Tin Việt Nam – 30/10/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 30/10/2015

Thắng lợi bước đầu của Philippines trong vụ kiện TC

Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye, Hà Lan, mới ra phán quyết chống TC và ủng hộ Philippines, theo đó đồng ý xem xét vụ kiện Bắc Kinh của Manila liên quan tới biển Đông.

Tòa trọng tài Thường trực hôm qua, 29/10, đã ra phán quyết nói rằng tòa này có đủ thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp chủ quyền ở biển Đông giữa Philippines và TC.

Đơn kiện của Philippines cho rằng TC đã hành động trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).

TC từng tuyên bố rằng đây là tranh chấp về chủ quyền các hòn đảo trên biển, và điều đó vượt ra ngoài thẩm quyền của tòa.

Tòa án cho biết sẽ cân nhắc 7 trong số 15 khiếu nại của Philippines đối với TC, trong khi không xem xét 7 khiếu nại khác, đồng thời muốn làm rõ với Manila về một việc.

Philippines đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài Thường trực năm 2013. Tòa án dự kiến sẽ ra phán quyết cuối cùng vào năm sau.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của TC hôm nay đã lặp lại quan điểm rằng Bắc Kinh sẽ không tham gia vào vụ xử cũng như không chấp nhận phán quyết cuối cùng của tòa.

Luật sư chính của Philippines, Florin Hilbay, hoan nghênh quyết định của tòa, đồng thời gọi đó là “một bước tiến lớn trong nỗ lực tìm một giải pháp ôn hòa và bất thiên vị giữa các bên cũng như làm rõ quyền lợi của họ theo UNCLOS”.

‘Quyền lợi của Việt Nam’

Washington cũng đã hoan nghênh phán quyết, theo một quan chức quốc phòng cấp cao.

CSVN cũng từng lên tiếng ‘bày tỏ lập trường’ đối với vụ Philippines kiện TC ra Tòa trọng tài.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CSVN Lê Hải Bình cuối năm ngoái cho biết: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài về lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”.

TC lập tức lên tiếng kêu gọi Việt Nam tôn trọng chủ quyền của Bắc Kinh.

Phán quyết vừa kể của tòa được đưa ra 2 ngày sau khi Hoa Kỳ điều một tàu chiến tới phạm vi 12 hải lý gần một trong các hòn đảo nhân tạo mà TC xây dựng ở Trường Sa.

Bất chấp phản đối của Bắc Kinh, Washington tuyên bố sẽ tiếp tục đưa tàu tới bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. – Theo VOA

Căng thẳng Biển Đông: Tàu Nhật sắp cập bến Cam Ranh

VOA 30-10-2015

Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật (JSDF) trong một buổi diễn tập quân sự. Ảnh: Reuters

Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật (JSDF) trong một buổi diễn tập quân sự. Ảnh: Reuters

Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật sẽ cập bến Vịnh Cam Ranh của Việt Nam trong năm tài khóa 2016, một bước quan trọng trong các nỗ lực của Tokyo hầu tăng cường những hoạt động ở Biển Đông và cùng với đồng minh đối phó trước sự bành trướng của TC.

Cảng Cam Ranh nằm gần quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục bồi đắp các bãi đá chìm thành những hòn đảo nhân tạo.

Nhật dự kiến năm sau đưa tàu tới Cam Ranh cho các hoạt động tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm và các vật phẩm tiếp liệu khác.

Truyền thông Nhật ngày 30/10 loan tin trong chuyến công du Việt Nam vào tuần tới, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Tướng Nakatani, sẽ ký thỏa thuận về kế hoạch này với người đồng nhiệm phía CSVN, Đại tướng Phùng Quang Thanh, trong cuộc gặp ngày 6/11 tại Hà Nội.

Trước hành động lấn lướt của TC ở Biển Đông, Việt Nam dự kiến sẽ đưa tàu ngầm tới đặt ở một căn cứ tại Cam Ranh.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới cũng sẽ ghé thăm cảng này, một thông điệp rõ ràng của sự hợp tác an ninh hải quân Việt – Nhật.

Tàu của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật đã neo đậu tại các cảng ở Sài Gòn, Đà Nẵng cùng một số nơi khác, nhưng các địa điểm này xa các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông hơn so với cảng Cam Ranh.

Theo phân tích trên tờ Nikkei Asian Review của Nhật, việc Hà Nội cho phép tàu Nhật tiếp tế nhiên liệu và nhu yếu phẩm tại Cam Ranh sẽ giúp mở rộng rất nhiều tầm hoạt động của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật trong khu vực.

Một giới chức chính phủ Nhật được dẫn lời cho biết kế hoạch đưa tàu cập bến Cam Ranh nhằm đối phó với khả năng quân sự hóa của TC trong vùng. Giới chức này nhấn mạnh tăng cường sự hiện diện của Nhật tại Cam Ranh sẽ góp phần ngăn cản hoạt động quân sự của TC trên Biển Đông.

Tin này được đưa ra sau khi Mỹ hồi đầu tuần cho tàu chiến tuần tra áp sát các đảo nhân tạo TC xây ở Biển Đông trong bối cảnh cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đang tìm cách siết chặt hợp tác quân sự với các nước trong vùng trước sự trỗi dậy hung hăng của TC.

Tuy nhiên, Nhật vẫn cẩn trọng không muốn khiêu khích TC. Tokyo hiện chưa có ý định dùng cảng Cam Ranh cho các hoạt động giám sát và cảnh báo. Các tàu Nhật sắp cập bến Cam Ranh chỉ giới hạn hoạt động trong các nỗ lực chống hải tặc và huấn luyện.

Chưa rõ liệu Việt Nam, Mỹ và các nước khác sẽ khống chế được sự phát triển quân sự của TC trên Biển Đông tới mức nào, nhưng một giới chức Bộ Quốc phòng Nhật nói với báo Nikkei Asia Review rằng cho dù các nỗ lực tuần tra của Mỹ tại vùng biển xung quanh đảo nhân tạo của TC có tiếp diễn đi chăng nữa, “chúng ta cũng không thể làm gì ngăn Bắc Kinh xây dựng các đường băng, các cơ sở radar và các công trình khác trên những hòn đảo này”.

Nhiều người lo rằng TC càng quân sự hóa Biển Đông, sẽ càng mở rộng khả năng giám sát cùng các hoạt động khác của Bắc Kinh trong khu vực.

Theo Nikkei Asian Review, DPA.

Ông Ban Ki-moon có gốc gác Việt Nam?

Sáng ngày 30/10, mạng xã hội tại Việt Nam lan tin bản tin và bút tích được cho là của ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong một chuyến ông đến Sài Sơn, xứ Đoài (huyện Quốc Oai, Hà Nội) để thăm nhà thờ họ Phan Huy.

Facebook của tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện có đăng bức hình ông Ban đang ghi sổ lưu niệm với chú thích: Hình ảnh đầu tiên về việc Ngài Ban Ki moon tại nhà thờ họ Phan ở Quốc Oai, Hà Nội.

Ngày ông Ban đến đây được cho là 23/5/2015.

Tiến sỹ Diện nói ông được người quen làm quan chức địa phương cho hay ông Ban đã tới “chiêm bái, dâng hương tại nhà thờ dòng họ Phan Huy và nhận mình là hậu duệ của dòng họ”.

Ông cũng nói thêm tên Ban Ki-moon theo Hán tự là Phan Cơ Văn.

Trả lời phỏng vấn của BBC từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện – công tác tại viện nghiên cứu Hán Nôm, thuộc viện hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết: “Vào lúc sáng sớm hôm nay, một Facebooker ở Mỹ có đưa một thông tin là ngài Ban Ki-moon đã về Việt Nam trong một chuyến đi âm thầm, và ngài có đến nhà thờ của dòng họ Phan Huy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ngài đến thăm, dâng hương và có để lại lưu bút.”

Ông Nguyễn Xuân Diện cũng cho biết thêm, người chụp bức ảnh có trang lưu bút của ông Ban Ki-moon là học giả Lê Vĩnh Trương. Đồng thời ông nói: “Chúng tôi đã so sánh nét chữ của ngài cùng với chữ ký thì đúng là thủ bút của ngài Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.”

Quan hệ dòng họ

Ông Diện bình luận chuyến thăm “riêng tư” của tổng thư ký LHQ cho thấy có thể có “gốc tích và mối quan hệ của dòng họ Phan của ngài với dòng họ Phan Huy ở Quốc Oai”.

Nội dung của trang lưu bút của ông Ban Ki-moon tại nhà thờ họ Phan Huy tạm dịch:

“Tôi tỏ lòng cung kính sâu sắc khi đến thăm và thể hiện sự kính trọng sâu sắc đến Nhà thờ họ Phan Huy Chú và các thành viên khác của gia đình họ Phan. Cảm ơn vì đã gìn giữ ngôi nhà thờ này. Là một thành viên của họ Phan, nay làm chức Tổng thư ký LHQ, tôi cam kết với chính mình sẽ luôn cố gắng đi theo những lời dạy của tổ tiên.

Ban Ki-moon
Tổng thư ký LHQ”

Nói về dòng họ Phan Huy tại Việt Nam, ông Diện nói “đây là dòng họ rất lớn khởi phát từ làng Thu Hoạch, tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó có một chi rời ra đến xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai nằm ngay dưới chân Chùa Thầy”.

“Dòng họ này có một số điểm đáng chú ý: Rất nhiều người trong dòng họ đi sứ, như Phan Huy Ích, Phan Huy Chú. Ông Phan Huy Chú đã đi sứ Trung Quốc hai lần với vai trò phó sứ, đi Indonesia một lần.

Dòng họ này nổi bật về văn chương và khảo cứu như TS Phan Huy Ôn, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú, Phan Huy Sảng đều là nhà thơ, nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam.

Đặc biệt là Phan Huy Chú, người cùng với Lê Quý Đôn được gọi là hai nhà bác học trong lịch sử Trung đại Việt Nam”.

Trích dẫn tư liệu, TS Diện cho biết: “Theo nghiên cứu của TS Ngữ văn Lý Xuân Chung, nghiên cứu về bang giao Việt-Hàn thời xưa thì đoàn sứ bộ của Việt Nam và Cao Ly khi đến Yên Kinh – Trung Quốc thì được bố trí ở chung một nhà khách, thì họ có giao lưu với nhau và để lại rất nhiều thơ văn hiện có lưu ở viện nghiên cứu Hán Nôm cũng như ở Hàn Quốc”.

“Cũng như cuộc xướng họa của sứ thần hai nước. Đặc biệt là chuyến đi sứ cầu phong dưới triều Tây Sơn, một trong những người trong đoàn đi sứ là cụ Phan Huy Ích. Và cụ cũng đã xướng họa thơ văn với các sứ thần Triều Tiên và để lại thơ văn đến tận bây giờ.” – BBC