Tin Việt Nam 29/10/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam  29/10/2016

Bộ Công Thương CSVN:

Thủy Điện Hố Hô có sai sót về vận hành hồ chứa

Thứ Trưởng Công Thương Cộng Sản Việt Nam Hoàng Quốc Vượng hôm Thứ Bảy 29/10 nói rằng nhà máy thủy điện Hố Hô có sai sót trong việc chấp hành các quy định về tài nguyên nước và về vận hành hồ chứa, nhưng không cho biết thêm chi tiết, vì bộ này còn đang hoàn tất báo cáo để gửi lên thủ tướng vào ngày 31 tháng 10.

Ông Hoàng Quốc Vượng đã nói như vừa kể khi trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc xả lũ của nhà máy thuỷ điện Hố Hô ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Trong đợt mưa lũ từ ngày 13 đến 15 tháng 10 vừa qua, khu vực Bắc Trung Phần nhận một lượng mưa khổng lồ lên tới 1,300 mm. Huyện Hương Kê một trong những địa phương bị ngập lụt nặng nề, mà nguyên nhân một phần là do nhà máy thủy điện Hố Hô nằm ở thượng lưu xả lũ cấp tốc khiến người dân không kịp phản ứng.

Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hố Hô là công ty cổ phần Thủy Điện Hồ Bốn khi đó nói rằng, việc xả lũ tại nhà máy đã được thực hiện “đúng quy trình”. Tuy nhiên, vào ngày 15 tháng 10, một đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh đến thị sát việc xả lũ tại Hố Hô đã tìm thấy nhiều sai phạm.

Nhà máy thủy điện Hố Hô được đưa vào vận hành năm 2010, nhưng bị trận lũ lịch sử năm 2010 tàn phá, nên đến đầu năm 2013 mới vận hành trở lại. Nhà máy có công suất 14 megawatt, dung tích hồ chứa 38 triệu mét khối. Sản lượng điện trung bình trong ba năm qua của nhà máy này vào khoảng 26.7 triệu kilowatt giờ.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/bo-cong-thuong-csvn-thuy-dien-ho-ho-co-sai-sot-ve-van-hanh-ho-chua/

 

Chân dung Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ

Đô đốc Harry B. Harris, Jr., Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đã gặp mặt Trung tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Hà Nội ngày 26/10.

Chuyến thăm Việt Nam ba ngày nhằm tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc tăng cường quan hệ song phương và nâng cao khả năng và năng lực của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh hàng hải và thực thi pháp luật.

Đô đốc Harry B. Harris Jr được xem là người Mỹ gốc Á cao cấp nhất trong Hải quân Mỹ khi ông trở thành Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương tháng Năm 2015.

Ông Harris, 60 tuổi, sinh ra tại Nhật Bản, có bố là hải quân Mỹ và mẹ là người Nhật.

Tối nghiệp Học viện Hải quân Mỹ, ông học thêm sau đại học tại Trường Chính phủ Kennedy của Harvard, Đại học Georgetown và Đại học Oxford.

Ông trở thành Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ trong bối cảnh Mỹ “tái cân bằng” sang châu Á, phải đối phó với Bắc Hàn có tham vọng hạt nhân và Trung Quốc ngày càng cứng rắn ở Biển Đông.

Phát biểu về nguồn gốc của mình, ông nói: “Tôi muốn nhấn mạnh mình không nhìn thế giới qua lăng kính người Mỹ gốc Nhật.”

“Tôi nhìn thế giới qua lăng kính người Mỹ. Tôi chỉ có một lòng trung thành.”

Ông kể lại bố của ông có bốn anh em, tất cả phục vụ trong Thế chiến Hai ở mặt trận Thái Bình Dương.

Lớn lên ở bang Tennessee, ông được bố và các chú bác kể lại những câu chuyện chiến đấu trên biển, và ông sớm khao khát phục vụ trong quân đội.

Khi Trung Quốc xây các đảo nhân tạo trên Biển Đông, ông đã công khai chỉ trích, gọi đây là “trường thành cát”.

Ông giải thích ông đã chỉ trích Trung Quốc vì các hành động “khiêu khích” như đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông, đưa giàn khoan vào khu vực mà Việt Nam nói là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, và ‘đường lưỡi bò’.

“Những ví dụ này không tương thích với luật pháp và quy tắc quốc tế,” ông nói.

Tân Hoa Xã của Trung Quốc từng nhắm vào nguồn gốc Nhật của ông.

“Một số có thể nói quá nhấn mạnh vào nguồn gốc Nhật Bản của một tướng Mỹ là không tử tế.”

“Nhưng để hiểu thế tấn công bất ngờ của Mỹ ở Nam Hải, không thể bỏ qua dòng máu, nguồn gốc, ý hướng chính trị và giá trị của Đô đốc Harris.”

Vị đô đốc Mỹ đáp trả: “Khi tôi được mô tả là đô đốc Nhật, không đúng. Tôi không biết tại sao họ phải dùng tính từ cho một đô đốc.”

Ông nói với New York Times năm nay: “Nhiều ngôn từ của bộ máy truyền thông Trung Quốc không phân biệt và mang tính xúc phạm.”

Ông chia sẻ rằng ông không lo nhiều về những tính toán sai lầm trên Biển Đông giữa quân đội Trung Quốc và các nước.

“Tôi xem họ là quân đội chuyên nghiệp.”

Rủi ro cao hơn, theo ông, là đụng độ xảy ra vì các tàu bán quân sự của Trung Quốc, mà có thể khiến Mỹ phải can thiệp để bảo vệ các đồng minh.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Đô đốc Harris sẽ tới Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và khánh thành một cơ sở bảo dưỡng và nâng hạ tàu của Cảnh sát Biển Việt Nam tại Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 2, tỉnh Quảng Nam, được xây dựng với sự hợp tác của Hoa Kỳ.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-37806542

 

Mẹ blogger Mẹ Nấm yêu cầu cho con gái gặp luật sư

Khánh An-VOA

Trước khi bị công an bắt đi hôm 20/10 vì bị buộc tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88, blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) tuyên bố sẽ tuyệt thực cho tới khi gặp được luật sư. Hôm nay (28/10) đã là ngày thứ 18, nhưng gia đình và luật sư vẫn không được phép gặp Như Quỳnh. Mẹ cô, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, đã viết một thư ngỏ kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế lên tiếng để bà và luật sư được gặp cô, ít nhất là để biết tình trạng sức khỏe của Mẹ Nấm.

Bà Lan cho VOA biết bà đã nhiều lần lên cơ quan công an xin gặp con gái, cũng như yêu cầu cho con gái bà được gặp luật sư. Nhưng tất cả các yêu cầu của bà đều bị giới hữu trách Việt Nam từ chối:

“Họ có đưa cho tôi đọc một văn bản. Họ nói là chỉ được đọc thôi, chứ không được cầm về nhà, và cũng không thông báo cho luật sư của con gái tôi. Họ nói căn cứ theo Điều 58, Khoản 1, khi bị bắt về Điều 88 thì không cho gặp luật sư”.

Hiện bà Lan đang chăm sóc cho hai đứa con nhỏ của Như Quỳnh. Trong thư, bà Lan cho biết kể từ khi Như Quỳnh bị bắt, “cả gia đình tôi luôn sống trong sợ hãi. Mẹ tôi, tức là bà ngoại của Quỳnh năm nay ngoài 90 tuổi, luôn giật mình hoảng hốt mỗi khi nghe tiếng động ngoài cổng. Nấm, con gái của Quỳnh trở nên ít nói, cháu thường nhốt mình trong phòng mỗi khi đi học về. Còn đứa con trai út của Quỳnh năm nay mới bốn tuổi, cháu liên tục khóc đòi mẹ và hỏi tôi những câu hỏi như dao cứa vào lòng”. Bà nói:

“Lo lắng và nóng ruột, hầu như tôi không ngủ được. Mong muốn lớn nhất của tôi là con tôi được tiếp cận với luật sư”.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Hà Luân, người bảo vệ pháp lý cho Mẹ Nấm, cho biết:

“Tôi chưa có bất kỳ sự trả lời nào từ cơ quan điều tra cả. Tôi đã làm toàn bộ, đầy đủ thủ tục theo quy định theo quy định của luật pháp rồi. Hiện tại, thời điểm này là đã quá 3 ngày kể từ khi tôi gửi hồ sơ của luật sư, nhưng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ trả lời nào”.

Blogger Mẹ Nấm được biết tiếng qua các hoạt động lên tiếng bảo vệ môi trường, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của những người bị bắt giữ oan sai. Cô cũng đã từng bị bắt năm 2009 vì các hoạt động biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn ở Biển Đông.

Nếu bị kết án theo Điều 88, Mẹ Nấm sẽ phải đối diện với án tù có thể lên đến 20 năm và trở thành một trong số khoảng 200 tù nhân chính trị hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam.

Chính phủ Hoa Kỳ và các nước, cùng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, đã bày tỏ quan ngại và lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay lập tức và vô điều kiện.

http://www.voatiengviet.com/a/me-blogger-me-nam-yeu-cau-cho-con-gai-gap-luat-su/3570164.html

 

Trao đổi Thư tín ngày 29.10.2016

Hòa Ái, phóng viên RFA

Những diễn biến xảy ra ở Việt Nam trong tuần qua có thể nói là “tuần của sự mất mát” vì Hòa Ái ghi nhận rất nhiều khán thính giả cùng độc giả Đài RFA bày tỏ sự giận dữ khi đón nhận những tin tức dồn dập, mà theo họ, đó là những mất mát về vật chất, tinh thần, mạng sống và cả niềm tin.

Ít nhất 25 người chết vì lũ lụt

Thông tin ít nhất 25 người chết, 4 người mất tích, 18 người thiệt mạng trong trận lũ vừa xảy đến ở Quảng Bình, Nghê An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế không mô tả được hết những giọt nước mắt của người dân miền Trung tại khu vực mà họ đã và đang oằn mình gánh chịu trực tiếp hậu quả của thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra. Một thính giả ở Hà Tĩnh viết trên trang Facebook RFA là “Tôi khóc khi nhìn thấy đoàn cứu trợ đi ngang qua”. Nhiều thính giả khác chia sẻ rằng họ thật sự xót xa khi đọc được những dòng chữ này. Càng xót xa bao nhiêu họ càng phẫn nộ bấy nhiêu! Cơn lũ lịch sử đã rút đi nhưng vẫn còn trơ đó nhiều số phận trắng tay. Số liệu thống kê những nạn nhân nhận được tiền, quà cứu trợ thiên tai chưa được công bố; trong khi không ít người tuy nhận được tiền cứu trợ lại bị chính quyền địa phương “truy thu”. Các phái đoàn thiện nguyện không do nhà nước quản lý bị gây khó dễ…Thính giả Van Kiệt lên tiếng:

Lịch sử dân tộc Việt chưa bao giờ khổ ải như ngày nay. Bởi khổ ải vì thiên tai đã kinh hồn, người dân chống chọi tới hụt hơi, thì nay lại gánh thêm cái khổ nhân tai. Giống nòi nước Việt khổ ải thê lương quá!
-Thính giả Van Kiệt

“Lịch sử dân tộc Việt chưa bao giờ khổ ải như ngày nay. Bởi khổ ải vì thiên tai đã kinh hồn, người dân chống chọi tới hụt hơi, thì nay lại gánh thêm cái khổ nhân tai. Giống nòi nước Việt khổ ải thê lương quá!”

Nhiều thính giả cho biết người dân không có lựa chọn nào khác hơn là phải chấp nhận lời giải thích của chính quyền rằng “đập thủy điện xả lũ là đúng quy trình” với sự diễn giải theo nghĩa “xả lũ thì dân bị thiệt hại; bị thiệt hại thì phải xin tiền cứu dân; và như thế thì quan chức mới có dịp bòn rút tiền hỗ trợ dân”, như ý kiến của thính giả Phạm Nguyệt. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều, giống như ý kiến của thính giả Nguyễn Viết Minh:

“Người dân chúng tôi không cần biết là ‘đúng quy trình’ hay ‘không đúng quy trình’. Việc nhà máy thủy điện ngăn sông, đắp đập, tích nước, phát điện để kinh doanh buôn bán, người dân chúng tôi bỏ tiền ra mua điện để sử dụng chứ không phải cho không. Xả lũ gây thiệt hại tài sản của dân là phải bồi thường. Còn gây ra chết người thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bỏ tù chứ không thể đơn giản như nói ‘đúng quy trình’ là xong được đâu.”

Thưa quý thính giả, bên cạnh số liệu về nhân mạng và tài sản bị thiệt hại trong cơn lũ dữ ở khu vực Bắc miền Trung, trong tuần qua còn có 3 người chết và hơn chục người khác bị thương trong vụ nổ súng vào hôm 23 tháng 10, tại Dak Nông, do công ty Long Sơn san ủi đất lâm nghiệp để kinh doanh. Thông tin mới nhất là Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Dak Nông vừa ra quyết định khởi tố vụ án nổ súng này. Ở miền Bắc, vào sáng sớm 25 tháng 10, hàng trăm công an và bộ đội tiến hành cưỡng chế khu nghĩa địa Giải Phướn, khu đất cuối cùng của nông dân ở Dương Nội, bị doanh nghiệp tư nhân-Công Ty Xuất Nhập Khẩu Hà Nội lấy kinh doanh nhưng không đền bù thỏa đáng. Người dân Dương Nội kiên quyết giữ đất, có người bị đi tù như bà Cấn Thị Thêu. Thính giả Thuyen Nguyen khẳng định tình trạng cưỡng chế đất đai là câu chuyện dài ở đất nước chủ trương “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”:

“Đây là việc thường xuyên mà người dân lành luôn bị đuổi nhà để cướp đất của cường quyền, gây biết bao mất mát đau thương cho người dân. Sự bức xúc đã kéo dài đến 41 năm qua, bây giờ sự chẳng đặng đừng đó vẫn tái diễn.”

Một thính giả nhắn tin vào hộp thư thoại của Đài Á Châu Tự Do:

Chùa Liên Trì bị đập phá ngày 8 tháng 9 năm 2016. Courtesy photo

“Bây giờ những nơi chùa chiền hay đất của các nhà tu hay nhà phước cũng bị những người có chức quyền lấy sạch sành sanh để làm của tư. Dân chẳng còn gì hết. Tình trạnh như vầy thì đất nước Việt Nam cứ khổ mãi. Người dân hiền lành, chất phác lấy chổ nào mà sống. Xin những người làm việc hãy nhìn rộng ra đi. Tội nghiệp quá! Ôi, Trời ơi là Trời!”

Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái trích đăng một vài thắc mắc của thính giả nhờ Đài Á Châu Tự Do chuyển đến Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo:

“Đã có quá nhiều khu biệt thự bỏ hoang, tại sao vẫn không ngừng giải tỏa với những bủa vây với tên gọi ‘dự án’?

“Bảo vệ sự đất đai, tài sản trước sự lạm quyền của quan tham thì tại sao bị truy tố?”

Chính phủ Việt Nam có thấy dân chúng bất mãn với chế độ này vì bị chính quyền chiếm đất đai ruộng vườn, đẩy dân tới cùng đường hay không? Người dân không hiểu được đây có phải là quê hương mình và tại sao chính quyền tàn ác với dân mình như thế?”

Phải cẩn trọng khi đưa tin liên quan nhân quyền

Thưa quý vị, những thắc mắc vừa rồi cũng là câu hỏi của nhiều người dân trong nước trông đợi Chính phủ Việt Nam trả lời khi đất nước nơi họ sống ngày càng có nhiều phe nhóm lợi ích, mà tựu trung người dân là nạn nhân của mọi vấn đề tiêu cực phát sinh trong xã hội. Và dường như, họ tỏ ra thất vọng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố rằng “chống tham nhũng rất khó, vì là ta đánh ta”. Mới đây nhất, dân chúng trong nước càng hoang mang với câu hỏi họ sẽ có thể làm gì, nói gì để đóng góp cho xã hội được tốt đẹp hơn qua thông báo của Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu phóng viên phải cẩn trọng trong việc đưa tin liên quan đến nhân quyền?

Thính giả Bùi Ngọc Cương chia sẻ rất là đau đầu với thông tin vừa nêu:

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nói nhân quyền là vấn đề hết sức nhạy cảm, thường xuyên bị thế lực thù địch, thế lực xấu lợi dụng để chống phá nhà nước. Vậy, ‘thế lực thù địch’ là những ai, nó ở đâu?

-Thính giả Bùi Ngọc Cương

“Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nói nhân quyền là vấn đề hết sức nhạy cảm, thường xuyên bị thế lực thù địch, thế lực xấu lợi dụng để chống phá nhà nước. Vậy, ‘thế lực thù địch’ là những ai, nó ở đâu? Tại sao nó lại xúi dân mà không xúi nhà nước? Thật là đau đầu!”

Thính giả Nguyễn Hữu Thọ gửi lời đến Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo:

“Thưa ông Hoàng Vĩnh Bảo, nếu nhân quyền của các ông ưu việt như của Mỹ, Châu Âu hay ngay như của Hàn Quốc thì các ông sợ gì các ‘thế lực thù địch lợi dụng’? Các ông hô hào chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, xây dựng đảng trong sạch v.v, nhưng khi người dân làm những công việc đó, thì các ông viện dẫn Điều 88, Bộ luật Hình sự để bịt miệng hay phong tỏa người dân? Xin nhắc lại với ông rằng không có thế lực nào cần và muốn phá hoại các ông, mà chỉ có chính các ông tự diễn biến, tự tha hóa và xa rời người dân.”

Thính giả Nguyen Chan đề nghị Chính phủ Việt Nam rằng:

“Các ông tự vỗ ngực mình là lãnh đạo, nhưng nếu làm lãnh đạo lo cho dân cho nước thì không có một thế lực thù địch nào có thể sai khiến hay dụ dỗ được. Trước khi đổ thừa người khác, các ông hãy tự phán xét lại chính mình.”

Thính giả Tô Thị Bích lập luận là:

“Một nhà nước chính nghĩa, vững mạnh thì chẳng phải sợ thế lực thù địch nào kích động vì có sự ủng hộ của toàn dân. Một nhà nước thối tha mục rửa thì dù có che đậy đến đâu người dân lần lần cũng hiểu ra.”

Thính giả Nguyễn Thanh Long tiếp lời:

“Nhân quyền tốt, có nói xấu thì cũng chả ai chịu nghe. Nhưng nhân quyền xấu, có nói tốt thì cũng vậy thôi, không thể tô son trát phấn được đâu. Đó là con người vốn vẫn nhận thức như vậy.”

Và kết thúc chương trình hôm nay, Hòa Ái dẫn lời của một thính giả nhắn tin qua Facebook. Vị thính giả viết “Nhà nước luôn giải thích với người dân mỗi khi có sự cố xảy ra thì đều “đúng quy trình”. Chống bạo quyền vì mất đất, mất nhà phải đi tù: đúng quy trình. Tòa án trả đơn kiện Formosa: đúng quy trình. Chết vì thủy điện xả lũ: đúng quy trình…Và thậm chí, quan chức liêm khiết tậu biệt thự, nông trang ở nước ngoài, con cháu di dân sống xa hoa ở các quốc gia ‘tư bản dãy chết’ cũng đúng quy trình. Chuyện gì đang xảy ra trên đất nước Việt Nam của chúng tôi vậy?”

Mục “Trao đổi Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Trước khi kết thúc chương trình, Hòa Ái xin được trả lời các tin nhắn sau:

“Thưa quý đài, tôi tên Phong Trần. Tôi muốn nghe Đài Á Châu Tự Do mà tôi nghe không được. Xin anh chị trên đài gọi lại cho tôi biết cách nào để nghe Đài Á Châu Tự Do. Tôi xin thành thật cảm ơn. Chúc quý đài được vạn sự bình an.”

“Xin chào, em tên là Nhân Lê, sống tại miền Nam California. Em muốn nghe đài. Xin quý vị vui lòng cho một số điện thoại nào để nghe cho tiện. Xin cảm ơn.”

Quý thính giả quý mến, số điện thoại để nghe các chương trình phát thanh của Ban Việt ngữ Đài RFA là số 563-999-3262. Sau khi bấm dãy số này, quý vị bấm thêm số 1 để nghe chương trình phát thanh hàng ngày của chúng tôi. Hòa Ái xin lưu ý, hiện nay chương trình phát thanh mỗi ngày chỉ còn một chương trình buổi tối, phát trên làn sóng ngắn 22 và 25  mét cùng trên làn sóng trung bình 1503 KHz, từ 9 giờ đến 10 giờ tối, giờ Việt Nam. Và vào lúc 10 giờ tối, giờ Việt Nam, thứ Sáu hàng tuần, chương trình truyền hình 30 phút của Ban Việt ngữ được phát trực tiếp trên Facebook, Youtube và trang mạng của Ban Việt ngữ, Đài Á Châu Tự Do. Kính mong quý khán thính giả và độc giả đón xem. Ban Việt ngữ luôn mong mỏi quý vị đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm cũng như góp ý cho các chương trình phát hình trực tiếp được hoàn thiện hơn để chúng tôi tiếp tục cùng đồng hành với quý vị trong công việc chuyển tải thông tin chính xác và trung thực. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.orghoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Cảm ơn thời gian lắng nghe của quý thính giả trong mục “Trao đổi Thư tín”. Kính chúc quý vị một ngày mới an lành. Hòa Ái kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong chương trình này lần sau.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ListenerForum/corresponding-reply-1028-ha-10282016124751.html

 

Báo động làn sóng di cư ra khỏi đồng bằng sông Cửu Long

Tại cuộc hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nam Bộ sau 30 năm đổi mới 1986-2015” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 28-10 ở TP Cần Thơ cho biết người dân tại khu vực này đang có hiện tượng bỏ đi nơi khác vì kế sinh nhai của họ đang bị đe dọa nặng nề vì biến đổi khí hậu cũng như các khó khăn dân sinh khác ngày càng tồi tệ hơn

Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là trong một thời gian quá lâu, khu vực này chỉ chuyên tâm về trồng lúa còn cây ăn trái đã bị lãng quên khiến người nông dân không thể đối phó khi ngập mặn khô hạn xảy ra do biến đổi khí hậu.

Bên cạnh người nông dân là các lĩnh vực khác như công nghiệp, xây dựng hay chăn nuôi, dịch vụ cũng gặp khó khăn vì ảnh hưởng dây chuyền

Theo các công bố cho thấy các tỉnh ven biển như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang từ năm 2008 tới nay đà phát triển chậm lại đến mức có lúc rất tệ như năm 2015.

Hạ tầng giao thông yếu kém góp phần tạo ra chậm phát triển. Đường xá hư hỏng khiến việc chuyên chở khó khăn làm hư hỏng sản phẩm và gây thiệt hại cho người dân rất lớn.

Dòng người dân bỏ xứ ra đi ngày một nhiều đến báo động. Nơi đến của họ là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai chủ yếu làm đủ thứ công việc để kiếm sống gây gánh nặng cho các thành phố này trong việc phân bỗ lao động và vấn đề nhập cư.

Thêm vào đó là tình trạng lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đã khiến hàng trăm ngàn cô gái bỏ xứ ra đi tìm một đời sống khác cũng đang hình thành những vấn đề đáng quan ngại.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/mekong-delta-alert-the-wave-of-farmers-leaving-10292016011835.html

 

Thêm hai nghi can trong vụ Dak Nong đầu thú

Chiều ngày 29 tháng 10 công an điều tra tỉnh Dak Nông cho báo chí biết hai nghi can Ninh Viết Thọ, 36 tuổi và Ninh Viết Bình, 34 tuổi em ruột của Thọ, đã ra cơ quan công an đầu thú.

Trước đó, sáng ngày 28 tháng 10, ông Đặng Văn Hiến 40 tuổi, ngụ tại Bình Phước cũng đã ra đầu thú. Một người khác, ông Hà Văn Trường 31 tuổi, đã bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 28-10 về tội “giết người”.

Vụ án xảy ra vào lúc 8g sáng hôm 23-10 khi hơn 20 công nhân, bảo vệ của Công ty Long Sơn với các hung khí nguy hiểm đã đến khu vực đất của gia đình ông Hoàng Văn Thắng thuộc tiểu khu 1535, xã Quảng Trực dùng máy ủi san lấp vườn điều của gia đình ông này.

Phẫn nộ trước việc công khai phá hoại tài sản gia đình của công ty Long Sơn, ông Hoàng Văn Thắng và những người liên quan đã phản ứng quyết liệt bằng cách dùng súng hoa cải tấn công vào đám người này gây cho ba người thiệt mạng và 16 người khác bị thương.

Hiện tại vụ án này chỉ còn Ninh Viết Vương là em họ của Bình, được xác định có liên quan đến vụ án đang bỏ trốn, cơ quan công an đang tiếp tục truy bắt.

Theo UBND huyện Tuy Đức, nguyên nhân xảy ra án mạng là do Công ty Long Sơn tự ý tổ chức lực lượng đi “cưỡng chế” mà không báo chính quyền địa phương.

Đây là vụ xả súng gây thương vong nhiều nhất trong nhiều năm qua. Lý do là người dân bị dồn đến chân tường do chính quyền địa phương bao che cho công ty tư nhân ngang nhiên chiếm đất của người dân mà chưa thỏa thuận việc đền bù giải tỏa. Tình trạng này đã xảy ra liên tục từ nhiều chục năm nay mà vụ trước đó là vụ án Tiên Lãng của anh em nhà Đoàn Văn Vươn đã sử dụng súng hoa cải chống lại lực lượng cưỡng chế vào sáng ngày  5 tháng 1 năm 2012.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/two-more-suspect-in-dak-nong-case-surrender-10292016061118.html

 

Tổng biên tập Báo Lao Động Và Xã Hội

bị ‘bắt khẩn cấp’ vì đánh bạc

Lại thêm một nhân vật đứng đầu của báo chí trong nước Việt Nam bị hạ bệ. Ông Nguyễn Thành Phong, tổng biên tập báo Lao Động Và Xã Hội vừa bị công an thành phố Hà Nội bắt và tạm giữ hình sự, để điều tra về tội đánh bạc.

Báo Tuổi Trẻ hôm 28 tháng 10 đưa tin Cảnh Sát Hình Sự PC45 đã bắt giữ ông Phong vào ngày 26 tháng 10. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Đào Ngọc Dung, Bộ Trưởng Lao Động Thương Binh Và Xã Hội Cộng Sản Việt Nam, cơ quan làm chủ tờ báo do ông Phong điều hành, cho biết ông đã ký quyết định tạm đình chỉ chức tổng biên tập báo Lao Động Và Xã Hội đối với ông Nguyễn Thành Phong sau khi nhận được thông báo của công an Hà Nội về việc “bắt khẩn cấp” và tạm giữ ông Phong.

Cùng với việc tạm đình chỉ chức vụ, ông Dung cho biết cơ chế đảng cũng có quyết định tạm đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Phong.

Cho đến nay giới hữu trách không tiết lộ ông Phong bị bắt trong hoàn cảnh nào, tại đâu, với những chứng cứ gì, và có ai khác cùng bị bắt với ông. Theo báo Tuổi Trẻ, chính bộ trưởng Bộ Lao Động Đào Ngọc Dung tiết lộ rằng ông Phong đã bị công an Hà Nội “bắt khẩn cấp” trong khi đánh bạc ngoài giờ làm việc và ngoài sở làm.

Riêng trong tháng 10 năm 2016, đã có ít nhất bốn nhân vật đứng đầu cơ quan báo chí phải ra đi, gồm Nguyễn Như Phong, tổng biên tập báo Petrotimes; Võ Khối, tổng thư ký báo Thanh Niên; Lê Bình, giám đốc trung tâm tin tức VTV24 thuộc đài truyền hình nhà nước VTV. Mỗi người bị hạ bệ một kiểu, và biện pháp “bắt khẩn cấp” trong khi đánh bạc, ở ngoài chỗ làm việc và ngoài giờ làm việc, là kiểu mới nhất.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/tong-bien-tap-bao-lao-dong-va-xa-hoi-bi-bat-khan-cap-vi-danh-bac/

 

Điều tra khách sạn New World Saigon

vụ 34 học sinh Nhật Bản ngộ độc

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc hôm Thứ Bảy 29/10 ra lệnh điều tra sự việc 34 hành khách Nhật Bản bị ngộ độc trên một chuyến bay của Vietnam Airlines đáp xuống phi trường ở Tokyo.

Trong cùng ngày, Tổng Cục Du Lịch Việt Nam cũng cho biết đang cấp tốc tìm hiểu nguyên nhân làm các du khách trên chuyến bay VN300 gặp vấn đề về sức khỏe hôm Thứ Sáu 28 tháng 10. Hiện nay các giới chức Nhật Bản và Việt Nam dường như đã loại trừ nguyên nhân khả dĩ là thực phẩm trên máy bay của Vietnam Airlines có thể khiến cho hành khách ngộ độc.

Chiếc máy bay Boeing 787 đó đã được giới chức phi trường Narita ở Tokyo kiểm tra và cho phép hoạt động trở lại. Chiếc máy bay đã đường trở về Việt Nam vào cùng ngày Thứ Sáu 28/10.

Hiện nay, cuộc điều tra của giới hữu trách Việt Nam và Nhật Bản nhắm vào thực phẩm mà các du khách Nhật Bản đã ăn tại khách sạn 5 sao New World Saigon, nơi đoàn học sinh Nhật Bản đã lưu trú. Đoàn này có 264 thành viên, gồm chín giáo viên, một điều dưỡng viên, ba trưởng đoàn và 251 học sinh lớp 11 của trường trung học KOJO 1024. Đoàn đã ở tại Sài Gòn từ ngày 24 đến 27 tháng 10, để tham gia những hoạt động du lịch và giao tiếp thân hữu với học sinh Sài Gòn. Chuyến đi do công ty JTB của Nhật Bản tổ chức, và công ty JTB-TNT của Việt Nam phục vụ. Công ty JTB-TNT đang được yêu cầu lấy giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của khách sạn và các mẫu thức ăn liên quan.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/dieu-tra-khach-san-new-world-saigon-vu-34-hoc-sinh-nhat-ban-ngo-doc/

 

Tiểu thương Bạc Liêu

mang quan tài diễu phố phản đối di dời chợ

Hàng trăm chủ sạp ở chợ Gành Hào trong tỉnh Bạc Liêu trong hai ngày qua mang quan tài diễu phố, để phản đối việc nhà cầm quyền di dời chợ cũ sang chợ mới.

Theo báo mạng VnExpress, lực lượng hữu trách huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu hôm Tứ Sáu 28/10 tổ chức di dời chợ cũ Gành Hào sang Trung Tâm Thương Mại Gành Hào, cách đó khoảng 400 mét. Tuy nhiên, họ vấp phải phản ứng gay gắt của các tiểu thương. Một số chủ sạp hàng mua hai chiếc quan tài còn mới đặt ở giữa con đường đi qua trung tâm thị trấn Gành Hào. Sau đó họ cử hành một cuộc diễn hành rước quan tài đi qua vài con đường khác, thu hút nhiều sự chú ý của người đi đường và cư dân địa phương.

VnExpress dẫn lời một viên chức huyện nói rằng khu chợ cũ đã xuống cấp do xây dựng đã lâu, không bảo đảm an toàn hỏa hoạn. Nhà chức trách đã nỗ lực thuyết phục các tiểu thương nhiều lần, nhưng nhiều người vẫn không chấp nhận di dời.

Trong khi đó, các tiểu thương cho rằng trong việc nhà cầm quyền địa phương cho dời chợ về Trung Tâm Thương Mại Gành Hào có nhiều điều khuất tất. Khu chợ mới cũng bị chê là nhếch nhác, không thuận tiện cho việc mua bán. Theo VnExpress, ông Bùi Minh Túy, chủ tịch huyện Đông Hải, giải thích vụ mang quan tài diễu phố là do một số tiểu thương bị một nhóm người kích động. Ông này không nói rõ nhóm người nào kích động các tiểu thương, và vì lý do gì, nhưng cho biết đã nhờ công an giải quyết.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/tieu-thuong-bac-lieu-mang-quan-tai-dieu-pho-phan-doi-di-doi-cho/

 

Nhà cầm quyền Hà Nội cắt điện khu vực nhà thờ Thái Hà

để ngăn cản nhóm No-U tổ chức sinh nhật 5 năm

Vào tối ngày 28 tháng 10 năm 2016, nhóm No-U Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 5 năm thành lập tại Nhà thờ giáo xứ Thái Hà, Hà Nội nhưng đã bị nhà cầm quyền Hà Nội ra lệnh cắt điện, cắt sóng điện thoại.

Trong buổi lễ kỷ niệm có sự hiện diện của Linh mục Trịnh Ngọc Hiên – Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, giáo dân xứ Thái Hà, một số bạn trẻ của Đảng Cộng Hoà do Nguyễn Viết Dũng thành lập, cùng với toàn bộ thành viên của Nhóm No-U Hà Nội.

Anh Lã Việt Dũng – thành viên của No-U Hà Nội cho biết: “khi vừa mới bắt đầu thì nhà cầm quyền đã cắt điện sáng khu vực Đền thánh Giêrado, nhà Dòng và nhà thờ Thái Hà. Nên chúng tôi đã phải tổ chức trong ánh nến lung linh, chính vậy mà không khí lại càng vui và náo nhiệt. Dù nhà cầm quyền có dùng biện pháp gì để ngăn cản chúng tôi tổ chức, thì cũng không ngăn cản được tinh thần chống sự xâm lăng Việt Nam từ Trung Cẩu”.

Được biết, Nhóm No-U là biểu tượng do tiến sĩ Nguyễn Quang A đề nghị, giúp người dân cùng nhau lên tiếng phản đối đường lưỡi bò 9 đoạn vô lý do cộng sản Bắc Kinh đưa ra. Nhóm No-U đơn giản chỉ là những thanh niên và trung niên yêu quê hương đất nước và yêu thể thao. Họ quy tụ lại với nhau để thành lập câu lạc bộ bóng tròn, và gặp nhau mỗi tuần vào chiều Chúa nhật tại các sân banh trong thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã nhiều lần ngăn cản các thành viên No-U tổ chức đá banh, cho công an giả dạng côn đồ hành hung một số thành viên của nhóm lúc trên đường về.

Linh mục Lê Ngọc Thanh chia sẻ cảm xúc trên trang facebook cá nhân: “Đây là một việc làm, khiến cho dân chúng không thể yêu mến chế độ được. Việc nhà cầm quyền Hà Nội cố tình gây rối và cúp điện tối nay, 28.10.2016, tại Thái Hà là góp phần yêu nước, hay cộng tác với sự cũng cố chứng cứ đoạn đường 9 khúc trên Biển Đông do Tàu cộng đưa ra?”

Nguyên Nguyễn/SBTN

http://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-ha-noi-cat-dien-khu-vuc-nha-tho-thai-ha-de-ngan-can-nhom-no-u-to-chuc-sinh-nhat-5-nam/

 

Lại thêm một nạn nhân tử vong sau khi làm việc với công an

Sau khi bị công an xã bắt lên đồn làm việc, ông Nguyễn Cao Tấn (sinh năm 1971, xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) trở về nhà với dấu hiệu mệt mỏi, thân hình có nhiều vết bầm tím do đánh đập. Tối đó ông đi ngủ, sáng hôm sau người nhà phát giác ông đã qua đời.

Từ những điều tra sơ khởi, cái chết của ông Tấn như sau: Ngày 27/10/2016, con trai ông Tấn bị mất một chiếc điện thoại Iphone 4, anh này đã lên trình báo với công an. Cùng ngày, công an xã Lãng Công bắt ông Tấn lên làm việc.

Đến chiều tối vẫn chưa thấy ông Tấn về, người nhà liền mang cơm đến đồn công an cho ông. Tại đây, công an nói ông Tấn đã về nhà.

Người thân và xóm giềng qua nhà ông Tấn để hỏi han sự tình, thấy những vết bầm trên thân thể ông Tấn liền thắc mắc. Ông Tấn cho biết do bị công an đánh đập dữ quá. Những vết bầm tím có ở khắp nơi trên người ông, từ trên mặt cho đến cánh tay và cả trên bụng.

Sau đó, ông nói trong người mệt nên chỉ muốn đi ngủ. Trước khi đi ngủ, ông chỉ kịp uống hộp sữa.

Sáng hôm sau (ngày 28/10), người nhà thấy ông Tấn vẫn không chịu thức dậy bèn lay ông, họ phát hiện thân thể ông cứng đơ, ngừng thở liền đưa đi bệnh vệnh cấp cứu. Tuy nhiên bác sĩ cho biết nạn nhân đã tử vong.

Người nhà trong gia đình cho báo chí biết, câu cuối cùng mà ông Tấn nói với họ là: “Công an đánh tao đau quá!”

Sau khi ông Tấn chết, gia đình liền làm đơn gửi lên các cơ quan có trách nhiệm. Phóng viên liên lạc với ông Lương Duy Tuyển, trưởng công an xã Lãng Công để hỏi về cái chết của ông Nguyễn Cao Tấn nghi ngờ do công an đánh. Ông Tuyển gạt phắt, khẳng định ông Tấn chết là do bị cảm, không phải do công an đánh.

Còn ông Kim Văn Tiến, trưởng công an huyện Sông Lô cho biết bộ phận pháp y đang tiến hành khám nghiệm tử thi để điều tra nguyên nhân. Dù đang được điều tra, nhưng ông Tiến phủ nhận việc ông Tấn chết là do bị đánh tại trụ sở công an xã.

Ngọc Quân/SBTN

http://www.sbtn.tv/lai-them-mot-nan-nhan-tu-vong-sau-khi-lam-viec-voi-cong-an/