Tin Việt Nam – 30/07/2018
15 người nhận án tù
vì phản đối Dự luật Đặc khu
Một tòa án ở tỉnh Đồng Nai hôm 30/7 tuyên án tù từ 8 tháng đến 1 năm 6 tháng đối với 15 người biểu tình chống một dự luật gây tranh cãi hồi đầu tháng 6. Nhà chức trách khép những người này vào tội “gây rối trật tự công cộng”, theo báo chí Việt Nam.
Cùng bị xét xử còn có 5 người khác, họ nhận mức án thấp hơn là 1 năm cải tạo không giam giữ do họ “đang nuôi con nhỏ”
Tin cho hay, bị cáo nhận bản án cao nhất là Nguyễn Duy Quang, 35 tuổi, ngụ ở huyện Thống Nhất trong tỉnh. Mức án cao thứ nhì, 1 năm 4 tháng tù, được tuyên cho Phạm Ngọc Hạnh, 45 tuổi, sống tại thành phố Biên Hòa. 13 người còn lại nhận mức án từ 8 – 10 tháng tù.
Hôm 10/6, nhiều cuộc biểu tình phản đối dự luật về đặc khu kinh tế đã nổ ra ở một loạt tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó có Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trong các cuộc biểu tình này, một số người tham gia cũng phản đối một dự luật khác về an minh mạng.
Theo cáo trạng, nhóm của các bị cáo đã “gây náo loạn”, “cố tình chặn đường” và “làm ách tắc giao thông” trên một tuyến quốc lộ.
Mặc dù vậy, hội đồng xét xử nhận định rằng phần lớn trong số các bị cáo là những người “có nhận thức pháp luật còn hạn chế, bị người xấu kích động, lôi kéo phạm tội”, nên tòa “giảm nhẹ hình phạt”, theo tường thuật của báo chí.
Trong khi đó, nói với VOA với điều kiện không nêu danh tính, người thân của một trong số các bị cáo cho rằng việc bỏ tù họ, dù với án nhẹ, vẫn là “một sự gán ghép vô lý” vì họ “chỉ thực hiện quyền bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa”.
Linh mục Nguyễn Duy Tân thuộc giáo xứ Thọ Hòa, tỉnh Đồng Nai, người cũng là một nhà đấu tranh cho tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, có chung quan điểm.
Ông nói với VOA:
“Với cái mức án đó, cộng sản họ muốn hù dọa những người đi biểu tình ôn hòa. Đó là mức án phi nhân tính, một mức án tước quyền công dân, tước quyền biểu lộ chính kiến, tước quyền biểu tình của công dân. Bây giờ nhà cầm quyền độc tài lại cướp luôn quyền công dân đó, và họ vi phạm nhân quyền”.
Báo chí trong nước đưa tin là riêng ở Biên Hòa nhà chức trách đã bắt 52 người biểu tình hôm 10/6. Nhưng người thân giấu tên của một bị cáo nói với VOA rằng số người bị bắt lên đến “một trăm mấy chục người”.
Sau khi bản án được tuyên, một số người nhà bị cáo bày tỏ với VOA rằng căn cứ theo luật về tội gây rối, việc làm của các bị cáo không gây hậu quả nghiêm trọng nên họ chỉ đáng bị phạt tiền dưới 1 triệu đồng, thay vì phải nhận án tù.
Linh mục Nguyễn Duy Tân có quan điểm khác. Theo cách nhìn của ông, nhưng người thực hiện quyền tự do biểu đạt không đáng nhận hình phạt nào, kể cả phạt tiền.
Ông nói:
“Cũng không nên phạt tiền vì đó là quyền công dân. Họ đang giúp đất nước khỏi rơi vào tay giặc Tàu”.
Hơn hai tuần trước, một tòa án ở tỉnh Bình Thuận tuyên các án tù lên tới 2 năm rưỡi đối với 6 người tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu.
Các cuộc biểu tình chống dự luật về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã diễn ra trên toàn quốc hồi đầu tháng trước. Nhiều người Việt bày tỏ phẫn nộ hoặc lo ngại về điều khoản cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất lên tới 99 năm trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bị Trung Quốc lợi dụng.
Sau khi nhiều cuộc biểu tình phản đối diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 10/7 cho biết chính phủ Việt Nam sẽ “xin ý kiến rộng rãi” trong nhân dân về dự luật gây tranh cãi này trước khi trình quốc hội vào cuối năm nay.
https://www.voatiengviet.com/a/muoi-lam-nguoi-nhan-an-tu-vi-phan-doi-du-luat-dac-khu/4505961.html
Ông Vũ ‘Nhôm’ lĩnh án 9 năm tù
vì ‘làm lộ bí mật nhà nước’
Một tòa án ở Hà Nội hôm 30/7 tuyên án tù đối với “đại gia đất đai” Phan Văn Anh Vũ và hai cựu sĩ quan công an cao cấp tổng cộng 22 năm cho tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, theo báo chí Việt Nam.
Vài ngày trước khi phiên tòa sơ thẩm đối với 3 bị can diễn ra, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã cho hay rằng đó là “phiên xét xử kín”. Không có thông tin nào từ nhà chức trách lẫn báo chí nói ra cụ thể là bí mật nhà nước nào đã bị ông Vũ và hai người kia làm lộ.
Ông Phan Văn Anh Vũ, còn có biệt danh là “Vũ Nhôm”, nhận bản án 9 năm tù. Ông Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng Cục trưởng Tình báo, Bộ Công an, đã nghỉ hưu, nhận 7 năm tù. Cựu cán bộ Bộ Công an không rõ cấp bậc có tên Nguyễn Hữu Bách nhận án 6 năm tù.
Sau phiên tòa hôm 30/7, ông Vũ sẽ còn ra tòa ít nhất hai lần nữa vì tội “trốn thuế” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước khi bị nhà chức trách Việt Nam khởi tố hồi cuối năm 2017, ông Vũ, 42 tuổi, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79. Đại gia này từng được coi là “khét tiếng” về “khả năng thao túng” các lãnh đạo cấp cao nhất của Đà Nẵng nhờ mác “thượng tá công an mật”.
Tin tức trong tuần qua trích dẫn các công văn của Đảng Cộng sản cho thấy, hoạt động của ông Vũ còn dính líu tới cả một loạt tướng lĩnh ngành công an, trong đó có Thứ trưởng Bùi Văn Thành.
Hôm 20/7, Bộ Chính trị – nhóm chóp bu nắm quyền lực cao nhất trên thực tế trong đảng – loan báo rằng họ quyết định “đình chỉ mọi chức vụ trong đảng” đối với ông Thành, người còn mang quân hàm cấp trung tướng.
Bộ Chính trị nói ông Thành đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm” tại Tổng cục Hậu cần – Kĩ thuật nơi ông trực tiếp phụ trách.
Ông bị cáo buộc vi phạm các qui định về bảo vệ bí mật nhà nước, kí văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật, và kí một số văn bản không thuộc trách nhiệm được phân công.
Thông báo của Bộ Chính trị cũng cho biết ông đã tự ý kí quyết định cho “Vũ Nhôm” tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị về cấp hộ chiếu ngoại giao cho ông Vũ là không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn.
Những vi phạm của Trung tướng Bùi Văn Thành “gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín” của tổ chức đảng, ngành Công an và cá nhân ông Thành, “gây dư luận xấu và bức xúc trong xã hội”, thông báo của Bộ Chính trị khẳng định.
Bên cạnh tướng Thành, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng còn điểm danh 5 trung tướng khác cũng có sai phạm.
Liên quan đến những bê bối của ông Vũ, bên ngoài ngành công an, vào tháng 4 năm nay, nhà chức trách đã bắt ông Trần Văn Minh, cựu chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng từ năm 2006 đến 2011.
Ông Minh, 63 tuổi, bị cáo buộc đã “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai”.
Cho đến thời điểm này, chưa có thông tin từ nhà chức trách về ngày xét xử ông Minh.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-vu-nhom-linh-an-9-nam-tu-vi-lam-lo-bi-mat-nha-nuoc/4505708.html
Út ‘trọc’ dùng bằng giả để vào Đảng và thăng tiến
Ông Đinh Ngọc Hệ nói trong phiên tòa hôm 30/7 rằng mình là nông dân, dân trí thấp nên mới mua bằng đại học giả, và rằng ông ‘bị vu khống’.
Phiên tòa xét xử ông Đinh Ngọc Hệ, có biệt danh là Út ‘trọc’, dự kiến diễn ra trong hai ngày 30-31/7.
Cùng hầu tòa với Úc ‘trọc’ còn có Bùi Văn Tiệp (cựu sư đoàn trường 367, Quân chủng phòng không không quân), Trần Văn Lâm (tổng giám đốc Công ty Thái Sơn), Trần Xuân Sơn (nguyên giám đốc chi nhánh Bình Dương của công ty Thái Sơn), Phùng Danh Thắm (nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty Thái Sơn).
Thượng tá Đinh Ngọc Hệ bị bắt ngày 21/12/2017 trong vụ án kinh tế liên quan đến Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn.
Ông Hệ nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như khai thác khoáng sản, vận tải hàng hóa, phân phối thức uống, kinh doanh nhà hàng, khách sạn…
Nhưng nổi tiếng nhất là các dự BOT với mức đầu tư lên hàng ngàn tỉ đồng, như dự án cầu Hạc Trì với mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng.
Ông Hệ còn được biết đến là “Út trọc” hay “Út bộ trưởng”, theo Tuổi Trẻ.
Ông Hệ bị truy tố hai tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Việt Nam: ‘Cần cơ chế để dân chống tham nhũng’
‘Út trọc’ Đinh Ngọc Hệ bị điều tra án kinh tế
Mối nguy của kinh tế VN khi bất mãn gia tăng
Tuy nhiên trong phiên xử ngày 30/7 ông Hệ phủ nhận lời khai của các bị cáo khác và phủ nhận nhiều điểm trong cáo trạng của Viện Kiểm sát, theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
Dùng bằng giả để lên chức, vào Đảng CS
Theo cáo trạng được công bố tại tòa, Út ‘trọc’ mua bảng điểm và bằng tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân vào năm 2000 với giá 2,5 triệu đồng.
Nhờ bằng giả này, Út ‘trọc được bổ nhiệm, thăng tiến, nâng ngạch và nâng lương nhiều lần.
Thậm chí, nhờ bằng giả, Úc ‘trọc’ đã lên được tới chức thượng tá, và được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khoảng thời gian từ 2003 – 2012, theo truyền thông trong nước.
“Toàn bộ hồ sơ đảng viên đều thể hiện Đinh Ngọc Hệ tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế quốc dân”, VnExpress cho hay.
Tuy nhiên trước tòa, Đinh Ngọc Hệ nói do “dân trí của bị cáo thấp” nên không nhận thức được việc không đi học mà lại có bằng là vi phạm.
Út ‘trọc’ cũng nói rằng vì mình là ‘nông dân,’ được “một số anh em xã hội” nói rằng “không phải đi học, chỉ cần nộp tiền sẽ có người đi học thay rồi có bằng” nên làm theo, theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
“Bị cáo chỉ sử dụng đến năm 2005 và không sử dụng nữa” – bị cáo Hệ nói.
Tuy nhiên, chủ tọa công bố tài liệu cho hay, trong các năm 2007, 2010, 2012 ông Hệ đã ba lần chứng thực về tấm bằng trên. Trước chứng cứ này, bị cáo Hệ nói “không biết” và cho rằng “việc truy tố là quá khắc nghiệt”, theo VnExpress.
‘Bị vu khống’
Trả lời trước tòa, bị cáo Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn và Bùi Văn Tiệp khẳng định tất cả hoạt động của công ty Thái Sơn đều do Đinh Ngọc Hệ quyết định.
Các bị cáo khai việc thành lập chi nhánh Bình Dương, việc phát hiện 20.000 lít xăng dầu kém chất lượng, đến việc sử dụng xe biển số quân sự và biển xanh 80A ông Hệ đều biết và tự quyết.
Theo cáo trạng được công bố, Út ‘trọc’ Đinh Ngọc Hệ đã xin mua 38 xe ô tô bằng vốn của công ty và đăng ký biển quân sự và biển xanh 80A.
29 xe trong số này Út ‘trọc’ đã chỉ đạo đem đi thế chấp, cho thuê hoặc giao cho cá nhân sử dụng trái quy định, “làm ảnh hưởng uy tín quân đội”.
Cũng theo cáo trạng, Út ‘trọc’ lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp quân đội làm kinh tế quốc phòng, đã câu kết làm giả một số hợp đồng, hợp thức hóa nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng để tránh bị xử phạt, gây thất thu cho ngân sách gần 1,5 tỷ đồng.
Nhưng bị cáo Hệ phủ nhận những cáo buộc của cấp dưới, cho rằng ‘bị vu khống’.
Riêng về việc sử dụng biển xanh và biển quân đội, khi được hỏi có thấy việc này là sai không, ông Hệ nói ‘vẫn thấy đúng’, theo tường thuật của Vietnamnet.
Ông Hệ cũng nói mình ‘từ bên kỹ thuật sang’ nên không biết kinh doanh, ‘chỉ biết ngoại giao’, theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
“Lời khai của các bị cáo với sự việc là hoàn toàn không có chứng cứ, là vu khống, vì thời điểm xảy ra vi phạm, tôi có biết nhưng không chỉ đạo việc gì. Khi thành lập công ty, bị cáo ở bên kỹ thuật, không biết kinh doanh, chỉ biết quan hệ ngoại giao”, ông Hệ nói trước tòa.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45002641
TRANG CHÍNH | TIN TỨC | TIN VIỆT NAM
Kêu gọi trả tự do
cho một công dân Mỹ gốc Việt khác
Một nhóm 5 người được cho biết bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ từ ngày 7 tháng 7 vừa qua với nghi vấn ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ và hiện đang bị giam giữ để điều tra.
Tin mà Đài RFA ghi nhận được cho biết nhóm 5 người bị giam giữ gồm một công dân Mỹ gốc Việt có tên Michael Phương Minh Nguyễn, sinh viên Huỳnh Đức Thanh Bình, ông Huỳnh Đức Thịnh (cha của Huỳnh Đức Thanh Bình), Facebooker Trần Phi Long và Facebooker Thomas Quốc Bảo.
Hiện trên trang mạng www.change.org có kêu gọi ký tên yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Michael Phương Minh Nguyễn, 54 tuổi, một doanh nhân độc lập. Kêu gọi cho biết từ ngày 27 tháng 6 vừa qua, ông Michael Phương Minh Nguyễn về Việt Nam thăm gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, ông này không về theo lịch chuyến bay đã mua vé.
Gia đình của ông này cho biết có liên lạc với phía chính quyền Việt Nam về trường hợp của ông Michael Phương Minh Nguyễn, nhưng bị từ chối xác nhận về tình trạng đang bị giam giữ hay cho biết thông tin liên quan.
Hôm 20/7 vừa qua, Việt Nam đã mở phiên tòa xét xử một công dân Mỹ gốc Việt khác là Will Nguyễn, người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và an ninh mạng hôm 10/6/2018. Việc chính quyền bắt giữ Will Nguyễn đã gây chú ý trong dư luận quốc tế và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo khi đến thăm Hà Nội trước phiên tòa xử Will Nguyễn đã yêu cầu chính quyền Việt nam phải trả tự do cho anh này. Sau phiên tòa, Will Nguyễn đã bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Yếu kém trong thực thi pháp luật hình sự
LS Ngô Ngọc TraiGửi cho BBC từ Hà Nội
Đã hơn nửa năm kể từ ngày một loạt các văn bản pháp luật hình sự mới có hiệu lực. Đó là các luật gồm Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam và Luật tổ chức điều tra hình sự có hiệu lực từ 01/1/2018.
Cộng đồng DN thờ ơ với cải cách tư pháp?
Kinh tế VN: Bài học từ Donald Trump?
Thực tế thì thấy nhiều quy định pháp luật mới tiến bộ vốn được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường tư pháp hiện đại văn minh, giúp nền tư pháp nâng cao khả năng thực thi công lý, nhưng thực tế lại rất chậm trễ được thực hiện.
Ghi âm ghi hình
Bộ luật tố tụng hình sự mới có quy định về việc tiến hành ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can. Đây là quy định tiến bộ có mục đích kiểm soát hoạt động điều tra lấy cung nhằm ngăn chặn các hành vi bức cung nhục hình.
Đồng thời với việc ban hành luật, ngày 27/11/2015 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 110/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự, trong đó Quốc hội giao cho Chính phủ đầu tư kinh phí để bảo đảm việc thực hiện quy định về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can.
Quốc hội cũng giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hoạt động hỏi cung bị can kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
Lộ trình là thế nhưng tới nay khoảng thời gian chuẩn bị đã gần 3 năm, tính đến thời hạn cuối cùng cho việc thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc chỉ còn khoảng 5 tháng nữa.
Vậy nhưng mới đây tôi có dịp vào làm việc tại hai Trại tạm giam số 1 và số 2 của Công an thành phố Hà Nội thì đều không thấy việc lắp đặt các thiết bị ghi âm ghi hình.
Vậy nhưng mới đây tôi có dịp vào làm việc tại hai Trại tạm giam số 1 và số 2 của Công an thành phố Hà Nội thì đều không thấy việc lắp đặt các thiết bị ghi âm ghi hình.
Hai tuần trước tôi cũng có dịp vào làm việc tại Trại tạm giam Cầu Cao của Công an tỉnh Thanh Hóa thì cũng không thấy các thiết bị ghi âm ghi hình trong phòng hỏi cung.
Không biết các nơi khác thế nào, tinh thần tôn trọng thực thi pháp luật ra sao, liệu quy định tiến bộ của Bộ luật tố tụng hình sự có bị vô hiệu trên thực tế?
Môi trường giam giữ
Một quy định mới có tính chất nhân đạo của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam là quy định về chỗ nằm tối thiểu của người bị giam giữ. Theo đó luật mới quy định riêng về chỗ nằm tối thiểu của mỗi người bị giam giữ là 02 mét vuông (m2), được bố trí sàn nằm và có chiếu.
Quy định này thay thế cho tiêu chuẩn trước đây theo văn bản số 13/VBHN-BCA năm 2014 của Bộ Công an ban hành quy chế về tạm giam, tạm giữ. Theo quy định cũ người bị giam giữ được đảm bảo diện tích phòng giam tối thiểu mỗi người là 02 mét vuông nhưng trong đó bao gồm cả chỗ nằm và không gian sinh hoạt.
Vậy nhưng mới đây một bị can tạm giam đang chờ xét xử tại Trại tạm giam Cầu Cao thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, phòng giam chỉ khoảng 10 mét vuông mà giam tới 7, 8 người. Tính ra mỗi người chỉ khoảng hơn một mét vuông cho thấy là quy định mới về đảm bảo chỗ nằm cho người bị giam giữ vẫn chưa được thực hiện.
Trại tạm giam Cầu Cao bị phản ánh là nơi có môi trường giam giữ rất khắc nghiệt. Người bị giam giữ cho biết, trong điều kiện mùa hè tháng sáu nóng bức nhưng nước sinh hoạt thiếu, vài ba ngày mới được tắm một lần, điện thì không có, buồng giam không có quạt.
Những người bị giam giữ phải treo một cái chiếu lên trần nhà, rồi móc dây để hai người cầm hai đầu co kéo đưa đi đưa lại tạo không khí thoáng mát cho buồng giam.
Người bị giam còn cho luật sư biết buồng giam được thiết kế có hai bệ xi măng hai bên và lối đi ở giữa được gọi là ‘Mà’.
Những người trong buồng giam thường phải dùng nước rửa sạch chỗ ‘Mà’ để cho ‘Trưởng buồng’ nằm vì nơi đó mát hơn nằm trên bệ xi măng. ‘Trưởng buồng’ ở đây là người cũng bị giam nhưng được giao quyền quản lý buồng.
Những thông tin đó cho thấy quy định về việc bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người bị giam giữ vẫn bị thực hiện một cách yếu kém.
Ngoài ra theo Luật thi hành tạm giữ tạm giam thì người bị giam giữ có quyền được gặp thân nhân mỗi tháng một lần, được nhận sách báo, được khiếu nại tố cáo những hành vi trái pháp luật.
Nhưng thực tế những quyền này cũng bị vi phạm phổ biến đối với những người bị giam giữ mà tôi biết.
Bộ luật hình sự
Một điểm mới trong Bộ luật hình sự là quy định mới được bổ sung trong điều luật về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Theo đó điều luật này đã bổ sung thêm một khoản xử phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội với mức án chỉ từ 1 đến 5 năm tù, trong khi các đồng phạm khác trong tội này có thể chịu mức án phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Quy định mới đã thay thế cho quy định cũ đánh đồng trộn lẫn không phân biệt hành vi phạm tội và hành vi chuẩn bị, tất cả đều chịu mức án hình phạt nặng như nhau.
Năm 2009 một nhà hoạt động dân chủ là ông Trần Huỳnh Duy Thức cùng ba người khác đã bị bắt xử lý về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong khi những người khác chỉ chịu mức án 3 năm rưỡi, 5 năm, 7 năm thì người ta thành kiến sao đó tuyên ông Thức 16 năm tù.
Suốt từ đó gia đình ông Thức đã liên tục đấu tranh đòi trả tự do cho ông Thức, hàng chục cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức nhân quyền, cùng các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đã thường xuyên lên tiếng hối thúc về bản án bất công của ông Thức.
Đến nay quy định mới của Bộ luật hình sự về tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân tạo hy vọng giúp cho ông Thức được trả tự do.
Vì rằng trong tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, yếu tố cơ bản của tội này là người nào thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong khi ông Thức không tham gia tổ chức nào và ông cũng không thành lập tổ chức nào ngoài một nhóm có tên gọi là Nhóm nghiên cứu Chấn.
Cơ quan an ninh điều tra xoáy vào nhóm này để quy cho ông Thức thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền. Trong khi nhóm này chỉ gồm ông Thức và 4 nhân viên công ty trong đó có 3 người phụ nữ mà vì tính chất ít nghiêm trọng nên đã không bị xử lý hình sự.
Nhóm đó thực chất không phải là một tổ chức vì nó không có tên gọi của một tổ chức, số thành viên ít ỏi, không có nội quy điều lệ tổ chức, không có cơ cấu nhân sự phân cấp trên dưới của tổ chức.
Cái mà khả dĩ nhất có thể quy cho nó thì đó chỉ là tiền thân của một tổ chức chính trị trong tương lai mà thôi.
Như thế xét theo luật mới hành vi của ông Thức sai phạm nếu có chỉ là hành vi chuẩn bị, và hình phạt dành cho ông Thức sẽ nhẹ hơn rất nhiều.
Tới nay ông Thức đã thụ án được hơn 9 năm, gia đình đã gửi đơn đi khắp các cơ quan đề nghị xem xét trả tự do cho ông Thức nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Điều này cho thấy có sự yếu kém trong việc tôn trọng thực thi các quy định pháp luật.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một luật sư hiện đang hoạt động tại Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44968297
Việt Nam: ‘Cần cơ chế để dân chống tham nhũng’
Nỗ lực chống tham nhũng tại Việt Nam tuần qua có các diễn biến mới liên quan tới một số quan chức và cán bộ cao cấp từ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên BBC Nguyễn Hoàng tại Hà Nội, Phó Giáo sư -Tiến sỹ Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư, nói rằng việc chống tham nhũng đang được nhân dân ủng hộ.
“Công cuộc phòng chống tham nhũng có nhu cầu từ cả đòi hỏi của người dân cũng như quá trình tập trung quyền lực của Đảng. Tham nhũng là có từ lâu rồi và dưới các chiêu bài khác nhau.
“Đảng và nhà nước rất muốn dựa vào dân để chống tham nhũng. Tuy nhiên dựa vào dân như thế nào, Tiến sỹ Thọ nói. “Dựa vào dân không phải là từng cá nhân mà phải có những cơ chế. Đó là mặt trận tổ quốc hay xã hội dân sự…thì cái đó chưa rõ”.
Ai cũng mong muốn là phải chống tham nhũng. Nếu mà có được một người như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà có thể tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng này thì tốt hơn một kẻ lên mà lại làm ảnh hưởng sự phát triển của đất nước cũng như người dânPGS-TS Phạm Quý Thọ, Học viện Chính sách và Phát triển
Tiến sỹ Thọ lưu ý rằng hầu hết các đại án đều liên quan tới 5-10 năm trước mà bây giờ mới “có điều kiện” đưa ra ánh sáng.
“Khi nói tới bộ máy chống tham nhũng thì câu hỏi đặt ra là bộ máy đó liệu có trong sạch mà không bị nhiễm từ thời kỳ trước hay không. Tức là bộ máy đó có các cán bộ thuộc về nhiệm kỳ trước và họ có trong sạch không,” ông Thọ nói.
Khi được hỏi về đánh giá của mình với nỗ lực chống tham nhũng từ nay tới Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 13 và hậu Đại hội, ông Thọ nói:
“Ai cũng mong muốn là phải chống tham nhũng. Nếu mà có được một người như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà có thể tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng này thì tốt hơn một kẻ lên mà lại làm ảnh hưởng sự phát triển của đất nước cũng như người dân.
‘Chống tham nhũng chịu sức ép từ nhiều phía’
Đề nghị kỷ luật tướng Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân
VN đối diện với ‘thách thức ngày càng lớn’
VN: Chống tham nhũng cần nhất điều gì?
“Đó là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên nhìn vào thực tế thì có những khó khăn trong việc lựa chọn bởi có những giới hạn trong quy định của Đảng.
“Đó là khống chế về tuổi tác, hai nhiệm kỳ…mặc dù cũng có những ý kiến bàn về việc liệu có thể thay đổi quy chế của Đảng hay không để có lãnh đạo có đủ uy tín đối với dân và trong Đảng.
Tuy nhiên PGS Tiến sỹ Phạm Quý Thọ khẳng định rằng rằng ông vẫn muốn thấy có những thay đổi để người dân kiểm soát chống tham nhũng chứ không phải là từng cá nhân chống tham nhũng.
Báo chí, theo ông Thọ, càng ngày càng là một kênh thông tin và lực lượng rất quan trọng và chúng ta cần đánh giá là mỗi một tin hay một kênh thông tin nào nói ra là cần phải có trách nhiệm từ đó.
PGS – TS Phạm Quý Thọ nói rằng việc chống tham nhũng đang được nhân dân ủng hộ
“Theo tôi quan sát thì các lãnh đạo của các quốc gia trong đó có cả Việt Nam cũng quan tâm tới các kênh “trái chiều” nhằm hoàn thiện về chính sách và thể chế.
“Việc tạm ngưng chưa thông qua Luật Đặc khu vừa qua đã thể hiện động thái này.
Vụ ông Thăng: TBT Trọng ‘chọn đúng đối tượng’
Việt Nam: Quản lý và điều hành DNNN ‘bị lẫn lộn’
Mối nguy của kinh tế VN khi bất mãn gia tăng
Chống tham nhũng ‘vì đạo đức cách mạng’
Tiến sỹ Thọ nói ngay cả việc có những câu hỏi liệu có tham nhũng chính sách trong chiến lược phát triển Đặc khu kinh tế hay không thì hỏi như vậy theo ông cũng là bình thường.
“Theo tôi đó là vì cái này nó gắn liền với bất động sản. Giá bất động sản tại những nơi đã làm cả sân bay và giá nhà đất tăng ầm ẩm trong giai đoạn chuẩn bị đưa ra bỏ phiếu dự luật này.
“Người ta hỏi là ai đứng đằng sau việc tăng giá bất động sản lớn như vậy và đó là câu hỏi mà những nhà quản lý cấp địa phương và trung ương phải lưu ý.
“Chúng ta cũng không nên trách các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đâu có lợi thì người ta làm.
“Nhưng những nhà làm quản lý lãnh đạo chính sách thì phải cân nhắc. Khi anh tung ra chính sách thì phải lường trước được hệ quả này và không để những nhà đầu cơ tác động chính sách và là sai lệch chính sách. Đó là nói trong điều kiện chính sách đó [Luật Đặc khu] là đúng và có tính thuyết phục về khoa học và lòng dân.
PGS Tiến sỹ Phạm Quý Thọ mô tả tham nhũng chính sách là một phần của tham nhũng chính trị nếu tham nhũng chính sách ở mức độ tràn lan.
“Từ quản lý vỉa hè bãi đỗ xe cho tới những chính sách qui mô rất nhạy cảm nếu như bị vận động thì rõ ràng đây là tham nhũng chính trị. Từ cấp phường xã cho tới cấp cao phải xử đại án thì đó là tham nhũng chính trị rồi,” ông Thọ nói.
Phản hồi lại bình luận của Tổng Bí thư Trọng gần đây về nhu cầu cần chống tham nhũng trong khu vực tư nhân, Tiến sỹ Thọ nói:
“Tham nhũng là lợi dụng quyền lưc của mình để cướp của công, tài sản nhà nước.
“Phải hiểu là tư nhân ở đây là các hộ gia đình kinh doanh, các doanh nghiệp và họ là các tác nhân gây ra tham nhũng từ cán bộ quan chức nhà nước bị tha hóa.
“Khu vực này có thể gây ra tham nhũng chính sách từ việc vận đồng hành lang để chuẩn bị luật và thông qua luật. Nói nôm na là họ mua các vị lãnh đạo để cho ra chính sách và triển khai chính sách.
“Tuy nhiên khâu này thì khó phát hiện ngay bởi những cái sai nhiều khi chỉ phát sinh khi thực thi.
“Các nước có hệ thống dân chủ và minh bạch người ta vẫn cho vận động cho việc ra chính sách nhưng có cơ chế thẩm đỉnh, phản biện và ràng buộc để có chính sách đúng.
“Còn tại Việt Nam thì vì không có cơ chế đó cho nên việc xuất hiện những cái biến tướng mà một thời gian rất lâu sau mới hiện ra các vấn đề đó”.
Việc công khai tài sản của cán bộ lãnh đạo, theo Tiến sỹ Thọ, cũng là việc “khó khăn”.
“Sự minh bạch về tài sản cũng khó khăn vì có nhiều cách che đậy tài sản trong quá trình công tác trước thông qua chuyển tài sản qua người quen thân và thậm chí chuyển ra nước ngoài.
“Ngoài ra còn phải nói tới quyền riêng tư cá nhân. Có nhiều thứ tài sản nhiều khi không chứng minh được…. như con tôi chơi chứng khoán ra tiền chẳng hạn,” Tiến sỹ Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư nói với BBC.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44997858
Nga chào bán chiến hạm tên lửa Karakurt
cho Việt Nam
Nga đang mời chào Việt Nam mua loại tàu hộ vệ có trang bị tên lửa mang tên Karakurt, trong tiếng Nga có nghĩa là Con nhện.
Tin này được các một số trang tin trong nước trích dẫn nguồn từ Thông tấn xã Tass của Nga vào ngày 30 tháng 7.
Hãng thông tấn nhà nước Nga trích lời Phó Thủ Tướng Nga, Yuri Borisov, nói với báo giới rằng loại tàu được chào bán có trọng tải lớn, được trang bị vũ khí tốt và quan trọng nhất là có tổ hợp tên lửa hành trình đa năng Kaliber. Ngoài ra tàu Con nhện là một loại tàu có tốc độ nhanh mà giá phải chăng.
Tin cũng cho biết rằng loại tàu Con nhện này đã giúp Hải quân Nga kiểm soát rất tốt các vùng biển ven bờ ở Châu Âu như Biển Đen và Địa Trung Hải. Các tàu này lại có thể hoạt động trong tình trạng thời tiết xấu, và tên lửa Kaliber có thể hạ mục tiêu ở cách xa đến 1000km.
Bảng tin trên của thông tấn xã Tass còn nói rằng trong các quốc gia được chào hàng ngoài Việt Nam còn bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ vốn là khách hàng truyền thống của vũ khí Nga, cùng một số quốc gia châu Á khác.
Hiện nay Việt Nam đã có thêm những nguồn cung cấp vũ khí khác từ phương Tây như Pháp, Israel,… nhưng nguồn cung cấp chính vẫn là Nga.
Riêng tại Nga, tàu hộ vệ Karakurt thuộc Đề án 22800 và Hải Quân Nga sẽ nhận thêm tổng cộng 18 chiến hạm được đóng theo Đề án này. Trong năm nay có hai chiếc đầu tiên thuộc Đề Án 22800 được giao cho Hải Quân Nga.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/russia-vietnam-karakurt-07302018095259.html
Nan giải bài toán ô nhiễm không khí ở Hà Nội
Hà Nội chỉ được hưởng 38 ngày không khí trong lành trong năm 2017 và có 10 ngày không khí sạch vào quý II năm 2018, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 và 2017. Theo thông tin của Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (Green Innovation and Development Centre, GreenID), được Reuters trích dẫn, gần 8 triệu dân của thủ đô Việt Nam, trong năm 2017, phải chịu mức ô nhiễm cao gấp bốn lần so với giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.
Hà Nội bị xếp hạng thứ hai về mức độ ô nhiễm không khí trong số 23 đô thị được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện và Indonesia), chỉ đứng sau thành phố công nghiệp Saraburi của Thái Lan, còn thành phố Hồ Chí Minh đứng hàng thứ tư.
Trả lời RFI tiếng Việt, bà Karine Léger, giám đốc Đối tác và Truyền thông của hội Airparif, tham gia dự án hỗ trợ thành phố Hà Nội cải thiện chất lượng không khí do Cơ quan Phát triển Pháp (Agence Française de Développement, AFD) và sứ quán Pháp tại Việt Nam tài trợ, giải thích về một số nguyên nhân gây ô nhiễm không khí :
“Tất cả các thành phố lớn đều có vấn đề về ô nhiễm không khí, chứ không riêng ở thành phố Hà Nội. Tôi không nói là ở Hà Nội có nghiêm trọng hơn những thành phố khác hay không. Nhưng cũng như các thành phố Paris, Lyon, Marseille của Pháp hay Berlin, Luân Đôn… tất cả đều gặp vấn đề về ô nhiễm không khí, chủ yếu do mật độ dân số cao và tình trạng giao thông.
Ngoài ra, còn phải kể đến một số nguyên nhân khác, có thể không phải ở Hà Nội, như do lò sưởi, hoặc các ngành công nghiệp… Nhưng phải nói là tất cả các thành phố lớn đều bị ô nhiễm không khí và tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, dân số, kích thước thành phố và các biện pháp được triển khai để giảm ô nhiễm”.
Khoảng 7 triệu người chết hàng năm vì ô nhiễm không khí
Hàng năm, ô nhiễm không khí khiến khoảng 7 triệu người chết và gây ra 3,2 triệu ca tiểu đường trên thế giới. Khoảng 95% dân số toàn cầu đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép.
Liên quan đến Việt Nam, Ngân hàng Thế giới cảnh báo : “Các thành phố lớn ở đồng bằng sông Hồng đặc biệt là Hà Nội, có nồng độ bụi PM2.5 lên đến mức độ nguy hiểm, tác nhân gây ra bệnh đường hô hấp, mắt, da… là ẩn họa đối với người dân đô thị”.
Tùy vào nồng độ và thành phần của hạt bụi mà sức khỏe của con người chịu các hậu quả nghiêm trọng khác nhau, theo giải thích của bà Karine Léger :
“Tình trạng ô nhiễm không khí chủ yếu liên quan đến các vấn đề về tim mạch và hô hấp do có các phân tử gây ô nhiễm. Tùy theo kích thước của chúng, các phân tử này có những tác động khác nhau đến cơ thể. Ví dụ PM10là các phân tử rất rất nhỏ, chỉ lớn hơn bụi PM2.5một chút, ảnh hưởng chủ yếu đến phổi. Các phân tử này càng nhỏ thì càng vào sâu được trong cơ thể. Hạt bụi PM2.5, vô cùng nhỏ, có thể đi vào máu và gây ra các vấn đề về nhịp tim và tim mạch. Hiện chúng tôi chú ý hơn đến những phân tử còn nhỏ hơn thế, vẫn được gọi là “hạt bụi siêu nhỏ”, có thể tác động đến cả ADN.
Các hạt bụi siêu nhỏ này có thể lọt qua lỗ mũi, xuyên sâu vào hệ thống hô hấp, tim mạch. Tùy thuộc vào cấu tạo mà chúng gây ra các bệnh khác nhau, ví dụ như bụi siêu nhỏ diesel thì gây ung thư. Vì vậy, thách thức không chỉ nằm ở chỗ kích thước mà còn ở thành phần cấu tạo của phân tử.
Ngoài các hạt bụi nhỏ mịn, còn phải kể đến một số loại khí gây ung thư, một số khác thì gây ngứa ngáy và rát như khí ôzôn. Ý tôi muốn nói là ô nhiễm không khí gây rất nhiều hệ quả khác nhau đến sức khỏe con người. Ô nhiễm không khí cũng có thể gây ra các loại dị ứng. Việc phấn hoa bị ô nhiễm còn gây dị ứng nghiêm trọng hơn, thậm chí gây các cơn hen suyễn nhiều hơn, không phải do mỗi phấn hoa mà còn do ô nhiễm”.
Lắp thiết bị quan trắc chất lượng không khí để có giải pháp thích ứng
Theo cảnh báo năm 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ lọt vào nhóm các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới nếu không có các biện pháp ngăn ngừa thích hợp.
Thực ra, vào tháng 04/2016, thành phố Hà Nội đã ký “Thỏa thuận Đối tác nhằm cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội” với Sứ quán Pháp tại Việt Nam. Trong khuôn khổ thỏa thuận này, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã huy động nguồn tài trợ từ Quỹ Nghiên cứu và Tăng cường Năng lực (Fonds d’Etudes et de Renforcement des Capacités, FERC) và giao cho Hiệp hội Airparif, chuyên theo dõi và cung cấp thông tin về chất lượng không khí ở vùng Ile-de-France (gồm cả thủ đô Paris), việc thẩm định về quy mô và tính tối ưu của hệ thống quan trắc và giám sát chất lượng không khí ở Hà Nội. Bà Karine Léger giải thích :
“Thỏa thuận này hướng đến việc hỗ trợ cho phát triển các hệ thống theo dõi chất lượng không khí ở Hà Nội. Thỏa thuận song phương được cả chủ tịch thành phố Hà Nội, Sứ quán Pháp tại Việt Nam và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ủng hộ.
Kết luận đầu tiên nêu rõ cách tối ưu đối với Hà Nội là lắp đặt khoảng 40 trạm đo mức độ ô nhiễm không khí. Hệ thống này cho phép theo dõi tình trạng ô nhiễm từng giờ và trong suốt cả năm đối với các chất gây ô nhiễm, không nhất thiết là chỉ mỗi hạt bụi mịn, mà còn có cả khí, như khí điôxít nitơ do các phương tiện giao thông thải ra.
Phương pháp này giúp thông tin cho người dân, đồng thời kiểm tra các quy định có được tuân thủ hay không và theo dõi diễn tiến của tình trạng ô nhiễm không khí để thành phố có thể kịp thời hành động, phê chuẩn các biện pháp hoặc đánh giá tác động của các hoạt động đó đối với việc giảm bớt tình trạng ô nhiễm”.
Dự án đã kết thúc vào cuối năm 2017 và kết quả được thông báo trong một hội thảo do thành phố Hà Nội và Sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày 19/10/2017. Theo bà Karine Léger, dự án lập trạm quan trắc chất lượng không khí là hoàn toàn khả thi ở Hà Nội, theo kinh nghiệm của thủ đô Paris :
“Dự án này mang tính khả thi rất lớn. Ở Paris có 70 trạm quan trắc mức độ ô nhiễm. Thực ra, việc giám sát chất lượng không khí cần kết hợp nhiều công cụ khác nhau tùy theo thách thức, như mật độ giao thông, điều kiện khí hậu. Có nghĩa là chúng tôi cùng lúc có các trạm quan trắc đúng quy chế, chúng tôi cũng có các dụng cụ cho phép lập biểu đồ, bản đồ dự báo chất lượng không khí, đo lường hiệu quả của các biện pháp đối với việc giảm ô nhiễm.
Chúng tôi cũng có các biện pháp đo lường giúp bao quát được cả một khu vực đang gặp một vấn đề đặc biệt, có thể là một khu vực đặc biệt ô nhiễm, hoặc khu vực có những chất gây ô nhiễm đặc thù do hoạt động công nghiệp gây ra. Nhờ đó, chúng tôi có thể lập được những bản đồ rất chi tiết.
Quá trình hỗ trợ của chúng tôi với thành phố Hà Nội là đưa ra các đề xuất để có được một hệ thống tối ưu về giám sát và thông tin cho Hà Nội. Đó là công việc rất cụ thể, thực tiễn và không mang tính nghiên cứu”.
Chương trình “Chất lượng sống/Chất lượng thành phố Hà Nội” (2018-2020)
Sau trạm quan trắc của Sứ quán Mỹ, của tổng cục Môi trường, trong nửa đầu năm 2018, Hà Nội đã lắp thêm 10 trạm quan trắc không khí, gồm hai trạm cố định và 8 trạm cảm biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số lượng trên vẫn chưa đủ, chưa phản ánh đầy đủ hiện trạng ô nhiễm không khí của thành phố. Vì vậy, Hà Nội dự tính lắp thêm 70 trạm mới trong thời gian tới nhưng tiến độ thực hiện dự án hiện đang chậm do cần huy động nguồn vốn lớn.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 loại bỏ bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ trên cánh đồng… Song song đó là nâng cao năng lực nhận thức về ô nhiễm không khí và sức khỏe môi trường, hỗ trợ các sáng kiến và giải pháp của thanh thiếu niên, trường học và cộng đồng về việc cải thiện môi trường sống.
Kinh nghiệm, giải pháp, công nghệ và hỗ trợ của Pháp một lần nữa được đoàn cán bộ thành phố Hà Nội tham khảo tại buổi tọa đàm về chủ đề “Hà Nội – phát triển đô thị bền vững” được tổ chức tại Paris ngày 26/06/2018. Bà Karine Léger cho biết thêm :
“Có một dự án mới đang thành hình trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France vì vùng Ile-de-France là một đối tác hợp tác phi tập trung với Hà Nội từ nhiều năm nay.
Những thách thức ưu tiên đã được chủ tịch thành phố Hà Nội và chủ tịch vùng Ile-de-France, bà Valérie Pécresse, nêu lên : đó là những thách thức về ô nhiễm không khí, thách thức về rác thải, di sản lịch sử… Quá trình hợp tác mới này sẽ đưa ra một dự án mới về chất lượng sống và chất lượng của thành phố. Trong đó có một khía cạnh liên quan đến không gian xanh, một về xử lý rác thải và một về tình trạng ô nhiễm không khí”.
Theo thông cáo báo chí của vùng Ile-de-France, chương trình “Chất lượng sống / Chất lượng thành phố Hà Nội” nhằm cải thiện môi trường đô thị được triển khai từ 2018 đến 2020. Trong thời gian này, kinh nghiệm, chuyên môn của Viện Quy hoạnh và Đô thị vùng Ile-de-France (IAU), hội Airparif, cùng với nhiều công ty sáng tạo vùng Ile-de-France sẽ được huy động để giúp Hà Nội lập dự án quy hoạch đô thị bền vững. Chi phí dành cho dự án là 1 triệu euro, do vùng Ile-de-France và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tài trợ, cùng với hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Pháp.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180730-nan-giai-bai-toan-o-nhiem-khong-khi-ha-noi