp gia đình. Ông Nguyễn Viết Hùng, cha của Nguyễn Viết Dũng cho biết, trại giam không cho ông gặp con vì Dũng đã không khai thành khẩn trong phiên tòa xét xử ông Lê Đình Lượng.

Sau khi có tin hai tù nhân lương tâm bị đánh đập và ép cung, Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) đã ra thông cáo yêu cầu chính quyền Việt Nam phải dừng ngay lập tức tình trạng sách nhiễu và hành hung phóng viên Nguyễn Văn Hóa, đồng thời trả tự do cho tất cả những nhà báo đang bị cầm tù.

Cũng theo người thân của Nguyễn Văn Hóa, trong lần thăm mới nhất, Hóa cho biết anh bị bệnh và cần đi khám : “Về sức khỏe đợt này Hóa nói em có một u đau ở mông, cứ trở trời là đau nhức cho nên trong tuần này Hóa sẽ gửi lên Giám thị ở trại giam và đi khám.”

Hôm 27/11/2017, Nguyễn Văn Hóa bị tòa tuyên án tù 7 năm với cáo buộc ‘Tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự.

Nguyễn Văn Hóa là nhà hoạt động dân sự, tích cực tham gia vào các hoạt động phản đối nhà máy thép Formosa thải chất độc gây ô nhiễm biển miền Trung, và giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này. Hóa cũng là người sử dụng flycam để thu lại hình ảnh hàng ngàn người biểu tình trước cổng công ty Formosa vào tháng 10 năm 2016.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nguyen-van-hoa-beaten-after-luong-trial-08302018124931.html

 

VN: Chính quyền ngăn giới hoạt động trước 2/9

Chính quyền nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đang lo ngăn chặn biểu tình mà họ gọi là ‘tụ tập đông người’ dịp Quốc Khánh 2/9.

Nơi ở của một số nhà hoạt động được an ninh Việt Nam canh gác nghiêm ngặt trước 2/9.

Cùng lúc, chính quyền chỉ đạo cho công an các thành phố Hà Nội, TP HCM và nhiều đô thị khác “đảm bảo an ninh, trật tự trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9”.

Các văn bản công bố ở Hà Nội nói công an thành phố này có nhiệm vụ “chống hoạt động tập trung đông người, tuần hành, biểu tình trái pháp luật gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố, nhất là trong dịp 2/9.

Từ Sài Gòn, nhà báo tự do Sương Quỳnh nói với BBC hôm 31/8 là an ninh đã “đặt chốt” trước nhà của bà từ trưa:

“Những ngày có xảy ra biểu tình hay xét xử những người bất đồng chính kiến thì công an mặc thường phục vẫn đến canh nhà tôi. Thường họ đi theo nhóm từ 4-5 người. Lúc cao điểm khi đang biểu tình hay xử án thì lên đến hàng chục người. “

“Nếu họ cho phép tôi đi ra khỏi nhà thì sẽ cử 2 -4 người đi theo canh phòng. Có dịp họ còn cử hàng chục người gồm an ninh, dân phòng, thậm chí cả người của Hội phụ nữ tới canh gác cả ngày, chia ca kíp.”

Bà Sương Quỳnh đã từng tham gia các vụ biểu tình phản đối Trung Quốc, Formosa, ủng hộ Trường Sa, Hoàng Sa, kêu gọi thả tù nhân lương tâm.

VN và vấn đề ‘ngăn tụ tập đông người’ ngày 2/9

VN bắt một ‘thành viên Việt Tân có vũ trang’

Lý do biểu tình: ‘Chống TQ và mong mỏi dân chủ’

Cũng từ Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Viện, cho hay ông được trưởng công an phường trực tiếp ‘mời cà phê’ hôm 30/8.

“Cách làm việc thân thiện. Họ nhờ ‘giúp’ bằng cách không ra khỏi nhà vào hôm 2/9 và 4/9.”

Cũng tương tự, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm nói ông được cán bộ PA67 của Bộ Công an ‘mời cà phê’ hôm 30/8 tại Sài Gòn để ‘hỏi han’.

“Họ hỏi tôi mùng 2/9 có kế hoạch gì? Có đi ra đường không? Họ khuyên tôi không nên đi ra ngoài hôm 2/9 coi chừng bị ‘hốt’ và nói “Những ông bài viết, những việc ông làm bọn tôi đều biết,” ông cho BBC Tiếng Việt từ Bangkok hay.

Ngăn ngừa, tuyên truyền và vận động

Giới chức ở nhiều địa phương cũng tăng cường biện pháp tuyên truyền khác như đi phát tờ rơi, đi vận động từng nhà.

Bà Phạm Thị Tuất ở phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) được dẫn lời trên báo Quân đội Nhân Dân ngày 28/8, nói trong những lần họp tổ dân phố, cán bộ thường tuyên truyền cho dân đọc thông tin “từ những trang báo chính thống thay vì tin tức trên mạng xã hội để hạn chế tối đa việc niềm tin nhầm chỗ, nghe theo lời xúi giục của những phần tử phản động, cơ hội”.

Trần Văn Quang, 16 tuổi, ở phường Phú Tài, TP Phan Thiết (Bình Thuận) thì nói, cũng trên tờ báo này, rằng vào 10/6 – thời điểm xảy ra biểu tình ở nhiều nơi trên cả nước và bạo động ở Bình Thuận – em được thuê ném đá vào công an với giá 200 ngàn đồng,”‘ném bom xăng thì được từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng”.

Bài báo cũng về lòng yêu nước và kêu gọi cảnh giác với “mọi âm mưu thủ đoạn thâm độc của thế lực thù địch”.

Hệ thống viễn thông nhiều địa phương đã vào cuộc để phục vụ tuyên truyền dịp 2/9.

VNPT tại Long An nhắn tin cho người dân “không nghe xúi giục, kích động của đối tượng xấu’, làm ‘ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương”.

Tại Vĩnh Yên, báo tỉnh đăng hình công an kiểm tra xe máy ngoài đường, để “bảo đảm an ninh trật tự dịp Quốc khánh 2/9”.

Công an TP HN cũng chủ động phòng, chống hoạt động tập trung đông người, tuần hành, biểu tình trái pháp luật gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn TP nhất là trong dịp 2/9.Báo chính thống ở HN

Hôm 27/8, chủ tịch UBND Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, yêu cầu công an không để xảy ra tình trạng “tụ tập đông người, quá khích dịp lễ Quốc khánh”.

Biểu tình các dịp cuối tuần

Các vụ biểu tình tự tổ chức đã xảy ra nhiều lần, thường vào cuối tuần, từ nhiều năm qua ở Việt Nam, như phản đối Giàn khoan HD981 của Trung Quốc hồi 2014.

Trong tháng 6 năm nay, có thêm các cuộc biểu tình ở các đô thị lớn phản đối hai luật An ninh mạng và Đặc khu kinh tế.

Một đánh giá hồi tháng 6/2018 của Viện Lowy tại Úc về các vụ việc đó viết:

“Đa số công chúng tin rằng tham nhũng trong bộ máy công quyền là kinh niên ở Việt Nam. Dù chiến dịch chống tham nhũng được ủng hộ rộng rãi, điều này khó tạm thu hút niềm tin trong công chúng về các chính sách mới nhất”.

5 điều cần biết về tiền Trung Quốc

VN nên ‘đi dây tỉ giá’ nhân dân tệ và USD

Hậu biểu tình: Việt Nam khởi tố nhiều người

Ngoài ra, yếu tố phản đối Trung Quốc về biển đảo hoặc các vấn đề khác thường xuất hiện trong các cuộc xuống đường ở Việt Nam những năm qua.

Cùng lúc, luật biểu tình đã bị trì hoãn nhiều lần cũng khiến khác biệt quan điểm chỉ có cách thể hiện qua tuần hành bất chấp lệnh cấm ngoài đường phố.

Vào cuối tháng 8, một nhóm nhân sỹ ở Việt Nam nói họ dự kiến công bố bản kiến nghị chính phủ về việc bỏ vĩnh viễn Luật đặc khu kinh tế và Thông tư 19 cho phép lưu hành đồng nhân dân tệ ở các tỉnh giáp Trung Quốc.

Ngoài ra, có một số lời kêu gọi biểu tình lan truyền mạng xã hội mà không rõ mục đích đến từ người Việt ở hải ngoại, theo một nhà hoạt động tại Sài Gòn.

Tuy nhiên, theo ông Dương Đại Triều Lâm thì kêu gọi từ giới hoạt động hay từ bên ngoài không phải là yếu tố chính.

“Nhận thức của người dân nay cũng đã khác. Ví dụ như ngày 10/6 vừa qua, các nhà hoạt động mà chính quyền đã ‘quen mặt’, đều bị canh gác gắt gao, không thể ra khỏi nhà, nhưng biểu tình vẫn diễn ra ở khắp nơi,” ông Dương Đại Triều Lâm nói với BBC.

https://www.bbc.com/vietnamese/45352224

 

Mơ hồ việc tụ tập trái luật ở VN

Giới hoạt động trong nước thường xuyên bị ngăn cản, gây khó dễ mỗi khi tổ chức các cuộc tụ tập đông người hay biểu tình, với lý do cơ quan chức năng đưa ra là “gây rối trật tự công cộng”.

Trong khi đó nhiều sự kiện tụ tập đông người khác có tính chất ăn mừng thì lại được chính quyền cho phép, thậm chí hưởng ứng cùng.

Vài ngày trước, trên mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi Tổng Biểu tình nhân dịp lễ Quốc khánh và kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng 8.

Ngay sau đó, Chủ tịch Thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung nói rằng Hà Nội phải chủ động phòng, chống các hoạt động tập trung đông người, tuần hành, biểu tình trái pháp luật gây mất an ninh, trật tự trong dịp lễ Quốc khánh ngày 2 tháng 9.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi tuyên bố của ông Nguyễn Đức Chung được đưa ra, hàng ngàn người dân ở các thành phố lớn xuống đường tụ tập, hò reo mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam trước U23 Syria trong giải đấu ASIAD. Người dân mang theo các khẩu hiệu VN vô địch, mặc trang phục lá cờ đỏ sao vàng, hò reo ầm ĩ. Thậm chí một số video lan truyền trên mạng xã hội còn cho thấy cảnh đốt lửa, chặn xe,… trước mặt các nhân viên an ninh mà không một ai bị bắt hay gây khó dễ vì “gây rối trật tự công cộng”.

Nhà hoạt động Đỗ Nam Trung ở Hà Nội nhận định về nguyên nhân dẫn đến phản ứng khác nhau của lực lượng an ninh trong các sự kiện tụ tập đông người như vậy:

Vấn đề không phải chuyện tụ tập đông người hay biểu tình hay không mà những người Cộng sản họ sợ có thế lực khác làm mất quyền độc tôn trong việc lãnh đạo đất nước này. Vì vậy họ luôn sợ khi có một đám đông biểu tình hoặc một buổi tụ tập mang một chút xu hướng chính trị hay dân quyền.

Câu chữ của người Cộng sản cũng rất vô cùng. Nếu họ tụ tập ăn mừng chiến thắng, độc lập thì không sao. Nhưng nếu người khác, những người bất đồng chính kiến với họ, hay có tư tưởng cấp tiến mà tụ tập đông người hay lập hội lập nhóm gì đó độc lập mà không theo định hướng của Đảng thì lập tức quy chụp tội ngay.

Một người dân tích cực tham gia biểu tình ở Sài Gòn, cho RFA biết, chính quyền thành phố đã bố ráp an ninh khắp các nẻo đường chuẩn bị đàn áp biểu tình 2/9:

Vấn đề không phải chuyện tụ tập đông người hay biểu tình hay không mà những người Cộng sản họ sợ có thế lực khác làm mất quyền độc tôn trong việc lãnh đạo đất nước này.-

Nhà hoạt động Đỗ Nam Trung

Có một nhóm chuẩn bị xuống đường, và vừa đi dạo Sài Gòn thì thấy họ đã đưa người ra đầy đủ, ở tất cả các ngả đường đã bị phong tỏa. Các khu vực như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, sân bay,….

Điểm lại các sự kiện tụ họp đông người, hay biểu tình mà có sự góp mặt của những người bất đồng chính kiến, thì nhận thấy phần lớn sẽ có người bị bắt vì bị quy kết hành vi gây rối trật tự công cộng, dù đây đều là những cuộc tụ tập ôn hòa. Chỉ trong vòng hai tháng 7 và 8 đã có khoảng 40 người người bị bắt và kết án sau khi tham gia vào cuộc biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng ngày 10-11/6 vừa qua, hầu hết cũng đều bị quy vào tội gây rối trật tự công cộng.

Chúng tôi nêu câu hỏi khi nào thì cụm từ “tụ tập đông người trái luật” được áp dụng, với luật sư Bùi Quang Nghiêm, thuộc đoàn luật sư TP.HCM. Ông cho biết:

Chính quyền VN nếu nghi ngờ mục đích của việc tụ tập ấy họ không kiểm soát được thì họ cho ngay rằng bất hợp pháp. Còn nếu họ kiểm soát được mục đích và có thể quản lý được thì họ cho là bình thường, và họ không ngăn cấm.

Hiến pháp VN cho phép việc tụ tập đông người nhưng trong Nghị định số 38/2005/NĐ-CP lại đưa ra một loạt các điều kiện chế tài việc tụ tập này như phải đăng ký với cơ quan chức năng, không được mang theo băng, cờ, biểu ngữ nhằm chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,… và điều được nói là mơ hồ nhất đó là tụ tập không được gây rối trật tự công cộng mà không giải thích cụ thể thế nào là gây rối trật tự công cộng. Đây là những điều được VN quy vào tội “tập trung đông người nơi công cộng trái luật”.

Chính quyền VN nếu nghi ngờ mục đích của việc tụ tập ấy họ không kiểm soát được thì họ cho ngay rằng bất hợp pháp. – LS Bùi Quang Nghiêm

Luật sư Bùi Quang Nghiêm nói rằng cần có luật biểu tình để làm rõ việc tụ tập đông người trái luật:

Giới cầm quyền thì họ không muốn có luật biểu tình, không muốn đảm bảo quyền biểu tình hiến định được thực thi trong thực tế cho nên họ trì hoãn luật biểu tình rất nhiều lần. Cá nhân tôi thì mong muốn có luật biểu tình để làm rõ ràng ranh giới tụ tập đông người hợp pháp hay không hợp pháp.

Sau nhiều lần trì hoãn cho đến bây giờ VN vẫn chưa có luật biểu tình, dù trong Hiến pháp quy định rõ quyền được biểu tình của công dân.

Nhà hoạt động Đỗ Nam Trung cho rằng việc thông qua luật biểu tình như con dao hai lưỡi, vì cơ quan chức năng có thể thắt chặt các buổi tụ tập hay biểu tình bằng cách đưa ra các con số hay câu chữ “đánh bẫy” người dân. Anh nhấn mạnh ở Việt Nam “luật chỉ dành cho dân mà không dành cho cán bộ, và khi người ta đã không thích thì bất cứ điều gì cũng có thể khép thành tội”.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ambiguity-in-illegal-gathering-in-vietnam-08302018124545.html

 

Bộ trưởng Công an Tô Lâm:

Bắt thành viên Việt Tân là ‘chiến công xuất sắc’

Bộ trưởng Công an Tô Lâm hôm 31/8 gửi thư khen ngợi công an tỉnh Bình Định và Phú Yên trong vụ bắt một “đối tượng phản động” được cho là thành viên của đảng Việt Tân, và nói rằng đây là “chiến công xuất sắc” của lực lượng công an trong việc ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động khủng bố, phá hoại, kích động biểu tình, gây rối trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Trong bức thư được đăng trên trang web Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm ca ngợi thành tích này và nói rằng nó thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh, thực hiện theo chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an trong dịp lễ 2/9, một thời điểm được xem là “nhạy cảm”, với nhiều lời kêu gọi biểu tình xuất hiện trên mạng xã hội.

Trước đó hôm 30/8, Bộ Công an cho biết đã bắt giữ ông Lê Quốc Bình, sinh năm 1974, cư trú tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định, từ Campuchia về Việt Nam, mang theo 2 súng quân dụng, 7 súng hơi và hơn 500 viên đạn, 1 xe mô tô phân khối lớn. Bộ Công an nói “đối tượng phản động” này thành viên của đảng Việt Tân, có trụ sở ở Hoa Kỳ.

Trong thông cáo chính thức công bố cùng ngày, đảng Việt Tân nói đây là một vụ “dàn dựng” và “bịa đặt trắng trợn” nhằm hù dọa người dân tránh xa các tổ chức dân chủ.

Thông cáo cũng nhắc lại vụ bắt giữ hai vợ chồng Việt kiều Mỹ Lê Văn Phan và Nguyễn Thị Thịnh 11 năm trước và nói rằng hai người này không liên hệ gì đến Việt Tân, “nên khi màn kịch không còn ăn khách, CSVN đã phải âm thầm thả hai người này về lại Hoa Kỳ”, thông báo nói.

Đảng Việt Tân, tên đầy đủ là Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, bị Việt Nam liệt kê là một tổ chức “khủng bố”, trong khi tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ luôn khẳng định phương pháp đấu tranh của mình là ôn hòa, nhằm cổ vũ cho dân chủ, nhân quyền và công bằng xã hội.

Trong thư, ngoài việc biểu dương thành tích của công an Bình Định, Phú Yên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải “khẩn trương điều tra, củng cố chứng cứ”, sớm đưa vụ án ra xét xử nhằm răn đe, phòng ngừa…

Những ngày gần đây, giới hữu trách và truyền thông Việt Nam liên tục nhắc nhở người dân phải “cảnh giác” trước những lời kêu gọi tổng biểu tình vào dịp 2/9 xuất hiện trên mạng xã hội.

Tại hội nghị bàn giao công tác hôm 27/8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng công an và quân đội phải sẵn sàng ngăn chặn các cuộc tụ tập đông người hoặc biểu tình trong dịp nghỉ lễ.

Trong một diễn biến khác, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận hôm 30/8 cho biết đã quyết định khởi tố thêm 17 người tham gia vào cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc khu hồi tháng 6. Như vậy, cho đến nay đã có 32 người bị khởi tố liên quan đến cuộc biểu tình được xem là rầm rộ nhất tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Báo Công an Nhân dân cho rằng những cuộc biểu tình này theo mô hình “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” trên thế giới nhằm “xóa bỏ chế độ XHCN, đưa các nước XHCN đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa”.

Hiện Việt Nam vẫn chưa có Luật biểu tình nên nhiều người bị bắt vì tham gia biểu tình thường bị truy tố với tội danh “gây rối”.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-cong-an-to-lam-bat-thanh-vien-viet-tan-la-chien-cong-xuat-sac/4552437.html

 

Ngày thứ 18: Ông Thức cương quyết

tuyệt thực đến khi đạt được công lý

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã bước vào ngày tuyệt thực thứ 18 và cho biết sẽ tiếp tục tuyệt thực cho đến khi đạt được công lý.

Sáng ngày 31 tháng 8, bốn người trong gia đình tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và 2 nhà hoạt động là Phạm Bá Hải và Lê Thăng Long đã đến Trại giam số 6 Thanh Chương – Nghệ An để thăm gặp thì được ông Thức cho biết bản thân vẫn tiếp tục tuyệt thực ở ngày thứ 18 và sẽ tiếp tục để đòi hỏi thượng tôn pháp luật.

Bà Trần Thị Diệu Liên, chị gái của ông Thức nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại sau cuộc thăm gặp như sau:

Thức vẫn còn tuyệt thực, từ chối thức ăn của trại giam và gia đình có đem một số thức ăn nhưng Thức vẫn không nhận và kêu đem về.

Tuyệt thực đến ngày đó thì gia đình thấy sức khỏe anh cũng yếu, mặt mày bị háp, đen thui, nhìn thấy thương lắm, nhìn ảnh mà gia đình chịu không nổi.

Tuy vậy anh vẫn động viên: Gia đình yên tâm em không sao!

Lúc đó gia đình có hỏi lý do vì sao Thức vẫn cứ tuyệt thực, thì Thức có nói là em cần công lý và nhà nước này phải Thượng tôn pháp luật”.

Thức vẫn còn tuyệt thực, từ chối thức ăn của trại giam và gia đình có đem một số thức ăn nhưng Thức vẫn không nhận và kêu đem về. – Trần Diệu Liên

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án tù 16 với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, đã bắt đầu tuyệt thực từ ngày 13 tháng 8 để phản đối yêu cầu nhận tội từ phía công an để đổi lại lệnh đặc xá, cùng với đó ông cũng phản đối những ngược đãi của trại giam đối với mình.

Tù nhân lương tâm được quốc tế quan tâm này nói với gia đình rằng ông muốn vụ án của mình trở thành án lệ về sau. Bà Diệu Liên thuật lại với Á Châu Tự Do:

Thức nói việc trả tự do cho Thức phải đảm bảo về công lý, nếu sử dụng hình thức đặc xá thì chưa phải là công lý. Anh Thức muốn nhà nước phải thượng tôn pháp luật và sử dụng đúng điều luật để trả tự do cho ảnh trong khoản 3 điều 109 (Bộ Luật Hình  Sự).

Anh Thức cũng nói rằng, điều luật ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ sau này được thay đổi theo hướng chỉ khi nào có hành động vật lý mới bị kết tội và vụ án của anh sẽ được làm án lệ sau này”.

Cũng theo bà Diệu Liên thì gia đình bà cũng có buổi làm việc với Trại giam số 6 trong khoảng 1 giờ đồng hồ để làm rõ sự việc vì sao lại đối xử bất công với ông Thức trong nhà giam thì được cho biết vụ việc đã được chuyển cho Viện kiểm soát.

Anh Thức cũng nói rằng, điều luật ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ sau này được thay đổi theo hướng chỉ khi nào có hành động vật lý mới bị kết tội và vụ án của anh sẽ được làm án lệ sau này – Trần Diệu Liên

Trước một ngày gia đình lên thì Viện kiểm soát nhân dân cũng lên và gặp anh Thức, tức là ngày 29/8, để làm sáng tỏ những việc anh Thức cho là trại giam áp bức.

Thì sáng nay gia đình cũng có làm việc và họ cũng có giải thích và ghi biển bản lại. Nhưng tất cả đều do văn bản số 224 của giám thị trại giam Trần Bá Toan.

Chính anh Thức cũng nói là do ông Toan ra quyết định đó để thay đổi và đưa ra những điều khoản là thư chỉ được gửi cho 1 người, khiếu nại phải được trại kiểm tra trước không được gửi thư cho các lãnh đạo nhà nước.

Khi chúng tôi làm việc với ban lãnh đạo trại giam thì họ hoàn toàn không nói gì về điều đó, họ nói họ làm trong khả năng của họ, không có quyền giải quyết và đã đưa lên Viện Kiểm soát.

Tuy nhiên việc kiểm soát anh Thức như thế là hoàn toàn sai theo quy định của pháp luật, tại vì họ không dẫn được ra bất cứ điều gì là của nội quy trại giam hết”.

Cuối buổi thăm gặp, ông Trần Huỳnh Duy Thức gửi lời cảm ơn tới gia đình và những người bên ngoài đã quan tâm đến sự việc của ông, tuy nhiên ông nói rằng ông biết việc của mình là đấu tranh cho công lý và ông sẽ cương quyết thực hiện việc tuyệt thực cho đến khi nào đạt được công lý.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966,  nguyên là Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại Internet One Connection thành lập ở Singapore khoảng năm 2002.

Năm 2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc ban đầu là “trộm cước viễn thông”, tuy nhiên sau đó bị chuyển tội danh thành “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Ông Thức bị tuyên án 16 năm tù giam trong phiên tòa đầu năm 2010.

Tổ chức Ân xá quốc tế sau đó gọi phiên tòa là “sự nhạo báng công lý”.

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức nhiều lần từ chối lời đề nghị đi định cư ở Hoa Kỳ hay Âu Châu, và tuyên bố “ở lại để cống hiến và phục vụ cho đất nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tran-huynh-duy-thuc-continues-hunger-strike-demanding-justice-08312018092610.html

 

Bốn bị cáo vụ PVTEX bị tuyên 58 năm tù

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sáng 31/8 đã tuyên án tù tổng cộng 58 năm đối với bốn bị cáo trong phiên sơ thẩm xét xử vụ án hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí – PVTEX (Tập đoàn dầu khí Việt Nam).

Ông Trần Trung Chí Hiếu (55 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTEX) bị tuyên 15 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ và 13 năm tù về tội cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt cho bị cáo Hiếu là 28 năm tù.

Các bị cáo Đỗ Văn Hồng (51 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc PVC.KBC) bị tuyên 13 năm tù; Đào Ngọ Hoàng (40 tuổi, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX) bị tuyên 9 năm tù; Vũ Phương Nam (39 tuổi, nguyên Kế toán trưởng PVTEX) bị tuyên 8 năm tù về tội cố ý làm trái.

Theo cáo trạng, ông Trần Trung Chí Hiếu bị cáo buộc đã cấu kết với Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc PVTEX đang bỏ trốn, ký hợp đồng với nhà thầu không đủ năng lực khi xây dựng nhà ở cho công nhân PVTEX với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng. Các bị cáo còn được cho là đã tự ý thay đổi thiết kế và làm trái các quy định, gây thiệt hại cho nhà nước.

Ông Trần Trung Chí Hiếu còn được nói đã nhờ người nhà đứng tên 10% vốn khi thành lập PVTEX Kinh Bắc, và sau đó bán cổ phần, rút 3 tỷ đồng đưa lại cho ông Hiếu. Hành vi này bị tòa kết tội nhận hối lộ. Hội đồng xét xử buộc ông Hiếu phải trả lại 3 tỷ đồng đã nhận hối lộ để xung công quỹ.

Riêng ông Vũ Đình Duy (nguyên tổng giám đốc PVTEX) hiện đang bị truy nã quốc tế với cáo buộc nhận hối lộ và cố ý làm trái quy định nhà nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/four-defendants-of-pvtex-sentenced-to-58-years-in-prison-08312018104131.html

 

Bình Thuận khởi tố thêm

17 người biểu tình chống Luật Đặc khu

Truyền thông trong nước hôm 30 tháng 8 loan tin Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận tiếp tục phê chuẩn quyết định khởi tố thêm 17 bị can liên quan đến cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu ngày 10/6, sau đó chuyển thành bạo động đốt phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận.

Trang tin của báo Công An trích nguồn tin từ Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, qua khai thác, những người bị bắt giữ tại thành phố Phan Thiết đều thừa nhận do có người cho tiền và bảo tham gia gây rối; và không biết và không có động cơ mục đích phản đối dự thảo Luật đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt, gọi tắt là Luật Đặc khu.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận được trích lời cũng cho rằng, việc lôi kéo người dân tham gia biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại địa phương trong tháng 6 năm 2018 là do các đối tượng phản động, chống đối gây ra; thành phần bị lôi kéo chủ yếu là các đối tượng hình sự, ma túy…

Vụ biểu tình biến thành bạo động tại Bình Thuận trong hai ngày 10 và 11 tháng sáu 2018 là một trong những vụ bạo động lớn nhất của dân chúng chống nhà cầm quyền trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo báo Công An, tính đến thời điểm này đã có 32 người bị khởi tố  vì liên quan đến vụ gây rối và đốt phá trụ sở UBND tỉnh  Bình Thuận. Trong số này, có 17 người bị xử tổng cộng gần 30 năm tù giam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/binh-thuan-prosecute-another-17-protesters-08312018091937.html

 

Cựu tướng công an

bị truy tố đến 10 năm tù

Viện kiểm sát nhân dân Phú Thọ vào ngày 31 tháng 8 vừa ban hành cáo trạng truy tố 2 cựu tướng công an ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 bị can khác trong vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ trên mạng internet.

Theo cáo trạng, ông Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50, bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 Bộ luật hình sự 2015 với mức án từ 5 năm đến 10 năm tù.

Cáo buộc của cơ quan điều tra xác định, ông Phan Văn Vĩnh biết Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, nhưng không ngăn chặn và xử lý mà còn ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi này. Ngoài ra, ông Vĩnh còn chỉ đạo ông Hóa ký văn bản đề xuất Bộ trưởng Công an cho CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc để “che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp”. Khi Bộ Công an phát hiện CNC vận hành game đánh bạc trá hình đã yêu cầu có báo cáo làm rõ nhưng ông Vĩnh không chấp hành.

Cơ quan điều tra tỉnh Phú Thọ cho rằng, hành vi của ông Phan Văn Vĩnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín ngành. Ông Nguyễn Thanh Hóa bị quy kết đã bao che, không cho các cơ quan điều tra xác minh, xử lý CNC.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra Phú Thọ đã khởi tố 105 bị can, tạm đình chỉ điều tra 13 bị can và 12 bị can khác đang bị truy nã.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/procuracy-proposed-10-year-jail-terms-for-two-former-police-generals-08312018085241.html

 

Phát hiện nhiều cán bộ không đủ trình độ

trong vụ bổ nhiệm hàng loạt tại Cảng hàng không VN

Nhiều trường hợp trong số 67 cán bộ của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được bổ nhiệm chỉ trong một ngày chưa đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn.

Đây là kết luận thanh tra do Thứ trưởng Bô Giao thông-Vận tải Lê Đình Thọ ký và được truyền thông trong nước loan tin vào ngày 30 tháng 8.

Theo kết luận thanh tra, từ năm 2016 đến nay có tổng cộng 172 cán bộ được ACV bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo và quản lý các cấp. Đặc biệt, điều đáng chú ý là có đến 67 cán bộ được bổ nhiệm chỉ trong một ngày là ngày 19 tháng 6 năm 2018, trùng với thời điểm ACV có thông báo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc sắp nghỉ hưu.

Trước phản ánh của dư luận liên quan việc bổ nhiệm vừa nêu, ACV đã ra thông cáo khẳng định các trường hợp được bổ nhiệm trên là đúng quy trình xét duyệt, không phải do quyết định cá nhân của ông Lê Mạnh Hùng mà là trách nhiệm công vụ của ông ấy.

Tuy nhiên, qua thanh tra của Bộ Giao thông-Vận tải, việc bổ nhiệm cán bộ ở ACV còn nhiều bất cập trong giai đoạn chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, và việc lưu trữ hồ số cán bộ cũng chưa “đảm bảo khoa học”.

Thanh tra Bộ giao-Vận tải yêu cầu ACV phải nhanh chóng rà soát lại các quy định, quy chế nội bộ để giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong công tác cán bộ.

Vào ngày 24 tháng 7, ACV đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường và ra quyết định miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của ông Lê Mạnh Hùng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/some-officials-found-not-qualified-in-mass-promotion-at-acv-08302018111816.html

 

Huỳnh Đức Thanh Bình bị từ chối luật sư,

Thomas Quốc Báo mất tích

Công an TP Hồ Chí Minh không cho luật sư tham gia tố tụng liên quan đến vụ án của anh Huỳnh Đức Thanh Bình, 1 trong 5 người bị bắt hôm 7 tháng 7 vừa qua với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo điều 109 Bộ Luật Hình Sự. Lý do được nêu ra là vì vụ án có liên quan đến an ninh quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của anh Huỳnh Đức Thanh Bình, cho Đài Á Châu Tự Do biết tin này vào ngày 31/8 qua điện thoại:

Tôi có nhờ luật sư Miếng nhưng người ta trả một cái công văn nói rằng bây giờ đang trong quá trình điều tra, bao giờ điều tra xong mới được vì cháu phạm tội dính đến an ninh quốc gia, nên phải chờ quá trình điều tra xong mới cho luật sư tiếp xúc.”

Theo công văn trả lời của Công an TP Hồ Chí Minh gửi luật sư Nguyễn Văn Miếng thuộc văn phòng Luật Hồng Đức đề ngày 9/8/2018, Cơ quan An ninh Điều tra cho biết “Huỳnh Đức Thanh Bình là bị can trong vụ án “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” do Michael Phuong Minh Nguyen cùng đồng phạm thực hiện, là vụ án thuộc tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại chương XIII Bộ luật hình sự năm 2015”. Vì vậy, theo công văn này, “Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ giải quyết việc cho luật sư tham gia tố tụng sau khi vụ án kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật”.

Gia đình Huỳnh Đức Thanh Bình với sự giúp đỡ của Hội Bảo vệ Nhân Quyền Việt Nam đã làm một thỉnh nguyện thư trên mạng kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, gây áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam để trả tự do cho những người bị bắt.

Những người bị bắt được nêu tên trong thỉnh nguyện thư gồm Huỳnh Đức Thanh Bình (22 tuổi), Trần Long Phi (20 tuổi), ông Michael Phuong Minh Nguyễn – công dân Mỹ  gốc Việt (54 tuổi) và ông Huỳnh Đức Thịnh (67 tuổi) – cha của Huỳnh Đức Thanh Bình.

Cùng bị bắt với 4 người này còn có một facebooker khác là Thomas Quốc Báo (37 tuổi). Tuy nhiên, theo thỉnh nguyện thư, ông Quốc Báo đã mất tích khi ông bị công an dẫn về nhà để ‘khám xét’. Hiện giờ vẫn không ai biết ông Quốc Báo ở đâu.

Cũng theo thỉnh nguyện thư này, trong 5 người đã kể tên, trừ trường hợp ông Michael Phuong Minh Nguyen, cả 4 người còn lại đều đã tham gia cuộc biểu tình ôn hòa ở Sài Gòn hôm 10/6 để phản đối dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng. Họ có thể bị bắt vì bị nhận diện bằng kỹ thuật điện tử vi tính.

Tính đến ngày 31/8, thỉnh nguyện thư đã nhận được hơn 1.500 chữ ký. Bà Nguyễn Thị Huệ cho biết đang có trục trặc trong việc ký thỉnh nguyện thư khi có nhiều người cho biết họ không thể ký vì có lỗi. Bà Huệ nghi ngờ có thể do hacker.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/huynh-duc-thanh-binh-not-allowed-to-see-lawyer-08312018091214.html

 

Hàng trăm hộ dân chìm trong nước

do mưa lớn và thủy điện xả lũ

Có 3 người chết, gần 400 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, ngập nước và hơn 1000 héc-ta lúa cùng hoa màu bị thiệt hại do mưa lũ trong 3 ngày qua, tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết như vừa nêu vào ngày 31 tháng 8.

Các tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ bao gồm Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Nghệ An.

Mưa lũ làm sạt lở nhiều tuyến đường trong phạm vi các tỉnh vừa nêu, gây nên tình trạng ách tắc và vẫn chưa được khắc phục tính đến ngày 31 tháng 8.

Tại Thanh Hóa, hàng trăm nhà dân ven sông Mã bị chìm trong biển nước do mưa lớn và thủy điện Trung Sơn và Bá Thước xả lũ, một số huyện có nhiều khu dân cư bị cô lập. Vào chiều ngày 31 tháng 8, thủy điện Trung Sơn vẫn tiếp tục xả lũ.

Tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, đã có hơn 3.500 hộ dân phải sơ tán. Trận lũ đang diễn ra ở Thanh Hóa được ghi nhận tương đương trận lũ lịch sử năm 2007, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào sáng ngày 31 tháng 8, ban hành công điện yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khắc phục hậu quả hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang hứng chịu mưa lũ; đồng thời chủ động ứng phó với lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, do mực nước trên sông Tiền và sông Hậu đang dâng lên ở mức báo động.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/3-dead-and-hundreds-of-houses-destroyed-caused-by-flood-in-the-north-08312018084521.html

 

Thanh Hóa, Nghệ An bác tin đồn vỡ đập,

 triệu tập người tung tin

Sau khi thủy điện Bản Vẽ ở Nghệ An và Trung Sơn ở Thanh Hóa dồn dập xả lũ, đã có tin đồn trên mạng về vỡ đập thủy điện.

Cơ quan chức năng hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An hôm 31/8 đã lên tiếng bác bỏ tin đồn vỡ đập thuỷ điện Bản vẽ và Trung Sơn.

Truyền thông trong nước trích thông tin từ Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết, thủy điện Trung Sơn hiện an toàn, không đúng như nguồn tin lan truyền trên mạng xã hội.

Chính quyền huyện Tương Dương, Nghệ An, cũng khằng định không có chuyện vỡ đập thủy điện Bản Vẽ như tin đồn.

Trước đó vào tối ngày 30 tháng 8, hai tài khoản Facebook có tên “Tùng Cơ Cực” và “Tóc Hải Nguyễn” đăng tải thông tin “vỡ đập thủy điện Trung Sơn” ở Thanh Hóa trên trang cá nhân, dòng trạng thái trên đã thu hút nhiều lượt bình luận và chia sẻ.

Cho đến chiều ngày 31 tháng 8, Công an huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã triệu tập Lữ Chính Quyền, sinh năm 1989 và Hà Văn Mười sinh năm 1996, cùng cư ngụ tại huyện Quan Hóa, để điều tra liên quan tin đồn này.

Tại trụ sở công an, Quyền và Mười khai nhận, do thấy mực nước lên cao và người thân ở gần nhà máy thủy điện Trung Sơn nghe tiếng còi báo động kéo dài, nên nghĩ đã xảy ra vỡ đập và đăng tải lên trang facebook cá nhân để câu like.

Hiện Công an huyện Quan Hóa đang tiếp tục tiếp tục điều tra vụ việc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/news-thanh-hoa-nghe-an-08312018-08312018083524.html

 

An Giang, Nghệ An xả đập đối phó lũ

Mưa lũ lớn các ngày qua đã khiến hai tỉnh An giang và Nghệ An phải xả đập đối phó lũ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang sáng 31 tháng 8 đã chính thức xả hai đập Tha La và Trà Sư, do áp lực lũ lớn, mực nước lũ lên nhanh và cao.

Theo dự báo, nếu An Giang xả 2 đập này, lượng nước lũ sẽ chảy tràn về nhiều vùng sản xuất lúa, hoa màu và cây ăn trái ở Cần Thơ và Kiên Giang.

Sau khi An Giang xả đập sớm, hai địa phương thuộc vùng Tứ Giác Long Xuyên là thành phố Cần Thơ và Kiên Giang đã cấp tốc thông báo các địa phương trực thuộc, yêu cầu hướng dẫn người dân chuẩn bị ứng phó kịp thời, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Trong khi đó, mưa lớn kết hợp với lũ từ Lào đổ về đã khiến khiến lũ thượng nguồn sông Cả ở Nghệ An lên nhanh, bắt buộc thủy điện Bản Vẽ phải xả lũ.

Theo truyền thông trong nước, do lưu lượng nước đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ ở xã Yên Na, Tương Dương từ 2 ngàn đến 2.500 m3/giây, nên nhà máy thủy điện Bản Vẽ phải xả bằng với lưu lượng nước đổ về. Đây được coi là đợt xả lũ lớn nhất trong 8 năm qua của thủy điện này.

Vào sáng ngày 31 tháng 8, khi trả lời báo chí trong nước, ông Tạ Hữu Hùng, Phó giám đốc nhà máy thủy điện Bản Vẽ cho biết mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ đã lên hơn 200 m, vì vậy phải xả lũ 4.200 m3/giây. Đây là mức xả cao nhất từ khi thủy điện Bản Vẽ được xây dựng.

Việc xả lũ kỷ lục đang khiến vùng hạ du thủy điện Bản Vẽ ngập sâu. Cầu Bản Vẽ thuộc xã Yên Na, đã bị gãy, cuốn trôi. Gần 20 nhà dân đã bị cuốn trôi. Hiện chưa có thống kê về con số thiệt hại về người và hoa màu.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/an-giang-nghe-an-discharge-of-hydropower-dams-to-cope-with-floods-08312018082822.html

 

Nổ lớn và cháy tại UBND xã ở Thanh Hóa

Một tiếng nổ lớn và cháy đã xảy ra tại trụ sở UBND xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa vào đầu giờ chiều ngày 26/8 vừa qua khiến nhiều tài sản bị thiêu rụi, thiệt hại ước tính khoảng 580 triệu đồng. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 30/8.

Ông nguyễn Quốc Tý, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, cho báo giới biết, do sự việc xảy ra vào ngày nghỉ nên chỉ có một cán bộ công an trực ở công sở. Viên cán bộ này sau khi nghe tiếng nổ lớn, đã phát hiện một chỗ kính cửa bị vỡ và khói bốc ra nghi ngút.

Công an huyện Hậu Lộc hiện vẫn đang tiến hành điều tra tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

Vụ nổ mới nhất ở Thanh Hóa xảy ra vào thời điểm nhạy cảm khi đang có những lời kêu gọi biểu tình trên toàn quốc nhân ngày Quốc khánh 2/9 tới.

Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 19/8 có bài viết về lời kêu gọi biểu tình, và cho rằng các tổ chức phản động đang kích động người dân biểu tình trong dịp lễ Quốc khánh dưới danh nghĩa “thể hiện lòng yêu nước”.

Việt Nam thời gian qua cũng phải đối mặt với một loạt các vụ nổ bom, chủ yếu ở một số tỉnh phía Nam.

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, một vụ nổ lớn cũng xảy ra tại trụ sở công an phường 12, Quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh khiến ít nhất 3 người bị thương.  Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ 7 người bị cho là có liên quan đến vụ đánh bom trụ sở công an phương 12. Trang tin của công an thành phố xác định đây là vụ khủng bố chống lại chính quyền nhân dân. Tổ chức Triều Đại Việt ở Mỹ đã nhận có liên quan đến vụ ném bom này.

Vào tháng 12 năm ngoái, Việt Nam đã kết án tù 15 người với cáo buộc tội khủng bố sau khi những người này tiến hành ném bom tự chế vào sân bay Tân Sơn Nhất và đốt cháy một kho giữ xe vi phạm tại công an tỉnh Đồng Nai  nhân dịp 30/4/2017.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/explosion-and-fire-in-people-committee-office-08302018141952.html

 

Những người giúp chữ Quốc ngữ ‘làm nên’

Nguyễn GiangBBC World Service

Ở Việt Nam vừa có thêm một sáng kiến nhằm ghi công và vinh danh các vị truyền giáo Pháp, Bồ Đào Nha đã ‘xây dựng, phát triển’ chữ Quốc ngữ.

Nỗ lực tìm lại các nhân vật lịch sử đã đóng góp cho việc hình thành ký tự La Tinh của tiếng Việt luôn là việc cần làm và rất đáng khuyến khích.

Các vương triều Đông Nam Á

Băn khoăn về màu cờ cho Việt Nam năm 1945

Chu Ân Lai và vấn đề Hoàng Sa

Ngoại giao Pháp và những cơ hội bị bỏ lỡ của VN

Nhìn lại cuộc giao lưu Đông Tây ở Việt Nam, có lẽ ta cần tránh cả mặc cảm bài ngoại, đề cao người Việt quá mức cũng như tâm lý sùng bái các giáo sỹ người Âu.

Có ba lý do:

Một là việc tạo ra bộ mẫu tự La tinh cho tiếng Việt không có gì quá độc đáo, thậm chí xảy ra sau Trung văn khá lâu.

Hai là chính các nỗ lực của trí thức Việt Nam và chính sách tiến bộ, khoa học của chính quyền Pháp tại Đông Dương mới thực sự tạo đà cho chữ Quốc ngữ lan tỏa.

Ba là Đông Kinh Nghĩa Thục không đi tiên phong quảng bá Quốc ngữ mà chỉ xóa nốt rào cản tâm lý đã bị lạc hậu để trí thức bản địa yên tâm dùng Quốc ngữ.

1. La tinh hóa các tiếng ngoài châu Âu

Trong lịch sử ngôn ngữ, việc La tinh hóa (Romanisation) các tiếng ngoài châu Âu đã diễn ra khá nhiều và tiếng Việt không phải là biệt lệ.

Đến Trung Hoa vào cuối thế kỷ 16, nhà truyền giáo Matteo Ricci đã nhanh chóng soạn tự điển tiếng Trung bằng ký tự La tinh đầu tiên.

Sang đầu thế kỷ 17, ông cho xuất bản tại Bắc Kinh cuốn Tây Tự Kỳ Dị (Xizi Qiji – Miracle of Western Letters) bản tiếng Trung theo âm La Tinh.

Sách ra tại Bắc Kinh năm 1605, gần nửa thế kỷ trước khi cha Alexandre de Rhodes xuất bản ở Rome năm 1651 ‘Phép giảng tám ngày‘ tiếng Việt dạng La tinh và cuốn ‘Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum‘.

Cả Matteo Ricci và Michele Ruggieri đều dùng tiếng Bồ Đào Nha để phiên âm Hoa ngữ, như cách các giáo sỹ Bồ Đào Nha đầu tiên ghi ký âm tiếng Việt.

Sang năm 1626, một giáo sỹ dòng Tên khác, Nicolas Trigault (1577-1628) xuất bản cuốn ‘Tây Nho Nhĩ Mục Tư (Xiru Ermu Zi) ở Hàng Châu.

Đến cuối thế kỷ 19, Thomas Wade và Herbert A. Giles soạn ‘Chinese-English Dictionary’ năm 1892, tạo chuẩn quốc tế cho Hoa ngữ dạng La tinh.

Sau này, Mao Trạch Đông cho tạo ra bộ bính âm (pinyin) ở CHND Trung Hoa nhưng ký âm Wade và Giles đến nay vẫn được dùng ở Hong Kong và Đài Loan.

Tại Ấn Độ, tiếng Hindi dạng Devanagari được học giả, nhà thống kê và quan chức thuộc địa người Scotland, William Hunter chuyển sang hệ La tinh cuối thế kỷ 19.

Hindi hệ Hunterian vẫn được chính phủ Ấn Độ ngày nay sử dụng và từng là chuẩn để các nước Nam Á nghiên cứu khi La tinh hóa tiếng của họ.

Vua Thái Lan hồi đầu thế kỷ 20 cũng cho soạn ra bộ chữ La tinh tiếng Thái, và tham khảo từ hệ Hunterian.

Việc La tinh hóa như thế không phải là quá khó khăn mà quan trọng hơn cả là môi trường chính trị, xã hội có thuận tiện để phể biến alphabet mới.

Ví dụ tiếng Ả Rập được người Pháp chuyển sang hệ La tinh nhưng bị phái dân tộc chủ nghĩa Ả Rập bác bỏ vì coi đó là một ‘âm mưu Do Thái’.

Nay, giới trẻ Trung Đông lại dùng không chính thức tiếng Ả Rập hệ La tinh cho mạng xã hội vì giản tiện khi viết trên smartphone .

Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, cải cách ký tự thời Ataturk năm 1932 đã nhanh chóng ‘Âu hóa’ văn tự hệ giống tiếng Ả Rập để chuyển sang La tinh toàn bộ như ngày nay.

Các tiếng Trung Á từng đổi hai lần, từ ký tự Ả Rập sang Cyrillic thời Liên Xô để gần đây lại chuyển sang hệ La tinh, với Kazachstan là muộn nhất, sẽ xong năm 2025.

Các vị truyền giáo đã có công đầu tạo ra bộ chữ Việt hệ La tinh nhưng giả sử không có họ thì việc đó cũng hoàn toàn có thể được làm sau này.

Theo Britannica, Alexandre de Rhodes muốn dùng chữ Quốc ngữ để “cải đạo Ky Tô cho toàn thể dân chúng” ở Đàng Trong và Đàng Ngoài nhưng chỉ cải đạo được cho chừng 6500 người Việt, con số không đáng kể.

Người Pháp sau khi chiếm Đông Dương đã không ủng hộ việc biến người Việt thành dân tộc Thiên Chúa Giáo.

Ngược lại, các lãnh đạo nền Cộng hòa Pháp khi đó nổi tiếng là chống tăng lữ (anti-clerical) và theo tinh thần giáo dục thế tục.

Họ đã đem Quốc ngữ dạy trong các trường dòng ra trường công lập cho toàn thể dân Việt, mở đường cho cách viết mới này trở thành phổ biến.

2. Vai trò của Jules Ferry và các quan chức Pháp

Hồi năm 2012, BBC News có bài nói về hai người khổng lồ của văn hóa Pháp, Jules Ferry và Marie Curie (Giants of French history: Jules Ferry and Marie Curie).

Bà Marie Sklodowska-Curie (1867-1934)) nhà khoa học Pháp gốc Ba Lan được hai giải Nobel, thì nhiều người ở Việt Nam đã biết đến.

Tên của bà được đặt cho trường học tại Đông Dương trước đây và Việt Nam hiện nay.

Còn Jules Ferry (1832-1893), thủ tướng Pháp, nhà cải cách giáo dục nổi tiếng, cũng từng có tên đặt cho đường phố ở Việt Nam nhưng sau bị xóa.

Người Việt Nam có thể chỉ coi ông là Pháp thực dân nhưng Ferry là nhân vật rất quan trọng đối với Đông Dương cuối thế kỷ 19.

Năm 1881, Jules Ferry đề ra cải cách giáo dục cho Cộng hòa Pháp, dựa trên bốn nguyên tắc: Phổ cập tiểu học; Miễn phí, Bình đẳng giới tính và Phi tôn giáo.

Cùng thời gian, chính quyền Pháp cho giải tán dòng Tên (Jesuits) và cấm mọi dòng tu và việc dạy tôn giáo nằm ngoài thỏa thuận Concordat với Vatican.

Luật Ferry trở thành tiêu chuẩn của giáo dục hiện đại ở Cộng hòa Pháp, đi trước Anh và Đức, rồi thành chuẩn cho toàn châu Âu sau này.

Là người nhiệt thành ủng hộ việc xâm chiếm thuộc địa ở Việt Nam, ông bị chính giới Pháp đặt cho cái tên ‘Người Bắc Kỳ’.

Năm 1885, Jules Ferry mất chức thủ tướng sau khi quân Pháp thua lính nhà Thanh ở trận Lạng Sơn.

Nhưng hệ thống giáo dục kiểu Pháp theo cải cách Jules Ferry được đem vào Việt Nam đã thay đổi diện mạo xứ sở này.

Tính phổ cập, không phân biệt giới tính trong giáo dục là những tư tưởng quá mới lạ ở nơi đa số người dân mù chữ, phụ nữ trong cả nghìn năm không được đi học.

Các trường thuộc địa đã đưa hàng vạn em trai và em gái người Việt đến lớp, học với thầy giáo và cô giáo Pháp theo hệ giáo dục văn minh nhất châu Âu.

Trong giáo trình này, Việt văn và Quốc ngữ đóng vai trò quan trọng nhờ vào cả chính sách của Pháp và sức thuyết phục của trí thức Việt.

3. Vì sao Pháp ủng hộ Quốc ngữ?

Thời kỳ người Âu xâm chiếm, khai thác và khai hóa các thuộc địa kéo dài hàng trăm năm nên khó có một đánh giá chung đen trắng rõ rệt.

Nhìn chung thì các thuộc địa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là lạc hậu nhất, của Anh Pháp tốt hơn, và của Hà Lan, Bỉ thì kém cỏi, ít được đầu tư.

Ngoài việc truyền đạo, khai hóa và kiến thiết, các chế độ thực dân cũng tàn phá văn hóa bản địa, bóc lột nô lệ và còn gây tội ác diệt chủng như ở Brazil.

Nhưng khi Pháp sang Việt Nam vào thế kỷ 19, văn minh tại châu Âu và ý thức về dân quyền cũng đã được nâng cao.

Paris cho sang Đông Dương không ít nhà cai trị có uy tín về văn hóa, khoa học.

GS Trịnh Văn Thảo trong ‘L’ecole francaise en Indochine’ nói Gustave Domoutier, Paul Bert đều là những nhà cải cách theo trường phái Jules Ferry.

Ông Domoutier, giám đốc Viện Viễn đông Bác Cổ, không chỉ nghiên cứu về núi Ba Vì, về Cổ Loa, Hoa Lư bằng tiếng Pháp mà còn soạn ‘Bài tập tiếng Annam’.

Cùng thời, Paul Bert trước khi sang làm Thống sứ Trung kỳ và Bắc Kỳ đã là nhà khoa học lỗi lạc, cha đẻ của y học không gian (aviation medicine).

Ngày nay, của công trình mang tính tiên phong của ông về ảnh hưởng về mặt sinh lý của áp suất không khí và dưới nước vẫn được áp dụng cho hàng không vũ trụ.

Sau đó, toàn quyền Paul Doumer sang Đông Dương từ 1897 đến 1902 tiếp tục các công trình xây dựng Hà Nội và cải tổ hệ thống giáo dục.

Nhưng phải đến khi Albert Sarraut sang làm toàn quyền Đông Dương hai lần (1911-14, 1916-19) thì chữ Quốc ngữ mới thực sự khởi sắc.

Theo Keith Taylor, nhờ ‘Kỷ nguyên Albert Sarraut’ mà tiếng Việt, văn hóa và sách báo Quốc ngữ được nâng cao chưa từng có.

“Ông mời các trí thức Việt Nam đến để cùng khai thác, định nghĩa thế nào là văn hóa Việt Nam ở thể thức có thể cùng tồn tại hài hòa với văn hóa Pháp….Cùng việc bỏ hệ thống khoa cử và chữ tượng hình, chữ Quốc ngữ được đẩy lên để đóng vai trò phương tiện chuyển tải và quảng bá văn hóa.”

Ý tưởng ban đầu muốn xóa toàn bộ tiếng Việt và áp dụng tiếng Pháp cho toàn Đông Dương như đã làm ở châu Phi bị bác bỏ.

Mặt khác, các trí thức như Trương Vĩnh Ký và Phạm Quỳnh đã thuyết phục được người Pháp rằng tiếng Việt không phải là một thứ thổ ngữ (Patois) mà chuyển tải được các tư tưởng văn minh, tiến bộ.

Để người Việt dùng Quốc ngữ, chính quyền Pháp cũng đạt mục tiêu là phá bỏ quá khứ Hán hóa và xóa dần ảnh hưởng Trung Hoa ở Việt Nam.

Từ thời Albert Sarraut, Quốc ngữ thành ngôn ngữ hành chính bên cạnh tiếng Pháp và Hán văn.

Mô hình ba ngôn ngữ này được ông Hà Ngại, một vị quan triều Nguyễn kể lại trong cuốn ‘Tiếng Tơ Đồng’:

“Đến Tòa sứ Quy Nhơn, tôi được Công sứ Pháp Fries phái đến dịch án với các ông Phán toà. Án hình và án hộ do tỉnh đệ đến Tòa, bằng chữ Hán và Quốc ngữ, phải dịch ra chữ Pháp cho Công sứ duyệt. Các bản án nào cũng có một bản chữ Hán và một bản Quốc ngữ…”

Đây mới là điều độc đáo bậc nhất trong lịch sử thế giới: ba ngôn ngữ cùng tồn tại và được sử dụng tại Việt Nam cho cả mục đích hành chính và truyền thông.

Hệ thống trường Pháp không chỉ dạy lịch sử Việt Nam ‘từ Hồng Bàng đến nhà Nguyễn’, và ‘Chuyện đời xưa’ (Trương Vĩnh Ký) mà còn dạy Việt văn gồm cả Chinh phụ ngâm khúc, Truyện Thuý Kiều (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim)…

Sách Quốc văn Giáo khoa thư đã thành nền tảng giáo dục cho nhiều thế hệ học sinh.

4. Đông Kinh Nghĩa Thục và sự tự ý thức

Nhưng sự phổ biến văn hóa Âu và chữ Quốc ngữ chưa lan ra cả nước vì phản ứng chống Pháp vẫn còn trong giới Nho học.

Phải đợi đến phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1917) thì Quốc ngữ mới được chấp nhận “toàn tâm toàn ý” để quảng bá tư tưởng dân tộc.

Nhưng ở Nam Kỳ, các báo Quốc ngữ của Diệp Văn Kỳ, Trương Vĩnh Ký, Sương Nguyết Án đã có mặt hàng chục năm trước, cụ thể là Gia Định Báo có từ 1865.

Từ những năm 1880, Trương Vĩnh Ký (1837-1898) và người Pháp trong Cơ quan Học chánh Nam kỳ đã soạn sách giáo khoa dạy Quốc ngữ ở cấp tiểu học.

Bởi thế Đông Kinh Nghĩa Thục ở miền Trung và miền Bắc là phong trào tự thức tỉnh của các nhà Nho để không bị thời cuộc bỏ rơi chứ họ không đi tiên phong.

Tuy nhiên, ý nghĩa chính trị của phong trào là xóa mặc cảm cuối cùng để giành lấy một phương tiện ngôn ngữ nhằm tự nâng mình lên.

Đông Kinh Nghĩa Thục cũng thúc đẩy tạo ra một thế hệ tư sản dân tộc là dùng Quốc ngữ, những người sẽ có đóng góp to lớn cho công cuộc độc lập sau này.

Cùng lúc, đây là thời kỳ thoái trào của Hán học.

Năm 1919, vua Khải Định cho bỏ khoa cử, coi chữ Quốc ngữ thành chữ viết chính thức của quốc gia.

Nhưng sự kiện quan trọng nhất cho sự phát triển của Quốc ngữ phải kể đến là sự ra đời của Nam Phong tạp chí năm 1917.

Lần đầu tiên, các tư tưởng Đông Tây, kim cổ, lịch sử Việt Nam, Trung Hoa, cải cách Minh Trị ở Nhật Bản, hệ thống chính trị Mỹ, Pháp, vấn đề triết học Đức, nữ quyền ở Đông Dương… được Nam Phong chuyển tải hoàn toàn bằng Quốc ngữ đến người Việt Nam.

Nhà báo, học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) có viễn kiến coi Quốc ngữ là phương tiện để nâng dân tộc lên hàng văn minh và Nam Phong tạp chí đóng vai trò đó hết sức xuất sắc.

Sau khi Pháp thua Nhật, vào tháng 4/1945, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ Trần Trọng Kim soạn các sách giáo khoa, gồm cả sách toán, kỹ thuật lần đầu bằng tiếng Việt.

Bộ Quốc văn Giáo khoa thư vào áp dụng ngay trong niên học 1945-46 tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Sau đó, Chính phủ VNDCCH từ tháng 9/1945 tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch xóa nạn mù chữ ở nông thôn bằng sắc lệnh ‘Bình dân học vụ’ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ 1948 đến 1955, chính phủ Quốc gia Việt Nam dù phụ thuộc người Pháp vẫn lấy tiếng Việt Quốc ngữ làm ngôn ngữ số một.

Tổng quan mà nói, chữ Quốc ngữ tuy không quá đặc biệt về mặt kỹ thuật La tinh hóa, nhưng qua thăng trầm lịch sử, nhờ nỗ lực của nhiều nhân vật độc đáo, cùng chính sách Đông-Tây hội tụ đúng lúc nên đã bén rễ và còn có sức sống vượt qua chiến tranh để kết nối cả một quốc gia như ngày nay.

https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-45249539

 

5 điều cần biết về nhân dân tệ của Trung Quốc

Tin Việt Nam trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên chính thức cho giao dịch bằng tiền Trung Quốc ở bảy tỉnh biên giới đang thu hút sự chú ý của dư luận.

VN cho dùng nhân dân tệ tại bảy tỉnh giáp TQ

VN: Huy động 60 tỷ đô ‘nhàn rỗi’ có khả thi?

VN nên ‘đi dây tỉ giá’ nhân dân tệ và USD

VN dễ thiệt hại vì vấn đề ‘hàng TQ tuồn sang’

Các bạn tìm hiểu thêm về đồng tiền có hình Mao Trạch Đông:

1. Đồng tiền ‘nhân dân’ của ngân hàng ‘nhân dân’:

Reminbi tức nhân dân tệ lần đầu được phát hành ngày 1 tháng 12/1948 sau khi lực lượng cộng sản Trung Quốc thắng Quốc Dân Đảng trong nội chiến.

Đồng tiền do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc của Mao Trạch Đông phát hành gần một năm trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức thành lập (1 tháng 10/1949).

Ban đầu đồng nhân dân tệ chỉ dùng trong vùng Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát và sau dùng trên cả nước nhưng sau nội chiến, Trung Quốc gặp lạm phát cao.

Năm 1955, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho đổi tiền, 1 đồng mới ăn 10 nghìn đồng cũ, nhằm điều chỉnh lưu thông tiền tệ.

Đổi tiền cũng là cơ hội để chính quyền xóa bỏ “tàn dư tư sản” do Chính phủ Dân quốc để lại.

Từ 1999 để kỷ niệm 50 năm lập quốc, chính quyền Trung Quốc cho phát hành đồng bạc có hình Mao Trạch Đông màu đỏ, to hơn trước ở mặt trước.

Mặt sau đồng tiền loại mới này là các loài chim thú, danh lam, thắng cảnh.

Hồi 2008, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát hành tờ bạc 10 đồng với hình Sân vận động Tổ Yến để kỷ niệm Olympics Bắc Kinh.

2. Các ký hiệu khác nhau

Hiện đồng tiền Trung Quốc dùng ba mã ký hiệu trong giao dịch.

Ở Trung Quốc là reminbi – nhân dân tệ, viết tắt tiếng Anh là RMB.

Trong giao dịch quốc tế theo mã ISO thì dùng ¥ – Yuan.

Tuy nhiên, yuan cũng là cách gọi đơn vị tiền yen của Nhật Bản nên thế giới ghi nhận tiền Trung Quốc là China Yuan: CNY.

Hong Kong, nơi duy nhất có chế độ thanh toán tiền Trung Quốc ngoài lục địa dùng mã CNH (China Offshore Spot, Hong Kong).

3. Gọi là ‘yuan’ ( -nguyên) hay ‘bi (-tệ)’ hay ‘kuai’ đều được

Yuan là đơn vị của đồng nhân dân tệ, như ‘đồng’ cho tiền Việt, hay ‘pound sterling’ cho tiền Anh.

Dưới yuan có jiao và fen.

Tại khu tự trị Nội Mông, tiền này, vẫn do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát hành, có in tiếng Mông Cổ và gọi là tugreg.

Nhưng người Trung Quốc hàng ngày không dùng từ ‘yuan’ mà gọi đồng tiền là ‘kuai’.

4. Cái tên có gốc từ đô la Mexico

Điều ít người rõ là ‘yuan’ có gốc gác từ đồng đô la và được dùng trong giao dịch của châu Âu với Trung Hoa bốn thế kỷ trước khi thành tiền Trung Quốc.

Gốc chữ Hán là ‘mei yuan’ (Mỹ nguyên), đây là đồng bạc trắng từ các mỏ Nam Mỹ thương thuyền nước ngoài dùng để buôn bán với châu Á từ thế kỷ 16.

Đồng peso bằng bạc thật, tức ‘real de a ocho’ còn gọi là đô la Mexico (Mexican Dollar), rất được ưa chuộng ở Trung Quốc một thời.

Năm 1890, nhà Thanh cho đúc đồng yuan bằng bạc đầu tiên tại Quảng Đông, cũng để giao thương với quốc tế.

Trung Quốc từ đó phân biệt ‘mei yuan’ từ Phương Tây với đồng yuan của họ và đồng ‘ri yuan’ của Nhật Bản.

5. RMB trên thế giới

Hiện có 60 nước dùng chính thức tiền Trung Quốc trong dự trữ ngoại hối.

Sau Hong Kong, đến lượt Singapore, Đài Loan và London đều mở thị trường tiền nhân dân tệ hải ngoại.

Cả hai việc này khác với dùng tiền RMB trong lưu thông bình thường mà Việt Nam vừa áp dụng.

Sáng kiến lạ: Đánh thuế cửa sổ

Phong bì ‘chục nghìn đô’ chưa phải là hối lộ?

Dư thời gian sướng hơn thừa vật chất

Cho tới nay, lưu thông không chính thức tiền nhân dân tệ châu Á được ghi nhận có tại Mông Cổ, Campuchia, vùng Bắc Myanmar do phiến quân gốc Hoa kiểm soát, chợ dọc biên ở Bắc Triều Tiên và một số cửa hàng ở Hong Kong, nơi dùng đô la Hong Kong là đồng tiền chính thức.

Ở châu Phi, hồi năm 2015, chính phủ Zimbabwe tuyên bố sẽ dùng nhân dân tệ làm đồng tiền chính thức sau khi Trung Quốc đồng ý xóa 40 tỷ USD tiền nợ.

Nhưng sau đó, tổng thống Robert Mugabe bị phế truất.

Theo lời giới chức ngân hàng Zimbabwe thuộc chính phủ mới hồi tháng 6/2018 thì hai bên mới chỉ “đồng ý dùng RMB trong thương mại song phương”.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-45366789

 

Vì sao lãnh đạo không chịu ra tòa

khi bị dân kiện hành chánh?

Diễm Thi, RFA

Phiên tòa xét xử vụ án ông Lê Văn Lung kiện Ủy Ban Nhân Dân Quận 2 liên quan việc phá hủy căn nhà của ông theo quyết định cưỡng chế thu hồi đất do Chủ tịch UBND quận này ban hành, dự kiến diễn ra sáng 28/8 vừa qua đã bị hoãn. Lý do được thông báo ngay trước phiên xử là do bên bị đơn vắng mặt.

Đây không phải là vụ đầu tiên những phiên tòa như thế bị hoãn vì không có sự tham gia của bị đơn là đại diện bên chính quyền.

Vietnamnet trích thông tin từ 2015-2017, Toà án nhân dân Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch và Phó Chủ tịch uỷ ban tham gia tố tụng.

Tại phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Tư pháp diễn ra vào sáng 22/8, đoàn giám sát cho biết tỷ lệ các lãnh đạo UBND và người đại diện không tham gia phiên tòa năm 2017 cao gấp 3 lần so với trước khi thực hiện Luật tố tụng hành chính 2015. Hiện có hàng trăm vụ án loại này mà tòa án không thể thụ lý chỉ vì Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt.

Lách luật hay bận?

Lý giải vì sao các lãnh đạo UBND lại “né” việc đối chất hay tham gia tố tụng tại tòa, luật sư Ngô Anh Tuấn, trưởng một văn phòng luật mang tên ông ở Hà Nội nhận định:

Phải thừa nhận một thực tế là các cơ quan hành chính nhà nước không có nhiều sự tôn trọng đối với các cơ quan tư pháp, bởi vì tòa gọi là cơ quan tư pháp độc lập nhưng thực tế không độc lập được. Ngân sách thì được cấp từ bên hành chính nên họ phụ thuộc. Tòa thì tôi không nói nhưng bên cơ quan thi hành án chịu sự lệ thuộc khá là lớn bên cơ quan hành chính, nên nếu có phán quyết xấu với bên thi hành án xảy ra thì chưa chắc họ thực hiện.

Nhưng nếu theo đuổi một vụ án hành chánh thì phải theo từ đầu đến cuối, và luật pháp rất phức tạp nên họ rất là ngại.  – LS. Nguyễn  Khả Thành

Theo Luật sư Nguyễn Khả Thành, sở dĩ các vị chủ Tịch hay phó chủ tịch UBND không ra tòa một phần vì họ vin vào Điều 158 của Luật tố tụng hành chánh. Điều luật này quy định trường hợp đương sự vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt thì tòa án vẫn xử.

Vấn đề tốn kém về thời gian cũng là một nguyên nhân khiến các đại diện chính quyền ngại xuất hiện tại tòa. Luật sư Thành nói:

Theo tôi thì một trong những lý do họ hay né tránh – khi tôi nói chuyện với một số vị phó chủ tịch – thì công việc họ rất bề bộn, đôi lúc đến mấy chục đầu việc. Nhưng nếu theo đuổi một vụ án hành chánh thì phải theo từ đầu đến cuối, và luật pháp rất phức tạp nên họ rất là ngại. Hơn nữa một năm có hàng trăm vụ thì họ cũng không có thời gian theo đuổi. Mà nếu theo mà chỉ nắm một cách cụ thể, không nắm rõ ràng cụ thể thì khi ra tòa, nếu luật sư hay bên kiện họ chất vấn một số câu hỏi nào đó thì vị này rất khó trả lời.

Cần thay đổi luật

Theo Khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính 2015, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện…

Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nói rằng sau khi luật 2015 có hiệu lực thi hành thì có những địa phương, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho phó chủ tịch tham gia tố tụng, nhưng thực tế phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.

Liên quan đến việc cấp trên ủy quyền cho cấp dưới tham gia tố tụng, Vietnamnet dẫn lời đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) rằng người dân kiện những quyết định hành chính do người đứng đầu cơ quan hành chính ký, mà khi ra tòa thì lại ủy quyền cho cấp dưới tham gia tố tụng trong khi họ không đủ thẩm quyền đối chất mà chỉ nghe rồi đề nghị tòa án hoãn phiên tòa để về xin ý kiến Chủ tịch UBND, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết.

Nhưng nếu theo đuổi một vụ án hành chánh thì phải theo từ đầu đến cuối, và luật pháp rất phức tạp nên họ rất là ngại. – LS. Ngô Anh Tuấn

Vậy làm cách nào để những người bên phía chính quyền được triệu tập phải có mặt tại tòa, luật sư Ngô Anh Tuấn nói với chúng tôi:

Điều tôi quan tâm hơn là giải quyết kết quả của phiên tòa đó như thế nào, tính thực thi phán quyết của tòa như thế nào, các cơ quan có thực thi hay không, người trưởng có thực thi hay không hay cứ đẩy qua đẩy lại.

Quy định luật tố tụng hành chánh năm 2015 về phạm vi Người đại diện thì tôi thấy nó cứng nhắc, có nghĩa ông trưởng chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình. Đó không phải là mấu chốt để giải quyết vấn đề. Bởi vì người có chuyên môn có thể là một người khác, không quan trọng, miễn họ giải quyết được vấn đề. Còn giả sử người phó yếu kém về năng lực thì hậu quả người cấp trưởng cũng phải chịu.

Theo luật sư Nguyễn Khả Thành thì hiện tại là bế tắc, bởi Luật tố tụng hành chánh đưa ra Điều 60 vì họ mong muốn chính người ký quyết định có thể ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của người kiện phải ra tòa đối diện chất vấn. Nhưng thực tế theo đuổi một vụ kiện không phải đơn giản, thẩm phán phải coi hồ sơ tới hàng mấy tháng mới đem ra xử được, trong khi những vị phó chủ tịch rất nhiều công việc chứ không phải chỉ một việc ra tòa. Với hàng trăm vụ như vậy, nếu UBND cử riêng một vị phó chủ tịch chuyên ra tòa như Điều 60 thì cũng không xuể. Hơn nữa vị này không có chuyên môn sâu về pháp luật.

Báo Người Lao Động dẫn lời Luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty Luật 360, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng đến nay, Luật Tố tụng hành chính không đề ra các quy định cụ thể chế tài khi phía người bị kiện không tham gia đối thoại. Chính điều này đã dẫn đến ít nhiều hệ lụy làm ảnh hưởng quyền, lợi ích của người khởi kiện và quá trình giải quyết, xét xử vụ án.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-the-gov-leaders-not-go-to-court-when-get-sued-dt-08302018144833.html