Tin Việt Nam – 30/08/2018
Bao che cho nạn bạo hành đến chết
trong đồn công an
Tình trạng người dân chết bất minh trong đồn công an vẫn tiếp tục diễn ra. Gia đình các nạn nhân yêu cầu cơ quan chức năng phải điều tra vì thân nhân của họ chết một cách oan ức; thế nhưng tiếng kêu của họ không hề được đáp ứng.
Trường hợp chết trong đồn công an gần đây nhất xảy ra ở Hà Nội. Nạn nhân là ông Hoàng Tuấn Long, sinh năm 1979, được thông báo là đã qua đời ở bệnh viện đa khoa Hà Đông hôm 24 tháng 8 năm 2018 sau khoảng 1 tuần lễ bị giam giữ. Người nhà nghi ngờ ông bị đánh chết trong trại tạm giam, trong khi đó công an phường Thổ Quan, quận Đống Đa cho biết ông Long cắn lưỡi tự tử.
Gia đình nạn nhân nói với RFA rằng bác sĩ cho biết ông Long bị chảy máu tai, tụ máu mà chết. Khi khám nghiệm tử thi, gia đình thấy phía đằng sau đầu của ông Long có một vết lõm rất to, đến khi mổ ra thì xương sườn bị gãy 4 cái mà tim thì tụ một cục máu, mật sưng to, các nội tạng khác đều bị sưng.
Đây không phải là trường hợp hiếm hoi một công dân chết trong đồn công an và được phía cơ quan chức năng nói là tự tử. Trước đây, nhiều gia đình đã làm đơn kêu cứu khi phát hiện kết quả xét nghiệm tử thi cho thấy người thân của họ có dấu hiệu bị đánh, nhưng không một cơ quan chức năng nào vào cuộc làm rõ. Dần dần, các vụ án chìm vào im lặng.
RFA trao đổi với luật sư Phạm Công Út, người mới bị Liên Đoàn Luật sư Việt Nam tước thẻ hành nghề luật sư trong một vụ việc dân sự và cũng là người từng tham gia tư vấn cho nhiều vụ nạn nhân bị dùng nhục hình đến chết trong đồn công an. Luật sư Út đưa ra những nguyên nhân nhiều vụ chết trong đồn công an không được điều tra:
Để giải oan cho người chết đó, thì sẽ có rất nhiều người khác “chết” theo. Ví dụ lãnh đạo của hai cơ quan giam giữ và cơ quan điều tra. Hai cơ quan này tuy tách rời nhưng chịu sự lãnh đạo của 1 người đứng đầu, ví dụ là trưởng công an huyện hay giám đốc sở công an. Cho nên nếu làm rõ ra, thứ nhất người nào làm cho nạn nhân chết sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng vấn đề còn lại là những người không trực tiếp gây ra cái chết nhưng trong khi quản lý thiếu trách nhiệm để dẫn tới cái chết đó thì vẫn có thể bị khởi tố. Để giải oan cho một người bị nhục hình thì sẽ có khoảng 6-7 người bị khởi tố.
Để giải oan cho người chết đó, thì sẽ có rất nhiều người khác “chết” theo.
– LS Phạm Công Út
Luật sư Phạm Công Út lấy ví dụ vụ Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên bị dùng nhục hình đến chết, không chỉ riêng những người trực tiếp đánh ông Kiều mà ngay cả trưởng công an huyện cũng bị khởi tố.
Vụ việc này theo ông là một bài học cho các địa phương khác. Họ vẫn khởi tố vụ án, nhưng nói rằng không khởi tố bị can được do không tìm ra hung thủ trực tiếp. Một ví dụ điển hình khác là vụ Nguyễn Văn Đức ở Vĩnh Long mà chính luật sư Phạm Công Út là người tư vấn. Đến bây giờ, cơ quan chức năng vẫn nói là chưa tìm ra hung thủ trực tiếp đánh chết anh Đức.
Ông giải thích, một vụ nhục hình bị đưa ra ánh sáng thì nhiều người khác “chết theo”, chết ở đây là “chết sự nghiệp chính trị”, có thể tù tội hoặc chịu án treo. Tức là xóa hết quá trình họ phấn đấu lên một chức vụ nào đó. Thứ hai, uy tín của ngành công an sẽ bị mất đi. Họ sẽ không còn được nhìn nhận như “những người bạn dân” nữa, mà bị coi là những kẻ “hung dữ, mất hết tính người”.
Ngành công an và quân đội của VN có thể được coi là ngành quan tâm nhiều nhất đến “thể diện”. Điều này được chính ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng thừa nhận. Ông Trọng nói rằng ngành công an, quân đội xin được xử kín những vụ tham nhũng để giữ danh tiếng nhưng ông Trọng không đồng ý.
Chúng tôi cũng nêu câu hỏi về sự bao che từ cấp trên xuống cấp dưới trong các vụ chết trong đồn công an với luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Luật sư Thuận nhận định:
Cái việc bao che hay không cũng phải thông qua thực tế, nhưng trong một tổ chức bao giờ cũng có một đường dây người ta gọi là nhóm lợi ích, phe phái, thì họ cũng “đỡ đòn” cho nhau. Chính như vậy nên vừa qua có một số vụ án lớn, tham nhũng rồi đánh bạc cả nghìn tỷ, một số tướng lãnh bị bắt giam. Tất cả là do sự bao che cho nhau dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thế.
Bộ Công an VN cho biết trong 3 năm kể từ năm 2011 đến 2014, đã xảy ra 226 trường hợp chết tại trạm giam. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát.
Kể từ năm 2015 đến nay chưa có một số liệu chính thức nào được công bố về số vụ chết trong đồn công an. Nhưng một số nguồn thống kê không chính thức cho biết năm 2017 đã xảy ra 13 vụ. Trong đó một số trường hợp tương tự khiến dư luận đặc biệt quan tâm có thể nêu ra gồm trường hợp ông Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, 38 tuổi bị chết trong trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Long vào đầu tháng 5 với thông báo là nạn nhân này đã dùng dao rọc giấy cắt cổ tự sát. Trường hợp khác là thanh niên Nguyễn Hồng Đê, 26 tuổi, trong thời gian bị tạm giữ tại đồn Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hồi đầu tháng 7 vừa qua, được nói cởi áo tự thắt cổ đến chết. Trường hợp khác là Võ Tấn Minh ở Phan Rang – Tháp Chàm, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy bị bể hộp sọ và nát phổi dẫn đến chết. Viện kiểm sát Nhân dân Ninh Thuận lúc đó nói rằng đang điều tra vụ án nhưng đến bây giờ vẫn chưa có kết quả nào được công bố.
Các phương tiện nạn nhân dùng để tự tử mà phía cơ quan chức năng đưa ra thường được cho là rất “tức cười” và “ngây ngô” chẳng hạn như tự tử bằng dây thun quần.
trong một tổ chức bao giờ cũng có một đường dây người ta gọi là nhóm lợi ích, phe phái, thì họ cũng “đỡ đòn” cho nhau.
– LS Trần Quốc Thuận
Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định về trách nhiệm của cơ quan chức năng trong các vụ tự tử trong đồn công an:
Nếu chết trong đồn công an, người ta đưa ra giám định cho thấy bị đánh hay thế nào đó chứ không phải tự tử, thì yêu cầu phải làm rõ. Trước hết là thủ trưởng cơ quan đó phải làm rõ, và trên cơ quan đó là cơ quan nào. Nếu chết ở đồn công an xã, phường thì công an quận phải chịu trách nhiệm điều tra. Nếu chết ở đồn công an quận, huyện, thành phố thì cơ quan của tỉnh, trung ương phải có trách nhiệm. Gia đình nạn nhân nên làm đơn gửi khắp, và đề nghị phải điều tra cho rõ. Hiện nay Quốc hội cũng tích cực tham gia vào việc đó, thì cũng nên gửi cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để họ giám sát.
Bây giờ việc đưa lên mạng cũng thuận tiện thì nên đưa kết quả giám định lên, nếu mạng xã hội cùng lên tiếng thì thường họ phải trả lời.
Còn luật sư Phạm Công Út thì nói rằng người dân cần am hiểu luật cơ bản để phòng tránh cho bản thân. Pháp luật VN quy định nghi can bị triệu tập có quyền chỉ trả lời khi có mặt luật sư đại diện. Trước mặt luật sư, công an không thể dùng bạo lực để buộc khai một vấn đề nào đó.
Chính quyền Củ Chi ngăn cản
chùa Liên Trì tổ chức lễ Vu Lan
Vào sáng ngày 30 tháng 8, chính quyền của huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã điều khoảng 50 người đến ngăn chặn không cho các sư thầy thuộc Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức lễ Vu Lan ở chùa Liên Trì 2 do thầy Thích Đồng Long làm trụ trì.
Bà Trần Thị Rươi, thân mẫu của thầy Đồng Long cho chúng tôi biết như sau:
“Chúng tôi mời 5 thầy lên cúng Vu Lan báo hiếu và cúng ông ngoại thầy Đồng Long, công an chặn đường tổ chức, lấy điện thoại của Đồng Long, cản không cho cúng nên mấy thầy ra về.
Tôi nói là lễ Vu lan tôi được quyền mời 5 vị thầy đến cúng Vu lan cho ông ngoại của thầy Đồng Long vì tôi là người dân.
Tuy nhiên Đồng Long bây giờ đã tu bao nhiêu lâu rồi, chùa của sư phụ thì đập đổ, bây giờ nhà tôi cúng Vu Lan và cúng cho ông ngoại của thầy Đồng Long thì tụi con lấy lý do gì cản?
Họ nói là ‘nhà tôi không ai công nhận là chùa’ họ lấy lý do đó để không cho cúng, người nói đó là Huỳnh Văn Nhựt, Phó Chủ tịch xã Trung Lập Hạ huyện Củ Chi, TPHCM”
Đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại cho Phó Chủ tịch xã Trung Lập Hạ nhưng không có người bắt máy. Phó trưởng Công an xã thông báo là đang bận và đề nghị lên cơ quan giải quyết sau khi chúng tôi đặt câu hỏi có hay không việc ngăn chặn các thầy làm lễ.
Các đoạn video trực tiếp trên Facebook được ông Thích Đồng Long quay lại cho thấy ô tô của các nhà sư đến dự lễ khi gần đến chùa bị Cảnh sát giao thông và một số người mặc thường phục chặn lại, xét hỏi giấy tờ và về việc ai đã mời đến chùa, mời như thế nào.
Thầy Thích Đồng Long là đệ tử của Hòa thượng Thích Không Tánh thuộc Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vốn không được chính quyền Việt Nam công nhận.
Khi chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm bị giải tỏa, ông Thích Đồng Long đã xây dựng ngôi Tịnh thất nhỏ ở Củ Chi thành chùa Liên Trì 2.
Việc xây dựng đài Quan Âm ở sân chùa cũng bị ngăn cản, tịch thu giàn giáo và lập biên bản vi phạm hành chính vì được cho là “xây dựng không phép”.
Bản thân thầy Thích Đồng Long và mẹ của mình từng bị bắt vào ngày 10/6 khi tham gia biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng tại TPHCM.
Thành viên Hội Anh Em Dân Chủ
sẽ ra tòa vào ngày 12/9
Người phát ngôn của Hội Anh Em Dân Chủ là ông Nguyễn Trung Trực, sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 12/9 tới đây tại tòa án Nhân Dân tỉnh Quảng Bình. Thông báo của Hội Anh Em Dân Chủ cho biết như vậy hôm 30/8.
Trước đó phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Trung Trực dự kiến diễn ra vào ngày 17/8 dã bị hoãn vì thẩm phán bị trùng lịch công tác.
Ông Nguyễn Trung Trực, 44 tuổi, bị bắt vào ngày 4/8/2017 với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình sự năm 1999.
Theo Hội Anh Em Dân Chủ, ông Nguyễn Trung Trực là người năng nổ trong nhiều công việc thiện nguyện như cứu trợ nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thảm họa ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, và các đập thủy điện xả lũ gây hậu quả nghiêm trọng ở các tỉnh miền trung.
Hội Anh Em Dân Chủ kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Trung Trực vì những hành vi của ông hoàn toàn hợp hiến và hợp pháp.
Trước khi ông Trực bị bắt, một loạt các thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ cũng đã bị bắt giữ và đưa ra xét xử với cùng cáo buộc. Những người đã bị bắt và xét xử bao gồm luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà, ông Nguyễn Bắc Truyển, Trường Minh Đức, Nguyễn Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Túc, bà Trần Thị Xuân. Họ bị tuyên án từ 7 đến 15 năm tù.
Dân phải ngửi rác thối
khi chính quyền chỉ hứa giải quyết
Bãi rác Khánh Sơn tại phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng được đưa vào hoạt động hơn 25 năm qua. Suốt ngần ấy năm, người dân sống gần bãi rác phải chịu ngửi mùi hôi thối quá mức phải liên tục yêu cầu công ty xử lý và cơ quan chức năng giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường gây hại như thế. Tuy nhiên; tất cả chỉ là những lời hứa suông từ các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng.
Bãi rác Khánh Sơn là nơi tập kết và xử lý rác lớn nhất cho Thành phố Đà Nẵng, nơi được tung hô là ‘Thành phố đáng sống’. Tuy nhiên những người dân sống gần bãi rác này cho rằng đã vượt ngưỡng chịu đựng của họ khi mà tình trạng ô nhiễm do bãi rác gây nên không được giải quyết.
Một người dân sống gần với bãi rác ngán đến nỗi khi chúng tôi đến hỏi thăm và xin phỏng vấn, ông than thở:
-Trước nay họ phỏng vấn quá nhiều rồi. Cứ đem máy móc chụp hình đem lên đài VTV rồi đưa thời sự…cuối cùng rồi đâu cũng vào đó. Chú ở đây mười mấy năm rồi cũng thấy cứ vậy hoài.
-Cứ cách một tháng có người tới cứ phỏng vấn rồi đi, phỏng vấn rồi đi thì phỏng vấn làm cái chi? Không nên phỏng vấn nữa. Tại vì cứ phỏng vấn rồi đi thì mất công. Tại vì nếu làm 1-2, lần phỏng vấn thì được, còn không cứ để nó hư, hôi thối.
-Biết bao nhiêu lần rồi con. Nhiều lắm rồi. Nói chung bây giờ dân cũng ngán rồi, nhiều lần quá đâm ra mất lòng tin. Hết đoàn ni tới đoàn kia tới rồi giờ con hỏi chú chú cũng nói rứa thôi chứ cũng ngán rồi, phỏng vấn chi nữa. Không nên pv nữa. Bây giờ một là để rứa cho nó thối luôn còn không thì thôi dân cũng không muốn. Chứ con ra coi nếu mà lâu nay cái nước nó xử lý thì không thể đen như rứa được. Dân ở đây chịu không nổi họ phản ánh thì chính quyền phải có cách xử lý làm sao chứ ai mà cứ để. Cái nước đó con thấy cá cũng không sống nổi, người răng mà sống nổi, hóa chất không đó.
Như vậy có thể thấy rằng đã từ lâu và rất nhiều lần các cơ quan báo chí đến tìm hiểu và đưa tin tức để phản ánh hiện trạng của bãi rác Khánh Sơn, nhiều đến mức người dân không còn muốn trả lời phỏng vấn, thế nhưng tình trạng vẫn đâu vào đấy.
-Thúi dễ sợ luôn, chịu không được!
-Buổi tối khoảng 7-8 giờ là nó hôi ghê lắm.
-Nhất là ban đêm tại vì ban ngày gió lên, ban đêm gió xuống. Cứ khoảng 7-8 giờ gió trên đèo nó xuống là nó thổi từ trên đó thổi xuống. Không cần chú pv, khoảng 8h tối mi lên đây là mi chịu không nổi rồi. 8h tối con lên đây con cũng chẳng cần phải hỏi ai hết, là tự thấy cái mùi là biết rồi.
Ngoài mùi hôi, nước rỉ từ bãi rác cũng là nguồn ô nhiễm mà người dân sống quanh đó phải gánh chịu; đặc biệt khi mùa mưa tới:
-Chưa đó, mùa mưa nữa kia. Tự bãi rác trực tiếp nó xả ra luôn chứ nó đâu cần qua xử lý nữa. Mưa cái đường ni nó chảy nè. Bọn chú đâu có vô được trong đó. Không dễ chi vô được. Thì hắn nói là xử lý mà xử lý thì đâu có hôi như rứa. Mà chú thì không vô được, hai ba lớp bảo vệ mà, mình vô đâu có được. Chỉ có cơ quan chức năng xin vô mà cơ quan chức năng mà vô thì ở trong nó báo cáo, tự trong đó nó xử lý chứ đâu nữa. Thời gian trước nó có một cái ống trực tiếp ra ngoài ni nữa kìa. Trực tiếp ống mưa là trên kia nó xả chứ không cần qua xử lý luôn.
Dòng nước đen này từ trong bãi rác chảy ra, mỗi khi mưa đến, nước này ngập lênh láng tràn ra các con đường quanh xóm. Nguồn dịch bệnh xuất phát từ đây. Nước từ bãi rác ngấm dần trong lòng đất, lâu dần tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm trong khu vực, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí…
-Nhiều quá thì mình đau đầu, nó hôi, nhiều lúc cũng ho, đi khám vậy đó.
-Vừa rồi có nghe họ cho bảo hiểm môi trường chi đó.
Giải pháp tạm thời mà chính quyền địa phương đưa ra với người dân đó là cấp bảo hiểm y tế miễn phí và nước sạch cho người dân trong phạm vi bán kính 1km quanh bãi rác. Tuy nhiên mong muốn của người dân là đóng bãi rác Khánh Sơn hay di dời người dân đi nơi khác.
-Thì mình cũng trông cho nó giải thể sớm để dân đỡ bệnh hoạn rứa thôi.
-Cái này đơn giản lắm chứ không có gì là khó. Một là dẹp. Hai là dời dân đi đi. Hai cách thôi. Nó dễ òm không cần họp hội hay pv làm chi. Một là bãi rác đi, dứt khoát để bãi rác đi. Hai là dân đi. Dân phải sống cách bãi rác 5km hoặc 10km. Xung quanh đây không có dân. Rứa thôi, hai cách chứ mấy. Chứ còn bây giờ họp tới họp lui không có đưa tới kết quả.
-Ở quận Liên Chiểu quỹ đất còn nhiều lắm. Chỉ cần đưa qua cách bên kia 2-3 cây số. Rứa thôi chứ đâu phải là họ đòi xuống dưới phố. Người dân họ không phải muốn xuống dưới phố nhưng mà họ muốn đi cách xa khoảng vài ba kilomet.
Vào tháng 7 năm 2017, ông Lê Quang Nam-Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng nói rằng cần gia hạn cho bãi rác Khánh Sơn hoạt động ít nhất đến năm 2023. Dù trước đó chính quyền và các cơ quan liên quan đã hứa hẹn rằng sẽ đóng cửa bãi rác này vào năm 2019.
-Tức là 5 năm nữa họ mới dời. Ý là như rứa.
Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểucũng bức xúc khi vấn đề bãi rác Khánh Sơn không được giải quyết như đã hứa với cử tri: “Thành phố phải tập trung nguồn lực để chuyển bãi rác TP đến chỗ khác nhưng phải bền vững. Sở TNMT với trách nhiệm của mình sớm có giải pháp xử lý bãi rác Khánh Sơn đúng thời hạn để nhân dân có niềm tin chứ hứa với dân vậy rồi không được. Dù đi nơi mới thì cũng phải căn cơ. Mốc TP đưa ra năm 2019 thì cần phải làm về sớm chứ đưa lên hơn là không được. Nên quan tâm đặc biệt vấn đề này”.
Hướng giải quyết đã rõ, thế nhưng những người quan tâm vấn đề bãi rác Khánh Sơn tỏ ra hết sức thắc mắc khi Chính quyền Thành Phố Đà Nẵng vẫn chỉ hứa mà không bắt tay thực hiện.
Thêm các dân biểu và Thượng Nghị sĩ
ủng hộ công dân Mỹ bị Việt Nam bắt giữ
Gia đình ông Michael Phuong Minh Nguyen, một công dân Mỹ gốc Việt đang bị giam giữ ở Việt Nam, hôm 30/8 ra thông cáo báo chí cho biết đã có thêm các dân biểu và Thượng Nghị Sĩ Mỹ tham gia ủng hộ ông Michael Nguyen, yêu cầu chính quyền Việt Nam phải thả ông này ngay lập tức.
Ông Michael Phuong Minh Nguyen bị chính quyền Việt Nam bắt giữ khi đang ở thăm Việt Nam vào ngày 7/7 để phục vụ điều tra liên quan đến cáo buộc vi phạm điều 109 Bộ Luật Hình Sự sửa đổi, có hành vi lật đổ chính quyền. Việc điều tra được cho biết là sẽ kéo dài từ 3 đến 5 tháng và có thể là lâu hơn nếu giới chức Việt Nam thấy cần thiết.
Theo thông cáo báo chí mới của gia đình ông Michael Nguyen, các dân biểu Ed Royce, Mimi Walters, Lou Correa và Alan Lowenthal đã gửi thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ để gây sức ép thúc giục Việt Nam trả tự do cho ông Michael Nguyen.
Sau đó đại diện văn phòng dân biểu Mimi Walters và Alan Lowenthal đã gặp đại sứ quán Việt Nam tại DC. Trong cuộc gặp này, phía Việt Nam đã thừa nhận việc bắt giữ ông Michael Nguyen để điều tra theo điều 109. Tuy nhiên, phía Việt Nam không thể cung cấp bằng chứng nào về những cáo buộc nhắm vào ông Michael Nguyen.
Gia đình Michael Nguyen cho biết họ cũng đã nhận được sự ủng hộ từ các Thượng Nghị sĩ Mỹ là Dian Feinstein, Kamala Harris, Ted Cruz và John Cornyn.
Sắp tới, vào ngày 4/9, các dân biểu và Thượng Nghị Sĩ Mỹ cũng sẽ gửi thư cho Bộ Ngoại Giao và Ngoại Trưởng Mỹ về trường hợp Michael Nguyen.
Gia đình Michael Nguyen cho biết trong những ngày tới họ sẽ tiếp tục kêu gọi thêm sự ủng hộ của các dân biểu và Thượng Nghị Sĩ Mỹ để gây sức ép lên chính phủ Việt Nam, đòi trả tự do cho ông Michael Nguyen
Tình cảnh những người Thượng
vừa bị bắt ở Thái Lan
Ben NgôBBC Tiếng Việt, Bangkok
Sáng sớm ngày 28/8, một nhóm viên chức Bộ Nội vụ, cảnh sát di trú, binh lính của quận Bang Yai, Thái Lan, ập vào một khu nhà ở tỉnh Nonthaburi, cách Bangkok hơn 30Km, bắt giữ 181 người tỵ nạn đến từ Việt Nam và Campuchia, trong số này có hơn 50 trẻ em.
Đây là những người cư ngụ bất hợp pháp tại Thái.
Hôm 30/8, sau một giờ đi xe từ trung tâm Bangkok, tôi đặt chân tới quận Bang Yai, nơi đang tạm giữ 133 người Thượng đến từ Tây Nguyên, 87 người lớn và 46 trẻ em.
Người Thượng Việt ‘vô tổ quốc ở Thái Lan’
Người Việt ở Bangkok ‘vươn lên giàu có’
Thế hệ người Việt 1945 ở Thái Lan
Đó là một hội trường rộng và có mùi khá ẩm thấp. Vừa bước vào, tôi đã nghe những tiếng nói chuyện rì rầm và tiếng khóc của trẻ em lẫn tiếng sụt sùi của những phụ nữ trong lúc cầu nguyện.
Một số em bé đang chạy loanh quanh đùa giỡn với nhau trong lúc cảnh sát và những người của nhà chức trách Thái đang đứng quan sát chung quanh.
Được biết nhóm phụ nữ và trẻ em này bị giữ và phải ngủ qua đêm trên sàn nhà này.
Những người đàn ông trong nhóm này đã phải ra tòa từ hôm trước.
Người Thượng ở Campuchia ‘cầu cứu, không muốn về VN’
Hong Kong và kỷ niệm của một thuyền nhân
Tướng Thái Lan đi tù vì tội buôn người
Đi tìm đường sống
Hầu hết người Thượng bị bắt ở đây không nói được tiếng Việt, vì họ là người Ê Đê, Gia Rai, đến từ các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.
Một trong số này, bà Hjuôn Byà, 35 tuổi, cùng chồng và bốn con nhỏ, đứa bé nhất trong số này là một bé gái 5 tháng, được sinh ra ở Thái.
Bà nói với tôi: “”Chồng tôi bị đưa ra tòa hôm qua, chưa rõ kết quả thế nào.”
“Vợ chồng tôi và các con tìm đường đến Thái vì biết ở đó có Liên Hiệp Quốc giúp người bị bức hại.”
“Ở Gia Lai, chúng tôi là người theo đạo Tin Lành, thường xuyên bị ngăn cản đi nhà thờ, không cho tụ tập và bị làm khó đủ điều.”
“Hơn hai năm trước, chúng tôi quyết định tìm đường đến Thái qua ngả Campuchia.”
Kể về quãng thời gian ở Thái trước khi bị bắt, bà Hjuôn Byà nói: “Do đang xin tỵ nạn, không được đi làm, nhưng vì phải nuôi con nên chồng tôi đánh liều đi làm mấy công việc tay chân ở đây.”
“Ai thuê gì làm nấy như phụ hồ và các việc lặt vặt khác.”
“Anh ấy đã bị bắt nhiều lần rồi, mỗi lần bị bắt thì trong người có 500 hay 1.000 baht đều phải nộp phạt hết thì mới được thả.”
“Tôi ở nhà chăm con, mỗi tháng cả nhà sống nhờ vào 15kg gạo được một nhóm người Việt ở Bangkok giúp đỡ.”
“Vợ chồng tôi có thẻ Liên Hiệp Quốc sau khi đậu phỏng vấn và đang nuôi hy vọng đại sứ quán nước thứ ba chọn cho phỏng vấn.”
“Chúng tôi không dám nghĩ tới khả năng xấu nhất là mình và những người ở đây sẽ bị trả về nước.”
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng nhiều lần vì một người của chính quyền Thái đến gần và nói rằng tôi không được “hỏi chuyện quá lâu”.
Một lát sau, tôi thấy cả chục đứa bé, trong đó có hai con của bà Hjuôn Byà bị tách khỏi nhóm và đưa đi đâu không rõ.
Có em miệng nhoẻn nụ cười vì có lẽ các em này không rõ mình “được đưa đi chơi hay đi đâu.”
“Họ nói với tôi là tụi nhỏ sẽ được đưa đi chăm sóc chỗ khác và sẽ giao lại cho bố mẹ mười ngày sau,” bà Hjuôn Byà cho biết.
Sau khi người của chính quyền đến báo tin gì đó bằng tiếng Thái, căn phòng như chùng xuống với những tiếng khóc nấc nghẹn, sụt sùi của nhóm phụ nữ.
Một số viên chức của chính quyền liên tục vào ra hội trường. Một người được cho là viên chức địa phương từ chối đưa bình luận với BBC về việc bắt giữ người Thượng.
Một lát sau đó, những người phụ nữ trong nhóm người Thượng lần lượt được đưa lên xe chở đi.
Trong lúc được đưa ra xe, một phụ nữ lớn tuổi ngoái lại nói với tôi: “Tôi không muốn bị đưa về Việt Nam đâu.”
“Tôi đã ba lần bị đi tù ở Việt Nam nên không thể quay về.”
Nay J Khoj, 24 tuổi, một thanh niên người Gia Rai bị bắt trong nhóm này, đảm nhiệm việc phiên dịch.
Anh nói với tôi: “Tôi phải tìm đường qua đây vì cũng như nhiều gia đình theo đạo Tin Lành khác ở Đắk Lắk, bị trấn áp, tước đoạt đất đai, ruộng vườn.”
“Mảnh ruộng 4 ha là của nhà tôi nhưng rồi một hôm người ta đến lấy và nói đó là đất của nhà nước.”
Image captionNay J Khoj và những người Thượng cầu nguyện tại nơi bị tạm giữ
‘Bị áp bức, tước đoạt’
Cũng trong hôm 30/8, bà Grace Bùi, đại diện Dự án Trợ giúp người Thượng tại Thái Lan nói với BBC: “Hiện tại thì chúng tôi không biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với những người Thượng bị bắt và phải ra tòa.”
“Hy vọng là họ không bị trục xuất nhưng chuyện gì cũng có thể xảy ra.”
“Có sự khác biệt là Thái Lan không cần mở phiên tòa án để trục xuất người đến từ Campuchia, Lào hay Myanmar.”
“Nhưng những người đến từ các quốc gia mà không có chung đường biên giới với Thái Lan như Việt Nam thì mọi việc phải được giải quyết tại tòa.”
“Và những người phải ra tòa phải đối mặt với khoản phạt vì nhập cảnh bất hợp pháp.”
“Tuy vậy, trong bốn năm qua, tôi chưa từng chứng kiến bất kỳ người Thượng nào bị bắt rồi bị trục xuất về VN trừ một số trường hợp”
“Nhiều khả năng họ sẽ bị đưa đến trại giam người nhập cư.”
Bà Grace Bùi cho biết thêm: “Đàn áp tôn giáo và bị chính phủ tước đoạt đất đai để gây áp lực là nguyên nhân khiến người Thượng ra đi.”
“Chính phủ Việt Nam không cấp chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ nào khác để những người này không thể đi làm hoặc đi học.”
“Họ là nông dân nên khi đất đai bị tước đoạt, đồng nghĩa với việc họ bị tước đoạt kế sinh nhai.”
Image caption”Ngày mai rồi sẽ thế nào?” là một câu hỏi không có lời đáp với họ
Một cộng đồng ẩn dật
Giữa Bangkok có một cộng đồng nhỏ người Thượng nói rằng họ đến đây để thoát khỏi đàn áp tôn giáo của Hà Nội, theo tường thuật của Al Jazeera.
Cộng đồng này gồm 150 gia đình người Thượng, sống trong những ngôi nhà bằng tre dựng trên kênh rạch.
Đa phần trong số họ đã cải đạo sang Tin Lành. Những người Thượng này nói rằng họ đã phải đối mặt với sự áp bức và kỳ thị tôn giáo sau năm 1975.
Số lượng người Thượng Việt ở Thái Lan đã tăng lên trong những năm gần đây do có thêm người đào thoát những gì họ mô tả là trấn áp tôn giáo, cưỡng chế đất, và bắt giữ tùy tiện.
Không dễ tìm thấy nhóm người này. Họ sống trong các đồn điền và kênh rạch và bao quanh bởi những ngôi nhà tre nhỏ trên mặt nước.
“Họ sống ở đây thì an toàn hơn vì có quá nhiều cảnh sát ở khu trung tâm,” Grace Bui, giám đốc chương trình Dự án Trợ giúp người Thượng tại Thái Lan nói với Aljazeera.
Thái Lan không là nước ký kết Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tỵ nạn hoặc Nghị định thư 1967 liên quan đến tình trạng tỵ nạn.
Jennifer Bose, đại diện UNHCR tại Bangkok nói: “UNHCR nhấn mạnh đến tất cả những người xin tỵ nạn ở đây rằng việc tái định cư không phải là một quyền. Không có đủ nơi tái định cư cho tất cả những người xin tỵ nạn.”
“Chỉ dưới 1% số người tỵ nạn trên thế giới thực sự có cơ hội để bắt đầu cuộc sống mới ở nước thứ ba”.
Những người Thượng được phỏng vấn nói rằng họ biết Thái Lan không công nhận người tỵ nạn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản được họ tìm đường đến đây vì “dù sao vẫn tốt hơn so với những áp bức ở quê nhà”.
‘Tự nguyện hồi hương’
Hồi năm 2017, báo Gia Lai đăng bài tường thuật chuyến thăm của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) đến thăm tỉnh Gia Lai.
Bài báo viết: “Đoàn sẽ đến thăm, tiếp xúc với 25 người dân tộc thiểu số hồi hương tại các huyện: Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Đak Đoa và Ia Grai để nắm tình hình về cuộc sống của họ sau khi quay về; qua đó có cơ sở để tiếp tục khuyến khích những người còn lại trở về đoàn tụ với gia đình.”
“Từ năm 2015 đến nay, Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc tại Bangkok đã tiếp nhận và trao trả về Việt Nam 68 người trong sáu đợt; riêng tỉnh Gia Lai có 25 người. Đa phần những người này đều tự nguyện hồi hương.”
“Tỉnh Gia Lai luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để những người hồi hương tái hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống. Riêng với số người còn lại, nếu có nguyện vọng trở về, tỉnh sẵn sàng tiếp nhận và giúp đỡ, song bắt buộc họ phải tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như của địa phương.”
Cũng trong hôm 30/8, thông cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát đi ghi: “Chính quyền Thái Lan nên thả ngay lập tức 181 người tỵ nạn dân tộc thiểu số và người đang xin quyền tỵ nạn vừa bị bắt giữ.”
“Những người bị giam giữ chủ yếu là người Thượng ở Việt Nam và Campuchia và bị bắt ngày 28/8 ở ngoại ô Bangkok.”
“Những người Thượng này sẽ phải đối mặt với việc bị bức hại nếu họ bị trả về Campuchia và Việt Nam. Điều mà Thái Lan không nên làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45339551
17 thuyền nhân Việt tới Bắc Úc
bị đưa ra đảo Christmas, chờ trục xuất?
Một nhóm thuyền nhân đã tới bờ biển ở vùng cực Bắc nước Úc và đang bị chính quyền tạm giam sau khi ngư dân địa phương phát hiện ra chiếc tàu bỏ trống của họ cách bờ biển không xa hôm Chủ nhật 26/8. Báo chí Úc và cộng đồng người Việt liên bang Úc châu xác nhận nhóm thuyền nhân này đến từ Việt Nam. VOA-Việt ngữ tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở Úc và có thêm các chi tiết sau đây.
Một ngư dân địa phương phát hiện ra chiếc tàu bị mắc cạn gần cửa sông Daintree ở phía bắc thành phố Cairns, cách bờ biển khoảng 200 m. Những người trên tàu đã bỏ trốn.
15 người đã bị bắt hôm thứ Hai 27/8, và hai người cuối cùng được cho là hai anh em, người lái tàu và phụ lái tàu, bị bắt ngày hôm sau trong khi đang tìm cách băng qua sông Daintree bằng phà.
Những người chứng kiến cho biết hai anh em không chống cự khi bị đưa lên xe cảnh sát sau 9g sáng thứ Ba 28/8. Cùng ngày, quyền Giám Đốc khu vực của Dịch Vụ Khẩn Cấp tiểu bang Peter Rinaudo xác nhận với đài ABC rằng tất cả các thuyền nhân đã bị bắt.
Trong cuộc trao đổi với VOA-Việt ngữ vào sáng thứ Tư, giờ Washington, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do Liên bang Úc Châu (CDNVTD) Nguyễn văn Bon xác nhận nhóm người này là người Việt:
“Cho đến giờ phút này, báo chí Úc đã kiểm chứng và xác nhận họ là người Việt Nam.”
Ông Nguyễn Văn Bon nói chính phủ Úc có chính sách rất cứng rắn đối với người tị nạn, không chỉ đối với người Việt Nam mà đối với tất cả những người tị nạn, cho dù họ đến từ bất cứ nước nào.
“Chính phủ Úc có một chính sách là hễ ai đến bằng thuyền thì sẽ bị trả về nguyên quán. Chính sách của nước Úc này rất là rõ.”
Hôm Thứ Hai, Bộ Trưởng Nội Vụ Úc Peter Dutton nói đây là tàu chở người xin tị nạn đầu tiên tới được bờ biển nước Úc tính từ năm 2014.
Ông nói: “Chúng tôi tin rằng nước Úc đã tiếp nhận chiếc tàu đầu tiên, chuyến buôn người đầu tiên trong hơn 1.400 ngày.”
Bộ trưởng nội vụ Úc nhấn mạnh rằng nhóm thuyền nhân sẽ không được phép định cư ở Úc, dựa trên chính sách di trú hiện hành. Chính sách di trú vô cùng khắt khe của Úc, vốn được siết chặt trong mấy năm trở lại đây, quy định rằng bất cứ người xin tị nạn nào đi bằng tàu cập vào bến bờ nước Úc bất hợp pháp sẽ bị đuổi ra biển trở lại, hoặc đưa tới những trại tạm giam trên những hòn đảo hẻo lánh trong Thái Bình Dương trong khi chờ hoàn tất các thủ tục di trú.
Trang mạng của Hệ thống Truyền thông Úc Châu- ABC dẫn lời người phát ngôn của Bộ trưởng Nội vụ Úc xác nhận rằng 17 thuyền nhân đã được đưa tới đảo Christmas giam giữ và đang chờ được các giới chức di trú thẩm vấn.
Trang mạng abc.net.au nói hiện chưa rõ nhóm người xuất phát từ vùng nào của Việt Nam và lý do họ muốn trốn sang Úc. Nhưng tại sao hơn 4 thập niên sau khi thống nhất đất nước, vẫn còn thuyền nhân Việt Nam muốn bỏ xứ ra đi?
“Tôi xin thưa rằng đây không phải là vấn đề kinh tế. Người dân của bất cứ xứ nào đều được quyền sinh hoạt, đánh cá trên biển. Trong tình trạng biển người dân chúng ta không thể đánh cá, Trung cộng có thể cấm người dân đánh cá bất cứ lúc nào, thì người ta phải vượt biên sang nước khác thôi,..nếu người Việt Nam ở trong nước cảm thấy quyền tự do, nhân quyền của họ bị mất thì họ phải xin tị nạn ở nước khác thôi
Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do Úc Châu Nguyễn Văn Bon :
Chủ tịch Cộng đồng người Việt Tự do Liên bang Úc Châu Nguyễn văn Bon:
“Đã bốn mươi mấy năm nhưng mà tình trạng nhân quyền tại Việt Nam càng ngày càng tệ hơn. Chính phủ Úc có một chính sách là đối thoại nhân quyền với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam để mà cải thiện tình trạng nhân quyền. Chương trình này đã bắt đầu từ năm 2001, tính cho tới nay đã được 15 vòng rồi, nhưng tình hình nhân quyền còn đi thụt lùi trở
lại nữa… ”
Ông Ian Rintoul, người phát ngôn của Liên minh Hành động vì Người Tị nạn nói ông hy vọng rằng 17 thuyền nhân đã tới đảo Christmas sẽ được cho biết là họ có thể làm thủ tục xin tị nạn trong thời gian bị tạm giam trên đảo này.
Thế cộng đồng người Việt Úc châu nghĩ như thế nào nếu giả dụ nhóm người mới tới là những ngư dân bỏ nước ra đi bởi vì họ không thể nuôi sống gia đình trong hoàn cảnh bị “tàu lạ” thường xuyên xua đuổi ra khỏi ngư trường truyền thống, hoặc những người khác ra đi vì lý do kinh tế?
Ông Nguyễn Văn Bon nói:
“Tôi xin thưa rằng đây nó không phải là vấn đề kinh tế. Người dân của bất cứ xứ nào đều được quyền sinh hoạt, đánh cá trên biển. Trong cái tình trạng biển thì người dân chúng ta không thể đánh cá, còn Trung cộng có thể cấm người dân chúng ta đánh cá vào bất cứ lúc nào, cho nên đây là vấn đề người ta phải vượt biên sang những nước khác, nước Úc không phải là nước duy nhất mà người Việt chúng ta đến đâu! Có những người họ đến Thái Lan họ đã liên lạc thẳng với chúng tôi và nhờ sự giúp đỡ ở đây. Tôi cho rằng 17 người này tới đây không phải là một sự ngẫu nhiên, mà tôi nghĩ đây chỉ là sự bắt đầu của những đợt vượt biên sắp tới, nếu người Việt Nam ở trong nước họ cảm thấy cái quyền tự do của họ, nhân quyền của họ, bị mất thì họ phải xin tị nạn ở các nước khác thôi.”
Được hỏi cộng đồng người Việt đã làm gì để giúp 17 người mới tới, nếu thực sự họ cần được giúp đỡ?
Ông Nguyễn Văn Bon:
“Ngày hôm nay chúng tôi đã liên lạc với báo chí chính mạch để trình bày việc này. Quan điểm của CDNVTD Úc Châu rất là rõ ràng. Nước Úc là một thành viên của Liên Hiệp Quốc thì buộc phải tôn trọng nhân quyền và có bổn phận giúp đỡ những người tới đây xin tị nạn. Chúng tôi duy trì quan điểm đó, chúng tôi đã viết thư và sẽ liên tục viết thư gửi đến Bộ trưởng Di trú để mà bày tỏ quan điểm. Đương nhiên nước Úc có một luật rõ ràng, là tất cả mọi người đều được cái quyền để được xét hồ sơ một cách công bằng. Thì đây là quan điềm của CDNVTD Úc Châu, không phải chỉ riêng cho người Việt tị nạn chúng ta không mà thôi, mà đối với tất cả mọi người ti nạn đến từ nước khác…”
Ông Nguyễn Văn Bon nhấn mạnh rằng nếu nhóm người đang bị tạm giam ở đảo Christmas là những người có lý do chính đáng để xin tị nạn chính trị, thì cộng đồng người Việt Liên bang Úc Châu sẽ cố gắng hết sức để vận động với chính quyền Úc để giúp họ có cơ hội được ở lại và sống trên một xứ sở tự do.
“Chúng tôi rất quan ngại nhóm người này sẽ bị trả về Việt Nam trong tình huống này bởi vì họ có thể bị đàn áp, chúng tôi luôn luôn yêu cầu mọi sự phải minh bạch, rõ ràng là Úc dự định làm gì với nhóm người này?”
Human Rights Watch
Tổ chức Human Rights Watch kêu gọi Canberra hãy tuân thủ các tiến trình đúng đắn để xác định liệu những người Việt đang bị giam trên đảo Christmas có phải là những người tị nạn đích thực hay không.
Human Rights Watch kêu gọi chính phủ Úc hãy cho phép Cảo Ủy Tị nạn tiếp xúc với nhóm người Việt này, tổ chức bênh vực nhân quyền quốc tế nói:
“Chúng tôi rất quan ngại nhóm người này sẽ bị trả về Việt Nam trong tình huống này bởi vì họ có thể bị đàn áp, chúng tôi luôn luôn yêu cầu mọi sự phải minh bạch, rõ ràng là Úc dự định làm gì với nhóm người này?”
Chính phủ liên bang Úc quy lỗi cho những kẻ buôn người về sự xuất hiện của nhóm thuyền nhân đầu tiên trong 4 năm qua. Hôm 28/8, Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton nói những thuyền nhân này đã đến Úc bất hợp pháp, và “sẽ bị trục xuất sớm nhất có thể”.
Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền chỉ trích chính sách di trú quá khắt khe của Úc mà có người cho là ‘tàn ác’, nói rằng chính sách đó vi phạm Công Ước Về Quyền của Người Tị Nạn năm 1951 mà Úc đã ký kết.
Quảng Ngãi lập đoàn kiểm tra
nhà máy xử lý rác thải Sa Huỳnh
Trước tình hình bức xúc của người dân huyện Đức Phổ, vào ngày 30 tháng 8 Tỉnh Ủy Quảng Ngãi đã yêu cầu cơ quan chức năng lập đoàn thanh tra để làm rõ quá trình đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác sinh hoạt MD tại Sa Huỳnh, xã Phổ Thạch, huyện Đức Phổ.
Từ ngày 29/7, nhiều người dân xã Phổ Thạch đã chặn đường không cho xe tải vào nhà máy rác để phản đối, vì cho rằng nhà máy gây ô nhiễm cho môi trường và nguồn nước. Chính quyền địa phương đã có 2 lần đối thoại với người dân địa phương sau đó nhưng không thành.
Tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong khi chờ kết luận điều tra, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân đồng thuận, tạo điều kiện cho nhà máy xử lý rác tiếp tục hoạt động.
Theo kế hoạch, nhà máy xử lý rác sinh hoạt MD cần tập trung xử lý bãi rác cũ hơn 22 ngàn m3 và rác sinh hoạt của ba xã Phổ Khánh, Phổ Thạch và Phổ Châu trước, để đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân. Sau khi có kết luận điều tra, ban lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sẽ gặp gỡ và trao đổi biện pháp giải quyết với người dân tại xã Phổ Thạch, huyện Đức Phổ.
Trong cuộc đối thoại lần ba với người dân địa phương hôm 23/8, chính quyền Quảng Ngãi đã thừa nhận có những sai sót trong việc hoàn tất thủ tục cho phép xây dựng nhà máy xử lý rác và khoảng cách từ nhà máy đến nhà dân chưa đúng quy định. Đại diện tỉnh Quảng Ngãi hứa sẽ yêu cầu nhà máy xử lý rác ngừng hoạt động, đóng bãi rác cũ và lên kế hoạch di dời nhà máy.