Tin Việt Nam – 29/12/2017
Chín người bị án tù với cáo buộc lật đổ
Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Định vào ngày 28 tháng 12 vừa qua tuyên phạt 9 người tổng cộng 83 năm tù giam với các cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ và ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Mạng báo Zing.net loan tin cho biết nhóm bị buộc tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam gồm Huỳnh Hữu Đạt, 47 tuổi ở Bình Định, Tạ Tấn Lộc, 42 tuổi ở Sài Gòn, Nguyễn Quang Thanh, 34 tuổi ở Quảng Nam, Nguyễn Văn Nghĩa 39 tuổi ở Tiền Giang, Nguyễn Văn Tuấn 33 tuổi ở Thái Bình.
Nhóm bị buộc tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ gồm Phạm Long Đại, 21 tuổi ở Gia Lai, và ba người ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định gồm Đoàn thị Bích Thủy, 45 tuổi, Trương thị Thu Hằng, 33 tuổi, Trần thị Bích Ngọc, 23 tuổi.
Hai người bị tuyên án cao nhất 14 năm tù là Nguyễn Quang Thanh và Tạ Tấn Lộc. Huỳnh Hữu Đạt chịu 13 năm tù. Các bị cáo còn lại chịu mức án từ 3 đến 12 năm tù.
Ngoài ra tòa còn tuyên hình phạt quản chế 3 năm sau khi thi hành xong án tù.
Theo cáo trạng thì vào ngày 16 tháng 2 năm ngoái, Huỳnh Hữu Đạt cùng các thành viên khác in và tiến hành rải truyền đơn tại thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nội dung truyền đơn bị cho là chống phá đảng và nhà nước Việt Nam hiện nay.
Những điều khoản 88, 79 trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam lâu nay bị các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là mơ hồ, được chính phủ Hà Nội vận dụng nhằm trấn áp những tiếng nói bất đồng.
Đưa thanh niên trấn áp dân ngăn cản thi công cầu
UBND huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh hôm 29/12 ra quyết định đình chỉ thi công cầu Hải Thượng Lãng Ông tại địa phương này. Lý do vì xảy ra giằng co giữa hàng chục thanh niên bịt mặt và người dân phản đối việc xây cầu bởi cho rằng đền bù chưa thoả đáng.
Sự việc được ghi nhận trong 1 đoạn video gần 16 phút lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hơn 20 người đeo khẩu trang đen, đội mũ lưỡi trai, đã kéo nhiều phụ nữ, đàn ông ra khỏi nơi đang thi công cầu Hải Thượng Lãng Ông bắc qua sông Ngàn Phố, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Quang cho biết những người phản đối thuộc 2 hộ dân ở xóm Bảo Thượng, là gia đình ông Trần Văn Ngọ và Dương Văn Hồng.
Cũng theo lời ông Dũng, 20 thanh niên bịt mặt đó là nhóm xã hội đen do đơn vị thi công đưa đến để ngăn cản người dân phản đối.
Tuy nhiên, trả lời phóng viên của báo Thanh Niên, ông Lê Văn Lợi, giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Dũng Lợi, đơn vị chủ thầu cho hay nhóm người bịt mặt đó là công nhân của công ty, do công ty điều đến để bảo vệ công trình.
Tình trạng những thành phần lạ mặt, hung hãn ra tay đối với người dân phản đối cưỡng chế đất hay thi công khi chưa có thỏa thuận giữa đôi bên… xảy ra tại nhiều nơi trong thời gian qua. Người dân cho rằng thành phần ra tay là ‘xã hội đen’ và cả lực lượng chức năng mặc thường phục; tuy nhiên phía cơ quan chức năng bác bỏ điều đó.
Hành trình Biển Hồ 2: Số phận không bến bờ
Từ Kampong Chhnang, mất 4-5 giờ lái xe để đến xã Chong Kneas, Siem Reap. Sau đó, chúng tôi phải đi bè khoảng 10 phút mới tới khu nhà nổi của người gốc Việt, tách biệt khỏi khu chợ trong bờ, đông người Khmer sinh sống.
Chúng tôi gặp gỡ khoảng 10 người dân ở đây. Cuộc trò truyện trong căn nhà tuềnh toàng toát lên nỗi niềm chung mà chúng tôi từng nghe từ gia đình ông Mạnh, ông Nam ở Kampong Chhnang.
Dân cáo buộc ‘chính quyền làm tiền, ức hiếp’
“Sống từ trước giờ từ 74-75 tụi tôi về Việt Nam, rồi năm 80-81 trở về đây trên Miên này lại, hồi đó ông bà ở trên này, chôn trên này, ở đây thăm xương cốt, làm ăn ở đây. Hồi trước chính quyền nó dễ dàng, không có làm tiền như bây giờ. Giờ chính quyền khó khăn quá,” ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Người dân cáo buộc ông Sáu Đầy, tức ông Võ Văn Đầy, phó chủ tịch tỉnh hội Hội người Việt ở Siem Reap cùng ông Đỗ Văn Thanh “ức hiếp, bắt bớ người dân”.
“Từ khi ông Đầy này lên, không giúp gì được cho bà con. Bà con rất là gian nan vì ông Đầy này,” ông Châu Văn Chi, một người dân Chong Kneas, nói trong sự hưởng ứng gật gù của những người dân còn lại.
Sau đó người dân cho phóng viên chúng tôi thấy hai ba tập tài liệu lưu trữ hàng chục đơn tường trình, đơn khiếu nại từ hơn 20 năm chục qua.
Nhiều lá đơn tường trình các vụ việc sai phạm, bắt bớ. Có tờ đơn tới hàng chục người dân lăn tay đỏ.
Hành trình Biển Hồ 1: Bấp bênh với sóng gió
Vẫn lo về giấy cư trú người Việt ở Campuchia
Campuchia: Chuyện ‘tước quốc tịch’ dân gốc Việt
Campuchia ‘tước quyền công dân 70.000 người gốc Việt’
Trường học mang tính hình thức, là tụ điểm cho nhà hảo tâm?
Ở Chong Kneas có một số trường học, trong đó đặc biệt là trường học tình thương do Quân khu 7 xây dựng ngay trong khu nhà thuyền nổi của người Việt.
Tuy nhiên người dân mà tôi tiếp xúc phản ánh rằng trường học hoạt động như một tụ điểm thu hút nhà hảo tâm hơn là đầu tư vào việc dạy học.
“Trường học này để kinh doanh mà thôi mà không dạy con em gì đâu, chỉ là để các nhà hảo tâm đến đưa tiền chia nhau ăn.
Vậy đi học thì có tốn tiền không? Tôi hỏi.
“Học không đóng tiền, nhưng tốn tiền đò rồi để cho nó làm từ thiện. Nó bảo các nhà hảo tâm, nó nuôi 300 em học sinh, hảo tâm nghe êm quá. Nó có nuôi mà nuôi phần nào thôi,” ông Chi cho biết.
“Tụi tôi sống trong vùng chiến tranh đã dốt rồi, giờ muốn cho con đi học chữ, học mà không biết chữ thì cũng làm cái gì đâu,” ông Chi nói thêm.
Mong nhà nước VN, Campuchia chọn ‘người có tài, có đức’ giúp dân
Khi được hỏi liệu họ đã phản ánh các vấn đề này và giấy tờ tường trình với chính quyền và tổng hội để giải quyết chưa, một người dân xin giấu tên cho biết: “Họ không có giúp đỡ gì hết. Họ có cấm tụi tôi làm mấy đơn này. Đây là tụi tôi làm lén đó. Họ nói nếu làm thì sẽ bắt tôi bỏ tù.”
Phương án quay về Việt Nam cũng không khả thi đối với nhiều người dân.
“Về Việt Nam làm sao mà về, làm sớm mai ăn chiều, hết rồi, làm chỉ đủ ăn. Về không có miếng đất, không có nhà sao ở. Nhà nước Việt Nam có lệnh kéo về là đi liền, kẹt là anh em chúng tôi không có tiền,” ông Chi nói.
“Nghề cá nó vô chừng. Một năm trúng vài ngày, còn lại đủ sống qua ngày, bữa nay 30-40 ngàn, bữa sau 20-30 ngàn Riel (1000 Riel bằng khoảng 5.500 VND). Có khi chạy lỗ xăng, giông gió…”
Tôi cũng mong muốn nhà nước Việt Nam, Campuchia phối hợp thay đổi thầy giáo mới, có đức dạy cho các em học sinh, để đám này dạy hoài thì nó vẫn dốt như trước thôi.Ông Châu Văn Chi, Người dân Chong Kneas
“Anh em sống là nhờ cái chi hội. [Trái] phải gì cũng phải nhờ chi hội can thiệp. Mà chi hội không can thiệp, chỉ chờ đón khách hảo tâm để chia tiền. Mà đâu phải gần đây, gần 20 năm nay rồi, anh em chúng tôi sống rất gian nan.
“Tôi cũng mong muốn nhà nước Việt Nam, Campuchia phối hợp thay đổi thầy giáo mới, có đức dạy cho các em học sinh, để đám này dạy hoài thì nó vẫn dốt như trước thôi.”
“Tôi chỉ mơ ước nhà nước Campuchia và Việt Nam hợp tác dẹp người ác, còn người có đức có tài, để anh em sống bình yên. Còn nếu cứ để cái chi hội này hoài, bầu lên những người ác độc thì sẽ đi về Việt Nam nữa,” ông Chi nói.
“Tức quá về Việt Nam ăn xin cũng đi nữa,” bà Hà, một người dân cũng có mặt hôm đó, tiếp lời.
Hôm 27/12, ông Châu Văn Chi cho chúng tôi biết thêm về các cáo buộc của người dân về ông Đầy và ông Thanh, Chủ tịch Tổng hội Người Campuchia gốc Việt:
“Tôi nghĩ mấy người cũng là người dân bình thường. Với vai trò của hội sao có quyền mà bắt người, làm tiền bà con được đâu. Thông tin này phải xem xét lại.”
Nếu thành viên tổng hội thực sự vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào? Tôi hỏi.
Ông Chi đáp: “Tùy theo mức độ nặng nhẹ như thế nào, tùy theo điều lệ. Những anh em tham gia công tác của hội mà có sơ suất, làm những việc không đúng quy chế của hội sẽ bị nhắc nhở lần thứ nhất. Đến lần thứ nhất không sửa chữa thì xóa tên trong danh sách cán bộ hội. Còn sai với luật pháp thì có chính quyền cơ quan ban ngành có thẩm quyền xử lý đúng theo pháp luật.”
Khi được hỏi về hàng trăm lá đơn tường trình và khiếu nại của người dân về các vụ việc sai phạm xảy ra từ 20 năm nay, ông Chi nói:
“Nếu bà con có sự việc gì không đúng thì nên làm tường trình kiến nghị gửi lên các cấp hội, theo điều lệ dưới sự chỉ đạo của tập thể ban chấp hành. Kể cả chủ tịch, phó chủ tịch mà làm sai thì theo điều lệ hội ban chấp hành sẽ có những biện pháp xử lý.”
“Ông Đầy chỉ là một phó chủ tịch của tỉnh. Ban chấp hành thì trên 10 người lận. Ở Siem Reap thì có văn phòng của tỉnh hội. Nếu bà con khiếu nại khiếu kiện lên ông Võ Văn Đầy mà ông không nhận thì bà con có thể mang lên chỗ văn phòng của tỉnh hội, thì tỉnh hội người ta sẽ xác minh lại rồi người ta xem có đúng không nếu bà con đúng thì sẽ có ủy ban thường trực cấp tỉnh để có giải quyết.”
“Nếu ủy ban thường trực ở tỉnh hội đó không giải quyết, thì chuyển cái đơn đó lên cho tổng hội thì tổng hội sẽ giải quyết.”
Còn về trường học cho các em nhỏ thì ông Chi cho rằng người dân đã không nắm rõ tình hình tài chính của hội:
“Hội ta thì hiện không có nguồn tài trợ nào mà hội ta là tự tạo, tự lập ra để làm sao tập hợp được bà con, tuyên truyền vận động tốt theo luật pháp Campuchia, xây dựng trường lớp dạy tiếng Khmer, tiếng việt chỉ để là mục đích là để xoá nạn mù chữ.”
“Điều kiện hoàn cảnh của hội chưa có để thành lập trường chính quy được, chỉ có tại Phnom Penh có một điểm trường là cấp tiểu học. Còn ở các tỉnh chỉ mở ra các lớp học hỗ trợ con em xoá nạn mù chữ. “
“Tuy được sự hỗ trợ của quân khu 7 xây dựng trường và giao lại cho tỉnh hội thì trách nhiệm của tỉnh hội là trả lương cho giáo viên và chăm cho khoảng mấy trăm cháu ăn và ăn ba bữa một ngày. Nếu không có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp mà chỉ là khách tham quan thì ta không có một nguồn nào khác để nuôi giáo viên, lo cho các cháu ăn ba buổi.”
Ông Chi cho biết, đôi lúc không đủ nguồn tài trợ thì phải đi vận động ở Phnom Penh để tiếp tục.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42509193
Nhìn lại vụ Đồng Tâm:
Bài học về sức phản kháng của người dân
Tức nước vỡ bờ
Vụ việc có thể khái quát như sau: mảnh đất hơn 100 ha tại Đồng Sênh, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội theo chính quyền là đất quốc phòng và đòi thu lại cho Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Trong khi đó người dân lại nói chỉ có một phần đất là của quốc phòng, còn lại là đất nông nghiệp của họ.
Vào tháng 4 cơ quan chức năng nói mời đại diên người dân đến để đo đất; nhưng sau đó xảy ra việc bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm và gây thương tích cho một cụ già trong quá trình bắt giữ. Bức xúc trước cách hành xử của phía lực lượng chức năng mà người dân cho là bất chấp luật pháp, phi nhân; người dân Đồng Tâm đã trả đũa bằng cách giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin từ ngày 15 đến ngày 22 tháng tư.
Đích thân ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà Nội phải về tận thôn Hoành để đối thoại với người dân và viết một bản cam kết trong đó có một nội dung là sẽ không khởi tố người dân Đồng Tâm.
Vụ việc gây xáo động dư luận một thời gian dài trước khi cơ quan chức năng công bố kết luận thanh tra chính thức khu đất tranh chấp với nội dung là khu đất đó là đất quốc phòng.
Bản kết luận tiếp tục khiến người dân phẫn nộ và yêu cầu thanh tra lại. Cho đến tận bây giờ, những căng thẳng giữa hai bên vẫn chưa nguôi ngoai, dân thì không chấp nhận kết luận thanh tra, còn cơ quan chức năng coi kết luận đó là văn bản chính thức, đất là của quốc phòng không còn gì chối cãi.
Sau khi kết luận thanh tra đất được công bố, công an Hà Nội liên tục có các động thái khiến nhiều người dân Đồng Tâm càng thêm bức xúc chẳng hạn như gửi giấy triệu tập đến cả trăm người dân, và thậm chí là kêu gọi họ ra đầu thú.
Tòa án Hà Nội cũng đã từng xét xử những quan chức và cựu quan chức có sai phạm liên quan đến đất đai ở Đồng Tâm, nhưng người dân Đồng Tâm nói với RFA rằng đó chỉ là một chiêu thức xoa dịu dư luận bởi vì những quan chức này không hề liên quan đến khu đất đang tranh chấp, mà là một khu đất khác.
Quyết định khởi tố vụ việc bắt giữ người trái phép và phá hoại tài sản ở xã Đồng Tâm mà phía công an đưa ra cũng khiến không chỉ người dân Đồng Tâm mà nhiều người quan tâm theo dõi cho rằng đó là một sự bội ước, thất hứa từ phía chính quyền, mà đại diện là ông chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Anh Trịnh Bá Phương, cũng là một người đang khiếu kiện đất đai tại Dương Nội, quận Hà Đông, nhận định cuộc khủng hoảng Đồng Tâm là một minh chứng cho sức trỗi dậy của người dân khi quyền lợi chính đáng của họ bị xâm phạm một cách trắng trợn:
Vụ việc Đồng Tâm cũng là một bài học cho nhà cầm quyền Hà Nội khi mà hàng loạt cảnh sát cơ động, công an bị bắt giữ, đó là một bài học cho thấy sự phẫn nộ của người dân đã lên đến đỉnh điểm. Trong tương lai sẽ còn xảy ra nhiều vụ Đồng Tâm nữa, những người dân Việt Nam phải chịu ảnh hưởng bởi chính sách thu hồi đất, cướp đoạt đất đai của Nhà nước Cộng sản lên đến cả chục triệu người.
Trong tương lai sẽ còn xảy ra nhiều vụ Đồng Tâm nữa, những người dân Việt Nam phải chịu ảnh hưởng bởi chính sách thu hồi đất, cướp đoạt đất đai của Nhà nước Cộng sản lên đến cả chục triệu người.
– Anh Trịnh Bá Phương
Tháng trước, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Đồng Tâm bà Nguyễn Thị Lan đã bị bãi nhiệm với lý do là không làm tròn trách nhiệm của một người đứng đầu. Khi buổi bãi nhiệm diễn ra, hàng trăm người dân đã đứng ở bên ngoài trụ sở để “đón bà Lan về với dân” vì họ cho rằng bà là một người luôn đứng ra bảo vệ người dân giữa những căng thẳng xảy ra bấy lâu nay.
Còn đối với luật sư Hà Huy Sơn, người từng bào chữa nhiều vụ kiện tụng đất đai cho dân oan, thì vụ Đồng Tâm cho thấy một phần lỗi rất lớn của cơ quan chức năng:
Người dân thì không hiểu biết gì nhiều. Người ta chỉ thấy ai có cương vị, chức vụ, quyền hạn mà không cần biết họ là bên tư pháp hay hành pháp và người ta coi đó là tiếng nói của pháp luật.
Trong sự việc này có sự bất nhất từ khi ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung về tuyên bố rằng không khởi tố người dân thì dân hiểu rằng không có chuyện gì nữa. Nhưng nay cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát lại chiếu theo quy định của pháp luật lại khởi tố vụ án.
Tôi cho rằng trách nhiệm cuối cùng vẫn là cơ quan Đảng. Tại vì trong hiến pháp điều 4 nói rằng Đảng lãnh đạo tất cả mà lại để cho cơ quan hành pháp là ông Chung nói như vậy, còn cơ quan tư pháp lại nói khác đi.
Đầu tháng 11 vừa qua, trong một bài phát biểu trước Quốc hội và ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Dương Trung Quốc, tỉnh Đồng Nai đã nêu lên những nguyên nhân khiến vụ việc ở Đồng Tâm chưa thể kết thúc cũng như những bài học cho giới lãnh đạo qua sự việc này. Bài phát biểu của ông đã thu hút nhiều sự quan tâm và đồng tình của người dân, chúng tôi xin trích một đoạn như sau:
Chúng ta đã khởi tố những người dân Đồng Tâm vi phạm nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân bất hợp pháp hoàn toàn vẫn đứng ngoài pháp luật.
Tôi cho rằng chúng ta phải rút ra bài học để Đồng Tâm không còn là một vụ việc tiêu cực mà góp phần làm những việc tương tự không còn lặp lại nữa.
Câu chuyện Đồng Tâm rồi đi về đâu?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người từng đưa ra nhiều hiến sách để cải thiện luật đất đai hiện hành ở Việt Nam nói rằng chừng nào Việt Nam còn chưa hạn chế quyền của Nhà nước trong việc thu hồi đất thì những sự việc đáng tiếc như Đồng Tâm sẽ còn diễn ra:
Riêng cá nhân tôi rất muốn gỡ bỏ điều trong luật hiện nay nói là nhà nước, trong những lý do thu hồi đất, thì có lý do là những dự án phát triển kinh tế xã hội khác, vì cái đó nó quá rộng, không làm rõ các dữ liệu khác nhau nên dẫn tới tình trạng thu hồi đất thuần nông của dân rồi giao cho một ông doanh nghiệp khác để làm. Người dân được đền bù một thì đối với ông doanh nghiệp giá đất sau đó có thể lên đến cả trăm lần. Từ đó gây nên những chuyện khiếu kiện đất đai tràn lan ở Việt Nam. Chuyện đất đai trở thành một trong những điều bất công nhất ở Việt Nam hiện nay.”
Luật sư Hà Huy Sơn cũng cho rằng cuộc khủng hoảng Đồng Tâm chỉ là một ví dụ về hậu quả của luật đất đai hiện tại:
Tôi nghĩ Đồng Tâm cũng như chuyện của cả nước thu nhỏ lại thôi. Luật đất đai hiện hành là một bất công lớn ảnh hưởng đến người nông dân. Cho nên, chuyện lòng dân không yên cũng là tất nhiên thôi.
Luật đất đai hiện hành là một bất công lớn ảnh hưởng đến người nông dân.
– Luật sư Hà Huy Sơn
Một báo cáo nghiên cứu của hai Tổ chức tư vấn TMP Systems và Rights and Resources Initiative, trụ sở tại Anh Quốc, vừa được công bố cho thấy khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là điểm nóng về tranh chấp đất đai trên thế giới.
Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường hồi tháng 7 vừa qua cho biết trong tổng số hơn 1.500 lượt đơn khiếu nại trong nửa đầu năm 2017, có đến hơn 95% liên quan đến vấn đề đất đai.
Khi được hỏi rằng luật đất đai ở Việt Nam chưa có dấu hiệu sẽ được thay đổi, vậy thì câu chuyện Đồng Tâm rồi sẽ đi về đâu, anh Trịnh Bá Phương, người cũng đang hợp tác chặt chẽ với nhiều người dân Đồng Tâm đấu tranh đòi lại đất, đưa ra dự đoán:
Người dân vẫn đang cương quyết giữ mảnh đất của mình. Trong tương lại tôi cũng chưa biết kết quả sẽ đi đến đâu nhưng tôi tin rằng người dân Đồng Tâm sẽ có thể bảo vệ được mảnh đất của mình và phía nhà cầm quyền sẽ phải nhượng bộ trước tinh thần của người dân Đồng Tâm.
Trong một cuộc trao đổi gần đây giữa RFA và cụ Lê Đình Kình, một trong 4 người dân Đồng Tâm bị bắt giữ hồi tháng 4, cụ Kình đã khẳng định rằng dân Đồng Tâm sẽ quyết tâm bảo vệ đất đai đến cùng cho thế hệ mai sau, dù có phải đổ máu đi chăng nữa.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dong-tam-a-lesson-on-peoples-protestation-12282017115527.html
HRW chỉ trích nhóm tác chiến trên mạng
của quân đội Việt Nam
Hãng tin AFP dẫn phát biểu của ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Châu Á của Human Rights Watch, rằng lực lượng tác chiến trên mạng của quân đội Việt Nam là một chiều kích gây sốc mới trong chiến dịch của Hà Nội nhằm trấn áp đối lập.
Giới quan sát dự báo rằng những chiến binh mạng đó sẽ leo thang chiến dịch trên mạng chống lại giới hoạt động tại Việt Nam. Một số khác nhận định đó là chiến thuật của Hà Nội nhằm đè bẹp các tiếng nói chỉ trích đảng và nhà nước.
Vào ngày 25 tháng 12 vừa qua, tại hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân đội Việt Nam, công bố rằng hiện nhân sự của ‘Lực Lượng 47’ gồm hơn 10 ngàn người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng. Ông tướng này cho biết thêm những người này ‘vừa hồng, vừa chuyên’, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao.
Đại diện khu vực Đông Nam Á của tổ chức Bảo vệ Nhà Báo, CPJ, ông Shawn Crispin, phát biểu với AFP rằng đây là động thái mới nhất của phía chức năng Việt Nam trong chiến dịch bằng mọi giá hạn chế Internet.
Theo ông Shawn Crispin thì khi mà cơ quan chức năng Việt Nam chưa thể cấm hẳn Facebook, Instagram và những công cụ mạng xã hội như thế; thì họ gia tăng áp lực và áp dụng biện pháp đối phó.
Vào đầu năm 2017, giới chức Việt Nam từng yêu cầu Facebook và YouTube gỡ bỏ những nội dung mà phía Hà Nội cho là ‘độc hại’.
Tổ chức Freedom House vừa qua xếp hạng Việt Nam là quốc gia không có tự do Internet, chỉ đứng sau Trung Quốc tại Châu Á mà thôi. Hoa Lục cấm mạng xã hội; còn Hà Nội theo dõi chặt chẽ mọi động thái trên mạng của giới hoạt động.
Từ sau đại hội đảng vào đầu năm 2016, cũng như trong năm 2017, chính phủ Hà Nội tiến hành chiến dịch bắt bớ mạnh tạy đối với những tiếng nói bất đồng chính kiến và tuyên những bản án nặng cho một số trong giới này.
Công bố sai phạm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam
Ngày 29 tháng 12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận kiểm tra sai phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam và ông Lê Phước Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Theo nội dung bản kết luận, ban cán sự Đảng tỉnh này đã vi phạm nguyên tắc về dân chủ và nhân sự. Cụ thể, đã xét tuyển, bổ nhiệm, luân chuyển nhân sự không qua thi tuyển mà ưu ái người nhà.
Ông Lê Phước Thanh, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 bị cho là phải chịu trách nhiệm để xảy ra những sai phạm tại tỉnh này, với cương vị là người đứng đầu. Ngoài ra, ông Thanh cũng vi phạm các nguyên tắc về dân chủ và tuyển nhân sự. Kết luận kiểm tra nêu rõ là ông đã bổ nhiệm sai quy trình con trai mình là ông Lê Phước Hoài Bảo, và cho con trai ông đi học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định.
Cũng theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng bổ nhiệm con trai ông vào vị trí lãnh đạo sai quy trình.
Còn ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch tỉnh thì được nói là đã vi phạm quy định Nhà nước về công tác cán bộ. Ông Toàn đã tuyển dụng nhiều nhân sự không đủ tiêu chuẩn và trong đó có một số người là con cán bộ tỉnh. Ông cũng chính là người đã ký vào báo cáo bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo trong đó có nhiều chi tiết không chính xác.
Riêng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, Ủy ban Kiểm tra nói rằng ông Bảo đã không trung thực trong việc kê khai hồ sơ lý lịch, ý thức kỷ luật kém, bỏ sinh hoạt đảng nhiều tháng.
Những sai phạm trên được Ủy ban Kiểm tra đánh giá là rất nghiêm trọng. Vì vậy ủy ban này quyết định tiến hành quy trình kỷ luật đối với những nhân vật nêu trên. Riêng ông Lê Phước Hoài Bảo bị yêu cầu xóa tên khỏi danh sách đảng viên và hủy bỏ các quyết định tuyển dụng không đúng đối với ông này.
Cũng liên quan đến sai phạm trong tuyển dụng lãnh đạo, tỉnh Hậu Giang ngày 27/12 đã phản hồi việc ông Huỳnh Thanh Phong được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Sở Công thương của tỉnh này. Theo ông Đào Văn Nhãn, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Phong đã đạt 4/5 chỉ tiêu mà vị trí giám đốc sở Công thương yêu cầu. Chỉ có một chỉ tiêu duy nhất là ngoại ngữ phải đạt trình độ C trở lên nhưng ông Phong chỉ có trình độ B tiếng Anh.
Dư luận trước đó đã từng lên tiếng về chuyện ông Phong được bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Công thương từ một nhân viên ngân hàng chỉ trong 7 năm. Nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ có sự ưu ái vì cha ông Phong từng là Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang.
Cấm lễ hội tôn giáo, Cộng sản đã cho thấy điều gì?
Chuyện này không phải mới, nhưng cách làm của nhà cầm quyền Cộng sản trong thời gian gần đây khiến cho người ta phải đặt câu hỏi về vị trí khá mới mẻ của nhà lãnh đạo Cộng sản: Họ đang tự đặt mình vào tư thế một đảng khấu? Vị trí lãnh đạo quốc gia của người Cộng sản đã hoàn toàn mất?
Sở dĩ tôi phải đặt ra những câu hỏi này vì hiện tại, những nhà nước Cộng sản còn tồn tại sau biến cố sụp đổ toàn diện của hàng loạt nhà nước Cộng sản Đông Âu, sự mất dấu của khối SEV, họ được đặt trong vị trí Tân Cộng sản, một loại Cộng sản mới, thức thời hơn với những chính sách cởi mở và gần với thế giới tiến bộ hơn so với sự độc tài, chuyên chế có phần man rợ, u tối của những nhà nước Cộng sản đã chết.
Chí ít, sau năm 1990, Cộng sản Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu Ba cũng có những bước tiến về mặt kinh tế, đối ngoại và đối nội. Điều này đã giúp cho họ có được những thành tựu đáng kể về việc củng cố sức mạnh đảng phái trong thời đại mới, khi mà nhu cầu về dân chủ, dân quyền trong một sinh quyển xã hội dân sự ngày càng mạnh lên. Nhưng!
Thay vì tiếp tục bước thêm một bậc trên tam cấp tiến bộ, những người Tân Cộng sản của Việt Nam và Trung Quốc lại bị chi phối bởi tập khí Cộng sản thâm căn đế cố của họ. Họ lại quay trở lại thời kì độc tài, toàn trị gắt gao nhất bằng cách dùng gọng kiềm bạo lực cũng như thủ đoạn chính trị để bóp chết mọi thứ chung quanh họ. Thậm chí những gì được xem là cơ bản, tối thiết của người dân, họ cũng sẵn sàng bóp ngạt và triệt tiêu.
Cấm các hoạt động tôn giáo, đập phá hang đá Giáng Sinh, cấm treo cờ tôn giáo, gây hấn với nhà chùa, nhà thờ, nhà dòng và tạo ra một hệ thống tôn giáo quốc doanh… Có thể nói đây là những bước thụt lùi đáng sợ về tư duy lãnh đạo của người Cộng sản. Vì sao?
Vì điều này vô hình trung làm lộ bản chất đảng khấu thay vì bản chất nhà lãnh đạo quốc gia của đảng Cộng sản. Một nhà lãnh đạo quốc gia phải là một nhà tổ chức được hệ thống nhà nước tiến bộ, nếu tổ chức được hệ thống nhà nước tối ưu thì càng tốt. Mà với một nhà nước tiến bộ, một nhà nước tối ưu thì vấn đề tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận và nhiều yêu cầu tự do khác phải được đặt lên hàng đầu.
Vì sao nhà nước tiến bộ và nhà nước tối ưu phải đặt các yêu cầu tự do lên hàng đầu? Vì với tư cách một nhà quản lý vĩ mô, có đủ khả năng bảo vệ và đảm bảo an sinh cho nhân dân, việc thỏa mãn các nhu cầu này như một câu trả lời về tầm bao quát, năng lực tổ chức, che chở, và tính khoa học, tính nhân văn của nhà nước đó. Rất tiếc, các nhà nước Cộng sản mặc dù đã có những cố gắng trong phát triển kinh tế nhưng về mặt bản chất, khi thoát được cơn khủng hoảng sụp đổ có tính xâu chuỗi của lịch sử, họ quay ngay trở lại bản chất gốc của họ.
Một thứ bản chất độc đoán, độc tài và sợ hãi. Độc đoán, độc tài bởi sợ hãi. Dường như nhà nước Cộng sản thiếu các yếu tố rất căn bản để trở thành nhà quản lý tiến bộ, đó là tính nhân văn, tôn trọng sự thật và sự tự tin.
Vì thiếu tính nhân văn nên hầu hết mọi hoạt động của nhà quản lý Cộng sản đều không được lòng dân, bởi sự tồn tại và phát triển của chế độ luôn là gánh nặng trên đôi vai nhân dân.
Vì phải léo hánh, lạn lách, lươn lẹo để tồn tại và phát triển trong một tâm thế đi ngược với xu hướng tiến bộ nên sự thật luôn là một thứ gì đó có hại cho người Cộng sản trong quá trình quản lý, lãnh đạo đất nước. Chính vì phải tồn tại ngược qui luật nên nhà quản lý Cộng sản luôn sợ sự thật, và tự do báo chí, tự do ngôn luận là kẻ thù của nhà quản lý Cộng sản.
Một khi không được lòng dân, không tôn trọng sự thật thì thiếu tự tin là một hệ lụy tất yếu của nhà cầm quyền Cộng sản. Với một tâm thế thiếu tự tin trong lãnh đạo, người Cộng sản sẽ sợ hãi, hoài nghi và có cái nhìn cừu thù với bất kỳ tổ chức, nhóm xã hội hay tôn giáo nào có tiếng nói lan tỏa, có độ bao phủ về uy tín hoặc tâm linh.
Và chính vì thiếu tự tin mà nhà lãnh đạo Cộng sản rất lo sợ trước bất kì hoạt động nào có tính thu hút của các tôn giáo, các nhóm, các tổ chức trong xã hội. Cấm các sinh hoạt văn hóa tôn giáo là một trong những động thái nhằm ngăn chặn sự phát triển và chặn đứng bất kì mối nguy nào từ phía bị ngăn chặn. Sâu xa hơn, nó cũng cho thấy đây là một động thái có tính cạnh tranh và đố kị, chất chứa mặc cảm, tự ti của một đảng khấu không có đủ uy tín và năng lực quản lý.
Và một khi tự đặt mình vào vị trí của một đảng khấu, thao túng, độc đoán, chuyên chế, độc tài và tham lam… Thì hẳn nhiên vị trí của một nhà lãnh đạo, một nhà tổ chức quản lý quốc gia đã hoàn toàn mất. Đây là sự bất lợi vô cùng lớn cho sự tồn tại của đảng Cộng sản. Nếu như hành vi này xảy ra trước năm 1990, nghĩa là trước thời gian sụp đổ của hệ thống Cộng sản xã hội chủ nghĩa trên thế giới, khi mọi thông tin còn bị giới hạn và xã hội dân sự chưa có tính phổ quát như hiện tại… thì đảng Cộng sản còn có thể hi vọng xoay xở, tiếp tục phát triển bằng các thao tác mị dân thêm một thời gian nữa.
Nhưng với hiện tại, khi mọi thứ đã phát triển, thế giới internet đã giúp cho đại bộ phận người dân có thể cập nhật thông tin đa chiều và nhận thức của người dân cũng phát triển đáng kể. Dù có cố gắng chối bỏ hoặc đánh tráo khái niệm kiểu gì thì đảng Cộng sản cũng tự nhìn thấy được sự khủng hoảng và mối nguy sụp đổ của họ. Bởi ngay trong lựa chọn độc tài, toàn trị, bóp ngạt tôn giáo và lấy cấm đoán làm kim chỉ nam quyền lực cũng đã chạm phải ngòi nổ phản kháng trong nhân dân.
Và trên phương diện chính trị, một khi chọn tư thế đảng khấu để đối đầu và cấm đoán mọi hoạt động của các tổ chức xã hội, các nhóm và các tôn giáo trong nhân dân… Thì đảng Cộng sản đã không còn cách nào khác, chấp nhận để lộ thân phận của một đảng khấu, không đủ sức mạnh bao quát và dung nạp của một nhà tổ chức lãnh đạo quốc gia. Điều này gây ra hệ lụy không hề nhỏ cho tương lai quốc gia.
Bởi với người dân các quốc gia Cộng sản, thay vì có một nhà nước với đầy đủ tư cách nhà lãnh đạo quốc gia thì họ phải gánh trên vai một gánh nặng đảng khấu cùng hàng loạt sự chèn ép và bất công do đảng khấu đó gây ra. Nguy cơ nội chiến, nội loạn và đất nước đi đến bế tắt là chắc chắn xảy ra.
Rất tiếc, sau nhiều năm gắng gượng và có nhiều thay đổi để phát triển kinh tế, nhà cầm quyền Cộng sản ở các nước Cộng sản xã hội chủ nghĩa, mà nổi trội là Trung Quốc và Việt Nam lại chọn tư thế của một đảng khấu để tự đẩy mình vào cuộc “đá cá lăn dưa” với giang hồ. Mà biểu hiện rõ nét nhất của nó là cấm kị tôn giáo, triệt tiêu tiến bộ và chấp nhận đánh đổi vận mệnh quốc gia bằng sự tồn tại của đảng, của tổ chức. Một đất nước mà nhà lãnh đạo rơi vào trạng huống đảng khấu thì còn lâu lắm mới bình yên để phát triển, thật là buồn khi nghĩ đến điều này!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/communist-ban-religious-rituals-12292017073109.html
An ninh hàng không Việt nam nhìn từ vụ xét xử
“16 người khủng bố sân bay Tân sơn nhất”
Tuệ Tâm
Dư luận trong và ngoài nước không hề biết đến vụ đặt chất nổ tại phi trường Tân Sơn Nhất chỉ khi nhà cầm quyền mang 16 người ra xét xử. Những người này bị nhà cầm quyền cáo buộc “khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất” để lấy tiếng vang. Không bàn đến đúng-sai trong vụ án vì với truyền thống bưng bít thông tin, dư luận sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật của sự việc. Tòa án và báo chí Cộng sản chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền tô hồng chế độ và tìm mọi cách thổi phồng những tình tiết mơ hồ nhằm bôi nhọ những người đấu tranh cả trong nước và hải ngoại.
Khi báo chí được dịp lu loa theo kiểu “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, có cấu kết với lực lượng hải ngoại…”, thì vụ án bộc lộ những tình tiết cho thấy tình trạng an ninh hàng không Việt nam là cực kỳ tồi tệ mặc dù nhà cầm quyền đã dành nhiều nhân lực và ngân sách quốc gia vào công việc theo dõi bám sát, trấn át bắt bớ hàng loạt các nhà đấu tranh đòi công bằng cho môi trường và những quyền căn bản của con người vì lo sợ chế độ độc tài bị lật đổ.
Theo cáo trạng, vào chiều ngày 24/12/2017, Đặng Hoàng Thiện (24 tuổi) chở hai thùng carton chứa bom xăng điều khiển từ xa đã được làm trước đó giao cho Ngô Thụy Tường Vy (31 tuổi) và hướng dẫn cho cách kích nổ. Vy đã cùng với Trương Tấn Phát mang vào phi trường Tân Sơn Nhất để thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, do sợ sẽ gây chết người vô tội nên Phát đã tháo pin ra. Vy đã biết việc này của Phát nhưng không phản đối. Cả hai sau đó đã mang thùng carton chứa bom xăng điều khiển từ xa đến đặt tại cột số 9 của nhà ga quốc tế. Do không có pin nên vụ nổ đã không xảy ra. Hành khách sau đó đã báo cho lực lượng an ninh phi trường đến để vô hiệu hóa quả bom.
Cùng thời điểm đó, Thiện mang quả bom đến tầng 3 nhà giữ xe phi trường, rồi đi xuống tầng trệt để kích hoạt cho quả bom nổ. Tuy nhiên, do khoảng cách quá xa nên không kích nổ được. Thiện quay lại, lấy quả bom mang xuống tầng trệt để kiểm tra và thấy vẫn hoạt động bình thường nhưng không dám quay lại vì sợ bị phát hiện nên đã mang quả bom đến cột số 9 ở ga quốc tế để cho Vy kích hoạt. Đến khoảng 20h cùng ngày Vy kích hoạt, quả bom phát nổ làm cho hành khách xung quanh hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Lực lượng có trách nhiệm đã có mặt hiện trường và dập tắt đám cháy.
Từ cáo trạng cho thấy, vụ nổ xảy ra không đúng theo kế hoạch không phải do lực lượng an ninh tại phi trường kịp thời ngăn chặn, mà là do những người thực hiện sợ việc mình làm sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó là trình độ chế tạo chất gây nổ còn non kém, thiếu chuyên nghiệp. Hệ thống an ninh ở phi trường Tân Sơn Nhất đã không hề phát hiện hành vi đặt bom, để cho Đặng Hoàng Thiện thoải mái mang thùng carton chứa bom đến tầng 3 bãi giữ xe, sau đó đi lên đi xuống, chuyển sang khu ga quốc tế.
Một giả dụ được đưa ra, nếu những người đặt chất nổ là những tay chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, trong đầu chất đầy sự hận thù và không hề có lòng trắc ẩn thì hậu quả sẽ như thế nào? Chắc chắn sẽ kinh hoàng rất nhiều so với những gì mà nhóm của Đặng Hoàng Thiện đã làm. Mạng lưới an ninh sân bay rất lỏng lẽo, tạo ra nhiều sơ hở mà chỉ với những kẻ nghiệp dư cũng đã có thể tạo ra được một vụ nổ nhỏ, chỉ với bom xăng. Điều đó cho thấy rằng, tính mạng của hành khách tại phi trường Tân Sơn Nhất đã không được coi trọng.
Theo những gì mà chúng tôi thu thập được, ngay sau khi vụ nổ xảy ra, một tờ báo trong nước đã cho loan tải tin tức lên trên trang báo điện tử. Tuy nhiên, ngay sau đó, đoạn tin ngắn kia đã bị gỡ bỏ xuống không rõ nguyên nhân. Người dân đã bị bưng bít thông tin, họ không được thông báo đầy đủ những tin tức để có thể tự bảo vệ mình. Việc che đậy những tin tức như trên nhằm cho người dân trong nước và du khách ngộ nhận rằng, Việt Nam vẫn là một nước an ninh, tính mạng họ luôn được chính quyền bảo vệ.
Nhưng sự thật lại không hề như vậy. An ninh phi trường tại Việt Nam không hề an toàn. Trong vòng vài năm trở lại đây, chỉ tính riêng phi trường Tân Sơn Nhất đã xảy ra không biết bao nhiêu vụ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh phi trường.
– Ngày 19/11/2011, một chiếc phi cơ Airbus A320 của Vietnam Airlines đã xém chút nữa đâm phải một chiếc Boeing B737-400 của Jetstar Pacific khi đang bay về phi trường Tân Sơn Nhất.
– Ngày 17/1/2012, hai nhân viên tại Trung tâm Kiểm soát không lưu khi đang chỉ dẫn phi cơ lên xuống đã xích mích và lao vào đánh nhau, đập vỡ thiết bị điều khiển máy tính dẫn đến việc điều hành bay bị gián đoạn.
– Tháng 11/2013, 600 bánh heroin (229kg) lọt qua các khâu kiểm soát tại phi trường Tân Sơn Nhất để đáp xuống phi trường Đào Viên (Đài Loan).
-Trưa ngày 20/11/2014, Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh bị mất điện hàng giờ.
– Ngày 29/7/2016, tin tặc tấn công một loạt hệ thống máy điện toán tại các phi trường Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc. Từ các chứng cứ để lại, dư luận nghi ngờ tin tặc tấn công có nguồn gốc từ Trung Quốc.
– Ngày 8,9 và 10 tháng 3/2017 các website của phi trường Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá, Tuy hòa lại bị tin tặc tấn công. Lần này, tin tặc là một cậu nhóc 15 tuổi tại Việt Nam.
– Ngày 6/5/2017, nổ trạm biến áp, phi trường Tân Sơn Nhất bị mất điện 40 phút.
Rất may, trong tất cả những sự việc nghiêm trọng nói trên không có những tổn thất về tính mạng. Qua những sự cố mà chúng tôi đã liệt kê trên cho thấy rằng an ninh hàng không không chỉ tại phi trường Tân Sơn Nhất, mà cả Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Nếu nhìn rộng hơn thì an ninh quốc gia không được bảo đảm, tính mạng người dân không được chính quyền lưu tâm. Cho dù, chính quyền được lập ra là để bảo đảm tính mạng cho người và tài sản của dân chúng.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao lãnh đạo quốc gia lại quá lơ là đến an ninh phi trường đến như vậy? Rất khó để có câu trả lời chính xác. Song, trong bối cảnh chính trị, xã hội Việt Nam hiện nay có thể cho rằng, lãnh đạo đã quá chú trọng đến những cuộc thanh trừng nhằm giành lại quyền lợi cho phe phái; quá chú ý đến “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến” trong đảng; mặt khác họ cũng đầu tư lực lượng quá lớn để theo dõi trấn át các nhà hoạt động dân chủ và môi trường, mặc dù tất cả đều trên tinh thần ôn hòa bất bạo động, nên họ không còn tâm trí đâu để quan tâm đến vấn đề an ninh hàng không, sự an toàn và tính mạng của nhân dân và an ninh thực sự của quốc gia.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-behind-airport-terrorism-plot-12292017071933.html
Chuyện buồn vui của người dân Việt Nam trong năm 2017
Ban Việt ngữ điểm lại những sự kiện tại Việt Nam được dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2017, qua ghi nhận của Diễm Thi, Hòa Ái và Chân Như:
Hòa Ái: Kính thưa quý khán thính giả, chúng ta vừa chào đón năm mới 2018 và từ biệt năm cũ 2017 với nhiều cảm xúc buồn vui, hạnh phúc, lo lắng, trông mong những điều tốt đẹp nhất đến với mọi người. Dân chúng tại Việt Nam trải qua 365 ngày trong những nỗi niềm như thế ra sao? Hãy cùng Ban Việt ngữ chúng tôi điểm lại những câu chuyện được dư luận đặc biệt quan tâm trong năm vừa rồi. Theo ghi nhận của chị Diễm Thi và anh Chân Như thì sự kiện nào đáng chú ý nhất đã xảy ra tại Việt Nam trong những ngày đầu năm 2017?
Diễm Thi: Có lẽ chị Hòa Ái, anh Chân Như và quý khán thính giả vẫn còn nhớ đến câu chuyện của hàng ngàn người dân, ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, tập trung biểu tình tại Ủy ban Nhân dân huyện hồi đầu tháng 4, tức là tròn đúng một năm thảm họa môi trường biển do nhà máy Formosa gây ra, để yêu cầu được giải quyết việc đền bù cho họ là nạn nhân của thảm họa này. Một ngày sau đó, đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà hứa hẹn sẽ gửi giấy mời đến dân chúng địa phương để giải quyết các yêu câu của họ đưa ra trong cuộc biểu tình ngày hôm trước. Tuy nhiên, 1 tuần sau nữa, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh quyết định khởi tố vụ án đối với cuộc biểu tình của người dân ở huyện Lộc Hà.
Chân Như: Bên cạnh đó, Chân Như nhớ là cũng có 1 cuộc biểu tình khác tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cũng vào đầu tháng 4 năm ngoái. Hàng trăm người dân mang theo ngư cụ ra chặn Quốc lộ 1A tại khu vực xã Kỳ Nam, đòi bồi thường thiệt hại do thảm họa môi trường Formosa. Cuộc biểu tình này cũng bị khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng.
Hòa Ái: Hòa Ái cũng xin lưu ý, chắc là hai anh chị còn nhớ thời điểm trước khi diễn ra 2 cuộc biểu tình mà chị Diễm Thi và anh Chân Như vừa nhắc đến, là hình ảnh Valentine đỏ tràn ngập trên mạng xã hội. Nhưng cư dân mạng tại Việt Nam chia sẻ ngày Valentine năm 2017 không có màu đỏ của những bông hồng tươi thắm mà nhuộm đỏ bởi máu của đồng bào miền Trung đổ xuống khi đoàn người nạn nhân của thảm họa Fomosa đang trên đường đi khởi kiện tập thể, đã bị lực lượng đông đảo công an ngăn cản. Họ đã sử dụng lựu đạn cay và bạo lực để trấn áp đoàn người đi khiếu kiện này.
Chân Như: Chưa hết nhé, Hòa Ái. Một câu chuyện khác gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, đó là vụ Đồng Tâm. Dân chúng tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, thể hiện sự phản kháng của họ đối với vấn đề cưỡng chế đất đai, đền bù, khiếu kiện, qua việc bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin để yêu cầu được đối thoại với chính quyền thành phố.
Diễm Thi: Đúng rồi Chân Như! Đây là một vụ việc lần đầu tiên xảy ra kể từ sau ngày 30/4/1975, Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Và ông Chủ tịch thành phố Hà Nội, Tướng Nguyễn Đức Chung đã phải viết tay bản cam kết, hứa hẹn sẽ thanh tra cũng như không khởi tố người dân Đồng Tâm. Nhưng, niềm hy vọng cuối cùng của người dân Đồng Tâm tin cậy vào chính quyền thành phố Hà Nội sẽ giải quyết thỏa đáng những bức xúc của họ hoàn toàn bị tắt ngúm, bởi vì…
Hòa Ái: Vì kết luận thanh tra, có thể nói nôm na rằng phản ảnh của người dân Đông Tâm là không đúng. Khu vực đất đó thuộc về Bộ Quốc Phòng. Các hộ dân đã lấn chiếm, xây dựng những công trình trái phép v.v. Và lời hứa của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội trở thành “lời nói gió bay” do Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án ở Đồng Tâm. Hồi tháng 10, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội và Viện kiểm sát Nhân dân Hà Nội kêu gọi những người dân xã Đồng Tâm, có liên quan vụ ‘bắt giữ người trái luật cũng như hủy hoại công sản’ hồi tháng 4 ra đầu thú.
Chân Như: Nói đến kêu gọi ra đầu thú, chị Hòa Ái và chị Diễm Thi chắc chắn không thể quên được nhân vật Trịnh Xuân Thanh. Ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức cấp cao bị Chính phủ Việt Nam truy nã quốc tế. Tuy nhiên, đùng một cái sau gần 1 năm mất tích, ông Thanh xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia của Việt Nam để đầu thú, trong khi chính quyền Đức lên tiếng cáo buộc cho rằng mật vụ của Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh mang về nước, khi ông Thanh đã nộp dơn xin quy chế tị nạn tại Đức.
Diễm Thi: Đây là một câu chuyện rất ly kỳ. Truyền thông Đức cho rằng vụ bắt cóc này giống như trong phim điệp viên thời Chiến tranh lạnh. Nhưng, tại Việt Nam, dư luận trong nước càng hồi hộp hơn vì công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng từ hồi năm 2012 bắt đầu đi vào giai đoạn rốt ráo qua nhân vật Trịnh Xuân Thanh, với lời tuyên bố ví von “lò đã nóng lên rồi, củi tươi cũng phải cháy”.
Chân Như: Có lẽ không chỉ câu chuyện của riêng ông Trịnh Xuân Thanh mà còn ông Đinh La Thăng bị bắt và khởi tố trong những ngày cuối cùng của năm 2017 là chưa bao giờ xảy ra đối với vị trí lãnh đạo cấp cao, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc Hội Việt Nam. Không những thế, tiếp theo đó, các quan chức thuộc tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng bị bắt giam và khởi tố. Chân Như nghe được không ít người dân tại Việt Nam cho biết họ theo dõi sát sao chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng có lẽ sẽ còn phát hiện rất nhiều những ‘con hổ” khác.
Diễm Thi: Diễm Thi ghi nhận một số nhà quan sát tình hình Việt Nam và người dân trong nước phần nào tỏ ra lạc quan rằng Đảng và nhà nước chỉnh đốn lại đội ngũ cán bộ quản lý qua các diễn tiến mới nhất trong chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam. Nhưng trái lại, các chính phủ và các tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng cáo buộc nhà cầm quyền Hà Nội trong năm 2017 mạnh tay đàn áp người dân, bắt giữ hàng loạt các nhà hoạt động vì môi trường và xã hội, cũng như tuyên các bản án tù nặng nề đối với những người này, trong đó có Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và bà Trần Thị Nga, các bản án lên đến 10 năm tù giam.
Hòa Ái: Những câu chuyện mà cả ba chúng ta vừa điểm lại trong năm 2017, được dư luận đặc biệt quan tâm hầu như liên quan đến việc bắt bớ và khởi tố, cả quan chức từ cấp cao cho đến những thân phận bé mọn của người dân. Quý khán thính gỉa có nghĩ rằng một đất nước như thế bình yên hay không? Trong năm qua, chúng tôi đã làm việc và trao đổi với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực về chính trị, kinh tế, ngoại giao…Họ nhận định bức tranh xã hội Việt Nam trong năm 2017 không được sáng sủa cho lắm và những câu chuyện chúng tôi nhắc đến vẫn chưa có hồi kết.
Mong rằng năm mới 2018 đến với những điều tốt đẹp nhất và cầu xin một năm an lành cho người Việt khắp nơi.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-people-summary-of-year-2017-12292017104712.html
Đường dây nóng để tố cáo biếu xén dịp Tết
liệu có hiệu quả?
Cục Chống tham nhũng của Việt Nam lập 3 đường dây nóng để nhận những lời tố cáo về các hành vi tham nhũng, tặng hoặc nhận quà trái quy định trong dịp Tết, Cục trưởng Phạm Trọng Đạt nói với báo chí hôm 28/12. Cục Chống tham nhũng là một đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.
Ba đường dây nóng gồm 1 số điện thoại cố định thuộc hệ thống tổng đài riêng của chính phủ, và 2 số điện thoại di dộng. Người có thông tin để tố cáo cũng có thể gửi đến địa chỉ email là Cucchongthamnhung@gmail.com.
Báo chí trích lời ông Phạm Trọng Đạt nói những thông tin phản ánh về quà tặng Tết, dấu hiệu tiêu cực, nhũng nhiễu có cơ sở “sẽ được xử lý ngay lập tức” hoặc được Cục Chống tham nhũng “chuyển cơ quan chức năng xử lý”, nhưng ông không đi vào chi tiết việc xử lý là như thế nào.
Người đứng đầu Cục Chống tham nhũng nói rằng khi cục chuyển các lời tố giác đến các cơ quan, bộ ngành, địa phương, những cơ quan đó “phải có trách nhiệm giải quyết, xử lý và báo cáo kết quả” gửi về cục.
Vấn đề ở đây tức là hệ thống này. Người ta rõ ràng có việc mua quan bán chức. Chuyện này hoàn toàn dựa vào mối quan hệ, dựa vào sức nặng của quà cáp, rồi dựa vào rất nhiều yếu tố khác mà nhân dân thì không tiến hành giám sát được.
Luật sư Lê Quốc Quân
Nhưng các bản tin không cho biết ông Đạt có nói gì về thời hạn giải quyết, báo cáo, cũng như liệu có công khai cho công chúng, hay có hình thức kỷ luật gì đối với các cơ quan không giải quyết, báo cáo việc xử lý những lời tố cáo.
Báo chí chỉ dẫn lời ông Đạt nói rằng Cục Chống Tham nhũng “sẽ ban hành một thông tư hướng dẫn” về việc phối hợp thực hiện giữa các đơn vị, cơ quan, tổ chức.
Luật sư Lê Quốc Quân, một cựu tù nhân lương tâm, nói với VOA ông nghĩ rằng việc lập đường dây nóng không có gì mới mẻ, và sẽ không mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn tham nhũng, hối lộ. Nguyên nhân sâu xa, theo ông Quân, là do thể chế:
“Vấn đề ở đây tức là hệ thống này. Người ta rõ ràng có việc mua quan bán chức. Chuyện này hoàn toàn dựa vào mối quan hệ, dựa vào sức nặng của quà cáp, rồi dựa vào rất nhiều yếu tố khác mà nhân dân thì không tiến hành giám sát được”.
Luật sư từng bị bỏ tù vì tích cực đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền cho rằng nạn hối lộ từ các doanh nhân cho các quan chức còn nặng nề hơn là giữa các công chức, quan chức với các lãnh đạo của họ. Ông nói:
“Vấn đề đó là nó nhiều hơn đấy. Biếu xén của các doanh nghiệp đối với các quan chức, rồi từ đó thụ hưởng các lợi ích khác đối với chính mình và cho công ty của mình là nó nhiều hơn rất nhiều, bởi vì số lượng doanh nghiệp. Và một quan chức thì liên quan đến biếu xén từ doanh nghiệp là nhiều hơn”.
Luật sư Quân nói sẽ khó thay đổi thực trạng này, chừng nào chưa thực sự minh bạch hóa các hoạt động kinh tế của nhà nước liên quan đến các doanh nghiệp, cũng như chưa cải tổ hoặc minh bạch hóa việc tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng chức các cán bộ nhà nước.
Thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho báo chí biết trong dịp Tết Nguyên đán đầu năm 2017, cơ quan này qua đường dây nóng đã tiếp nhận 56 nguồn tin tố giác tham nhũng và các vụ biếu, nhận quà Tết trái quy định của nhà nước.
Tin nói Thanh tra Chính phủ “đã chuyển 19 nguồn tin” cho lãnh đạo các đơn vị, địa phương liên quan để “xác minh, xử lý và báo cáo kết quả” về Thanh tra Chính phủ. Nhưng không có thông tin thêm trên báo chí liệu có những ai đã phải chịu kỷ luật hay hình phạt như thế nào.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong dịp Tết Nguyên đán 2017, Việt Nam “chưa phát hiện” trường hợp nào sử dụng tiền, tài sản công, tặng quà, nhận quà không đúng quy định.
Luật sư: ‘Các bị cáo trong vụ đánh bom TSN
không có quan điểm chính trị, hành động riêng lẻ’
Một luật sư bào chữa trong vụ án khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất nói các bị cáo không có quan điểm chính trị rõ ràng và họ hành động khá riêng lẻ.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Minh Châu hôm 28/12 nói với VOA rằng 15 bị cáo trong vụ án đánh bom vào sân bay lớn nhất của Việt Nam không có ‘mục đích chính trị cụ thể’.
Tôi quan sát thấy rằng những bị cáo này không hẳn hoạt động nhằm phục vụ cho một mục đích chính trị cụ thể, mà theo tôi, phần lớn họ lên mạng nghe những clip, thông tin trao đổi trên Facebook, sau đó họ tự thực hiện là chính.
Luật sư Nguễn Minh Châu
“Tôi không có thể xác định ý thức chính trị của những người này. Tuy nhiên, tôi quan sát thấy rằng những bị cáo này không hẳn hoạt động nhằm phục vụ cho một mục đích chính trị cụ thể, mà theo tôi, phần lớn họ lên mạng nghe những clip, thông tin trao đổi trên Facebook, sau đó họ tự thực hiện là chính.”
Hãng tin AFP đưa tin tòa án Việt Nam hôm 27/12 tuyên án 15 người với cáo buộc “âm mưu khủng bố” bằng bom xăng nhắm vào sân bay Tân Sơn Nhất trước dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/04/2017. Họ bị tuyên các bản án tù từ 5 năm đến 16 năm.
Truyền thông trong nước đưa tin nói rằng đa số các bị cáo là “những người trẻ tuổi, trình độ học vấn thấp, lao động tự do đã bị “các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài lợi dụng, lôi kéo và kích động tham gia vào tổ chức phản động, chống lại chính quyền và nhân dân.”
Luật sư Châu nói với VOA-Việt ngữ:
“Trong 15 bị cáo này, họ không đồng phạm với nhau để cùng thực hiện một vụ việc cụ thể, mà họ chỉ là những nhóm riêng lẻ. Nhận xét chung thì 15 bị cáo có 3 quan điểm: có bị cáo thừa nhận phạm tội và chịu trách nhiệm như bị cáo đầu vụ, một số bị cáo khác, trong đó có ông Nguyễn Đức Sinh, thì thừa nhận phạm tội và xin khoan hồng, còn lại thì cho rằng khởi tố họ như vậy là không đúng, họ bị oan.”
Đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất nhận án đến 16 năm tù
15 người đối mặt cáo buộc đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất
Luật sư Châu nói thân chủ của ông, ông Nguyễn Đức Sinh, 32 tuổi, người bị tuyên 10 năm tù, đã thừa nhận hành vi đốt kho tang vật ở tỉnh Đồng Nai hồi tháng 3/2017 nhằm thực hiện một vụ cháy “gây tiếng vang cho tổ chức,” chứ không cố ý giết người hay “khủng bố.” Vì vậy, theo luật sư Sơn, bản án dành cho ông Sinh, 10 năm tù, là quá nặng.
Theo hãng tin AP thì chỉ có một quả bom do Đặng Hoàng Thiện, 26 tuổi, người bị tuyên án tù nặng nhất –16 năm, phát nổ nhưng không gây thiệt hại về người.
Tuy nhiên, báo Pháp Luật trích lời Viện kiểm sát nói rằng “việc không xảy ra thiệt hại về người là nằm ngoài ý muốn chủ quan của các bị cáo. Vì vậy, cần phải có mức án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung.”
Hội đồng xét xử nói hành vi của các bị cáo là “đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến an ninh quốc gia.”
Tân Hoa Xã trích bản cáo trạng nói rằng các bị cáo đã thực hiện hành vi khủng bố dưới sự chỉ dẫn của ông Đào Minh Quân và bà Lisa Phạm, những người bị phía Việt Nam cáo buộc là “lãnh đạo một nhóm khủng bố ở nước ngoài thông qua các mạng truyền thông xã hội để lôi kéo người Việt Nam thành lập các tổ khủng bố với kế hoạch thực hiện hành động khủng bố và phá hoại đất nước”.
AP cũng trích cáo trạng theo đó các bị cáo có kết nối với Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, một nhóm lưu vong ở bang California, Hoa Kỳ, bị Hà Nội coi là ‘phản động’.
Ngày 25/12, trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Á Châu Tự do – RFA, bà Lisa Phạm phủ nhận mọi liên hệ với nhóm 15 bị can ở Việt Nam. Bà Lisa nói:
‘Vấn đề là tôi không biết. Nhà cầm quyền cộng sản họ chụp mũ như vậy thôi chứ tôi hoàn toàn không biết mấy người đó. Tôi không biết họ là ai cả.”
Trong một video clip loan truyền trên mạng Internet ngày 27/12, Lisa Phạm nói bà đã được những người ủng hộ ở trong nước thông báo vụ xét xử này trước khi truyền thông Việt Nam loan tin. Bà tỏ ra ngạc nhiên khi báo chí nói phiên xử dự kiến sẽ kéo dài 4 ngày nhưng “đột ngột” tuyên án chỉ sau 2 ngày làm việc.
Truyền thông Việt Nam nói rằng ngoài việc cấu kết với nhóm của ông Thiện, Lisa Phạm còn thành lập nhiều nhóm khác và chuẩn bị lực lượng để thực hiện các vụ khủng bố ở nhiều nơi trên cả nước, như tỉnh Hòa Bình, các nhà máy ở miền Tây và các siêu thị ở TP HCM.
Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đối với ông Đoàn Minh Quân và bà Lisa Pham, khi nào bắt được sẽ điều tra, xử lý sau.
Báo Công An Tp. HCM.
Báo Công An thành phố HCM ngày 28/12 nói Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an đã phát lệnh truy nã ông Quân và bà Lisa, “khi nào bắt được sẽ điều tra, xử lý sau.”
Tuy nhiên vào cuối ngày 28/12, giờ Việt Nam, chưa thấy tên ông Đào Minh Quân hay bà Lisa Phạm xuất hiện trên trang truy nã quốc tế mà Việt Nam đăng trên Interpol.