Tin Việt Nam – 31/05/2018
Nguy cơ an ninh
khi lập đặc khu cho thuê 99 năm
Từ ngày 21/5 đến 15/6 năm 2018, Quốc hội khoá XIV họp và thảo luận về đề án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Trong dự luật này, ngoài các ưu đãi về thuế và chính sách dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà chuyên môn cũng như dư luận đặc biệt quan tâm đến chính sách mà theo đó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xem xét chấp thuận cho thuê đất đầu tư lên đến 99 năm.
Nhóm ý kiến ủng hộ cho rằng thời hạn mở rộng lên đến 99 năm quyền thuê và sử dụng đất sẽ là một ưu điểm vượt trội so với thời hạn 70 năm như luật đât đai hiện hành, giúp thu hút vốn đầu tư và cho phép các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm hơn khi quyết định đầu tư dài hạn tại các đăc khu kinh tế đặc biệt. Đây cũng sẽ là mục tiêu giúp các đặc khu có sức cạnh tranh quốc tế, có sức lan toả và tạo đòn bẩy tăng trưởng kinh tế cho cả nước.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho biết ông hoàn toàn ủng hộ đối với những ưu đãi kinh tế nhằm thu hút đầu tư tại các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, tuy nhiên ông đưa ra những cảnh báo về nguy cơ đối với an ninh quốc phòng tại những vị trí này:
…an ninh quốc phòng cần phải đặt lên trên hàng đầu, chứ không phải là vì kinh tế mà đánh đổi quá nhiều với vấn đề thuộc về lĩnh vực an ninh quốc gia – cựu ĐBQH Lê Văn Cuông
“Nhìn vào bản đồ có thể thấy nó như cái bình phong nhìn ra Biển Đông, mà ai cũng biết là hiện nay Biển Đông đang có rất nhiều phức tạp trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và ai cũng biết là Trung Quốc đang lấn chiếm biển Đông”
Ông Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến vị trí địa lý của quần đảo Vân Đồn vốn nằm ngay trên Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Hải Nam không xa và gần với biên giới đường bộ của Trung Quốc. Ông nói tiếp:
“Mỗi một quốc gia một dân tộc cần phải có bài học riêng của mình, chứ không thể nói đặc khu thì ở đâu cũng như đâu cho nên cứ cảnh giác thì là hơn, thì chúng ta còn có thể giữ được những quan hệ tốt đẹp, ngăn chặn những tiêu cực.”
Đồng quan điểm với ông Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hoá kỳ họp quốc hội khoá11-12 Lê Văn Cuông cảnh báo cần thận trọng hơn đối với thời hạn cho thuê đất kéo dài quá lâu như dự luật đề xuất:
“Vấn đề này cần phải được đặc biệt quan tâm đấy vì vấn đề an ninh quốc phòng cần phải đặt lên trên hàng đầu, chứ không phải là vì kinh tế mà đánh đổi quá nhiều với vấn đề thuộc về lĩnh vực an ninh quốc gia”
Thực tế cho thấy tại một số khu kinh tế mà cụ thể khu công nghiệp Vũng Áng- Hà Tĩnh, khu vực dự án Boxit Tây Nguyên, khu công nghiệp Đồng Kỵ, Bắc Ninh… và một số dự án khác trải dài từ Bắc vào Nam do người Trung Quốc làm chủ đầu tư, sự xuất hiện của một bộ phận không nhỏ người Trung Quốc cùng những cửa hàng, biển bảng, đường phố bằng tiếng Trung khiến dư luận trong nước vô cùng bức xúc và quan ngại về tình trạng “di dân” của người Trung Quốc tới Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, blogger Trần Bang, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho biết đối với một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với giá trị hơn 11 ngàn tỷ đô la Mỹ, việc các nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra một vài tỷ đô la Mỹ đầu tư tại Việt Nam nhằm “hợp thức hoá” việc “di dân” tới những vị trí trọng yếu là điều hết sức dễ dàng và có thể tạo nên những thế lực mà ông này gọi là “hắc ám” đối với dân tộc Việt Nam”. Ông Trần Bang nói:
cứ cảnh giác thì là hơn, thì chúng ta còn có thể giữ được những quan hệ tốt đẹp, ngăn chặn những tiêu cực – ĐBQH Dương Trung Quốc
“99 năm rất là dài, có thể kéo dài đến 3,4 thế hệ và ảnh hưởng rất xấu đến an ninh quốc phòng, nhất là hiện tại bây giờ Việt Nam vẫn bị Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa về đường lưỡi bò… những thứ mà họ sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế. Khi mà mình đã ra luật như vậy, chẳng hạn người ta đấu giá mà thắng thì người ta có thể dùng chính cái luật của mình, và họ dùng đồng tiền đối với họ không là bao nhiêu, họ sẵn sàng ra giá cao để thuê được 3 điểm quan trọng nằm tại đầu và giữa của đất nước, kết hợp với Hoàng Sa, Trường Sa, kết hợp với đường lưỡi bò thì Việt Nam nằm hoàn toàn trong vòng tay họ”
Mặc dù đến ngày 15/6 tới đây Quốc hội mới chính thức bỏ phiếu để quyết định thông qua dự luật Đặc khu, đã có nhiều ý kiến cho rằng, dự luật này đã được ngấm ngầm thông qua từ rất lâu bởi trên thực tế, giá đất tại các khu vực như Vân Đồn, Phú Quốc trong thời gian qua đã tăng chóng mặt, đẩy thị trường bất động sản tại những nơi đó vào tình trạng ‘đi tắt, đón đầu’.
Blogger Trần Bang bày tỏ quan điểm:
“ Những thế lực họ nghe tin là có ưu ái cho 3 khu vực đó họ đã ra mua đất, gom đất từ lâu rồi. Bây giờ mà Trung Quốc nhảy vào trả giá cao thì họ sẵn sàng đồng ý, có nghĩa là cho đền bù để cho thuê với giá cao thì những người đã mua đất gom đất từ trước đến nay sẽ nhận được giá rất cao so với vốn họ bỏ ra với giá rẻ mạt”
Đây cũng quan điểm mà một số đại biểu quốc hội đưa ra tại kỳ họp Quốc hội lần này, mà theo họ, thời hạn cho thuê đất lên 99 năm chỉ có lợi cho những nhà đầu tư bất động sản hoặc những ý đồ khác muốn trục lợi từ chính sách ưu đãi của chính phủ Việt Nam đối với những đặc khu kinh tế trên. Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh việc các doanh nghiệp làm ăn chân chính không yêu cầu mức thời gian quá dài như là một lợi thế để quyết định đầu tư. Ông cho rằng nếu Việt Nam tạo được một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng và thuận lợi thì chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư đến và gắn bó dài lâu.
Trước những quan ngại về an ninh quốc phòng mà luật Đặc khu có thể gây ra, những vị nhân sĩ, trí thức thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng và những cảm tình viên của câu lạc bộ này vào ngày 29/5 ra Tuyên Bố yêu cầu Quốc hội, Ban Thường vụ Quốc hội cùng các đại biểu bãi bỏ việc thảo luận và thông qua luật này.
Phát ngôn 31/5:
Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội Việt Nam nói ngân sách Việt Nam “không còn gì là không minh bạch nữa rồi, đã là đỉnh cao của quốc tế, đỉnh cao về minh bạch”.
Phát ngôn 30/5: Giá dịch vụ đào tạo khác học phí?
Phát ngôn 29/5: ‘Ai chịu trách nhiệm tai nạn đường sắt?
Ông Đinh Văn Nhã trả lời báo Trí Thức Trẻ trong phỏng vấn đăng ngày 31/5.
Ông nói: “Vào thời điểm hiện nay, quy định pháp luật về ngân sách của Việt Nam đã minh bạch ngang so với chuẩn mực quốc tế, thể hiện ở dự toán và quyết toán ngân sách đều được công khai ngay khi được Quốc hội thông qua.”
“Một điểm quan trọng trong minh bạch theo chuẩn quốc tế là đồng thời đăng tải dự toán lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ trong khi Chính phủ trình dự toán ra Quốc hội. Việc này thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, nhằm thu nhận ý kiến đóng góp của nhân dân và các tổ chức xã hội.”
Vào thời điểm hiện nay, quy định pháp luật về ngân sách của Việt Nam đã minh bạch ngang so với chuẩn mực quốc tế.Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội Việt Nam
“Nếu các bạn theo dõi sẽ thấy, kỳ họp Quốc hội lần thứ 4 (10/2017), lần đầu tiên trong lịch sử, buổi thảo luận công khai về dự toán ngân sách được truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi. Đó là việc mà trước đây không có. Điều đó thể hiện ngân sách của Việt Nam đã minh bạch theo chuẩn quốc tế.”
Ông nhận định: “Tôi cảm thấy là ngân sách của ta không còn gì là không minh bạch nữa rồi, đã là đỉnh cao của quốc tế, đỉnh cao về minh bạch. Truyền hình trực tiếp buổi thảo luận về dự toán ngân sách nhà nước thì không còn gì là không minh bạch nữa.”
Đánh giá cao doanh nghiệp Nhật
Tiếp tục chuyến thăm Nhật Bản, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam hôm 31/5 ở Tokyo.
Chủ tịch Quang gặp doanh nghiệp Nhật
Ông Quang nói: “Chúng tôi đánh giá cao tính kỷ luật, ý thức trách nhiệm, công nghệ hiện đại, quản trị tiên tiến, văn hóa DN của các DN, doanh nhân Nhật Bản trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.”
Chủ tịch nước Việt Nam nhận định Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động với GDP đạt khoảng 230 tỷ USD, quy mô thương mại đạt trên 420 tỷ USD.
Ông cho hay đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 322 tỷ USD từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu.
Theo Chủ tịch Việt Nam, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, năng lượng hiện đại, đồng bộ; hệ thống giáo dục tiên tiến…
Doanh nghiệp Nhật cũng có thể tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa DN Nhà nước.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44315766
Bộ Công an Việt Nam quyết định
truy nã nguyên tổng giám đốc PVtex
Bộ Công An Việt Nam vào ngày 31 tháng 5 năm 2018 ra quyết định truy nã ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex).
Theo Cơ quan An ninh Điều tra sau khi xác minh kết luận Vũ Đình Duy đã bỏ trốn, Bộ Công an ra quyết định khởi tố và truy nã ông này với tội danh “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật hình sự 1999 và tội “ Nhận hối lộ” theo điều 354 bộ luật hình sự 2015.
Vào năm 2017, cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã ra quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam 5 đối tượng thuộc ban lãnh đạo của PVTex gồm Trần Trung Chí Hiếu, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị PVtex, Vũ Đình Duy nguyên tổng giám đốc PVtex, Vũ Phương Nam kế toán trưởng, Đào Ngọ Hoàng Nguyên, trưởng phòng thương mại hợp đồng và Đỗ Văn Hồng, chủ tịch hội đồng quản trị và là tổng giám đốc PVC.
Tại thời điểm khởi tố, cơ quan điều tra chưa xác minh được ông Vũ Đình Duy đang ở đâu vì ông này đa xin ra nước ngoài chữa bệnh từ tháng 10 năm 2016.
Xin nhắc lại, Báo cáo của Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) và Bộ Công Thương vào đầu năm 2017 xác định ông Duy đã vắng mặt tại cơ quan từ ngày 24 tháng 10 năm 2016 với lý do ra nước ngoài chữa bệnh. Ngày 1/12/2017, Bộ Công thương đã ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc với ông Duy do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động và vi phạm quy định về quản lý đoàn đi nước ngoài.
Truyền thông trong nước loan tin cho hay Vinachem đã chính thức khai trừ đảng đối với ông Vũ Đình Duy nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVtex). Tập đoàn này cũng đã tiến hành niêm phong tất cả những đồ đạc tại văn phòng của ông này.
Vừa qua, ông Vũ Đình Duy xuất hiện trước một phiên tòa tại Đức đang xét xử vụ việc liên quan ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam. Ông Trịnh Xuân Thanh trốn được sang Đức và nộp đơn xin tỵ nạn; thế nhưng vào tháng 7 năm ngoái, Berlin lên tiếng cáo buộc phía Hà Nội sang bắt cóc đưa ông này về nước rồi đưa ra xử và tuyên án chung thân.
Hàng nhập khẩu phế liệu gây ùn tắc
tại các cảng biển tại Việt Nam
Gần 400 container hàng phế liệu vô chủ trong số hơn 6800 lô hàng nhập khẩu đang khiến cho các cảng biển tại Việt Nam bị mắc kẹt và quá tải.
Nguyên nhân là do Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới ngưng nhập khẩu mặt hàng này từ EU, Mỹ và Nhật Bản trong năm nay và do đó, phế liệu được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Mạng báo Port News loan tin như vừa nêu ngày 31 tháng 5.
Theo thông tư của Bộ Tài chính Việt Nam, hàng hóa vô thừa nhận trên 90 ngày tại các cảng có thể bị tịch thu đem bán hoặc tiêu huỷ.
Một cuộc kiểm tra hàng vô chủ mới đây tại cảng Cát Lái đã phát hiện hơn 100 máy điều hòa, 270 xe đạp và phụ tùng xe đạp đã sử dụng bị cấm nhập khẩu. Theo thông tin ghi nhận, đây là lô hàng được gửi đến cho một công ty ở quận Tân Phú.
Hiện tại, cảng Cát Lái đang phải lưu kho 307 container vô thừa nhận trong khi đó số lượng hàng nhập khẩu lưu kho quá 90 ngày có xu hướng ngày càng tăng tại các cảng biển kể từ đầu năm nay.
Đại diện Cục Hải quan Việt Nam thì cho rằng những hạn chế về nhập khẩu vật liệu tái chế đã gây khó khăn cho quá trình xử lý nhập khẩu và dẫn đến việc hàng nhập khẩu bị ùn tắc tại các cảng biển trong thời gian vừa qua. Cục Hải quan cũng đề nghị các doanh nghiệp vận tải và các cơ quan liên quan hợp tác cung cấp thông tin chi tiết về lô hàng để giúp xác định chủ hàng và đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hóa chưa được xác nhận.
Hiện Việt Nam đã tăng cường kiểm tra nhập khẩu phế liệu và có kế hoạch tạm dừng các chuyến hàng đến các cảng chính kể từ 25/6 đến 15/10/2018.
Tân Cảng Cát Lái, một trong những cảng lớn của Việt Nam hiện đang chứa hơn 8000 tấn trọng tải (TEU) nhựa phế liệu và giấy thải (1 TEU tương đương công ten nơ 39 m³ thể tích) trong khi đó tại Tân Cảng – Cái Mép, một cảng biển nhỏ hơn, lượng dự trữ phế liệu là 1.132 TEU và dẫn đến tình trạng quá tải phế liệu tại hai cụm cảng lớn nhất của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.
hế liệu và giấy thải (1 TEU tương đương công ten nơ 39 m³ thể tích) trong khi đó tại Tân Cảng – Cái Mép, một cảng biển nhỏ hơn, lượng dự trữ phế liệu là 1.132 TEU và dẫn đến tình trạng quá tải phế liệu tại hai cụm cảng lớn nhất của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Nữ dân biểu ‘thuyền nhân’ gốc Việt
Stephanie Murphy tái tranh cử
Bà Stephanie Murphy, nữ dân biểu gốc Việt đầu tiên trong Quốc hội Hoa Kỳ, sẽ tái tranh cử đại diện cho Địa hạt số 7 của tiểu bang Florida.
Trang Ballotpedia.org cho biết bà Stephanie Murphy, 40 tuổi, đảng Dân chủ, sẽ tái tranh cử chức dân biểu liên bang cùng ứng cử viên cùng đảng là ông Chardo Richardson.
Cũng theo trang này, các đối thủ Cộng hòa của bà Murphy là nữ luật sư Vennia Francois, dân biểu tiểu bang Mike Miller, doanh nhân Scott Sturgill, và cựu binh sĩ Thủy quân Lục chiến Patrick Weingart, tất cả đang chạy nước rút trước ngày bầu cử sơ bộ 28/8.
Tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng một nền kinh tế tươi sáng tại nước Mỹ để mọi người cùng được hưởng lợi, tiếp tục tạo ra những cơ hội mà gia đình tôi đã có được là làm việc chăm chỉ và thăng tiến trên đất Mỹ.
Dân Biểu Stephanie Murphy
Theo trang Opensecrets.org, đến cuối tháng 3/2018, chiến dịch tranh cử của bà Murphy đã quyên góp được hơn 1 triệu 700 ngàn đôla.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA Việt ngữ vào tháng Hai 2017, sau khi đắc cử làm dân biểu đại diện cho Địa hạt 7, Florida, bà Murphy cho biết: “Tôi rất vui sướng trở thành người phụ nữ Việt đầu tiên phục vụ tại Quốc hội vì tôi tin rằng người đại diện ở Quốc hội cũng như mọi người trên đất nước này, đều mong muốn có một chính phủ đa dạng.”
Theo trang Liên đoàn Cử tri Bảo tồn Thiên nhiên (LCV), bà Murphy đạt được điểm số tín nhiệm khá ấn tượng về môi trường quốc gia của tổ chức này, 91% vào năm 2017, năm đầu tiên khi bà nhậm chức dân biểu liên bang.
Bà Murphy cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng tài trợ cho Đạo luật Khí hậu mà Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh vô hiệu hóa. Là thành viên trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện, bà Murphy nhận định rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và công khai chỉ trích việc chính quyền Tổng thống Trump ra quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước khí hậu Paris.
Vào tháng 5/2017, tại Hạ Viện, Dân biểu Stephanie Murphy giới thiệu một dự luật nhằm bảo vệ an ninh quốc gia Hoa Kỳ qua việc bảo toàn thông tin mật Dự Luật Phòng Chống Và Giám Sát Tin Tức Tình Báo Chia Sẻ Với Kẻ Thù (POISE).
Vào tháng 11/2016, bà chiến thắng đương kim Dân biểu Liên bang John Mica, 73 tuổi, của đảng Cộng hòa, để trở thành dân biểu đại diện cho Địa hạt 7, Florida, tại Hạ viện Hoa Kỳ.
Theo New York Times, bà Murphy đắc cử với số phiếu 180.372 so với 169.947 phiếu dành cho ông Mica. Nói với báo chí, bà Stephanie cho biết sẽ dồn nỗ lực để cải thiện kinh tế cho Địa hạt 7 và tạo thêm công ăn việc làm cho cử tri.
Bà cho biết mặc dù là thành viên Đảng Dân chủ, nhưng về một số lĩnh vực, bà đồng quan điểm với lập trường của đảng Cộng hòa, đặc biệt trong hai vấn đề gồm việc sử dụng súng ống và sức khỏe phụ nữ.
Phát biểu với cộng đồng gốc Việt tại tiểu bang Virginia vào dịp mừng đầu năm 2018, nữ dân biểu nói: “Tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng một nền kinh tế tươi sáng tại nước Mỹ để mọi người cùng được hưởng lợi, tiếp tục tạo ra những cơ hội mà gia đình tôi đã có được là làm việc chăm chỉ và thăng tiến trên đất Mỹ.”
Bà Stephanie Murphy có tên tiếng Việt là Đặng Thị Ngọc Dung, là con gái một gia đình tị nạn rời Việt Nam khi bà mới 6 tháng tuổi. Gia đình bà vượt biên bằng thuyền và được Hải Quân Hoa Kỳ cứu, sau đó định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1979.
Trước khi tranh cử vào Quốc hội, bà Murphy là một nhà giáo dục, nữ doanh nhân và chuyên gia an ninh quốc gia. Bà tham gia điều hành một công ty tư vấn đầu tư và giảng dạy tại trường cao đẳng Rollins. Trước đó, bà là một chuyên gia an ninh làm việc tại Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/stephanie-murphy-florida-dan-bieu-lien-bang/4416441.html