Tin Việt Nam – 30/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 30/09/2018

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga

không được gặp người thân sau hơn 1 tháng bị dọa giết

Sáng 29/9, gia đình tù nhân lương tâm (TNLT) Trần Thị Nga đến trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai để thăm gặp người thân theo định kỳ hàng tháng, tuy nhiên công an trại giam từ chối cho gặp mặt sau hơn 1 tháng bà này báo về nhà việc bị đánh và dọa giết trong tù.

Ông Phan Văn Phong, chồng của bà Nga cho Đài Á Châu Tự Do biết qua điện thoại như sau:

Nó (cán bộ trại giam Gia Trung) bảo chị không chấp hành nội quy của trại, chị bảo mình không có tội, không nhận tội nên không cho thăm gặp. Mình xuống nước bảo là không cho người lớn gặp thì cho trẻ con gặp, tụi nó đi cả ngàn cây số. Nó cũng bảo là không, trẻ con cũng không cho gặp”.

Bà Trần Thị Nga đang phải thụ án 9 năm tù giam tại trại giam Gia Trung, Gia Lai với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 88 Bộ luật hình sự cũ năm 1999.

Ngày 18/8, bà Nga gọi điện về cho gia đình theo tiêu chuẩn 5 phút hàng tháng và cho biết đang bị một phạm nhân cùng trại đánh, thậm chí dọa giết chết trong tù.

Hai hôm sau, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra thông cáo kêu gọi cộng đồng có hành động khẩn cấp như gửi thư hoặc gọi điện cho trại Gia Trung yêu cầu đảm bảo an toàn cho bà Trần Thị Nga.

Ông Phan Văn Phong cũng có đơn tố cáo khẩn cấp gửi các cơ quan có trách nhiệm trong nước và các cơ quan quốc tế về việc bà Nga bị đánh đập thường xuyên trong tù.

Sau đó Viện Kiểm sát nhân dân Gia Lai có thư phản hồi đơn tố cáo của gia đình và cho rằng cơ quan này không có thẩm quyền giải quyết và chuyển đơn tố cáo về trại giam Gia Trung.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tran-thi-nga-not-allowed-to-see-family-09302018090737.html

 

3 người chết, nhiều người bị nhiễm độc

tại khách sạn ở Đà Nẵng

Nhiều người bị ngộ độc khi tạm trú tại một khách sạn ở Đà Nẵng vào khoảng giữa tháng 9, và ba người đã chết nghi do nhiểm độc thuốc diệt côn trùng.

Tin cho hay ba người đã chết là một phụ nữ và hai trẻ em tạm trú tại khách sạn Hilary trên đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà. Ngoài ra còn có bốn người khác bị nhiễm độc khi đến thuê phòng tại khách sạn này.

Truyền thông trong nước hôm Thứ Sáu dẫn lời phó giám đốc công an thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Chính, cho biết công an đã hoàn tất giảo nghiệm tử thi, khám xét hiện trường và thu giữ nhiều mẫu vật ở các phòng của khách sạn Hilary gửi ra Viện Khoa Học Hình Sự ở Hà Nội để giám định. Ông Chính được báo mạng VnExpress trích lời cho biết, trong khi lấy lời khai những nạn nhân còn sống, công an mới xác minh những tình tiết liên quan là trong tháng 8 vừa qua, khách sạn này có thuê một công ty đến phun thuốc diệt côn trùng tại các phòng.

Bảy nạn nhân nhiễm độc ở khách sạn Hilary đã cư ngụ tại các phòng 202, 203 và 304 và cùng có triệu chứng ngộ độc giống nhau từ tối ngày 15 đến rạng sáng ngày 16 tháng 9. Phó giám đốc khách sạn Hilary, bà Trần Thị Bê, nói rằng bình thường khi khách đến lưu trú thì khách sạn vẫn có thể xịt thuốc diệt côn trùng ở những phòng không có khách ở.

Từ khi bị điều tra, khách sạn Hilary đã treo bảng tạm ngưng hoạt động.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/3-nguoi-chet-nhieu-nguoi-bi-nhiem-doc-tai-khach-san-o-da-nang/

 

Thực hiện quyền tiếp cận thông tin

để thúc đẩy dân chủ

Nguyễn Trang Nhung

“Không biết một năm Hà Nội in băng rôn hết bao nhiêu tiền nhỉ?”

“Lại sửa đường à, tháng trước vừa sửa cơ mà! Sao sửa lắm thế không biết?”

“Tượng đài kia to quá! Không biết xây hết bao nhiêu tiền nhỉ?”

“Ơ. Thuế của mình đang được dùng làm những việc gì?”

Đó là một vài câu hỏi được đặt ra trong một video được thực hiện bởi Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW), Ngân hàng thế giới (World Bank), và Nhóm tư vấn độc lập về chính sách và quyền con người (IHRA). [1] Video là một hướng dẫn đơn giản và dễ hiểu về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin được quy định trong Luật Tiếp cận Thông tin 2016 (sau đây viết tắt là Luật TCTT), có hiệu lực kể từ 1/7/2018.[2]

Thông tin trong phạm vi điều chỉnh của Luật TCTT là “tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra.” (Khoản 1, Điều 2), và tiếp cận thông tin theo luật này là “việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin” (Khoản 1, Điều 3). Để tiếp cận các thông tin khác, các văn bản quy phạm pháp luật khác, phù hợp, được áp dụng.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quyền tiếp cận thông tin lần đầu được quy định là quyền công dân tại Hiến pháp 1992, theo đó, công dân có quyền “được thông tin” (Điều 69). Hiến pháp 2013 kế thừa quy định này từ Hiến pháp 1992, song nếu Hiến pháp 1992 phát biểu quyền này như một quyền thụ động, thì Hiến pháp 2013 tiến bộ hơn khi phát biểu quyền này như một quyền chủ động, theo đó, công dân có quyền “tiếp cận thông tin” (Điều 25).

Quyền tiếp cận thông tin có cơ sở pháp lý quốc tế là Điều 19 Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền Con người (Universal Declaration of Human Rights – UDHR) năm 1948, và Khoản 2, Điều 19 Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR) năm 1966. Việc quy định quyền tiếp cận thông tin trong Hiến pháp và cụ thể hóa quyền này trong Luật TCTT là một biểu hiện của sự tuân thủ ICCPR của Việt Nam, với tư cách thành viên của công ước kể từ năm 1982.

Khái niệm quyền được thông tin xuất hiện đầu tiên tại Thụy Điển trong Luật Tự do Báo chí năm 1776. Bên cạnh việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, luật này quy định rằng công dân có quyền “tiếp cận tài liệu công”.[3] Đến năm 1990, có 13 nước ban hành luật tiếp cận thông tin.[4] Đến nay, hơn 100 nước ban hành luật này.[5] Có thể kể đến một số nước là Columbia (1885), Phần Lan (1919), Mỹ (1966), Na Uy (1970), Pháp (1978), Úc (1982), Canada (1983), Thái Lan (1997), Nhật Bản (2004), và Ấn Độ (2005).[6]

Sự ra đời của Luật TCTT tại Việt Nam là một bước tiến trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho quyền tiếp cận thông tin. Trước khi luật này có hiệu lực, công dân vẫn có quyền tiếp cận thông tin, song hạn chế hơn, thông qua các quy định rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Phòng chống Tham nhũng, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Kiểm toán Nhà nước, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, v.v.

Với Luật TCTT, công dân có cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho việc thực hiện và phát huy các quyền con người, các quyền công dân khác, như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, ứng cử, bầu cử, hội họp, biểu tình, tham gia quản lý nhà nước và xã hội, v.v, đồng thời thúc đẩy phòng, chống tham nhũng, nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Các thông tin dược đề cập trong các câu hỏi ở phần đầu của bài viết này chỉ là một vài trong nhiều loại thông tin mà công dân có quyền tiếp cận. Khoản 1, Điều 17 Luật TCTT quy định 14 loại thông tin mà các cơ quan nhà nước phải công khai, bao gồm thông tin về ngân sách nhà nước (điểm đ), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn viện trợ phi chính phủ (điểm e), đầu tư công, chi tiêu công (điểm g), tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức (điểm l), v.v. Ngoài ra là một số loại thông tin khác mà công dân được tiếp cận, trong đó có thông tin được tiếp cận có điều kiện.

Luật TCTT quy định chi tiết trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu. Việc cung cấp thông tin có thể được thực hiện một cách trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin, hoặc qua mạng điện tử, hoặc qua dịch vụ bưu chính, fax. Luật TCTT được áp dụng đối với thông tin được tạo ra sau ngày 1/7/2018. Đối với các thông tin được tạo ra trước ngày này, các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về tiếp cận thông tin và có hiệu lực trước ngày này được áp dụng, theo Nghị định 13/2018.

Trong những năm gần đây, Luật TCTT và các tin tức liên quan được phổ biến khá rộng rãi trên truyền thông chính thống. Tuy nhiên, rất ít người dân, kể cả giới hoạt động dân chủ, quan tâm đến luật này. Thiết nghĩ, đây là một thiếu sót của người dân nói chung và giới hoạt động dân chủ nói riêng khi chưa quan tâm và chưa có những hành động cần thiết để nâng cao hiểu biết và thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Vì vậy, điều cần làm là quan tâm, tìm hiểu và xa hơn là thực hiện quyền này để thúc đẩy dân chủ.

Chú thích:

[1] Video ‘Quy trình tiếp cận thông tin’

https://www.youtube.com/watch?v=ub5Y40q-a90

[2] Luật Tiếp cận Thông tin

http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=101873

[3] Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao Năng lực cho Phụ nữ – CEPEW (2015), Giới thiệu về quyền

tiếp cận thông tin

[4] Như [2]

[5] Ngày Quốc tế vì Tiếp cận Thông tin Toàn cầu

https://en.unesco.org/iduai2016/about-day

[6] Như [2]

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/right-to-access-information-09302018094017.html

 

CSVN chưa trao Slovakia bằng chứng

Trịnh Xuân Thanh về Hà Nội cách nào

Cho tới nay nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa trao cho Slovakia bằng chứng về cách thức Trịnh Xuân Thanh từ Berlin về được tới Hà Nội.

Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak cho hay như vậy trong một cuộc phỏng vấn với báo Pravda và đài truyền hình TabletTV trước khi sang New York dự cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Nhà chức trách Đức tin rằng ông Thanh, người bị truy nã tại Việt Nam và chạy sang Đức từ giữa năm 2016, đã bị một số người có võ trang bắt cóc tại Berlin hôm 23 tháng 7 năm 2017. Ông Thanh bị tống lên một chiếc xe van chở sang thủ đô Bratislava của Slovakia. Tại đây, các giới chức Đức nghi ngờ ông Thanh đã bị đưa lên một chuyên mà chính phủ Slovakia cho phái đoàn giới chức cao cấp CSVN mượn, và được đưa về Hà Nội qua ngả Moscow.

Ông Lajcak cho biết phía CSVN đã hai lần chính thức trả lời với Slovakia rằng Trịnh Xuân Thanh “chưa bao giờ tới Slovakia”. Slovakia đã yêu cầu Hà Nội phải cung cấp bằng chứng vững chắc để chứng minh cách thức ông Thanh từ Berlin về được tới Hà Nội. Ông Laicak nói Slovakia vẫn chưa nhận được thông tin đó.

Tiếp đến, trong buổi gặp với Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CSVN Phạm Bình Minh tại New York hôm 25 tháng 9, ông Lajcak nói rằng Việt Nam cần phải cấp tốc giải thích rõ những điểm nghi vấn để có thể vãn hồi niềm tin trong quan hệ song phương. Theo hãng tin TASR, ông Minh hứa sẽ chuyển lập trường này của Slovakia cho các lãnh đạo cộng sản chóp bu ở Hà Nội.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/csvn-chua-trao-slovakia-bang-chung-trinh-xuan-thanh-ve-ha-noi-cach-nao/

 

TBT Trọng: ‘Quan hệ Việt-Trung đang tốt đẹp nhất’

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc chiều 27/9 nói rằng quan hệ Việt – Trung hiện đang ở thời điểm tốt đẹp nhất trong lịch sử, Tân Hoa xã tường thuật.

Tổng Bí thư Trọng cũng nói với ông Triệu Lạc Tế, người hiện đang giữ chức Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, rằng các thành tựu mà Bắc Kinh đạt được không chỉ đem lại lợi ích cho nhân dân Trung Quốc mà còn tạo động lực cho sự phát triển của Việt Nam và nâng cao mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Biển Đông qua chuyến thăm của Trump và Tập?

Việt Nam, Trung Quốc ký kết nhiều hợp tác

Báo chí Việt Nam thì nói nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá quan hệ hai đảng, hai nước trong thời gian qua “đã có nhiều tiến triển tích cực”, theo VTV.

Ông Triệu nói chuyến đi của ông nhằm triển khai thực hiện những đồng thuận quan trọng mà tổng bí thư đảng hai nước đã đạt được, bên cạnh các vấn đề khác, nhằm “nâng tầm quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt lên một tầm cao hơn”.

Ông Triệu, sinh năm 1957, là một trong năm gương mặt mới được đưa vào Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chính trị gồm bảy thành viên quyền lực nhất Trung Quốc, từ 10/2017, làm việc trực tiếp dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chuyến thăm của nhân vật cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào thời điểm ban lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc chọn phương án nhân sự nào cho chức Chủ tịch nước sau khi Đại tướng Trần Đại Quang qua đời, trong lúc có những ý kiến nói đây là cơ hội để nhất thể hoá hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước, mô hình đã được áp dụng tại Trung Quốc từ lâu nay.

VN có nhất thể hóa TBT và Chủ tịch nước?

Cố Chủ tịch Trần Đại Quang – Hậu sự và nhân sự thay thế

‘Quốc tang, lăng mộ’: Bình luận trên Facebook

Ai sẽ kế nhiệm Chủ tịch Quang?

Ông Triệu Lạc Tế nhận sự ủy quyền của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã tới viếng cố Chủ tịch Trần Đại Quang hôm 26/9.

Ông Triệu trong chuyến đi cũng gặp gỡ các quan chức cao cấp khác của nước chủ nhà, trong đó có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú.

‘Những chuyến thăm lịch sử’

Trong cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Triệu nói rằng năm nay đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung, và ông nhắc tới các “chuyến thăm lịch sử” của tổng bí thư hai đảng hồi 2015 và 2017, là những thời điểm mà hai bên “đạt được sự nhất trí quan trọng”.

Hồi 11/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam sau khi dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng. Hai bên ra tuyên bố chung nói sẽ “kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, không mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Trước đó, hồi 1/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến đi đầu tiên tới Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12.

Sau chuyến thăm này, hai bên ra thông cáo chung theo đó xác định hai nước “đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung”, và khẳng định quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp “có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước”.

Bản thông cáo chung khi đó khẳng định quan điểm hai bên là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” trong tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Chuyến thăm trước đó của ông Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc là tháng 4/2015, gần một năm sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải dương 981 trên vùng biển có tranh chấp, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối mạnh mẽ của người dân Việt Nam trên toàn quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45698260