Tin Việt Nam – 31/05/2019
Cầu sập sau khi vừa dừng thu phí BOT
Một chiếc cầu ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vừa bị sập vào đầu giờ chiều ngày 31/5, chỉ vài tháng sau khi chấm dứt thu phí BOT vào tháng 2 vừa qua. Truyền thông trong nước trích nguồn tin từ Ủy ban Nhân dân xã Tân Nghĩa và loan tin này hôm 31/5.
Cây cầu Tân Nghĩa là một cây cầu được đầu tư theo hình thức BOT.
Theo Thanh Niên, cầu bị sập nhịp giữa cầu và khiến một xe tải chở hàng hóa và tài xế rơi xuống sông, đồng thời khiến một xe ba gác và hai người khác rơi theo.
Cầu sập đã đè lên một ghe sắt đang lưu thông trên kênh. Cầu sập cũng khiến giao thông tê liệt.
Sài Gòn Giải Phóng trích lời ông Lê Chí Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Nghĩa cho biết cầu sập không gây thiệt hại về người và hiện chưa thống kê được thiệt hại tài sản.
Tuy nhiên theo Thanh Niên, cầu sập đã khiến người điều khiển xe ba gác bị thương ở phần ngực và phải vào bệnh viện.
Cầu Tân Nghĩa qua kênh Tháp Mười ở xã Tân Nghĩa, có tổng vốn đầu tư 5 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT và hoàn thành vào tháng 12 năm 2007. Vào tháng 2 năm 2019, chính quyền địa phương đã mua lại dự án này từ nhà đầu tư và tạm ngừng thu phí sau hơn 11 năm.
Bộ Giao thông Vận tải
xem xét phương án di dời trạm BOT T2
Bộ Giao thông Vận tải hôm 30/5/2019, cho báo chí biết bộ đang cân nhắc khả năng di dời trạm thu phí đường bộ BOT T2 trên Quốc lộ 91.
Đây là trạm thu phí mới được thông xe hồi giữa tháng 5 nhưng đã bị đông đảo người dân phản đối vì cho rằng trạm đặt ở vị trí không hợp lý. Nhiều lái xe cho biết họ phải trả tiền cho toàn tuyến quốc lộ trong khi tuyến đường xây mới chỉ chưa tới 300m.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, bất hợp lý tại trạm thu phí T2 tồn tại ở cả 2 hướng, từ Quốc lộ 80 đi Kiên Giang – An Giang và hướng từ An Giang – Đồng Tháp khi qua trạm T2 trên Quốc lộ 91.
Tin cũng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đang cập nhật lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính của dự án. Phương án giải quyết sẽ căn cứ trên phương án tài chính, đảm bảo hoàn vốn trả nợ ngân hàng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Cũng trong ngày 30/5/2019, tại phiên thảo luận tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong thuộc đoàn An Giang cũng đã đề cập đến những bất cập của trạm thu phí BOT T2. Theo ông Phong, việc mở rộng đường 91 là cần thiết, nhưng có sự bất cập về vị trí đặt trạm thu phí.
Hôm 25/5, sau nhiều ngày vấp phải sự phản đối của người dân, Bộ Giao thông Vận đã quyết định tạm dừng thu phí trạm T2 để Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đơn vị khảo sát, kiểm điểm lưu lượng xe, đề xuất phương án giảm giá cho xe qua trạm theo kiến nghị của các tài xế.
Đại biểu quốc hội CS
lại “dòm ngó” ngoại tệ và vàng của người dân
Tin Vietnam.– Báo Vnexpress loan tin, tại phiên thảo luận của kỳ họp Quốc hội Cộng sản Việt Nam lần thứ 7 ngày 30 tháng 5 năm 2019, ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đã đề nghị Chính phủ cần sớm có cách để lấy ngoại tệ, và vàng trong dân qua ngôn từ “huy động”.
Theo ông Chiểu, mỗi năm nhà cầm quyền phải vay hàng tỷ Mỹ kim để trả nợ, trong khi đó nhà cầm quyền đã “me” được trong dân vẫn còn một nguồn lớn vàng, và ngoại tệ.
Ngoài việc chỉ muốn tìm giải pháp để lấy tài sản của người dân, tại phiên thảo luận, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó tư lệnh Quân khu 2 đã nói về hành động bỏ mặc dân của nhà cầm quyền Việt Nam. Ông Cò nói, về địa hình thì Trung Cộng cao hơn Việt Nam, toàn bộ sông suối xuyên biên giới ở Việt Nam được xuất phát từ Trung Cộng. Trong khi đó, Trung Cộng đã đầu tư nhiều khu công nghiệp, chế xuất, và khai thác tài nguyên khoán sản sát biên giới rồi xả chất thải, nước thải độc ra các sông, suối xuyên biên giới để chảy vào Việt Nam. Hành động này ảnh hưởng đến môi trường, và sức khỏe người dân Việt.
Dù thực trạng trên đã diễn ra nhưng đến nay, phía nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa hề đàm phán với Trung Cộng, để có hiệp định về cai quản, bảo vệ môi trường xuyên biên giới. Ngoài vấn nạn trên, ông Cò còn tố cáo, Trung Cộng đã đầu tư nhiều công trình thủy điện ở thượng nguồn các con sông chảy sang Việt Nam, nhưng Trung Cộng không tuân thủ các Công ước về nước của Liên Hợp Quốc, nên có nhiều lần “bạn vàng bốn tốt” của đảng Cộng sản Việt Nam đã không điều phối nước, xả đập thủy điện bất ngờ khiến người dân Việt không kịp trở tay.
https://www.sbtn.tv/dai-bieu-quoc-hoi-cs-lai-dom-ngo-ngoai-te-va-vang-cua-nguoi-dan/
Thêm tai tiếng về hành xử của quan chức Việt Nam
Trung Khang, RFA
Dư luận Việt Nam lại bất bình về hành xử của quan chức trong nước trước tin chuyến bay VN31 của Vietnam Airlines, từ Sài Gòn đi Frankfurt, Đức vào đêm 28/5/2019, đã phải cất cánh trễ 72 phút. Lý do bị phát hiện là chỉ để chờ một vị khách VIP theo yêu cầu của ông phó tổng giám đốc VN Airlines.
Theo biên bản lý do ‘delay’ (trễ) của chuyến bay làm hơn 200 hành khách phải chờ này được trang tin VietTimes ghi nhận, là do yêu cầu chờ 1 khách VIP của Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà.
Vị khách đặc biệt khiến cả chuyến bay VN31 phải chờ đợi, theo điều tra của VietTimes, có tên Đ.T.M. Ông M không phải quan chức hay là ‘VIP’ theo quy định của ngành hàng không, mà chỉ là một hành khách đi hạng thương gia.
Điều 278 quy định về ‘Tội cản trở giao thông hàng không’ có hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam và bị phạt tiền có thể đến 100 triệu đồng.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
Luật sư Đặng Đình Mạnh trao đổi với chúng tôi qua tin nhắn từ Sài Gòn hôm 30/5 về vụ việc này như sau:
“Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 04 loại tội danh liên quan đến các tội phạm trong lĩnh vực hàng không. Trong đó, điều 278 quy định về ‘Tội cản trở giao thông hàng không’ có hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam và bị phạt tiền có thể đến 100 triệu đồng.
Sự kiện chuyến bay VN31 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) khởi hành từ TP.HCM đi Frankfurt vào đêm 28/05/2019, đã phải hoãn chuyến bay 72 phút, chỉ để chờ một khách VIP là ông Đỗ Trường Minh – TGĐ Tập Đoàn Bảo Việt theo lệnh của Phó Tổng Giám Đốc VNA, nếu là tin chính xác, thì hành vi hoãn chuyến tùy tiện, không có cơ sở pháp luật này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật 278 dẫn trên.”
Vào trưa ngày 30/5, một số báo chí nhà nước như toquoc.vn, Kinh tế môi trường có đăng bài cho biết khi trả lời báo Kinh tế môi trường, lãnh đạo của Tập đoàn Bảo Việt đã phủ nhận thông tin Tổng giám đốc Đỗ Trường Minh liên quan tới vụ việc chuyến bay quốc tế phải hoãn cả tiếng đồng hồ để chờ, và cho rằng thông tin này là bịa đặt, thất thiệt. Vị này còn cho biết những ngày qua ông Minh vẫn đang ở Hà Nội…
Chưa rõ sự việc thực hư như thế nào nhưng cho đến tối ngày 30/5, các trang báo vừa nêu đã cắt bỏ thông tin phủ nhận của lãnh đạo của Tập đoàn Bảo Việt.
Trao đổi với RFA hôm 30/5, nhà báo độc lập Đàm Ngọc Tuyên từ Sài Gòn nhận định:
“Nếu mà phải hoãn chuyến bay theo lệnh của Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines để đợi một vị khách cho dù bất kể vị khách đó là ai, là không đúng. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều theo hiệu ứng domino khi giờ bay bị thay đổi, trong khi không phải vì yếu tố thời tiết hay những vấn đề khác. Đặc biệt khi báo chí đưa tin thì bên đó lại chối bay chối biến, là không hợp lý vì người ta có thể dễ dàng lấy mọi dữ liệu liên quan chuyến bay đó như thời tiết có thật sự ảnh hưởng làm chuyến bay trễ như vậy.”
Theo ông Đàm Ngọc Tuyên, lẽ ra Bộ giao thông phải vào cuộc điều tra ngay vì sao chuyến bay đình trệ như vậy, sau khi điều tra ra thì phải xử lý người ra lệnh. Một người có lòng tự trọng, thượng tôn pháp luật, một đất nước pháp quyền, thì phải xử lý kết án với một mức án đúng chứ không chỉ là từ chức.
Chúng tôi liên lạc ông Phùng Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Giám sát An toàn Hàng không để tìm hiểu về việc xử lý khi vi phạm cản trở giao thông hàng không, và được trả lời như sau:
“Về vấn đề này… nếu là báo chí thì… vui lòng trực tiếp lên gặp ở cơ quan… chứ còn trả lời qua điện thoại thì không chính xác… câu chữ rất là ngại… anh lên gặp trực tiếp thì cơ quan sẽ phân công người trả lời bằng văn bản.”
Chúng tôi nhiều lần cố gắng liên lạc cơ quan Cảng vụ Hàng không Việt Nam nhưng không thành công.
Một sự việc tương tự, xảy ra ở đất nước Mexico xa xôi, nhưng đáng cho chúng ta suy ngẫm. Vào hôm 25/5, Bộ trưởng Môi trường Mexico bà Gonzalez Blanco bất ngờ từ chức sau khi đã yêu cầu một chuyến bay thương mại hoãn cất cánh khoảng 40 phút để chờ mình.
Trong đơn từ chức, bà Gonzalez Blanco nói: ‘Không có lời biện minh nào cả. Sự chuyển đổi thực sự của đất nước Mexico đòi hỏi phải có sự thống nhất giữa giá trị của công bằng và công lý. Không ai được quyền đặc cách và có lợi ích riêng, ngay cả khi mục đích hành động đó là để thực hiện nhiệm vụ của họ. Không được đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của đa số.’
Trước đó, vào năm 2014, Phó chủ tịch hãng hàng không Korean Air cũng đã từ chức, sau khi bà đuổi tiếp viên trưởng khỏi máy bay chỉ vì không vừa ý, khiến cả chuyến bay bị chậm giờ.
Cả chuyến bay phải chờ đợi lâu như thế vì một khách VIP, thì theo tôi nếu nói về mặt lý thì đã sai rồi, vi phạm rồi, để bao nhiêu người phải chờ, để thiệt hại lớn về kinh tế như thế, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó.
-Ông Lê Văn Cuông
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, các quan chức Việt Nam chưa bao giờ chọn giải pháp từ chức sau tai tiếng cả:
“Như trường hợp ông bộ trưởng công thương là ví dụ điển hình. Sau tai tiếng về việc lạm quyền đưa xe đón người nhà ông bộ trưởng ngay tại ngay chân thang máy bay, sau nhiều ngày im lặng trước làn sóng chỉ trích dữ dội của công chúng, ông ấy chỉ “xuống nước” bằng cách gởi cho công chúng một lá thư xin lỗi là xong.”
Theo Luật sư Mạnh, sự kiện ông Phó Tổng giám đốc VNA ra lệnh hoãn chuyến bay để chờ một khách VIP, thì công chúng cũng không hề mong chờ một cung cách hành xử văn minh như bà Gonzalez Blanco, cựu Bộ trưởng Môi trường Mexico.
Trả lời RFA hôm 30/5, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nhận định:
“Theo tôi chậm chuyến bay thì có nhiều nguyên nhân, kể cả chủ quan và khách quan, nhưng cả chuyến bay phải chờ đợi lâu như thế vì một khách VIP, thì theo tôi nghĩ mang tính chất cá nhân tình cảm chứ không mang tính chất pháp luật. Nếu nói về mặt lý thì đã sai rồi, vi phạm rồi, để bao nhiêu người phải chờ, để thiệt hại lớn về kinh tế như thế, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó.”
Theo ông Lê Văn Cuông, ở Việt Nam, thường những việc như vậy chưa được giải quyết một cách thấu đáo, nghiêm túc nên mới xảy ra tình trạng tùy tiện như vậy, cuối cùng làm cho dân bị thiệt thòi.
Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng, việc chế độ dung dưỡng, không chế tài xứng đáng đối với những quan chức cao cấp đã có hành vi lạm quyền, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của chính chế độ.
‘Không chỉ Nhật Cường cung cấp dịch vụ cho Hà Nội’
Ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin – truyền thông Hà Nội, được truyền thông dẫn lời nói “tại điểm hiện tại có 63 đơn vị đang cung cấp dịch vụ phần mềm cho Hà Nội. và rằng có 135 dịch vụ khác nhau của UBND TP, các sở, ngành…”
Giải thích này là động thái dường như để làm rõ hơn sau khi một số báo trong nước nói, khi Nhật Cường bị khám xét, rằng Nhật Cường “được chỉ định thầu hàng loạt dự án công trực tuyến” cho nhiều cơ quan của chính quyền Hà Nội.
Thông điệp này được ông Kỳ đưa ra hôm 30/05 trong một phiên họp của UBND TP Hà Nội và ông nói thêm hệ thống phần mềm do Nhật Cường Software cung ứng thì Hà Nội “vẫn duy trì hoạt động”.
“Ông Kỳ cho hay tổng kinh phí mà UBND TP Hà Nội phải trả cho Nhật Cường 3 năm qua hơn 7,2 tỉ, chỉ bằng 0,49% tổng số chi ngân sách cho công nghệ thông tin của thành phố Hà Nội.
“Ngoài ra, Nhật Cường cũng đã thực hiện 7 gói thầu mua sắm với kinh phí trên 12 tỉ đồng, bằng khoảng 1,23% kinh phí mua sắm, sửa chữa trang thiết bị công nghệ thông tin của TP Hà Nội,” báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Chủ tịch Trọng và một Việt Nam đầy ắp câu hỏi
Tăng giá điện và cáo buộc ‘đối tượng xấu lợi dụng’
Đảng muốn xử các đại án ‘đúng tiến độ’
Công an khám xét Công ty Nhật Cường
Dư luận quan tâm
Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước ở Hà Nội được mô tả là chuyển từ đầu tư trực tiếp sang thuê dịch vụ, gồm dịch vụ thuê máy chủ và các dịch vụ khác như đường truyền được các đơn vị Viettel, VNPT, FPT, CMC và cả MobiFone cung cấp.
Mối quan tâm của dư luận về công ty Nhật Cường được nêu ra trên truyền thông sau khi có việc khám xét các cơ sở của doanh nghiệp này.
Một đại biểu quốc hội cũng đã đặt câu hỏi liệu có ‘lợi ích nhóm’ trong vụ Nhật Cường hay không trong khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói “tôi được báo cáo hoạt động bình thường của thành phố không bị ảnh hưởng”.
Ông Hải nói thêm “thực tế có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ cho thành phố chứ không chỉ mình Nhật Cường”.
Bộ Công an hôm 19/5 phát lệnh truy nã ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobile).
Lệnh truy nã được đưa ra năm ngày sau khi bộ này khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Huy và tám người khác vì tội “Buôn lậu và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Truyền thông nhà nước dẫn lời Bộ Công an nói bị can này đã “bỏ trốn từ ngày 9/5”.
Cho tới nay Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chưa bình luận gì về vụ việc Nhật Cường.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48466801
Phản ứng về việc di dời 2.000 cây xanh ở Hà Nội
Diễm Thi, RFA
Dự án di dời gần 2.000 cây xanh ở Hà Nội để phục vụ việc mở rộng đường, lại một lần nữa bị cộng đồng phản đối.
Cộng đồng phản đối
Theo thông tin được báo chí trong nước đăng tải vào giữa tháng 5/2019, thì Hà Nội dự kiến di chuyển 1.900 cây xanh, 820 cột đèn chiếu sáng và các công trình ngầm, nổi để phục vụ việc xén vỉa hè, dải phân cách mở rộng 15 tuyến đường.
Sáng ngày 29/5/2019, nhiều cây xanh ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội đã bắt đầu bị chặt. Quỹ Hỗ trợ và phát triển Cộng đồng Sống bền vững (Quỹ Sống), nhiều tổ chức phi chính phủ và các cá nhân yêu môi trường, yêu Hà Nội có thư gửi UBND thành phố Hà Nội và Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị khẩn cấp ngừng chặt, di dời gần 2.000 cây xanh ở Hà Nội.
Báo Người Đô Thị dẫn lời bà Phạm Thị Hương Giang, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Sống rằng “Đứng từ góc độ cộng đồng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, chỉnh trang đô thị, hè phố của Sở GTVT. Nhưng việc chặt và di dời cây xanh không phải là giải pháp đầu tiên để lựa chọn…Tất cả mọi thứ khác đều có thể xây dựng được nhưng cây xanh, môi trường và di sản là những tài nguyên mà mình rất khó có thể phục hồi nguyên trạng”.
Tốc độ xây dựng tăng, mật độ cây xanh giảm đi và ô nhiễm tăng là chuyện mà người dân bình thường nào cũng thấy, không cần phải chuyên gia. – Anh Hùng, Hà Nội
Với cái nhìn của một người Hà Nội, anh Hùng nhận định việc những dự án di dời, chặt cây cứ tiếp nối cho dù người dân phản đối. Anh bày tỏ:
“Chắc chắn là mình không bao giờ đồng ý chuyện chặt hay di dời cây cả, nhưng khi muốn làm thì họ có đủ mọi lý do để các cán bộ từ trên xuống dưới ăn chia lợi lộc với nhau. Tốc độ xây dựng tăng, mật độ cây xanh giảm đi và ô nhiễm tăng là chuyện mà người dân bình thường nào cũng thấy, không cần phải chuyên gia.”
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thành viên nhóm Green Trees, một tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, phi lợi nhuận và độc lập với nhà nước, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cho RFA biết:
“Bên nhóm mình đang có bàn bạc và có thể sớm có sự thống nhất và nhận dự ủng hộ của đông đảo của người dân Hà Nội để cùng lên tiếng và có thể đạt được kết quả bảo vệ cây xanh tối ưu nhất, bởi rất khó và mất rất nhiều thời gian để có được một cây lớn như vậy. Việc di đời lần này thì như những gì mình tìm hiểu được thì tỷ lệ sống của cây rất thấp.”
Ông Tuấn cũng nói thêm rằng trong việc phát triển đô thị của Hà Nội thì nếu không có phương án nào khác việc phải di dời cây thì ông muốn được tiếp cận thông tin để biết quá
trình phê duyệt dự án như thế nào, lựa chọn ra sao, và việc di dời cây qua chỗ khác có đạt mức sống sót tối ưu hay không?
Mục tiêu phát triển đô thị
Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội đưa ra đề xuất chặt cây để phục vụ phát triển đô thị, mở rộng đường xá hay đơn giản chỉ là thay thế cây mới.
Đầu năm 2015, theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015, khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố bị đưa vào diện chặt bỏ, thay cây mới. Dự án vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. Đến ngày 20/3/2015, Chủ tịch Hà Nội lúc đó là ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu dừng chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết:
“Trước đây với dự án chặt 6.700 cây xanh thì mức độ vô lý quá rõ ràng thành ra không chỉ Green Trees mà rất nhiều người dân Hà Nội đã lên tiếng và đã dành được thắng lợi là chính quyền Hà Nội phần nào thừa nhận họ đã sai và đã dừng dự án đấy. Tuy nhiên sau đó cũng có vài dự án khác thì bên Green Trees cũng đã tiến hành các bước chất vấn các bên liên quan và cả UBND Hà Nội thì họ cũng tiến hành đối thoại. Trong cuộc đối thoại họ chứng minh đó là phương án tối ưu và họ cam kết việc di dời cây sao đạt tỷ lệ sống sót cao cho cây và họ sẵn lòng mới nhóm mình giám sát.”
Với dự án 2.000 cây xanh lần này, ông lo ngại kết quả cũng chỉ dừng lại ở mức tiếp cận được thông tin và có quyền giám sát, chứ khả năng cao là không ngăn chặn được.
Đầu năm 2019, Sở GTVT Hà Nội cũng đã thực hiện kế hoạch xén vỉa hè mở rộng nhiều tuyến đường Láng, Vành đai 3 đoạn qua các tuyến đường: Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm. Để thực hiện được việc này, gần 500 cây xanh các loại đã bị di chuyển, chặt hạ.
Trong một lần trao đổi với RFA về mối liên hệ giữa việc chặt cây và phát triển đô thị, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, chuyên nghiên cứu khảo cổ và bảo tồn không gian văn hóa đô thị, nhận xét:
“Tôi nghĩ rằng ở đất nước nào cũng có việc là phải phát triển. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là trong sự phát triển đó hy sinh cái gì. Có thể phải hy sinh một số di sản nào đấy, một số cây xanh nào đấy, nhưng thực sự đã tính toán hết chưa? Thực sự đã đặt lợi ích của cộng đồng, lợi ích lâu dài của đô thị lên trên chưa?”
Giải pháp nào cho hợp lý
Câu chuyện nhà nước chủ trương chặt hạ cây xanh, người dân phản đối không chỉ xảy ra tại Hà Nội.
Ngày 23 tháng 3 năm 2016, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo đốn hạ 300 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng để triển khai các dự án giao thông gồm tuyến tàu điện ngầm, cầu Thủ Thiêm 2, nhà ga Ba Son. Trước đó, hàng loạt cây cổ thụ trên đường Lê Lợi cũng bị đốn hạ để xây dựng ga tàu điện ngầm.
Nhiều bạn trẻ ở Sài Gòn đã tập trung tại khu vực đường Tôn Đức Thắng để phản đối việc chặt cây cổ thụ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ một thực tế hiện nay ở Hà Nội:
“Có một điều cũng khó cho những người bảo vệ cây xanh Hà Nội, và nó cũng là một điều tích cực, đó là từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thì Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các cộng sự của ông trồng rất nhiều cây mới ở Hà Nội và những cây đó đã đạt độ phủ xanh rất tốt.
Thành ra khi họ có trồng rất nhiều cây mới thì việc họ có di dời (họ dùng từ di dời cho nó mềm mại) các cây để phục vụ cho việc mở rộng và kiến tạo đường xá cho phù hợp hơn với các hoạt động của thành phố Hà Nội thì cũng rất khó để đưa ra thông điệp ‘chúng tôi quyết ngăn chặn và hoàn toàn phản đối’.”
Anh Hùng, một cư dân Hà Nội đưa ra một kết luận nghe có vẻ tiêu cực, nhưng ẩn trong đó lại là mặt tích cực rằng anh ủng hộ việc chặt cây. Khi chặt hết cây thì tất cả người dân phải lên tiếng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Không thể cứ coi chuyện xã hội là chuyện bên ngoài cửa nhà mình như hiện nay.
Khai quật đường cống ngầm
xả thải thẳng ra sông La Ngà
Vào ngày 31/5, Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh Đồng Nai cùng các cơ quan chức năng khai quật khu vực người dân tố cáo Công ty AB Mauri có đường cống ngầm xả thải ra sông La Ngà, khiến 1.000 tấn cá nuôi trên sông này chết.
Phạm vi khai quật được cho biết là 100m2, sâu 3m theo những đánh dấu mà người dân đưa ra trước đó. Tuy nhiên theo Giám đốc điều hành công ty AB Mauri Việt Nam thì đường cống mà người dân đề cập đã bị bịt miệng ống từ năm 2009.
Truyền thông trong nước dẫn thông báo từ Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai rằng công ty AB Mauri Việt Nam bị phạt 85 triệu đồng và phải xử lý các sai phạm môi trường trước sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, chỉ khi nào đảm bảo tiêu chuẩn mới được phép hoạt động lại.
Công ty AB Mauri Việt Nam ở xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai sẽ bị đình chỉ hoạt động không thời hạn kể từ 10h sáng ngày 3/6 do những sai phạm liên quan đến môi trường.
Công ty AB Mauri là công ty sản xuất bánh kẹo tại xã La Ngà và có giấy phép từ năm 2000. Vị trí công ty được đặt gần các làng bè nuôi cá La Ngà, nơi mà sự cố cá chết hàng loạt trong 2 năm qua.
Người dân xung quanh nhà máy thường xuyên có những than phiền về mùi hôi thối mà AB Mauri gây ra trong quá trình vận hành.
Nhà máy từng 2 lần bị ngưng hoạt động để khắc phục các sự cố ô nhiễm môi trường vào năm 2009 và 2011.
Đến tháng 4 năm nay, sau khi lực lượng chức năng đến kiểm tra nhà máy, phía AB Mauri cũng đã phải ngưng hoạt động 2 tuần để khắc phục sự cố môi trường.
Tướng Việt Nam cáo buộc Trung Quốc
làm ô nhiễm sông suối biên giới
Phó tư lệnh Quân Khu 2 của Việt Nam, tướng Sùng Thìn Cò, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam vào ngày 30 tháng 5 rằng nhiều sông suối bên phía Việt Nam bị ô nhiễm do bên Trung Quốc lan sang.
Theo vị tướng này thì địa hình phía bên Trung Quốc cao hơn bên Việt Nam và tất cả sông suối xuyên biên giới chủ yếu từ đất Trung Quốc chảy vào Việt Nam.
Trung Quốc đầu tư nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và khai thác tài nguyên khoáng sản, đô thị hóa tốc độ cao cũng như lập các khu dân cư sát biên giới. Thực tế đó dẫn đến những hệ lụy là chất thải, nước thải độc hại xả xuống các sông suối xuyên biên giới, chảy vào Việt Nam gây ảnh hưởng môi trường và sức khỏe người Việt.
Tướng Sùng Thìn Cò còn nêu ra tình trạng Trung Quốc đầu tư nhiều công trình thủy điện ở thượng nguồn; tuy nhiên Trung Quốc không điều phối nước theo Công ước Liên Hiệp Quốc là quốc gia ở thượng nguồn phải có trách nhiệm điều phối nước cho các nước dưới hạ nguồn. Trái lại, Trung Quốc còn có lúc xả nước thủy điện bất ngờ gây ngập lụt cho vùng hạ du.
Cụ thể vào đêm ngày 25 rạng sáng 26 tháng 5 vừa qua, nước sông Ka Long qua địa phận thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh dâng cao do mưa lớn và phía Trung Quốc xả lũ thượng nguồn. Một người Việt bị thiệt mạng trong vụ này.
Tướng Sùng Thìn Cò đề nghị Chính phủ Việt Nam rà soát các khu vực sông suối xuyên biên giới giữa hai nước, nếu chưa có hiệp định về quản lý bảo vệ môi trường xuyên biên giới thì cần đàm phán càng sớm càng tốt và nếu để gây nên thiệt hại thì yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường.
Dịch tả lợn Châu Phi lan ra 48 tỉnh thành Việt Nam
Dịch tả lợn Châu Phi hiện đã lan tới 48/63 tỉnh thành ở Việt Nam với tổng cộng 300 huyện, trên 3000 đàn heo; số lượng heo bị tiêu hủy lên tới 2 triệu con, chiếm 6,5% tổng số heo của cả nước.
Đó là số liệu được ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố hôm 31/5 tại phiên thảo luận ở Quốc hội.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết ông Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định Dịch tả lợn Châu Phi hiện nay gây thiệt hại vô cùng lớn cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam và là vấn đề chưa từng xảy ra ở Việt Nam và ngành chăn nuôi thế giới.
Theo ông Bộ trưởng, diễn biến thời tiết phức tạp và tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ tại Việt Nam sẽ khiến dịch bệnh tiếp tục lan rộng, đặc biệt tấn công những trang trại lớn, nếu như không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp Việt Nam nói giải pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học là vũ khí duy nhất để ngăn, không để dịch lan rộng tiếp.
Báo trong nước nói hiện vẫn còn hơn 90% đàn lợn vẫn sạch, không bị bệnh ở Việt Nam nên cần tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn, và đồng thời cảnh báo giá thịt lợn trên thị trường có thể sốt cao vào quý III, IV do khủng khoảng thiếu.
Ông Nguyễn Xuân Cường nói từ chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các doanh nghiệp, Sở Công thương họp bàn giết mổ để dự trữ thịt đông lạnh vào ngày 30/5.
Ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam được nói đạt 94 ngàn tỷ đồng, chiếm 10% tổng giá trị ngành nông nghiệp.
Tại Việt Nam, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên vào đầu tháng 2 vừa qua.
Ở khu vực Châu Á, Trung Quốc và Mông Cổ là hai quốc gia có dịch tả lợn Châu Phi trước khi dịch này bùng phát ở Việt Nam.
Thầy giáo dạy trò bài hát ‘Trả lại cho dân’ bị khởi tố
Gia đình nói thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh chỉ muốn làm điều tốt cho xã hội trong khi chính quyền nói ông ‘chống nhà nước’.
Bà Nguyễn Thị Tình, vợ thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh, xác nhận với BBC hôm 30/5 tin chồng mình bị bắt:
“Chồng tôi bị bắt sáng 29/5 khi đang đi ăn sáng với hai con trai ở địa phận Vinh, Nghệ An. Lúc đó anh vừa đón hai con từ Đồng Tháp về.”
‘Bị bắt như bắt cóc’
“Sau đó khi con trai lớn 7 tuổi kể lại, chúng tôi mới biết anh bị bắt như bắt cóc.” Bà nói thêm.
“Con tôi kể lại rằng có rất nhiều người ập vào quán, lôi và tống cha lên xe. Hai con cũng bị bế đi theo. Nhưng đến nơi thì họ đưa hai con sang một phòng riêng và gọi điện cho ông nội sang ủy ban xã để nhận cháu. Còn anh bị đưa đi nơi khác và không ai được biết gì hết.”
VN: 100 người tuyên bố bị vi phạm quyền tự do đi lại
Đồng Tâm tuyên bố ‘cuộc đấu trí mới’ với chính quyền
Giới đấu tranh VN tuyệt thực đòi tin tức về Nguyễn Văn Hóa
“Gia đình tôi rất rối bời, lo lắng. Hai con rất hoảng loạn, khóc suốt ngày đòi ba mẹ vì hiện gia đình chúng tôi hiện mỗi người một nơi. Ngoài ra anh còn đang bị sỏi thận nặng, có kế hoạch tháng Bảy này sẽ mổ. Sáng nay bố chồng và em trai anh đã tới nơi anh bị giam, mang theo một ít đồ nhưng không được gặp. Họ không trả lời bất cứ điều gì mà chỉ nói sẽ có công văn đưa về nhà,” bà Tình nói với BBC từ Đồng Tháp, nơi bà đang dạy học.
Chính quyền nói gì?
Ngày 30/5, báo Nghệ An đưa tin khởi tố Nguyễn Năng Tĩnh để điều tra hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, và ông Tĩnh bị khởi tố do ông là ‘đối tượng có hoạt động móc nối, lôi kéo và chịu sự tác động của một số đối tượng cực đoan, phản động trong và ngoài nước.”
“Trên Facebook cá nhân của mình, Nguyễn Năng Tĩnh đã đăng tải, chia sẻ các bài viết, video, hình ảnh có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội, nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,” bài báo cho hay.
Trong khi đó, trang Facebook có tên Trung đoàn 47 có các bài viết gọi ông Tĩnh là ‘thầy giáo Việt Tân’.
Bài viết trên trang Facebook này nói ông Tĩnh “là đối tượng tay sai cốt cán tổ chức Việt Tân ẩn nấp trong cơ quan Nhà nước với vỏ bọc thầy giáo âm nhạc”, và “là đối tượng hết sức thân cận với các chức sắc Công giáo phản động, cực đoan trong nước nói chung và tại Nghệ An nói riêng”.
Đồng thời liệt kê tên Giám mục Ngô Quang Kiệt, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam.
Ông Tĩnh cũng bị quy kết đã tham gia nhiều nhóm chống đối như “Bảo vệ sự sống”, “NoU FC Vinh”, “Quỹ phát triển con người “, “Truyền thông công giáo”, v.v…
Cùng ngày 30/5, phát ngôn viên Đảng Việt Tân khẳng định trong thông cáo đăng trên Facebook của tổ chức rằng ông Nguyễn Năng Tĩnh không phải là thành viên Việt Tân và gọi ông là ‘một nhà hoạt động xã hội ôn hòa’.
“Ông Nguyễn Năng Tĩnh là một khuôn mặt quen thuộc, tích cực làm việc với nhiều người tại Nghệ An. Tuy ông không phải là thành viên của đảng Việt Tân, nhưng chúng tôi luôn ủng hộ những hoạt động ôn hòa của ông, vì Đảng Việt Tân nỗ lực có những hoạt động giúp ích và đi sát với nhu cầu thiết thực của người dân, đặc biệt tại những vùng như Miền Trung với nhiều bất công và khó khăn,” thông cáo cho hay.
‘Trả lại cho dân’
Sau tin ông Tĩnh bị bắt, mạng xã hội lan truyền video ông Tĩnh dạy học sinh hát bài “Trả lại cho dân”, một trong những bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ bất đồng chính kiến Việt Khang hiện đang tị nạn tại Mỹ.
Video này cũng được đăng trên Facebook Trung đoàn 47, trong bài viết có tiêu đề “Nguyễn Năng Tĩnh – Tên nội gián Việt Tân vừa bị bắt’.
“Có chút năng khiếu nghệ thuật, Nguyễn Năng Tĩnh thường lợi dụng các cuộc tụ tập gặp mặt của bọn phản động… để hát những nhạc phẩm có nội dung phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước như ‘Việt Nam tôi đâu’, ‘Xin hỏi anh là ai’, ‘Trả lại cho dân’… mục đích khuyếch trương thanh thế cho Việt Tân,” trang này viết.
Được hỏi về bài hát này, bà Nguyễn Thị Tình nói “bài hát đấy rất hay, không có gì xấu xa”, rằng bà cũng ‘rất thích’ và hai con bà đều thuộc lòng những lời bài hát.
“Trả lại đây cho nhân dân tôi
Quyền tự do, quyền con người
Quyền được nhìn, được nghe, được nói
Quyền được chọn chân lý tự do
Quyền xóa bỏ độc tài độc tôn…”
Phản ứng về cụm từ ‘các thế lực thù địch’
Bàn về tù nhân chính trị VN – Đi hay ở (Phần 1)
Bàn về tù nhân chính trị VN – Đi hay ở (Phần 2)
“Chồng tôi là một người hoạt động tự do, là giảng viên nhạc, thường ngày vẫn đi dạy. Bản tính anh là một người rất nhiệt tình với cộng đồng, xã hội. Tất cả những ai cần giúp thì anh đều giúp hết mình trong khả năng của anh. Tôi khẳng định chồng tôi không làm gì sai.”
“Tôi luôn ủng hộ lý tưởng của anh. Ví dụ vụ Formosa, anh tham gia phản đối điều xấu đó thì tôi thấy là hợp lý. Tôi cũng muốn làm điều đó lắm nhưng tôi không tham gia được thì tôi ủng hộ chồng. Hay những việc như lạm thu ở trường học thì anh cũng lên tiếng, chỉ giúp điều tốt, điều lợi cho người dân thôi chứ không có hại gì hết.
“Hay trường hợp những người vô tội bị đánh đập thì anh cũng góp một phần tiếng nói ủng hộ họ, không quản nguy hiểm cho mình.”
“Là vợ, tôi khẳng định không thấy anh làm gì sai, cũng không có dấu hiệu gì bất thường. Anh vẫn sáng chiều đi làm công khai, không chốn chui chốn nhủi. Còn người ta bắt anh một cách vô tội vạ như thế là quyền của họ.”
Theo lời kể của bà Tình, trong hơn 10 năm qua thầy giáo Tĩnh đã rất nhiều lần nhận được các giấy triệu tập của địa phương và luôn trong tình trạng bị theo dõi.
Do ủng hộ các công việc của chồng, bà Tình, hiện là giáo viên ở Đồng Tháp, cũng bị ‘điều tiếng’ trong trường và bị công an Nghệ An vào tận nơi để dò la.
“Tôi bán hàng online để kiếm tiền nuôi con mà người ta không mua vì nói tôi ‘phản động’. Nhưng tôi tin tưởng chồng mình, tôi cũng sống có lý tưởng và tôi là hậu phương cho anh ấy để anh có thể giúp đời, giúp người. Sau này khi hai con lớn lên tôi cũng muốn được sát cánh cùng anh ấy.”
“Mong cộng đồng giúp đỡ để lên tiếng để đòi lại công lý cho chồng tôi. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào chồng. Anh từng tâm sự anh là người tự do, không muốn gia nhập một tổ chức nào cả. Anh chỉ muốn cống hiến hết mình cho xã hội, cộng đồng bất cứ khi nào có ai cần. Anh chỉ muốn cho một đất nước, xã hội tốt đẹp hơn.”
Nguyễn Năng Tĩnh là ai?
Ông Nguyễn Năng Tĩnh, sinh năm 1976, là giáo viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.
Ông Tĩnh từng học Nhạc viện Âm nhạc Huế. Ông là người công giáo, sinh hoạt tại giáo xứ Mỹ Khánh, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam cho hay ông Tĩnh là “người nhiệt thành dấn thân cho nhân quyền và công bằng, bác ái.
Trên Facebook cá nhân, ông Tĩnh tự giới thiệu là “làm việc chính trị và dân oan.” Ông đăng nhiều các bài viết bày tỏ chính kiến về các vụ việc như Vườn rau Lộc Hưng, vụ nâng điểm thi, ủng hộ các tù nhân lương tâm như Nguyễn Văn Hóa, Lê Đình Lượng…
Tối 29/5, giáo xứ Mỹ Khánh, Quỳnh Lưu, Nghệ An đã tổ chức lễ cầu nguyện cho công lý, hòa bình và tự do của ‘nhà hoạt động’ Nguyễn Năng Tĩnh.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48455919
Phúc thẩm Ngân hàng Đông Á:
Vũ ‘Nhôm’ kêu oan trước tòa
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “Nhôm”) kêu oan về cáo buộc chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của Ngân hàng Đông Á, khi nói lời cuối ở tòa hôm 31/5.
Nhận thêm 17 năm tù, ông Vũ Nhôm ra dấu OK
Thủ tướng VN cách chức Thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành
Khởi tố hai cựu thứ trưởng công an vì vụ Vũ Nhôm
TAND Cấp cao tại TP HCM kết thúc phần tranh luận phiên phúc thẩm liên quan ông Anh Vũ cùng cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình hôm 31/5.
Theo trang VnExpress, ông Vũ kêu oan khi nói lời cuối: “Bị cáo tha thiết xin HĐXX thận trọng xem xét đánh giá những chứng cứ, lời khai của anh Trần Phương Bình để tuyên bị cáo vô tội. Một lần nữa cầu mong HĐXX tôn trọng sự thật, chứng cứ xử bị cáo đúng luật pháp.”
Phiên xử ban đầu cuối năm 2018 đã tuyên ông Anh Vũ 17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Ông Phương Bình bị tuyên án chung thân cho hai tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Truyền thông Việt Nam trích dẫn cáo trạng nói vào năm 2014, ông Phương Bình bán cho ông Anh Vũ 60 triệu cổ phần ngân hàng Đông Á (DAB) với giá 600 tỷ.
Khi trả tiền, ông Vũ còn thiếu 200 tỷ. Ông Bình chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục thu khống của ông Vũ.
Ngày 8/4/2014, ông Bình bị cáo buộc chỉ đạo trả lại 600 tỷ – gồm cả 200 tỷ thu khống trước đó – cho ông Vũ, cùng 9,5 tỷ tiền lãi.
Vì vậy, bị cáo Anh Vũ bị cáo buộc chiếm đoạt 200 tỷ đồng của DAB.
Ông Vũ đã nộp lại 203 tỷ đồng, nói rằng mình chỉ vay tiền của ông Bình, không biết là của DAB.
Còn với ông Trần Phương Bình, ông này bị tố cáo là chủ mưu, đã chiếm đoạt và sử dụng hơn 2.000 tỷ đồng; chỉ đạo chi sai nguyên tắc hơn 1.500 tỷ đồng của DAB.
Ngoài án chung thân, ông Trần Phương Bình bị tòa yêu cầu bồi thường cho DAB hơn 27.000 lượng vàng SJC, gần 1.500 tỷ đồng.
Tại phiên xử hồi tháng 12/2018, một bị cáo nữa, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc Đông Á, bị tuyên 20 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái. Tổng mức hình phạt là 30 năm tù.
Ngoài ra, nhiều bị cáo khác cũng bị tuyên án từ 2 năm tới 16 năm tù.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48423559
Đầu tư công: Vẫn là… từ trọng thương tới chết!
Tranh luận giữa quốc hội và chính phủ Việt Nam về Dự luật sửa luật đầu tư công hứa hẹn nợ nần quốc gia sẽ tiếp tục làm dân chúng Việt Nam bị thương nặng hơn và chết.
Lõi của Dự luật sửa luật đầu tư công (đặt định những ràng buộc liên quan tới việc sử dụng công quĩ làm vốn đầu tư) là thay đổi thẩm quyền quyết định đầu tư: Quốc hội chỉ xem xét, bỏ phiếu chấp thuận hay từ chối cho phép thực hiện những dự án trị giá từ 20.000 tỉ đồng trở lên. Chính phủ sẽ xem xét, phê duyệt những dự án sử dụng công quỹ dưới mức này (1).
Một số đại biểu quốc hội không ưng với dự tính vừa kể. Theo họ, qui định về thẩm quyền quyết định đầu tư ở Luật Đầu tư công hiện hành (buộc phải trình quốc hội xem xét, tổ chức bỏ phiếu đối với những dự án sử dụng công quĩ từ 10.000 tỉ đồng trở lên) vốn đã hạn chế quyền hiến định dành cho quốc hội (quyết định phân bổ – sử dụng ngân sách) thành ra mười năm vừa qua, quốc hội chỉ xem xét, bỏ phiếu quyết định đầu tư hai dự án.
Một số đại biểu khác thì cho rằng, nên chấp nhận đề nghị của chính phủ (sửa Luật Đầu tư công hiện hành, dành cho chính phủ quyền tự quyết đối với những dự án đầu tư dưới 20.000 tỉ đồng) để hoạt động đầu tư công linh hoạt, sát thực tế. Chưa kể, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư còn “dọa”, nếu không chấp nhận, quốc hội sẽ bị các dự án đầu tư công nhấn chìm vì mỗi năm, quốc hội chỉ họp hai kỳ, làm sao xem xét – phê duyệt cho nổi (?).
Trong cuộc tranh luận về Dự luật sửa luật đầu tư công, cả quốc hội lẫn chính phủ đều cố gắng chứng tỏ, hai bên đều vì dân, vì nước, trọng hiến, trọng pháp…
Nếu trọng hiến, trọng pháp và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thật sự “của dân, do dân, vì dân”, tại sao không ai giải thích cho dân tường, vì sao Luật Đầu tư công hiện hành không mất hiệu lực nhưng suốt mười năm, quốc hội chỉ xem xét, phê duyệt hai dự án sử dụng trên 10.000 tỉ của công quỹ, trong khi Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư công bố một thống kê, cho biết, chỉ trong năm năm vừa qua, có tới 9.000 dự án loại này?
Quan tâm đến công quỹ – sức dân, tại sao không đại biểu nào của dân tại quốc hội chất vấn xem ai phải chịu trách nhiệm khi chính phủ vay tiền khắp nơi rồi để đó không dùng cho toàn dân trả lãi, đến hạn sẽ phải hoàn đủ vốn. Chẳng lẽ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước với những con số như tỉ lệ giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ chỉ đạt 48,1%, tỉ lệ giải ngân vốn vay ngoại quốc chỉ đạt 53,6% không làm đại biểu nào sốt ruột (2)?
Dự luật sửa luật đầu tư công có ngăn được tình trạng giải ngân chậm – một kiểu diễn đạt hoa mỹ về thực trạng vay trong, mượn ngoài rồi để tiền nằm đó, chỉ sinh lãi, không sinh lợi – tiếp tục được cảnh báo là “đã diễn ra trong nhiều năm, chưa có giải pháp mạnh, hiệu quả để điều chỉnh cũng như khắc phục”, có khiến chính phủ chùn tay, ngưng“ban hành chính sách mới mà chưa xác định cụ thể về nguồn lực bảo đảm”?
Dự luật sửa luật đầu tư công có làm rõ, có đặt được nền móng để truy cứu trách nhiệm những cá nhân soạn – lập – phê duyệt các dự án đầu tư bằng công quỹ, vốn chỉ khiến nợ nần bao gồm cả vốn lẫn lãi trong và ngoài Việt Nam càng ngày càng lớn? Có cản được những dự án mà Bộ Chính trị xác định là “chủ trương lớn và nhất quán” như Dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên năm 2009?
Không và ai cũng biết là không thì bày ra sửa làm gì? Quốc hội vẫn họp mỗi năm hai kỳ, vẫn tìm nhiều cách để chứng tỏ đang đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của toàn dân nhưng nợ nần của Việt Nam đã vượt mức ba triệu tỉ đồng. Riêng năm ngoái, chính phủ đã dùng 250.000 tỉ đồng để trả nợ, trả lãi cho các khoản đã vay (3) và trong khối nợ khổng lồ đó có cả tiền nuôi chính phủ, bao các đại biểu ăn ở, đi lại, chi tiêu khi họp quốc hội!
Chú thích
(2) http://ttvn.vn/kinh-doanh/chua-co-nguon-luc-thuc-hien-da-ban-hanh-chinh-sach-4201920594525167.htm
(3) https://tuoitre.vn/chinh-phu-tra-no-hon-250-000-ti-dong-trong-nam-2018-20190521132746227.htm
https://www.voatiengviet.com/a/dau-tu-cong-bi-thuong-den-chet/4938824.html