Tin Việt Nam – 31/01/2018
Tết Mậu Thân: ‘Cái chết ám ảnh’ trước Dinh Độc Lập
Tháng 1/1968 đánh dấu Cuộc chiến Việt Nam đi vào một bước ngoặt quan trọng.
Trong dịp Tết Mậu Thân, quân đội Bắc Việt cùng lực lượng Mặt trận Giải phóng bất ngờ tấn công đồng loạt trên nhiều tỉnh thành ở miền Nam, bao gồm cả Sài Gòn.
Phóng viên BBC Julian Pettifer khi đó vừa quay trở lại Việt Nam, đúng vào thời điểm đầu giờ sáng 31/1/1968, khi lực lượng Cộng sản tấn công trung tâm thủ đô VNCH.
Phía sau những tấm ảnh Mậu Thân
Tết Mậu Thân: sỹ quan Ba Lan gặp ai ở Sài Gòn?
Phong trào phản chiến Mỹ sau Tết Mậu Thân
Trận Mậu Thân 1968 qua nguồn từ điển
Ông đã nhanh chóng tới một trong những điểm quan trọng nhất của thành phố, Dinh Độc Lập, nơi bị lực lượng biệt động Sài Gòn bất ngờ đánh vào.
“Khi đó tôi đang ngủ trong phòng khách sạn ở Sài Gòn,” Julian kể lại. “Điện thoại đổ chuông. Người quay phim của tôi, khi đó đang trú tại một khách sạn khác gần Dinh Độc Lập, báo rằng đang có nổ súng dữ dội bên ngoài Dinh Độc Lập.”
“Chúng tôi nhanh chóng cùng tới nơi, tìm được vị trí ở ngay bên ngoài cổng sau của Dinh Độc Lập.”
Đây là lần đầu tiên phía Cộng sản quyết định tấn công diện rộng tại các tỉnh thành và các địa điểm quân sự quan trọng, với mục đích tạo cú đòn chí tử cho chính quyền miền Nam, và tạo ra phong trào nổi dậy rộng khắp.
Miền Bắc quyết tâm thực hiện một kế hoạch mang nhiều rủi ro, dựa nhiều vào yếu tố bất ngờ.
Dịp nghỉ Tết, vốn thường là thời gian hưu chiến, được chọn làm thời điểm tấn công.
Tính đến thời điểm đó, Mỹ đã triển khai nửa triệu quân tại Việt Nam. Người dân Mỹ được nói rằng Mỹ đang giành chiến thắng.
Do vậy, khi các cuộc tấn công nổ ra, nó thực sự gây chấn động dư luận.
Điện thoại đổ chuông. Người quay phim của tôi, khi đó đang trú tại một khách sạn khác gần với Dinh Độc Lập, báo rằng đang có nổ súng dữ dội bên ngoài Dinh Độc LậpJulian Pettifer
Chỉ riêng tại Sài Gòn, Việt Cộng tấn công Tòa Đại sứ Mỹ vừa mới xây xong, sân bay Tân Sơn Nhất, chiếm quyền kiểm soát đài phát thanh thành phố, và đánh vào Dinh Độc Lập, nơi phóng viên BBC Pettifer có mặt.
Giao tranh bên ngoài Dinh Độc Lập
“Hai bên đấu súng. Ba người Việt Cộng bị bắn chết, số còn lại chạy vào ẩn nấp tại tòa nhà có vẻ như là một khách sạn vừa xây xong,” phóng viên Julian Pettifer tường thuật từ bên ngoài Dinh Độc Lập hôm 2 Tết Mậu Thân.
‘The Vietnam War’ và khi Đồng Minh tháo chạy
USS Hue City: Chiến hạm Mỹ mang tên TP Huế
Vietnam War: ‘Cuộc chiến day dứt tất cả chúng tôi’
Nhóm của Pettifer khi đó đứng phía sau rặng cây, không thể di chuyển đi đâu. Ngay gần đó, một chiếc xe jeep quân sự của Mỹ nằm chắn, người tài xế đã tử vong do trúng đạn.
“Xác người tài xế nằm cách chỗ chúng tôi chừng 4, 5 mét. Mỗi khi nhìn qua hướng đó, tôi lại thấy gương mặt người Mỹ đó, còn trẻ măng, tóc đỏ, cặp kính trôi xuống bên dưới mũi,” Julian kể lại với BBC trong dịp kỷ niệm 50 năm trận Tết Mậu Thân.
“Đến bây giờ tôi vẫn hình dung ra được gương mặt đó. Nó ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời.”
“Tình hình khi đó rất hỗn loạn. Có các lực lượng lính Mỹ, cảnh sát Việt Nam Cộng hòa, có binh lính Việt Nam Cộng hòa. Dường như không có ai đứng ra chỉ huy hết. Súng nổ khắp nơi.”
“Tổng số 35 tỉnh thành bị đồng loạt tấn công trong đêm hôm đó và những ngày tiếp theo. Riêng ở Sài Gòn, có cả ngàn vụ tấn công nổ ra ở các địa điểm khác nhau trong thành phố. Nhưng việc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ vừa được xây xong cũng bị tấn công đã gây sốc.”
Bước ngoặt của cuộc chiến
Tướng Mỹ William Westmoreland, người chịu trách nhiệm chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại Việt Nam, giận dữ: “Kẻ thù đã dối trá, lợi dụng tấn công vào thời điểm hưu chiến trong dịp nghỉ Tết, nhằm tạo mức phá hoại tối đa ở Nam Việt Nam.”
Ông cáo buộc đối phương là dối trá, nhưng trong chiến tranh, dối trá là chuyện vẫn thường xảy ra.
Tuy nhiên, lực lượng Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng cũng thiệt hại nặng nề do hỏa lực áp đảo của Mỹ.
Trong ngày tiếp theo, giao tranh vẫn xảy ra ác liệt tại khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn.
Cuộc tấn công ở hầu hết các tỉnh thành chỉ kéo dài trong vài ngày. Riêng ở Huế, chiến trận tại khu vực Thành Nội kéo dài tới ba tuần.
Trận Mậu Thân 1968 qua nguồn từ điển
30/04: Những xui xẻo định mệnh của VNCH
Bà Hạnh Nhơn ‘trọn đời giúp thương phế binh VNCH’
Cuối cùng, lực lượng cộng sản bị đẩy lui và chịu tổn thất nặng nề, mất hàng chục ngàn quân. Quân đội Việt Nam Cộng hòa vẫn đứng vững.
Cuộc tấn công không thành công về mặt quân sự, và đã không diễn ra phong trào nổi dậy rộng khắp như mong đợi của miền Bắc.
Tuy nhiên, đó vẫn là một thắng lợi cho phe cộng sản. Nó làm công chúng Mỹ thay đổi quan điểm đối với cuộc chiến.
“Những hình ảnh về cuộc giao tranh được phát đi trên truyền hình tại Mỹ đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến, không ai nghi ngờ gì về điều đó,” phóng viên Julian Pettifer nói.
“Chỉ mới một vài tuần trước, dân chúng được nói rằng ‘chúng ta đang chiến thắng’ – thực sự đó là chuyện gây sốc. Đó là lúc người dân Mỹ bắt đầu tin rằng họ đang bị chính phủ và quân đội Mỹ lừa dối. Chuyện giành được chiến thắng trở thành điều không thể.”
Nội dung câu chuyện với ông Julian Pettifer, hiện đã nghỉ hưu tại Anh, đã có trên chương trình của BBC World Service nhân 50 năm trận Tết Mậu Thân.
BBC sẽ tiếp tục đăng tải các bài về chủ đề trận Mậu Thân 1968 xảy ra 50 năm về trước.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42887685
VN ‘xử nặng’ ba người ‘tuyên truyền chống nhà nước’
Tòa án ở Hà Nội ngày 31/1 xử tù ba người về tội tuyên truyền chống Nhà nước, áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”.
Luật Hình sự VN mới sửa Điều 79, 88 và 258
Việt Nam: Thêm một người bị bắt vì Điều 88
Hà Nội bắt hai người ‘làm và phát tán clip xấu’
Công an Việt Nam bắt ‘Dũng Phi Hổ’
‘Chưa LS nào bào chữa thành công các vụ Điều 258’
Áp dụng Điều 88 Bộ luật Hình sự, tòa sơ thẩm tuyên ông Vũ Quang Thuận, sinh năm 1966, bị án tù 8 năm, Nguyễn Văn Điển, sinh năm 1983, bị 6 năm 6 tháng tù.
Trần Hoàng Phúc, sinh năm 1994, bị tòa tuyên 6 năm tù.
Ngoài ra, bị cáo Thuận bị 5 năm quản chế, hai ông Điển và Phúc bị 4 năm quản chế kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Thông tấn xã Việt Nam nói “các bị cáo đã nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội nên cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng ‘phạm tội nhiều lần’ theo quy định tại Điều 48, khoản 1, điểm g – Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử phạt nghiêm khắc”.
Ông Trần Hoàng Phúc, bị bắt hồi tháng 7/2017, gây nhiều chú ý vì là thành viên chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), sinh viên Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
Trong dịp Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam và gặp gỡ các thành viên YSEALI tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 5/2016, ông Trần Hoàng Phúc bị câu lưu ngay tại địa điểm diễn ra cuộc gặp với ông Obama.
‘Không rõ ràng’
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Phúc và ông Thuận, cho BBC biết “không người thân nào của ba người nêu trên được tham dự phiên tòa”.
Luật sư Mạnh đã đề nghị tòa “tuyên trả tự do cho các bị cáo ngay tại tòa”, đồng thời, “thỉnh cầu tòa án kiến nghị Quốc hội hủy bỏ Điều 117 Bộ luật Hình sự mới (vốn là Điều 88 của Bộ luật Hình sự cũ chuyển hóa thành), hoặc hủy bỏ sự chế tài hình sự đối với sự phỉ báng chính quyền và chuyển thành chế tài vi phạm hành chính.”
Một điều luật quy định một tội danh hình sự phải là điều luật rõ ràng và có giới hạn tức là không thể hiểu đa nghĩa đến mức hành vi như thế nào cũng có thể suy thành hành vi vi phạm điều luật.luật sư Đặng Đình Mạnh
Ông Mạnh nói thêm: “Tội danh mà nhóm ông Vũ Quang Thuận bị truy tố theo Điều 88 Bộ luật Hình sự “Tuyên truyền chống Nhà nước” có đặc điểm tương tự như một số tội danh khác thuộc nhóm “Xâm phạm an ninh quốc gia”, là tội danh hoàn toàn mang tính chất “định tính thuần túy”, không rõ ràng và không hề có định lượng vì nội hàm không hề có sự giới hạn.”
“Sở dĩ nói “không rõ ràng” vì chẳng thế nào có một định nghĩa đầy đủ về khái niệm “Tuyên truyền chống Nhà nước” là như thế nào? Gồm những yếu tố gì đủ để cấu thành tội phạm?”
Việt Nam công nhận ‘quyền im lặng’?
Vụ án Nguyễn Văn Đài: bắt thêm 4 người
HRW kêu gọi hủy tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’
Bắt ‘bác sĩ Hồ Hải’ để dập tắt tiếng nói phản biện?
“Nếu nội hàm của một điều luật không giới hạn, không định lượng thì lấy gì làm cơ sở để lượng định về hình phạt?”
“Một điều luật quy định một tội danh hình sự phải là điều luật rõ ràng và có giới hạn tức là không thể hiểu đa nghĩa đến mức hành vi như thế nào cũng có thể suy thành hành vi vi phạm điều luật.”
“Do tội danh không rõ ràng, nên để củng cố về lý luận, các cơ quan truy tố đã “sáng tạo” ra tổ chức giám định tư tưởng chưa từng có trong thực tiễn pháp chế hình sự của các quốc gia trên thế giới từ trước cho đến nay, đó là “Giám định tập thể” thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông.”
“Các giám định viên này đã được rộng rãi “trao quyền” để đánh giá ý chí của một nghi can khi phát biểu quan điểm khác với chính quyền là họ có tư tưởng “chống Nhà nước” hay không?”
“Dù đã có một số án lệ cho thấy các tòa án hình sự ở Việt Nam đã chấp nhận các kết luận giám định tư tưởng dạng này nhưng quan điểm chung của giới luật sư là chưa bao giờ chấp nhận.”
“Cả ba người ra tòa hôm nay đều tự bào chữa cho rằng mình vô tội,” luật sư Mạnh nói với BBC.
Cáo trạng nói bị cáo ‘xuyên tạc, vu khống’
Thông tấn xã Việt Nam dẫn cáo trạng nói vào ngày 1/3/2017, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội đề nghị công an Hà Nội điều tra trang Facebook của ông Thuận và Điển vì đăng video “xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân”.
Ngày hôm sau, công an Hà Nội “khám xét khẩn cấp” chỗ ở thuê của hai người này ở Hà Nội.
Công an sau đó nói ông Phúc đã giúp hai người này ” trong việc làm, đăng tải các video clip lên mạng Internet có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước”.
Cáo trạng đề cập 17 video clip của những người này đã “phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật”.
Tổ chức nhân quyền lên tiếng
Hôm 30/1, thông cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát đi từ New York dẫn lời ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của cơ quan này: “Trần Hoàng Phúc, Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển là ba người trong hàng ngũ đang lớn mạnh của các nhà hoạt động và blogger sử dụng Internet để thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.”
“Việc bắt bớ và bỏ tù những người bất đồng chính kiến không ngăn cản được ngày càng có nhiều người Việt Nam lên tiếng.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42868912
Việt Nam sẽ lập danh sách các kênh YouTube “sạch”
Bộ Thông Tin và Truyền Thông sẽ có giải pháp ngăn chặn video xấu, độc trên Youtube, Google. Đó là khẳng định của ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, tại buổi tọa đàm “An toàn thương hiệu trong thời đại kinh tế số”, diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 30 tháng 1 năm 2018.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ TT & TT sẽ tạo ra một danh sách các kênh có “nội dung sạch” có tên là Danh sách trắng. Trước đây, Bộ TT&TT mới chỉ lập Danh sách đen là danh sách các kênh có nội dung xấu, độc, nên “danh sách trắng” là các trang có nội dung sạch, các nhãn hãng có thể quảng cáo, còn danh sách đen là các trang có nội dung có nội dung xấu độc, các nhãn hàng không nên có quảng cáo xuất hiện.
Cũng theo Ông Lê Quang Tự Do, hiện có 78 ngàn kênh YouTube của người Việt Nam, mỗi tháng có khoảng 4 tỷ phút video clip được đăng lên YouTube. Và nội dung của những clip này đều là hậu kiểm, bất cứ ai cũng có thể lập tài khoản và đăng tải bất cứ thứ gì. Với đặc điểm này Việt Nam không thể kiểm soát trước nội dung, việc hậu kiểm luôn trong tình trạng quá tải. Do đó Ông Do nói chỉ còn một cách phải lập ra danh sách kênh sạch được các những cá nhân, tổ chức cam kết và đăng ký với Bộ TT&TT.
Vị đại diện của Bộ TT&TT cũng nói rõ rằng giải pháp “Danh sách trắng” tuy chưa được Google ủng hộ, nhưng đã nhận được sự ủng hộ các đại lý quảng cáo và các công ty trong nước. Do đó Bộ TT&TT sẽ tiếp tục làm việc với Google về giải pháp này.
Ông Phó Cục trưởng cũng tiết lộ, dự kiến cuối tháng 2 năm 2018, giải pháp “Danh sách trắng” sẽ bắt đầu được triển khai và đây cũng sẽ là giải pháp giúp chính phủ thu thuế của những người kinh doanh trên mạng xã hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết theo yêu cầu của nhà nước Việt Nam, trong năm 2017 Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ gần 6.500 trong số 7.500 video clip mà phía Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ khỏi Youtube và 6 trò chơi bị lấy khỏi Google Play do vi phạm pháp luật Việt Nam.
Việt Nam vẫn là quốc gia toàn trị,
không có tự do ngôn luận – Báo cáo của Economist
Phúc trình về Chỉ số Dân Chủ năm 2017 do Nhóm Nghiên Cứu – Phân Tích EIU của tạp chí The Economist vừa công bố vào cuối tháng Một năm 2018 nhận định Việt Nam vẫn là quốc gia toàn trị, không có tự do ngôn luận.
Phúc trình đưa ra Chỉ Số Dân Chủ của 167 quốc gia. Việt Nam xếp thứ 140 với điểm số tổng quát là 3.08 trên thang điểm 10 cho các tiêu chí đánh giá, thấp hơn so với các năm trước đó.
Điểm số tổng quát năm 2016 của Việt Nam là 3,38; năm 2015 là 3,53.
Có 5 tiêu chí. Thứ nhất là qui trình bầu cử và đa nguyên. Đối với tiêu chí này Việt Nam bị điểm 0. Tiêu chí thứ hai về vận hành của chính phủ, Hà Nội được 3,21 điểm. Đối với tiêu chí tham gia chính trị, điểm số của Việt Nam là 3,89. Tiêu chí văn hóa chính trị của Việt Nam đạt 5,63 điểm. Tiêu chí thứ năm về các quyền tự do dân sự, Việt Nam chỉ được 2,65 điểm.
EIU nhận định kể từ năm 2006 khi nhóm này bắt đầu đưa ra Chỉ số Dân chủ của các quốc gia trên thế giới, thì vào năm 2015 khu vực Châu Á và Á – Úc có tiến bộ nhất về dân chủ so với các khu vực khác; tuy nhiên sang năm 2017 lại suy sút đáng ngại với số điểm tổng quát giảm mạnh. Điều này cho thấy năm qua là một năm biến động với nhiều thay đổi bất lợi ở nhiều nước trong khu vực này.
Về tự do ngôn luận, phúc trình 2017 của EIU nêu rõ ‘Free Speech Under Attack’ tức Tự do Ngôn luận bị tấn công. Việt Nam xếp hạng 145 với điểm số là 1, và thuộc nhóm 47 quốc gia không có tự do ngôn luận.
Phúc trình nêu rõ Trung Quốc và Việt Nam là hai nước bỏ tù nhiều tiếng nói bất đồng với qui mô lớn hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Theo EIU thì Chỉ Số Dân Chủ coi tự do biểu đạt là thiết yếu giúp cho dân chủ được bén rễ và phát triển. Chất lượng dân chủ tại bất cứ một quốc gia nào cũng được lượng định phần lớn bởi mức độ thực thi quyền tự do ngôn luận.
Xã hội nào bất dung các tiếng nói bất đồng, sự khác biệt về niềm tin, và nghi vấn đối với những quan điểm truyền thống thì xã hội đó không thể nào có nền dân chủ đầy đủ được.
Việt Nam kỷ niệm 50 năm chiến dịch Mậu Thân – 1968
Việt Nam vào ngày 31 tháng Một tiến hành lễ kỷ niệm biến cố được gọi tên là ‘Cuộc Tổng tấn công và Nổi dậy’ Tết Mậu Thân 1968.
Hãng tin Pháp AFP loan tin cho biết cuộc tấn công quân sự gây ngạc nhiên vào năm 1968, do cộng sản Bắc Việt phát động ngay vào đêm giao thừa tết Mậu Thân, nhắm vào hơn 100 thành phố và đồn bót tại miền nam Việt Nam.
Cuộc tấn công cuối cùng khiến Hoa Kỳ phải rút ra khỏi cuộc chiến đẫm máu; mặc dù vào thời điểm đó chiến dịch tiến đánh của cộng sản miền Bắc tại miền nam hoàn toàn thất bại với con số bộ đội thiệt mạng được ước tính chừng 58 ngàn người.
Có hơn 80 ngàn bộ đội Bắc Việt và chiến binh cộng sản tham gia trong những cuộc tấn công phối hợp thuộc chiến dịch Tết Mậu Thân. Trong đó có những cuộc tấn công tại hai thành phố Huế và Sài Gòn.
AFP dẫn phát biểu của một cựu chiến binh cộng sản tham gia chiến dịch Mậu Thân có mặt tại lễ kỷ niệm diễn ra ở Sài Gòn, ông Nguyen Van Duoc, nói rằng nhóm của ông chiến đấu đến khi không còn viên đạn nào rồi bỏ lại súng và rút chạy. Người cựu chiến binh này nói thêm 8 đồng đội của ông thiệt mạng trong trận đánh lúc đó đến nay vẫn chưa tìm được xác.
Theo AFP thì những người ở miền nam Việt Nam đến nay hồi tưởng biến cố Mậu Thân với những cảm xúc khác nhau; đặc biệt những lính Việt Nam Cộng Hòa, họ không đồng ý với những đánh giá về chiến dịch Tổng tấn công và Nổi dậy Mậu Thân do Hà Nội đưa ra.
Việt Nam sẽ xử thêm những vụ đại án tham nhũng
Việt Nam nói tòa án nhân dân các cấp đã xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn về kinh tế và tham nhũng cũng như những vụ án được dư luận xã hội quan tâm.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án tòa án nhân dân Tối cao, tại cuộc họp báo về nhiệm vụ của các tòa án trong năm 2017, phương án năm 2018, diễn ra vào ngày 31/1.
Ông Nguyễn Hòa Bình nêu tên một số vụ án kinh tế và tham nhũng lớn được xử lý trong năm 2017 như vụ buôn lậu thuốc tại VN Pharma, vụ Châu Thị Thu Nga và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đại án tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương Oceanbank, vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 bị cáo; vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm.
Lãnh đạo Tòa án Tối cao còn cho biết là đã kiểm tra năng lực của các Hội đồng xét xử đại án và kết quả cho thấy các thẩm phán đều có kinh nghiệm và phẩm chất tốt.
Bên cạnh đó, báo cáo của Tòa tối cao còn nêu rõ từ ngày 1/10/2016 cho đến ngày 30/9/2017, Việt Nam đã giải quyết hơn 438.600 vụ việc, chiếm 89,3% số vụ được thụ lý. Còn lại hơn 9.600 vụ vẫn đang xem xét.
Ông Bình còn tiết lộ rằng tới tháng 7 năm nay, Tòa án Nhân dân tối cao sẽ đề xuất với Quốc hội về việc không tổ chức các phiên tòa lưu động nữa. Lý do ông Bình đưa ra là vì tác dụng giáo dục của các phiên lưu động đã giảm dần do công nghệ thông tin và báo chí. Ngoài ra, chi phí cho các phiên tòa này rất tốn kém, việc bảo vệ bị can khó khăn hơn; ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của thân nhân bị cáo. Đặc biệt ông Bình còn đề cập đến nguyên tắc đảm bảo quyền con người trong các phiên xử lưu động, vì theo ông một bị cáo chưa có bản án có hiệu lực thì chưa phải tội phạm.
Lượm ve chai ở Sài Gòn, nuôi quê nghèo
Cuộc sống nông thôn canh tác bấp bênh, thiên tai thất thường khiến nhiều người phải bỏ quê lên phố kiếm sống. Trong số này có những phụ nữ vào Sài Gòn chuyện nhặt ve chai bán kiếm tiền, vừa lo cho bản thân vừa có thể gửi về quê phụ giúp gia đình.
Hoàn cảnh khó khăn
Trong con xóm nhỏ có khoảng chục phòng trọ, đầy những xe ba gác, xe đẩy là nơi mà những người phụ nữ quê Phú Yên đang tá túc. Công việc của cả xóm là lượm ve chai để bán lại.
Họ là những người mẹ, người phụ nữ chấp nhận mọi cực khổ, xa xứ vì người thân.
Bà Loan, 62 tuổi, cho biết thời gian và lý do phải xa quê:
“Sáu năm , bảy năm rồi con. Cô vô đây cô đi làm thuê làm mướn, đi ve chai để sống chứ ở dưới đó bữa nay lụt lội, bão lụt đó thành ra đi về quê cũng không được.”
Cô vô đây cô đi làm thuê làm mướn, đi ve chai để sống chứ ở dưới đó bữa nay lụt lội, bão lụt đó thành ra đi về quê cũng không được.
– Bà Loan, 62 tuổi, quê Phú Yên
Dù công việc ve chai cực nhọc vất vả, phơi nắng phơi mưa ở đất Sài Gòn cũng không dễ chịu gì, nhưng ít nhất họ cũng còn có cơ hội để kiếm ra tiền.
“Ngoài đó mưa bão sập nhà sập cửa. Đi làm cho con ăn học nói thẳng ra không có tiền. Rồi cô theo con vô đây mua bán đi làm thuê làm mướn để nuôi con ăn học.”
Ngoài những khoản cho con cháu ăn học, họ còn phải cố kiếm tiền nơi đất khách nhằm trang trải những khoản nợ trước kia.
“Giờ vợ chồng cô già hết, phải đi mua bán cái này để trả nợ, cho con ăn đi học là nợ đó con.Nay ổng (chồng cô) đã 70 rồi mà. Giờ vô đây cũng không làm gì.”
Cuộc sống ở Sài Gòn
Bà Loan tâm sự người chồng ‘thất thập’ của bà nay vẫn còn phải lam lũ với công việc đồng áng. Còn các con của ông bà, có đứa lập gia đình ra sống riêng rồi; thế nhưng bản thân bà cũng luôn chắt chiu để phụ thêm cho con cháu khó khăn ở quê. Cuộc sống của hai vợ chồng già luôn tiết kiệm hết mức, bà chia sẻ về cuộc sống và công việc ở Sài Gòn cho chúng tôi biết:
“Có ngày trung bình kiếm ngày 100, 120, cỡ 150 (150.000 đồng) là cao nhất. Bữa nào trúng mánh ngon là 150… chứ như ngày nay cô kiếm có 60.000 đồng chứ mấy.
Cá mắm đem ở ngoài quê chứ mình không có mua ở đây. Gạo ngoài đó đem vô chứ không có mua trong đây, nó đỡ chỗ đó thành ra cũng dư, một tháng dư cũng được 3 triệu, 3 triệu rưỡi. Bữa nào mà mình dọn nhà dọn đồ trúng mánh thì được 4 triệu một tháng vậy á. Chứ giờ ở quê làm ngày 100.000 đồng, làm bữa nào ăn bữa nấy không có dư. Lâu lâu tháng, hai tháng mình dư 5, 6 triệu mình về.”
Trong đây ngày nào mình cũng làm, còn nhà quê có ngày thì mình làm, tháng làm đâu có 10 ngày, 12 ngày.
– Bà Loan, 62 tuổi, quê Phú Yên
Bà và các phụ nữ ở đây phải ở chung nhau cả chục người trong một phòng trọ nhỏ để giảm tối đa các chi phí.
“8 người, bây giờ nói thẳng ra ngoài đó người ta cũng khổ, theo vô đây ở là 10 người. 1 phòng là 2 triệu 8. Đó là tiền ở, tiền nước non chưa nói.”
Bà Loan còn nêu ra sự ổn định việc làm tại Sài Gòn và tình trạng thất thường ở quê nhà Phú Yên:
“Trong đây ngày nào mình cũng làm, còn nhà quê có ngày thì mình làm, tháng làm đâu có 10 ngày, 12 ngày, còn không thì mình ở nhà, không làm gì hết. Còn vô trong đây một tháng mình làm đủ 1 tháng.”
Khu vực miền Trung Việt Nam là nơi hằng năm phải hứng chịu nhiều cơn bão. Năm nay, Phú Yên là địa phương bị Bão 12 đổ bộ. Vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất ở tỉnh Phú Yên là huyện miền núi Đồng Xuân. Thống kê cho thấy trong nhiều nơi trong huyện nhà dân bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m; 600 hecta hoa màu dọc sông Kỳ Lộ và sông Cô bị ngập. Các tuyến tỉnh lộ và huyện lộ tiếp tục bị chia cắt.
Bà Loan cho biết:
“2 năm nó làm cái bão 1 lần cái tróc lóc tròng long hết, cho dù đi làm trong này về tu bổ cái nhà, bão tới cái nó tróc nó sập xuống phải cất lên.”
Ngoài thiên tai bão tố, nhiều vùng ở hạ lưu còn hứng chịu nước lũ do thủy điện xả đập một khi mưa bão về. Đất quê không thể nuôi sống con người khiến biết bao thân phận trở thành ‘tha phương’ như những phụ nữ Phú Yên cùng xóm ve chai với bà Loan ở Sài Gòn.
Nhà hoạt động Trương Minh Tam
sẽ đến Hoa Kỳ định cư hôm nay 31 tháng 01
Theo tin SBTN chúng tôi vừa nhận được, nhà hoạt động Trương Minh Tam sẽ đến Hoa Kỳ định cư vào ngày hôm nay Thứ Tư 31 tháng 01, 2018, nhờ sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ.
Cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Tam sẽ đáp xuống phi trường LAX vào lúc 12 giờ 40 trưa trên chuyến bay từ Hà Nội, Việt Nam, quá cảnh tại Taipei.
Ông Trương Minh Tam là thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam. Anh bị bắt vào ngày 28 tháng 04, 2016 cùng với ông Chu Mạnh Sơn liên quan vụ cá chết Vũng Áng. Cả hai ông bị bắt cùng một đợt, và phía truyền thông nhà nước cộng sản loan tin là do “có hành vi thu thập thông tin, hình ảnh, để phát tán trên mạng internet nhằm mục đích kích động người dân”.
Trên bản tin buổi tối, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) công bố việc cơ quan bắt hai ông Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn vì hai người này đã đến khu công nghiệp Formosa, và Kỳ Hà, Hà Tĩnh để ghi nhận tình hình đời sống ngư dân tại các khu vực này sau khi thảm họa cá biển chết hàng loạt xảy ra. Trương Minh Tam được chính quyền CSVN trả tự do chiều 4 tháng 05, 2016.
Tưởng cũng nên nhắc lại anh Trương Minh Tam là một nhà hoạt động dân chủ – nhân quyền và là thành viên của nhóm Con Đường Việt Nam. Anh từng bị nhà cầm quyền CSVN kết án 1 năm tù giam vì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng thực chất là vì các hoạt động chính trị của anh trước đó. Anh được trả tự do vào ngày 07 tháng 10, 2014, sau khi thi hành án ở Trại 5 – Thanh Hoá.
Vào tháng 7, 2015, anh đã cùng Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng và ông Nguyễn Văn Lợi – bố TNLT Nguyễn Đặng Minh Mẫn tham dự một chuyến vận động quốc tế tại Canada và Hoa Kỳ do Đảng Việt Tân thực hiện. Anh đã có một buổi điều trần trước Quốc Hội Canada cũng như Quốc Hội Hoa Kỳ, và đã gặp gỡ nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế để trình bày về tình trạng của tù nhân lương tâm Việt Nam.
Tường Thắng / SBTN
http://www.sbtn.tv/nha-hoat-dong-truong-minh-tam-se-den-hoa-ky-dinh-cu-hom-nay-31-thang-01/
Luật sư:
‘ngưỡng mộ khí phách kiên cường’ của ba nhà hoạt động
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với VOA rằng ông ngưỡng mộ khí phách kiên cường của ba nhà hoạt động dân chủ Vũ Quang Thuận, Trần Hoàng Phúc và Nguyễn Văn Điển trong một phiên tòa ở Hà Nội hôm 31/1.
Luật sư Mạnh cho biết ông Thuận bị kết án 8 năm tù với 5 năm quản chế, ông Điển 6.5 năm tù với 4 năm quản chế và Trần Hoàng Phúc 6 năm tù, 4 năm quản chế sau khi mãn án tù, về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.”
Luật sư Mạnh nhận đình rằng cả ba người bị tuyên mức án nặng như vậy là do thái độ “kiên cường” của họ tại tòa, họ cho rằng các hoạt động của họ không chống nhà nước mà chỉ lên tiếng vì sự tiến bộ xã hội cho Việt Nam:
“Tôi nghĩ rằng do thái độ của cả ba người trong phiên tòa. Tôi thật sự khâm phục họ. Tuy là các bị cáo trong một vụ án, nhưng thái độ của họ rất kiên cường. Cũng chính vì thái độ kiên cường đó đã tác động đến mức hình phạt như đã tuyên.”
Tôi thật sự khâm phục họ. Tuy là các bị cáo trong một vụ án, nhưng thái độ của họ rất kiên cường.
Luật sư Đặng Đình Mạnh
Luật sư Trần Thu Nam, người bào chữa cho ông Thuận, nói với hãng tin AP sau phiên xử rằng phiên tòa chỉ kéo dài có nửa ngày, và hội đồng xét xử không có đủ chứng cứ để buộc tội các bị cáo.
Luật sư Mạnh, người bào chữa cho hai nhà hoạt động Thuận và Phúc, nói rằng Viện Kiểm Sát chủ yếu dùng kết quả giám định “tư tưởng” của một cơ quan nhà nước về 17 clip video mà các bị cáo đưa lên mạng Internet để buộc tội họ:
“Cơ quan truy tố cho rằng các video clip này mang ý nghĩa tuyên truyền chống nhà nước, họ phải nhờ một cơ quan gọi là giám định tư pháp, mà các luật sư gọi đúng nghĩa của nó là giám định tư pháp về tư tưởng. Đây là một khái niệm chưa từng có trên thế giới, kể cả trong thực tiễn và trong học thuật. Vì không ai đi đánh giá tư tưởng để xem một người nào đó có chống nhà nước hay không. Rất tiếc điều đó đang được luật pháp (Việt Nam) quy định và thừa nhận.”
Một ngày trước phiên xét xử sơ thẩm 3 nhà hoạt động, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 30/1 ra thông cáo nói rằng họ chỉ là những blogger sử dụng mạng Internet để thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. “Việc bắt bớ và bỏ tù những tiếng nói bất đồng cũng sẽ không ngăn cản được nhiều người Việt Nam tiếp tục lên tiếng tranh đấu”, HRW nói.