Tin Việt Nam – 30/09/2016
Công an đánh nhà báo chỉ bị khiển trách,
nhà báo bị phạt hơn 14 triệu đồng
Vụ công an huyện Đông Anh, Hà Nội, hành hung phóng viên của báo Tuổi Trẻ tiếp tục gây bất mãn trong dư luận vì cách giải quyết của giới hữu trách.
Hôm Thứ Năm 29/09, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, phó giám đốc công an thành phố Hà Nội, thông báo biện pháp kỷ luật “khiển trách”, dành cho công an viên bị quay phim quả tang đấm đá phóng viên. Theo Đại tá Ngọc, công an viên huyện Đông Anh chỉ “gạt tay trúng má” phóng viên, chứ không có chuyện hành hung, bất kể toàn cảnh đã được quay phim đưa lên mạng. Trong khi đó, phóng viên Trần Quang Thế của báo Tuổi Trẻ, người bị đấm đá dã man, bị phạt 14 triệu 405 ngàn đồng vì hàng loạt vi phạm, trong đó có cả tội đi vào khu vực có hoạt động thuộc phạm vi “bí mật nhà nước”.
Được biết phóng viên Quang Thế bị phạt nhưng không hề nhận được biên bản phạt. Lên tiếng trên báo Tuổi Trẻ, phóng viên Quang Thế cho biết anh không đồng ý với hầu hết nội dung quyết định xử phạt của công an quận Tây Hồ, ngoại trừ lỗi đậu xe trên cầu.
Báo Dân Việt hôm Thứ Sáu 30/09 dẫn lời một chuyên gia luật, nêu nghi vấn về việc công an huyện Đông Anh tự tiện xác định cầu Nhật Tân là khu vực cấm có hoạt động thuộc hàng “bí mật nhà nước”. Thật ra, đây chỉ là nơi vừa xảy vụ một người đàn ông nhảy cầu tự tử. Báo Dân Việt cũng dẫn lời võ sĩ taekwondo Nguyễn Văn Hùng, năm lần vô địch SEA Games, bình luận rằng viên cảnh sát mặc thường phục rõ ràng ra đòn theo những thế võ nhằm gây thương tích cho phóng viên.
Huy Lam / SBTN
TP.HCM đình chỉ công an ‘kéo lê người’
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, đã chỉ đạo kiểm tra cáo buộc một người phụ nữ bán hàng ở hồ Con Rùa bị một thiếu úy kéo lê.
Video trên Facebook hôm 29/9 cho thấy một thiếu úy công an, sau đó xác định tên là Bùi Xuân Hải, xô xát với chị Nguyễn Thị Thu Thảo, – bán nước và bánh tráng trộn ở hồ Con Rùa.
Người công an đã đánh rồi kéo lê chị Thu Thảo, sinh năm 1977, hướng về phía chiếc ôtô chuyên dụng, trước khi người dân can ngăn.
Theo trang web Công an TP.HCM, vụ việc xảy ra khoảng 19h45 ngày 29/9, khi thiếu úy Hải phát hiện nhiều người “buôn bán vi phạm lấn chiếm lòng lề đường”, trong đó có chị Thảo.
Do chị Thảo có lời lẽ “xúc phạm” công an và thiếu úy Hải, nên xảy ra “giằng co”.
Công an quận 3 báo cáo chị Thảo “bị té đập đầu vào biển số xe máy” trước một quán cà phê.
Trang chính thức của Công an TP.HCM nói thiếu úy Bùi Xuân Hải bị tạm đình chỉ công tác tại công an quận 3 để kiểm điểm.
Trung tướng Lê Đông Phong chỉ đạo Trưởng Công an quận 3 “khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ toàn bộ vụ việc”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160930_tphcm_dieu_tra_congan_keo_le_dan
Điều tra công an – phóng viên ‘không thuyết phục’
Kết luận điều tra của Công an Thành phố Hà Nội nói công an cấp huyện không hành hung mà chỉ ‘đá nhưng không trúng vào người’ và bị ‘gạt tay vào má’ một phóng viên của báo Tuổi trẻ là chưa nhìn nhận sự việc ‘chính xác’, ‘đúng với bản chất’ và ‘không thuyết phục’ đối với nhân dân, theo ý kiến giới chức từ Hội nhà báo Việt Nam.
Mặc dù Hội nhà báo Việt Nam chưa nhận được công văn chính thức về kết luận này mà chỉ theo dõi qua truyền thông, đại chúng, vẫn theo ý kiến từ Hội này, và dù các hình ảnh, chi tiết được phản ánh trong đoạn video trên mạng về vụ phóng viên Trần Quang Thế bị ‘Công an hình sự huyện Đông Anh hành hung’ hôm 23/9/2016 cần được ‘xác minh thêm’, thì hành vi của công an là ‘không đẹp’ và ‘không được lòng của báo chí’.
Bình luận với BBC hôm 30/9 về kết luận của Công an Hà Nội về vụ việc xảy ra trên cầu Nhật Tân, ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra, Hội nhà báo Việt Nam, nói:
“Với tư cách một công dân và một người xem truyền hình bình thường, chúng tôi thấy là ngành công an cần phải nhìn nhận góc độ vụ việc này một cách chính xác hơn, đúng với bản chất của sự việc hơn.
Chúng tôi thấy là ngành công an cần phải nhìn nhận góc độ vụ việc này một cách chính xác hơn, đúng với bản chất của sự việc hơn. Còn như thế, nghe chừng nhân dân xem không thấy thuyết phục lắmNhà báo Phan Hữu Minh, Hội nhà báo Việt Nam
“Còn như thế, nghe chừng nhân dân xem không thấy thuyết phục lắm.”
‘Cán bộ với nhau’
Nhà báo Phan Hữu Minh nhân dịp này cho biết thêm về thống kê tình hình các vụ nhà báo ở Việt Nam bị cản trở tác nghiệp hay bị hành hung, ông nói:
“Nhà báo Việt Nam mà bị cản trở, bị hành hung… thì cũng tương đối là nhiều, như năm 2015 là hơn một chục vụ, năm nay thì chưa đến, thế nhưng việc người nhà nước cản trở người nhà nước thì đến nay chưa có nhiều, còn xích mích thì cũng có.
“Nhưng tương đối rõ như vụ ở cầu Nhật Tân vừa rồi, có hành động, có động tác một chút, thì chưa có đâu.
“Đây là một vụ việc chúng tôi nghĩ là đáng tiếc, vì cơ quan báo chí cũng coi như những người làm việc chung, cảnh sát hay công an cũng làm việc chung, thì cái này hầu như chưa xảy ra, ít lắm. Có hay không thì ở các địa phương cũng không nhiều.”
Khi được đề nghị bình luận về một trong những vụ việc được cho là phóng viên báo nhà nước bị công an địa phương hành hung như vụ hai nhà báo của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) gặp phải khi xuống tác nghiệp ở dự án Ecopark, Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trước đây vào năm 2012, Trưởng ban Kiêm tra của Hội nhà báo Việt Nam nói:
“Tôi nói không nhiều không phải là không có, nhưng những vụ bé, nó không lớn, chúng tôi cũng không thể để ý hết được..
“Ở Việt Nam có từ ‘cán bộ với nhau’, khi mà cán bộ với nhau thì cũng hiếm, không nhiều.
“Tôi nhắc lại là chúng tôi chưa nhận được văn bản nào trả lời từ phía Công an cả.
“Nếu báo Tuổi Trẻ mà công an có văn bản, hình thức xử lý thì Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo cũng sẽ có thái độ để trao đổi với bên ấy.
“Thế nhưng chưa nhận được văn bản, bây giờ mới là thông tin đại chúng thôi, nên bước đầu như thế thôi, chứ chưa nói gì được hơn,” ông Phan Hữu Minh nói với BBC.
‘Không đẹp, không được lòng’
Cũng hôm thứ Sáu, một quan chức quản lý khác từ Hội nhà báo Việt Nam đưa ra bình luận với BBC về vụ việc và cho rằng hành vi của cảnh sát ở trên cầu Nhật Tân đối với phóng viên là ‘không đẹp’ và ‘không được lòng’ giới báo chí.
Tôi thấy hành vi như vụ việc vừa rồi không được đẹp mắt lắm và cũng không được lòng với giới báo chí cũng như đối với mọi ngườiNhà báo Trần Bá Dung, Hội nhà báo Việt Nam
Khi được hỏi trong tư cách cá nhân, liệu có quan ngại nào không nếu có các sự việc nhà báo, phóng viên ở Việt Nam bị lực lượng công an, cảnh sát hay an ninh sử dụng bạo hành, như vụ việc phản ánh trong clip trên cầu Nhật Tân hôm thứ Sáu tuần trước, Tiến sỹ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam nói:
“Hội đã rất nhiều lần có ý kiến về các hiện tượng nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp bị hành hung, bị cản trở công việc, với tư cách cá nhân và công dân. Tôi thấy hành vi như vụ việc vừa rồi không được đẹp mắt lắm và cũng không được lòng với giới báo chí cũng như đối với mọi người,” Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội nhà báo Việt Nam nói với BBC.
Cùng hôm 30/9, một quan chức từ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nêu quan điểm về kết luận của Công an Thành phố Hà Nội xung quanh vụ việc:
“Tôi vừa đi công tác về, cũng mới chỉ xem qua, đọc qua sự việc. Ý kiến của tôi là dù là ai thì cũng phải chấp hành cho đúng pháp luật, có vậy thôi,” ông Trần Xuân Hà, người cũng là Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành của Hội nhà báo Hà Nội nói với BBC.
Được biết, đại diện lãnh đạo của báo Tuổi Trẻ, cơ quan làm việc của phóng viên Trần Quang Thế, người mà clip video trên cầu Nhật Tân phản ánh đã bị một nhóm người mặc thường phục và cảnh phục lẫn lộn ngăn cản tác nghiệp hôm 23/9 và có hành vi ít nhất của một thành viên trong số đó được cho là ‘hành hung’ với phóng viên, đã không tán thành kết luận của Công an Hà Nội và các hình thức xử lý vụ việc.
“Một ngày sau khi Công an Hà Nội công bố kết luận vụ xô xát, trao đổi vớiVnExpress, ông Lê Xuân Trung (Phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ) cho biết, không đồng tình với quyết định này. Tuổi trẻ sẽ đề nghị Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nguyên giám đốc Công an Hà Nội, xem xét lại tính khách quan của kết luận,” VnExpress phản ánh.
“Liên quan phóng viên Quang Thế, người bị xử phạt hành chính 6 lỗi trong vụ xô xát, ông Xuân Trung nêu quan điểm: ‘Công an căn cứ cơ sở nào để xử phạt trong khi không lập biên bản tại hiện trường, không có sự thừa nhận của người liên quan,'” tờ báo mạng của Việt Nam tường trình.
Hôm 29/9, Tuổi trẻ Online có bài viết phản ánh kết luận của Công an Hà Nội, trong đó nhấn mạnh một chi tiết mà người phát ngôn của cơ quan điều tra cấp này nói rằng công an chỉ ‘gạt tay vào má’ phóng viên.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160930_vn_reporter_attacked_comments
Công ty dược chiếm đất,
sai côn đồ khủng bố tinh thần nữ tu dòng Hàng Bột
Sơ Nguyễn Thị Vi, Bề trên của Dòng Phao Lô Hàng Bột Hà Nội, báo động nhà dòng đang bị khủng bố bởi một nhóm người tự xưng là đại diện công ty dược phẩm và an ninh tôn giáo, đến phần đất của tu viện vốn đã bị trưng thu trái phép trước đó, yêu cầu các sơ đang tu trong nhà dòng phải dọn đi nơi khác.
Trang mạng Nhà Thờ Thái Hà cho biết suốt đêm Thứ Năm 29/09, các sơ đã phải thức canh chừng, trong khi nhiều giáo dân đến cùng các sơ cầu nguyện để yểm trợ tinh thần. Một người đàn ông tên là Phương, tự nhận giám đốc Công ty Dược Hà Nội, cảnh cáo các sơ “đừng cho giáo dân đến, nếu không sẽ có đổ máu”.
Các hoạt động khủng bố nhằm chiếm đất của nhà dòng bắt đầu vào tối 27 tháng 9, khi Công ty Dược cho người mang dây thép gai đến giăng kín cửa sổ và cửa tu viện đi ra khu đất phía sau tu viện. Các sơ và bà con giáo dân đã phản đối hành động phi pháp và man rợ này. Sáng 28 tháng 9, các sơ đưa đơn khiếu nại khẩn cấp đến các chính quyền thành phố Hà Nội, quận Đống Đa và phường Hàng Bột cũng như công an phường Hàng Bột và công an quận Đống Đa. Trong khi nhà chức trách chưa có hồi đáp thì chiều 29 tháng 9, nhiều nhóm người lần lượt đến quay phim khu đất phía sau tu viện. Ban đầu là một nhóm khoảng 10 người mặc thường phục. Kế đến là một công an quận Đống Đa tên Khương, tự nhận là “an ninh tôn giáo”. Rồi đến một nhóm côn đồ gồm 40-50 thanh niên. Đi cùng với nhóm này có người đàn ông tự giới thiệu tên Phương và là giám đốc Công ty Dược.
Được biết Công ty Dược thuê khu đất trước kia dùng làm trại tế bần của nhà dòng. Các sơ vẫn còn giữ hợp đồng thuê mảnh đất này từ năm 1955. Từ năm 1993, Công ty Dược không trả tiền thuê nữa, nhưng cũng không trả lại nhà đất cho các sơ. Các sơ cho biết, công ty quốc doanh này đang dọn đi và cho tư nhân thuê lại mảnh đất mà giờ đây họ cho là của họ.
Huy Lam / SBTN
Ý kiến của luật sư về việc ngư dân khởi kiện Formosa:
có thể thắng!
Trong những ngày qua, dư luận xã hội đang quan tâm đến sự việc bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã nộp đơn tại toà án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh để yêu cầu khởi tố Formosa và đền bù thiệt hại cho bà con ngư dân.
Nhiều người thắc mắc, về góc độ pháp lý, liệu bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu có khả năng thắng kiện hay không?
Trao đổi với phóng viên SBTN, luật sư Hà Huy Sơn cho biết: “Thứ nhất, lãnh đạo công ty Formosa đã thừa nhận chính là thủ phạm gây ra thảm hoạ môi trường làm cá biển chết hàng loạt ở các tỉnh Miền Trung vừa qua. Thứ hai, bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu phải chứng minh được mức độ thiệt hại về kinh tế, tổn thất về tinh thần và sức khoẻ bị ảnh hưởng do thảm hoạ môi trường Formosa gây ra. Từ đó, toà án cấp thị xã Kỳ Anh sẽ ra quyết định khởi tố vụ án dân sự. Và chắc chắn, trên cơ sở pháp lý thì bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu sẽ thắng kiện. Tuy nhiên, liệu rằng toà án thị xã Kỳ Anh có ra quyết định khởi tố vụ án dân sự hay không thì đó lại là một vấn đề khác”.
Khi được hỏi nhận xét về lời phát biểu của lãnh đạo Formosa nói là không liên quan gì đến việc bà con ngư dân khởi kiện, luật sư Hà Huy Sơn nhận định: “Việc lãnh đạo Formosa chối bỏ trách nhiệm nói rằng mình không liên quan sẽ không có giá trị. Vì toà án thị xã Kỳ Anh sẽ căn cứ vào pháp luật hiện hành để ra quyết định khởi tố vụ án dân sự hay không. Khi đó hai bên, nghĩa là giữa bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu và lãnh đạo Formosa sẽ phải thoả thuận mức đền bù chung dựa vào cơ sở pháp lý hiện hành.”
Luật sư Nguyễn Khả Thành chia sẻ trên trang facebook cá nhân về việc án phí cho vụ kiện có thể lên đến 4 tỉ đồng (200.000$ Mỹ) kim rằng: “Tùy trường hợp, bạn có thể được tòa xem xét giảm hoặc miễn số tiền này. Án phí được hiểu là chi phí tiến hành tố tụng mà cá nhân/ tổ chức có nghĩa vụ phải đóng cho cơ quan có thẩm quyền cho việc Tòa án tiến hành giải quyết các vụ việc dân sự. Sau khi nhận đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa, thì bạn sẽ được tòa thông báo đến làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng 50% mức án phí. Các trường hợp được miễn, giảm án phí dân sự hoặc tạm ứng án phí theo qui định pháp luật:
– Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định chính phủ được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí:
– Người có khó khăn về kinh tế được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận, thì được tòa án cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, án phí.
Người đề nghị được miễn tiền tạm ứng án phí, phải có đơn đề nghị nộp cho tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng từ chứng minh thuộc trường hợp được miễn…”
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam và bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu cho biết là sẽ theo đuổi vụ kiện Formosa đến cùng. Nhưng liệu rằng nhà cầm quyền CSVN sẽ đứng về phía người dân để quyết định khởi tố Formosa? Hay họ sẽ quay lưng lại với người dân để bảo vệ Formosa?
Nguyên Nguyễn/SBTN
Vụ Formosa:
Bồi thường thiệt hại 1 tháng chỉ tương đương 1-2 ngày thu nhập
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hôm 29/9 ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân của ‘sự cố môi trường’ Formosa, nhưng một số người dân địa phương nói mức bồi thường hoàn toàn không hợp lý.
Theo quy định vừa được công bố, người dân bị thiệt hại sẽ được chia làm 7 nhóm đối tượng: khai thác hải sản, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất muối, hoạt động kinh doanh thủy hải sản ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch-thương mại ven biển, và thu mua-tạm trữ thủy sản.
Đáng chú ý là mức bồi thường cho chủ tàu/thuyền không lắp máy là 5,83 triệu đồng/tàu/tháng, bồi thường cho người lao động trên tàu/thuyền không lắp máy là 3,69 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hường, một người làm nghề biển đã bị mất việc sau thảm họa Formosa tại Hà Tĩnh, nói chắc chắn anh và những người dân khác sẽ không đồng ý với mức bồi thường thiệt hại vừa công bố. Anh nói mức bồi thường quy định cho một tháng mà Thủ tướng chính phủ ban hành chỉ tương đương với mức thu nhập 1-2 ngày của người dân trước đó.
“Chắc chắn người dân chưa thỏa thuận được như thế, tại vì lao động ở đây có mức thu nhập cao. Bình thường một lao động có 500.000 – 700.000 đồng/ngày là bèo nhất. Có khi người ta thu nhập 2 – 3 triệu đồng/ngày, còn bình thường cũng 1 triệu đồng/ngày”.
Ngoài ra, thời gian quy định bồi thường tối đa là 6 tháng cũng bị cho là không hợp lý. Lý do, theo anh Hường, là vì khoảng thời gian trên không đảm bảo được nước biển đã sạch trở lại và người dân có thể quay trở lại công việc.
“Khi nào biển sạch? Thời gian bao lâu? Nhà nước quy hoạch là bây giờ đền cho người dân 6 tháng thì tất nhiên người ta sẽ không chấp nhận được. Đợt bọn em làm hồ sơ kiện [Formosa] gửi tòa án, bọn em đòi hỏi ít nhất là phải 5 năm”.
Linh mục Đặng Hữu Nam, người đã cùng với hơn 500 người dân bị thiệt hại vừa làm đơn khởi kiện Formosa, viện dẫn một nguồn tin khoa học nói thiệt hại môi trường do Formosa gây ra đối với vùng biển miền Trung Việt Nam phải mất 50 – 70 năm mới khôi phục được. Trong thời gian này, người dân địa phương không thể sống “với biển” và “nhờ biển” được. Ông cho biết thêm:
“Được chi trả đi chăng nữa, chúng tôi cũng không chấp nhận. Vì sao chúng tôi kiện Formosa? Chúng tôi không phải chỉ kêu gọi buộc Formosa phải đền bù thỏa đáng cho người dân mà thôi, mà chúng tôi còn buộc Formosa phải đóng cửa”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định rằng dù những thiệt hại do Formosa gây ra chưa được thống kê đầy đủ và toàn diện, nhưng có thể thấy một số thiệt hại ở mức vĩ mô đang diễn ra.
“Sau khi có hiện tượng ô nhiễm cá chết của Formosa, chính quyền Hoa Kỳ đã hạn chế toàn bộ việc nhập khẩu thủy sản của Việt Nam và kiểm soát rất gắt gao. Thậm chí bây giờ có quy định là những cá nhân nhập cảnh vào Hoa Kỳ hoàn toàn không được mang các sản phẩm thủy sản xưa, truyền thống của Việt Nam như tôm khô, cá mực khô… Điều đó bây giờ là hạn chế”.
Mặt khác, theo TS. Lê Đăng Doanh, những sản phẩm bị ô nhiễm hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ. Theo ông, dù Bộ Y tế đã công bố các loại hải sản an toàn và không an toàn, nhưng nếu hải sản không an toàn đánh bắt được lại đem đi phân phối ở những nơi khác sẽ gây ra những tác động lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung. Ngoài ra, những tác động về môi trường hiện chưa được đánh giá đầy đủ tại địa phương và ở những khu vực mà các chất gây ô nhiễm theo dòng hải lưu chuyển đến.
TS. Lê Đăng Doanh nói việc đòi hỏi Formosa phải thay đổi phương pháp sản xuất cũng là một vấn đề quan trọng để đáp ứng những đòi hỏi về an toàn môi trường trong tương lai.
“Formosa đã làm không đúng thiết kế sản xuất than cốc theo phương pháp khô, tức là phải được làm nguội bằng khí Nitơ. Hiện nay Formosa đang sản xuất than cốc theo phương pháp ướt, tức là bằng nước và như vậy sẽ bị ô nhiễm. Muốn thay đổi thiết kế, Formosa phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ. Cho đến nay, tôi chưa được thông tin đầy đủ về việc Formosa có thay đổi thiết kế đó hay không và phía Việt Nam có cương quyết đòi hỏi Formosa phải thực hiện đúng thiết kế mà Việt Nam đã yêu cầu hay không”.
Trước đó, chính phủ Việt Nam sau khi làm việc với công ty Formosa đã đồng ý mức nhận mức bồi thường thiệt hại là 500 triệu đôla. Nhưng khoản tiền bồi thường trên đã bị chỉ trích là quá thấp so với những thiệt hại trên thực tế của người dân cũng như những tác động lên nền kinh tế và môi trường.
Báo cáo của Tổng cục thống kê Việt Nam hôm 29/9 cho biết có đến gần 25.000 người dân mất việc sau sự cố Formosa. Trong khi đó, báo VnEpress trích dẫn một báo cáo của chính phủ Việt Nam hồi tháng 7 cho biết thảm họa môi trường Formosa đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 200.000 người, trong đó có khoảng 41.000 ngư dân.
Tin ‘Vũ Đức Thuận – Thành ủy’ bị gỡ
Các báo Việt Nam đồng loạt gỡ bản tin đăng ngày 29/9 nói “Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, việc điều chuyển ông Vũ Đức Thuận vào TP Hồ Chí Minh là theo văn bản đề nghị của Thành ủy Thành phố”.
Ông Vũ Đức Thuận, nguyên ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), bị khởi tố và bị bắt ngày 15/9.
Từ tháng Ba 2015, ông là Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải khi ông Đinh La Thăng đang là Bộ trưởng.
Ông Đinh La Thăng trở thành Bí thư Thành ủy TPHCM từ sau Đại hội Đảng đầu năm nay.
Không rõ ông rời chức vụ này khi nào, nhưng ông Nguyễn Trí Đức, Phó chánh văn phòng Bộ GTVT được bổ nhiệm Chánh văn phòng Bộ vào ngày 16/6.
Hôm 29/9 các báo Việt Nam dẫn lời đại diện Bộ Giao thông nói, “việc điều chuyển ông Vũ Đức Thuận vào TP Hồ Chí Minh là theo văn bản đề nghị của Thành ủy Thành phố”.
Một ngày sau, tin này bị gỡ khỏi các trang mạng.
Diễn biến ‘Trịnh Xuân Thanh’ còn phức tạp
Đức ‘chưa biết Trịnh Xuân Thanh ở đâu’
Ông Thuận bị khởi tố, bị bắt cùng ba người khác với tội danh Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.
Đây là vụ án liên quan ông Trịnh Xuân Thanh, người đã bị khai trừ khỏi Đảng, khởi tố và bị truy nã quốc tế.
Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an nói họ đang điều tra, xác minh làm rõ các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, người được bầu lại tại Đại hội Đảng đầu năm nay, đã nhấn mạnh công cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong Đảng.
Dự kiến một hội nghị trung ương của Đảng Cộng sản sẽ họp vào tháng 10.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160930_vu_duc_thuan_go_bai
Báo VN bị tin tặc tấn công vì đưa tin Formosa?
Báo Người Đưa Tin vừa bị hacker tấn công lần thứ 2 hôm 29/9 sau khi đăng bài viết về sự kiện người dân gửi đơn kiện Formosa, theo tin từ trang An ninh Tiền tệ và Truyền thông, thuộc Hội Luật gia Việt Nam.
Tin cho hay trang báo điện tử của Người Đưa Tin đã bị tấn công lần đầu vào 2 tuần trước khiến nhiều dữ liệu bị xóa và trang báo phải tạm dừng hoạt động trong 5 ngày. Sau khi vận hành trở lại không lâu, trang báo này đã bị tin tặc tấn công lần thứ nhì sau khi đăng bài viết “Người dân gửi đơn kiện Formosa”.
Trang An ninh Tiền tệ và Truyền thông nói “loạt phóng sự điều tra của báo Người Đưa Tin đã vạch trần những sai phạm nghiêm trọng của Formosa và những tập thể, cá nhân tiếp tay cho Formosa hủy hoại môi trường Việt Nam”. Trang báo này nhận xét việc đưa tin của báo Người Đưa Tin là “dũng cảm” và “có trách nhiệm với xã hội” nên đã phải “hứng chịu nhiều thiệt hại”.
Cũng theo An ninh Tiền tệ và Truyền thông, báo Người Đưa Tin đã bị tấn công kiểu từ chối dịch vụ phân tán (DDOS) với mục đích làm cho độc giả không thể truy cập vào trang web này.
Cùng lúc, trang tin điện tử của các báo Đời sống và Pháp luật và Techz.com cũng bị tấn công kể từ ngày 19/9.
Báo Người Lao Động dẫn lời các chuyên gia an ninh mạng nhận định đây là vụ tấn công khá nghiêm trọng và có thể phải mất nhiều thời gian để khôi phục.
Thống kê của Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp máy tính (VNCERT), thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, cho biết chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, đã có đến hơn 127.000 sự cố an toàn thông tin xảy ra. Đáng chú ý nhất gần đây là sự kiện liên quan đến hệ thống của hãng hàng không Vietnam Airlines khiến cho hệ thống thông tin ở phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị mất kiểm soát hồi cuối tháng 7.
http://www.voatiengviet.com/a/bao-viet-nam-bi-tin-tac-tan-cong-vi-dua-tin-formosa/3531694.html